Ivan Ilyin dường như rất ít được người Nga biết đến vào trước những năm 2000. Những tác phẩm của ông ta lần đầu được trích dẫn vào cuối năm 2000 trong các bài phát biểu của một số quan chức và từ từ sau đó dần trở nên phổ biến. Tổng thống Nga - Putin cũng từng trích dẫn 6 lần những quan điểm của ông ta trong nhiều trường hợp, kể cả Thông điệp liên bang. Chẳng hạn là vào ngày 10/5/2006 trong Thông điệp liên bang, hay là tại phiên họp Hội đồng nhà nước vào 6/2007, hay tại Hội đồng lập pháp St.Petersburg vào ngày 24/4/2013. Không chỉ Putin, mà khá nhiều quan chức cấp cao hàng đầu Liên bang Nga cũng trích dẫn quan điểm của Ivan Ilyin.
Để tìm kiếm một học thuyết chính trị mới, giới tinh hoa chính trị của nước Nga thời hậu Xô Viết đã khám phá lại các tác phẩm của một nhà triết học bị lãng quên từ lâu, người bị chính phủ Liên Xô trục xuất vào năm 1922 và sống cho đến năm 1938 ở Berlin (thủ đô Đức Quốc xã), sau đó ông ta qua đời, ở Thụy Sĩ. Ilyin được xưng tụng là "nhà tư tưởng lỗi lạc" và "người báo trước về nước Nga tương lai", hài cốt của ông đã được vận chuyển về Nga; các ấn bản về các tác phẩm của ông ta ngày càng được bổ sung liên tục và phát hành rộng rãi ở Nga.
Về con đường cuộc đời của Ilyin
Ivan Alexandrovich Ilyin (28/3/1883 - 21/12/1954) sinh ra tại Moscow, trong gia đình luật sư Alexander Ilyin và con gái của bác sĩ gốc Đức Ekaterina Schweikert. Sau khi vượt qua kỳ thi trúng tuyển năm 1901, ông theo học luật và triết học tại Đại học Moscow cho đến năm 1906. Ilyin là thành viên của "Hội Sinh viên Lịch sử và Ngữ văn" theo chủ nghĩa tự do bảo thủ, đặt niềm tin vào truyền thống Chính thống giáo. Do đó, không lạ khi nói rằng, ông ta là kẻ thù của chính quyền Bolshevik, và do đó Ilyin cũng đứng về nhũng người Bạch vệ. Cho đến năm 1922, Ilyin vẫn đang giảng dạy tại Đại học Moscow.
Vào ngày 12/9/1922, Tổng cục chính trị Nhà nước do Felix Dzerzhinsky đứng đầu đã ra một quyết định đặc biệt về việc trục xuất Ivan Ilyin ra khỏi nước Nga. Lý do chính thức là trục xuất các tri thức thù địch, vì lúc này Ivan Ilyin đã tham gia vào tổ chức Trung tâm dân tộc - một tổ chức phản cách mạng trong giới trí thức. Và lý do này đã khiến chính quyền Xô viết trục xuất họ khỏi nước Nga.
Tại Berlin, Ilyin tham gia thành lập "Học viện Tôn giáo-Triết học" và "Viện Khoa học Nga". Tại đây, ông đứng đầu khoa luật, giảng về triết lý luật và ý thức pháp luật. Sau khi viện được tổ chức lại vào năm 1926, ông đã thuyết trình trước công chúng về triết học Hegel và lịch sử tinh thần Nga. Ngoài ra, viện còn có nhiều báo cáo bằng tiếng Nga và tiếng Đức về các chủ đề chính trị thời sự, chẳng hạn như nguyên nhân của cuộc cách mạng Nga hoặc bản chất của chủ nghĩa cộng sản. Tại nước Đức, Ilyin là một trong những kẻ nỗ lực tuyên truyền về tinh thần của nước Nga cũ - một đế quốc được cai trị bởi những tên đao phủ phát xít của chế độ Nga hoàng. Cuốn sách "Chống lại cái ác bằng vũ lực" của ông , xuất bản năm 1925 dưới hình thức một tác phẩm triết học, trên thực tế, đúng hơn là một tuyên ngôn chính trị. Cuốn sách của Ilyin và các báo cáo về chủ đề này đã gây ra các cuộc thảo luận gây tranh cãi. Năm 1927, ông ta thành lập tạp chí Tiếng chuông Nga, trở thành nhà xuất bản, tổng biên tập và người đóng góp chính cho ấn phẩm này.
