Baibacốp: Về các Hội đồng kinh tế quốc dân

VỀ CÁC HỘI ĐỒNG KINH TẾ QUỐC DÂN
(Hồi ký Baibacốp: Từ Xtalin đến Enxin, Nxb Chính trị Quốc gia)

.........

Năm 1956 N. Khơrútsốp tuyên bố thành lập các hội đồng kinh tế quốc dân và giải thể các bộ, lấy lý do là cần có sự phi tập trung hóa quản lý, bảo đảm quyền độc lập nhiều hơn cho các nước cộng hòa và các tỉnh trong nước. Việc này gây lo ngại cho mọi người, cả trong Ban Chấp hành Trung ương, cả trong Hội đồng bộ trưởng .

Có lần nói chuyện với tôi, Khơrútsốp hỏi:

- Với tư cách là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước, đồng chí có ý kiến thế nào về việc thành lập các hội đồng kinh tế quốc dân thay cho các bộ ?

Tôi trả lời:

- Không thể giải thể các bộ nhiên liệu - năng lượng, công nghiệp quốc phòng, vận tải, nguyên liệu và chế tạo máy. Nếu cần kiểm tra tính chất hợp lý của việc thành lập các hội đồng kinh tế quốc dân, thì tốt hơn nên bắt đầu từ các ngành sản xuất các mặt hàng tiêu dùng của nhân dân và lương thực, nghĩa là bắt đầu từ công nghiệp địa phương và công nghiệp thực phẩm.

- Nếu chỉ để làm điều này thì không đáng để thành lập ra các hội đồng kinh tế quốc dân, - Khơrútsốp nói.

- Nhưng nếu chúng ta giải thể các bộ, thì chúng ta sẽ mất quyền quản lý trong nền kinh tế, tôi đưa ra ý kiến phản bác, - sẽ không quản lý được các ngành, chúng ta sẽ làm tan rã nền kinh tế, gây mất cân đối trong nền kinh tế.

- Đồng chí làm công tác quản lý ngành, đã quen với cách lãnh đạo thông qua các bộ mà không đếm xỉa đến ý kiến của các nước cộng hòa và của các tỉnh. Mà họ thì lại thấy rõ hơn...

Khơrútsốp rõ ràng đã tỏ ra bực dọc, ông ta không thích người ta bài báo các kế hoạch ưa chuộng của ông ta, nhưng công việc là cái chủ yếu: là toàn bộ nền kinh tế của toàn liên bang, và tôi tiếp tục giải thích rằng trong trường hợp này sự quản lý theo ngành sẽ bị thay thế bằng chủ nghĩa cục bộ địa phương, và chưa biết cách nào là tốt hơn.

Nhân vật số một (đó là cái tên mà trong Ban Chấp hành Trung ương vẫn dùng để gọi ông Khơrútsốp) hiển nhiên đã không hề có ý muốn lắng nghe những lý lẽ của tôi, và câu chuyện giữa hai chúng tôi đã kết thúc không đi đến đâu.

Tại Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương họp tháng 2-1957, trong bản báo cáo của mình, N. Khơrútsốp đã biện hộ cho việc áp dụng các hội đồng kinh tế quốc dân, coi đó như là sự trở lại chính sách kinh tế mà Lênin đã thực hiện.

Khi bắt đầu thảo luận bản báo cáo, tôi đã đề nghị tổ chức Hội đồng kinh tế quốc dân tối cao. Tôi hiểu rằng vấn đề thành lập các hội đồng kinh tế quốc dân đã được giải quyết từ trước rồi, phản bác sẽ là vô ích, cho nên tôi đề nghị thành lập ra một cơ quan có thể giải quyết một cách tập trung những vấn đề quan trọng nhất về phát triển nền kinh tế quốc dân trước kia do các bộ phụ trách. Nhưng những lý lẽ của tôi đã không được xét đến. Ngoài Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông, còn các bộ khác đã bị giải thể. Vậy là đã diễn ra việc chuyển từ nguyên tắc quản lý kinh tế theo ngành sang nguyên tắc quản lý theo lãnh thổ. Như vậy là đất nước ta, nền kinh tế của nó đã bị giáng đòn đầu tiên, đòn nặng nề...

Hai ngày sau Hội nghị Trung ương ấy, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Malencốp đã gọi điện thoại cho tôi:

- Chúng tôi đã quyết định bổ nhiệm đồng chí làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước của nước Nga và Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết liên bang Nga, vì xét thấy rằng trong số 104 hội đồng kinh tế quốc dân thì 74 hội đồng ấy nằm trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết liên bang Nga, cho nên đồng chí sẽ lãnh đạo các hội đồng kinh tế quốc dân ấy.

