C1. P7 Lê-nin đấu tranh chống phái kinh tế. Lê-nin sáng lập báo “Tia lửa”.

Tài liệu: Lịch sử Đảng Cộng sản Bolsheviks Liên Xô được phát hành lần đầu vào năm 1938. Trong bài thơ Tức cảnh Pác Pó của chủ tịch Hồ Chí Minh, chi tiết dịch sử Đảng trong bài thơ này chính là cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Bolsheviks Liên Xô.



===============================

Chương 1. Cuộc đấu tranh để thành lập Đảng Công nhân Dân chủ xã hội ở nước Nga.


1.2.5. Lê-nin đấu tranh chống phái kinh tế. Lê-nin sáng lập báo “Tia lửa”.


Lê-nin không dự đại hội I Đảng công nhân dân chủ xã hội. Lúc đó Lê-nin đang bị đày ở Xi-bi-ri, tại làng Su-sen-scôi-ê; trước khi bị chính phủ Nga hoàng đày sang đấy, Lê-nin đã bị giam ở nhà tù Pê-téc-bua một thời gian lâu, vì vụ “Hội liên hiệp đấu tranh”.

Tuy bị đày, Lê-nin vẫn không ngừng hoạt động cách mạng. Trong lúc đi đày, Lê-nin biên soạn xong một tác phẩm khoa học hết sức quan trọng. “Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga”, hoàn thành việc đập tan chủ nghĩa dân túy về mặt tư tưởng. Cũng trong thời gian đó, Lê-nin còn viết xong quyển sách nhỏ nổi tiếng “Nhiệm vụ của những người dân chủ xã hội Nga”.

Mặc dầu không được trực tiếp làm công tác cách mạng thực tiễn, Lê-nin vẫn giữ được một số liên hệ với các đồng chí làm công tác thực tiễn ở ngoài, từ nơi bị đày trao đổi thư từ với các đồng chí ấy, hỏi han tình hình và gửi đi những lời khuyên bảo. Hồi ấy Lê-nin đặc biệt lưu ý đến đề phái “kinh tế”, Lê-nin hiểu hơn ai hết rằng “chủ nghĩa kinh tế” là hạt nhân cơ bản của chính sách thỏa hiệp, của chủ nghĩa cơ hội, rằng sự thắng lợi của “chủ nghĩa kinh tế” trong phong trào công nhân có nghĩa là phong trào cách mạng của vô sản bị tổn thất, chủ nghĩa Mác bị thất bại.

Vì thế Lê-nin công kích kịch liệt phái kinh tế ngay từ lúc phái ấy mới xuất hiện.

Phái “kinh tế” khẳng định rằng công nhân chỉ nên đấu tranh kinh tế thôi, còn đấu tranh chính trị thì để cho giai cấp tư sản tự do là giai cấp mà công nhân cần phải ủng hộ. Lê-nin coi sự tuyên truyền của phái “kinh tế” như vậy là từ bỏ chủ nghĩa Mác, là phủ nhận sự cần thiết phải có một chính đảng độc lập cho giai cấp công nhân, là mưu mô muốn biến giai cấp công nhân thành vật phụ thuộc vào chính trị của giai cấp tư sản. 

Năm 1899, một nhóm “kinh tế” (gồm có Pơ-rô-cô-pô-vi-tsơ, Cu-scô-va và nhiều nhân vật khác, sau này trở thành bọn Ca-đê tư sản) phát hành một bản tuyên ngôn. Chúng chống lại chủ nghĩa Mác cách mạng, đòi bỏ hẳn việc thành lập một chính đảng độc lập của giai cấp công nhân. Phái “kinh tế” cho rằng đấu tranh chính trị là công việc của giai cấp tư sản tự do, còn với công nhân thì chỉ đấu tranh kinh tế chống bọn chủ cũng đủ rồi.

Sau khi biết tài liệu cơ hội đó, Lê-nin triệu tập một cuộc hội nghị gồm những người mác-xít cùng bị phát lưu về tội chính trị trong vùng ấy, rồi 17 đồng chí do Lê-nin đứng đầu đề ra một bản kháng nghị tố cáo kịch liệt chống quan điểm của phái “kinh tế”.

Bản kháng nghị ấy, do Lê-nin thảo, được truyền đi các tổ chức mác-xít khắp nước Nga, nó có tầm quan trọng lớn lao trong việc phát triển tư tưởng mác-xít và chính đảng mác-xít ở Nga.

Phái “kinh tế” truyền bá những quan điểm giống hệt quan điểm của bọn thù địch chủ nghĩa Mác trong các đảng dân chủ xã hội ở nước ngoài; người ta gọi bọn này là Béc-stanh, tức là bọn cùng phe với tên cơ hội chủ nghĩa Béc-stanh.

