HỘI ĐÀM GIỮA STALIN VÀ BAN LÃNH ĐẠO ĐẢNG THỐNG NHẤT XHCN ĐỨC, tháng Tư 1952



HỘI ĐÀM GIỮA STALIN VÀ BAN LÃNH ĐẠO ĐẢNG THỐNG NHẤT XHCN ĐỨC

T/g: Các đ/c Molotov, Malenkov, Bulganin, Semyonov

Đ/c Stalin nói rằng trong cuộc hội đàm lần trước, đ/c Pieck(1) đã nêu vấn đề về tiềm năng cho sự phát triển của nước Đức nằm trong mối liên quan với các đề nghị của Liên Xô về hiệp ước hoà bình cùng với chính sách của Hoa Kỳ và Anh quốc đối với Đức. Đ/c Stalin tin rằng bất kể các đề nghị của chúng ta về vấn đề nước Đức là gì thì phương Tây cũng sẽ không đồng ý và sẽ không bao giờ từ bỏ Tây Đức. Sẽ thật sai lầm nếu nghĩ rằng chúng ta có thể đạt được một sự thoả hiệp hoặc người Mỹ sẽ chấp nhận một dự thảo của hiệp định hoà bình. Người Mỹ cần duy trì quân đội ở Tây Đức để kiểm soát toàn bộ châu Âu. Họ nói rằng họ đóng quân ở đó là để đề phòng chúng ta nhưng nhiệm vụ thực sự của lực lượng này là kiểm soát châu Âu. Mỹ sẽ kéo Tây Đức vào khối Đại Tây Dương(2). Họ sẽ thành lập quân đội Tây Đức. Adenauer(3) đang nằm trong sự kiểm soát của Mỹ. Tất cả binh lính và sĩ quan chế độ cũ cũng vậy. Và các đ/c cũng cần tổ chức 1 nhà nước độc lập. Đường phân định tạm thời Đông-Tây Đức phải được xem như đường biên giới, nếu như không muốn nói là một đường biên giới nguy hiểm. Ta phải tăng cường lực lượng bố phòng ở biên giới. Ở tuyến đầu sẽ là bộ đội Đức, rồi ta sẽ bố trí bộ đội Liên Xô ở tuyến hai. Các gián điệp phương Tây đang tự do tung hoành khắp CHDC Đức. Chúng sẵn sàng tiến hành các biện pháp cực đoan và có thể giết các đ/c, hoặc là đ/c Chuikov(4). Điều này cần phải được lưu ý. Vì vậy, chúng ta cần phải tăng cường phòng thủ ở biên giới.

Sau đó, đ/c Stalin nói rằng chúng ta cần phục hồi hệ thống tổ chức cơ quan chỉ huy quân sự. Điều này là cần thiết để chống lại các vụ bạo loạn lật đổ có thể xảy ra. Ngoài ra, bộ đội của hai nước chúng ta cũng cần có được sự bảo vệ tốt. Và các đ/c cũng cần điều đó; nếu có, thì các đ/c sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Đ/c Stalin hỏi rằng những đề nghị này có được chấp nhận không.

Đ/c Pieck nói rằng vấn đề này là hệ trọng.

Đ/c Ulbricht(5) nhanh chóng đồng ý . Đ/c hỏi về việc liệu có thể tái lập cơ quan chỉ huy quân sự ở mọi cấp không. Đ/c Stalin trả lời là không biết.

Đ/c Chuikov muốn mở lại hệ thống cơ quan chỉ huy quân sự kèm theo 3-4 ngàn quân nhân.

Đ/c Stalin nói rằng chúng ta đã có thực tiễn trong vấn đề trang bị cho công an Đức và đã đi đến kết luận rằng họ nên được trang bị vũ khí được Liên Xô sản xuất. Hiện nay công an Đức được trang bị những vũ khí cũ được Đức sản xuất nhưng lại thiếu thốn về đạn dược. Các đ/c nên tái sản xuất đạn dược, hoặc chúng tôi sẽ bán vũ khí cho các đ/c.

Đ/c Ulbricht đồng ý. Nhưng liệu tất cả các loại vũ khí sẽ được bán hay không? Bắt đầu từ súng ngắn hay tiểu liên?

