1. Quy luật giá trị với kế hoạch giá thành sản phẩm.

 

  1. Quy luật giá trị với kế hoạch giá thành sản phẩm.


Việc lập kế hoạch giá thành sản phẩm trong lĩnh vực sản xuất vật chất, cũng như việc lập kế hoạch giá cả, đều dựa vào tác dụng của quy luật giá trị. Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, chừng nào còn chưa chuyển hết thảy hình thức kinh tế tập thể sang kinh tế công hữu thì sản xuất hàng hóa vẫn còn tồn tại. Mà quy luật giá trị gắn liền với sản xuất hàng hóa, cho nên quy luật giá trị vẫn tồn tại trong một giai đoạn nhất định dưới chủ nghĩa xã hội. Trong điều kiện nền kinh tế hàng hóa giản đơn, quy luật giá trị điều tiết sản xuất và điều tiết việc trao đổi hàng hóa.


Tác dụng của quy luật giá trị trong lĩnh vực sản xuất là ở chỗ nó quyết định sự hao phí lao động xã hội cần thiết trong việc sản xuất các loại hàng hóa khác nhau, mà do đó điều tiết tỷ lệ của sản xuất hàng hóa. Tác dụng của quy luật giá trị trong lĩnh vực lưu thông là ở chỗ nó quyết định tỷ lệ trao đổi giữa các loại hàng hóa khác nhau. 


Sự hao phí lao động xã hội cần thiết để sản xuất các loại hàng hóa khác nhau cũng như tỷ lệ của sản xuất hàng hóa và của trao đổi hàng hóa được quy định theo quy luật giá trị, thực hiện một cách tự phát do kết quả của sự cạnh tranh giữa những người sản xuất hàng hóa.


Do đó, tác dụng của quy luật giá trị coi như là người điều tiết sản xuất và lưu thông, ở đây chỉ có tính chất tương đối. Ngoài tác dụng tích cực khi nó là người điều tiết, quy luật giá trị còn tỏ ra một sức mạnh phá hoại. 


Trong xã hội tư bản chủ nghĩa, quy luật giá trị không ngừng phát sinh tác dụng như một quy luật kinh tế chung nhất, hơn nữa, tác dụng của nó ngày càng được tăng cường, đặc biệt là tác dụng phá hoại của quy luật giá trị ngày càng dữ dội. Điều đó biểu hiện trong tình trạng mất cân đối ngày càng tăng giữa các ngành và các bộ phận kinh tế trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và nói cho cùng, chính là biểu hiện ở những cuộc khủng hoảng kinh tế có tính chất phá hoại của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa.


Trên cơ sở quy luật giá trị, trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã sản sinh ra một số quy luật kinh tế mới biểu hiện nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Những quy luật đó là quy luật giá trị thặng dư, quy luật lợi nhuận bình quân, quy luật giá cả sản xuất... Sau đó, theo đà phát triển của chủ nghĩa tư bản, lại đẻ ra quy luật lợi nhuận lũng đoạn cao, một hình thức biểu hiện của quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản trong thời đại đế quốc chủ nghĩa.


Trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, quy luật giá thị vẫn tiếp tục có tác dụng. Sở dĩ nó còn có tác dụng là vì vẫn còn có sản xuất hàng hóa. Tuy trình độ sản xuất hàng hóa của các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ có khác nhau, song trong tất cả mọi thành phần kinh tế của thời kỳ đó, đều có sản xuất hàng hóa cả. Nền kinh tế trong thời kỳ quá độ gồm có 5 thành phần thường thấy: kinh tế xã hội chủ nghĩa quốc doanh; kinh tế hợp tác xã xã hội chủ nghĩa có hình thức sở hữu tập thể; kinh tế tư bản Nhà nước; kinh tế hàng hóa nhỏ và kinh tế tư bản tư nhân.


Trong thành phần kinh tế tư bản tư nhân, vẫn còn tồn tại việc sản xuất hàng hóa theo lối tư bản chủ nghĩa. Hầu hết sản phẩm của kinh tế tư bản tư nhân đều coi là hàng hóa để sản xuất, nghĩa là, mục đích của sản xuất là để bán trên thị trường. Trong thành phần kinh tế này chẳng những đối tượng lao động là hàng hóa mà cả sức lao động cũng là hàng hóa.


Trong kinh tế hàng hóa nhỏ, sản xuất không hoàn toàn có tính chất sản xuất hàng hóa. Hầu hết sản phẩm dùng để cung cấp cho cá nhân người sản xuất tiêu dùng, phần sản phẩm đó không bán ra, cho nên nó không có hình thái hàng hóa; nhưng còn một phần sản phẩm khác thì sản xuất để đem bán ra thị trường, phần sản phẩm đó là hàng hóa.


