SỰ KHÔI PHỤC MẦM MỐNG CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN Ở LIÊN XÔ - P3

SỰ KHÔI PHỤC MẦM MỐNG CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN Ở LIÊN XÔ
( Cải cách kinh tế dưới thời của Khrushchev - Brezhnev và hậu quả)
🔺🔺🔺

Phần 3: Kinh tế Chính trị kiểu Khrushchevist

  1. Chế độ sở hữu tư liệu sản xuất


Trong báo chí và các tài liệu ở Liên Xô kể từ thời kỳ Khrushchev trở đi vẫn tuyên truyền rằng ở Liên Xô vẫn là chế độ công hữu các tư liệu sản xuất. Nhưng trong thực tế, một nghịch lý đã bắt đầu xuất hiện vào giữa những năm 60, từ khi Quy chế về Doanh nghiệp sản xuất xã hội chủ nghĩa được Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô thông qua ngày 4/10/1965, đã trao cho doanh nghiệp quyền kiểm soát thực tế đối với các tài sản mà họ đang nắm giữ:


Doanh nghiệp sẽ thực hiện các quyền chiếm hữu đối với các tài sản do họ kiểm soát” (Hoạch định, lợi nhuận và khuyến khích ở Liên Xô, Tập 2, New York, 1966, tr.291).


Cách tiếp cận vấn đề duy nhất để quản lý nền kinh tế chính là cấp cho các doanh nghiệp những quyền bình đẳng trong việc mua tư liệu sản xuất” (Bunich: Phương pháp lập kế hoạch và kích thích, Cải cách kinh tế Liên Xô: Tiến bộ và các vấn đề, Moskva, 1972, tr36).


Số tiền thu được từ việc bán các giá trị vật chất đại diện cho một tài sản cố định nào đó sẽ thuộc quyền sở hữu của chính doanh nghiệp” (Hoạch định, lợi nhuận và khuyến khích ở Liên Xô, Tập 2, New York, 1966, tr.293)


Nhà nước không chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp và doanh nghiệp không có nghĩa vụ chịu sự ràng buộc từ nhà nước” (Hoạch định, lợi nhuận và khuyến khích ở Liên Xô, Tập 2, New York, 1966, tr.291)


Chúng ta thấy gì ở đây ? Doanh nghiệp biến thành các khối kinh tế độc lập, và sẽ được quyền toàn ý trong việc sử dụng tư liệu sản xuất và trao đổi mua bán với doanh nghiệp khác với tư cách là tài sản thuộc sở hữu của chính doanh nghiệp đó. Thật kỳ lạ, mặc dù các doanh nghiệp này là doanh nghiệp quốc doanh, nhưng sau cải cách kinh tế, chế độ sở hữu đã dần thay đổi chuyển từ sở hữu xã hội chủ nghĩa của quần chúng lao động sang sở hữu tư bản chủ nghĩa độc quyền Nhà nước của một số ít cá nhân.


Tại sao gọi là sở hữu tư bản chủ nghĩa độc quyền Nhà nước ? Vì người định đoạt tài sản công đó không phải là ban đại diện cho quần chúng công nhân ở trong doanh nghiệp, mà thực tế toàn quyền nằm trong tay Giám đốc doanh nghiệp.


Giám đốc doanh nghiệp có thể nhân danh mình mà không cần sự ủy quyền nào khác để định đoạt tài sản và các quỹ của doanh nghiệp” (Hoạch định, lợi nhuận và khuyến khích ở Liên Xô, Tập 2, New York, 1966, tr.310-311)


Các quyền của doanh nghiệp liên quan đến sản xuất và hoạt động kinh tế của doanh nghiệp sẽ do Giám đốc của doanh nghiệp thực hiện” (Hoạch định, lợi nhuận và khuyến khích ở Liên Xô, Tập 2, New York, 1966, tr.299)


Nói đúng hơn, các công bộc của nhân dân Liên Xô, ngay khi ngồi vào các ghế Giám đốc này, nghiễm nhiên trở thành những nhà tư bản đúng nghĩa, có quyền định đoạt toàn bộ tài sản của doanh nghiệp, thực hiện cơ chế kinh tế bóc lột giá trị thặng dư, không ngừng cắt giảm phúc lợi của người lao động để hoàn thành chỉ tiêu kinh tế, thậm chí là đút túi riêng. Quả không ngoa khi nói rằng, các giám đốc doanh nghiệp Liên Xô thời kỳ này chính là mầm móng của các nhà tài phiệt, mafia thời kỳ trước thềm và ngay sau khi Liên Xô sụp đổ.