Đ/c Stalin nói rằng sẽ bán tất cả các loại vũ khí. Nếu công an của các đ/c mà không có vũ khí thì sẽ làm việc kiểu gì? Các đ/c có quyền được có một lực lượng công an có trang bị đầy đủ. Đ/c Chuikov nói rằng bên cạnh công an thường sẽ có cảnh sát vũ trang tập trung với xe tăng và pháo. Chúng tôi đã đồng ý về điều này, mong các đ/c suy nghĩ.

Đ/c Stalin nói ông có hai câu hỏi. Đ/c nói trong lần gần nhất khảo sát ở CHDC Đức, tỉ lệ thu nhập giữa công nhân và nhân viên chuyên môn kĩ thuật là 1:1,7. Thật là sai lầm. Nó sẽ hủy hoại nền công nghiệp của các đ/c. Có lẽ các đ/c xuất phát từ quan điểm của Marx và Engels trong thời kỳ Công xã(6) , rằng một kĩ sư không nên được trả lương cao hơn một công nhân lành nghề. Trước đây thì quan điểm này có thể đúng nhưng bây giờ thì hoàn toàn sai. Các kĩ sư đang tham gia vào công việc lao động trí óc. Họ cần có một căn hộ đầy đủ tiện nghi, chứ không phải là ngồi gặm bánh mì. Họ cần phải có một mức sống xứng đáng với 1 người lao động trí óc. Họ cần có 1 thư viện với sự thoải mái để có thể ngồi đọc hoặc viết mà không bị ai quấy rầy. Nếu các đ/c không làm thế thì không chỉ các kĩ sư có kinh nghiệm mà cả những người trẻ cũng sẽ bỏ chạy hết. Ở nước chúng tôi, một kĩ sư có thể được trả lương gấp 2,3, thậm chí 4 lần so với lương của một công nhân. Các viện sĩ của các viện nghiên cứu nhận được 12 ngàn ruble(8) mỗi tháng. Không thể làm việc và trưởng thành nếu thiếu đi số tiền này. Vậy nên các đ/c nên từ bỏ quần điểm cũ về vấn đề này. Công nghệ giờ phức tạp hơn nhiều so với thời Công xã, để làm được việc thì mỗi kĩ sư và cả công nhân bậc cao phải học rất nhiều mới có thể làm chủ công nghệ. Một kĩ sư cần có cơ hội để trưởng thành, đọc và viết- sẽ không có kĩ sư nào nếu thiếu những cơ hội đó. Tương tự với việc xây dựng quân đội. Marx- Engels cho rằng chúng ta chỉ cần một quân đội dựa trên dân quân. Vào những năm đầu , chúng tôi cũng từng nghĩ thế. Thực tiễn đã chỉ ra điều đó là sai lầm. Ngày nay để bảo vệ đất nước, chúng ta cần một quân đội hiện đại với nhiều chuyên gia. Một quân đội dựa trên dân quân chỉ phù hợp với tình thế chiến tranh mà thắng thua phân định bằng súng trường. Giờ thì quân đội không còn ở sơ kỳ của công nghiệp hoá mà đã ở thời đại cơ khí tự động hoá. Vì vậy chúng ta cần ở quân đội những người hiểu biết về máy móc.

Đ/c Stalin cho biết ông nghe được việc ở CHDC Đức, các công nhân bậc cao chỉ được trả lương cao hơn một chút so với những người bình thường.

Đ/c Ulbricht cho biết thực tế thì những người này có lương cao hơn nhưng không đáng kể lắm. Vì thế, chúng tôi đang có kế hoạch ra mắt bảng lương.