Ilyin và chủ nghĩa phát xít
Để tìm kiếm đồng minh trong cuộc chiến chống lại những người Bolshevik, Ilyin đã trở thành những một trong những người Nga tiên phong ủng hộ chủ nghĩa phát xít. Trở lại giữa những năm 20, sau một thời gian ở Ý, ông đã nhìn thấy chủ nghĩa phát xít một cái gì cho "Nước Nga mới" theo suy nghĩ của ông ta, đồng thời xem bọn phát xít là một tấm gương về việc tạo ra "ý chí quyền lực" và "trật tự nhà nước". Trong Tiếng Chuông, ông ca ngợi chủ nghĩa phát xít Nga (cùng với Ý, Đức và Hungary) như một phần của tinh thần hiệp sĩ thế giới mới, trong đó nhân loại đáp trả sự tấn công của những kẻ vô thần. Bất cứ ai chống lại cuộc đấu tranh của những hiệp sĩ này - đều là những kẻ ma quỷ - một cách diễn đạt tương tự như “bất cứ ai không ở với chúng tôi là chống lại chúng tôi” tức là nếu không chống lại Bolshevik đang thống trị ở Nga thì được Ilyin xem là ma quỷ. Đối với Ilyin, tinh thần của các đảng phái chính trị luôn là độc địa. Ông ta bác bỏ mạnh mẽ các hệ thống chính trị dựa trên các đảng phái. Lý tưởng chính trị của ông là chuyên quyền. Ông đã kết nối tương lai của nước "Nga mới" (phát xít) với lý tưởng về một nhà nước dưới sự lãnh đạo của một lãnh tụ duy nhất: một nhà lãnh đạo thực sự, theo ông, là người làm chủ và tạo ra quyền lực, và nước Nga cần một người tận tâm tạo ra quyền lực.
Việc chủ nghĩa phát xít cướp chính quyền ở Đức đã được Ilyin hoan nghênh một cách nồng nhiệt. Ông ta lên án sự phẫn nộ của công chúng, gọi họ là những kẻ bị ảnh hưởng chủ yếu bởi người Do Thái, và ca ngợi "cuộc đảo chính hợp pháp" của bọn phát xít là "sự tự hủy bỏ hợp pháp của trật tự dân chủ-nghị viện". Ilyin ngoài việc bày tỏ quan điểm thất vọng với thái độ của công chúng tự do ở phương Tây đối với Liên Xô, mà còn hoan nghênh những giá trị thiết yếu của phong trào Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (Quốc xã). "Tinh thần nước Nga mới", theo ông ta, là không thể hòa giải trong mối quan hệ với chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa quốc tế vô sản, phe xã hội chủ nghĩa, lòng căm thù giai cấp vô sản và tâm lý thuần tuý của ông ta hoàn toàn mang tính chất phản động của giai cấp tư sản. Chính Ilyin khẳng định sau 15 năm ca ngợi phát xít trong tác phẩm "Về chủ nghĩa xã hội Quốc gia", trong bài báo “Về chủ nghĩa phát xít”, trong đó ông chỉ chỉ trích những “sai lầm” Đức Quốc xã cho nên đã dẫn đến sự thất bại của phong trào quốc xã, chẳng hạn như sự thù địch của nó đối với tôn giáo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và nhấn mạnh ca ngợi các chế độ phát xít mới ở bán đảo Iberia.
