C1.P3. Việc tước đoạt giai cấp tư sản và việc tập trung những mạch máu kinh tế quốc dân trong tay chính quyền Xô viết.


Khi bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản và Chính phủ Xô viết theo đúng cương lĩnh kinh tế do Đảng đã vạch ra trong thời kỳ chuẩn bị cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Điều kiện cần thiết cho việc xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa là Nhà nước vô sản phải chiếm lấy những mạch máu kinh tế quốc dân, tức là tập trung trong tay mình đại công nghiệp, ngân hàng, đường sắt và ngoại thương.

Quốc hữu hóa công nghiệp là một nhiệm vụ cực kỳ phức tạp. Đảng thấy rằng việc thực hiện yêu cầu có tính chất cương lĩnh đó phải tùy thuộc ở mức độ chuẩn bị quản lý sản xuất của giai cấp công nhân. Khi công nhân còn chưa có kinh nghiệm quản lý sản xuất mà đã vội tước đoạt giai cấp tư sản ngay thì có thể đẩy nước nhà vào một tai họa kinh tế.

Biện pháp chuẩn bị quan trọng hơn hết để tiến tới quốc hữu hóa những tài sản tư nhân tư bản chủ nghĩa là thực hiện việc công nhân kiểm soát sản xuất và phân phối sản phẩm tại các xí nghiệp tư doanh (các xí nghiệp này vẫn là của chủ tư bản). Như đã nói, khẩu hiệu kiểm soát của công nhân được công nhân thừa nhận và ủng hộ ngay từ thời kỳ chuẩn bị cách mạng xã hội chủ nghĩa. Sau khi cách mạng thắng lợi, vai trò và ý nghĩa của việc công nhân kiểm soát thay đổi về cơ bản. Từ chỗ là biện pháp đấu tranh cách mạng của quần chúng nhằm thiết lập nền chuyên chính vô sản, việc kiểm soát của công nhân trở thành một biện pháp quan trọng để chuẩn bị tước đoạt tài sản của giai cấp tư sản và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công nghiệp.

Lê-nin coi vấn đề tổ chức thật gấp việc kiểm soát của công nhân trong toàn quốc là một vấn đề cực kỳ quan trọng và ngay trong những ngày đầu tiên sau Cách mạng tháng Mười. Người đã thảo ra bản “Dự thảo điều lệ việc kiểm soát của công nhân”.

Sắc lệnh về việc kiểm soát của công nhân được ban hành vào ngày 14 tháng Mười một 1917. Sắc lệnh này chủ trương để cho các Ủy ban công nhân can thiệp tích cực vào mọi phương diện của sản xuất và phân phối sản phẩm. Các cơ quan kiểm soát của công nhân được quyền giám sát việc sản xuất, quy định mức sản xuất tối thiểu của xí nghiệp và điều tra giá thành của sản phẩm làm ra. Các chủ xí nghiệp bắt buộc phải cung cấp mọi tài liệu cho các cơ quan kiểm soát của công nhân. Bí mật về thương mại bị thủ tiêu. Những quyết định của các cơ quan kiểm soát của công nhân đều có tính chất bắt buộc đối với các chủ xí nghiệp.

Giai cấp tư sản điên cuồng chống lại việc thực hiện sự kiểm soát của công nhân. Các tổ chức chủ kinh doanh ở Mát-xcơ-va, U-ran, Đôn-bát kêu gọi các hội viên của mình hãy tích cực chống lại việc thiết lập quyền kiểm soát của công nhân tại các xí nghiệp của chúng. Các hội nghị của các chủ kinh doanh trong các tổ chức công thương và của hội các chủ nhà máy, chủ xí nghiệp ở Pê-tơ-rô-grát ra quyết nghị đóng cửa các xí nghiệp nào định thiết lập việc kiểm soát của công nhân.

Trong cuộc đấu tranh chống lại việc kiểm soát của công nhân, giai cấp tư sản Nga được bọn đế quốc nước ngoài tích cực ủng hộ. Tháng Mười một 1917, các lãnh sự nước ngoài tại Mát-xcơ-va phản kháng việc thi hành việc kiểm soát của công nhân tại các xí nghiệp của tư bản ngoại quốc.

