2. Ý nghĩa và nhiệm vụ của kế hoạch giá thành sản phẩm trong lĩnh vực sản xuất vật chất

2.  Ý nghĩa và nhiệm vụ của kế hoạch giá thành sản phẩm trong lĩnh vực sản xuất vật chất


Như đã nói, rằng quy luật giá trị có tác dụng trong lĩnh vực sản xuất thì cần phải thông qua một hình thức nào đó có thể biểu hiện được giá trị để lập kế hoạch giá trị, tức là phải thông qua hình thái tiền tệ (như: hình thái hao phí tiền tệ trong khi sản xuất sản phẩm, tức là hình thái giá thành, và các hình thái tiền tệ khác cũng biểu hiện giá trị như giá cả và thu nhập thuần túy ...) để tính toán và lập kế hoạch giá trị. Tuy giá thành cũng là biểu hiện của giá trị, song không phải như thế nghĩa là giá thành và giá trị là những phạm trù giống nhau.


Thông thường thì giá thành sản phẩm của các ngành sản xuất của Liên Xô được cấu tạo bởi các nhân tố sau đây:


1- Tiền lương ; 

2- Biểu hiện tiền tệ của hao phí nguyên liệu ; 

3- Biểu hiện tiền tệ của hao phí vật liệu; 

4- Biểu hiện tiền tệ của hao phí nhiên liệu ; 

5- Biểu hiện tiền tệ của hao phí điện lực ; 

6- Biểu hiện tiền tệ của khấu hao ; 

7- Biểu hiện tiền tệ của các hao phí khác.


Tiền lương biểu hiện một bộ phận giá trị vừa mới sáng tạo ra. Biểu hiện tiền tệ của hao phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, điện lực và khấu hao nói lên giá trị di chuyển. Trong các hao phí khác cũng biểu hiện một bộ phận của V và một bộ phận của C. (Giá trị hàng hóa - W = c + v + m)


Căn cứ vào đó, giá thành sản phẩm thường biểu hiện thành c + v, tức là chỉ biểu hiện một bộ phận của giá trị, vì toàn bộ giá trị phải là c + v + m. Trong một số trường hợp nào đó, giá thành cũng gồm cả lợi tức cho vay và một phần nhỏ m khác. Do đó, bất cứ trong một ngành cá biệt nào đó, hoặc trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân, thì giá thành đều được cấu tạo bởi c + v và một phần nhỏ của m.


Giá thành biểu hiện một phần lớn giá trị. Giá thành đã là một bộ phận của giá trị thì sự thay đổi của giá trị cũng phải biểu hiện trong giá thành. Sự vận động của giá trị có tính quy luật. Quy luật vận động của giá trị là: trong chế độ kinh tế có kế hoạch, giá trị của toàn bộ sản phẩm xã hội không ngừng tăng lên, còn giá trị của đơn vị sản phẩm thì không ngừng hạ ngừng hạ xuống. Điều này xuất phát từ tình hình như sau: dưới chế độ kinh tế có kế hoạch, trong lĩnh vực sản xuất vật chất, khối lượng hao phí lao động tăng lên không ngừng, trình độ lành nghề của lao động cũng không ngừng nâng cao, như thế có nghĩa là giá trị của toàn bộ sản phẩm xã hội cũng tăng thêm. Đồng thời, năng suất lao động và trình độ tiết kiệm hao phí vật tư đều được nâng cao không ngừng, do đó số lượng giá trị sử dụng tăng lên nhanh hơn lượng giá trị của sản phẩm, cho nên giá trị của mỗi đơn vị sản phẩm sẽ không ngừng hạ xuống. 


Ví dụ như, lượng giá trị của toàn bộ sản phẩm xã hội tăng từ 100 lên 120, mà số lượng giá trị sử dụng lại tăng từ 100 lên 200, như vậy lượng giá trị của mỗi đơn vị giá trị sử dụng giảm từ 1 còn 0,6.


Quy luật vận động đó của giá trị cũng quyết định quy luật chung của công tác kế hoạch giá thành, tức là trong mỗi thời kỳ kế hoạch, trong khi tổng giá thành của toàn bộ sản phẩm vật chất tăng lên thì cũng quy định hạ giá thành của đơn vị sản phẩm.


Sự lệ thuộc lẫn nhau giữa việc giảm giá trị của đơn vị sản phẩm và hạ giá thành của đơn vị sản phẩm đã nói trên, không có nghĩa là giữa hai mặt đó có một mối quan hệ lệ thuộc trực tiếp về số lượng. 


Ví dụ, giá trị đơn vị sản phẩm hạ xuống một nửa không có nghĩa là giá thành của đơn vị sản phẩm cũng phải hạ xuống một nửa, vì không bao giờ có quan hệ thuộc trực tiếp như kiểu đó.


- Thứ nhất, vì giá thành chỉ là một loại biểu hiện tiền tệ của giá trị, giá thành của bất cứ sản phẩm nào cũng đều không nói lên được toàn bộ giá cả của thứ sản phẩm ấy, vì giá cả (hoặc biểu hiện tiền tệ của giá trị) thường xuyên tách rời giá trị.