Vì vậy cuộc đấu tranh của Lê-nin chống phái “kinh tế” đồng thời cũng là cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội quốc tế.

Tờ báo bí mật Tia lửa do Lê-nin tổ chức ra đã tiến hành cuộc đấu tranh chủ yếu chống phái “kinh tế” để thành lập một chính đảng độc lập của giai cấp vô sản.

Đầu năm 1900, Lê-nin cùng với các hội viên khác của “Hội liên hiệp đấu tranh” từ nơi bị đày Xi-bi-ri trở về Nga. Lê-nin dự định thành lập một tờ báo mác-xít bí mật thật lớn lưu hành khắp cả nước. Hồi ấy ở Nga tuy có nhiều nhóm và tổ chức mác-xít nhỏ, song các nhóm và tổ chức ấy vẫn chưa liên lạc với nhau. Trong lúc mà, theo lời đồng chí Stalin, “cách làm việc thủ công nghiệp và tính chất phân chia thành từng nhóm riêng biệt hủy hoại đảng từ trên xuống dưới, trong lúc mà sự bất đồng về tư tưởng là đặc điểm của sinh hoạt nội bộ đảng”, thì việc thành lập một tờ báo bí mật cho toàn nước Nga là nhiệm vụ cơ bản của những người mác-xít cách mạng Nga. Chỉ có tờ báo như thế mới có thể làm cho các tổ chức mác-xít rời rạc liên lạc được với nhau và mới chuẩn bị được việc thành lập một chính đảng thực sự.

Nhưng mật thám truy nã ráo riết quá , không thể tổ chức được một tờ báo như thế ở nước Nga của Nga hoàng. Chỉ một hai tháng là tờ báo sẽ bị bọn chó săn của Nga hoàng dò ra và phá tan. Vì thế, Lê-nin quyết định cho xuất bản tờ báo ở nước ngoài. Ở đấy, báo in trên thứ giấy thật mỏng, thật bền rồi bí mật đưa vào nước Nga. Có những số Tia lửa được in tại Nga, tại các nhà in bí mật ở Ba-cu, Ki-si-rép và Xi-bi-ri.

Mùa thu năm 1900, Vladimir Ilyich ra nước ngoài đề bàn với các đồng chí trong nhóm “Giải phóng lao động” về việc xuất bản một tờ báo chính trị cho toàn nước Nga. Việc này Lê-nin đã nghĩ chín chắn tất cả các chi tiết trong lúc đi đày. Trên đường đi đày trở về, Lê-nin đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn về vấn đề này ở U-pha, Pơ-scốp, Mạc-tư-khoa, Pê-téc-bua. Ở đâu Lê-nin cũng thỏa thuận với các đồng chí về vấn đề mật mã để giao thiệp với nhau, về địa chỉ để gửi sách báo,v.v. và ở đâu Lê-nin cũng thảo luận với các đồng chí về kế hoạch đấu tranh sắp tới.

Chính phủ Nga hoàng cảm thấy Lê-nin là kẻ thù nguy hiểm nhất. Tên sen đầm Du-ba-tốp, nhân viên sở mật thám của Nga hoàng, có viết trong một bức thư kín rằng “hiện giờ trong cách mạng không ai lớn hơn U-li-a-nốp”, do đó Du-ba-tốp cho rằng ám sát Lê-nin là hợp lý.

Khi ra nước ngoài, Lê-nin thỏa thuận với nhóm “Giải phóng lao động” tức là với Pơ-lê-kha-nốp, Ác-xen-rốt, và V.Du-xi-li-tsơ, về việc xuất bản chung tờ báo Tia lửa. Toàn bộ chương trình xuất bản là do Lê-nin thảo ra từ đầu chí cuối.

Tháng chạp năm 1900, báo Tia lửa số đầu tiên đã được xuất bản ở nước ngoài. Dưới tên báo có đề một câu danh ngôn “Từ tia lửa sẽ bùng lên ngọn lửa”. Câu này mượn trong thư trả lời của những người tháng Chạp gửi thi sĩ Pu-sơ-kin, đáp lại lời chào của thi sĩ trong khi họ bị đày ở Xi-bi-ri.

Và quả nhiên sau này Tia lửa do Lê-nin nhóm, bùng lên thành ngọn lửa của một đám cháy cách mạng vĩ đại, thiêu hủy tan tành chính thể quân chủ của Nga hoàng của bọn quý tộc, địa chủ, cùng với chính quyền của giai cấp tư sản.

#Gấu