Mấy vấn đề về sự lãnh đạo của Đảng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Mấy vấn đề về sự lãnh đạo của Đảng trong
Chiến dịch Điện Biên Phủ
1. Có người nói rằng sự lãnh đạo của Đảng trong chiến dịch Điện Biên Phủ là sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, của Ban chấp hành Trung ương Đảng đối với toàn thể công tác của chiến dịch Điện Biên Phủ. Điều đó đúng hay sai ?
Trên thực tế câu trả lời như vậy không phản ánh đầy đủ về sự lãnh đạo của Đảng. Nói đến sự lãnh đạo của Đảng thì không phải và không nên bó hẹp trong phạm vi công tác của Bộ Chính trị, của Ban chấp hành Trung ương, mà còn phải nói đến các ban giúp việc cho Bộ Chính trị, cho Ban chấp hành Trung ương (Quân ủy, Ban tổ chức, ...); phải nói đến các đảng ủy tỉnh huyện; nói đến đảng ủy chiến dịch; nói đến các chi bộ trong từng đại đội; nói đến từng cán bộ chiến sĩ là đảng viên, ....
Nếu không nhìn thấy những vấn đề cặn kẽ và chi tiết như thế, thì những lời nói về "Sự lãnh đạo của Đảng trong chiến dịch Điện Biên Phủ" chỉ là những lời nói suông thiếu thực tế, không nắm về sự lãnh đạo của Đảng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
2. Có người nói rằng sự lãnh đạo của Đảng trong chiến dịch Điện Biên Phủ chủ yếu là đến từ những chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương. Điều đó đúng hay sai ?
Thứ nhất, Đảng ta là một tập thể có tính chất thống nhất và phân cấp có hệ thống, trong đó các cấp ủy đảng có mối liên kết chặt chẽ và tác động qua lại lẫn nhau, đều có vai trò, vị trí cố định trong sự tồn tại của tập thể Đảng Cộng sản. Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương chỉ thị mà các cấp ủy đảng bên dưới không thực thi thì cũng không có tác dụng gì (Bài học từ Đại hội II Đảng công nhân Xã hội dân chủ Nga); các cấp ủy đảng tồn tại độc lập mà không có Ban chấp hành Trung ương, thì cũng chẳng có tác dụng gì (Bài học từ Đại hội I Đảng công nhân Xã hội dân chủ Nga). Điều này có nghĩa là mọi sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương đều gắn chặt với các công tác thực tiễn của cấp ủy cấp dưới; và cấp ủy cấp dưới cụ thể hóa và thực thi sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương. Không thể tách rời hai mối quan hệ đó khỏi sự lãnh đạo của Đảng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thứ hai, Quân ủy Trung ương, cơ quan tham mưu của Đảng, của Ban chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, phụ trách những công việc liên quan đến những vấn đề quân sự của Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, chiến tranh,... Nhưng đồng thời cũng là cơ quan Đảng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo mọi công tác quân sự đối với cuộc kháng chiến chống Pháp nói chung; đối với chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng. Do đó, sự lãnh đạo của Đảng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng tức là mọi công tác tham mưu của Quân ủy Trung ương cho Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương về các vấn đề quân sự; đồng thời cũng là sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương đối với tất cả các cấp ủy trên mặt trận Điện Biên Phủ.
Thứ ba, Quân ủy Trung ương không chỉ đảm nhiệm công tác lãnh đạo của mỗi chiến dịch Điện Biên Phủ, mà rộng hơn, là toàn bộ chiến trường trong toàn quốc. Do đó, Đảng ủy Chiến dịch Điện Biên Phủ là cấp ủy trực tiếp chỉ đạo toàn diện đối với chiến dịch Điện Biên Phủ. Cấp ủy này, sẽ thực thi hóa mọi công tác chỉ đạo của Quân ủy Trung ương (đã xin ý kiến và được cho phép từ Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương) để thực thi hóa mọi công tác quân sự của Đảng đối với chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nếu không hiểu những vấn đề căn bản trên đây, thì có nghĩa là không hiểu gì về sự lãnh đạo của Đảng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