Trong kinh tế tư bản Nhà nước thì phần lớn sản phẩm sản xuất ra là hàng hóa. Nhưng thành phần kinh tế này chiếm tỷ trọng rất nhỏ (xét trường hợp Liên Xô) trong sản xuất nên bản thân nó cũng không thể đại biểu cho một phương thức sản xuất riêng biệt được. Kinh tế tư bản Nhà nước là hình thức kinh tế do Nhà nước cùng kinh doanh chung với tư bản tư nhân trong điều kiện kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo.


Trong kinh tế hợp tác xã thì hợp tác xã sản xuất nông nghiệp chiếm một tỷ trọng lớn nhất (xét trường hợp Liên Xô) trong nền sản xuất. Phần rất lớn sản phẩm của thành phần kinh tế này dùng để cung cấp cho nội bộ tiêu dùng, phần còn lại coi là hàng hóa để bán ra. Kinh tế hợp tác xã là hình thức kinh tế nảy nở ra trên cơ sở những người sản xuất hàng hóa nhỏ tự nguyện kết hợp với nhau.


Việc sản xuất hàng hóa của nông trang tập thể, hình thức cao của kinh tế hợp tác xã, khác hẳn việc sản xuất hàng hóa của người sản xuất nhỏ, vì:


- Thứ nhất, cơ sở sản xuất hàng hóa của kinh tế hợp tác xã không phải là chế độ tư hữu, mà là chế độ sở hữu công cộng, tức chế độ sở hữu tập thể về tư liệu sản xuất ;


- Thứ hai, việc sản xuất hàng hóa của kinh tế hợp tác xã tiến hành theo một quy mô lớn.


Những điều kiện đó, đặc biệt là điều kiện thứ nhất, đã quyết định:


1- Trong điều kiện có chính quyền công - nông và kinh tế xã hội chủ nghĩa quốc doanh, việc sản xuất hàng hóa của kinh tế hợp tác xã không thể chuyển thành việc sản xuất hàng hóa theo lối tư bản tư nhân được; đồng thời, cũng không thể thường xuyên đẻ ra chủ nghĩa tư bản trong thời kỳ sản xuất hàng hóa nhỏ.


2- Bên kinh tế hợp tác xã, sự giúp đỡ của các hình thức sở hữu toàn dân (trạm máy móc máy kéo) đang ngày càng mở rộng, nên đã tạo khả năng cho việc chuyển từ trao đổi hàng hóa sang trao đổi sản phẩm trực tiếp giữa kinh tế hợp tác xã với kinh tế xã hội chủ nghĩa. Nghĩa là những phần sản phẩm thừa (ngoài nhu cầu tiêu dùng của riêng nông trang) bị loại bỏ khỏi hệ thống lưu thông hàng hóa mà đi vào con đường trao đổi sản phẩm giữa các xí nghiệp thì lúc đó sản xuất hàng hóa cũng chấm dứt.


3- Sản xuất hàng hóa có chiều hướng mất đi dần dần, vì tư liệu sản xuất chủ yếu trong nội bộ của mỗi hợp tác xả sản xuất, của mỗi nông trạng tập thể sẽ không còn là hàng hóa nữa. Toàn bộ tư liệu sản xuất chủ yếu của mỗi nông trang tập thể đều thuộc sở hữu công cộng của tất cả những người sản xuất, hơn nữa, những tư liệu sản xuất chủ yếu trong nội bộ các nông trang tập thể cũng sẽ không tiến hành mua bán nữa. Nhưng trước khi kết hợp lại thành nông trang tập thể thì những người sản xuất nhỏ có thể mua bán tư liệu sản xuất (súc vật cày, hạt giống ...) được.


Tuy vậy, việc sản xuất hàng hóa của kinh tế hợp tác xã trong thời kỳ quá độ chẳng những không bị tiêu diệt mà còn được mở rộng, vì toàn bộ sản xuất trong kinh tế hợp tác xã tăng lên hết sức nhanh chóng, do đó phần hàng hóa cũng tăng lên.


Vấn đề sản xuất hàng hóa của kinh tế quốc doanh, lại không giống như thế. Mọi tư liệu sản xuất trong kinh tế quốc doanh xã hội chủ nghĩa đều thuộc sở hữu toàn dân. Tư liệu sản xuất của các xí nghiệp quốc doanh không phải là của những người sản xuất trong xí nghiệp đó, mà là của Nhà nước. Tính chất xã hội của sản xuất cũng như con đẻ của nó là tính chất xã hội của phân phối, giúp cho chúng ta có khả năng xóa bỏ việc sản xuất hàng hóa và tổ chức việc phân phối trực tiếp.