Dưới bút danh "Julius Schweikert", Ilyin đã chiến đấu chống lại những người Bolshevik cùng với chủ tịch "Tổng Liên hiệp các Hiệp hội Chống Cộng sản Đức", một tên Quốc xã, Adolf Ert. Việc Đức Quốc xã lên nắm quyền đã góp phần vào sự nghiệp của ông Ilyin tại "Viện Khoa học Nga" thăng tiến giữa thủ đô của đế chế Đức: ông trở thành phó giám đốc Viện vào khi vào tháng 10 năm 1933, tổ chức này dưới sự điều hành của Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Joseph Goebbels của Đức Quốc xã và Adolf Ert được bổ nhiệm làm giám đốc Viện, "người yêu nước Nga" Ilyin là một trong số ít những người "ngoại lai" được phép làm việc tại Viện. Phần lớn nhân viên của Viện đã bị sa thải vì "không trung thành với các ý tưởng của Fuhrer và Reich" hoặc "nguồn gốc không phải Aryan". Ivan Ilyin trong suốt thời kỳ ở Đức, cho đến năm 1937, là một trong những nhân vật chống cộng hàng đầu của "Đệ tam Đế chế" - tuyên truyền chống cộng như một phần tử tư sản phản động cứng rắn vì lợi ích của Hitler, Goebbels, Rosenberg, Streicher.
Tư tưởng của Ilyin về chủ nghĩa phát xít có thể thấy quá rõ ràng trong các tác phẩm của ông ta.
Ví như cuốn "Về chủ nghĩa phát xít" năm 1948, Ilyin viết:
"Chủ nghĩa phát xít phát sinh như một phản ứng cần thiết chống lại chủ nghĩa Bolshevik (cộng sản), một trong những lực lượng tiên phong bảo vệ chế độ tư bản. Trong thời kỳ bắt đầu sự hỗn loạn của chủ nghĩa toàn trị và phong trào cánh tả, nó (chủ nghĩa phát xít) là cần thiết, và tất yếu. Chủ nghĩa phát xít sẽ tiếp tục tồn tại trong tương lai, ngay cả ở những nước dân chủ nhất, trong những giờ phút nguy cấp, lực lượng chân chính (bọn phát xít) của nhân dân sẽ chuyên chính bảo vệ nó (chế độ). Nó diễn ra ở Đức, và nó sẽ diễn ra ở Châu Âu mới, và sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai".
"Cuối cùng chủ nghĩa phát xít là đúng đắn, bởi vì nó xuất phát từ tình cảm dân tộc yêu nước lành mạnh mà không một quốc gia nào (ngoài chế độ phát xít) có thể làm được trong việc tạo ra một bản sắc riêng của chính họ".
Tư tưởng chống cộng sản là một đặc trưng của tên phát xít Ilyin này, trong suốt cuộc đời, ông ta bày tỏ thái độ căm hờn đối với những người cộng sản và chế độ cộng sản, trong tác phẩm "Xoá bỏ chủ nghĩa xã hội" vào năm 1948, Ilyin viết:
"Tại sao giới trí thức Nga trước đây lại hướng tới chủ nghĩa xã hội? Bởi vì, họ đã gần như mất đi niềm tin vào Cơ đốc giáo (dưới ảnh hưởng của sự “khai sáng” trí thức phương Tây), họ vẫn giữ đạo đức Cơ đốc và muốn có một trật tự xã hội mới: là, tự do, công lý và tình anh em. Họ đã được truyền cảm hứng và họ tưởng tượng rằng chủ nghĩa xã hội là con đường thực sự duy nhất cho một trật tự xã hội mới. Giờ đây, một kỷ nguyên mới đang đến, sẽ đặt nền móng cho một quan điểm khác, đó là: chủ nghĩa xã hội tức là phản xã hội; cần phải tìm kiếm tính xã hội trong một hệ thống khác, hệ thống mới, hệ thống phi xã hội chủ nghĩa".