Tại Ủy ban Kế hoạch nhà nước của Liên bang Nga trong suốt một năm tối chủ yếu phụ trách các vấn đề tổ chức của các hội đồng kinh tế quốc dân. Trong thời gian tiến hành cuộc cải tổ ấy đã phát hiện thấy những thiếu sót nghiêm trọng: công tác quản lý công nghiệp đã bị phân nhỏ ra, những mối liên hệ kinh tế giữa các khu vực ở trong nước đã bị phá vỡ, tư tưởng cục bộ địa phương tại các nước cộng hòa đã tăng lên.

Ủy ban Kế hoạch nhà nước đã nhiều lần cảnh báo Chính phủ về khả năng phát sinh những khuynh hướng kể trên. Ví dụ, tháng 6-1957 A.Ph.Daxiátcơ, Vụ trưởng Vụ Nhiên liệu của Ủy ban Kế hoạch nhà nước, đã trình lên Chính phủ bản báo cáo về chuyến đi của mình đến vùng Đôn-bát. Trong báo cáo ấy có phần báo cáo riêng "về cuộc đấu tranh chống tư tưởng cục bộ địa phương”, về tình trạng các hội đồng kinh tế quốc dân không hoàn thành các nhiệm vụ cung cấp thiết bị. Tất cả tình hình đó được xác nhận bằng các sự thật về tình trạng vi phạm kỷ luật kế hoạch, dưới chiêu bài "lợi ích địa phương".

Một số hội đồng kinh tế quốc dân đã tự tiện giảm sản lượng sản phẩm của mình, ví dụ, hội đồng kinh tế quốc dân Nôvôxibiếc đã cắt giảm hẳn việc sản xuất các thiết bị đúc khan hiếm.

Trong bản báo cáo gửi lên Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Liên bang Nga nói về những hiện tượng cục bộ địa phương chủ nghĩa và những thiếu sót khác trong hoạt động của các hội đồng kinh tế quốc dân, các cán bộ chuyên môn của Ủy ban Kế hoạch nhà nước nói rằng những tổ chức mới thật quá nhỏ bé, nhiều khi trùng lặp nhau, có khuynh hướng tự cô lập trong các doanh nghiệp, nhiều khi các hội đồng kinh tế quốc dân địa phương cắt giảm sản lượng mà họ cung cấp cho những vùng kinh tế khác (nếu dùng ngôn ngữ hiện nay thì đó là một sự "chủ quyền hóa" kinh tế quái dị.)

Trong cương vị chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước của Nga tôi đã có dịp tham gia xây dựng cấu trúc quản lý nền kinh tế của nước Nga và Ủy ban Kế hoạch nhà nước của nước cộng hòa này.

Chúng tôi đã vạch ra một cấu trúc mới của Ủy ban Kế hoạch nhà nước trong đó có sự kết hợp chẳng những bộ phận tổng hợp, mà cả những bộ phận mang tính chất ngành. Chúng tôi đã trình những kiến nghị của mình lên tiểu ban của Ban Tổ chức Trung ương Đảng, đứng đầu là A.I.Micoian. Khi dự án này đến tay Khơrútsốp thì ông ta đã không đưa ra ý kiến phản đối nào cả.

Tháng 2-1958 tại Cung Lớn của Điện Cremli đã diễn ra hội nghị những người lãnh đạo các hội đồng kinh tế quốc dân, và các Ủy ban Kế hoạch nhà nước của tất cả các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô-viết. Người đọc báo cáo là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước Liên Xô I.Cudơmin. Sau khi nêu lên hoạt động nhìn chung là tích cực của các hội đồng kinh tế quốc dân, Cudơmin đã phát biểu một loạt ý kiến nhận xét phê phán, trong đó nhắm cả vào tôi vì tôi thiên về nguyên tắc kế hoạch hóa theo ngành tuồng như là nguyên tắc không phù hợp với những cải cách đang được tiến hành.

Sau đó là những tham luận của các đại biểu địa phương hầu hết các vị ấy đều tán thành việc thành lập các hội đồng kinh tế quốc dân và nêu lên hoạt động tích cực của chúng, một số đại biểu đã phê phán hoạt động của các cơ quan làm kế hoạch, đặc biệt là Ủy ban Kế hoạch nhà nước của Nga và cấu trúc của nó. Những người đọc tham luận cũng còn than phiền rằng khi bảo vệ các kế hoạch của mình họ đã phải chạy vạy nhiều vụ có tính chất ngành thuộc Ủy ban Kế hoạch nhà nước, thay vì giải quyết mọi vấn đề trong một vụ kinh tế tổng hợp.

Ngồi ở hàng đầu trong phòng họp, tôi nhận ra ánh mắt nhìn chăm chú của Khơrútsốp, ông ta sốt ruột xê dịch những giấy tờ gì đó ở trên bàn Đoàn Chủ tịch, rồi không kìm được nữa ông ta nói xuống hội trường:

- Đồng chí Baibacốp, đồng chí có định phát biểu không?