Đ/c Stalin nói rằng chúng tôi đã có kinh nghiệm về vấn đề này từ những năm đầu của chính quyền Xô viết. Công xã được thành lập trong các công xưởng, nơi tiền lương của công nhân và kĩ sư được gom lại một chỗ rồi chia đều ra. Đó là một cách làm ngu xuẩn. Công nhân “cổ trắng” không có được sự khích lệ để nâng cao tay nghề, còn công nhân “cổ xanh" thì không có được sự khích lệ để vươn tới trình độ của công nhân “cổ trắng” . Rốt cuộc thì cả hai đều hỏng. Thời đó, có người nói rằng thế mới là cách làm của vô sản, của Chủ nghĩa xã hội. Nhưng chả có tí vô sản hay xã hội chủ nghĩa nào ở trong đó cả. Đơn thuần chỉ là chủ nghĩa bình quân. Bất cứ người vô sản nào khi được hỏi cũng sẽ nói rằng nếu trả lương cho họ cao hơn thì họ sẽ muốn nâng cao tay nghề hơn, còn nếu không thì sẽ không bao giờ có chuyện nâng cao tay nghề. Một công nhân giỏi nên được trả lương cao hơn một công nhân bình thường, và một kĩ sư thì lương phải cao hơn nhiều lần một công nhân giỏi. Nên làm thế cho dù tốn kém cỡ nào. Chúng tôi đã làm thế 25 năm qua và đó là lý do vì sao mọi thứ đều tốt đẹp. Các công nhân lành nghề có tiềm năng riêng của họ- nhiều người đã thi và trở thành những chuyên gia và kĩ sư giỏi. Chủ nghĩa cào bằng phải bị thủ tiêu. Đ/c Stalin hỏi liệu ban lãnh đạo Đức có đồng ý với điều này và xem đây là một các tiếp cận rất Marxist không.

Đ/c Pieck đồng ý.

Đ/c Stalin hỏi câu thứ hai. Ông hiểu rằng CHDC Đức không có nông trang tập thể nào và các trạm dịch vụ cho thuê máy nông nghiệp (trạm máy kéo) chỉ phục vụ cho các nông trại cá thể.

Đ/c Ulbricht khẳng định điều này và bổ sung rằng chúng tôi thậm chí còn cấm thành lập nông trang tập thể ở những nơi mà nông dân đề nghị, để tránh làm ảnh hưởng đến công cuộc thống nhất nước Đức.

Đ/c Stalin nói: tại sao các đ/c lại phàn nàn về giai cấp phú nông (kulak)? Làm thế để làm gì? Hãy quy tụ họ lại và lập các nông trang tập thể cho họ . Ở nước chúng tôi, việc thành lập nông trang tập thể đi liền với trấn áp phú nông. Nhưng các đ/c không cần làm thế. Hãy để cho họ yên. Nhưng để bổ sung cho lực lượng này thì các đ/c có các bần cố nông ở các làng mạc sống ngay cạnh phú nông. Họ nên được đưa vào con đường làm ăn tập thể. Không quan trọng việc bao nhiêu nông trang cá thể tham gia làm ăn tập thể-5,10,15- không thành vấn đề. Vấn đề ở chỗ làm thế nào để tổ chức họ. Hiện nay các bần cố nông không có máy móc, không đủ hạt giống cũng như các kiến thức và kinh nghiệm cần có. Đó là lý do mà mùa màng của họ rất kém. Trong tình thế đó thì hiển nhiên bần cố nông sẽ tự hủy hoại họ và rồi sẽ đứng vào hàng ngũ của đội quân thất nghiệp. Tuy nhiên, nếu các đ/c tổ chức các nông trang tập thể nhỏ và cho họ thấy làm thế nào để quản lý nó, nông dân sẽ bắt đầu suy nghĩ xem điều gì tốt hơn- làm ăn đơn lẻ hay vào nông trang tập thể. Kinh nghiệm tốt đã được rút ra ở Hungary, nơi họ để cho các phú nông được yên và trao máy móc cho nông trang tập thể. Họ đã cố gắng cải thiện các vụ thu hoạch. Đừng nghĩ rằng người Hung giỏi hơn người Đức. Các đ/c hãy học hỏi từ họ. Nên cho các nông trang tập thể hưởng những đặc ân. Hãy bán máy nông nghiệp cho họ với giá rẻ hơn, giúp đỡ họ với hạt giống và những lời tư vấn. Nếu các đ/c cần cố vấn và chuyên gia về vấn đề này , chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ. Tất nhiên là nếu Liên minh (7) phản đối thì đó sẽ là câu chuyện hoàn toàn khác. Nhưng họ sẽ phản đối kiểu gì khi nông dân muốn làm ăn tập thể, và nếu các đ/c muốn giúp nông dân thì có gì là xấu đâu? Rồi các đ/c sẽ thấy nông dân sẽ đến thăm các nông trang tập thể và thấy cuộc đời họ sang trang như thế nào. Tôi thấy rằng, chính sách của các đ/c không coi trọng nông dân. Đây là định kiến dân chủ xã hội kiểu cũ đối với nông dân. Nếu đúng là thế thì các đ/c nên chấm dứt ngay. Đ/c Stalin hỏi ban lãnh đạo Đức: các đ/c có cần nông dân không, các đ/c có cần họ sản xuất và cung cấp lương thực thực phẩm không? Nếu cần thì phải đặt nền tảng vững chắc cho liên minh với nông dân.

