C1.P3. Chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa Mác ở Nga.

Tài liệu: Lịch sử Đảng Cộng sản Bolsheviks Liên Xô được phát hành lần đầu vào năm 1938. Trong bài thơ Tức cảnh Pác Pó của chủ tịch Hồ Chí Minh, chi tiết dịch sử Đảng trong bài thơ này chính là cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Bolsheviks Liên Xô.


===============================

Chương 1. Cuộc đấu tranh để thành lập Đảng Công nhân Dân chủ xã hội ở nước Nga.


1.2.1 Chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa Mác ở Nga.


(hình ảnh: Vụ ám sát A-lếc-xan-đrơ II, năm 1881)

Khi các nhóm mác-xít chưa xuất hiện ở Nga thì phái dân túy hoạt động cách mạng; họ là địch thủ của chủ nghĩa Mác.

Nhóm mác-xít Nga đầu tiên ra đời năm 1883. Đó là nhóm “Giải phóng lao động” do G.V. Plekhanov tổ chức ở nước ngoài, tại Giơ-ne-vơ, khi ông buộc phải trốn sang đấy để tránh sự truy nã của chính phủ Nga hoàng vì sự hoạt động cách mạng của ông.

Trước kia, bản thân Plekhanov cũng ở trong phái dân túy. Đến khi ra nước ngoài, sau khi được tiếp xúc với chủ nghĩa Mác, ông đã đoạn tuyệt với phái dân túy và trở thành một nhà tuyên truyền xuất sắc cho chủ nghĩa Mác.

Nhóm “Giải phóng lao động” đã làm được rất nhiều về mặt truyền bá chủ nghĩa Mác ở Nga. Nhóm ấy đã dịch nhiều tác phẩm của Mác và Ăng-ghen ra tiếng Nga: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Lao động làm thuê và tư bản, Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học,… , in ở nước ngoài rồi bí mật phát hành vào nước Nga. Plekhanov, Da-xu-lis-tsơ, Ác-xen-rốt và nhiều hội viên khác trong nhóm đã viết nhiều trước tác giải thích học thuyết của Mác và Ăng-ghen, giải thích tư tưởng chủ nghĩa xã hội khoa học.

Ngược lại với những người xã hội chủ nghĩa – không tưởng, Mác và Ăng-ghen, những người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản, là những người đầu tiên đã giải thích rằng: chủ nghĩa xã hội không phải là điều bịa đặt của những kẻ mơ mộng (không tưởng) mà là kết quả tất yếu của sự phát triển của xã hội tư bản hiện đại. Hai ông chỉ rõ rằng chế độ tư bản sẽ sụp đổ cũng như chế độ nông nô đã sụp đổ, rằng chủ nghĩa tư bản tự nó tạo ra những kẻ đào huyệt chôn nó, ấy là giai cấp vô sản. Hai ông chỉ rõ rằng: chỉ có đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản, chỉ có thắng lợi của giai cấp vô sản đối với giai cấp tư sản mới có thể giải thoát nhân loại khỏi chế độ tư bản, khỏi nạn bóc lột.

Mác và Ăng-ghen dạy cho giai cấp vô sản giác ngộ về lực lượng của mình, giác ngộ về lợi ích giai cấp của mình và đoàn kết với nhau để đấu tranh kiên quyết chống giai cấp tư sản. Mác và Ăng-ghen đã tìm ra những quy luật phát triển của xã hội tư bản và đã chứng minh một cách khoa học rằng sự phát triển của xã hội tư bản và cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội đó tất yếu sẽ đưa chủ nghĩa tư bản đến chỗ sụp đổ, sẽ mang lại thắng lợi cho giai cấp vô sản, sẽ đưa đến chuyên chính vô sản.