Những nhà tư bản "mới" này chỉ chịu một sự ràng buộc, chi phối đó là họ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm vào cái ghế giám đốc đó. Nói cách khác, các nhà tư bản "mới" kia, các doanh nghiệp là công cụ phục vụ cho việc bóc lột giá trị thặng dư siêu lợi nhuận của Nhà nước Xô viết, vốn dĩ lúc này tồn tại không khác gì Chủ nghĩa tư bản độc quyền Nhà nước. Đây là hệ quả của việc Nhà nước rơi vào sự thống trị của một nhóm thiểu số ít người bắt đầu kể từ khi "cuộc đảo chính chính trị" 5/3/1953 khi xóa bỏ hoàn toàn cơ chế dân chủ tập trung được xây dựng từ Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Liên Xô do Stalin chỉ đạo.


Các nhà bình luận người Mỹ cùng thời phải chế giễu rằng: “Nhiều nhà quản lý Liên Xô sẽ phù hợp với bất cứ vai trò nào trong các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ và họ sẽ làm rất tốt” (Goldman: More Heat in Soviet Hotthouse, Tạp chí kinh tế Harvard, T.49, số 4, 7-8/1971, tr.15). Điều đó có nghĩa là gì ? Nghĩa là họ đã hoạt động như những nhà tư bản thực thụ trong nền kinh tế “xã hội chủ nghĩa” ở Liên Xô.


Thế còn gì là chế độ công hữu tư liệu sản xuất nữa khi mà trong thực chất là những nhà kinh doanh tư bản chủ nghĩa.


  1. Sức lao động trở thành hàng hóa


Sự thoái hóa về chế độ sở hữu không thể không dẫn đến sự thoái hóa về nguyên tắc phân phối tiền lương. Trên thực tế, ở Liên Xô từ thập niên 60 trở đi, tiền lương công nhân vốn được trả đúng theo khối lượng công việc đã nhường chỗ cho một phương thức trả công khác mà ở đó tạo ra những điều kiện cho các nhà tư bản "mới" ra sức bóc lột, điều đó làm phân hóa một cách rõ rệt giữa thu nhập của các giám đốc những nhà tư bản "mới" và người lao động trong cùng một doanh nghiệp. Kết quả là “thị trường lao động” vốn đã bị Nhà nước Xô viết xóa bỏ trước kia như một tàn tích của chủ nghĩa tư bản, thì nay được khôi phục ngay trong lòng “chế độ xã hội chủ nghĩa”. Kết quả là sức lao động lại được xem là hàng hóa và bị bóc lột trong chế độ “xã hội chủ nghĩa” dưới thời Khrushchev


Marx cho rằng sức lao động trở thành hàng hóa cần có hai điều kiện. Một là, người lao động hoàn toàn tự do về thân thể, có nghĩa là phải có quyền sở hữu sức lao động của mình và có quyền đem bán nó như một hàng hóa. Hai là, họ không có tư liệu sản xuất, do đó buộc phải bán sức lao động của mình. Công nhân ở Liên Xô thực sự là những người “tự do” về quyền định đoạt sức lao động, “người lao động có quyền tự do định đoạt sức lao động của mình. Nó thể hiện trong việc ký kết hợp đồng lao động với doanh nghiệp” (A. Sukhov: Dịch chuyển lao động và nguyên nhân, Trong Báo cáo Khoa học Kinh tế, số 4, 1972). Công nhân Liên Xô lúc này đã bị tước đoạt tư liệu sản xuất mà đáng lý họ sở hữu dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, nhưng giờ đây nó lại nằm trong tay một số ít cá nhân, và họ không có con đường nào khác để sống ngoài việc quay trở lại làm việc và bán sức lao động của mình cho các doanh nghiệp Nhà nước Liên Xô, do các ông tư bản "mới" đang lãnh đạo.