Đ/c Pieck nói rằng khi CHDC Đức tiến hành cải cách ruộng đất, kẻ thù đã tuyên truyền rằng chúng tôi đang chuẩn bị hợp tác hoá. Mà nông dân lại có sẵn định kiến với nông trang tập thể. Vậy nên chúng tôi đã sợ hãi và không nêu vấn đề này. Bây giờ thì chúng tôi đã có các hội đoàn tương tế nông dân và các hợp tác xã thương mại. Đây là tiền đề của hợp tác hoá. Giờ là thời điểm khả thi để nêu lại vấn đề này trên bình diện rộng hơn.

Đ/c Stalin nói rằng các đ/c cần tạo các hợp tác xã trong các làng mạc và gọi chúng theo tên đơn vị hành chính. Điều đó sẽ có tác dụng tích cực. Các đ/c nên khẳng định sự ủng hộ với nông dân. Ở Hungary điều này đã được thực hiện tốt. Lẽ ra các đ/c nên làm sớm hơn. Để chống lại luận điệu tuyên truyền của địch, thay vì ngồi yên một chỗ thì các đ/c hãy đứng lên phản bác lại. Hãy nói rằng bần nông muốn tham gia hợp tác xã và chính phủ sẵn sàng giúp đỡ họ.

Đ/c Pieck nói rằng điều đó rất tốt.

Đ/c Stalin lưu ý rằng các đ/c nên trao ưu đãi cho hợp tác xã, bán máy nông nghiệp cho họ và giúp đỡ họ về hạt giống trong 2 năm đầu, và rồi họ sẽ khá hơn. Liệu thế có được không?

Đ/c Ulbricht: hoàn toàn ổn. Nó sẽ giúp cải thiện tình hình ở nông thôn.

Đ/c Stalin: Tất nhiên là các đ/c phải có cơ sở mạnh ở nông thôn. Đừng ép ai tham gia cả. Nếu họ muốn thì tốt, không thì thôi. Nông dân sẽ tham gia làm ăn tập thể một cách tự nguyện. Hãy gửi những người thất nghiệp ở các thành phố về nông thôn làm ăn. Đ/c Stalin nói rằng ở Liên Xô, chúng tôi đã xoá bỏ được tình trạng thất nghiệp vì hai lý do: một là sự mở rộng sản xuất, hai là việc tạo động lực cho nông dân cày cấy. Đã từng có lúc 23-25 triệu nông dân đói khổ từ nông thôn kéo lên các đô thị ở Nga và hủy hoại giá trị của lực lượng lao động. Giờ chúng tôi không còn gặp tình trạng đó nữa, vì nông dân đã hứng thú với việc đồng áng. Ngày nay ở Liên Xô không có nạn thất nghiệp, mà vấn đề chính của chúng tôi là thiếu công nhân. Chúng tôi đã huy động các nông dân trẻ lên làm việc ở các nhà máy. Đó là cách chúng tôi xử lý nạn thất nghiệp. Đừng quá tính toán trong việc hỗ trợ các nông trang tập thể, hiệu quả sẽ đến sau. Các đ/c sẽ từng bước xây dựng được liên minh công nông, và thật khó để hai lực lượng này đứng riêng rẽ. Hãy giúp đỡ nông dân.

Đ/c Ulbricht nói rằng việc này cũng có thể sẽ mang lại hậu quả. Từ trước đến nay chúng tôi vẫn nói rằng chúng tôi đại diện cho một nước Đức dân chủ, và đã không thực hiện nhiều biện pháp mà chúng tôi cho là cần thiết trên tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chúng tôi cũng chưa bao giờ nói rằng chúng tôi đang tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Đ/c Stalin: Đúng vậy.

Đ/c Ulbricht: Liệu có nên tiếp tục sử dụng chiến thuật này khi mà sự chia cắt nước Đức đã trở nên sâu sắc?

Đ/c Stalin: Ngay cả bây giờ các đ/c cũng không nên nói về chủ nghĩa xã hội. Nhưng làm ăn tập thể và hợp tác xã là một biểu hiện của chủ nghĩa xã hội. Sở hữu toàn dân cũng vậy.