Bọn tư bản một mặt đấu tranh công khai chống lại việc kiểm soát của công nhân, một mặt tiến hành phá hoại ngầm hòng làm thất bại chính sách kinh tế của chính quyền Xô viết và giữ cho những tài sản của chúng khỏi bị quốc hữu hóa. Việc phá hoại ngầm biểu hiện ở việc giả mạo và làm lẫn lộn các giấy tờ sổ sách của xí nghiệp, bí mật bán hết những nguyên liệu cần thiết, tích trữ trong kho những hàng hóa đang khan hiếm trên thị trường, khiêu khích để gây xung đột với công nhân, cố tình gây quan hệ căng thẳng giữa công nhân với các nhân viên kỹ thuật và các kỹ sư.

Sắc lệnh vệc việc kiểm soát của công nhân có ý nghĩa lớn lao trong việc phát huy tính tích cực sáng tạo và những sáng kiến của quần chúng công nhân. Nó chuẩn bị để chuyển sang điều tiết toàn bộ nền kinh tế quốc dân theo kế hoạch hóa và chuyển sang việc Nhà nước quản lý sản xuất.

Hoạt động trong hoàn cảnh đấu tranh giai cấp quyết liệt, mỗi bước đi đều vấp phải kháng cự của giai cấp tư sản, các cơ quan kiểm soát của công nhân đã biến thành các cơ quan quản lý công nghiệp của công nhân. Việc bọn tư bản không chịu phục tùng quyền kiểm soát của công nhân và định đóng cửa các xí nghiệp đã bắt buộc các Ủy ban nhà máy – công xưởng phải nắm lấy việc quản lý sản xuất.

Ngay trong những tháng đầu tiên sau cách mạng đã có hàng loạt nhà máy và công xưởng lớn bị quốc hữu hóa theo yêu cầu của công nhân tại các xí nghiệp đó. Thực hiện việc kiểm soát của công nhân là một biện pháp đấu tranh quan trọng và rất có hiệu quả để chống lại sự phá hoại của bọn tư sản và chống lại những phần tử tiểu tư sản vô chính phủ. Tại các xí nghiệp bị bọn chủ bỏ lại hoặc đóng cửa, các Ủy ban công nhân đã đứng ra tổ chức sản xuất và đã cứu các công cụ khỏi bị ăn cấp và hủy hoại.

Các cơ quan kiểm soát của công nhân đã làm một việc rất lớn là chuyển các nhà máy và các công xưởng trước đây sản xuất các sản phẩm chiến tranh sang sản xuất thời bình. Các tổ chức của công nhân (như Ủy ban nhà máy – công xưởng, các Hội đồng kiểm soát của công nhân) đấu tranh kiên quyết chống lại âm mưu của bọn tư bản để mặc công nhân công nghiệp không có nguyên liệu và nhiên liệu. Về mặt này, các tổ chức của công nhân ở Pê-tơ-rô-grát đã làm được một việc đặc biệt to lớn. Trong vòng hai tháng (tháng Mười – tháng Giêng 1919), đã phân phối cho các xí nghiệp trong thành phố hơn 1 triệu pút than và gần 400 ngàn pút sản phẩm dầu lửa trong thời kỳ rất khan hiếm.

Lĩnh vực công tác khó khăn nhất của các Ủy ban nhà máy – công xưởng là tổ chức kiểm soát hoạt động tài chính của các xí nghiệp. Trong những tháng đầu tiên sau Cách mạng tháng Mười, chỗ yếu nhất trong công tác của các ủy ban này là việc kiểm soát tài chính. Cuộc điều tra tại 600 xí nghiệp ở Mát-xcơ-va vào tháng Hai 1918 cho thấy rằng, trong tổng số các xí nghiệp nằm trong diện kiểm soát của công nhân có 32% số xí nghiệp được kiểm kê về nguyên liệu, 27% về nhiên liệu và chỉ có 8% được kiểm kê về tài chính mà thôi.

Lợi dụng việc công nhân không am hiểu về hoạt động tài chính của xí nghiệp, bọn tư bản tìm mọi cách ngăn cản các cơ quan của công nhân tiến hành kiểm soát về tài chính. Chúng giả mạo các chứng từ tài vụ hòng làm cho các xí nghiệp không có vốn lưu động. Ngoài ra, chúng còn thi hành đủ các mưu gian khác. Nhưng dần dần công nhân cũng có kinh nghiệm cần thiết trong lĩnh vực công tác này.

