4. Những nhân tố có tính chất sản xuất của việc hạ giá thành sản phẩm.
4. Những nhân tố có tính chất sản xuất của việc hạ giá thành sản phẩm.
Những nhân tố trực tiếp của việc hạ giá thành là :
1-Tốc độ tăng năng suất lao động phải nhanh hơn tốc độ tăng tiền lương;
2- Hạ thấp tiêu chuẩn hao phí vật tư (nguyên liệu, nhiên liệu ...) biểu hiện bằng tiền;
3- Giảm bớt tiêu chuẩn chi tiêu tiền tệ khác.
Tốc độ tăng năng suất lao động vượt quá tốc độ tăng tiền lương là một tỷ lệ vô cùng quan trọng, theo đúng tỷ lệ đó thì có thể bảo đảm cho giá thành hạ xuống và chi tiêu tiền lương giảm bớt tương đối (không đồng nghĩa cắt bớt lương). Trong trường hợp những điều kiện khác giống nhau, nếu tỷ lệ đó càng lớn thì mức độ hạ giá thành cũng càng lớn.
Điều này ta có thể thấy trong ví dụ dưới đây (Hình 1) :
Ảnh hưởng của quan hệ tỷ lệ khác nhau giữa tốc độ tăng năng suất lao động và tốc độ tăng tiền lương đối với việc hạ giá thành
Hình 1
Tốc độ tăng năng suất lao động hơn tốc độ tăng tiền lương nhiều hay ít, vừa phụ thuộc vào tốc độ tăng năng suất lao động lại vừa phụ thuộc vào tốc độ tăng tiền lương. Trong trường hợp những điều kiện khác giống nhau, mức độ nâng cao năng suất lao động càng lớn thì mức độ hạ giá thành cũng có thể càng lớn.
Việc nâng cao năng suất lao động và tiền lương phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện.
Tiêu chuẩn hao phí vật tư là một tỷ lệ biểu hiện khối lượng hao phí nguyên liệu, nhiên liệu ..., của một số lượng sản phẩm nhất định, thông thường là của một đơn vị sản phẩm, thí dụ sản xuất một tấn gang phải hao phi hai tấn quặng sắt. Trong trường hợp những điều kiện khác giống nhau, nếu tỷ lệ đó càng nhỏ, tức là tiêu chuẩn hao phí vật tư càng nhỏ, thì biểu hiện tiền tệ của hao phí vật tư cũng sẽ càng ít đi, do đó mức độ hạ giá thành cũng sẽ nhiều lên.
Toàn bộ khối lượng tiết kiệm về hao phí vật tư gồm có khối lượng tiết kiệm về tài sản cố định có tính chất sản xuất và tài sản lưu động có tính chất sản xuất. Vì tài sản lưu động có tính chất sản xuất chiếm một tỷ trọng quyết định trong tổng khối lượng hao phí vật tư, cho nên tổng khối lượng tiết kiệm về hao phí vật tư, chủ yếu quyết định bởi việc giảm bớt tiêu chuẩn hao phí về nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu ...Nhưng muốn tiết kiệm được nguyên liệu và các thứ khác, cần phải áp dụng các biện pháp sau đây:
1- Thực hiện quá trình thao tác kỹ thuật mới, đồng thời làm cho quá trình thao tác kỹ thuật hiện có được hoàn thiện. Như thế, sẽ có thể giảm bớt được số nguyên liệu, nhiên liệu, điện lực cần thiết để sản xuất một đơn vị sản phẩm.
Ví dụ, trong kế hoạch 5 năm lần thứ hai đã quy định phải áp dụng lối hàn điện và đơn giản hóa kết cấu của máy móc để giảm tiêu chuẩn hao phi kim loại trong ngành chế tạo máy móc xuống 20%. Việc dùng phế phẩm có một ý nghĩa rất lớn về mặt tiết kiệm hao phí những vật tư quý giá. Ví dụ sau đây có thể giúp chúng ta nhìn thấy tác dụng của việc dùng thay thế phẩm đối với vấn đề hạ giá thành: nếu giá thành rượu cồn nấu bằng ngũ cốc là 100, thì giá thành rượu cồn nấu bằng khoai tây sẽ có thể hạ xuống tới 30-40%.
