Khủng hoảng Hungary 1956 và
sự can thiệp của Liên Xô
Như bài trước đã cho biết, Rakosi đã bị loại khỏi chính trường Hungary, nhưng những cuộc biểu tình chưa chấm dứt, nó tiếp tục phát triển và dần trở thành một biến cố. Mặc dù Rakosi đã bị loại khỏi chính trường, nhưng thể chế chính trị Hungary vẫn chưa hoàn toàn thay đổi, Gero, người từng đứng đầu cơ quan an ninh Hungary, cũng là người sát cánh gần gũi với Rakosi lên làm Bí thư thứ nhất TW Đảng. Nghĩa là bình mới, rượu cũ. Phong trào cải cách dân chủ chính vì thế mà không tan rã, tiếp tục phát triển, leo thang từng bước cùng với những cải cách rộng khắp trên Đông Âu. Mà tất nhiên, đó là hệ quả trực tiếp của Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô mở đầu những cải cách mà Khrushchev gọi là cải cách dân chủ, nhưng trên thực tế là xóa bỏ hoàn toàn Chủ nghĩa Mác - Lênin trên phương diện thực tiễn và kinh nghiệm lịch sử, giờ đây, những lời trích dẫn Lênin chỉ còn là những lời sáo rỗng, ngụy trang của các nhà lãnh đạo Liên Xô, đứng đầu là Khrushchev.
Cuộc khủng hoảng đã diễn ra đỉnh điểm vào cuối tháng 10/1956. Trong ngày 23/10/1956, cuộc biểu tình của 100.000 người đã nổ ra ở thủ đô Budapest, nhiều cơ quan chính quyền và lực lượng vũ trang bị chiếm giữ. Cùng ngày hôm đó, Gero, Bí thư thứ nhất TW Đảng Hungary đã gọi điện cho Khrushchev yêu cầu quân đội Liên Xô can thiệp để tránh việc Chính phủ Hungary sụp đổ.
Câu hỏi mà người ta đã đặt ra vào lúc này là: Việc quân đội Xô viết can thiệp vào Hungary là xâm lược hay không xâm lược?
Trên thực tế, hành động can thiệp quân sự của Liên Xô lúc này vẫn là hợp pháp. Mặc dù tại thời điểm quân đội Xô viết vượt biên và các đơn vị đồn trú Liên Xô tại Hungary bắt đầu vây thành Budapest; mặc dù lúc ấy quân đội Xô viết vẫn chưa nhận được văn kiện yêu cầu giúp đỡ trực tiếp từ Chính phủ Hungary. Nhưng, chúng ta vẫn tạm coi điều đó là hợp pháp vì ngày 28/10/1956, trong một bức điện, Andropov đã đính kèm văn kiện yêu cầu can thiệp vũ trang của Liên Xô do chính Thủ tướng Hegedus ký, dù nó đến muộn. Nguyên nhân của việc muộn này là do Chính phủ của Hegedus chưa thể triệu tập và thông qua quyết định đó được, nên đành thông báo miệng trước cho Khruschev và phê chuẩn sau.
1. Trong bộ phim tài liệu của Nga - Hiệp ước Warsaw - một cựu chiến binh, cũng là nhà phân tích chính sách đối ngoại của Liên Xô đã nói rằng: việc Liên Xô can dự vào Hungary là hợp pháp, vì Hungary là nước từng thuộc phe trục và do đó Liên Xô có trách nhiệm phải "trị an" ở nước này. Điều đó hoàn toàn không đúng, Hungary từng là đồng minh phe trục, nhưng Liên Xô không có quyền "trị an" ở nơi này, mà trên thực tế là được sự thỏa thuận giữa chính phủ hai nước Xô - Hung, quân đội Xô viết mới được đóng trên đất nước này. Nó hợp pháp vì đây là thỏa thuận giữa hai quốc gia.
2. Trong thỏa thuận quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô và Hungary, có một mục cho biết rằng, quân đội Liên Xô được quyền can thiệp vào Hungary trong trường hợp có sự đề nghị của Chính phủ Hungary nhằm trấn áp bất kỳ kế hoạch mưu toan lật đổ Chính phủ Hungary.