3. Có người nói rằng Đảng ta chỉ có duy nhất một loại phương châm tác chiến. Điều đó đúng hay sai ?
Thứ nhất, khi bàn đến vấn đề Chiến tranh và tác chiến quân sự, thì phải hiểu một cách căn bản rằng nó có ba vấn đề then chốt: Chiến lược, chiến thuật và chiến dịch. Đối với mỗi vấn đề then chốt trên, đều có các phương châm quân sự khác nhau. Nhưng, phương châm chiến lược mang ý nghĩa then chốt. Trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp: Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 là vấn đề mang tầm vóc chiến lược; thì vấn đề Điện Biên Phủ là vấn đề mang tầm vóc chiến dịch. Nhưng chiến dịch Điện Biên Phủ lại đóng vai trò then chốt cho sự thắng lợi của Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Như vậy, chiến dịch là trận chiến được tiến hành theo một kế hoạch thống nhất nhằm thực hiện các mục tiêu mà chiến lược đã đề ra.
Thứ hai, vấn đề chiến thuật mang một tầm vóc rất quan trọng. Tức là phương pháp để thực hiện những mục tiêu chiến lược, đồng thời là lý luận cơ sở để thực hiện chiến dịch. Nhưng, chiến thuật không phải là sự cô đọng và bê nguyên xi những phương châm căn bản của chiến lược, mà để thực hiện mục tiêu của chiến lược, phương châm của chiến thuật phải đa dạng, phong phú, linh hoạt nhưng không xa rời phương châm định hướng của chiến lược. Chẳng hạn, phương châm của Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 là "đánh chắc tiến chắc". Để thực hiện tốt phương châm đó cần vận dụng linh hoạt các phương pháp khác nhau, vận dụng các phương châm chiến thuật khác nhau, là cơ sở nền tảng cho việc vận dụng và áp dụng linh hoạt vào công tác chiến dịch. Phương châm chiến thuật trong hoạt động mùa Đông năm 1953 (một bộ phận của Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954) là: a) đánh nhỏ ăn chắc, đánh nhanh rút nhanh (công kiên chủ yếu giải quyết trong một đêm). b) Đánh điểm diệt viện. c) Phối hợp ngoại tuyến và địch hậu. Ngoài ra chúng ta còn có phương châm chiến thuật du kích chiến ở Liên khu V và vùng địch hậu và phương châm cơ động linh hoạt (xem Báo cáo chủ trương tác chiến Thu Đông 1953 theo báo cáo của Quân ủy tại Hội nghị Bộ Chính trị cuối tháng 8/1953 và Báo cáo tại Hội nghị cán bộ chiến dịch Đông Xuân 23/11/1953).
Thứ ba, vì phương châm chiến thuật mang tính chất phong phú, đa dạng, linh hoạt, cho nên khi tổ chức chiến dịch cũng phải phong phú, đa dạng, linh hoạt. Vấn đề chiến dịch là vấn đề phụ thuộc hoàn toàn vào những điều kiện phù hợp của chiến trường, tương quan lực lượng, nghệ thuật tác chiến, .... cốt lõi sao cho đạt được mục tiêu mà kế hoạch chiến lược đã vạch ra. Chẳng hạn, trong trường hợp tại địa phương X, địch mạnh ta yếu, thì không dại gì mà chúng ta tập trung lực lượng quyết chiến với địch, mà có thể linh hoạt du kích chiến, vận động chiến, lựa chỗ yếu của địch mà đánh; trong trường hợp tại địa phương Y, ta mạnh địch yếu, có thể nhanh chóng tiêu diệt địch, thì không dại gì mà chúng ta không tổ chức việc đánh nhanh và tiêu diệt hoàn toàn điểm phòng thủ của địch, ví dụ như việc đập các cứ điểm phòng thủ lẻ tẻ xung quanh Điện Biên Phủ hồi cuối 1953.