2- Giảm bớt và hoàn toàn chấm dứt tình trạng hao hụt nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu ... Trong quá trình vận tải và bốc dỡ, chấm dứt tình trạng hao hụt vật liệu trong quá trình sản xuất ở nơi làm việc, chấm dứt sự thiệt hại vì sản phẩm hỏng.
Nếu chấm dứt được mọi sự thiệt hại, thì có thể giảm bớt được tỷ lệ phần trăm về tiêu chuẩn hao phí vật tư. Điều đó có thể thấy rõ qua các số liệu sau đây: trước chiến tranh, trong ngành sản xuất vật liệu thép, chỉ riêng những thiệt hại vì sản phẩm hỏng đã chiếm chừng 6% giá thành sản phẩm; trong ngành nấu thủy tinh, những thiệt hại do đánh vỡ thủy tinh đã lên đến chừng 15% giá thành sản phẩm.
3- Dùng các vật liệu bỏ đi trong sản xuất để làm nguyên liệu và nhiên liệu.
Việc dùng các vật liệu bỏ đi là một khả năng tiềm tàng to lớn để giảm bớt hao phí vật tư. Thí dụ trong ngành luyện kim cỏ màu có thể dùng những hơi bay ra để chế a-xít xuyn-phua-rích, như thế sẽ giảm được rất nhiều hao phí về quặng đồng; trong ngành luyện kim màu đen, có thể dùng bã quặng để làm xi-măng; trong ngành xẻ gỗ có thể dùng rất nhiều những loại gỗ bỏ đi; trong ngành này, sự tiết kiệm đó thật là rõ ràng, vì cứ sản xuất ra 1 mét khối gỗ tấm thì phải hao phí độ 1 mét khối rưỡi gỗ tròn.
4- Cải tiến chất lượng nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, nhờ đó có thể hạ thấp tiêu chuẩn hao phí vật tư cần thiết để sản xuất mỗi đơn vị sản phẩm. Chẳng hạn, giảm bớt thành phần tro và số lượng lưu huỳnh than đá thì sẽ nâng cao được chất lượng của than, sẽ có hệ hạ thấp được tiêu chuẩn hao phí nhiên liệu của các ngành luyện kim, ngành vận tải và các ngành khác trong nền kinh tế quốc dân ; việc nâng cao tỷ lệ đường trong củ cải đường sẽ làm giảm bớt hao phí về củ cải đường để sản xuất mỗi tạ đường; việc nâng cao khối lượng dầu trong hạt cỏ dầu sẽ làm giảm bớt hao phí về hạt có dầu để sản xuất mỗi tạ dầu thực vật ; vv…
Tài sản cố định tiết kiệm được là do sử dụng có hiệu quả nhất những tài sản cố định ấy. Việc sử dụng có hiệu quả nhất những tài sản cố định có thể thực hiện bằng cách nâng cao khối lượng công tác của tài sản cố định về thời gian và về cường độ. Do tăng thêm thời gian sử dụng tài sản cố định, sẽ rút ngắn được thời gian máy ngừng và tăng thêm thời gian máy chạy. Để làm được như thế, người ta tăng thêm số kíp công tác và khắc phục hiện tượng máy ngừng ; mà việc khắc phục hiện tượng máy ngừng lại là kết quả của việc trừ bỏ những tai nạn, những hiện tượng nghỉ việc đợi nguyên liệu, cũng như đẩy mạnh công việc sửa chữa thiết bị nhằm giảm bớt thời giờ chết.
Nâng cao cường độ sử dụng tài sản cố định sẽ có thể đẩy nhanh được quá trình thao tác kỹ thuật. Thí dụ, rút ngắn được thời gian nấu thép trong lò mác-lanh thì sẽ rút ngắn được chu kỳ sản xuất và sản xuất được nhiều sản phẩm hơn trong một đơn vị thời gian, công tác.
