C1.P4. Kế hoạch của Lenin về xây dựng cơ sở của chủ nghĩa xã hội.

Việc ký hòa ước Bơ-rét – Li–tốp đã đem lại sự đình chiến tạm thời cho Nhà nước Xô viết trong khi chờ đợi một cuộc tấn công mới do các nước đế quốc chủ nghĩa có thể gây ra. Đảng Cộng sản đã lợi dụng thời kỳ đình chiến này để mở rộng các công tác xây dựng, nhằm tổ chức một xã hội mới. Tới mùa xuân 1918, Nhà nước Xô viết đã chuyển từ giai đoạn thứ nhất của cách mạng, giai đoạn “đội cận vệ đỏ tấn công” vào bọn tư bản (từ tháng Mười một 1917 – tháng Hai 1918) sang một giai đoạn mới là giai đoạn củng cố những thắng lợi đã giành được và xây dựng nền tảng của xã hội xã hội chủ nghĩa.

Tổ chức công cuộc xây dựng nền kinh tế mới là nhiệm vụ chủ yếu nhất và cũng khó khăn nhất của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đối với nước Nga Xô viết thì nhiệm vụ này càng đặc biệt khó khăn, vì nó là nước đầu tiên đặt chân trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, không có kinh nghiệm, không có sẵn cán bộ kinh tế và lại bị các nước đế quốc chủ nghĩa thù địch bao vây.

Nền kinh tế nước Nga lạc hậu toàn diện và bị tàn phá khủng khiếp đã làm cho những khó khăn của Nhà nước Xô viết tăng lên gấp bội. Gần 1/3 các xí nghiệp công nghiệp bị tàn phá hay không hoạt động. Số còn lại thì thiếu nguyên liệu và nhiên liệu nên công việc thất thường và không hết công suất. So với mức trước chiến tranh, tổng sản lượng công nghiệp bị giảm sút kinh khủng. Năm 1918, số gang nấu ra chỉ bằng 1/8 và số kim loại dát được chỉ bằng 1/10 năm 1913, số than khai thác chỉ bằng 1/3 năm 1916. Theo tài liệu của Sở lao động, tại các thành phố có tới 300.000 người thất nghiệp. Nhiều công nhân đã bỏ sản xuất và đi về nông thôn. Các thứ vật dụng thiết yếu nhất như lương thực, quần áo, giày dép, dầu lửa, xà phòng đều trở nên khan hiếm. Nông thôn thì không có công cụ, hạt giống, sức kéo và phân bón.

Trong báo cáo Đại hội Đảng Cộng sản Nga lần VII vào tháng Ba 1918, Lê-nin nói rằng: “Một nước, do những bước đi quanh co của lịch sử, phải bắt đầu cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, mà càng lạc hậu bao nhiêu thì việc chuyển từ những quan hệ cũ tư bản chủ nghĩa sang quan hệ mới xã hội chủ nghĩa càng khó khăn bấy nhiêu. Ở đây, ngoài những nhiệm vụ phá hoại còn có thêm những nhiệm vụ mới, khó khăn chưa từng thấy, đó là những nhiệm vụ tổ chức” (1).

Đặc điểm của thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội là sự tồn tại xen kẽ của các yếu tố: tư bản chủ nghĩa, sản xuất hàng hóa nhỏ và xã hội chủ nghĩa. Ở nước Nga, đặc sắc của thời kỳ quá độ là các yếu tố của năm hình thái kinh tế khác nhau, năm thành phần kinh tế khác nhau song song tồn tại và xen kẽ với nhau. Các thành phần đó là : 1) thành phần kinh tế gia trưởng mà phần lớn là kinh tế tự nhiên của nông dân; 2) nền sản xuất hàng hóa nhỏ, đa số các nông hộ có liên hệ với thị trường là thuộc thành phần này; 3) chủ nghĩa tư bản tư doanh (gồm các xí nghiệp công nghiệp và thương nghiệp chưa quốc hữu hóa và kinh tế phú nông – kulag); 4) Chủ nghĩa tư bản Nhà nước (gồm các xí nghiệp tư bản chủ nghĩa hoạt động dưới quyền kiểm soát của Nhà nước Xô viết; 5) chủ nghĩa xã hội (các xí nghiệp quốc hữu hóa, các nông trường quốc doanh và nền kinh tế tập thể ở nông thôn).