Như vậy, vấn đề phương châm tác chiến trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, không đơn giản như nhiều người nghĩ, và không phải máy móc, chủ quan, duy ý chí như nhiều người nghĩ. Mà hoàn toàn là đa dạng, phong phú, linh hoạt nhưng không xa rời phương châm định hướng của chiến lược. Chiến dịch Điện Biên Phủ, là một trong điển hình của việc vận dụng nhuần nhuyễn các phương châm của chiến lược, chiến thuật và chiến dịch, là tiêu biểu của nghệ thuật quân sự của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng thời cũng là minh chứng cho sự trưởng thành về tư tưởng và nghệ thuật quân sự của Đảng ta, của Quân ủy Trung ương.
Nếu không hiểu những điều trên, thì có nghĩa là không hiểu gì về sự lãnh đạo của Đảng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
4. Thế thì Đảng lãnh đạo công tác tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ như thế nào ?
Thứ nhất, Quân ủy trình bày kế hoạch, tham mưu cho Ban chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị trị về kế hoạch chiến lược Thu Đông. Được sự đồng ý cho phép của Bộ Chính trị, Quân ủy tiến hành triển khai, tổ chức, tiến hành một loạt các chiến dịch, mặt trận trên phạm vi cả nước nhằm thực hiện mục tiêu của chiến lược chiến cuộc Thu Đông 1953-1954, là đánh quỵ hoàn toàn quân đội Pháp trên chiến trường, giáng một đòn nặng nề vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp.
Thứ hai, trong khi tiến hành các chiến dịch trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đã xuất hiện tình thế rằng, Điện Biên Phủ trở thành điểm quyết chiến then chốt. Tháng 12/1953, Quân ủy trình bày kế hoạch, tham mưu cho Ban chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị trị về kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Được sự đồng ý cho phép của Bộ Chính trị, Quân ủy tiến hành triển khai, tổ chức, tiến hành mọi công tác cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thứ ba, Quân ủy không chỉ đảm nhiệm công tác lãnh đạo, tổ chức tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ mà còn nhiều chiến dịch, chiến trường khác. Do đó, Đảng ủy chiến dịch sẽ là cơ quan lãnh đạo trực tiếp và toàn diện đối với chiến dịch Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, vì chiến dịch Điện Biên Phủ đóng một vai trò mang tính chất quyết định cho nên, nhu cầu tập trung sự lãnh đạo của toàn Đảng vào chiến dịch này buộc Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương quyết định đưa Quân ủy vào lãnh đạo trực tiếp chiến dịch thông qua việc bố trí, tổ chức các thành viên Quân ủy là nòng cốt của đảng ủy chiến dịch. Đó là lý do vì sao mà Tướng Giáp cùng một thành viên của Quân ủy, đồng thời là thành viên của đảng ủy chiến dịch. Tướng Giáp là Tổng tư lệnh quân đội, bí thư Quân ủy, đồng thời kiêm bí thư đảng ủy chiến dịch, chỉ huy trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ. Việc phân công tổ chức và giao nhiệm vụ đó, là quyết định của Đảng, của Bộ Chính trị, của Ban chấp hành trung ương, của Bác giao phó cho Quân ủy và cho đảng ủy chiến dịch một nhiệm vụ có tầm vóc lớn lao của lịch sử cách mạng Việt Nam. Đó là sự lãnh đạo của Đảng trong vấn đề quân sự đối với chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thứ tư, quyết định về việc thực hiện các công tác của chiến dịch Điện Biên Phủ (kế hoạch tác chiến, giờ nổ súng, đánh thế nào, ....) do Hội nghị cán bộ Chiến dịch Điện Biên Phủ quyết định. Hội nghị này do đảng ủy chiến dịch tổ chức trước thềm triển khai chiến dịch. Đối với trường hợp chiến dịch Điện Biên Phủ, thì đây là hội nghị hỗn hợp gồm Quân ủy và đảng ủy chiến dịch phối hợp tổ chức. Đó là lý do vì sao trước ngày nổ ra chiến dịch, thì đều tổ chức Hội nghị cán bộ chiến dịch Điện Biên Phủ. Cụ thể là ngày 14/1/1954 khi quyết định "đánh nhanh thắng nhanh" và ngày 22/2/1954 trước khi quyết định "đánh chắc tiến chắc". Điều này cũng cho thấy rằng, việc quyết định phương châm tác chiến chiến dịch không phải là quyết định mang tính chất cá nhân, mà là quyết định mang tính chất tập thể, quyết định có tính chất Đảng, thể hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với chiến dịch, mà cụ thể ở đây là hội nghị cán bộ đảng đặc biệt cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nếu không hiểu những điều trên, thì có nghĩa là không hiểu gì về sự lãnh đạo của Đảng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