Mác và Ăng-ghen dạy rằng không thể thoát khỏi chính quyền tư bản và biến sở hữu tư bản chủ nghĩa thành sở hữu xã hội bằng phương pháp hòa bình được; rằng giai cấp công nhân chỉ có thể đạt được điều đó bằng cách dùng bạo lực cách mạng chống giai cấp tư sản, bằng cách làm cách mạng vô sản, bằng cách thiết lập quyền thống trị chính trị của mình là chuyên chính vô sản; nền chuyên chính vô sản sẽ đập tan sự chống cự của bọn bóc lột và xây dựng xã hội mới, xã hội cộng sản không giai cấp.

Mác và Ăng-ghen dạy rằng giai cấp vô sản công nghiệp là giai cấp cách mạng nhất và do đó là giai cấp tiên tiến nhất trong xã hội tư bản, rằng chỉ có một giai cấp như giai cấp vô sản mới có thể tập hợp được xung quanh nó tất cả những lực lượng bất bình với chủ nghĩa tư bản và lãnh đạo được họ tấn công chủ nghĩa tư bản. Song muốn đánh thắng thế giới cũ và lập nên xã hội mới không giai cấp, giai cấp vô sản phải có đảng công nhân riêng của mình mà Mác và Ăng-ghen gọi là đảng Cộng sản.

Nhóm mác-xít Nga đầu tiên là nhóm “Giải phóng lao động” của Plekhanov đã tiến hành việc truyền bá những quan điểm của Mác và Ăng-ghen.

Nhóm “Giải phóng lao động” đã nêu cao ngọn cờ chủ nghĩa Mác trên báo chí Nga xuất bản ở nước ngoài lúc mà ở Nga chưa có phong trào xã hội –dân chủ. Việc cần làm trước hết là phải dọn đường cho phong trào ấy về mặt lý luận và tư tưởng. Trở ngại chính về mặt tư tưởng cho việc truyền bá chủ nghĩa Mác và phong trào xã hội dân chủ lúc đó là những quan điểm của phái dân túy đang chiếm ưu thế trong đa số công nhân tiền tiến và trong số trí thức có tinh thần cách mạng.

Với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga, giai cấp công nhân trở thành lực lượng tiền phong hùng hậu có thể đảm đương một cuộc đấu tranh cách mạng có tổ chức. Nhưng phái dân túy lại không hiểu vai trò tiền phong của giai cấp công nhân. Phái dân túy Nga lầm cho rằng lực lượng cách mạng chính không phải là giai cấp công nhân mà là nông dân, rằng chỉ với những cuộc bạo động của nông dân cũng có thể lật đổ chính quyền Nga hoàng và địa chủ. Phái dân túy không biết giai cấp công nhân và không hiểu rằng không có liên minh với giai cấp công nhân và không được giai cấp công nhân lãnh đạo thì riêng một mình nông dân không thể đánh thắng được chế độ Nga hoàng và địa chủ. Phái dân túy không hiểu rằng giai cấp công nhân là giai cấp cách mạng nhất, tiên tiến nhất trong xã hội.

Thoạt đầu, họ tìm cách phát động nông dân đấu tranh chống chính phủ Nga hoàng. Với mục đích đó, những thanh niên trí thức cách mạng mặc quần áo nông dân, đi về nông thôn – “đi vào dân chúng”, như họ nói lúc đó. Chữ “dân túy” là do đó mà ra. Nhưng nông dân lại không theo họ, vì họ không biết và không hiểu đúng mực về nông dân (giai cấp nông dân là những phần tử dễ dao động và dễ phân hóa thành những tầng lớp khác nhau, và Lenin gọi giai cấp nông dân là “những phần tử tư bản chủ nghĩa cuối cùng” - #Gấu) . Số đông hội viên dân túy bị cảnh sát bắt. Lúc đó họ quyết định một mình tự lực tiếp tục cuộc đấu tranh chống chế độ chuyên chế Nga hoàng không cần đến dân chúng, song như thế, họ lại đi sâu vào những sai lầm nặng nề hơn.