Trong năm thành phần đó thì thành phần xã hội chủ nghĩa, nền sản xuất hàng hóa nhỏ và thành phần tư bản chủ nghĩa là những thành phần cơ bản. Thành phần xã hội chủ nghĩa do quốc hữu hóa mà có, vẫn còn yếu, song so với các thành hần khác, nó là hình thức kinh tế cao nhất và trong điều kiện chuyên chính vô sản, nó đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, chiếm ưu thế về số lượng lúc này lại là nền sản xuất hàng hóa nhỏ.

Tính tự phát tiểu tư sản là mối đe dọa đối với cách mạng. Đông đảo những người sở hữu nhỏ chống lại những biện pháp cải tạo của nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội của Chính phủ Xô viết (họ ko muốn gia nhập các hợp tác xã). Nền sản xuất hàng hóa nhỏ ở thành thị và nông thôn là cơ sở để chủ nghĩa tư bản nảy sinh và phát triển.

Tháng Tư 1918, Lê-nin viết tác phẩm “Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô viết”. Trong tác phẩm này, Người trình bày những nguyên tắc cơ bản của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.

Sau khi về mặt chính trị đã chiếm được chính quyền và về mặt cơ bản đã đè bẹp sự kháng cự của bọn bóc lột thì nhiệm vụ quản lý nhà nước lại trở thành nhiệm vụ trung tâm và chủ yếu. Lê-nin viết rằng: “Đó là nhiệm vụ khó khăn nhất, bởi vì vấn đề là phải tổ chức lại những cơ sở kinh tế sâu xa nhất trong đời sống của hàng chục và hạng chục triệu con người” (2).

Lê-nin coi việc tổ chức sự kiểm soát và kiểm kê toàn dân thật chặt chẽ về sản xuất và phân phối sản phẩm là bước quyết định để chuyển sang chủ nghĩa xã hội. Lênin dạy rằng, từ những nhiệm vụ đơn giản nhất là tiếp tục tước đoạt giai cấp tư sản cần phải chuyển sang việc củng cố những vị trí đã chiếm được, phải chuyển trọng tâm của cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản sang những nhiệm vụ kinh tế là tổ chức và quản lý sản xuất. Thiết lập kiểm soát và kiểm kê toàn dân là một biện pháp trước tiên và không thể thiếu được để cải tạo nền kinh tế nhiều thành phần thành một cơ cấu kinh tế duy nhất. Nếu Nhà nước không thực hiện kiểm kê toàn dân về các nguồn vật lực thì nó không thể chỉ đạo nền kinh tế một cách có kế hoạch được. Việc tập trung những tư liệu sản xuất cơ bản và quyền lãnh đạo toàn bộ đời sống kinh tế quốc dân vào tay Nhà nước yêu cầu phải thực hiện tổng kiểm kê và kiểm soát.

Ngoài nhiệm vụ phân phối các sản phẩm trong nước một cách có kế hoạch và tổ chức việc kiểm soát và kiểm kê toàn dân, Lê-nin đã đề ra nhiệm vụ ra sức phát triển hợp tác xã, làm cho các tổ chức hợp tác xã tập hợp bao gồm toàn thể nhân dân.

Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể giành được thắng lợi cuối cùng đối với chủ nghĩa tư bản khi nào nó đạt được một năng suất lao động mới, cao hơn trước rất nhiều và luôn cao hơn chủ nghĩa tư bản đã được phát triển tiếp theo. Lê-nin coi điều kiện cơ bản để nâng cao năng suất lao động là phát triển nền đại công nghiệp cơ khí mà trước hết là phát triển cơ sở vật chất của nó, tức là những ngành then chốt của công nghiệp nặng: nhiên liệu, luyện kim, chế tạo cơ khí, hóa chất và điện lực. Đấy là những ngành mà nước Nga chuyên chế của Nga hoàng đặc biệt lạc hậu so với các nước khác. Số than khai thác của Nga chỉ bằng 1/17 Mỹ, 1/10 Anh; về sản xuất điện thì nước Nga đứng 15 trên thế giới.

