VỀ LÒNG TỰ HÀO DÂN TỘC CỦA NGƯỜI ĐẠI NGA - LENIN, 12/1914


Hiện nay, người ta nghe thấy không biết bao nhiêu là lời bàn tán, bình luận, gào thét về vấn đề dân tộc, về vấn đề tổ quốc! Các bộ trưởng thuộc phái tự do và phái cấp tiến nước Anh, vô số những nhà chính luận ʺtiên tiếnʺ của Pháp (vốn là những người hoàn toàn nhất trí với những nhà chính luận của thế lực phản động), rất nhiều cây bút quèn trong bọn quan trường, trong phái dân chủ ‐ lập hiến và phái tiến bộ (cho đến cả một số cây bút quèn thuộc phái dân túy và ʺmác‐xítʺ nữa) ở Nga, – tất cả bọn chúng đều ca tụng, bằng muôn ngàn cách, tự do và độc lập của ʺtổ quốcʺ, sự vĩ đại của nguyên tắc độc lập dân tộc. Thật không thể phân biệt được trong bọn họ, ai là kẻ hèn hạ nịnh bợ tên đao phủ Ni‐cô‐lai Rô‐ma‐nốp hay bọn giày xéo các dân da đen và dân Ấn‐độ, và ai là tên tiểu tư sản tầm thường, vì ngu si hay khiếp nhược, mà đã tự ʺbuông trôi theo dòngʺ. Song cũng chẳng cần biết làm gì. Trước mặt chúng ta có một trào lưu tư tưởng rất rộng và rất sâu mà cỗi rễ thì gắn rất chặt với lợi ích của các ngài địa chủ và tư bản thuộc các dân tộc nước lớn. Để tuyên truyền những tư tưởng có lợi cho những giai cấp ấy, mỗi năm người ta bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu bạc: cái cối xay này không bé đâu, nó lấy nước từ khắp nơi đến, từ tên sô‐vanh ngoan cố Men‐si‐cốp đến bọn người, vì tư tưởng cơ hội chủ nghĩa hay vì khiếp nhược, mà trở thành sô‐vanh như Plê‐kha‐nốp và Ma‐xlốp, Ru‐ba‐nô‐vích và Xmiếc‐nốp, Crô‐pốt‐kin và Buốc‐txép.

Về phía chúng ta, những người dân chủ ‐ xã hội Đại Nga, chúng ta hãy thử xác định thái độ đối với trào lưu tư tưởng ấy. Đối với chúng ta, những người đại biểu của một dân tộc nước lớn ở Cực‐Đông châu Âu và ở một vùng lớn ở châu Á, thì đương nhiên là không nên quên cái ý nghĩa to lớn của vấn đề dân tộc; – nhất là ở trong một nước mà người ta thường gọi rất đúng là ʺnhà tù của các dân tộcʺ; – trong thời kỳ mà chính ở Cực‐ Đông châu Âu và ở châu Á, chủ nghĩa tư bản đã làm cho rất nhiều dân tộc ʺmớiʺ, lớn và nhỏ, thức tỉnh và giác ngộ; trong thời kỳ mà chế độ quân chủ Nga hoàng bắt buộc hàng triệu người Đại Nga và ʺnhững người khác dân tộcʺ phải cầm vũ khí để ʺgiải quyếtʺ nhiều vấn đề dân tộc theo đúng lợi ích của Hội đồng liên hiệp quý tộc, của bọn Gu‐tsơ‐cốp và bọn Cre‐xtốp‐ni‐cốp, bọn Đôn‐gô‐ru‐cốp, bọn Cút‐le, bọn Rô‐đi‐tsép.

Đối với chúng ta, những người vô sản Đại Nga giác ngộ, lòng tự hào dân tộc có phải là xa lạ không? Dĩ nhiên là không! Chúng ta yêu mến ngôn ngữ và tổ quốc chúng ta; điều mà chúng ta cố gắng hơn hết để thực hiện là nâng quần chúng lao động của tổ quốc ta (nghĩa là 9/10 dân số của tổ quốc ta) lên trình độ sinh hoạt giác ngộ của những người dân chủ và những người xã hội chủ nghĩa. Điều đau lòng nhất đối với chúng ta là nhìn thấy và cảm thấy tổ quốc tươi đẹp của chúng ta phải chịu biết bao sự ngược đãi, biết bao áp bức và giày xéo của bọn đao phủ Nga hoàng, bọn quý tộc và bọn tư bản. Chúng ta lấy làm tự hào rằng những hành động tàn bạo ấy đã gây ra sự phản kháng trong nhân dân chúng ta, trong những người Đại Nga; rằng nhân dân ấy đã sản sinh ra Ra‐đi‐sép, những người tháng Chạp, những nhà cách mạng trí thức bình dân trong những năm 70 thế kỷ XIX, rằng giai cấp công nhân Đại Nga đã sáng lập năm 1905 một chính đảng cách mạng lớn mạnh của quần chúng; rằng người mu‐gích Đại Nga đó đã bắt đầu trở thành những người dân chủ và bắt đầu đánh đổ giáo trưởng và địa chủ.

