Stalin nói gì về "Di chúc" của Lenin và sự xuyên tạc của Trotsky ?

Stalin nói gì về "Di chúc" của Lenin và sự xuyên tạc của Trotsky ?

(Đọc tại Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương và Ban kiểm tra trung ương Đảng, 
ngày 23 tháng Mười 1927)


Các đồng chí ! Thời gian của tôi không nhiều, cho nên tôi sẽ chỉ nói riêng về một vài vấn đề. Trước hết xin nói về một vấn đề cá nhân. Các đồng chí ở đây đều nghe thấy những phần tử đối lập đã không tiếc hơi sức căng gân lên chửi rủa Stalin như thế nào. Các đồng chí, điều đó không làm tôi ngạc nhiên đâu. Những mũi công kích chủ yếu của họ sở dĩ nhằm vào Stalin là vì Stalin, so với một số đồng chí khác, có thể biết rõ ràng hơn về mọi mánh khóe bịp bợm của phải đối lập, muốn lừa Stalin e rằng không dễ dàng lắm đâu, do đó họ mới đả kích trước hết vào Stalin. Thì có hề gì, cứ mặc họ chửi cho thỏa chí.

Stalin có đáng gì, Stalin chỉ là một nhân vật nhỏ bé. Hãy nói về Lenin. Ai cũng biết phái đối lập do Trotsky cầm đầu, trong thời kỳ còn khối liên minh tháng Tám, đã từng công kích Lenin một cách còn vô lại hơn. Ví dụ, hãy nghe những lời của Trotsky :

« Lenin, một tay giỏi cãi vã, một tay chuyên môn lợi dụng mọi sự lạc hậu trong phong trào công nhân Nga, vẫn thường xuyên khơi ra những cuộc cãi cọ vô vị, và người ta có cảm tưởng rằng sự cãi cọ đó là một sự khuấy động vô ý nghĩa » (Thư của Trotsky gửi Chkheidze, tháng Tư 1913).

Các đồng chí, xin chú ý những câu chữ, đó là những câu chữ gì vậy ! Đó là Trotsky viết đấy, và là viết về Lenin. Trotsky không bén đến gót giầy của Lenin, thế mà đối với Lenin vĩ đại lại dám láo xược như thế, hiện nay còn nỏ mồm chửi rủa đồng chí Stalin, một trong bao nhiêu học trò của Lenin, - như vậy có gì là lạ !

Không những thế, đối với việc phái đối lập đem tất cả mối hận thù của họ trút cả lên lưng Stalin, thì tôi lại cho đó là một điều vẻ vang đối với tôi. Điều đó tất nhiên phải như vậy. Tôi cho rằng nếu phái đối lập vẫn tìm cách phá hoại đảng mà lại đi khen Stalin, một người bảo vệ những nguyên tắc tính đảng của Lenin, thì như thế mới là điều kỳ lạ và là một điều nhục mạ.

Bây giờ xin nói tới « di chúc » của Lenin. Các đồng chí đều nghe thấy ở đây những người trong phái đối lập la lối om xòm rằng Ban Chấp hành trung ương đảng « giấu » « di chúc » của Lenin. Về vấn đề này, chúng ta đã thảo luận mấy lần trong hội nghị toàn thể liên tịch giữa Ban Chấp hành trung ương và Ban Kiểm tra trung ương. Điều đó các đồng chí đã biết. (Có tiếng nói: « thảo luận hàng chục lần rồi ».) Sự thực đã chứng minh và đã chứng minh nhiều lần rằng chẳng ai giấu giếm gì cả, « di chúc » của Lenin là gửi cho đại hội XIII của đảng, « di chúc » đó đã được đọc tại đại hội (có tiếng nói: « Đúng ! »), đại hội đã nhất trí quyết định không công bố di chúc đó, một trong những nguyên nhân không công bố di chúc đó là vì chính Lenin cũng không muốn và không yêu cầu công bố nó. Tất cả những điều đó phái đối lập cũng biết rõ không kém tất cả chúng ta đâu, tuy nhiên phải đối lập vẫn cả gan nói là Trung ương « giấu » « di chúc » [Sau này Khrushchev tại Đại hội XX cũng lập lại những lời của Trotsky cho rằng Stalin giấu « di chúc » ]