Những biện pháp cụ thể để cải tạo và phát triển công nghiệp được Lê-nin vạch ra trong bản “Dự thảo kế hoạch các công tác khoa học kỹ thuật” (tháng Tư 1918). Lê-nin đề nghị rằng, trước hết phải thành lập một loạt các ủy ban gồm các nhà chuyên môn để gấp rút thảo ra một kế hoạch cải tạo công nghiệp và phát triển nền kinh tế của nước Nga. Lê-nin chỉ rõ rằng trước hết cần phải đưa vào bản kế hoạch này vấn đề phân bố công nghiệp cho hợp lý, vấn đề tập trung sản xuất một cách hợp lý vào một số xí nghiệp lớn nhất và vấn đề đảm bảo cho nước Cộng hòa Xô viết có “khả năng tự cấp tự túc tất cả những thứ nguyên liệu và những loại công nghiệp phẩm chủ yếu nhất” (3).

Như Lê-nin đã nói, cần phải đặc biệt chú ý tới vấn đề “điện khí hóa công nghiệp và vận tải và áp dụng điện lực vào nông nghiệp”. Cần phải sử dụng những loại “nhiên liệu hạng kém (than bùn, than loại xấu) để làm ra được năng lượng điện với số phí tổn khai thác và chuyên chở ít nhất” (3)

Lê-nin coi một điều kiện nữa để nâng cao năng suất lao động là phải nâng cao trình độ văn hóa của quần chúng nhân dân, phải nâng cao kỷ luật lao động và cải tiến tổ chức lao động.

Công tác kiên trì và nhẫn nại nhằm tạo ra kỷ luật lao động mới kết hợp với cuộc đấu tranh không kiêng nể chống bọn chây lười, tham ô, bọn đầu cơ và bọn phá hoại, là một trong những điều kiện không thể thiếu được để khắc phục tình trạng rối ren về kinh tế.

Lê-nin coi việc thực hiện chế độ trả công khoán và bãi bỏ lối trả lương công nhân theo “chủ nghĩa bình quân”, việc tổ chức lao động một cách khoa học, việc sử dụng các chuyên gia cũ, đề bạt các cán bộ mới và thi hành chế độ thủ trưởng trong sản xuất, là những biện pháp cần thiết để nâng cao kỷ luật lao động cũng như năng suất lao động. Lê-nin đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết của chế độ thủ trưởng trong sản xuất và sự phục tùng vô điều kiện “ý kiến của cá nhân người lãnh đạo Xô viết trong thời gian lao động” (3).

Theo Lê-nin, vấn đề thi đua xã hội chủ nghĩa có một tầm quan trọng đặc biệt trong cuộc đấu tranh nhằm nâng cao năng suất lao động. Người coi đó là một phương tiện để cho kỷ luật tự giác của giai cấp công nhân hình thành và sáng kiến của quần chúng nảy nở.

Lê-nin đã đập tan những luận điệu bịa đặt coi thi đua là một việc không thích hợp đối với chủ nghĩa xã hội. Người chỉ rõ rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, với việc xóa bỏ giai cấp và xóa bỏ sự nô dịch của quần chúng “mới bắt đầu mở đường cho việc thi đua thực sự và đại quy mô”. (4)

Muốn tổ chức thi đua thì phải thi hành chế độ báo cáo và công bố kết quả trong quá trình sản xuất để biểu dương và học tập những điển hình tốt, vạch mặt bọn phá hoại tổ chức và những kẻ chây lười. Lãnh tụ Lê-nin hết sức tin tưởng ở khả năng sáng tạo của quần chúng, Người khuyên giai cấp công nhân đừng sợ khó khăn và hãy học tập việc quản lý kinh tế trong thực tiễn.

