C1.P2. Thắng lợi Cách mạng tháng Mười và sự thiết lập nền chuyên chính vô sản. Các sắc lệnh đầu tiên của chính quyền Xô viết.

Thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới. Cách mạng tháng Mười đánh dấu bước ngoặt căn bản trong lịch sử loài người, nó mở ra một thời đại mới – thời đại chủ nghĩa tư bản suy yếu và chủ nghĩa xã hội thắng lợi bộ phận. Do chủ nghĩa xã hội thắng lợi mà chủ nghĩa tư bản không còn là một hệ thống kinh tế duy nhất trên thế giới nữa. Thế giới chia làm hai hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Cuộc thi đua và đấu tranh giữa hai hệ thống đó trở thành nhân tố chủ yếu và quyết định trong sự phát triển sau này của xã hội loài người.

Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, giai cấp vô sản đã lật đổ ách thống trị của giai cấp tư sản và trở thành giai cấp thống trị. Chính quyền cách mạng kiểu mới được thiết lập nên sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa vũ trang ngày 25 tháng Mười (7/11), năm 1917 chính là nền chuyên chính vô sản dựa trên khối liên minh giữa giai cấp công nhân và tầng lớp nông dân nghèo do giai cấp công nhân lãnh đạo.

Chính quyền Xô viết trở thành hình thức Nhà nước của chuyên chính vô sản ở nước Nga, Xô viết đại biểu công nhân và nông dân là một hình thức mới của bộ máy Nhà nước mà tài sáng tạo cách mạng của quần chúng nhân dân đã xây dựng nên.

Đại hội các Xô viết toàn Nga lần 2 khai mạc vào đêm 25 tháng Mười tuyên bố chính quyền vào tay các Xô viết. Chính phủ công nông được bầu ra, đó là Hội đồng Dân ủy nước Cộng hòa Nga do Lenin đứng đầu.

Thiết lập chuyên chính vô sản là điều kiện cần thiết để xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Nhưng giai cấp vô sản giành được chính quyền chưa có nghĩa là nó đã đưa xã hội bước ngay vào chủ nghĩa xã hội. Để cải tạo xã hội theo chủ nghĩa xã hội, thếu chỉ mới chiến thắng giai cấp tư sản về mặt chính trị không thôi thì chưa đủ. Cần thiết phải chiến thắng chủ nghĩa tư bản cả về mặt kinh tế, nghĩa là phải tước đoạt giai cấp tư sản, phải phá hủy cơ sở kinh tế của chủ nghĩa tư bản và xây dựng nền kinh tế mới, xã hội chủ nghĩa. Việc thực hiện những nhiệm vụ này đòi hỏi phải có một thời kỳ lịch sử tương đối dài, trong đó những quan hệ tư bản chủ nghĩa cũ bị đập tan và thay thế bằng những quan hệ xã hội chủ nghĩa. Tất cả những nước bước vào con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội đều tất yếu phải trãi qua một thời kỳ quá độ đặc biệt này, tính tất yếu của thời kỳ này là do những đặc điểm của cách mạng vô sản quy định.

Đặc điểm chủ yếu của cách mạng vô sản là nó bắt đầu khi chưa có sẵn những hình thức hoàn hảo của thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa tư bản chỉ mới tạo ra những tiền đề để chuyển sang chủ nghĩa xã hội, đó là nền sản xuất phát triển và xã hội hóa cao độ và lực lượng xã hội đại diện là giai cấp vô sản có khả năng thay thế chế độ tư bản chủ nghĩa bằng chế độ xã hội chủ nghĩa.

