C1.P2. Những bước đầu của phong trào công nhân.

Tài liệu: Lịch sử Đảng Cộng sản Bolsheviks Liên Xô được phát hành lần đầu vào năm 1938. Trong bài thơ Tức cảnh Pác Pó của chủ tịch Hồ Chí Minh, chi tiết dịch sử Đảng trong bài thơ này chính là cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Bolsheviks Liên Xô.



===============================

Chương 1. Cuộc đấu tranh để thành lập Đảng Công nhân Dân chủ xã hội ở nước Nga.


1.1.2. Những bước đầu của phong trào công nhân.


Ngay từ những năm 70 và nhất là từ những năm 80 của thế kỷ XIX, giai cấp công nhân ở Nga đã bắt đầu thức tỉnh và đấu tranh chống bọn tư bản. Tình cảnh công nhân ở nước Nga dưới chế độ Nga hoàng vô cùng khốn khổ. Trong những năm 80, ở các công xưởng và nhà máy, ngày làm việc ít nhất là 12 giờ rưỡi, còn công nghiệp dệt thì lên đến 14 – 15 giờ. Việc bóc lột lao động của đàn bà và trẻ em được tiến hành một cách rộng rãi. Trẻ em cũng phải làm việc số giờ như người lớn, nhưng cũng như phụ nũ, chỉ được trả tiền công rất ít. Tiền lương hết sức thấp, phần đông công nhân chỉ lĩnh 7, 8 rúp mỗi tháng. Những công nhân lương cao nhất trong các nhà máy chế tạo kim loại và các nhà máy đúc cũng không được lĩnh quá 35 rúp một tháng. Không có một sự bảo hộ lao động nào cả, nên những tai nạn làm chết người hoặc gây tàn tật cho công nhân xảy ra rất nhiều. Công nhân không được bảo hiểm, chỉ có trả tiền thì mới được hưởng sự giúp đỡ về y tế. Điều kiện thì ăn ở vô cùng khổ sở. Trong một phòng nhỏ hoặc căn nhà tồi tàn dành cho công nhân có đến mười, mười hai người công nhân ở. Thường thường bọn chủ xưởng gian lận của công nhân, bắt công nhân mua sản phẩm ở cửa hàng của bọn chủ với giá đắt gấp ba, ăn cướp của công nhân bằng cách phạt tiền.

Công nhân bắt đầu thỏa thuận với nhau và cùng nhau đưa cho chủ xưởng và nhà máy yêu sách đòi cải thiện đời sống của họ đã đến tình trạng không thể chịu được nữa. Họ bỏ việc, nghĩa là tuyên bố bãi công. Các vụ bãi công đầu tiên trong những năm 70 và 80 thường là do việc phạt tiền quá nặng, do sự lừa bịp, gian lận trong việc trả lương cho công nhân, cũng như đo việc định mức tiền công thấp dần xuống.

Trong các cuộc bãi công đầu tiên, công nhân quá tức giận, đôi khi đã phá máy, phá cửa kính trong xưởng, hủy hoại cửa hàng của chủ.

Những công nhân tiền tiến đã bắt đầu hiểu rằng muốn đấu tranh có hiệu quả chống bọn tư bản cần phải có tổ chức . Các liên minh công nhân bắt đầu xuất hiện.

Năm 1875, ở Odessa, “Hội liên hiệp công nhân miền Nam Nga” thành lập. Tổ chức công nhân đầu tiên ấy tồn tại được tám chín tháng thì bị chính phủ Nga hoàng phá tan.

Năm 1878, ở Peterburg, “Hội liên hiệp công nhân Nga miền Bắc” thành lập do anh thợ mộc Khan-tu-rin và anh thợ nguội Ốp-noóc-ski đứng đầu. Trong cương lĩnh của hội liên hiệp này có nói rõ rằng về mặt nhiệm vụ của hội thì hội theo các đảng công nhân dân chủ xã hội ở Tây Âu. Mục đích cuối cùng của hội là làm cách mạng xã hội chủ nghĩa “lật đổ chế độ chính trị và kinh tế hiện tại của Nhà nước là chế độ tối bất công”. Một trong những người sáng lập ra hội là Ốp-noóc-ski, đã sống ở nước ngoài một thời gian, ở đó đã tìm hiểu hoạt động của các đảng dân chủ xã hội marxist và Quốc tế I do Marx lãnh đạo. Điều đó ảnh hưởng rõ rệt đến cương lĩnh của “Hội liên hiệp công nhân Nga miền Bắc”. Hội đã đặt nhiệm vụ cấp bách của mình là giành tự do và quyền chính trị cho nhân dân (tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp,…). Sự hạn chế giờ làm việc cũng là một trong những yêu sách khẩn cấp của hội.