Sự xuất hiện của “thị trường lao động” đã làm xuất hiện sự cạnh tranh trong việc tìm kiếm việc làm. Giá cả của sức lao động [như là hàng hóa] dao động giống như bất kỳ hàng hóa nào dưới tác động của quy luật cung và cầu. Chẳng phải cái này tương ứng với mệnh đề rất nổi tiếng mà Marx đã từng nêu trước đó về chế độ tiền lương dưới chế độ tư bả chủ nghĩa đó sao: Tiền lương sẽ tăng hoặc giảm theo quan hệ cung cầu [theo thị trường].


Ở đâu thiết hụt tương đối trình độ lực lượng lao động, các doanh nghiệp sẽ cạnh tranh với nhau để giành lấy nguồn nhân lực này: “Tình thế buộc các doanh nghiệp phải lôi kéo nhân sự, đặc biệt là những người có tay nghề, từ các doanh nghiệp cũ. Đó là thực trạng phổ biến” (E. G. Antosenkov: 'The Availability of Housing and Personnel Turnover', in: Izvestia Sibirskogo Otdelenya Akademy Nauk SSSR: Seriia Obshchestvennykh Nauk, No. 11, 1972). Như vậy, cấu trúc về sự phân bố hợp lý các nguồn lao động thích hợp theo kinh tế kế hoạch hóa tập trung đã hoàn toàn bị loại bỏ. Tất yếu, các doanh nghiệp thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ dẫn đến hoạt động ngày càng kém rồi phá sản, hoặc là họ phải đi đến chỗ được nhà nước tái cấu trúc hợp nhất với các doanh nghiệp khác. Để tồn tại, các doanh nghiệp buộc phải làm mọi cách, sử dụng mọi thủ đoạn để kiếm tối đa lợi nhuận của mình, bao gồm cả tham nhũng, hối lộ và mafia kinh tế.


Với việc hình thành một loại tư bản "mới" ở Liên Xô, phân hóa giàu nghèo đã trở thành một thực tế hiện hữu. Trong tác phẩm cuối cùng của mình, Stalin đã nêu bật lên một vấn đề mà Chủ nghĩa Cộng sản phải đi tới, đó là xóa bỏ dần sự khác biệt giữa lao động chân tay và lao động trí óc. Nhưng sự xuất hiện của “tư bản mới” đã làm cho sự khác biệt ngày càng lớn. Ví dụ như vào năm 1974, mức lương trung bình của Giám đốc doanh nghiệp ở Liên Xô sẽ cao gấp 7,2 lần mức lương của người công nhân. Tất nhiên, ở đây chưa tính đến những khoảng thưởng riêng lẻ ở các doanh nghiệp chạy theo chỉ tiêu, hoặc ăn rơ, móc nối với các quan chức địa phương tham nhũng. Điều đó cũng có nghĩa là đời sống của người lao động Liên Xô bị suy giảm, phúc lợi xã hội cũng suy giảm.


Ngoài ra, phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp cho người lao động lại do cá nhân Giám đốc quyết định: “..còn tiền thưởng cho tất cả người lao động khác do Giám đốc doanh nghiệp quyết định” (Manevich: Hệ thống tiền lương, trong Nền kinh tế kế hoạch của Liên Xô, Moskva, 1974, tr.251-252).


  1. bóc lột giá trị thặng dư


Việc chế độ chuyên chính vô sản đã bị thủ tiêu từ Đại hội XXII (1961) và sự tồn tại hiện hữu của hiện tượng thoái hóa trong tầng lớp lãnh đạo Liên Xô theo con đường tư bản chủ nghĩa đã tước đoạt khỏi tay giai cấp công nhân và quần chúng lao động chế độ sở hữu công hữu tư liệu sản xuất. Vì vậy, sự bóc lột giá trị thặng dư này không chỉ phục vụ cho các nhà tư bản "cá nhân" - giám đốc doanh nghiệp - nữa, mà thực chất là phục vụ cho Nhà nước, nơi mà biểu hiện rõ ràng của chế độ tư bản Nhà nước độc quyền tập thể này. Kết quả là giá trị thặng dư lại xuất hiện trong xã hội Xô viết; sức lao động trở thành hàng hóa để trao đổi, bóc lột; lao động cho xã hội trở thành lao động thặng dư; lao động cho mình thành lao động làm thuê.