"Chủ nghĩa xã hội là phản xã hội vì nó giết chết tự do và chủ động sáng tạo; bình đẳng hóa tất cả mọi người nghèo đói và lệ thuộc để tạo ra một giai cấp đặc quyền mới của những quan chức-những kẻ áp bức đảng; rao giảng lòng căm thù giai cấp thay vì tình anh em; cai trị khủng bố, tạo ra chế độ nô lệ và biến nó thành một hệ thống "công bằng". Đó là lý do tại sao tính xã hội đích thực (tự do, công bằng và tình anh em) phải được tìm kiếm trong một hệ thống phi xã hội chủ nghĩa. Nó sẽ không phải là một "hệ thống tư sản", mà là một hệ thống tự do hợp pháp và tính xã hội sáng tạo".
"Chúng tôi, những người theo đạo Thiên chúa Nga, sẽ tiếp tục tìm kiếm một trật tự xã hội ở Nga. Tuy nhiên, trên cơ sở sáng kiến tư nhân và tài sản tư nhân, đòi hỏi từ nền kinh tế sáng kiến tư nhân rằng nó bảo vệ lợi ích quốc gia của Nga và thực sự dẫn đến sự phong phú và hào phóng, và từ các chủ sở hữu tư nhân - sự quản lý công bằng và anh em."
Việc Ilyin ca ngợi Hitler là một điều không hề xa lạ và giấu diếm, trong tác phẩm về "Chủ nghĩa xã hội quốc gia" viết năm 1933, Ilyin viết:
"Hitler đã làm gì? Ông đã ngăn chặn quá trình Bolshevik hóa ở Đức và do đó đóng góp điều vĩ đại nhất cho toàn bộ châu Âu. Quá trình này ở châu Âu còn lâu mới kết thúc; những con sâu sẽ tiếp tục gặm nhấm Châu Âu từ bên trong."
Vâng, nếu những ai đọc về những tác phẩm của Ilyin, chúng ta sẽ không thể không thấy được bản chất đặc sệt của một tên phát xít hiện hữu trong tâm trí của kẻ được gọi là "Người yêu nước Nga" này. Thật là nực cười. Ông ta biện minh cho việc duy trì nền chuyên chính của giai cấp tư sản, nền độc tài khủng bố đẫm máu của bọn phát xít, chỉ đơn giản là để chống lại chủ nghĩa xã hội. Đó là bản chất của kẻ mà chế độ tư bản ở Nga sùng bái.
Nước Nga tư sản hiện nay và tên phát xít Ilyin
Vào ngày 24/5/2009, quý ngài Putin, lúc bấy giờ Thủ tướng Liên bang Nga đã đến thăm nghĩa trang của Tu viện Donskoy, nơi ông ta đặt hoa viếng trên mộ của tên tướng Bạch Vệ phát xít Anton Denikin, nhà triết học phát xít Ivan Ilyin, nhà văn Ivan Shmelev và Alexander Solzhenitsyn. Liệu đây có phải là việc xuất phát từ chủ nghĩa nhân văn của quý ngài Tổng thống vĩ đại của Nước Nga tư sản hiện nay ?
Hoá ra là không, vị Tổng thống đã từng kêu gọi "phi phát xít hoá" đã rất nhiều lần trích dẫn lời của những tên phát xít người Nga, kể cả khi ông ta làm việc cho cả Hitler. Mà không chỉ Tổng thống, các quan chức Nhà nước Nga đã nhiều lần trích dẫn lời Ilyin như một nguồn cảm hứng trong công việc quản trị Nhà nước của họ.