Do đó, tôi có quyền khẳng định rằng việc quân đội Xô viết can thiệp quân sự vào ngày 24/10/1956 không phải là một cuộc xâm lược.
Vậy ngay khi nhận được cuộc gọi từ Gero, thì Bộ Chính trị Liên Xô đã phản ứng như thế nào trước đề nghị can thiệp bằng quân sự ?
Bộ Chính trị Liên Xô đã phân thành hai xu hướng, xu hướng 1 - ủng hộ can thiệp quân đội [chiếm tuyệt đại đa số] và xu hướng 2 - không can thiệp [ chỉ mình Mikoyan]. Cuộc trò chuyện của Bộ Chính trị Liên Xô ngày 23/10/1956 đã chỉ ra mấy điểm quan trọng sau:
1. Việc loại bỏ Nagy trước đây đã tạo ra những bất ổn ở Hungary và do đó cần phải cử quân đội can thiệp.
2. Chỉ có Nagy mới có thể ổn định tình hình. Khrushchev thì ủng hộ Nagy quay lại, nhưng vẫn sử dụng vũ lực; Mikoyan thì ủng hộ Nagy quay lại, nhưng phải đàm phán chính trị là chủ yếu.
Nội dung đó cho thấy, thứ nhất Bộ Chính trị Liên Xô tán thành việc đưa quân đội Xô viết vào Hungary và sử dụng lực lượng đồn trú trấn áp các cuộc bạo động. Thứ hai, Bộ Chính trị Liên Xô đã "đề cử" được người trở thành lãnh đạo mới của Chính phủ hợp pháp Hungary - Nagy Imre. Và tất nhiên, như tôi đã thông tin, tại một phiên họp của UBTW Đảng Hungary ngày 27/10/1956 có sự tham gia cố vấn của Suslov và Mikoyan, Nagy Imre đã được bầu làm Thủ tướng. Đó là lúc Liên Xô dưới thời Khrushchev can dự và thay đổi lần thứ ba đối với ban lãnh đạo Hungary. Ở đây cũng nên có một điểm hết sức lưu ý, mặc dù việc Bộ Chính trị Liên Xô sẽ thông qua chắc chắn phương án đưa Nagy trở lại chính trường, nhưng thực ra, từ rất sớm, trước cả phiên họp Bộ Chính trị ngày 23/10/1956, Khrushchev trong lúc trao đổi điện thoại với Gero đã trực tiếp "đề nghị" một Bộ Chính trị Hungary mới bao gồm: Kadar và Nagy Imre trở thành một số nhân vật chủ chốt. Như vậy, chưa cần đến việc cố vấn Suslov và Mikoyan có mặt tại phiên họp UBTW Đảng Hungary, thì thực tế, họ cũng sẽ bầu lại Bộ Chính trị theo "chỉ thị" của Khrushchev.
Quân đội Xô viết tiến vào Hungary vào lúc nào ? Đó là tầm 2h15 sáng tại một số điểm dọc trên tuyến biên giới Xô - Hung tại các điểm Csop, Beregovo và Vylok đến 128 sư đoàn bộ binh và 39 sư đoàn cơ giới. Với lực lượng này, Liên Xô đã tính toán đến những khả năng cao hơn cả việc chiến tranh với lực lượng nổi dậy. Chẳng hạn là sự can thiệp của khối quân sự Nato.
Trên thực tế, quân đội Xô viết khi tiến quân vào Hungary không trực tiếp đảm nhiệm công việc trấn áp bạo loạn, mà là chiếm giữ một số vị trí trọng yếu của Hungary đề phòng cuộc bạo loạn lan rộng trở thành cuộc nội chiến hoặc can thiệp vũ trang bởi nước ngoài, còn lực lượng chủ đạo trấn áp bạo loạn là các đơn vị đồn trú của Liên Xô và các lực lượng an ninh Hungary. Do đó, từ rất sớm, các cuộc đụng độ và giao tranh trên khắp đường phố thủ đô Budapest đã diễn ra.