Nếu tôi không lầm, thì từ năm 1924 chúng ta đã đề cập đến vấn đề bài « di chúc » của Lenin. Có một người tên là Eastman, trước kia là đảng viên Đảng cộng sản Mỹ, rồi sau bị đuổi ra khỏi đảng. Ông này đã từng trà trộn trong phái Trotsky ở Moskva, đã nhặt nhạnh một số tin đồn bịa đặt có liên quan tới « di chúc » của Lenin, sau đó ra nước ngoài và xuất bản một cuốn sách gọi là « Sau khi Lenin chết » . Trong cuốn sách đó, ông này đã không tiếc giấy mực đề bôi nhọ đảng ta, Ban Chấp hành trung ương và Chính quyền xô-viết. Toàn bộ nội dung của cuốn sách đó đều dựa trên một căn cứ cho rằng trung ương đảng ta đã « giấu » « di chúc » của Lenin. Vì cái ông Eastman này có một thời kỳ đã đi lại với Trotsky, hiện nay bám vào Trotsky và viện dẫn lời của phái đối lập, làm cho Trotsky phải chịu trách nhiệm về việc vu khống đảng ta trong vấn đề « di chúc », cho nên chúng tôi, các ủy viên Bộ Chính trị đã đề nghị Trotsky phân rõ ranh giới với Eastman. Vì vấn đề đã hoàn toàn rõ ràng, nên Trotsky thực sự đã phân rõ ranh giới với Eastman, và đã cho đăng trên báo một bản tuyên bố về vấn đề đó. Bản tuyên bố ấy đăng trên tạp chí Người bôn-sê-vích, số 16, tháng Chín 1925.

Cho phép tôi đọc một đoạn trong bài báo đó của Trotsky nói về việc đảng và Trung ương đảng có giấu bài « di chúc » của Lenin không. Bây giờ xin trích dẫn bài báo đó của Trotsky:

« Trong cuốn sách của Eastman có mấy chỗ nói rằng trung ương đảng đã « giấu » nhiều văn kiện tuyệt đối quan trọng của Lenin viết trong thời gian cuối đời mình (đây là nói về những bức thư về vấn đề dân tộc và cái gọi là « di chúc » v.v.). Đó không phải là cái gì khác, mà là sự vu khống đối với Trung ương đảng ta. Theo lời Eastman, có thể rút ra kết luận thế này: Vladimir Ilyich đã viết những bức thư có tính chất kiến nghị về tổ chức nội bộ ấy cốt để đăng trên báo chí. Thực tế thì điều đó hoàn toàn không đúng. Vladimir Ilyich từ khi ốm đã nhiều lần gửi kiến nghị viết thư v.v. cho các cơ quan lãnh đạo và cho đại hội đảng. Tất cả những bức thư và kiến nghị đó dĩ nhiên bao giờ cũng được gửi đến theo địa chỉ đã ghi và được phổ biến cho các đại biểu dự các đại hội XII và XII của Đảng, và dĩ nhiên bao giờ cũng có ảnh hưởng trên một mức độ thích đáng đến các nghị quyết của đảng ; sở dĩ không đăng được tất cả những bức thư đó là vì tác giả những bức thư đó không có ý định cho đăng lên báo. Vladimir Ilyich không để lại một « di chúc » nào cả, và bản thân tính chất của thái độ của Người đối với đảng cũng như tính chất của bản thân đảng đều loại trừ khả năng để lại một « di chúc » như thể. Cái « di chúc » thường được nhắc tới (một cách xuyên tạc đến mức độ không thể nhận ra được nữa) trên các báo chí của giai cấp tư sản Nga lưu vong ở nước ngoài, của giai cấp tư sản nước ngoài và của bọn men-sê-vích, tức là một trong số các bức thư của Vladimir Ilyich với những kiến nghị về mặt tổ chức, Đại hội XIII của Đảng đã hết sức chú ý đến bức thư đó cũng như đến tất cả các bức thư khác của Lenin, và dựa vào bức thư đó đã rút ra những kết luận thích hợp với điều kiện và tình hình hồi đó. Tất cả mọi luận điệu về việc giấu và làm trái « di chúc » , đều là những sự bịa đặt có ác ý, hoàn toàn trái ngược với ý muốn thực sự của Vladimir Ilyich và lợi ích của đảng mà Người đã sáng lập » (Trotsky: Về cuốn « Sau khi Lenin chết » của Eastman, đăng trên tạp chí Người bôn-sê-vích, số 16, tr. 68, ngày 1 tháng Chín 1925).

Có lẽ rõ ràng rồi chứ ? Người viết bài báo này lại chính là Trotsky, chứ không phải ai khác. Giờ đây, Trotsky, Zinoviev và Kamenev căn cứ vào cái gì mà khẳng định lếu láo rằng đảng và Trung ương đảng đã « giấu » « di chúc » của Lenin ? Nói lếu láo thì « có thể được », nhưng cũng phải có mức độ chứ.