Đ/c Ulbricht: Chúng tôi chưa từng nói đến chúng và cũng chưa chỉ ra sở hữu toàn dân là xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi chưa công khai các quan hệ xã hội mới nổi lên ở CHDC Đức.

Đ/c Stalin: Lớp mặt nạ này sẽ giúp các đ/c không làm tầng lớp trung lưu ở Tây Đức sợ hãi. Tuy nhiên nếu không có cái mặt nạ đó, thì các đ/c nên kéo các tầng lớp đáy của xã hội về phe mình. Công nhân sẽ tự hào nếu họ biết các đ/c đang quốc hữu hoá ngành công nghiệp. Bằng không thì trong mắt họ, các đ/c sẽ chả khác gì so với chính phủ ở Bonn (8). Họ có thể nói rằng CHDC Đức có một nền công nghiệp quốc doanh và thuộc sở hữu toàn dân trong khi các triệu phú tư bản đang lũng đoạn sản xuất công nghiệp sẽ đại diện cho Tây Đức. Ở đây cần phải khéo léo một chút; một mặt, các đ/c đừng hù dọa giới trung lưu. Mặt khác, đừng làm công nhân Tây Đức thất vọng. Chúng tôi đã giao lại một số liên doanh cho các đ/c. Vấn đề quan trọng là công nhân Đức phải biết là bằng cách đó, chúng ta sẽ mở rộng việc quốc hữu hoá. Họ sẽ rất vui mừng. Tất nhiên, các đ/c cần ứng biến và che giấu nó trong quan hệ với tầng lớp trung lưu. Nếu các đ/c nói rẳng mình có công nghiệp quốc doanh, nghĩa là tư liệu sản xuất nằm trong tay nhân dân chứ không phải bọn tư bản bóc lột. Tuy nhiên chỉ cần các đồng chí tự hiểu với nhau rằng đó là sản xuất kiểu xã hội chủ nghĩa mà thôi. Kể cả hợp tác xã cũng là một phần của chủ nghĩa xã hội. Đừng ồn ào về chuyện đó. Khi hợp tác xã hoạt động tốt, nông dân sẽ thấy lợi ích và sức mạnh từ hợp tác xã, rồi họ sẽ hướng về phía giai cấp công nhân. Nhưng bây giờ thì các đ/c đừng lớn tiếng làm gì, vì các nông trang tập thể vẫn chưa ở trong tầm tay. Nên bắt đầu làm ngay việc đó. Dù 2 nhà nước đang hình thành ở Đức, đừng nên lớn tiếng về Chủ nghĩa xã hội lúc này. Các đ/c chỉ nên dùng từ "hợp tác xã" chứ đừng dùng từ "nông trang tập thể".

Đ/c Pieck nói các vấn đề về sản xuất tập thể sẽ được thảo luận và làm rõ một cách nghiêm túc trong Đảng.

Đ/c Stalin: Để bắt đầu thì các đ/c nên xây dựng trước một số nông trang tập thể thí điểm rồi thảo luận về nó trong Đảng sau. Ngay bây giờ thì các đ/c chưa có gì để bàn cả. (Cười). Việc làm đi trước lời nói mà .

Đ/c Ulbricht hỏi: Những kinh nghiệm gì cần có với một nước dân chủ nhân dân? Liệu có nên bắt đầu xây dựng hợp tác xã sau khi thu hoạch?

Đ/c Stalin: Nông dân thường sẽ làm trong suốt mùa đông. Các đ/c có thể nói với họ về vấn đề này sau vụ thu hoạch.

Đ/c Pieck: Công nhân hỏi chúng tôi rằng chế độ xã hội của CHDC Đức là gì? xã hội chủ nghĩa có phải không? Vì những lý do đã trình bày ở trên mà chúng tôi thường tránh trả lời câu hỏi này, nhưng các công nhân tỏ ý không hài lòng.

Đ/c Stalin: Các đ/c hãy nói với công nhân rằng; chúng ta mới bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây chưa hoàn toàn là chủ nghĩa xã hội vì chúng ta còn có nhiều nhà tư bản. Nhưng đây là điểm khởi đầu của chủ nghĩa xã hội, những mảnh ghép đầu tiên, những bước đầu tiên trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hãy thể hiện cho công nhân thấy là các đ/c gần gũi với họ hơn là chính quyền Adenauer.

