C1.P4 Cuộc đấu tranh của Plekhanov chống chủ nghĩa dân túy và việc truyền bá chủ nghĩa Mác vào nước Nga.

Tài liệu: Lịch sử Đảng Cộng sản Bolsheviks Liên Xô được phát hành lần đầu vào năm 1938. Trong bài thơ Tức cảnh Pác Pó của chủ tịch Hồ Chí Minh, chi tiết dịch sử Đảng trong bài thơ này chính là cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Bolsheviks Liên Xô.



===============================

Chương 1. Cuộc đấu tranh để thành lập Đảng Công nhân Dân chủ xã hội ở nước Nga.


1.2.2. Cuộc đấu tranh của Plekhanov chống chủ nghĩa dân túy và việc truyền bá chủ nghĩa Mác vào nước Nga.


Nhóm “Giải phóng lao động” đã mở ra cuộc đấu tranh chống những quan điểm sai lầm của phái dân túy, vạch rõ học thuyết và phương thức đấu tranh của phái dân túy đã làm hại cho công nhân như thế nào.

Trong những tác phẩm của Plekhanov viết chống lại phái dân túy, ông chỉ rõ rằng quan điểm của phái này không có gì giống với chủ nghĩa xã hội khoa học cả, mặc dù họ tự xưng là những người xã hội chủ nghĩa.

Plekhanov là người đầu tiên đã phê bình theo quan điểm mác-xít những quan điểm sai lầm của phái dân túy. Bằng những đòn chính xác đánh trúng vào quan điểm của phái ấy, ông đã đồng thời bảo vệ một cách xuất sắc những quan điểm mác-xít.

Những quan điểm sai lầm của phái dân túy mà Plekhanov đã đánh cho một đòn chí tử là gì ?

Trước hết, phái dân túy khẳng định rằng chủ nghĩa tư bản ở Nga chỉ là một hiện tượng “ngẫu nhiên”, chủ nghĩa tư bản sẽ không phát triển ở Nga, do đó giai cấp vô sản Nga cũng sẽ không trưởng thành và phát triển được.

Hai là, phái ấy không cho giai cấp công nhân là giai cấp tiền phong trong cách mạng. Họ mơ tưởng đạt đến chủ nghĩa xã hội không cần đến giai cấp vô sản. Họ cho rằng lực lượng chủ yếu của cách mạng là nông dân dưới sự lãnh đạo của trí thức và công xã nông dân mà họ coi là mầm mống và cơ sở của chủ nghĩa xã hội.

Ba là, họ có một quan điểm sai lầm và nguy hại đến toàn bộ tiến trình của lịch sử nhân loại. Họ không biết và không hiểu được những quy luật phát triển kinh tế và chính trị xã hội. Về phương diện ấy, bọn họ là những người hoàn toàn lạc hậu. Theo họ, không phải giai cấp và đấu tranh giai cấp làm nên lịch sử, mà chỉ có một số cá nhân lỗi lạc, tức là những vị “anh hùng”, mới làm nên lịch sử, quần chúng “đám dân đen”, nhân dân, các giai cấp thì mù quáng đi theo những người ấy.

Khi đấu tranh và vạch mặt bọn dân túy, Plekhanov đã viết rất nhiều tác phẩm mác-xít có tác dụng giáo dục và đào tạo những người mác-xít Nga. Những tác phẩm của Plekhanov như: Chủ nghĩa xã hội và đấu tranh chính trị; Những điều bất đồng giữa chúng ta; Bàn về vấn đề sự phát triển của quan điểm nhất nguyên về lịch sử ,… đã dọn đường cho sự thắng lợi của chủ nghĩa Mác ở Nga.

Trong những tác phẩm ấy, Plekhanv đã trình bày các vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác. Quyển Bàn về vấn đề sự phát triển của quan điểm nhất nguyên về lịch sử của ông xuất bản 1895, có tầm quan trọng đặc biệt, Lê-nin đã chỉ rõ rằng quyển sách ấy “đã giáo dục cả một thế hệ mác-xít Nga”.

Trong những tác phẩm chống lại phái dân túy, Plekhanov chứng minh rằng nêu vấn đề như bọn dân túy nêu ra sau đây thì thật phi lý: chủ nghĩa tư bản có phải phát triển ở Nga hay không ? Dẫn ra nhiều sự kiện để chứng minh điều đó, Plekhanov đã nói rằng : vấn đề là ở chỗ nước Nga đã bước vào con đường phát triển tư bản chủ nghĩa và không có lực lượng nào có thể lái nước Nga ra khỏi con đường ấy được.

Nhiệm vụ của những người cách mạng không phải là kìm hãm sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở Nga – điều đó dầu sao thì họ cũng không thể nào làm được ! Nhiệm vụ của những người cách mạng là dựa vào lực lượng cách mạng hùng hậu do sự phát triển của chủ nghĩa tư bản tạo ra, - dựa vào giai cấp công nhân, phát triển sự giác ngộ của giai cấp họ, tổ chức họ, giúp đỡ họ thành lập chính đảng công nhân của họ.