Khi nêu vấn đề đào tạo và đề bạt cán bộ trẻ, Lê-nin cũng yêu cầu nên sử dụng các chuyên gia tư sản, miễn là có sự kiểm soát của Nhà nước. Trả lương cao để thu hút các chuyên gia tư sản, đó là một nhượng bộ, thậm chí còn là một bước thụt lùi, song đó là một biện pháp cần thiết để có thể khôi phục một cách nhanh chóng nhất nền kinh tế bị tàn phá.

Kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội do Lê-nin thảo ra được Chính phủ Xô viết và toàn Đảng hoan nghênh và bắt đầu được thực hiện.

Lê-nin nói rằng trong thời kỳ đình chiến này “công nhân và nông dân chúng ta đã tiến được một bước dài trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội … “ (5).

Khắc phục những khó khăn to lớn nước Nga Xô viết đã bắt tay vào thực hiện những nhiệm vụ được vạch ra trong kế hoạch của Lê-nin. Hội đồng Trung ương các Liên hiệp công đoàn toàn Nga được bầu ra trong tháng Giêng 1918 kêu gọi công nhân đấu tranh để đề cao kỷ luật lao động và nâng cao năng suất lao động. Các xí nghiệp tổ chức ra các tòa án tập thể để thẩm xét những vụ vi phạm kỷ luật lao động. Tại nhiều xí nghiệp lớn ở Pê-tơ-rô-grát, chỉ trong một thời gian ngắn, công nhân đã nâng năng suất lao động lên cao bằng mức trước chiến tranh.

Đảng và Chính phủ khởi thảo một kế hoạch xây dựng nền công nghiệp mới xã hội chủ nghĩa. Viện Hàn lâm khoa học thảo ra một chương trình to tát về các công tác khoa học nhằm phục vụ nền kinh tế quốc dân. Một nhóm đông đảo các nhà khoa học kiệt xuất và các chuyên gia thực hành bắt tay vào việc xây dựng một kế hoạch chung về điện khí hóa toàn nước Nga. Các Ủy ban điện khí hóa vùng Bắc, vùng công nghiệp miền Trung và vùng mỏ Đô-nét được thành lập.

Mùa xuân 1918, bắt đầu kế hoạch liên hợp các nguồn tài nguyên thiên nhiên giữa U-ran và vùng mỏ Cu-dơ-nét, và trên cơ sở đó, xây dựng một cơ sở công nghiệp mới ở miền Đông đất nước. Các công tác thăm dò địa chất được phát triển rộng rãi ở vùng quanh Mát-xcơ-va, miền Nam U-ran và ở Ca-dắc-stăng. Các kế hoạch dài hạn nhằm phát triển và cải tạo công nghiệp và vận tải cũng bắt đầu được xây dựng. Lúc này cũng có kế hoạch xây dựng các trạm phát điện Vôn-khốp và Xi-bê-ri. Người ta cũng dự định tiến hành những công tác cải tạo chất đất rất lớn lao.

Trong bài báo “Nhiệm vụ chủ yếu hiện nay”, Lê-nin viết : “Chúng ta có đủ những thứ cần thiết – cả những tài nguyên thiên nhiên, cả những sức người tiềm tàng và cả cái thiên tài sáng tạo của nhân dân mà cách mạng vĩ đại đã mang tới cho nó một đà phát triển tuyệt vời – để tạo ra một nước Nga thực sự giàu mạnh” (6).

#Gấu

(1) Lenin toàn tập, tiếng Nga, xb lần thứ 4, t.27, tr.67.

(2) Lenin, tuyển tập, Nxb Sự thật, HN, 1959, q2, p.1, tr.402

(3) Lenin toàn tập, tiếng Nga, xb lần t4, t.27, tr.288 – 289 – 241.

(4) Lenin, tuyển tập, Nxb Sự thật, HN, 1959, q.2, p.1, tr.420.

(5) Lenin toàn tập, tiếng Nga, xb lần 4, t.27, tr.471.

(6) Lenin, tuyển tập, Nxb Sự thật, HN, 1959, q.2, p.1, tr.394.