Tổ chức bí mật của họ là “Dân ý” bắt đầu chuẩn bị việc ám sát Nga hoàng. Ngày 1 tháng Ba 1881, họ dùng bom ám sát và giết chết Nga hoàng A-lếc-xan-đrơ II. Đó là một sự kiện làm chấn động toàn xã hội nước Nga, nhưng việc đó không đem lại lợi ích gì cho nhân dân, không thể nhờ sự giết những cá nhân riêng biệt mà lật đổ nền chuyên chế Nga hoàng, tiêu diệt được giai cấp địa chủ. Thay cho Nga hoàng bị giết, A-lếc-xan-đrơ III lên ngôi, đời sống nhân dân càng điêu đứng hơn trước.

Con đường đấu tranh mà phái dân túy đã chọn để chống lại Nga hoàng, con đường ám sát lẻ tẻ, khủng bố cá nhân, là sai lầm và nguy hại cho cách mạng. Chính sách khủng bố cá nhân xuất phát từ thuyết dân túy sai lầm cho rằng “anh hùng” thì chủ động còn “đám dân đen” thì bị động, trông chờ vào kỳ công của các vị “anh hùng”. Thuyết sai lầm ấy chủ trương rằng chỉ có những cá nhân lỗi lạc làm nên lịch sử, còn quần chúng nhân dân, giai cấp, “đám dân đen”, như các nhà văn thuộc phái dân túy đã diễn tả thì không có những hành động ý thức và tổ chức; họ chỉ có thể mù quáng tin theo các vị “anh hùng”. Bởi thế, phái dân túy không tiến hành hoạt động cách mạng có tính chất quần chúng trong nông dân và giai cấp công nhân, mà dùng phương pháp khủng bố cá nhân. Phái dân túy đã buộc được một trong những nhà cách mạng lớn nhất thời kỳ bấy giờ là Stê-pan Khan-tu-rin phải ngừng công việc tổ chức hội liên hiệp công nhân cách mạng và hoàn toàn lo công việc ám sát.

Phái dân túy đã làm cho quần chúng lao động không chú ý đến cuộc đấu tranh giai cấp áp bức, bằng cách thực hiện những vụ ám sát một số đại biểu nào đó của giai cấp ấy, những vụ ám sát chẳng có lợi ích gì cho cách mạng cả. Họ kìm hãm sự phát triển óc sáng kiến và tính tích cực cách mạng của giai cấp công nhân và nông dân.

Phái dân túy đã làm cho giai cấp công nhân không nhân thấy vai trò lãnh đạo của mình trong cuộc cách mạng, họ đã kìm hãm sự thành lập một chính đảng độc lập của giai cấp công nhân.

Mặc dầu tổ chức bí mật của phái dân túy đã bị chính phủ Nga hoàng phá tan, nhưng những quan điểm phái dân túy vẫn còn tồn tại lâu dài trong tầng lớp trí thức có tinh thần cách mạng. Các phần tử dân túy còn sót lại ngoan cố chống lại việc truyền bá chủ nghĩa Mác ở Nga, cản trở việc tổ chức giai cấp công nhân.

Bởi thế, chỉ có thể phát triển và củng cố chủ nghĩa Mác ở Nga bằng cách đấu tranh chống chủ nghĩa dân túy.

P/s: Anh trai của lãnh tụ V.I. Lênin – tức là A-lếch-xan-đrơ U-li-a-nốp (1866-1887), người đã có ảnh hưởng mạnh mẽ và có uy tín tuyệt đối với Vla-di-mia U-li-a-nốp (Lenin), cũng là thành viên của phái dân túy. Tháng ba năm 1887, A-lếch-xan-đrơ U-li-a-nốp bị bắt ở Pê-téc-bua vì tham gia vào vụ mưu sát Nga hoàng A-lếch-xan-đrơ III và tháng Năm 1887 bị hành hình. Việc người anh trai bị hành hình đã gây xúc động mạnh cho Vla-di-mia và điều đó cũng đã củng cố quyết tâm của Vla-di-mia là cống hiến trọn đời cho đấu tranh cách mạng. Nhưng Vla-di-mia đã không đi theo con đường ám sát mà người anh đã chọn, Người đã lựa chọn con đường đúng đắn hơn – đó là vận dụng chủ nghĩa Mác vào hoàn cảnh ở nước Nga.

#Gấu