C1.P1. Tình hình nước Nga năm 1917. Cương lĩnh kinh tế của Đảng Bôn-sê-vích trong thời kỳ chuẩn bị Cách mạng tháng Mười.


Cuộc Cách mạng tháng Mười là một kết quả tất yếu và hợp quy luật phát triển của hệ thống tư bản chủ nghĩa quốc tế. Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản bước vào giai đoạn phát triển mới, cao trào nhất, đó là giai đoạn đế quốc chủ nghĩa; đặc điểm của giai đoạn này là sự xung đột gay gắt tột cùng của tất cả những mâu thuẫn trong hệ thống tư bản chủ nghĩa.

Nền đại sản xuất phát triển cao đã tạo ra một tiền đề vật chất để chuyển từ chủ nghĩa tư bản sang một chế độ xã hội mới cao hơn, đó là chủ nghĩa xã hội. Sự thống trị của các tổ chức lũng đoạn, việc tăng cường bóc lột giai cấp công nhân và nhân dân lao động, làm cho sự công phẫn của quần chúng nhân dân trở thêm mạnh mẽ, những mâu thuẫn ấy trở nên gay gắt. Chủ nghĩa đế quốc đẩy thế giới tới cách mạng vô sản.

Trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, do sự phát triển không đều về chính trị và kinh tế giữa các nước tư bản, nên những điều kiện của cách mạng vô sản không chín muồi cùng một lúc trong những nước khác nhau. Xuất phát từ lý luận đó, năm 1915, đồng chí Lê-nin đã rút ra một kết luận rất quan trọng: cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể thắng lợi trước tiên trong một số nước, hoặc thậm chí chỉ trong một nước, và không thể thắng lợi cùng một lúc trong tất cả các nước.

Những điều kiện để cho một cuộc cách mạng vô sản đầu tiên thắng lợi đã xuất hiện sớm nhất ở Nga là nước mà vào đầu thế kỷ XX trở thành nơi tập hợp tất cả các mâu thuẫn của chủ nghĩa đế quốc. Vào đầu thế kỷ XX, cũng như trong các nước tư bản phát triển nhất, ở nước Nga đã xuất hiện những dấu hiệu quan trọng nhất của chủ nghĩa đế quốc. Các tổ chức lũng đoạn lớn chiếm địa vị thống trị trong công nghiệp. Tư bản ngân hàng tập trung với một tốc độ mau chóng. Về trình độ tập trung sản xuất thì nước Nga cao hơn cả nước Mỹ và Đức.

Ở nước Nga, chủ nghĩa tư bản lũng đoạn nằm giữa một mạng lưới dày đặc những tàn tích của chế độ nông nô, trong đó chế độ chuyên chế Nga hoàng là cái tàn tích lớn nhất. Lê-nin đã viết: “Ở nước Nga, chủ nghĩa đế quốc tư bản chủ nghĩa kiểu mới đã thể hiện đầy đủ trong chính sách của chế độ Nga hoàng đối với Ba Tư, Mãn Châu, Mông Cổ; nhưng nói chung cai hiện đang thống trị ở Nga chính là chủ nghĩa đế quốc phong kiến và quân phiệt” (1). Cũng do những đặc điểm ấy của chủ nghĩa đế quốc mà ở nước Nga, những mâu thuẫn giai cấp đặc biệt sâu sắc. Sự bóc lột tàn bạo của chủ nghĩa tư bản kết thành một khối áp bức nửa phong kiến, với ách áp bức dân tộc và áp bức chính trị hết sức nặng nề. Vào đầu thế kỷ XX, nước Nga trở thành trung tâm của phong trào cách mạng thế giới.

Cuộc chiến tranh thế giới 1914-1918 gây ra những thiệt hại khổng lồ cho nhân dân và cũng là nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ cách mạng tiến tới. Đồng thời, chiến tranh cũng đẩy nhanh quá trình tạo ra những tiền đề vật chất cho bước quá độ sang chủ nghĩa xã hội. Chiến tranh đẩy chủ nghĩa tư bản lũng đoạn chuyển sang chủ nghĩa tư bản lũng đoạn Nhà nước, trong đó nền sản xuất được xã hội hóa tới mức độ cao nhất có thể có được trong chủ nghĩa tư bản lũng đoạn Nhà nước “là sự chuẩn bị về vật chất đầy đủ nhất cho chủ nghĩa xã hội, là ngưỡng cửa của chủ nghĩa xã hội …” (2).