Tăng cường việc sử dụng thiết bị, thì tỷ suất khấu hao sẽ tăng thêm, do đó mà mức khấu hao cũng tăng thêm. Nhưng, trong khi tăng cường việc sử dụng tài sản cố định, mức độ tăng của mức khấu hao sẽ nhỏ hơn một ít so với mức độ tăng của khối lượng sản phẩm, do đó mức khấu hao trong mỗi đơn vị sản phẩm cũng sẽ giảm xuống.
Những điều nói trên có thể thấy trong bảng dưới đây:
Mức giảm khấu hao của đơn vị sản phẩm do cải tiến việc sử dụng tài sản cố định
Hình 2
Việc nâng cao năng suất lao động và tiết kiệm hao phí vật tư, có tác dụng khác nhau đối với việc hạ giá thành sản phẩm trong các ngành. Đó là vì chẳng những tốc độ tiết kiệm lao động sống và lao động vật hóa không bằng nhau, mà hơn nữa tác dụng (tỷ trọng đã chiếm) của lao động sống và lao động vật hóa trong việc sản xuất các loại sản phẩm cũng khác nhau.
Các quan hệ so sánh giữa lao động sống và lao động vật hóa biểu hiện thành các quan hệ so sánh giữa tiền lương và hao phí vật tư tính thành tiền trong giá thành sản phẩm của các ngành.
Quan hệ so sánh giữa tiền lương và hao phí vật tư trong giá thành sản phẩm 1 số ngành công nghiệp
Hình 3
Qua Hình 3, có thể thấy rằng, trong giá thành sản phẩm của các ngành khai thác gỗ, khai thác than, khai khoáng, tỷ trọng tiền lương lớn hơn tỷ trọng hao phí vật tư rất nhiều. Nhưng trong một số ngành khác, đặc biệt là trong các ngành sản xuất vật phẩm tiêu dùng (ngành đóng giày da, ngành dệt vải, ngành may mặc, ngành làm thực phẩm bằng thịt, ngành làm bánh mì) thì hao phí vật tư lại chiếm một tỷ trọng rất lớn trong giá thành sản phẩm.
Bởi vậy, dù mức độ giảm tiền lương và hao phí vật tư trong các ngành nói trên có ngang nhau, cũng vẫn có những ảnh hưởng khác nhau đối với việc hạ giá thành.
Bây giờ lấy ngành khai thác than và ngành dệt vải làm ví dụ. Trong giá thành của ngành khai thác than, tỷ trọng tiền lương rất lớn (70%), còn trong giá thành ngành dệt vải, tỷ trọng hao phí vật tư lại rất lớn (83%). Bày giờ giả thiết rằng, nhờ tốc độ tăng năng suất lao động nhanh hơn tốc độ tăng tiền lương, kết quả là tiền lương trong mỗi đơn vị sản phẩm giảm xuống được 10% ; đồng thời lại giả thiết hao phí vật tư cũng giảm xuống 10%.
Qua Hình 4, ta có thể thấy rằng với điều kiện cấu thành giá thành như thế, tiền lương trong đơn vị sản phẩm của ngành khai thác than giảm bớt 10%, thì mức tiết kiệm của nó chiếm 70% toàn bộ khối lượng tiết kiệm; hao phí vật tư giảm xuống 10%, thì chỉ chiếm có 30% toàn bộ khối lượng tiết kiệm do hạ giá thành. Trong ngành dệt vải, tiền lương trong đơn vị sản phẩm giảm bớt 10% thì chỉ chiếm 17% trong toàn bộ khối lượng tiết kiệm do hạ giá thành; hao phí vật tư giảm bớt 10% thì lại chiếm những 83%.
Ảnh hưởng của tỷ trọng khác về tiền lương và hao phí vật tư đối với việc hạ giá thành
Hình 4
Tác dụng của các yếu tố trong hao phí vật tư nguyên liệu, vật liệu, điện lực, khấu hao – về mặt hạ giá thành cũng khác nhau, là vì những yếu tố này chiếm những tỷ trọng khác nhau trong giá thành của các ngành khác nhau. Trong ngành chế tạo máy móc, đặc biệt là trong ngành sản xuất vật phẩm tiêu dùng, hao phí nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng rất lớn (từ 40 đến 90%) trong giá thành sản phẩm.
