C4.P3. Bolshevik và Menshevik trong những năm phản động Stolypin. Cuộc đấu tranh của những người Bolshevik chống phái thủ tiêu và phái triệu hồi.


Trong những năm thể lực phản động hoành hành, làm việc trong các tổ chức của đảng khó gấp bội so với thời kỳ cách mạng đang lên trước đây. Số đảng viên giảm đi rất nhiều. Nhiều phần tử tiểu tư sản, nhất là trí thức, trước tham gia cách mạng nay bỏ hàng ngũ của đảng vì sợ chính phủ Nga hoàng khủng bố.

Lenin chỉ rõ rằng trong những lúc như thế, các đảng cách mạng phải hoàn thiện việc học tập. Trong thời kỳ cao trào cách mạng họ đã học tấn công; trong thời kỳ phản động, họ phải học thoái thủ như thế nào cho đúng, học rút vào bí mật như thế nào, cách duy trì và củng cố đảng bất hợp pháp như thế nào, cách lợi dụng như thế nào những khả năng hợp pháp, mọi tổ chức hợp pháp, nhất là những tổ chức quần chúng, để củng cố mối liên hệ với quần chúng.


Phái Menshevik rút lui trong tình trạng hoảng sợ, không tin có thể có một cao trào cách mạng mới; họ từ bỏ một cách nhục nhã những yêu sách cách mạng trong cương lĩnh và trong khẩu hiệu cách mạng của đảng, họ muốn thủ tiêu, tiêu diệt đảng cách mạng bí mật của giai cấp vô sản. Vì thế người ta gọi phái Menshevik là phái thủ tiêu.


Khác với phái Menshevik, người Bolshevik tin chắc rằng trong những năm tiếp theo sẽ có cao trào cách mạng mới, và đảng có nhiệm vụ chuẩn bị cho quần chủng đón cao trào cách mạng mới ấy. Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng chưa được giải quyết. Nông dân chưa được chia ruộng đất của bọn địa chủ, cổng nhân chưa được hưởng chế độ ngày làm 8 giờ, nền chuyên chế của Nga hòang mà nhân dân căm ghét chưa bị lật đổ, nó lại bóp chết một số ít tự do chính trị nho nhỏ mà nhân dân đã giành được năm 1905. Như vậy, những nguyên nhân đẻ ra cuộc cách mạng 1905 vẫn còn nguyên. Vì vậy, những người Bolshevik tin rằng sẽ có cao trào cách mạng mới, họ chuẩn bị đón cao trào ấy, tập hợp lực lượng của giai cấp công nhân.


Những người Bolshevik sở dĩ tin chắc nhất định sẽ có cao trào cách mạng mới là còn căn cứ vào điều này nữa: cuộc cách mạng năm 1905 đã dạy cho giai cấp công nhân giành quyền cho mình bằng đấu tranh cách mạng của quần chúng. Trong những năm thế lực phản động làm mưa làm gió, trong những năm tư bản tấn công, công nhân không thể quên được những bài học đó của năm 1905, Lenin dẫn những bức thư của công nhân kể việc bọn chủ xưởng lại áp bức, ngược đãi công nhân, họ nói: “Hãy đợi đó, năm 1905 rồi sẽ lại đến !”.


Mục đích chính trị cơ bản của những người Bolshevik vẫn như năm 1905 là lật đổ chế độ Nga hoàng, tiến hành đến cùng cách mạng dân chủ tư sản, chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Không một phút nào người Bolshevik quên mục đích ấy, họ tiếp tục nêu trước quần chúng những khẩu hiệu cách mạng cơ bản như: thực hiện chế độ cộng hòa dân chủ, tịch thu ruộng đất của địa chủ, thực hiện ngày làm 8 giờ.


Nhưng sách lược của đảng không thể còn như trong thời kỳ cao trào cách mạng 1905, thí dụ, trước mắt không thể kêu gọi quần chúng tổng bãi công chính trị hay khởi nghĩa vũ trang, vì cách mạng đang ở lúc thoái trào, giai cấp công nhân rất mệt mỏi, các giai cấp phản động được tăng cường rất nhiều. Đảng không thể không đếm xỉa đến hoàn cảnh mới. Phải thay sách lược tấn công bằng sách lược phòng ngự, sách lược tập hợp lực lượng, sách lược rút cán bộ vào hoạt động bí mật và đảng hoạt động bí mật, sách lược kết hợp hoạt động bí mật với hoạt động trong các tổ chức hợp pháp của công nhân.