Đ/c Stalin hỏi: Cơ quan nào cao hơn trong Đảng của các đ/c- Ban Bí thư hay Bộ Chính trị?

Đ/c Pieck trả lời: Chúng tôi chưa làm rõ điều này trong Đảng, nhưng theo Điều lệ Đảng thì Bộ Chính trị cao hơn Ban Bí thư. Chúng tôi đã có cuộc nói chuyện với đ/c Pegov từ Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (B) , và đ/c ấy đã giải thích rành rọt với chúng tôi về cách thức hoạt động của Đảng. Ngoài ra chúng tôi đã trao đổi với các đ/c Kutznetsov, Romanov và Mikhailov về giáo dục quốc phòng cho thanh thiếu niên. Đ/c Stalin nói có thể các đ/c sẽ cần các cố vấn trong lĩnh vực nông trang tập thể. Các đ/c có thể yêu cầu cố vấn từ Hungary hay Ba Lan.

Đ/c Malenkov lưu ý: Các đ/c sẽ trao nhiều quyền cho nông dân Đức hơn cả nông dân Liên Xô.

Đ/c Stalin nói: Chúng tôi sẽ gửi cho các đ/c một hoặc hai chuyên gia, nhưng nhớ là đừng trấn áp phú nông (kulak) trong quá trình tập thể hoá. Hãy để cho họ yên.

Đ/c Ulbricht nói: Chúng tôi không cần động đến họ, vì một khi các hợp tác xã được thành lập, nhiều người trong số phú nông sẽ bỏ chạy sang Tây Đức ngay lập tức.

Đ/c Stalin nói: Điều đó thì có gì không tốt đâu? Hãy lấy luôn đất của họ. Ở Ba Lan , một bộ phận phú nông đã bán lại ruộng đất và sau đó tham gia thương nghiệp. Đ/c Stalin hỏi CHDC Đức có nông trường quốc doanh không?

Đ/c Ulbricht trả lời là có và bổ sung rằng chúng chiếm khoảng 5% diện tích đất canh tác của CHDC Đức.

Đ/c Stalin hỏi: Chúng có hoạt động tốt không.

Đ/c Ulbricht: Chúng hoạt động không được tốt cho lắm.

Đ/c Semyonov dẫn chứng về việc hiệu quả sản xuất ở các nông trường quốc doanh ở CHDC Đức tốt hơn là các nông trang cá thể, nhưng các nông trường quốc doanh này, như một quy luật, thường có hiệu quả thấp và nhận trợ cấp từ nhà nước.

Đ/c Stalin nói: Các nông trường quốc doanh có thể được trao cho nông dân nếu chúng hoạt động không tốt. Ở Liên Xô chúng tôi, chúng tôi cũng đã từng đối mặt với những khó khăn trong việc duy trì hoạt động của các nông trường quốc doanh. Rồi sau đó chúng tôi đã chuyển một phần của chúng cho nông dân, sau đó các nông trường này đã hoạt động hiệu quả hơn. Để hỗ trợ cho các công nhân ở nông trường, chúng tôi đã tiến hành giao khoán ruộng đất cho họ và họ bắt đầu làm việc tốt hơn, cũng như ngay lập tức bắt đầu gieo trồng trên những mảnh đất này.

Đ/c Stalin hỏi: Bao giờ thì các đ/c Đức sẽ nhận được các xưởng cán thép?

Đ/c Grotewohl (9) trả lời: Tiền để chi trả cho việc xây dựng chúng đã được chuyển, nhưng không có gì là chắc chắn về chuyện này.

Đ/c Stalin hỏi là liệu các đ/c có hy vọng nào về việc này không.

Đ/c Grotewohl trả lời là có và cho biết sẽ ra những mệnh lệnh cần thiết.

Đ/c Stalin chỉ ra ở Liên Xô cũng có các xưởng như vậy cũng như những thiết bị cần thiết. Tuy nhiên các nhà máy luôn bị quá tải.

Đ/c Stalin hỏi về việc mới tìm thấy thêm các mỏ sắt ở CHDC Đức.

Đ/c Ulbricht trả lời CHDC Đức chỉ có các quặng nghèo, chứa 20% sắt.