Plekhanov đã đập tan quan điểm sai lầm cơ bản thứ hai của phái dân túy là phủ nhận vai trò tiền phong của giai cấp vô sản trong đấu tranh cách mạng. Phái dân túy xem sự xuất hiện của giai cấp vô sản ở Nga như một “sự không may trong lịch sử” và thường viết về “cái ung độc vô sản”. Plekhanov bênh vực học thuyết của chủ nghĩa Mác và cho rằng học thuyết ấy hoàn toàn có thể áp dụng ở nước Nga, chứng minh rằng mặc dù nông dân chiếm đa số và giai cấp vô sản thì tương đối ít ỏi, song những người cách mạng phải đặt hy vọng chủ yếu vào giai cấp vô sản, vào sự phát triển của nó.

Plekhanov cũng đã đập tan quan điểm sai lầm thứ ba của phái dân túy là về vai trò hàng đầu của các vị “anh hùng”, của những cá nhân lỗi lạc và tư tưởng của họ trong sự phát triển xã hội, và về vai trò không có gì đáng kể của quần chúng, “đám dân đen”, nhân dân, giai cấp. Ông lên án bọn dân túy là duy tâm và chứng minh rằng chân lý không ở phía chủ nghĩa duy tâm, mà ở phía chủ nghĩa duy vật của Mác và Ăng-ghen.

Những tác phẩm của Plekhanov và cuộc đấu tranh của ông chống phái dân túy đã phá tan ảnh hưởng của phái ấy trong lớp trí thức cách mạng. Tuy nhiên, việc đánh bại phái dân túy về mặt tư tưởng hoàn toàn chưa thực hiện xong. Nhiệm vụ này – đánh đổ chủ nghĩa dân túy, kẻ thù của chủ nghĩa Mác – phải chờ đến Lê-nin mới giải quyết được.

Chẳng bao lâu sau khi đảng “Dân ý” bị phá tan, phần đông bọn dân túy đã từ bỏ cuộc đấu tranh cách mạng chống chính phủ Nga hoàng và bắt đầu tuyên truyền vệc hòa hoãn, thỏa hiệp với chính phủ đó. Những người dân túy trong những năm 80 và 90 thế kỷ XIX đã trở thành những người thể hiện lợi ích của bọn ku-lắc (phú nông Nga).

Nhóm “Giải phóng lao động” cũng có những sai lầm nghiêm trọng. Bản dự án cương lĩnh đầu tiên còn đầy vết tích quan điểm dân túy, cũng tán thành sách lược khủng bố cá nhân. Hơn nữa, Plekhanov không tính rằng trong quá trình cách mạng, giai cấp vô sản có thể và phải kéo nông dân theo mình, rằng chỉ có liên minh với nông dân thì giai cấp vô sản mới thắng được chế độ Nga hoàng. Plekhanov coi giai cấp tư sản tự do là một lực lượng có thể ủng hộ cách mạng mặc dầu sự ủng hộ đó không vững chắc; còn về nông dân thì trong một số tác phẩm ông không hề đả động đế; ví dụ ông viết:

“Ở nước ta, ngoài giai cấp tư sản và giai cấp vô sản ra, chúng ta không thấy có lực lượng xã hội nào khác có thể là chỗ dựa cho những phái đối lập hay cách ạng” (Plekhanov tuyển tập).

Những quan điểm sai lầm ấy của Plekhanov là mầm mống của những quan điểm mensheviks của ông sau này.

Hồi ấy, cả nhóm “Giải phóng lao động” lẫn các tổ chức mác-xít đều chưa thực tế liên hệ với phong trào công nhân. Đó mới là thời kỳ mà học thuyết mác-xít, những tư tưởng mác-xít, những luận điểm có tính chất cương lĩnh của đảng dân chủ -xã hội bắt đầu xuất hiện và được củng cố ở Nga. Trong khoảng mười năm 1884-1894, đảng dân chủ -xã hội còn tồn tại dưới hình thức những nhóm và những tổ nhỏ riêng rẽ không có liên hệ hay chỉ liên hệ rất ít với phong trào công nhân có tính chất quần chúng. Giống như một đứa con chưa sinh ra nhưng đã phát triển trong bụng mẹ, đảng dân chủ xã hội đã trãi qua – như Lê-nin nói “một quá trình phát triển trong bụng mẹ”.

Lê-nin chỉ rõ rằng nhóm “Giải phóng lao động” : chỉ mới thành lập đảng dân chủ -xã hội về mặt lý luận và chỉ mới thực hiện bước đầu đáp ứng với phong trào công nhân mà thôi.

Và Lê-nin sau này phải giải quyết nhiệm vụ cũng như kết hợp chủ nghĩa mác với phong trào công nhân ở nước Nga và cả nhiệm vụ sửa chữa những sai lầm của “Nhóm giải phóng lao động”.

#Gấu