Những người Bolshevik đã làm được nhiệm vụ ấy.


Lenin viết: “Chúng ta đã biết làm việc nhiều năm trước khi nổ ra cách mạng. Không phải vô cớ mà người ta bảo là chúng ta vững như đá. Những người dân chủ-xã hội đã lập nên một đảng vô sản, không nao núng trước thất bại của trận tập kích quân sự đầu tiên, không hoang mang, không phiêu lưu mạo hiểm”.


Những người Bolshevik đấu tranh để duy trì và củng cố những tổ chức bất hợp pháp của đảng. Nhưng đồng thời họ thấy cần phải lợi dụng mọi khả năng hợp pháp, mọi cơ hội hợp pháp, để giữ liên hệ với quần chủng và do đó tăng cường đảng.


Stalin phát biểu tại Đại hội XV đã khái quát lại thời kỳ này: “Đây là thời kỳ đảng ta chuyển cuộc đấu tranh cách mạng công khai chống chế độ Nga hoàng sang những phương pháp đấu tranh mềm dẻo, lợi dụng mọi khả năng hợp pháp về mọi mặt, từ những quỹ bảo hiểm đến diễn đàn của viện Duma. Đó là thời kỳ thoái thủ sau khi chúng ta bị đánh trong cuộc cách mạng 1905. Sự chuyển hướng ấy đòi hỏi chúng ta phải nắm vững các phương pháp đấu tranh mới để một khi tập hợp lực lượng xong, có thể lại đấu tranh cách mạng công khai chống chế độ Nga hoàng”.


Những tổ chức hợp pháp còn lại được dùng làm bình phong cho các tổ chức bí mật của đảng và phương tiện liên hệ với quần chúng. Để giữ liên hệ với quần chúng, tổ chức xã hội hợp pháp khác như quỹ bảo hiểm ốm đau, hợp tác xã công nhân, câu lạc bộ và hội văn hóa, các nhà họp của nhân dân. Họ dùng diễn đàn của viện Duma Nhà nước để tố cáo chính sách của chính phủ Nga hoàng, để vạch mặt bọn dân chủ lập hiến, để thu hút nông dân về phía giai cấp vô sản. Việc duy trì tổ hoạt động chính trị thông qua tổ chức đó, đã bảo đảm cho đảng thực hiện được đường lối đúng đắn của đảng, chuẩn bị lực lượng cho cao trào cách mạng mới.


Những người Bolshevik thực hiện đường lối cách mạng của mình bằng cách đấu tranh trên hai mặt trận, chống hai loại chủ nghĩa cơ hội trong đảng: chống phái thủ tiêu, kẻ thù công khai của đảng và chống bọn mà người ta vẫn gọi là phái triệu hồi, kẻ thù giấu mặt của đảng.


Lenin và những người Bolshevik đã tiến hành một cuộc đấu tranh không điều hòa chống phái thủ tiêu ngay khi phái cơ hội chủ nghĩa này xuất hiện. Lenin vạch ra rằng phái thủ tiêu là tay sai của giai cấp tư sản tự do trong đảng.


Tháng Chạp 1908, hội nghị V (toàn quốc) của Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga họp ở Pari. Theo đề nghị của Lenin, hội nghị lên án phái thủ tiêu, tức là ý đồ của một số trí thức trong đảng (Menshevik) muốn “vô luận thế nào cũng phải thủ tiêu cho bằng được tổ chức hiện có của Đ.C.N.D.C.X.H. Nga và thay thế bằng một đoàn thể tản mạn trong khuôn khổ hợp pháp, mặc dù sự hợp pháp ấy phải trả bằng một cái giá là từ bỏ hẳn cương lĩnh, sách lược và truyền thống của đảng”.


Hội nghị kêu gọi tất cả các tổ chức của đảng cương quyết đấu tranh chống mọi ý đồ của phái thủ tiêu.