Các cơ quan kiểm soát của công nhân cũng làm một công tác to lớn để củng cố kỷ luật lao động tại các xí nghiệp. Đảng cộng sản giải thích cho công nhân hiểu rằng kỷ luật lao động mới xã hội chủ nghĩa là một trong những biện pháp cơ bản để đấu tranh khắc phục tình trạng rối loạn của kinh tế và chống sự phá hoại của bọn chủ. Các Ủy ban nhà máy – công xưởng đấu tranh kiên quyết với những kẻ bỏ việc, những kẻ làm biếng và những kẻ vi phạm kỷ luật lao động khác.

Trong thực tiễn, việc thi hành chế độ kiểm soát của công nhân tại các xí nghiệp trước khi quốc hữu hóa xác nhận rằng, Đảng Cộng sản và Chính phủ Xô viết đánh giá hoàn toàn đúng tầm quan trọng của biện pháp này.

Việc kiểm soát của công nhân trở thành một TRƯỜNG HỌC để công nhân thực tập quản lý sản xuất.

Sau Cách mạng tháng Mười thắng lợi, một nhiệm vụ đặt ra trước giai cấp công nhân là phải quản lý nền kinh tế quốc dân, đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Trong điều kiện chủ nghĩa tư bản, công nhân không thể nào có được những hiểu biết cần thiết trong lĩnh vực kỹ thuật, kinh tế và tài chính để tổ chức sản xuất. Đã thế, những kinh nghiệm thực tiễn và quản lý sản xuất họ cũng không có nốt. Những khó khăn này bản thân nó đã cực kỳ to lớn, song tình trạng kinh tế bị tàn phá khủng khiếp và sự phá hoại gắt gao của giai cấp tư sản và một bộ phận cán bộ kỹ thuật và kỹ sư ủng hộ chúng, càng làm cho những khó khăn này tăng lên gấp bội.

Việc kiểm soát của công nhân đóng một vai trò rất lớn trong việc đào tạo những cán bộ quản lý nền công nghiệp xã hội chủ nghĩa. Có không ít những giám đốc “đỏ” của các công xưởng và các nhà máy đã quốc hữu hóa vốn xuất thân từ các Ủy ban nhà máy – công xưởng.

Việc kiểm soát của công nhân là một biện pháp chuẩn bị quan trọng mà không có nó thì không thể bắt tay vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội được. Tại Đại hội bất thường các Xô viết toàn Nga lần IV, lãnh tụ Lê-nin đã nói rõ rằng: “phải coi kiểm soát của công nhân là một bước cơ bản đầu tiên và có tính chất bắt buộc đối với bất cứ một chính phủ công nhân, bất cứ một chính phủ xã hội chủ nghĩa nào” (1). Lenin dạy rằng, chỉ khi nào giai cấp công nhân học thông việc quản lý sản xuất rồi thì mới có thể chuyển sang chủ nghĩa xã hội được.

Kinh nghiệm Liên Xô trong việc tổ chức sự kiểm soát của công nhân đối với sản xuất xã hội và phân phối sản phẩm, trong việc khắc phục sự phá hoại và chống đối của giai cấp tư sản, trong việc phát huy tính tích cực của sáng tạo và sáng kiến của quần chúng nhân dân có ý nghĩa quốc tế vô cùng to lớn. Đó là bài học kinh nghiệm mà nhiều nước dân chủ nhân dân khi bước sang chủ nghĩa xã hội đã học tập và áp dụng đã tạo được những bước bức phá của thời kỳ đầu tiên trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa.

Việc quốc hữu hóa các ngân hàng đóng vai trò rất lớn trong việc củng cố chuyên chính vô sản và thiết lập quyền kiểm soát của Nhà nước trong nền kinh tế.

Ngay trong những ngày đầu tiên sau Cách mạng tháng Mười, chính quyền Xô viết đã nắm lấy Ngân hàng Nhà nước – trung tâm của hệ thống ngân hàng toàn quốc. Ngân hàng Nhà nước bị đội quân vũ trang của Ủy ban quân sự cách mạng chiếm lấy ngày 7 tháng Mười một năm 1917. Những âm mưu phá hoại của bọn viên chức cao cấp trong ngân hàng Nhà nước nhầm chống lại những biện pháp của chính quyền Xô viết đều được khắc phục mau chóng.