Người lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng đang phát triển rộng rãi khắp nước Nga là giai cấp công nhân mà đội tiền phong của nó là đảng mác-xít kiểu mới, Đảng Bôn-sê-vích do lãnh tụ Lê-nin lãnh đạo.

Tháng Hai 1917, ở Nga nổ ra cuộc cách mạng dân chủ tư sản, cuộc cách mạng này lật đổ chế độ Nga hoàng ở nước Nga. Cuộc cách mạng này đã tạo ra tình thế vô cùng đặc biệt, có hai chính quyền cùng được thiết lập nên: chính quyền công nông dưới hình thức các Xô viết đại biểu công nhân, binh lính và nông dân cùng với chính quyền của giai cấp tư sản mà đại biểu là Chính phủ tư sản lâm thời.

Sau khi giành được chính quyền, giai cấp tư sản muốn ngăn chặn làn sóng cách mạng của nhân dân đang tiến tới. Họ từ chối thõa mãn nhu cầu có tính chất sống còn của nhân dân đó là hòa bình, bánh mì và ruộng đất. Việc đó tạo ra những điều kiện để từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đảng Bôn-sê-vích được vũ trang bằng học thuyết cách mạng xã hội chủ nghĩa của Lê-nin, đã đóng vai trò người tổ chức và lãnh đạo của quần chúng cách mạng.

Đảng mở rộng những hoạt động chuẩn bị cách mạng xã hội chủ nghĩa trong hoàn cảnh nền kinh tế ngày càng suy sụp. Chiều lòng bọn tư bản Nga và tư bản nước ngoài. Chính phủ Lâm thời tiếp tục cuộc chiến tranh tàn phá đất nước. Cứ mỗi ngày chiến tranh lại ngốn ngân sách đến 50 triệu đồng rúp (3).

Sản xuất công nghiệp bị giảm sút. Trong năm 1917 sản lượng công nghiệp giảm mất 36%. Số gang nấu ra năm 1913 là 283 triệu pút (1 pút = 16,38kg), đến năm 1917 giảm xuống còn có 190 triệu pút. Trong số 177 lò cao có 44 lò không hoạt động, số còn lại hoạt động không hết công suất.

Vận tải đường sắt cũng lâm vào tình trạng nguy ngập: hơn 25% đầu máy và toa xe bị hư hỏng. Khối lượng vận tải trong tháng Mười 1917 chỉ bằng hai phần ba so với năm 1916.

Tình hình nông nghiệp khá bi đát. Tổng thu hoạch ngũ cốc năm 1916-1917 chỉ bằng 70-72% mức thu hoạch trước chiến tranh.

Các thành phố thiếu bánh mì. Chính sách lương thực của giai cấp tư sản bị phá sản hoàn toàn làm cho cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng trầm trọng. Chính phủ tư sản lâm thời tuyên bố chính sách độc quyền lúa mì nhưng không thực hiện nổi chính sách đó. Bọn địa chủ và phú nông không muốn bán lúa mì cho Nhà nước theo giá cả quy định. Do áp lực của bọn địa chủ, chính phủ tăng giá thu mua lúa mì lên gấp đôi. Việc này làm cho tình cảnh công nhân vốn đã khổ nay càng khổ, còn địa chủ và phú nông tiếp tục tích trữ lúa mì để đầu cơ hòng nâng giá bán lên nữa.

Chính phủ tư sản lâm thời cũng không khắc phục nổi những khó khăn tài chính; để giải quyết những khó khăn, chính phủ tăng thêm thuế đối với các vật phẩm tiêu dùng của nhân dân và phát hành thêm tiền giấy. Từ tháng Ba đến tháng Bảy 1917, số tiền giấy phát hành ra nhiều gấp ba lần số tiền phát hành trong năm 1916.

Tất cả những gánh nặng của biện pháp này đều đổ dồn lên đầu nhân dân. Việc tiền bị mất giá và đời sống nhân dân thêm đắt đỏ với số tiền lương thực tế của công nhân giảm đi 1 nửa so với mức 1913. Vì muốn tăng thêm lợi nhuận, giai cấp tư sản khước từ những yêu cầu tăng lương của công nhân.