Như đã trình bày ở trên, người lao động được “tự do hóa” về mặt thân thể và có quyền mua bán sức lao động của mình với tư cách là hàng hóa. Tất yếu nó dẫn đến sự hình thành của thị trường lao động. Qua nhiều cuộc cải cách kinh tế từ 1957 - 1965 có xu hướng “tư bản hóa” nền kinh tế Liên Xô đã dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp được hạch toán độc lập cạnh tranh gay gắt với nhau để đảm bảo nguồn nhân lực và năng suất lao động của xí nghiệp mình trong việc mua bán trực tiếp sức lao động trên thị trường lao động “tự do”.  Việc khôi phục lại những phương thức tư bản chủ nghĩa đã làm xuất hiện lại cái gọi là tước đoạt giá trị thặng dư, hay chế độ người bóc lột người ngay trong xã hội Xô viết, ngay trong chính cái mà Khrushchev, Brezhnev, Kosygin, Andropov, Chernenko đã gọi là Chủ nghĩa xã hội phát triển.


Chúng ta hãy cùng phân tích xem ở Liên Xô, chế độ bóc lột này xảy như thế nào:


Theo các báo cáo kinh tế của Liên Xô, đầu những năm 1970 thì: trong một đơn vị giá thành của hàng hóa công nghiệp, thì tỷ trọng của tiền lương (v) là 15,5%, tỷ trọng chi phí sản xuất công nghiệp là 84,5% (Nguồn: Nền kinh tế kế hoạch Liên Xô, Moskva, 1974, tr.33). Tỷ trọng lợi nhuận của đầu năm 1970 là 27,2% (Cải cách kinh tế Liên Xô: tiến bộ và thử thách, Moskva, 1972, tr.208)


(Lưu ý: Liên Xô tính từ giá thành hàng hóa để tính toán chỉ tiêu lợi nhuận)


Cơ cấu giá trị của hàng hóa đầu những năm 1970 trong công nghiệp Liên Xô được thể hiện như sau:


W= c + v + m = 84,5c + 15.5v + 27.2m


Tỷ suất giá trị thặng dư bằng:


m’= (m/v) * 100 = 27,2m / 15,5v * 100 = 175,5%


Kết quả là vào đầu những năm 1970, trong một ngày làm việc 7 giờ, người lao động làm việc trung bình 2 giờ 54 phút để tạo ra giá trị cần thiết, còn 4 giờ 46 phút còn lại là thời gian lao động thặng dư. Chế độ Xô viết, lúc này chỉ còn là cái vỏ của giai cấp vô sản nhưng trong thực tế đã bắt đầu biến chất và thoái hóa theo chiều hướng tư bản chủ nghĩa.


Có thể thấy rằng, vào đầu những năm 1970 ở Liên Xô, công nhân đã dành ⅔ thời gian làm việc của mình để tạo ra lợi nhuận cho bộ máy của các nhà “tư bản mới” trong khi họ vừa mới tước đoạt quyền sở hữu của chính giai cấp công nhân. Sự thoái hóa của chế độ sở hữu, đã làm cho những giá trị tích cực mà họ đã cống hiến cho Tổ quốc, rơi vào tay của những nhà “tư bản mới” và chế độ Chủ nghĩa tư bản độc quyền Nhà nước


       d. một số đặc điểm chủ nghĩa tư bản độc quyền Nhà nước ở Liên Xô


Chủ nghĩa tư bản độc quyền Nhà nước là biểu hiện cao nhất của quá trình tập trung sản xuất và cũng là hình thức kinh tế phổ biến nhất ở Liên Xô kể từ sau cuộc những cuộc cải cách kinh tế của Khrushchev từ cuối những năm 50 đến giữa những năm 60. Xét về bản chất, chủ nghĩa tư bản độc quyền Nhà nước này cũng giống như Chủ nghĩa tư bản độc quyền Nhà nước ở một số quốc gia tư sản khác, mà cụ thể là duy trì chế độ người bóc lột người.