Chiếm Ngân hàng Nhà nước là một việc hệ trọng phi thường. Chính quyền Xô viết nắm trong tay tiền tệ và kho dự trữ vàng của nước nhà là những vốn cần thiết để thi hành những biện pháp cách mạng, đồng thời nó cũng nắm được quyền kiểm soát việc lưu thông và phát hành tiền tệ. Nhờ chiếm được Ngân hàng Nhà nước, có thể thiết lập quyền kiểm soát về tài chính đối với các ngân hàng tư nhân là các ngân hàng gửi tiền của mình tại Ngân hàng Nhà nước và nhận tín dụng của ngân hàng đó. Chính phủ cử các ủy viên vào làm việc trong các ngân hàng tư nhân để kiểm soát hoạt động của các ngân hàng này. Các ngân hàng tư nhân có thể được nhận tín dụng của Ngân hàng Nhà nước với điều kiện là phải hoàn toàn phục tùng quyền kiểm soát của chính quyền Xô viết. Nhưng các ngân hàng này phá hoại việc kiểm soát đó và lợi dụng phương tiện tín dụng và tiền tệ của mình để đấu tranh chống lại Nhà nước Xô viết.

Sự phá hoại gắt gao và những hoạt động chống lại chính quyền Xô viết của các ngân hàng tư nhân đã làm cho chúng sớm bị quốc hữu hóa. Theo sắc lệnh của Ban chấp hành Trung ương toàn Nga (cơ quan chính quyền có quyền lập pháp, chấp hành và kiểm tra tối cao của nước Nga Xô viết, do Đại hội các Xô viết toàn Nga bầu ra và chịu trách nhiệm trước Đại hội) ngày 14 tháng Mười hai 1917, tất cả các ngân hàng của tư nhân đều bị quốc hữu hóa và hợp nhất với Ngân hàng Nhà nước thành một Ngân hàng quốc dân duy nhất của nước Cộng hòa.

Việc quốc hữu hóa ngân hàng tư nhân đã phá vỡ cơ sở thống trị về kinh tế của tư bản tài chính và giáng một đòn mạnh không những vào giai cấp tư sản Nga mà vào cả bọn tư sản nước ngoài, những kẻ nắm quyền kiểm soát một phần rất lớn tư bản của các ngân hàng cở phần trong nước Nga chuyên chế. Với việc quốc hữu hóa các ngân hàng, mọi công việc tín dụng, tài chính và phát hành đều tập trung vào tay Nhà nước vô sản. Việc quốc hữu hóa các ngân hàng cũng cho phép kiểm soát được hàng loạt các xí nghiệp công nghiệp chưa được quốc hữu hóa. Theo sắc lệnh ngày 28 tháng Giêng 1918, tất cả các khoản nợ do chính phủ Nga hoàng và chính phủ tư sản lâm thời vay mượn đều bị xóa bỏ. Như thế là, nhân dân thoát khỏi gánh nợ vô cùng nặng nề của Nhà nước gồm 60 tỷ rúp, trong đó 16 tỷ là nợ nước ngoài. Cuối cùng, với bản sắc lệnh ngày 26 tháng Giêng, những tư bản cổ phần của các ngân hàng tư nhân đều bị tịch thu.

Trong một thời gian ngắn, toàn bộ hệ thống tài chính và tín dụng trong nước đều nằm trong tay Nhà nước Xô viết. Từ chỗ là một công cụ thống trị của tư bản lũng đoạn, các ngân hàng biến thành một công cụ của chuyên chính vô sản, một bộ máy để thực hiện sự kiểm soát và kiểm kê của toàn dân.

Việc quốc hữu hóa ngành vận tải hoàn thành vào đầu năm 1918. Ở nước Nga, hơn 2/3 số đường sắt là của Nhà nước, còn những đường sắt của tư nhân thì trong những năm chiến tranh, phần lớn cũng chuyển sang tay chính phủ. Tình hình đó tạo ra điều kiện thuận lợi cho việc quốc hữu hóa vận tải đường sắt. Những đường sắt của Nhà nước thuộc quyền sở hữu của Nhà nước Xô viết ngay từ sau cách mạng, song bọn Men-sê-vích và xã hội cách mạng đã ngăn cản việc nắm lấy vận tải đường sắt. Bọn này chiếm được Ban chấp hành liên hiệp Công đoàn đường sắt toàn Nga và biến nó thành một tổ chức chống lại chính quyền Xô viết, chống lại các nghị quyết của Chính phủ trong công tác vận tải đường sắt. Mãi đến tháng Giêng 1918, các cơ quan chính quyền Xô viết mới nắm được quyền quản lý các đường sắt.