- Có, tôi đã sẵn sàng.

- Tốt, tôi mời đồng chí phát biểu.

Tôi mới chỉ bắt đầu bài phát biểu của mình thì bỗng nhiên Khơrútsốp, mặt đỏ gay, điên cuồng đả kích tôi về những hành động không đúng đắn - theo cách nói của ông ta - của Ủy ban Kế hoạch nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết liên bang Nga kìm hãm hoạt động của các hội đồng kinh tế quốc dân, và trước hết ông ta nêu lên cấu trúc thiếu suy tính của Ủy ban Kế hoạch nhà nước. Điều hiển nhiên đã làm cho Khơrútsốp, một người không quen bị người khác phản đối, phải ngạc nhiên là tôi đã kiên quyết bảo lưu ý kiến của tôi:

- Cấu trúc của Ủy ban Kế hoạch nhà nước là một cấu trúc đúng đắn, và cấu trúc ấy đã được tán đồng. Nhưng ông ta đã gay gắt ngắt lời tôi: Ai đã xây dựng nên cấu trúc ấy?

- Tôi đề xuất, còn Hội đồng Bộ trưởng của nước Nga đã phê duyệt. Chúng tôi cũng đã chuyển các hồ sơ lên Tiểu ban thuộc Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Và tiểu ban này cũng đã phê chuẩn.

Đến lúc này Khơrútsốp quay về phía Micôian, vẫn không giảm giọng gay gắt, ông ấy hỏi:

- Đồng chí Anastaxơ, tại sao đồng chí phê duyệt cái cấu trúc vô dụng ấy ? Đồng chí biết rõ rằng chúng tôi đang đấu tranh chống nguyên tắc quản lý theo ngành kia mà.

- Tôi cho rằng cấu trúc ấy là đúng đắn, - ông Anastaxơ Ivanôvích, thông thường là một người có thái độ ngoại giao nhân nhượng, đã kiên quyết trả lời như vậy.

Trong hội trường bầu không khí trở nên sôi nổi. Nét mặt của nhiều người cho thấy hội trường quan tâm, chờ đợi xem cuộc đấu khẩu này sẽ kết thúc ra sao đây. Đến đây Khơrútsốp lại quay về phía tôi và hỏi:

Ai đã phê duyệt cuối cùng?

- Thưa Nikita XécGhêvích, chính đồng chí, trong cương vị là trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, đã phê duyệt, tôi trả lời sau khi được khích lệ bởi sự hậu thuẫn của Micôian.

- Vậy hóa ra là tôi có lỗi ư? - Khơrútsốp vung tay lên nói trong tiếng cười vui vẻ của hội trường

- Không phải thế, thưa đồng chí Nikita Xécghêvích, không phải đồng chí, không phải tôi, cũng không phải đồng chí Anastaxơ Ivanôvich có lỗi đâu. Cấu trúc ấy là đúng đắn. Kế hoạch hóa theo ngành là một chuyện, còn quản lý theo ngành lại là chuyện khác. Tôi không đề xuất nguyên tắc quản lý ấy, mặc dù, như các đồng chí đã biết, tôi phản đối việc giải thể các bộ,

Vậy là tôi đã phải đứng trên diễn đàn này không ít hơn 40 phút để giải thích với vị đứng đầu nước, và tôi bước xuống khỏi diễn đàn ấy trong tiếng vỗ tay đồng loạt,chẳng hiểu được vì cớ gì mà bài phát biểu của tôi lại được người ta hoan nghênh đến thế. Nhưng đến khi Khơrútsốp đọc diễn văn kết thúc, và đả kích tôi, phê phán cái cấu trúc quản lý ấy và thậm chí còn phê phán cả Micôian nữa, thì bài phát biểu của ông ta cũng được đón nhận bằng những tràng vỗ tay vang dậy. Tôi hiểu rằng mình đã bị thất sủng.

Vậy là hội nghị trong Điện Cremli đã quyết định trước số phận tiếp sau này của tôi. Khoảng một tháng sau V.N.Nôvicốp được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm thứ nhất cho tôi, tất nhiên khi làm việc này người ta đã không hỏi xem tôi có đồng ý hay không. Tuy nhiên, tôi được biết về Nôvicốp khi ông ấy còn là Chủ nhiệm Hội đồng kinh tế quốc dân Lêningrát và tôi đã đánh giá cao về ông ấy.

Có lần ngồi uống tách trà, tôi đã hỏi ông ấy: Anh Vôlôđia, tôi biết người ta đã "đặt" anh vào chỗ tôi.

Đúng thế, anh Nicôlai ạ, - ông Nôvicốp có bụng ngay thẳng đã không lảng tránh câu hỏi thẳng thắn ấy, cấp trên có bảo cho tôi biết như vậy.

……….