Trong giá thành của các ngành làm gạch và luyện kim màu đen, tỷ trọng hao phí nhiên liệu và điện lực rất lớn (chừng 20%). Trong giá thành sản phẩm của ngành khai thác dầu hỏa, tỷ trọng khấu hao hết sức lớn-chừng hơn 40% ; còn trong các ngành khác, tỷ trọng khấu hao trong giá thành sản phẩm chỉ có 2%, 3% hoặc trên dưới 5%.
Các quan hệ so sánh khác nhau giữa tiền lương và hao phí vật tư cùng các cấu thành khác nhau về hao phí vật tư đã quyết định những đặc điểm trong công tác kế hoạch hạ giá thành của các ngành, trong đó, đặc điểm chủ yếu là: các biện pháp đã quy định nhằm nâng cao năng suất lao động, nhằm tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu có những tác dụng khác nhau trong các ngành kinh tế quốc dân.
Tốc độ tăng năng suất lao động nhanh hơn tốc độ tăng tiền lương, việc giảm bớt tiêu chuẩn hao phí vật tư và giảm bớt các thứ chỉ tiêu khác, là những nhân tố nội tại của việc hạ giá thành trong các xí nghiệp. Nhưng việc hạ giá thành chẳng những chỉ dựa vào những nhân tố có tác dụng trong nội bộ của các xí nghiệp, mà còn phải dựa vào các nhân tố chung khác có tác dụng trong tất cả các ngành và trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Những nhân tố chung này gồm có :
1- Giảm bớt hao phí vận tải: hao phí vận tải được giảm bớt là do rút ngắn quãng đường vận tải và sử dụng tốt nhất các phương thức vận tải có giá cước tương đối thấp.
Quãng đường vận tải rút ngắn là nhờ đã bố trí việc sản xuất gần khu vực nguyên liệu, nhiên liệu và khu vực tiêu dùng sản phẩm tư liệu sản xuất. Nhờ rút ngắn quãng đường vận tải, cho nên tuy giá cước (giá cả) mỗi tấn/km chưa giảm bớt, song nói về cả quãng đường thì giá cước mỗi tấn có giảm xuống. Ví dụ, trong kỳ báo cáo, giá cước mỗi tấn/km than quy định là 5 cô-pếch, đến kỳ kế hoạch, giá cước vẫn như cũ, song quãng đường vận tải đã giảm từ 700km xuống còn 600km, như thế, xét trên cả quãng đường thì giá cước mỗi tấn than trong kỳ kế hoạch đã giảm từ 35 rúp xuống 30 rúp, hay là nói, đã giảm được 5 rúp. Do đó, giá than bán cho xí nghiệp dùng than sẽ hạ xuống. Trong trường hợp này, biểu hiện tiền tệ của nhiên liệu hao phí trong xí nghiệp sẽ giảm bớt, nhờ đó, giá thành sản phẩm ở đấy cũng sẽ hạ thấp. Nhờ sử dụng tốt nhất những công cụ vận tải có giá cước tương đối thấp, nên hao phí về vận tải cũng giảm xuống và cũng phát sinh những tác dụng như trên.
2– Lợi dụng điều kiện thiên nhiên trong sản xuất, cũng sẽ tiết kiệm được hao phí về lao động sống và lao động vật hóa, giảm bớt được giá trị, do đó hạ được giá thành sản phẩm. Ví dụ, ở một số khu vực khai thác than, vỉa than nằm gần mặt đất, tầng than rất dày, cho nên giá thành khai thác than ở đấy hạ hơn ở những khu vực có điều kiện khai thác tương đối kém. Bởi vậy, nếu nói rằng những khu vực có điều kiện thiên nhiên thuận lợi, tốc độ khai thác than sẽ nhanh hơn, thì khi những điều kiện khác giống nhau, giá thành sản phẩm của xí nghiệp ở khu vực đó sẽ hạ thấp.