Việc trấn áp các lực lượng bạo loạn mặc dù mất chút thời gian, nhưng không mấy khó khăn đối với quân đội Xô viết và lực lượng an ninh. Tuy nhiên, một vấn đề đã xảy ra, ngày 28/10/1956 Chính phủ Hungary dưới sự lãnh đạo của Nagy Imre đã yêu cầu quân đội Xô viết ngừng trấn áp và tiến tới điều đình với phe bạo loạn.
Trong phiên họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 28/10/1956, nội dung của các cuộc trao đổi đã cho chúng ta thấy có một số vấn đề đã xảy ra. Molotov đã phát biểu cho rằng Nagy đang có những biểu hiện lệch lạc và chống Liên Xô. Khrushchev cho biết rằng, nếu Liên Xô tiếp tục can thiệp thì Nagy sẽ từ bỏ chức vụ Thủ tướng, liên minh Xô - Hung sẽ sụp đổ. Kết thúc cuộc họp, Khrushchev đã phát biểu rằng, Liên Xô cần phải rút lui nhưng vẫn phải cố giữ cho Chính phủ Hungary không sụp đổ. Như vậy, chúng ta có thể thấy những diễn biến phức tạp đã diễn ra: Chính phủ Nagy dần muốn tách khỏi sự ảnh hưởng của Liên Xô và tự muốn bản thân mình giải quyết vấn đề.
Nhưng tình hình không chỉ dừng lại như vậy, báo cáo của KGB Liên Xô từ Hungary về đã cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác. Lực lượng bạo loạn trước đã bị dẹp gần hết, thì nay đã được bổ sung gần 8.000 người sau khi họ được thả bởi Chính phủ Hungary, điều kỳ lạ là ngay lập tức họ nắm lấy các kho vũ khí của lực lượng an ninh Hungary. Không chỉ tại Budapest, mà trên toàn bộ lãnh thổ Hungary, các cuộc bắt bớ và giết hại những người cộng sản do những nhà "cải cách dân chủ" đã diễn ra cực kỳ nghiêm trọng. Trong khi ấy, Chính phủ Nagy đã quyết định giải tán lực lượng an ninh Hungary và coi những người bạo loạn là "một cuộc phản kháng của những người lao động để thỏa mãn yêu cầu chính đáng của họ". Rất nhiều nhân viên an ninh đã vội sơ tán người nhà đến biên giới Liên Xô và xin định cư vào Liên Xô. Nhiều nhân viên an ninh và gia đình đã bị truy lùng và giết hại trên khắp Budapest. Tình hình lúc này là cực kỳ nghiêm trọng.
Thái độ của Nagy đã quá rõ ràng, ông ta muốn thoát khỏi sự kiểm soát của Liên Xô, của Khruschev. Tất nhiên, nó không tránh khỏi việc Nagy rơi vào con đường chống cộng, khi Chính phủ Nagy đã tạo ra điều kiện thuận lợi cho các cuộc giết hại những người cộng sản, bằng việc giải tán lực lượng an ninh.
Chúng ta cần đi đến chỗ thống nhất trong cách đánh giá về các nhân vật này:
a) Nagy rõ ràng là đã rơi vào con đường thỏa hiệp cải lương, điều đó đã rõ ràng. Nhưng, việc ông ta muốn thoát khỏi sự kiểm soát của Khrushchev cũng cần phải được nhìn nhận rõ.
b) Khrushchev và ban lãnh đạo Liên Xô, từ sau cái chết của Stalin, đã thi hành những chính sách đối ngoại có phần áp đặt chủ nghĩa nước lớn trong mối quan hệ với các nước anh em. Từ bỏ các nguyên tắc mác-xít lê-nin-nít về ngoại giao.
c) Sự phức tạp của tình hình Hungary làm cho Khrushchev và ban lãnh đạo Liên Xô rất hoảng hốt, thái độ liên tục đảo chiều các tư duy lôgic, giữa việc sử dụng biện pháp quân sự và rút lui, đã cho thấy bộ máy này quá yếu kém và không đảm đương nổi những công việc đối ngoại của Đảng và Chính phủ. Điều này cũng là hệ quả tất yếu của việc họ đã từ bỏ các nguyên tắc mác-xít lê-nin-nít trong việc ứng dụng chủ nghĩa vô sản quốc tế.