Trong tháng Giêng, Nhà nước tiến hành quốc hữu hóa vận tải đường thủy: các tàu buôn (biển và sông) cùng tất cả các xí nghiệp đóng tàu đều chuyển thành tài sản Nhà nước.

Việc quốc hữu hóa ngành vận tải làm cho những phương tiện giao thông liên lạc – một trong những mạch máu quyết định của nền kinh tế quốc dân, tập trung vào trong tay Nhà nước.

Sắc lệnh ngày 9 tháng Tư 1918 về độc quyền ngoại thương, có một ý nghĩa kinh tế và chính trị vô cùng quan trọng. Chuyển ngoại thương vào tay Nhà nước là giáng một đòn vào những vị trí kinh tế của giai cấp tư sản Nga và đồng thời cũng là bảo vệ cho nền kinh tế quốc dân của nước Cộng hòa Xô viết khỏi bị đế quốc nước ngoài phá hoại. Trong hoàn cảnh bị các nước tư bản bao vây, độc quyền ngoại thương trở thành một biện pháp quan trọng đảm bảo sự độc lập về kinh tế của Nhà nước Xô viết.

Trong khi thi hành những biện pháp trên, chính quyền Xô viết đồng thời tiến hành quốc hữu hóa công nghiệp. Ngay từ những ngày đầu tiên sau Cách mạng tháng Mười, Đảng Cộng sản bắt tay vào việc chuẩn bị quốc hữu hóa đại công nghiệp. Đầu tháng Mười hai 1917, Lê-nin nêu ra vấn đề quốc hữu hóa các xanh-đi-ca (Syndicate) hạng lớn nhất, coi đó như một biện pháp cách mạng hàng đầu để đấu tranh với tình trạng kinh tế rối ren.

Đảng cho rằng điều kiện không thể thiếu được để tiến hành thắng lợi việc quốc hữu hóa các công xưởng và nhà máy là lập ra các cơ quan quản lý nền công nghiệp xã hội chủ nghĩa. Theo sắc lệnh ngày 2 tháng Mười hai 1917 của Ban chấp hành Trung ương toàn Nga và Hội đồng dân ủy, cơ quan quản lý công nghiệp trung ương, tức Hội đồng kinh tế quốc dân tối cao cùng các Hội đồng kinh tế quốc dân các địa phương được thành lập. Lê-nin nói rằng: “Chúng ta đã đi từ việc kiểm soát của công nhân tới chỗ thành lập ra Hội đồng kinh tế quốc dân tối cao. Chỉ có bằng biện pháp đó cùng với việc quốc hữu hóa ngân hàng và đường sắt … chúng ta mới có thể bắt tay vào việc xây dựng nền kinh tế mới xã hội chủ nghĩa được” (2).

Nhiệm vụ của Hội đồng kinh tế quốc dân là tổ chức và quản lý nền kinh tế quốc dân và nền tài chính Nhà nước. Nó cũng có trách nhiệm chuẩn bị tiến hành quốc hữu hóa các xí nghiệp và tổ chức sự hoạt động của các xí nghiệp đó. Để thực hiện những mục đích này, Chính phủ tổ chức ra những ủy ban chuyên môn trong Hội đồng kinh tế quốc dân tối cao; nhiệm vụ của các ủy ban này là chuẩn bị về mọi mặt để quốc hữu hóa các công xưởng và các nhà máy riêng lẻ cũng như các nhóm xí nghiệp và toàn ngành công nghiệp.

Có thể chia lịch sử quốc hữu hóa công nghiệp của Nhà nước Xô viết ra làm mấy giai đoạn: 

- Giai đoạn thứ nhất, kể từ tháng Mười một 1917 đến mùa xuân 1918. Đây là giai đoạn chuyển những xí nghiệp lớn riêng lẻ thành sở hữu của Nhà nước. Các xí nghiệp riêng lẻ này bị quốc hữu hóa vì những lý do sau đây: vì chủ xí nghiệp hoạt động phá hoại, không chịu phục tùng Nhà nước và không chịu thừa nhận việc kiểm soát của công nhân; vì bọn tư bản định đóng cửa xí nghiệp (làm công nhân thất nghiệp); vì xí nghiệp không có khả năng tài chính và mắc nợ Nhà nước nhiều; vì xí nghiệp có ý nghĩa quốc gia quan trọng đặc biệt. 