- Thứ hai, vì giá thành chẳng những chỉ biểu hiện hao phí trong quá trình sản xuất mà còn phản ánh tình hình phân phối giá trị mới sáng tạo cho vm. Do đó, ngay trong điều kiện lượng giá trị bằng nhau, số lượng của giá thành cũng có thể khác nhau. 


Ví dụ, nếu c = 50, v = 25, m = 25, cộng cả lại là 100, thế thì, giá thành sẽ bằng 75. Nhưng nếu c = 50, v = 30, m = 20, cộng cả lại tuy vẫn là 100, nhưng giá thành lại là 80.


Do những nguyên nhân trên mà việc hạ giá thành đơn vị sản phẩm không thống nhất với việc hạ giá trị của đơn vị sản phẩm. Quy luật chung là : việc hạ giá trị đơn vị sản phẩm nhanh hơn việc hạ giá thành của đơn vị sản phẩm.


Việc hạ giá thành có một ý nghĩa kinh tế quốc dân to lớn. Giá thành hạ xuống tạo khả năng giảm giá cả. Nhờ giá cả vật phẩm tiêu dùng giảm xuống mà có thể nâng cao tiền lương thực tế, nâng cao sức mua của nhân dân, đồng thời củng cố chế độ tiền tệ của nền kinh tế quốc dân.


Giá thành hạ xuống càng nhiều thì càng có khả năng hạ giả cả nhiều hơn. Bởi vậy, trong những kỳ kế hoạch giá thành hạ xuống nhiều, thì có thể quy định mức độ hạ giá cả lớn hơn. Nhưng nói như thế không có nghĩa là tỷ lệ phần trăm hoặc tốc độ của việc hạ giá thành sẽ quyết định một cách máy móc tỷ lệ phần trăm hoặc tốc độ của việc hạ giá cả. 


Giả thử rằng, nếu cần phải nâng cao tỷ trọng tích lũy trong kỳ kế hoạch thì tốc độ hạ giá cả phải chậm hơn tốc độ hạ giá thành; thậm chí trong một số trường hợp nào đó, hoàn toàn không thể quy định hạ giá cả được.


Nhờ hạ giá thành, số tích lũy trong lĩnh vực sản xuất vật chất sẽ tăng lên. Một phần trong số tích lũy đó được giữ lại trong nội bộ sản xuất để mở rộng sản xuất hiện tại và để cung cấp cho các nhu cầu khác của sản xuất. Do đó thấy rằng, việc hạ giá thành vẫn là điều kiện quan trọng để phát triển chế độ hạch toán kinh tế. Phần kia trong số tích lũy phải nộp vào ngân sách Nhà nước, đề tăng thêm thu nhập của ngân sách Nhà nước, củng cố được nền tài chính nước nhà. Giá thành hạ xuống càng nhiều thì thu nhập của ngân sách Nhà nước cũng tăng lên càng nhiều, và Nhà nước càng có thể dùng nhiều vốn vào các mặt: xây dựng cơ bản, sự nghiệp văn hóa xã hội cũng các nhu cầu chung khác của xã hội.


Nhiệm vụ chung của kế hoạch giá thành là bảo đảm thực hiện tiết kiệm trong quá trình sản xuất vật chất, cho nên nội dung chủ yếu của kế hoạch giá thành là giảm bớt các loại hao phí trong sản xuất.


Nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch giá thành là: quy định và bảo đảm tiết kiệm đến mức tối đa về hao phí toàn bộ lao động xã hội cần thiết, cũng tức là phải tiết kiệm được lao động sống và lao động vật hóa tới mức tối đa. Việc tiết kiệm hao phí toàn bộ lao động tới mức tối đa có nghĩa là tiết kiệm các thứ hao phí lao động sống, hạ thấp tiêu chuẩn hao phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, điện lực và khấu hao, cũng như giảm bớt hao phí vật tư dùng trong việc quản lý sản xuất (tức là một phần chi phí quản lý hành chính) trong mỗi đơn vị sản phẩm.