5. Tư duy về phương châm tác chiến của Đảng trong chiến dịch Điện Biên Phủ như thế nào ?
Thứ nhất, trong báo cáo tại Hội nghị Bộ Chính trị ngày 6/12/1953, Quân ủy (do tướng Giáp đọc) đã trình bày về thời gian thực hiện chiến dịch Điện Biên Phủ tổng cộng là 45 ngày, bên cạnh đó là chú trọng vào việc chuẩn bị hậu cần, nhân lực và xây dựng đường sá. Không nghi ngờ gì nữa. Kế hoạch của Quân ủy khi đề xuất việc tiêu diệt địch tại Điện Biên Phủ trong vòng 45 ngày là theo tinh thần "đánh chắc, tiến chắc". Vì sao ?
a) Đây là tinh thần chung của phương châm tác chiến của Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954.
b) Tại Hội nghị, tình hình Điện Biên Phủ chưa rõ ràng, ta chỉ mới phỏng đoán địch tập trung trên dưới 10 tiểu đoàn. Tương quan lực lượng địch - ta chưa rõ ràng, cho nên kế hoạch tổ chức chiến dịch Điện Biên Phủ không thể nào khác hơn là phương châm "đánh chắc, tiến chắc" theo tinh thần chung của Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954.
c) Ta chưa nghiên cứu kỹ và hoàn chỉnh về trận địa Điện Biên Phủ, cũng như là địch chưa hoàn toàn di chuyển tập trung lên Điện Biên Phủ. Tại thời điểm báo cáo này, địch mới tập trung ước chừng không quá 6 tiểu đoàn, chưa thực sự trở thành tập đoàn cứ điểm kiên cố (tại thời điểm chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, địch tập trung đến 15 tiểu đoàn).
Thứ hai, trong báo cáo tại Hội nghị cán bộ chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 14/1/1954, Quân ủy (do tướng Giáp đọc) đã trình bày về tình hình địch ta, và cho rằng "Kế hoạch tác chiến của Tổng quân ủy là chính xác". Tức là tại Hội nghị cán bộ chiến dịch Điện Biên Phủ, Quân ủy và đảng ủy chiến dịch chính thức xác nhận phương châm tác chiến của chiến dịch Điện Biên Phủ là "đánh nhanh thắng nhanh" là chính xác (đây ko phải là quyết định cá nhân của tướng Giáp). Thế thì kế hoạch đó là đúng hay sai ?
Kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh" của Quân ủy đối với chiến dịch Điện Biên Phủ là hoàn toàn chính xác. Vì sao ?
a) Tại thời điểm ngày 14/1/1954, theo báo cáo của Quân ủy, địch tập trung 13 tiểu đoàn bố trí thành một tập đoàn cứ điểm. Tuy nhiên, tại thời điểm Tướng Giáp thay mặt Quân ủy báo cáo Bộ Chính trị ngày 30/1/1954 thì địch đã tăng viện lên 15 tiểu đoàn, và đã biến Hồng Cúm thành tập đoàn cứ điểm thứ hai, biến Điện Biên Phủ thành cụm tập đoàn cứ điểm. Như vậy, tính chất công kiên giữa hai ngày 14/1/1954 và ngày 30/1/1954 là hoàn toàn khác nhau; và thời điểm 14/1/1954 tình hình của địch có lợi cho phía ta nếu tổ chức đánh công kiên tiêu diệt đối với 1 tập đoàn cứ điểm của địch.