Ngày 21/5/2005, tại cuộc họp mở rộng của Văn phòng Tổng công tố - Vladimir Ustinov đã trích lời dẫn của Ilyin như sau:
"Tôi đọc từ nhà triết học xuất sắc Nga Ilyin rằng giới thượng lưu nên lãnh đạo các chính thể nhà nước dân chủ trong tất cả các thời kỳ. Lãnh đạo trong bất kỳ hệ thống chính quyền nào, kể cả của chúng ta, chỉ những người giỏi nhất, chỉ những thượng lưu nên được thừa nhận".
Ngày 25/4/2005, Tổng thống Putin trong thông điệp Liên bang đã trích dẫn lời Ilyin như sau:
"Nhà triết học vĩ đại người Nga Ivan Ilyin viết: “Quyền lực nhà nước, có giới hạn của nó, được chỉ ra trong thực tế có nghĩa là quyền lực tác động đến một cá nhân con người từ bên ngoài ... Và tất cả các trạng thái sáng tạo của linh hồn và tinh thần, tình yêu, tự do và thiện chí, không chịu sự điều hành của quyền lực Nhà nước và không thể do Nhà nước quy định ... Nhà nước không thể đòi hỏi ở công dân niềm tin, sự cầu nguyện, tình yêu, lòng tốt và tín nhiệm. Nhà nước không được điều chỉnh sự sáng tạo khoa học, tôn giáo và nghệ thuật ... Nhà nước không được can thiệp vào đạo đức, gia đình và cuộc sống hàng ngày, trừ khi thật cần thiết, cản trở sự chủ động kinh tế và sáng tạo kinh tế của con người. Đừng quên điều này."
Ngày 7/2/2006, người đứng đầu phủ Tổng thống, Vladislav Surkov đã trích dẫn một đoạn của Ilyin về việc "Nước Nga mới sau khi xoá bỏ chủ nghĩa xã hội" để mô tả những gì xảy ra sau khi Liên Xô sụp đổ:
"Khi hệ thống cộng sản sụp đổ thì có nghĩa là nước Nga thực sự sẽ bắt đầu hồi sinh".
Vào ngày 10 tháng 5 năm 2006, trong một thông điệp Liên bang Nga, Tổng thống của đất nước, khi nói về vai trò của quân đội, một lần nữa nhắc đến nhà triết học yêu thích của mình:
“Nhà tư tưởng nổi tiếng người Nga Ivan Ilyin, khi phản ánh những nguyên tắc cơ bản mà Nhà nước Nga phải giữ vững, đã lưu ý rằng "người lính là một danh hiệu cao quý và danh dự”. Và rằng "người lính đó sẽ đại diện cho sự đoàn kết dân tộc toàn Nga, ý chí, sức mạnh và danh dự của nhà nước Nga."
Tại một cuộc họp của Hội đồng Nhà nước Liên bang Nga vào tháng 6 năm 2007, dành riêng cho việc ngăn chặn tội phạm, những phát biểu của Tổng thống cũng không thể không nhắc đến sự thông thái của Ivan Alexandrovich:
“Tri thức mà không có sự giáo dục thích hợp về trái tim và tâm hồn là một trong những hiện tượng xã hội nguy hiểm nhất, có hại cho ý thức công bằng lành mạnh”.
Vào ngày 23 tháng 1 năm 2012, trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ứng cử viên từ đảng Nước Nga Thống nhất đã công bố một văn bản dưới chữ ký của mình trên tờ Nezavisimaya Gazeta, một lần nữa lại trích dẫn Ilyin:
"Đừng diệt trừ, đừng đàn áp, đừng nô lệ hóa dòng máu người khác, đừng bóp nghẹt cuộc sống ngoại lai và dị giáo, hãy mang đến cho mọi người một hơi thở và một Tổ quốc vĩ đại, hãy quan sát mọi người, hòa giải mọi người, để mọi người cầu nguyện theo cách của mình, làm việc theo cách riêng của họ và lựa chọn những người tốt nhất từ khắp mọi nơi trong việc xây dựng Nhà nước và văn hóa."