Công nhân phải tự lực đấu tranh với tình trạng rối ren và nạn đói. Tại các xí nghiệp đã xuất hiện các Ủy ban nhà máy – công xưởng, các ủy ban này đấu tranh đẻ thiết lập quyền kiểm soát của công nhân đối với sản xuất. Ở Pê-tơ-rô-grát, Mát-xcơ-va, Đôn-bát và U-ran, quyền kiểm soát của công nhân bắt đầu được thi hành ngay từ những ngày đầu tiên sau cách mạng tháng Hai. Ở Pê-tơ-rô-grát, quyền kiểm soát của công nhân được thiết lập trước tiên trong các nhà máy quân giới của Nhà nước là nhũng nhà máy mà các cơ quan quản trị đã chạy trốn hoặc bãi bỏ.

Trong thời kỳ này, Ủy ban công nhân là một trong những hình thức tổ chức quần chúng của giai cấp vô sản. Nó không những chỉ đóng vai trò kẻ truyền đạt những yêu sách kinh tế của công nhân (như ngày làm việc tám giờ, tăng lương, cải thiện điều kiện lao động), mà còn đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh chính trị của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản.

Hoảng sợ trước tính tổ chức và tính tích cực ngày càng cao của quần chúng công nhân, bọn tư bản đóng cửa các xí nghiệp và đẩy hàng ngàn công nhân ra đường phố. Theo số liệu của Bộ Công thương thì trong khoảng thời gian từ tháng Tám đến tháng Chín 1917, có 231 xí nghiệp gồm 61 ngàn công nhân, bị đóng cửa. Ở U-ran gần một nửa tổng số nhà máy bị đóng cửa.

Trong khi liên tiếp nâng cao giá các hàng công nghiệp (than, dầu hỏa, kim khí), Chính phủ tư sản đã khuyến khích nạn đầu cơ và những hoạt động phá hoại của bọn tư bản.

Chính phủ tư sản không muốn giải quyết vấn đề ruộng đất. Yêu cầu của nông dân về tịch thu ruộng đất của địa chủ đã đụng chạm đến quyền lợi của giai cấp tư sản. Một phần rất lớn tài sản của bọn địa chủ đem cầm tại các ngân hàng và việc tịch thu ruộng đất sẽ làm cho giai cấp tư sản thiệt hại hàng tỷ rúp. Chính phủ tư sản gác việc giải quyết vấn đề ruộng đất lại và dùng vũ lực để trấn áp những vụ nông dân nổi dậy chiếm ruộng đất của địa chủ.

Đại hội lần thứ VI của Đảng họp (tháng Bảy 1917) đã phân tích sâu sắc tình hình kinh tế trong nước. Đại hội vạch rõ sự suy sụp của sản xuất, tình trạng rối loạn của vận tải và tài chính, vạch rõ cuộc khủng hoảng về lương thực, sự phát triển của nạn thất nghiệp và sự bần cùng hóa nhân dân. “Nhà nước đang sa vào thảm họa diệt vong và sụp đổ hoàn toàn về kinh tế” (4). Chỉ có chuyển chính quyền từ tay giai cấp tư sản sang giai cấp vô sản và nông dân nghèo, thì mới ngăn ngừa nổi cái tai họa sắp tới.

Đại hội lần VI đã thông qua cương lĩnh kinh tế của Đảng. Cương lĩnh này có một ý nghĩa to lớn trong việc chuẩn bị cách mạng xã hội chủ nghĩa. Những nguyên tắc cơ bản của bản cương lĩnh đã được Lê-nin trình bày ngay từ trong bản Luận Cương tháng Tư, trong đó Người vạch ra đường lối của Đảng trong cuộc đấu tranh để chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Việc lôi kéo tầng lớp nông dân nghèo về phía giai cấp vô sản có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện bước quá độ từ giai đoạn thứ nhất của cách mạng sang giai đoạn thứ hai. Đảng đề ra một khẩu hiệu mới: liên minh với nông dân nghèo, đồng thời trung lập trung nông. Lê-nin nhấn mạnh rằng cần phải thành lập các Xô viết đại biểu nông dân nghèo (5).