Ngày 30/10/1956, lúc 2:30 chiều, Nagy đã chính thức tuyên bố khôi phục nhà nước đa đảng và thành lập một Chính phủ mới do ông ta tiếp tục đứng đầu. Đi cùng với việc đó là sự giải thể của các lực lượng an ninh và quân đội, tiến hành thành lập "Hội đồng quốc phòng" để chuẩn bị cơ sở cho việc thành lập quân đội Hungary mới. Nhà nước dân chủ nhân dân Hungary chính thức tan rã, và thay thế nó bằng mô hình Nhà nước dân chủ tư sản, đứng vị trí trung lập.
Chính điều này đã làm cho Khrushchev thay đổi thái độ, từ rút quân chuyển thành can thiệp. Cần phải nói rõ rằng, trong phiên họp sáng ngày 30/10/1956, Bộ Chính trị Liên Xô đã tán thành việc rút toàn bộ quân đội Xô viết về nước và tiến hành đàm phán để xây dựng lại mối quan hệ mới với Hungary. Tuy nhiên, các sự kiện buổi chiều cùng ngày đã làm Bộ Chính trị Liên Xô thay đổi lập trường. Và tại phiên họp ngày 31/10/1956, Khrushchev đã đề xuất một kế hoạch chưa từng có tiền lệ - hỗ trợ một cuộc đảo chính ở Hungary nhằm kết thúc quyền lực của Nagy
Khrushchev: Chúng ta nên tạo một Cuộc đảo chính. Chính phủ (do Kadar đứng đầu). Munnich — với tư cách là người đứng đầu về quốc phòng và nội vụ. Chúng ta nên mời "chính phủ mới" này tham gia đàm phán về việc rút quân và giải quyết vấn đề. Nếu Nagy đồng ý, hãy đưa anh ấy vào với tư cách là đứng đầu chính phủ. Chúng ta nên thương lượng với Tito. Chúng ta nên thông báo cho các đồng chí Trung Quốc, Tiệp Khắc, Romania và Bulgaria. Sẽ không có chiến tranh quy mô lớn.
(Nguồn: Biên bản cuộc họp Bộ Chính trị ĐCSLX ngày 31/10/1956)
Tình hình lúc này đã quá phức tạp và vượt xa khả năng kiểm soát của các nhà lãnh đạo Liên Xô. Một Chính phủ do chính Liên Xô tác động, thiết lập nên nay lại chuyển sang chống Liên Xô, yêu cầu quân đội Liên Xô rút hoàn toàn về nước. Trưa ngày 1/11/1956, Andropov đã có một bức điện khẩn gửi về Moskva báo cáo về vấn đề Nagy:
Nagy đề xuất rằng, vì Chính phủ Liên Xô đã không ngăn chặn bước tiến của quân đội Liên Xô, cũng như không đưa ra lời giải thích thỏa đáng về hành động của mình, họ xác nhận kiến nghị được thông qua vào sáng hôm đó liên quan đến việc Hungary đưa ra thông báo về việc chấm dứt tư cách thành viên Hiệp ước Warsaw, một tuyên bố có tính trung lập, và lời kêu gọi Liên hợp quốc về việc bảo đảm tính trung lập của Hungary bởi bốn cường quốc. Trong trường hợp Chính phủ Liên Xô ngăn chặn bước tiến của quân đội Liên Xô và rút quân ra khỏi biên giới của mình ngay lập tức, Chính phủ Hungary sẽ rút lại yêu cầu của mình lên Liên hợp quốc, nhưng Hungary vẫn giữ thái độ trung lập. Erdei và Losonczy rất ủng hộ câu trả lời này của Nagy. Phản ứng của Tildy là ủng hộ nhưng dè dặt hơn, trong khi phản ứng của Kadar là miễn cưỡng. Dobi vẫn im lặng.