Có người nói, vì Stalin « thô bạo », nên trong « di chúc » đó, đồng chí Lenin kiến nghị với đại hội suy nghĩ đến vấn đề để đồng chí khác thay thế Stalin ở cương vị tổng bí thư. Điều đó hoàn toàn đúng. Phải, thưa các đồng chí, tôi có thô bạo đối với những người phá hoại và chia rẽ đảng một cách thô bạo và tráo trở. Điều đó trước kia và hiện nay tôi đều không che giấu. Cũng có thể là, về điểm này đối với những phần tử chia rẽ thì nên có một thái độ ôn hòa nào đó. Nhưng điều đó tôi không làm nổi. Ngay trong phiên họp đầu tiên của hội nghị toàn thể Ban Chấp hành trung ương sau đại hội XIII, tôi đã yêu cầu hội nghị rút cho tôi chức vụ tổng bí thư. Chính đại hội cũng đã thảo luận vấn đề này. Mỗi đoàn đại biểu đều đã thảo luận vấn đề này, tất cả các đoàn đại biểu, kể cả Trotsky, Kamenev, Zinoviev, đều nhất trí chỉ thị Stalin ở lại cương vị của mình.

Tôi biết làm thế nào ? Trốn khỏi cương vị chăng ? Điều đó không hợp với tính cách của tôi, xưa nay tôi chưa hề trốn tránh một cương vị nào, mà cũng không có quyền trốn, vì làm như vậy là một hành động đào ngũ [trốn tránh trách nhiệm Đảng giao phó]. Tôi - như trước đây tôi đã nói – là một người ở địa vị phải phục tùng, cho nên khi đảng chỉ thị, tôi phải phục tùng.

Một năm sau, tôi lại viết đơn lên hội nghị toàn thể xin từ chức, nhưng toàn thể hội nghị lại chỉ thị cho tôi phải ở lại cương vị.

Tôi còn biết làm sao được ?

Còn như vấn đề công bố « di chúc » , thì đại hội quyết nghị không công bố, vì « di chúc » đó là gửi cho đại hội, và cũng không phải là đề đăng lên báo.

Năm 1926, hội nghị toàn thể liên tịch Ban Chấp hành trung ương và Ban Kiểm tra trung ương đã ra quyết định xin phép đại hội XV cho đăng những văn kiện đó. Cũng chính hội nghị toàn thể ấy của Ban Chấp hành trung ương và Ban Kiểm tra trung ương đã ra quyết nghị đăng các bức thư khác của Lenin, trong đó Người đã vạch ra những sai lầm của Kamenev và Zinoviev trước ngày khởi nghĩa tháng Mười và yêu cầu khai trừ họ ra khỏi đảng.

Hiển nhiên, những lời bàn ra tán vào rằng đảng giấu các văn kiện đó, đều là những lời vu khống bỉ ổi. Trong số các văn kiện đó còn có những bức thư của Lenin nói về sự cần thiết phải khai trừ Zinoviev và Kamenev ra khỏi đảng.

Đảng bôn-sê-vích, Ban Chấp hành trung ương đảng bôn-sê-vích chưa hề bao giờ sợ sự thật cả. Sức mạnh của đảng bôn-sê-vích chính là ở chỗ đảng không sợ sự thật, nhìn thẳng vào sự thật.

Phái đối lập ra sức nắm lấy « di chúc » của Lenin làm con chủ bài. Nhưng chỉ cần đọc kỹ « di chúc » đó cũng hiểu được là không có gì để họ nắm lấy làm con chủ bài cả. Trái lại, « di chúc » của Lenin lại đả kích vào các lãnh tụ hiện nay của phái đối lập.

Thật thế, những điều sau đây là một sự thật : trong « di chúc » của mình, Lenin trách cứ Trotsky là « phi bôn-sê-vích chủ nghĩa », còn về những sai lầm của Kamenev và Zinoviev trong thời gian cách mạng tháng Mười thì Người nói rằng những sai lầm đó không phải là « ngẫu nhiên ». Điều đó có nghĩa là gì ? Có nghĩa là về chính trị không thể tin được Trotsky vì con người đó mắc cái tật « phi bôn-sê-vích chủ nghĩa », và cũng không thể tin được Kamenev và Zinoviev vì những sai lầm của họ không phải là « ngẫu nhiên », họ có thể và nhất định sẽ tái phạm những sai lầm ấy.

Đáng chú ý là trong « di chúc » không hề có một chữ nào nói hoặc có ý ám chỉ rằng Stalin có sai lầm. Trong đó chỉ có nói là Stalin thô bạo. Nhưng thô bạo không phải và không thể là khuyết điểm của Stalin về đường lối hoặc về lập trường chính trị.

Dưới đây là một đoạn nói về điểm đó, trích trong « di chúc » :

« Tôi sẽ không tiếp tục nhận định về phẩm chất cá nhân của các ủy viên khác trong Ban Chấp hành trung ương. Tôi chỉ xin nhắc rằng sự việc tháng Mười của Zinoviev và Kamenev đương nhiên không phải là ngẫu nhiên, nhưng khó có thể nói được rằng đó là lỗi của cá nhân họ cũng như khó có thể nói được rằng cái phi bôn-sê-vích chủ nghĩa là lỗi của Trotsky ».

Có lẽ như thế rõ ràng rồi.