Tuy nhiên cũng cần phải nhìn rõ rằng, Chủ nghĩa tư bản độc quyền Nhà nước ở Liên Xô cũng có nhiều đặc điểm riêng biệt của nó:


1. Chủ nghĩa tư bản độc quyền Nhà nước ở Liên Xô là hệ quả của việc chế độ chuyên chính vô sản đã bị thủ tiêu và thoái hóa thành chế độ độc tài tiểu tư sản của một bộ phận quan chức quan liêu Liên Xô muốn xóa bỏ những cải cách dân chủ marxist của Stalin tại Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Liên Xô. Sự thoái hóa này không thể không dẫn đến sự thay đổi một cách rõ rệt về cơ sở kinh tế xã hội Xô viết, dẫn đến việc tước đoạt quyền sở hữu của giai cấp công nhân đối với tư liệu sản xuất và biến sức lao động của giai cấp công nhân thành hàng hóa để bóc lột giá trị thặng dư.


Sau khi chiếm giữ quyền lực Nhà nước, Khrushchev và những người kế tục ông ta đã áp dụng những hình thức, phương pháp tổ chức và quản lý "mới", từng bước dẫn đến sự thay đổi bản chất của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa vốn đã được thiết lập dưới thời Lenin và Stalin. Biến nền kinh tế Liên Xô trở thành một nền kinh tế chạy theo lợi nhuận tư bản chủ nghĩa, biến nó trở thành mục đích của nền sản xuất. Kết quả là tài sản công cộng bắt đầu mất đi tính chất xã hội chủ nghĩa của nó và thoái hóa dần thành tài sản của Chủ nghĩa tư bản độc quyền Nhà nước.


2. Chủ nghĩa tư bản độc quyền Nhà nước ở Liên Xô khác biệt với các nước tư bản khác ở mức độ tập trung tư bản rất cao nằm trong tay Nhà nước, và đây cũng chính là hình thức phổ biến nhất trong nền kinh tế Liên Xô.


Ở Liên Xô, Chủ nghĩa tư bản độc quyền Nhà nước bao trùm lên toàn bộ thành phần kinh tế. Điều mà ngay cả trong các nước tư bản chủ nghĩa cũng phải "mơ ước" vì mức độ tập trung kinh khủng như thế. Ở phương Tây, mức độ tập trung đó chỉ chiếm cao lắm là 20-30% nền kinh tế, còn ở Liên Xô, nó bao phủ trải dài trong tất cả các doanh nghiệp công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, xây dựng, vận tải, ....


3. Chủ nghĩa tư bản độc quyền Nhà nước ở Liên Xô được ngụy trang dưới khẩu hiệu "chủ nghĩa xã hội phát triển" và nó vẫn giữ ở một mức độ nào đó các hình thức tổ chức cũ của kinh tế xã hội chủ nghĩa.


Tính kế hoạch của Nhà nước vẫn tồn tại, nhưng nó không mang tính tập trung nữa, mà phần nhiều mang tính chỉ tiêu áp đặt hoặc định hướng.


4. Chủ nghĩa tư bản độc quyền Nhà nước ở Liên Xô đã dẫn đến đặc điểm là nó chiếm đoạt và phân phối giá trị thặng dư thông qua chế độ bóc lột không thương tiếc đối với giai cấp công nhân và quần chúng lao động.


Giá trị thặng dư được bóc lột từ giai cấp công nhân và quần chúng lao động sẽ được phân phối theo nhiều hình thức khác nhau, mức độ khác nhau theo hệ thống chức vụ cấp bậc trong bộ máy Nhà nước, kinh tế, quân sự, khoa học, văn hóa... Và rõ ràng, tương ứng với chế độ áp bức bóc lột đó, chúng ta hoàn toàn có thể thấy sự mâu thuẫn đối kháng ngày càng lớn giữa giai cấp công nhân và quần chúng lao động khác đối với chế độ Xô viết.

========================================================