Khi chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa, yêu cầu quốc hữu hóa toàn bộ ruộng đất có một ý nghĩa mới. Quốc hữu hóa ruộng đất không chỉ là biện pháp để thủ tiêu tàn dư của chế độ phong kiến, tức là thực hiện nhiệm vụ của cách mạng dân chủ tư sản, mà còn là một đòn quyết liệt giáng vào chế độ tư hữu về mọi tư liệu sản xuất và chuẩn bị biến những tư liệu sản xuất này thành sở hữu công cộng. Do đó, quốc hữu hóa ruộng đất là một điều kiện quan trọng trong việc chuẩn bị cho cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Bản Luận cương tháng Tư cũng nêu rõ một ý kiến mới trong cương lĩnh ruộng đất của Đảng là tổ chức các doanh nghiệp kiểu mẫu trên những điền sản lớn của địa chủ với quy mô từ 100-300 mẫu Nga (bằng 1,0925 ha). Những doanh nghiệp này phải là những doanh nghiệp công hữu và nằm dưới quyền kiểm soát của các Xô viết đại biểu nông dân nghèo. Các xí nghiệp này được xây dựng không những chỉ nhằm mục đích nâng cao trình độ kỹ thuật và khối lượng sản xuất ngũ cốc, mà còn nhằm mục đích phát triển kinh tế lớn công cộng. Đảng của giai cấp vô sản phải giải thích cho nông dân hiểu rằng lối kinh doanh nhỏ trong nền sản xuất hàng hóa “không có khả năng giải thoát loài người, giải thoát quần chúng khỏi sự nghèo khổ, rằng cần phải nghĩ tới việc chuyển sang lối kinh doanh lớn công cộng (tập thể hóa) và trong khi vừa giáo dục quần chúng, vừa học tập ngay bản thân quần chúng qua những biện pháp thích hợp với thực tiễn ấy, hãy bắt tay ngay vào việc thực hiện sự chuyển biến đó”. (6)

Như vậy là ngay từ tháng Tư 1917, Lê-nin đã đề ra ý kiến xây dựng những xí nghiệp nông nghiệp lớn xã hội chủ nghĩa. Ý kiến này được thực hiện và phát triển sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười. Một vấn đề lớn đặt ra trong các nghị quyết của Đại hội VI là phải tổ chức lại nền sản xuất cho phù hợp với lợi ích của nhân dân lao động. Muốn giải quyết vấn đề này, Nhà nước cần phải tham gia vào lĩnh vực sản xuất nhằm thiết lập kiểm kê và kiểm soát đối với sản xuất và phân phối. Những biện pháp cần thiết trước mắt để thiết lập sự kiểm soát đối với sản xuất là: quốc hữu hóa các ngân hàng, quốc hữu hóa vận tải và các xí nghiệp liên hợp lớn; tổ chức tốt việc trao đổi giữa thành thị và nông thôn bằng cách lập ra các hợp tác xã và ủy ban lương thực.

Bản cương lĩnh vạch ra rằng, tại các xí nghiệp của tư bản tư nhân cần phải tổ chức việc kiểm soát của công nhân, có đông đảo quần chúng thừa nhận. Những biện pháp sơ bộ sau đây được đề ra nhằm thực hiện việc kiểm soát của công nhân và mau chóng biến nó thành việc điều tiết hoàn toàn đối với sản xuất: thủ tiêu bí mật thương mại (kiểm soát toàn bộ các tài liệu của các ngân hàng, các xí nghiệp công nghiệp và thương nghiệp); thực hiện việc kiểm kê định kỳ đối với kho sản phẩm và nguyên liệu; ban hành luật cấm đóng cửa nhà máy và cấm thu hẹp sản xuất nếu không được phép của các cơ quan Nhà nước tương đương về các tổ chức xã hội (Công đoàn, Ủy ban nhà máy – công xưởng).

Sau Đại hội lần thứ VI, Đảng tuyên truyền sâu rộng cương lĩnh kinh tế của mình. Những tác phẩm của Lê-nin viết trước Cách mạng tháng Mười, nhất là cuốn “Tai họa sắp đến và những biện pháp ngăn ngừa tai họa đó”, là những đóng góp vô cùng to lớn vào công tác tuyên truyền và phát triển thêm cương lĩnh kinh tế của Đảng.