Ảnh hưởng của sự thay đổi sản lượng của các khu vực đối với giá thành bình quân của các ngành
Hình 5
Qua Hình 5 (ảnh hưởng của sự thay đổi sản lượng của các khu vực đối với giá thành bình quân của các ngành, giả thiết giá thành sản phẩm của các khu vực đều không thay đổi), ta có thể thấy rằng, tuy giá thành đơn vị sản phẩm theo kỳ của các khu vực không thay đổi, song giá thành bình quân của đơn vị sản phẩm lại từ 80 hạ xuống 76. Đó là kết quả của việc nâng cao tỷ trọng sản xuất của những khu vực mà giá thành sản phẩm tương đối thấp.
Ảnh hưởng của điều kiện thiên nhiên đối với giá thành sản phẩm có ý nghĩa rất lớn trong tất cả mọi ngành khai thác, đặc biệt là ngành nông nghiệp. Bởi vậy khi lập kế hoạch giá thành sản phẩm của những ngành đó, cần phải tính đến việc lợi dụng những điều kiện thiên nhiên thuận lợi để ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm.
Khi lập kế hoạch giá thành, ta có thể nhận thấy trong thời kỳ đầu, giá thành sản phẩm của xí nghiệp mới cao hơn xí nghiệp cũ, song điều đó không có nghĩa là xí nghiệp mới sẽ là xí nghiệp có “doanh lợi ít hơn”.
“Không thể dùng con mắt của bọn con buôn, không thể căn cứ vào tình hình trước mắt mà xét vấn đề sinh lợi được. Phải đứng trên toàn bộ nền kinh tế quốc dân, trong suốt thời gian nhiều năm về sau mà xét vấn đề đó” (1) - (Stalin: Những vấn đề kinh tế XHCN ở Liên Xô, 1951)
Do đó ta có thể thấy rằng, khi lựa chọn đề án xây dựng xí nghiệp mới, nhất định phải so sánh giá thành sản phẩm trong suốt thời gian mà xí nghiệp đó phát sinh tác dụng. Chỉ có như thế mới có thể rút ra được những kết luận chính xác nhất về doanh lợi kinh tế của các đề án xây dựng.
Bây giờ giả thiết một xí nghiệp nào đó có 2 đề án xây dựng. Trong đề án thứ nhất, giá thành sản phẩm của xí nghiệp đó mấy năm đầu quy định tương đối thấp; trong đề án thứ hai, giá thành sản phẩm trong mấy năm sau quy định tương đối thấp. Thế thì, giải quyết vấn đề đó như thế nào, rút cục nên dùng đề án nào để làm cho giá thành sản phẩm thấp nhất ? Để giải thích vấn đề này, chúng ta lập một bảng tính toán bằng những số giả định như sau:
Bảng tính toán tìm giá thành sản phẩm thấp nhất
Hình 6
Bảng trên đây (Hình 6) cho ta thấy rằng, giá thành đơn vị sản phẩm năm thứ nhất và năm thứ hai trong đề án thứ nhất hạ hơn đề án thứ hai. Nếu chỉ so sánh 3 năm trước thì đề án thứ nhất vẫn có lợi hơn. Nhưng, nếu đem so sánh giá thành bình quân của sản phẩm trong 4 năm thì giá thành đơn vị sản phẩm của đề án thứ nhất là 9,2, của đề án thứ hai là 9,0. Nếu đem so sánh toàn bộ giá thành sản phẩm trong cả 5 năm, thì giá thành bình quân của đơn vị sản phẩm trong đề án thứ nhất là 8,9, giá thành toàn bộ là 5.350; còn giá thành bình quân của đơn vị sản phẩm trong đề án thứ hai là 7,7, giá thành toàn bộ sản phẩm là 4.635.
Do đó, đứng trên quan điểm kinh tế quốc dân đúng đắn để xét tương lai phát triển của nền sản xuất, thì sẽ thấy rằng giá thành sản phẩm trong đề án thứ hai tương đối hạ hơn, do đấy mà cũng giải quyết được vấn đề đã nêu ra, tức là nên dùng đề án thứ hai.