C1.P1. Sự thủ tiêu chế độ nông nô và sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở Nga. Sự xuất hiện của giai cấp vô sản công nghiệp hiện đại.


Tài liệu: Lịch sử Đảng Cộng sản Bolsheviks Liên Xô được phát hành lần đầu vào năm 1938. Trong bài thơ Tức cảnh Pác Pó của chủ tịch Hồ Chí Minh, chi tiết dịch sử Đảng trong bài thơ này chính là cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Bolsheviks Liên Xô.



===============================

Chương 1. Cuộc đấu tranh để thành lập Đảng Công nhân Dân chủ xã hội ở nước Nga.


1.1.1 Sự thủ tiêu chế độ nông nô và sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở Nga. Sự xuất hiện của giai cấp vô sản công nghiệp hiện đại.


Nước Nga thời Nga hoàng bước vào con đường phát triển chủ nghĩa tư bản chậm hơn các nước khác. Mãi cho tới những năm 60 thế kỷ XIX, số công xưởng và nhà máy ở Nga vẫn còn rất ít. Hồi ấy, kinh tế nông nô của quý tộc địa chủ đang thắng thế. Dưới chế độ nông nô, công nghiệp không thể thật sự phát triển được. Lao động nông nô cưỡng bức đã làm cho năng suất lao động trong nông nghiệp thấp xuống. Toàn bộ tiến trình phát triển kinh tế đã đẩy tới chỗ thủ tiêu chế độ nông nô. Chính phủ Nga hoàng đã suy yếu sau cuộc thất trận ở Crime lại thêm hốt hoảng vì các cuộc “bạo động” của nông dân chống địa chủ, năm 1861 đã buộc phải bãi bỏ chế độ nông nô.

Song, dù chế độ nông nô đã bị thủ tiêu, bọn địa chủ vẫn tiếp tục áp bức nông dân. Ngay trong khi “giải phóng” nông nô, chúng đã ăn cướp, tước đoạt, cắt xét của nông dân một phần rất lớn ruộng đất trước kia nông dân sử dụng. Phần ruộng đất bị cướp ấy, nông dân gọi là “ốt-re-dơ-ki” (Phần đất bị cắt). Người ta đã bắt nông dân phải trả cho địa chủ tiền chuộc gần 2 tỷ rúp để được “giải phóng”.

Sau khi chế độ nông nô bị thủ tiêu, nông dân buộc phải lĩnh canh ruộng đất của địa chủ với những điều kiện hết sức nặng nề. Ngoài tô trả bằng tiền, bọn địa chủ thường bắt nông dân đem nông cụ và ngựa đến làm không công cho một số ruộng đất nhất định.Người ta gọi đó là “khổ dịch”. Thường thường, nông dân phải nộp địa tô cho địa chủ bằng hiện vật, bằng nửa số thu hoạch. Người ta gọi đó là “làm rẽ” (ruộng đất).

Như vậy, tình hình vẫn hầu như dưới chế độ nông nô, chỉ khác là bây giờ, người nông dân được tự do về thân thể, nghĩa là không thể mua hoặc bán họ như một đồ vật nữa.

Bọn địa chủ dùng những biện pháp cướp bóc khác nhau (địa tô, tiền phạt) để vắt kiệt kinh tế lạc hậu của nông dân. Do ách áp bức của bọn địa chủ, quần chúng nông dân cơ bản không thể nào cải thiện được lối làm ăn của mình. Vì thế, nông nghiệp ở nước Nga trước cách mạng cực kỳ lạc hậu, thường bị mất mùa, đói kém.

Những tàn tích của nền kinh tế nông nô, như thuế khóa nặng nề, những món tiền chuộc nộp cho địa chủ, thường vượt quá số thu nhập của nông hộ, làm cho quần chúng nông dân bị phá sản, bần cùng hóa, buộc người nông dân phải bỏ nông thôn đi tìm việc làm. Họ vào làm việc tại các công xưởng và nhà máy. Bọn chủ xưởng thuê được công nhân với giá rẻ mạt.

Trên đầu công nhân và nông dân là cả một đội quân cảnh sát trưởng và hạ sĩ cảnh sát huyện, sen đầm, cảnh sát, chúng bảo vệ Nga hoàng, tư bản và địa chủ chống lại những người lao động, những người bị bóc lột. Những nhục hình vẫn còn tồn tại mãi đến năm 1903. Chế độ nông nô tuy đã bị bãi bỏ, nhưng nông dân cũng vẫn còn bị quất bằng roi vọt vì những lỗi hết sức nhỏ, vì không đóng được thuế. Công nhân vẫn bị cảnh sát và lính Cô-dắc đánh đập, đặc biệt là vì không chịu được những áp bức của bọn chủ xưởng. Công nhân và nông dân dưới chế độ Nga hoàng không được hưởng chút quyền chính trị nào. Chính quyền chuyên chế Nga hoàng là kẻ thù của nhân dân.

Nước Nga dưới chế độ Nga hoàng là nhà tù đối với các dân tộc. Rất nhiều dân tộc không phải Nga hoàn toàn không có quyền lợi nào hết, lại phải thường xuyên chịu đủ điều khinh bỉ nhục nhã. Chính phủ Nga hoàng xui dân Nga coi thổ dân các miền dân tộc như những giống người hèn hạ, chính thức gọi họ là “dị chủng” và giáo dục lòng khinh bỉ và căm thù đối với họ. Chính phủ Nga hoàng chủ tâm nhen ngọn lửa thù hằn giữa các dân tộc, đẩy dân tộc này chống dân tộc khác, tổ chức những cuộc tàn sát người Do Thái, những cuộc chém giết giữa dân Tatar và Armennia ở Cápcadơ.