Nhưng phái Menshevik không chịu tuân theo quyết định đó của hội nghị, ngày càng đi sâu vào con đường thủ tiêu, phản bội cách mạng, gần gũi với bọn Kadet. Bọn Menshevik ngày càng công khai từ bỏ cương lĩnh cách mạng của đảng vô sản, từ bỏ những yêu sách lập chế độ cộng hòa dân chủ, ngày làm 8 giờ, tịch thu ruộng đất của địa chủ. Từ bỏ cương lĩnh và sách lược của đảng, phái Menshevik nghĩ rằng chính phủ Nga hoàng sẽ cho phép họ có một đảng công khai, hợp pháp mệnh danh là đảng “công nhân”. Bọn Menshevik sẵn sàng thỏa hiệp và gò mình theo chế độ Stolypin. Vì vậy người ta còn gọi phái thủ tiêu là “đảng công nhân của Stolypin”.


Đồng thời với việc đấu tranh chống kẻ thù công khai của cách mạng là phái thủ tiêu đứng đầu là những tên Dan, Axelrod, Potressov, Martov, Trotsky và bọn Menshevik khác giúp sức, những người Bolshevik còn tiến hành một cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống phái thủ tiêu giấu mặt, chống phái triệu hồi, phái này che đậy chủ nghĩa cơ hội của họ bằng những lời lẽ “tả khuynh”. Phái triệu hồi là một số người nguyên là Bolshevik cũ đòi triệu hồi đại biểu công nhân ra khỏi viện Duma Nhà nước và nói chung là đòi ngừng mọi hoạt động trong các tổ chức hợp pháp.


Năm 1908, một số người Bolshevik đòi triệu hồi các đại biểu đảng dân chủ - xã hội khỏi viện Duma Nhà nước. Vì thế mà có tên gọi “phái triệu hồi”. Phái triệu hồi lập một nhóm riêng (Bogdanov, Lunacharsky, Alexinsky, Pokrovsky, Bubnov và một số khác), đấu tranh chống Lenin và đường lối Lenin. Họ cương quyết từ chối không chịu hoạt động trong các công đoàn Công nhân và các hội hợp pháp khác. Như thế, họ làm cho sự nghiệp của công nhân chịu những tổn thất nghiêm trọng. Phái triệu hồi làm cho đảng xa rời giai cấp công nhân, mất liên hệ với quần chúng ngoài đảng; họ muốn thu mình trong tổ chức bí mật, và do đó đặt đảng vào tình thế nguy hiểm, không lợi dụng được mọi hình thức che đậy hợp pháp nữa. Phái triệu hồi không hiểu rằng trong viện Duma Nhà nước và thông qua viện Duma Nhà nước, những người Bolshevik có thể ảnh hưởng đến nông dân, có thể vạch trần chính sách của chính phủ Nga hoàng, chính sách của bôn Kadet (Dân chủ lập hiến) mưu tìm cách lừa bịp lôi kéo nông dân đi theo chúng. Phái triệu hồi cản trở việc tập hợp lực lượng cho cao trào cách mạng mới. Vì vậy phái triệu hồi là “phái thủ tiêu lộn ngược trở lại” ; họ ra sức thủ tiêu khả năng lợi dụng những tổ chức hợp pháp và thực tế họ đã từ bỏ sự lãnh đạo của giai cấp vô sản đối với đông đảo quần chúng ngoài đảng, họ đã từ bỏ hoạt động cách mạng.


Hội nghị mở rộng của tòa soạn báo Bolshevik Người vô sản triệu tập năm 1909 thể thảo luận về thái độ của phái triệu hồi, đã lên án bọn họ. Những người Bolshevik tuyên bố rằng họ không có gì tương đồng với phái triệu hồi và họ đã khai trừ phái triệu hồi ra khỏi tổ chức Bolshevik.


Cả phái thủ tiêu và phái triệu hồi đều chỉ là những bạn đồng hành tiểu tư sản của giai cấp vô sản và của đảng của giai cấp vô sản. Trong thời kỳ giai cấp vô sản gặp khó khăn, phái thủ tiêu và phái triệu hồi đã lộ rõ bộ mặt thực của họ.


#Gấu