Chúng ta còn nhớ rằng trước đây nửa thế kỷ, nhà dân chủ Đại Nga Tséc‐nư‐sép‐xki, người đã hiến dâng cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, đã từng nói: ʺdân tộc khốn khổ, dân tộc nô lệ, từ trên xuống dưới, tất cả đều là nô lệʺ116. Dù là nô lệ công khai hay nô lệ giấu mặt, thì những người nô lệ Đại Nga (nô lệ cho nền quân chủ Nga hoàng) cũng không thích nhắc lại những lời nói ấy. Nhưng theo ý chúng ta, thì đó là những lời nói của tình yêu chân chính đối với tổ quốc, một tình yêu lo buồn trước tình trạng thiếu tinh thần cách mạng trong quần chúng nhân dân Đại Nga. Lúc đó, chưa có tinh thần cách mạng ấy. Hiện nay, tinh thần ấy chưa được lớn lắm, nhưng đã có rồi. Chúng ta đầy lòng tự hào dân tộc, vì dân tộc Đại Nga cũng đã tạo nên một giai cấp cách mạng, cũng đã chứng minh là có khả năng nêu cho nhân loại những tấm gương vĩ đại đấu tranh cho tự do và chủ nghĩa xã hội, chứ không phải chỉ có tình trạng tàn sát đại quy mô, hàng dãy giá treo cổ, những ngục tối, những nạn đói lớn và thái độ cực kỳ quỵ lụy trước bọn giáo trưởng, bọn Nga hoàng, bọn địa chủ và bọn tư bản.

Chúng ta đầy lòng tự hào dân tộc, và chính vì vậy mà chúng ta đặc biệt căm ghét cái quá khứ nô lệ của chúng ta (khi bọn địa chủ quý tộc bắt nông dân ra trận để bóp chết tự do của Hung‐ga‐ri, Ba‐lan, Ba‐tư và Trung‐quốc) và cái hiện tại nô lệ của chúng ta, khi mà chính bọn địa chủ ấy, được bọn tư bản giúp sức, lại đẩy chúng ta ra trận để bóp chết Ba‐lan và U‐cra‐i‐na, để đè bẹp phong trào dân chủ ở Ba‐tư và ở Trung‐quốc, để củng cố bè lũ bọn Rô‐ma‐nốp, bọn Bô‐brin‐xki, bọn Pu‐ri‐skê‐vích, là những bọn đang làm nhơ nhuốc phẩm chất dân tộc Đại Nga chúng ta. Đẻ ra đã là nô lệ, thì không có tội tình gì cả; song kẻ nô lệ nào mà không mong muốn tự giải phóng mình, lại còn bào chữa và tìm cách tô điểm địa vị nô lệ của mình (ví dụ như gọi việc bóp chết Ba‐lan, U‐cra‐i‐na, v.v., là ʺbảo vệ tổ quốcʺ của những người Đại Nga), kẻ nô lệ đó là tên đầy tớ thô bỉ, là đồ khốn đáng khinh, đáng ghét, đáng tởm.

ʺMột dân tộc mà đi áp bức những dân tộc khác, thì không thể là dân tộc tự do đượcʺ, đó là lời nói của những đại biểu vĩ đại nhất của phái dân chủ triệt để thế kỷ XIX, Mác và Ăng‐ghen, những người đã trở thành những người thầy của giai cấp vô sản cách mạng. Cho nên chúng ta, những công nhân Đại Nga, đầy lòng tự hào dân tộc, chúng ta mong muốn bất luận thế nào cũng phải có một nước Đại Nga quang vinh, tự do và độc lập, tự chủ, dân chủ, cộng hòa, thiết lập quan hệ với các nước láng giềng trên nguyên tắc nhân đạo là bình đẳng, chứ không phải trên nguyên tắc phong kiến là đặc quyền, nguyên tắc hạ thấp giá trị của một dân tộc vĩ đại. Chính vì chúng ta muốn có một nước Đại Nga được như thế, nên chúng ta mới nói rằng: trong thế kỷ XX, ở châu Âu (dù là ở Cực‐Đông châu Âu) không thể có cách nào ʺbảo vệ tổ quốcʺ khác hơn là đấu tranh, bằng mọi biện pháp cách mạng, chống chế độ quân chủ, chống bọn địa chủ và bọn tư bản của tổ quốc mình, tức là chống những kẻ thù tệ hại nhất của tổ quốc chúng ta; những người Đại Nga không có cách nào ʺbảo vệ tổ quốcʺ khác hơn là mong cho chế độ Nga hoàng thất bại trong mọi cuộc chiến tranh, coi đó là biện pháp khiến 9/10 dân số Đại Nga ít bị tai họa nhất, vì chế độ Nga hoàng không những chỉ áp bức số 9/10 dân số ấy về mặt kinh tế và chính trị, mà còn làm cho họ trụy lạc, làm cho họ mất giá trị con người, mất liêm sỉ, mất tiết tháo, bằng cách làm cho họ quen thói áp bức các dân tộc khác, quen thói che đậy cái nhục nhã của mình bằng những lời lẽ giả nhân giả nghĩa, giả yêu nước.