Ngày 17 tháng Mười một 1917, Hội đồng dân ủy ban hành sắc lệnh đầu tiên về việc quốc hữu hóa các xí nghiệp công nghiệp. Căn cứ theo sắc lệnh này, công xưởng công nghiệp đoàn công trường thủ công Li-kin-ski bị quốc hữu hóa, công xưởng này bị bọn chủ đóng cửa từ những ngày đầu tiên sau cách mạng. Ngày 7 tháng Mười hai, tài sản của công ty cổ phần khu mỏ Bô-gô-slốp-scơ ở U-ran bị quốc hữu hóa vì ban quản trị của công ty này không chịu tuân theo sắc lệnh về kiểm soát của công nhân. Cuối tháng Mười hai ban hành sắc lệnh tịch thu tài sản của các công ty cổ phần tại các khu mỏ Cư-stưm-ski. Xéc-ghin-scô U-pha-lây-ski và Nê-vi-an-ski cũng bì những lý do như vậy. Các công ty này mắm một số lớn những nhà máy luyện kim và các xí nghiệp mỏ vùng U-ran, do đó khi đã quốc hữu hóa tài sản của chúng, Nhà nước Xô viết có trong tay một cơ sở công nghiệp và nguyên liệu lớn mạnh. Trong tháng Mười hai, toàn bộ tài sản của công ty cổ phần các nhà máy Pu-ti-lốp là những nhà máy lớn nhất trong nước đã bị quốc hữu hóa vì công ty này mắc nợ Nhà nước.

Chính phủ ra sắc lệnh tịch thu tài sản của “Công ty ánh sáng điện 1886” – một tập đoàn điện khí hạng lớn mà các xí nghiệp của nó đã bị phá sản hoàn toàn về tài chính. Trong tháng Giêng 1918 cũng quốc hữu hóa một loạt những xí nghiệp ở Pê-tơ-rô-grát mà bọn chủ ở đó đã phá hoại những biện pháp kinh tế của Chính phủ. Trong số này có nhà máy Nép-ski, nhà máy Xét-stơ-rô-rét-ski và nhiều nhà máy khác. Các xanh-đi-ca luyện kim “Pơ-rô-đa-mê” và “Cơ-rô-vơ-lin” cũng bị quốc hữu hóa trong thời kỳ này. Một số những xí nghiệp lớn thuộc các ngành công nghiệp nhẹ cũng bị quốc hữu hóa. Hội đồng dân ủy không những chỉ tịch thu các xí nghiệp của bọn tư sản Nga, mà còn tịch thu của bọn tư sản ngoại quốc vì lý do phá hoại. Trong tháng Giêng, tài sản của công ty luyện kim Nga – Bỉ bị tịch thu vì công ty này không chịu tuân theo sắc lệnh về việc kiểm soát của công nhân.

Cùng với Chính phủ trung ương, các Xô viết địa phương cũng đồng thời tiến hành việc quốc hữu hóa các xí nghiệp. Nhiều nhà máy và xí nghiệp mỏ ở U-ran đều bị quốc hữu hóa theo quyết định của các Xô viết này.

Để đảm bảo những lợi ích quốc gia, Chính phủ Xô viết trước hết đã quốc hữu hóa các xí nghiệp lớn nhất thuộc các ngành chủ chốt của công nghiệp nặng (chế tạo máy móc, luyện kim, điện lực, khai thác than) và thuộc các trung tâm công nghiệp chủ yếu trong nước. Những nhà máy của Nhà nước trước đây (mà chủ yếu là những nhà máy quân giới và đóng tàu) cũng chuyển sang tay chính quyền Xô viết. Cho tới cuối tháng Hai 1918, khu vực quốc hữu hóa gồm có 914 xí nghiệp (kể cả những xí nghiệp của Nhà nước cũ).

- Giai đoạn thứ hai: của việc quốc hữu hóa công nghiệp (từ tháng Ba đến tháng Sáu 1918) là giai đoạn chuyển từ việc quốc hữu hóa các xí nghiệp riêng lẻ sang việc quốc hữu hóa từng ngành công nghiệp.