b) Tại thời điểm ngày 14/1/1954, theo báo cáo của Quân ủy, địch phân bố phân tán lực lượng của mình trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chẳng hạn như phía Tây của tập đoàn này khá lỏng lẻo, sơ hở. Chiến thuật của đợt tấn công này là: tập trung một số lượng lớn quân của ta tập trung vào điểm sơ hở nhất và quan trọng nhất của địch trong hệ thống phòng thủ (phương châm này áp dụng xuyên suốt Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 trên nhiều chiến dịch, đồng thời cũng là một bộ phận của phương châm chiến lược "đánh chắc, tiến chắc"). Điều này là đúng vì ta lợi dụng sơ hở của địch để tiêu diệt ngay từ đầu những chỗ mạnh của chúng.
Thứ ba, trong bức thư gửi Bác và Bộ Chính trị, ngày 30/1/1954, tướng Giáp thay mặt Quân ủy nhận định tình hình sau khi địch tăng cường thêm binh lực, tái bố trí các cụm hỏa lực và hình thành thêm một tập đoàn cứ điểm thành cụm tập đoàn cứ điểm thì kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh" đã không còn phù hợp và phải chuyển sang thành "đánh chắc, tiến chắc".
a) Địch tăn viện lên thành 15 tiểu đoàn, bổ sung pháo và bố trí lại các điểm hỏa lực ở hướng Tây và Bắc; kết quả là hướng Tây không còn sơ hở nữa. Hồng Cúm trở thành tập đoàn cứ điểm, có thể hỗ trợ cho khu Trung tâm và sân bay Mường Thanh.
b) Trận địa ta bố trí ban đầu phù hợp với lối "đánh nhanh thắng nhanh", tức là tập trung đột phá vào hướng Tây, tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác khi hướng Tây đã được củng cố (trong vòng 10 ngày) và khu Trung tâm có được sự hỗ trợ từ hướng Nam Hồng Cúm, thì việc có đột phá được hướng Tây vào tới Trung tâm cũng sẽ vấp phải thương vong lớn.
Do đó, chủ trương tác chiến mới đã được đề cập trong bức thư ngày 30/1/1954 và Hội nghị cán bộ chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 22/2/1954 là đánh tiêu diệt từng bước.
Thứ tư, trong bức thư gửi Bác và Bộ Chính trị, ngày 30/1/1954, Quân ủy bên cạnh đề nghị đánh vây diệt thì còn bổ sung nội dung: "Trường hợp địch tình biến hóa có lợi thì có thể dùng cách đánh nhanh để diệt địch" (Thư Quân ủy gửi Bộ Chính trị và Bác Hồ về việc thay đổi phương án tác chiến ở Điện Biên Phủ 30/1/1954). Ở đây, phương châm chiến dịch là vận động linh hoạt, uyển chuyển tùy theo địch tình chứ không bó hẹp theo một lối duy nhất.
Trên đây là quá trình chuyển biến tư duy quân sự của Đảng về phương châm chiến dịch trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nó cho thấy sự trưởng thành, kinh nghiệm và sáng suốt của Đảng trong việc tổ chức và lãnh đạo toàn quân thực hiện thắng lợi lịch sử vĩ đại của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nếu không hiểu những điều trên, thì có nghĩa là không hiểu gì về sự lãnh đạo của Đảng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