Trong những miền dân tộc, tất cả hoặc hầu hết các chức vụ Nhà nước đều ở trong tay bọn quan lại người Nga. Trong các thiết chế và tòa án, mọi việc đều tiến hành bằng tiếng Nga. Cấm in sách bằng tiếng dân tộc và cấm dạy tiếng mẹ đẻ trong các trường học. Chính phủ Nga hoàng ra sức bóp chết mọi biểu hiện của văn hóa dân tộc, thực hiện chính sách ép buộc “Nga hóa” những dân tộc không phải Nga. Chế độ Nga hoàng là tên đao phủ, là kẻ áp bức những dân tộc khác.

Sau khi chế độ nông nô bị thủ tiêu, chủ nghĩa tư bản công nghiệp ở Nga phát triển khá nhanh, mặc dầu còn bị những tàn tích của chế độ nông nô kìm hãm . Trong 25 năm từ năm 1865 đến 1890, số công nhân, chỉ tính riêng ở các công xưởng lớn, của các nhà máy lớn và đường xe lửa đã từ 706.000 người tăng lên đến 1.433.000 người, nghĩa là hơn gấp đôi.

Đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa còn phát triển nhanh chóng hơn ở nước Nga vào những năm 90. Đến cuối những năm 90 riêng ở 50 tỉnh của nước Nga thuộc phía Châu Âu, số công nhân các công xưởng và nhà máy lớn, trong công nghiệp mỏ và các đường xe lửa lên tới 2.207.000 người, tính toàn nước Nga thì số công nhân lên đến 2.792.000 người.

Đó là giai cấp vô sản công nghiệp hiện đại, hoàn toàn khác hẳn công nhân trong các công xưởng thời kỳ nông nô và công nhân các ngành tiểu công nghệ, thủ công và bất cứ công nghiệp nào khác, do sự tập trung của họ trong những xí nghiệp lớn tư bản chủ nghĩa cũng như do tính chiến đấu cách mạng của họ.

Cao trào công nghiệp trong những năm 90 gắn liền trước hết với việc đẩy mạnh công cuộc xây dựng đường sắt. Trong mười năm, từ 1890 đến 1900, người ta đã đặt được tất cả 21.000 dặm đường sắt mới. Ngành đường sắt đòi hỏi một số lượng rất lớn kim khí (để làm đường ray, đầu máy, toa xe), đòi hỏi nhiên liệu, than đá, dầu hỏa, mỗi ngày một nhiều hơn. Do đó, công nghiệp luyện kim và công nghiệp nhiên liệu phát triển.

Ở nước Nga trước cách mạng, cũng như ở tất cả các nước tư bản chủ nghĩa khác, tiếp sau những năm cao trào công nghiệp là những năm công nghiệp khủng hoảng và đình trệ, đánh mạnh vào giai cấp công nhân và đẩy hàng chục vạn công nhân vào cảnh thất nghiệp, bần cùng.

Tuy sau khi chế độ nông nô bị thủ tiêu, chủ nghĩa tư bản ở nước Nga phát triển khá nhanh, nhưng nước Nga vẫn rất lạc hậu về mặt phát triển kinh tế so với các nước tư bản chủ nghĩa khác. Phần rất lớn nhân dân còn chuyên về nông nghiệp. Trong cuốn sách nổi tiếng nhan đề “Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga”, Lenin đã dẫn ra những con số quan trọng về cuộc tổng điều tra dân số tiến hành 1897. Theo đó thì khoảng 5 phần 6 dân số chuyên về nông nghiệp, tất cả chỉ có gần 1 phần 6 làm việc trong các ngành đại, tiểu công nghiệp, thương nghiệp, vận tải đường sắt và đường thủy, xây dựng, lâm nghiệp,…

Điều đó chứng tỏ rằng, mặc dầu chủ nghĩa tư bản đang phát triển ở nước Nga, lúc bấy giờ vẫn là một nước nông nghiệp, lạc hậu về kinh tế, một nước tiểu tư sản, nghĩa là một nước mà nền kinh tế cá thể của nông dân có tính chất tiểu tư hữu, có năng suất thấp chiếm ưu thế.

Chủ nghĩa tư bản không những chỉ phát triển ở thành thị, mà cả ở nông thôn nữa. Nông dân, giai cấp đông đảo nhất ở nước Nga trước thời kỳ cách mạng, dần dần tan ra và phân hóa. Ở nông thôn, trong số nông dân khá giả nhất tách ra một tầng lớp trên là tầng lớp cu-lắc, đó là giai cấp tư sản nông thôn; mặt khác, lại có rất nhiều nông dân bị phá sản, làm tăng thêm số bần nông, vô sản và nửa vô sản nông thôn. Còn số ít trung nông thì mỗi năm một ít đi.

Năm 1903, ở nước Nga chừng có 10 triệu nông hộ. Trong cuốn “Gửi nông dân nghèo”, Lenin đã tính rằng trong số nông hộ đó, ít nhất là 3 triệu rưỡi hộ không có ngựa. Thường thường những hộ nông dân nghèo nhất ấy chỉ cày cấy một miếng đất rất nhỏ, số đất còn lại thì bán cho bọn cu-lắc , rồi đi nơi khác kiếm công việc làm để sinh sống. Tình cảnh họ như vậy, nên hơn ai hết, những nông dân nghèo nhất rất gần giai cấp vô sản. Lenin gọi họ là vô sản nông thôn hay nửa vô sản.

Mặt khác, một triệu rưỡi hộ cu-lắc (trong tổng số 10 triệu nông hộ) nắm trong tay một nửa ruộng đất của nông dân. Tầng lớp tư sản nông thôn ấy làm giàu bằng cách áp bức bần nông và trung nông, bóc lột sức lao động của cố nông và những người làm công nhật trở thành những tên tư bản nông nghiệp.

#Gấu