Đ/c Stalin nói: Nó nên được trộn với quặng giàu. Trước chiến tranh, người Đức thậm chí còn không từ bỏ cả quặng 5% sắt.

Đ/c Ulbricht cho biết: Chúng tôi đã xây dựng những mỏ đặc biệt cho những quặng nghèo như vậy.

Đ/c Stalin chỉ ra: Nên trộn quặng nghèo với quặng giàu. Ba Lan lấy quặng từ mỏ Kryvoi Rog của chúng tôi và trộn với quặng nghèo của họ theo tỉ lệ 1:1. Người Đức làm điều đó kể cả dưới thời Hít-le. Gần đây chúng tôi khám phá ra quặng khá tốt ở Siberia, chứa đến 60% sắt, nhưng lại khá xa đường sắt.

Đ/c Ulbricht nói: Chúng tôi còn một đề nghị nữa. Chúng tôi đã thông báo với các đ/c về việc chúng tôi đang lên một chương trình hành động cho Đảng cộng sản Tây Đức. Chúng tôi đang đẩy nhanh việc này và cố gắng hoàn thành trước khi đảng này bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Chúng tôi muốn hỏi liệu đ/c Stalin và Bộ Chính trị ĐCSLX (B) có muốn xem qua dự thảo và giúp đỡ chúng tôi hay không.

Đ/c Stalin bày tỏ sự đồng ý.

Đ/c Grotewohl nói rằng: Chúng tôi hoàn nhất trí với các nhận định của đ/c Stalin về tình hình Tây Đức và chính sách của Hoa Kỳ. Đ/c Grotewohl hỏi liệu đ/c Stalin có nghĩ rằng vào thời điểm này có cần giới thiệu sự thay đổi trong các cuộc hội đàm của chúng tôi về vị trí chính thức của chính phủ CHDC Đức trong công cuộc phục hồi toàn vẹn lãnh thổ của nước Đức hay không.

Đ/c Stalin bày tỏ sự không đồng ý. Đ/c nói: Các đ/c nên tiếp tục tuyên truyền về thống nhất nước Đức trong tương lai. Điều đó rất quan trọng trong việc tác động đến nhân dân Tây Đức. Bây giờ nó đang là vũ khí của các đ/c và hãy giữ vững nó trong tay. Chúng ta cũng nên tiếp tục đưa ra đề nghị thống nhất nước Đức để phơi bày bộ mặt của bọn Mỹ.

Đ/c Grotewohl hỏi đ/c Stalin về việc CHDC Đức mua 8000 tấn vải cotton sợi dài.

Đ/c Stalin đồng ý và hứa sẽ trao đổi việc này với đ/c Malenkov.

GHI BỞI SEMENOV

BIÊN DỊCH: BÀNH ĐỨC HOÀI

Chú thích:

1. Wilhelm Pieck (1876-1960), chủ tịch đầu tiên của nước CHDC Đức. Tên đồng chí được đặt cho Trường Sĩ quan KTQS - Quân đội Nhân dân Việt Nam ( Trường sĩ quan kĩ thuật Vin hem pích), nay là ĐH Trần Đại Nghĩa.

2. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO- OTAN), Liên minh quân sự của các nước tư bản chủ nghĩa hai bờ bắc Đại Tây Dương trong suốt Chiến tranh Lạnh.

3. Konrad Adenauer (1876-1967), thủ tướng đầu tiên của nước CHLB Đức (Tây Đức).

4. Vasily Chuikov (1900-1982), Nguyên soái Liên Xô, Tổng tư lệnh LLVT Liên Xô tại CHDC Đức, Chủ tịch Uỷ ban kiểm soát của Liên Xô tại CHDC Đức.

5. Walter Ulbricht (1893-1973), Tổng Bí thư Đảng Thống nhất XHCN Đức, Chủ tịch Hội đồng nhà nước CHDC Đức.

6. Công xã Paris (1871).

7. Liên minh Dân chủ Đức, liên minh chính trị cầm quyền ở CHDC Đức.

8. Bonn là thủ đô nước CHLB Đức trong suốt Chiến tranh Lạnh.

9. Otto Grotewohl (1894-1964), Thủ tướng thứ nhất nước CHDC Đức.

(AP RF), fond (f.) 45, opis’ (op.) 1, delo (d.) 303, list (l.) 179.