Số hội viên của hội lên tới 200 người và cũng chừng bấy nhiêu người cảm tình. Hội bắt đầu tham gia và lãnh đạo các cuộc bãi công. Chính phủ Nga hoàng đã phá được hội.

Song phong trào công nhân vẫn tiếp tục phát triển ngày càng lan rộng sang các vùng mới. Trong những năm 80 đã nổ ra rất nhiều cuộc bãi công. Trong 5 năm (1881-1886) đã nổ ra hơn 48 cuộc bãi công, số công nhân tham gia là 80.000 người.

Cuộc bãi công lớn nổ ra năm 1885 tại xưởng máy Mô-rô-dốp ở Ô-rê-khô-vô Du-ê-vô, có ý nghĩa đặc biệt to lớn trong lịch sử phong trào cách mạng.

Xưởng máy này có gần 8.000 công nhân. Điều kiện làm việc ngày càng tệ: từ 1882 đến 1884, 5 lần tiền công bị giảm; năm 1884 mức tiền công đột nhiên giảm ngay một phần tư, tức là 25%. Ngoài ra, chủ xưởng là Mô-rô-dốp lại còn làm cho công nhân điêu đứng khổ sở vì phạt tiền. Như người ta được biết, tại phiên toàn xét xử sau khi nổ ra bãi công, cứ một đồng rúp tiền lương thì chủ xưởng, bằng cách phạt tiền, tước của công nhân từ 30 đến 50 cô-pếch (1 rúp = 100 cô-pếch). Công nhân không chịu nổi sự cướp bóc ấy, và đến tháng Giêng năm 1885 họ đã tuyên bố bãi công. Cuộc bãi công đã được tổ chức từ trước. Anh công nhân tiên tiến, giàu kinh nghiệp cách mạng là Pi-ốt Môi-xen-cô, nguyên là hội viên “Hội liên hiệp công nhân Nga miền Bắc” đã lãnh đạo cuộc bãi công ấy. Ngay trước ngày bãi công, Môi-xen-cô cùng với những thợ dệt khác giác ngộ nhất thảo ra một loạt yêu sách đối với chủ xưởng, những yêu sách này đã được công nhân thông qua trong một cuộc hội họp bí mật. Trước hết, công nhân đòi chủ đình chỉ việc cướp công của họ bằng cách phạt tiền.

Cuộc bãi công bị lực lượng vũ trang đàn áp. Hơn 600 công nhân bị bắt, trong đó có mấy chục người bị đưa ra tòa.

Trong năm 1885 những cuộc bãi công tương tự đã xảy ra trong các xưởng máy tại I-va-nô-vô Vô-dơ-ne-xen-scơ.

Phong trào đấu tranh của công nhân lên cao làm cho chính phủ Nga hoàng lo sợ và sang năm sau đã phải ban hành một đạo luật về tiền phạt. Luật ấy quy định bằng chủ xưởng không được bỏ túi số tiền phạt mà phải dùng vào các nhu cầu của bản thân công nhân.

Qua kinh nghiệm cuộc bãi công ở xưởng Mô-rô-dốp và những cuộc bãi công khác, công nhân đã hiểu rằng nên đấu tranh có tổ chức thì có thể thắng lợi nhiều. Phong trào công nhân đào tạo ra từ trong hàng ngũ của mình những cán bộ lãnh đạo và cán bộ tổ chức có tài năng, cương quyết bênh vực lợi ích của giai cấp công nhân.

Cũng trong thời gian ấy, trên cơ sở sự lớn mạnh của phong trào công nhân Nga và dưới ảnh hưởng của phong trào công nhân Tây Âu, các tổ chức marxist đầu tiên được thành lập ở Nga.

#Gấu