Tới mùa xuân 1918, Nhà nước Xô viết đã chiếm được những mạch máu kinh tế trọng yếu như hệ thống tài chính – tín dụng, ngoại thương, vận tải đường sắt và đường thủy. Việc kiểm soát của công nhân đã giúp cho quần chúng công nhân những kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực tổ chức và quản lý công nghiệp và chuẩn bị điều kiện để quốc hữu hóa toàn bộ công nghiệp nặng.

Trong tháng Ba và tháng Tư 1918, Lenin đã đề ra việc tiến hành quốc hữu hóa triệt để công nghiệp và lưu thông, coi đó là một trong những nhiệm vụ của chính quyền Xô viết (3).

Để thực hiện nhiệm vụ này, Chính phủ Xô viết bắt đầu quốc hữu hóa các ngành công nghiệp.

Trong tháng Tư, các xí nghiệp chủ yếu ở Đôn-bát bị quốc hữu hóa; trong tháng Năm đã hoàn thành về cơ bản việc quốc hữu hóa ngành công nghiệp khai khoáng, luyện kim và toàn bộ ngành công nghiệp làm đường; trong tháng Sáu, các nhà máy Xoóc-mốp-ski và Cô-lô-men-ski là những nhà máy chế tạo máy móc lớn nhất trong nước bị quốc hữu hóa. Ngày 20 tháng Sáu 1918, Hội đồng Dân ủy ra sắc lệnh quốc hữu hóa toàn bộ ngành công nghiệp dầu lửa. Việc buôn bán dầu lửa cùng các sản phẩm của dầu lửa được tuyên bố là độc quyền của Nhà nước. Trải qua một quá trình đấu tranh kiên trì, Nhà nước Xô viết lần lượt nắm hết ngành này đến ngành khác trong công nghiệp. Tới cuối tháng Sáu, tổng số các xí nghiệp quốc hữu hóa lên tới một ngàn rưỡi.

- Giai đoạn thứ ba: của quốc hữu hóa bắt đầu từ 28 tháng Sáu đến hết năm 1918, đây là giai đoạn chuyển từ chỗ quốc hữu hóa từng ngành riêng lẻ sang quốc hữu hóa toàn bộ đại công nghiệp.

Cuộc nội chiến vừa bùng nổ đã đẩy nhanh tốc độ quốc hữu hóa công nghiệp. Nền kinh tế chiến tranh đòi hỏi phải tập trung tới mức tối đa trong tay Nhà nước tất cả những xí nghiệp lớn.

Tới mùa hè năm 1918, công tác chuẩn bị to lớn cho việc xã hội hóa các tư liệu sản xuất đã hoàn thành và ngày 28 tháng Sáu, Hội đồng dân ủy thông qua một bản sắc lệnh lịch sử về quốc hữu hóa toàn bộ đại công nghiệp. Theo sắc lệnh ngày 28 tháng Sáu này, hơn một ngàn xí nghiệp cổ phần với số tư bản cố định là hơn 3 tỷ rúp bị quốc hữu hóa. Trong tay bọn tư bản tư nhân chỉ còn lại những xí nghiệp hạng vừa và hạng nhỏ. Với bản sắc lệnh này, quốc hữu hóa đại công nghiệp đã hoàn thành về mặt pháp lý.

Trong suốt thời gian nửa cuối năm 1918, các xí nghiệp bị quốc hữu hóa chuyển dần sang Hội đồng kinh tế quốc dân tối cao quản lý. Mỗi xí nghiệp khi chuyển giao đều được kiểm tra tỉ mỉ về các thiết bị, các kho nguyên liệu, nhiên liệu và tiền vốn, …

Tới cuối năm 1918, tổng số các xí nghiệp bị quốc hữu hóa đã lên tới 3.668 xí nghiệp.

Việc quốc hữu hóa được tiến hành với sự tham gia tích cực và trực tiếp của công nhân và không bồi thường chút nào cho bọn chủ cũ về giá trị của xí nghiệp.