Một giờ sau, Đại sứ quán nhận được công hàm của Bộ Ngoại giao, tuyên bố rằng do một lực lượng Quân đội Liên Xô hùng mạnh đã vượt biên giới ngày hôm đó và tiến vào lãnh thổ Hungary trước sự phản đối kiên quyết của Chính phủ Hungary, Chính phủ đã rời khỏi Hiệp ước Warszawa. với hiệu quả tức thì. Bộ Ngoại giao yêu cầu Đại sứ quán thông báo ngay cho Chính phủ Liên Xô về quyết định này. Họ gửi ghi chú với nội dung tương tự đến mọi đại sứ quán và phái đoàn ngoại giao ở Budapest.
(Nguồn: Điện khẩn của Andropov về Nagy Imre - 1/11/1956)
Phiên họp chiều ngày 1/11/1956 của Bộ Chính trị Liên Xô sẽ cho chúng ta thấy sức nóng của vấn đề Hungary. Và phiên họp này đã đi đến một quyết định mà tôi cho rằng là "hết sức điên rồ". Phải, đó là việc Liên Xô tiến hành một cuộc xâm lược Hungary [bất chấp Chính phủ hợp pháp Hungary và nhân dân Hungary muốn hay không]:
Suslov - tình hình đã không còn ổn định. Nguy cơ của về sự phục hồi chế độ tư sản đã lên đến đỉnh điểm. Sự việc sẽ được làm rõ trong vài ngày tới. Các sự kiện đang phát triển và không thể kiểm soát. Một cuộc chia rẽ trong Đảng Cộng sản Hungary — cuộc đấu tranh trong nội bộ đảng đã tràn ra cả đường phố. Tôi không tin rằng Nagy đã tổ chức cuộc nổi dậy, nhưng tên của anh ấy đang được sử dụng. Nếu chúng ta quay trở lại chính phủ này — không có gì đảm bảo. Chỉ bằng cách chiếm đóng [Hungary], chúng ta mới có thể có một chính phủ hỗ trợ chúng ta.
Serov — các cuộc biểu tình đã được chuẩn bị tỉ mỉ. Nagy có liên hệ với quân nổi dậy. Chúng ta phải thực hiện các biện pháp quyết định. Chúng ta phải chiếm đóng [Hungary].
Bulganin - Tình hình quốc tế đã thay đổi. Nếu chúng ta không áp dụng các biện pháp này, chúng ta sẽ mất Hungary.
Konev — Budapest nằm trong tay quân nổi dậy. Tình trạng vô chính phủ đang lan rộng; cần phải có biện pháp mạnh để giành lấy chiến thắng. Hãy quyết định - tấn công.
Kaganovich - tình hình rất phức tạp. Các đồng chí Trung Quốc nói rằng chúng ta không nên rút quân. Về mặt khách quan - một phong trào phản động đang bùng lên. Đảng [Hungary] trên thực tế đã tan rã. Chúng ta không thể chờ đợi thêm. Các thế lực phản động đang tấn công, và chúng ta phải đáp trả.
Zhukov - không có cơ sở để xem xét lại quyết định ngày 31-X-56. Tôi không đồng ý với đồng chí Mikoyan rằng chúng ta phải hỗ trợ chính phủ hiện tại. Hành động của chúng ta phải mang tính quyết định. Loại bỏ tất cả các yếu tố phù hợp. Vô hiệu hóa bọn phản cách mạng.
Shepilov - Có hai con đường: xem xét tính chất quần chúng của phong trào và không can thiệp; hoặc thứ hai, con đường quân sự; hóa ra có một con đường thứ ba: cả hai con đường trên. Tình hình hiện tại: phải phản công; xu hướng chính của phong trào nổi dậy là chống Liên Xô; nó được hỗ trợ từ lực lượng bên ngoài (chủ nghĩa đế quốc). Chúng ta phải thiết lập trật tự bằng cách sử dụng vũ lực.