Lê-nin coi nguyên nhân chủ yếu của tai họa sắp tới chính là những hoạt động phá hoại khôn khéo của bọn địa chủ và tư bản nhằm chống lại mọi việc kiểm soát, giám sát và kiểm kê Nhà nước.

Lê-nin cho rằng Nhà nước có thể thực sự kiểm soát được sinh hoạt kinh tế của nước nhà bằng cách thực hiện những biện pháp chủ chốt như quốc hữu hóa các ngân hàng và các xanh-đi-ca, thủ tiêu bí mật thương mại, bắt buộc các xí nghiệp phải liên hợp lại (thành các xanh-đi-ca) và bắt buộc nhân dân phải tập hợp các hội tiêu dùng.

Lê-nin đặc biệt coi trọng việc quốc hữu hóa các ngân hàng – mạch máu chính của sinh hoạt kinh tế trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Lê-nin viết rằng, việc Nhà nước kiểm soát các ngân hàng sẽ “cho phép tổ chức được một cách thực tế việc kiểm soát toàn bộ đời sống kinh tế, sự sản xuất và phân phối các sản phẩm chủ yếu…” (7).

Việc quốc hữu hóa các ngân hàng phải được tiến hành song song với việc quốc hữu hóa các xanh-đi-ca lớn. Một trong những biểu hiện rõ ràng và quan trọng nhất của chủ nghĩa đế quốc trong nền kinh tế nước Nga là sự liên kết giữa các ngân hàng với các tổ chức lũng đoạn công nghiệp và thương nghiệp. Vì vậy muốn điều tiết được sinh hoạt kinh tế cần phải cùng một lúc quốc hữu hóa cả ngân hàng lẫn xanh-đi-ca. Lê-nin coi việc bắt buộc các xí nghiệp công nghiệp và thương nghiệp hạng lớn phải liên hợp thành các xanh-đi-ca là điều kiện quan trọng để thực hiện việc kiểm soát.

Những biện pháp này chưa phải thủ tiêu được hoàn toàn chủ nghĩa tư bản, nhưng nó phá vỡ cơ sở của chủ nghĩa tư bản, và tạo điều kiện chuyển sang chủ nghĩa xã hội.

Lê-nin viết rằng: “Trong lịch sử nói chung, và nhất là trong thời chiến, không thể đứng nguyên một chỗ được. Hoặc phải tiến lên, hoặc phải lùi trở lại. Trong nước Nga thế kỷ XX là nước đã dùng biện pháp cách mạng để giành được chế độ cộng hòa và dân chủ, thì không thể nào tiến lên trước mà lại không tiến tới chủ nghĩa xã hội …” (8)

Theo Lê-nin, cuộc đấu tranh để thiết lập quyền kiểm soát và kiểm kê của toàn dân đối với sản xuất và phân phối là một trong những điều kiện quan trọng nhất làm cho cách mạng sâu sắc và phát triển. Cuộc đấu tranh để thực hiện quyền kiểm soát được đông đảo quần chúng công nhân tham gia ắt sẽ dẫn số quần chúng đó tới chỗ cần thiết phải đoạt lấy chính quyền.

#Gấu

(1) Lê-nin: Chủ nghĩa xã hội và chiến tranh, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, tr. 18.

(2) Lê-nin: Tuyển tập, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1959, q.2, ph.1, tr.137-138.

(3) Lê-nin: Toàn tập, tiếng Nga, xb lần 4, t.25, tr.206.

(4) Những nghị quyết của Đại hội, Hội nghị và Hội nghị toàn thể BCH TW ĐCS Liên Xô, tiếng Nga, P.1, tr.377

(5) Lê-nin tuyển tập, Nxb Sự thật, HN, 1959, q2, p.1, tr.10.

(6) Lê-nin toàn tập, Nxb Xã hội Pari, Nxb Ngoại văn Mát-xcơ-va, 1958, t.24, tr.164.

(7) Lê-nin tuyển tập, Nxb Sự thật, HN, 1959, q.2, p.1, tr.107.

(8) Lê-nin tuyển tập, Nxb Sự thật, HN, 1959, q.2, p.1, tr.137.