Việc phân phối những sản phẩm đó không phải dựa trên nguyên tắc trao đổi ngang giá mà phân phối theo các nhu cầu khác nhau của nền kinh tế quốc dân. Tuy giữa các xí nghiệp trong thành phần kinh tế quốc doanh cũng “bán” cho nhau sản phẩm của mình, song quyền sở hữu về những sản phẩm đó không hề vì thế mà thay đổi. Xét cho cùng quá trình đó không phải là mua bán, mà chỉ biểu hiện ở hình thức mà thôi.


Đồng thời, thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa phải duy trì mối liên hệ về kinh tế với các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế quốc dân. Mối liên hệ đó chủ yếu là thực hiện dưới hình thức quan hệ hàng hóa. Một phần sản phẩm do thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa sản xuất ra, được chuyển sang thành phần kinh tế khác không phải bằng hình thức trao đổi sản phẩm trực tiếp mà là bằng hình thức bán thực sự. Ví dụ, xí nghiệp quốc doanh đem máy móc nông nghiệp bán cho kinh tế nông dân cá thể và cho nông trang tập thể, hoặc xí nghiệp quốc doanh bán các thứ vật phẩm tiêu dùng cho nhân dân qua hệ thống mậu dịch, trong những trường hợp này, Nhà nước đã mất quyền sở hữu đối với một số sản phẩm. Do đó ta có thể thấy rằng, một bộ phận sản xuất của thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ là sản xuất hàng hóa.


Tóm lại, trong thời kỳ quá độ, tất cả mọi ngành kinh tế quốc dân đều có sản xuất hàng hóa, đành rằng mức độ có khác nhau. 


Tình hình đó đã quyết định phạm vi tác dụng rộng lớn của quy luật giá trị trong thời kỳ quá độ. Tỷ trọng của kinh tế hàng hóa nhỏ và kinh tế tư bản tư nhân trong toàn bộ nền sản xuất xã hội càng lớn thì phạm vi tác dụng của quy luật giá trị cũng càng lớn.


Nhưng vì trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, việc sản xuất hàng hóa đã không còn bao trùm được toàn bộ lĩnh vực sản xuất như trước nữa, cho nên phạm vi tác dụng của quy luật giá trị cũng bị hạn chế.


Tuy các thành phần kinh tế không phải xã hội chủ nghĩa chiếm một tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế của thời kỳ quá độ, nhưng nó không đóng vai trò thống trị, và cũng không đóng vai trò chủ đạo trong toàn bộ nền kinh tế (xét cho cùng, các thành phần kinh tế khác vẫn có đóng góp nhất định trong các thời kỳ nhất định, còn về tổng thể thì rõ ràng nó không đóng vai trò chủ đạo). Còn thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa quốc doanh, đã có tác dụng chủ đạo; cơ sở kinh tế của thành phần này không phải là chế độ tư hữu mà là chế độ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất. Tuy rằng quy luật giá trị có ảnh hưởng rất lớn đối với việc sản xuất của thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa quốc doanh trong thời kỳ quá độ, song sự phát triển sản xuất của nó chủ yếu quyết định bởi những quy luật kinh tế mới, vốn có của phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa.


Kế hoạch hóa kinh tế quốc dân cùng toàn bộ chính sách kinh tế của Nhà nước trong thời kỳ quá độ cũng đang có tác dụng về mặt này.


Do sự phát triển của thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa mà nền kinh tế nhiều thành phần của thời kỳ quá độ sẽ chuyển biến thành nền kinh tế xã hội chủ nghĩa duy nhất. Sự chuyển biến đó đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ quá độ và sự thống trị toàn diện của phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa. Nhưng ngay trong chế độ xã hội chủ nghĩa, tuy bị hạn chế trong một phạm vi nhất định, quy luật giá trị vẫn có tác dụng. Quy luật giá trị sở dĩ tiếp tục có tác dụng là do mấy nguyên nhân dưới đây:


- Phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa thực hiện trong hai hình thức sở hữu: một là hình thức sở hữu của Nhà nước cũng tức là của toàn dân, hai là hình thức sở hữu không phải của toàn dân mà là của nông trạng tập thể hợp tác xã. Tư liệu sản xuất và sản phẩm của xí nghiệp quốc doanh là tài sản của toàn dân, còn trong nông trang tập thể thì một phần tư liệu sản xuất và toàn bộ sản phẩm là tài sản riêng của từng nông trạng tập thể.