Vì lẽ đó, việc giai cấp vô sản giành được chính quyền mới chỉ là điều kiện tiên quyết để thành phần xã hội chủ nghĩa ra đời. Và do đó, chủ nghĩa xã hội chỉ có thể thắng lợi khi thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa chiếm vị trí tuyệt đối trong hệ thống kinh tế, đồng thời các thành phần kinh tế khác như tư bản, chủ nghĩa tư bản Nhà nước, kinh tế tiểu nông, phải bị thủ tiêu. Bước quá độ đó nằm trong phạm vi của Chính sách kinh tế mới của Lenin. Để thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa đó thắng lợi, bắt buộc Nhà nước phải tiến hành một nền kinh tế kế hoạch theo từng mức độ riêng biệt của từng thời kỳ.

Nước Nga bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội trong một tình hình quốc tế và nội bộ cực kỳ phức tạp. Nền kinh tế nước nhà bị tàn phá do chiến tranh lâu dài và sự phá hoại của giai cấp tư sản. Một cuộc đấu tranh giai cấp khốc liệt diễn ra trong phạm vi cả nước: bọn bóc lột bị lật đổ điên cuồng chống lại nền chuyên chính vô sản và tìm mọi cách để lôi kéo theo mình những tầng lớp tiểu tư sản thành thị và nông thôn, trước hết là nông dân lao động. Điều đó đặt ra cho giai cấp vô sản một nhiệm vụ là phải tách tầng lớp nông dân lao động ra khỏi giai cấp tư sản và lôi cuốn họ tham gia vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Cuộc chiến tranh thế giới vẫn tiếp tục và sự đe dọa thường xuyên của đế quốc Đức làm tăng thêm những khó khăn trong nước. Các nước đế quốc khác trước đây là bạn đồng minh của nước Nga chuyên chế cũng tỏ thái độ thù địch với Nhà nước Xô viết.

Giai cấp công nhân Nga không thể dựa vào sự ủng hộ trực tiếp của giai cấp vô sản quốc tế. Chuyên chính vô sản chỉ mới được thiết lập trong một nước. Sự công phẫn ngày càng tăng của quần chúng nhân dân trong hàng loạt các nước tham chiến vẫn chưa dẫn tới khủng hoảng cách mạng. Ở phương Tây phong trào cộng sản vừa mới ra đời.

Bị bao vây giữa những quốc gia tư bản chủ nghĩa thù địch, bị xâu xé bởi cuộc đấu tranh chống bọn phản cách mạng bên trong, lại không có bất cứ một sự ủng hộ nào của bên ngoài, không có lấy một tấm gương kiểu mẫu nào trước mắt, nước Nga Xô viết đã bước lên con đường mà chưa ai đặt chân tới là xây dựng một kiểu xã hội mới của loài người, đồng thời vạch ra con đường đi lên chủ nghĩa xã hội cho nhân loại.

Kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội của Liên Xô có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới. Mặc dù công cuộc xây dựng có những đặc điểm lịch sử cụ thể mà trên một mức độ rất lớn phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử của riêng nước Nga, một nước đầu tiên bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, song trong kinh nghiệm của Liên Xô cũng có “một số đặc điểm và quy luật phổ biến đối với tất cả các nước khi tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa thắng lợi và xây dựng một xã hội mới xã hội chủ nghĩa”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích, giai cấp vô sản chiến thắng bắt tay vào công cuộc cải tạo cách mạng trong điều kiện nền kinh tế bị tàn phá nặng nề và phải đấu tranh không ngừng với bọn phản cách mạng trong nước và với đế quốc Đức.

Điều cần thiết trước hết là phải thỏa mãn những yêu cầu cơ bản của quần chúng nhân dân. Lenin dạy rằng, giai cấp vô sản phải lập tức giành lại quần chúng trong tay giai cấp tư sản “bằng biện pháp cách mạng là tước đoạt bọn địa chủ và tư sản để thỏa mãn những yêu cầu kinh tế bức thiết nhất của quần chúng” (1).

Đêm 26 tháng Mười (8/11), Đại hội Xô viết toàn Nga, tức cơ quan lập pháp tối cao của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa, thông qua những sắc lệnh lịch sử về hòa bình và ruộng đất.