6. Tính biện chứng giữa "Quyết định lịch sử" với "sự lãnh đạo của Đảng trong chiến dịch Điện Biên Phủ" nằm ở đâu?
Thứ nhất, cần nói rằng việc đưa các thành viên của Quân ủy vảo đảng ủy Chiến dịch là một bước đi đầy sáng suốt của Đảng ta, cho phép Đảng ta lãnh đạo trực tiếp và toàn diện đối với chiến dịch lịch sử vĩ đại này, cho phép Đảng ta linh hoạt trong mọi tình huống và cho phép chúng ta đạt khả năng thắng lợi lớn nhất có thể. Trong đó, việc tổ chức, cán bộ, nhân sự đóng vai trò tối quan trọng đối với mọi công tác khác của Đảng trong chiến dịch này. Việc bố trí một cá nhân không phù hợp đều ảnh hưởng ít nhiều đến cục diện chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thứ hai, quyết định tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ theo lối "đánh nhanh thắng nhanh" là quyết định của một tập thể Quân ủy và Đảng ủy chiến dịch tại Hội nghị cán bộ chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 14/1/1954. Điều đó có nghĩa là :
a) Việc Tướng Giáp với vai trò là chỉ huy trưởng chiến dịch đưa ra "Quyết định lịch sử", có nghĩa là không chấp hành quyết định của cấp ủy Đảng lãnh đạo trực tiếp đối với vấn đề thực thi chiến dịch Điện Biên Phủ theo kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh". Nhưng quyết định đó là đúng (về mặt tác chiến).
b) Tướng Giáp, với tư cách là bí thư Quân ủy trung ương, đồng thời các thành viên Quân ủy cũng là thành viên đảng ủy mặt trận; đã cho phép Quân ủy tái kiểm điểm và đánh giá khả năng tác chiến trong chiến dịch và chấm dứt quyết định về tổ chức chiến dịch Điện Biên Phủ theo kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh"; chuyển sang phương châm "đánh chắc, tiến chắc". Điều này cho phép "Quyết định lịch sử" từ việc là mệnh lệnh không chấp hành quyết định "đánh nhanh thắng nhanh", nay lại trở thành quyết định mang tính chất đúng đắn.
Như vậy, việc bố trí cán bộ, phân công nhiệm vụ của Đảng ta trong việc hình thành một cơ cấu lãnh đạo đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã đóng góp một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đưa chiến dịch Điện Biên Phủ đến thắng lợi cuối cùng.
Thứ ba, "Quyết định lịch sử" là một kết quả của việc tuân thủ phương châm chiến lược "đánh chắc, tiến chắc". Tại phiên khai mạc Hội nghị trung ương bốn khóa II, Tổng bí thư Trường Chinh đã giải rõ nội hàm của phương châm này: "Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh" (Văn kiện Đảng, 2001, t.14, tr.59). Mối quan hệ biện chứng đó như thế nào ?
a) Việc "đánh nhanh thắng nhanh" sỡ dĩ nó là đúng vì chúng ta tập trung một lực lượng lớn đánh vào chỗ địch tương đối yếu và nắm chắc phần thắng. Thì đó là "Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng".
b) Việc địch tăng viện và tái bố trí lực lượng, nâng lên thành cụm tập đoàn cứ điểm thì yếu tố "đánh nhanh thắng nhanh" đã không còn nữa và thậm chí sẽ có nguy cơ thất bại. Do đó, quyết định không đánh sẽ là "Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh".
Như vậy, "Quyết định lịch sử" không đối lập hay mâu thuẫn trực tiếp với phương châm chiến lược của Đảng ta. Đồng thời, phương châm chiến lược "đánh chắc, tiến chắc" cũng không mâu thuẫn với phương châm chiến dịch "đánh nhanh thắng nhanh", đồng thời cũng không mâu thuẫn với "Trường hợp địch tình biến hóa có lợi thì có thể dùng cách đánh nhanh để diệt địch" (Thư Quân ủy gửi Bộ Chính trị và Bác Hồ về việc thay đổi phương án tác chiến ở Điện Biên Phủ 30/1/1954).
Nếu không hiểu những điều trên, thì có nghĩa là không hiểu gì về sự lãnh đạo của Đảng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
7. Cuối cùng
Mấu chốt vấn đề là một số người không hiểu:
a) Giữa vấn đề phương châm chiến dịch và phương châm chiến lược.
b) Giữa việc vận dụng chiến thuật trong hoàn cảnh cụ thể của chiến dịch.
Thành ra, khi họ thiếu chuyên môn, họ sẽ chuyển sang tự suy diễn theo "ý thích" của chính họ, nó hoàn toàn độc lập khỏi sự thật. Và kết quả tất yếu là đi đến chỗ họ xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, mặc dù ngoài mặt họ luôn tỏ ra tung hô điều đó.