Như vậy, Nhà nước chỉ có thể sử dụng sản phẩm của xí nghiệp quốc doanh, còn các nông trang tập thể thì được sử dụng sản phẩm của nó như là tài sản riêng của mình vậy. Nhưng các nông trạng tập thể không muốn bán sản phẩm của họ dưới một hình thức nào khác hình thức hàng hóa, để đổi lấy những thứ họ cần dùng” - (Stalin - Những vấn đề kinh tế XHCN ở Liên Xô, 1951)


- Việc sản xuất hàng hóa dưới chế độ xã hội chủ nghĩa nhất định không phải là việc sản xuất hàng hóa thông thường, không phải là việc sản xuất hàng hóa đơn thuần. Cơ sở của sản xuất hàng hóa dưới chế độ xã hội chủ nghĩa không phải là chế độ tư hữu mà là chế độ sở hữu công cộng, phần sản phẩm mang hình thái hàng hóa là những sản phẩm của những người sản xuất liên hợp (Nhà nước, nông trang tập thể và các loại hợp tác xã khác). Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, sức lao động, đất đai và phần lớn tư liệu sản xuất đều không phải là hàng hóa.


Bởi vậy, sản xuất hàng hóa dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là một thử sản xuất hàng hóa đặc biệt. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, sản xuất hàng hóa (dù là sản xuất hàng hóa đặc biệt đi nữa) còn tồn tại thì quy luật giá trị tất nhiên cũng tồn tại và phát sinh tác dụng.


Ở đâu có hàng hóa và sản xuất hàng hóa thì quy luật giá trị tất nhiên còn tồn tại” - (Stalin - Những vấn đề kinh tế XHCN ở Liên Xô, 1951)


Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, quy luật giá trị vẫn là một quy luật kinh tế, nhưng xét về tính chất và tác dụng, thì quy luật này căn bản khác với quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa xã hội và quy luật phát triển có kế hoạch (theo tỷ lệ) nền kinh tế quốc dân.


1- Quy luật giá trị không phải sinh ra từ bản chất trong một giai đoạn nhất định của quá trình phát triển chủ nghĩa xã hội, nói một cách khác, tức là sinh ra trong hoàn cảnh còn tồn lại đa thành phần sở hữu (thời kỳ quá độ), hoặc chỉ còn lại mỗi hình thức sở hữu nông trang tập thể và hợp tác xã (thời kỳ đầu của CNXH), ngoài hình thức sở hữu toàn dân, Nhà nước.


2- Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, quy luật giá trị thực ra không hề có tác dụng toàn diện. Phạm vi phát sinh tác dụng của quy luật giá trị bị hạn chế và sản xuất hàng hóa dưới chế độ xã hội chủ nghĩa bị hạn chế.


3 - Quy luật giá trị không phải là một quy luật kinh tế vĩnh viễn. Khi đã xây dựng được hình thức sở hữu toàn dân duy nhất trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân thì cơ sở kinh tế của sản xuất hàng hóa cũng sẽ bị xóa bỏ.


Nếu sản xuất hàng hóa không còn nữa thì giá trị và các hình thức của nó cùng quy luật giá trị cũng mất theo” - (Stalin - Những vấn đề kinh tế XHCN ở Liên Xô, 1951)


Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, phạm vi phát sinh tác dụng của quy luật giá trị bị hạn chế ở chỗ :


Thứ nhất, trong phạm vi lưu thông hàng hóa, chủ yếu là trong phạm vi lưu thông hàng hóa cung cấp cho tiêu dùng cá nhân, quy luật giá trị vẫn giữ được tác dụng điều tiết trên một mức độ nào đó.


Thứ hai, quy luật giá trị không phải là người điều tiết sản xuất (trong CNXH). Quy luật giá trị có thể ảnh hưởng đến sản xuất, nhưng không thể điều tiết được sản xuất, không thể quyết định được sự phát triển của các ngành sản xuất, không thể quyết định được sự phân phối tư liệu sản xuất giữa các bộ phận khác nhau của sản xuất xã hội, không thể quyết định được sự phân phối lao động giữa các ngành khác nhau của nền kinh tế quốc dân.


Quy luật giá trị có ảnh hưởng đến sản xuất, sự thật đó có nghĩa là quy luật giá trị chẳng những có tác dụng trong lĩnh vực lưu thông mà còn có tác dụng trong lĩnh vực sản xuất với mức độ nào đó.


Tác dụng của quy luật giá trị chỉ có thể biểu hiện bằng hình thái tiền tệ. Mọi người đều biết, giá trị biểu hiện sự hao phí lao động trừu tượng xã hội cần thiết. Hình thái thích hợp với sự biểu hiện lao động trừu tượng vẫn là hình thái tiền tệ của giá trị.