Vấn đề quan trọng nhất của cách mạng là phải chấm dứt cuộc chiến tranh đế quốc, một cuộc chiến tranh đã ngốn mất của nước Nga hàng triệu nhân mạng và đưa nền kinh tế nước Nga đến chỗ rối ren hoàn toàn. Trong thời kỳ chuẩn bị cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đảng Bôn-sê-vích đấu tranh giành hòa bình bằng biện pháp thiết thực là làm cho quần chúng nhân dân đoạn tuyệt với các đảng thỏa hiệp, những đảng lừa bịp nhân dân và trên thực tế vẫn muốn tiếp tục chiến tranh. Đảng Bôn-sê-vích đã biết kết hợp phong trào dân chủ đòi hòa bình của quảng đại quần chúng với cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản nhằm lật đổ giai cấp tư sản.

Sau khi thông qua sắc lệnh hòa bình, đại hội đề nghị tất cả các nước tham chiến hãy lập tức ký kết đình chiến và bắt tay vào đàm phán để ký một hòa ước dân chủ, công bằng, không xâm lược và không bồi thường. Chính phủ Xô viết tuyên bố rằng mình sẽ cương quyết ký một hòa ước dựa trên những điều kiện công bằng đối với mọi dân tộc.

Bản sắc lệnh hòa bình mở ra cho nước Nga Xô viết một con đường cách mạng để thoát khỏi chiến tranh và nó trở thành cơ sở vững vàng cho mọi chính sách, đối ngoại hòa bình sau này của Nhà nước Xô viết.

Bản sắc lệnh về ruộng đất chủ trương thỏa mãn ngay những yêu cầu của nông dân là  những người đang đấu tranh để thủ tiêu chế độ chiếm hữu ruộng đất của địa chủ. Cơ sở của bản sắc lệnh ruộng đất là một bức ủy nhiệm thư của nông dân, bức ủy nhiệm thư này được thảo ra dựa trên 242 bức ủy nhiệm thư của nông dân các địa phương.

Theo sắc lệnh này, những ruộng đất của địa chủ, của tu viện và các thái ấp đều bị tịch thu và trao cho những người lao động sử dụng không phải trả tiền Chế độ tư hữu về ruộng đất đã bị xóa bỏ, toàn bộ ruộng đất cùng các khoáng sản, sông hồ, rừng rú đều được tuyên bố là tài sản của Nhà nước, của toàn dân.

Trong mấy ngày sau, các sắc lệnh về việc xóa bỏ đẳng cấp, về việc thủ tiêu những sự hạn chế dân tộc, về việc tách nhà thờ, về quyền bình đẳng của phụ nữ, về quy định chế độ ngày làm việc tám giờ, … đã được thông qua. Bản “Tuyên ngôn về quyền hạn của các dân tộc ở Nga” tuyên bố rằng tất cả các dân tộc nằm trong đế quốc Nga trước đây đều có quyền tự quyết.

Những biện pháp này của Chính phủ Xô viết tạo ra những điều kiện cần thiết về chính trị và kinh tế để củng cố nền chuyên chính vô sản, để đoàn kết quần chúng lao động lại và tập hợp họ xung quanh chính quyền Xô viết.

Bất chấp kháng cự của những thế lực phản động, chính quyền Xô viết đã lan tràn khắp nước nhanh chóng như vũ bão, và đến đâu nó đập tan bộ máy Nhà nước tư sản cùng tất cả những cơ quan chính quyền cũ nơi đó. Đây chính là thời kỳ “khải hoàn” của chính quyền Xô viết trong toàn quốc.

Việc thiết lập nền chuyên chính vô sản trên toàn lãnh thổ nước nhà đã cho phép bắt tay vào việc tước đoạt giai cấp tư sản và tổ chức cơ sở của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.

#Gấu

(1) Lenin: Toàn tập, tiếng Nga, xb lần 4, t.30, tr.241.