Trong quá trình quốc hữu hóa xã hội chủ nghĩa đối với công nghiệp, một hệ thống quản lý của Nhà nước về các xí nghiệp quốc hữu hóa đã hình thành. Việc quốc hữu hóa đại công nghiệp và xây dựng chủ nghĩa xã hội càng mở rộng thì những chức năng và nhiệm vụ của Hội động kinh tế quốc dân tối cao càng phức tạp thêm. Trong Hội đồng kinh tế quốc dân tối cao đã lập ra các Tổng cục để quản lý các xí nghiệp thuộc các ngành công nghiệp tương ứng như Tổng cục dầu lửa, Tổng cục đồng, Tổng cục dệt, Tổng cục lâm sản … Ủy ban xây dựng của Nhà nước được thành lập để lãnh đạo tất cả những hoạt động xây dựng quốc gia. Ủy ban này điều khiển việc xây dựng các đường sắt, đường bộ, đường thủy, việc cung cấp nước, việc xây dựng trong công nghiệp … Tháng Tám 1918, trong Hội đồng kinh tế quốc dân tối cao đã thành lập Ban khoa học kỹ thuật để tập trung mọi công tác khoa học và kỹ thuật của quốc gia.

Quốc hữu hóa công nghiệp đóng vai trò tối quan trọng trong việc tạo ra nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Với việc biến những tư liệu sản xuất thành sở hữu Nhà nước xã hội chủ nghĩa, tức sở hữu toàn dân, những quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ra đời. Những quan hệ sản xuất này xây dựng trên sự tương trợ và hợp tác đồng chí, nó mở ra một chân trời mới để các lực lượng sản xuất phát triển nhanh chóng.

Giai cấp công nhân tiến hành quốc hữu hóa các tư liệu sản xuất sau khi chiếm được chính quyền, là một điều kiện không thể thiếu được để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Quốc hữu hóa xã hội chủ nghĩa đối với các tư liệu sản xuất được tiến hành ở Liên Xô khác hoàn toàn về căn bản đối với quốc hữu hóa bộ phận được thực hiện trong các nước tư bản chủ nghĩa (vd quốc hữu hóa đường sắt, các trạm phát điện, công nghiệp khai thác than ở Anh sau chiến tranh thế giới thứ 2). Quốc hữu hóa theo lối tư sản không thay đổi được các quan hệ sản xuất. Việc chuyển một số tư liệu sản xuất từ tay nhóm tư bản riêng lẻ thành chủ sở hữu Nhà nước không đụng chạm gì đến cơ sở của chế độ tư bản chủ nghĩa. Chế độ sở hữu Nhà nước tư sản về nguyên tắc không khác chế độ sở hữu của tư bản tư nhân; cả hai chế độ sở hữu đều có một cơ sở là bóc lột giai cấp công nhân. Quốc hữu hóa theo lối tư sản không xâm phạm đến lợi ích của bọn tư bản; Nhà nước bồi thường cho bọn chủ tư bản rất hậu, món tiền trả cho bọn này thường nhiều gấp vài lần giá trị thực tế của xí nghiệp, quyền quản lý các xí nghiệp quốc hữu hóa này vẫn nằm trong tay bọn tư bản như trước.

Quốc hữu hóa xã hội chủ nghĩa dẫn tới sự hình thành thành phần xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế và cùng với nó, những quy luật kinh tế mới của chủ nghĩa xã hội cũng xuất hiện và bắt đầu phát huy tác dụng. Bây giờ đây, tư liệu sản xuất đã được sử dụng không phải là nhằm tăng thêm lợi nhuận cho các nhà tư bản mà là nhằm thỏa mãn nhu cầu của toàn bộ xã hội, nhằm nâng cao mức sống của quần chúng lao động. Việc xã hội hóa các tư liệu sản xuất và tập trung nó vào trong tay Nhà nước xã hội chủ nghĩa là điều kiện xuất hiện của quy luật phát triển có kế hoạch (cân đối) của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở quy luật này, cần phải và có thể thực hiện được việc kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân.

Ngay trong quá trình quốc hữu hóa cũng nảy sinh ra những hình thức kế hoạch hóa sản xuất công nghiệp theo kiểu đơn giản nhất, như các kế hoạch ngắn hạn và tức thời của các ngành và các vùng (trong khoảng 2 tháng).

#Gấu

(1) Lenin, toàn tập, tiếng Nga, xb lần 4, t.28, tr.119

(2) Lenin, toàn tập, tiếng Nga, xb lần 4, t.26, tr.425

(3) Lenin, toàn tập, tiếng Nga, xb lần 4, t.27, tr.128,286