Có lẽ người ta sẽ cãi lại chúng ta rằng, ngoài chế độ Nga hoàng ra, thì dưới cánh ấp ủ của nó, còn có một lực lượng lịch sử khác đã ra đời và đã được củng cố, đó là chủ nghĩa tư bản Đại Nga, nó có một tác dụng tiến bộ là tập trung được về mặt kinh tế và liên kết được các khu vực rộng lớn lại. Nhưng cái ý kiến cãi lại như thế không bào chữa mà còn kết tội hơn nữa những người xã hội chủ nghĩa ‐ sô‐vanh của nước ta là những người mà ta phải gọi là những người xã hội chủ nghĩa của Nga hoàng và của bọn Puri‐skê‐vích (cũng như Mác đã gọi phái Lát‐xan là những người xã hội chủ nghĩa của nhà vua Phổ). Giả định ngay cả rằng lịch sử giải quyết vấn đề có lợi cho chủ nghĩa tư bản nước lớn Đại Nga và có hại cho một trăm lẻ một dân tộc nhỏ bé đi nữa. Điều đó không phải là không thể xảy ra, vì toàn bộ lịch sử của tư bản là một lịch sử đầy những sự tàn bạo và cướp đoạt, đầy máu và bùn nhơ. Chúng ta hoàn toàn không chủ trương các dân tộc nhất định cứ phải nhỏ bé; trong những điều kiện như nhau khác, chúng ta quyết chủ trương tập trung lại, và chống cái lý tưởng tiểu tư sản về quan hệ liên bang. Nhưng ngay cả trong trường hợp ấy nữa, thì thứ nhất, việc của chúng ta, việc của những người dân chủ (chưa nói chi đến những người xã hội chủ nghĩa nữa) không phải là giúp đỡ bọn Rô‐ma‐nốp ‐ Bô‐brin‐xki ‐ Pu‐ri‐skê‐vích bóp chết U‐cra‐i‐na, v.v.. Theo kiểu riêng của nó, theo kiểu của bọn gioong‐ke, Bi‐xmác đã làm tròn sự nghiệp tiến bộ của nó trong lịch sử, nhưng nếu người ʺmác‐xítʺ nào vì lý do ấy mà hòng chứng minh rằng việc những người xã hội chủ nghĩa giúp đỡ Bi‐xmác là đúng, thì thật là đẹp mặt! Hơn nữa, Bi‐xmác đã thúc đẩy kinh tế phát triển vì đã thống nhất được những dân Đức phân tán, bị các dân tộc khác áp bức. Trái lại, sự phồn vinh của nền kinh tế và sự phát triển mau chóng của Đại Nga lại đòi hỏi phải giải thoát đất nước khỏi bạo lực của người Đại Nga đối với các dân tộc khác. Chính sự khác nhau ấy đã bị những kẻ sùng bái bọn na ná như Bi‐xmác nhưng chính cống là người Nga, ở nước ta, quên đi.

Thứ hai là, nếu lịch sử giải quyết vấn đề có lợi cho chủ nghĩa tư bản nước lớn Đại Nga, thì do đó vai trò xã hội chủ nghĩa của giai cấp vô sản Đại Nga, vai trò động lực chính của cách mạng cộng sản chủ nghĩa do chủ nghĩa tư bản gây ra, sẽ càng lớn lao. Nhưng muốn cho cách mạng vô sản thắng lợi, thì phải giáo dục lâu dài cho công nhân tinh thần bình đẳng và hữu nghị dân tộc đầy đủ nhất. Vì vậy, chính là đứng về lợi ích của giai cấp vô sản Đại Nga mà cần phải giáo dục lâu dài cho quần chúng tinh thần đấu tranh kiên quyết nhất, triệt để nhất, can đảm nhất và cách mạng nhất, cho quyền bình đẳng hoàn toàn và quyền tự quyết của tất cả các dân tộc bị người Đại Nga áp bức. Lợi ích của lòng tự hào dân tộc (không phải là lòng tự hào theo lối nô lệ) của những người Đại Nga phù hợp với lợi ích xã hội chủ nghĩa của những người vô sản Đại Nga (và của tất cả những người vô sản khác). Mác luôn luôn là tấm gương cho chúng ta noi theo, Mác đã sống ở Anh hàng mấy chục năm, nên đã trở thành gần như người Anh, đã đòi tự do và độc lập dân tộc cho Ai‐rơ‐len vì lợi ích của phong trào xã hội chủ nghĩa của công nhân Anh.

Trong trường hợp thứ hai mà chúng ta giả định ra đó, thì những kẻ sô‐vanh xã hội chủ nghĩa ở nước ta, – Plê‐kha‐nốp và những người khác – không những sẽ tỏ ra là những kẻ phản bội tổ quốc, phản bội nước Đại Nga tự do và dân chủ, mà còn là những kẻ phản bội tình hữu nghị vô sản giữa tất cả các dân tộc ở Nga, nghĩa là phản bội sự nghiệp chủ nghĩa xã hội.

Người dân chủ ‐ xã hộiʺ, số 35,
ngày 12 tháng Chạp 1914