Nhiệm vụ thứ hai của kế hoạch giá thành là: bảo đảm hạ giá thành sản phẩm một cách thích đáng. Nhiệm vụ này có quan hệ mật thiết với nhiệm vụ thứ nhất. Giải quyết được nhiệm vụ thứ nhất là điều kiện quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ thứ hai. Nhưng trong việc giải quyết nhiệm vụ thứ hai, cũng có những đặc điểm riêng. Thoạt mới nhìn, tựa hồ đối với từng ngành đều phải quy định nhiệm vụ hạ giá thành tới mức tối đa, vì có như thế mới đạt được mức tích lũy tối đa. Song, trong xí nghiệp xã hội chủ nghĩa không thể nào quy định nhiệm vụ như thế được. Nhiệm vụ đó có thể đề ra trong các xí nghiệp tư bản tư nhân. Nguyên nhân như đã nói trên, giá thành chẳng những chỉ phản ánh việc sản xuất mà còn phản ánh việc phân phối. Giá thành sản phẩm của ngành nào cũng vậy, đều gồm có hai bộ phận chủ yếu là tiền lương và hao phí vật tư, trong đó tiền lương chiếm một tỷ trọng tương đối lớn. Nếu quy định hạ giá thành tới mức tối đa thì cũng phải hạ tiền lương có tính chất sản xuất của mỗi đơn vị sản phẩm tới mức tối đa, như thế có nghĩa là, đã vứt bỏ chính sách dựa vào việc tăng năng suất lao động để nâng cao tiền lương, đình chỉ hẳn việc tăng tiền lương, thậm chỉ còn hạ thấp tiền lương. Đứng trên quan điểm sản xuất tư bản chủ nghĩa mà xét thì quy định nhiệm vụ như thể là hoàn toàn phù hợp với quy luật. Nhưng đối với sản xuất xã hội chủ nghĩa thì đây lại là một biện pháp trái nguyên tắc. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, mức tiêu dùng được nâng cao không ngừng, việc nâng cao không ngừng mức tiêu dùng thực hiện không những bằng cách hạ thấp giá cả vật phẩm tiêu dùng, mà còn bằng cách nâng cao tiền lương. Mọi người đều hiểu rằng, việc tăng lương một cách đúng đắn là một lực lượng kích thích to lớn làm cho năng suất lao động nâng cao. Không nâng cao tiền lương thì không thể nào thực hiện được nguyên tắc phân phối theo lao động của chủ nghĩa xã hội.


Hạ giá thành của từng ngành sản xuất tới mức tối đa còn có nghĩa là giảm tới mức tối đa biểu hiện tiền tệ của hao phí vật tư trong giá thành. Như thế có nghĩa là, trong trường hợp tiêu chuẩn hao phí vật tư đã được xác định, thì phải quy định giá mua thấp nhất đối với nguyên liệu, vật liệu và nhiên liệu. Theo quan điểm của chủ nghĩa tư bản, việc quy định nhiệm vụ như thế cũng hoàn toàn phù hợp với quy luật; nhưng trong nền sản xuất xã hội chủ nghĩa, đây cũng là một biện pháp trái nguyên tắc.Vì trong nền sản xuất xã hội chủ nghĩa, cần phải tạo những điều kiện phát triển có lợi cho tất cả mọi ngành; nếu đã quy định giá mua tương đối thấp cho một số ngành nào đó, thì một số ngành khác bán sản phẩm của họ theo giá ấy sẽ rơi vào tình trạng thiệt thòi, về lâu dài thì mang tính phá hoại. 


Ví dụ, quy định giá mua kim loại rất thấp cho nhà máy chế tạo máy móc thì ngành công nghiệp luyện kim bán những thứ kim loại đó ra sẽ bị lỗ vốn, như thế sẽ phá hoại chế độ hạch toán kinh tế của ngành công nghiệp luyện kim. Do đó thấy rằng, phải quy định một giá mua như thế nào cho thích hợp nhất, chứ không phải là thấp nhất cho tất cả các ngành sản xuất có liên quan chặt chẽ với nhau.


Cho nên, kế hoạch hạ giá thành chẳng những biểu hiện sự tiết kiệm hao phí lao động sống và lao động vật hóa, mà còn phải biểu hiện sự so sánh nhất định giữa sự tiết kiệm đó với việc nâng cao tiền lương có tính chất sản xuất. Kế hoạch giá thành phản ánh tỷ lệ giá cả của các loại tư liệu sản xuất. Do đó, kế hoạch giá thành chẳng những biểu hiện sản xuất (sự tiết kiệm hao phí toàn bộ lao động), mà còn biểu hiện các quá trình chủ yếu của phân phối (tiền lương và giá cả). Tình hình đó đã quyết định những đặc điểm riêng trong việc giải quyết nhiệm vụ thứ hai của kế hoạch giá thành sản phẩm.


Đặc điểm đó là bảo đảm hạ giá thành sản phẩm của từng ngành, việc hạ giá thành ấy phải tính đến vấn đề tăng mức tiêu dùng (tiền lương), tính đến lợi ích về mặt sản xuất của các ngành có liên quan, đồng thời làm cho tích lũy tăng thêm. Còn nhiệm vụ hạ giá thành tới mức tối đa thì phải được quy định về phương diện giá trị của sản phẩm. Giá thành chẳng những biểu hiện sản xuất mà còn biểu hiện phân phối, nhưng giá trị thì lại khác, nó chỉ trực tiếp phản ánh sản xuất, và hơn nữa, phụ thuộc vào hao phí toàn bộ lao động trong việc sản xuất sản phẩm. Những hao phí đó cũng phải giảm xuống tới mức tối đa.


Kế hoạch giá thành sản phẩm trong lĩnh vực sản xuất vật chất là một bộ phận tổng hợp của toàn bộ kế hoạch kinh tế quốc dân. Nó phản ánh sản lượng, năng suất lao động, hao phí lao động, tiền lương, tiêu chuẩn hao phí vật tư, mức giá cả tư liệu sản xuất và phần rất lớn chi phí quản lý sản xuất. Do đó thấy rằng, kế hoạch giá thành sản phẩm có liên quan trực tiếp với việc giải quyết rất nhiều vấn đề quan trọng về mặt sản xuất và phân phối.