Và còn rất nhiều trích dẫn khác về Ilyin được các nhà lãnh đạo Nga xướng lên trong các cuộc họp hội khác nhau nữa.
Có người sẽ bảo, tôi có thấy những đoạn trích này có vấn đề gì đâu, nó lại còn hay và ý nghĩa nữa chứ !
Những kẻ đó là những kẻ sẽ lờ đi thực tế rằng, quan điểm của Ilyin về "Nước Nga mới" là một quan điểm có hệ thống. Và rằng Tổng thống của nước Nga không phải chỉ đơn giản là "tiện" cóp nhặt đâu đó những quote riêng lẻ của Ilyin, mà thực sự là quý ngài Tổng thống của nước Nga đã đọc một cách có hệ thống các tác phẩm của tên phát xít cuồng Đức quốc xã Ilyin.
Và thật thú vị, một tên làm việc cho Đức Quốc xã, được quý ngài Tổng thống gọi là "triết gia vĩ đại người Nga". Chế độ tư bản ở Nga đã không gán mác "phát xít" cho tên này, không giống như cái tên "Hitler". Ai nhắc đến Hitler mà không biết y là tên trùm Quốc xã ? Ai trích dẫn quote y mà không biết rằng mình đang trích dẫn lời của một tên Quốc xã ? Nếu quý ngài Putin gọi Ilyin là một tên Quốc xã, thì lẽ tất nhiên khi ngài Putin trích dẫn thì ai nấy đều cũng biết là Putin đang trích dẫn lời tên Quốc xã này. Nhưng không, chế độ Putin đang che giấu bản chất Quốc xã của Ilyin, nguỵ tạo nó dưới cái mác "triết gia vĩ đại người Nga" để sử dụng quan điểm phát xít của y vào việc xây dựng hệ thống Chủ nghĩa tư bản ở nước Nga.
Không chỉ thế các tác phẩm của Ilyin hiện nay còn được lưu hành rộng rãi và tiêm nhiễm vào đầu óc nhân dân Nga về cái gọi là "nước Nga mới", nhưng thực chất là tuyên truyền về chủ nghĩa phát xít Nga, tuyên truyền về chủ nghĩa chống cộng.
Chủ nghĩa phát xít là công cụ chuyên chính của giai cấp tư sản, là con đẻ của chủ nghĩa đế quốc. Đó là một điều mà giai cấp tư sản Nga hiện nay đang cố hòng che giấu, giai cấp tư sản đang cố che giấu về nguồn gốc thực sự của bọn phát xít, và che giấu về việc chính họ tạo ra những tên phát xít.
Không phải chỉ nước Nga đang phát xít hoá, mà cả châu Âu cũng đang phát xít hoá, theo những bản sắc riêng biệt của chúng. Nhưng thứ không thể thay đổi được, đó chính bản chất của nền chuyên chính khủng bố của giai cấp tư sản. Các thế lực đế quốc dung dưỡng chủ nghĩa phát xít và đẩy những khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính của chúng lên vai của nhân dân lao động và trong những âm mưu tái phân phối lại thị trường tư bản chủ nghĩa.
Putin, Biden, hay những lãnh tụ của thế giới tư bản tự do khác, những kẻ dung dưỡng chủ nghĩa phát xít, đều là kẻ thù nguy hiểm của giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới.
Sự phát triển không đồng đều của các nước tư bản và sự tranh giành thị trường là nguyên nhân chính yếu dẫn đến việc các nước đế quốc không ngừng phát xít hoá phục vụ chiến tranh, tất cả là để phục vụ cho việc làm giàu có thêm của các tập đoàn tư bản lũng đoạn.
Điều đó đồng nghĩa là đẩy giai cấp công nhân, người lao động và nhân loại đến bờ vực của sự đau khổ.