(Nguồn: Biên bản cuộc họp Bộ Chính trị ĐCSLX ngày 1/11/1956)
Tất nhiên, không hẳn là Bộ Chính trị Liên Xô hoàn toàn thống nhất về biện pháp vũ lực. Mikoyan đã phản đối biện pháp đó, vì ông nghi ngờ rằng nó sẽ loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng Liên Xô tại Hungary và để vụt nước này khỏi tầm kiểm soát của Liên Xô. Tuy nhiên, Mikoyan là thiểu số trong vấn đề này, và ông ta không thể ngăn cản được những cái đầu đang nóng nảy và hấp tấp của những ủy viên Bộ Chính trị khác.
Điều thú vị là để biện minh cho hành động xâm lược Hungary, thì "nhà cải cách dân chủ" Khrushchev đã vội vã bay đến nhiều nước anh em, gặp nhiều phái đoàn để kéo họ vào cuộc chơi phiêu lưu của chính mình. Và tất nhiên, là để sau này chẳng ai bắt bẻ được ông ta khi ông ta rời khỏi cương vị - Không phải chỉ có mình tôi tham gia, cả các anh nữa !
Chúng ta nên bắt đầu với những người trong cuộc. Ngày 2/11/1956, một số nhà lãnh đạo Hungary thuộc nhóm thân Liên Xô đã bay đến Moskva để hội kiến với ban lãnh đạo Liên Xô nhằm tìm ra biện pháp cứu vãn tình hình Hungary. Chính tại cuộc họp này chúng ta đã thấy một điều hết sức nực cười, họ ủng hộ cuộc xâm lược của Liên Xô vào đất nước mình, bất chấp là điều đó hoàn toàn phi tính chủ nghĩa xã hội, phi marxist - leninist.
Munnich: Một tình huống tồi tệ. Tại sao lại nảy sinh tình trạng này? Sự xa rời của những người lãnh đạo với quần chúng. Chế độ này chỉ tồn tại và được duy trì thông qua sự hỗ trợ của Liên Xô. Ở Hungary: hoàn toàn hỗn loạn. Kết quả sẽ ra sao nếu rút quân đội Xô viết — điều này sẽ đáp lại các yêu cầu của quần chúng. Phe nổi dậy đang được củng cố và họ chắc chắn sẽ không dừng lại, những tuyên truyền chống Liên Xô đang được các nước đế quốc hỗ trợ.
Bata - Về việc rút quân của Liên Xô. Tất cả những gì họ đang làm sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu của quân đội Liên Xô và Hungary. Tôi là nhân chứng khi một đơn vị Hungary nổ súng vào quân đội Liên Xô. Liên Xô không đáp trả. Ngay cả đội quân kỷ luật nhất cũng không thể có sự kiềm chế hơn nữa. Dù cố tình hay không, chính phủ vẫn đang đặt nền móng cho một cuộc đối đầu giữa quân đội Liên Xô và Hungary. Trật tự phải được khôi phục thông qua một chế độ độc tài quân sự. Cần phải thay đổi chính sách của chính phủ.
(Nguồn: Phiên họp Bộ Chính trị mở rộng, có sự tham gia của phái đoàn Hungary - 2/11/1956)
Còn đây là với một số nước dân chủ nhân dân khác. Khrushchev đã bộc bạch trong bài phát biểu ngày 4/11/1956. Chúng ta hãy cùng xem Khrushchev đã nói gì.
Tiệp Khắc và Rumani
Các đồng chí Antonin Novotny và Viliam Siroky đã bay đến Bucharest. Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện ở đó với các nhà lãnh đạo Tiệp Khắc và Romania. Không có dấu hiệu nào về sự hiểu biết khác nhau về các sự kiện ở Hungary giữa chúng tôi với họ. Tất cả đều thể hiện sự hiểu biết đầy đủ về toàn bộ tầm quan trọng của những sự kiện này. Cả họ và những người khác đều cho rằng cần phải hành động dứt khoát và hành động càng sớm càng tốt. Romania thậm chí còn tuyên bố rằng họ cũng muốn tham gia vào hoạt động này và cử hai sư đoàn.
.......
Bulgari
Chúng tôi bay từ Bucharest đến Sofia, đến Bulgaria. Cuộc gặp bí mật. Chúng tôi đã bay đến đó và nói chuyện trong bốn giờ rưỡi với các đồng chí Bulgaria. Cuộc trò chuyện với các nhà lãnh đạo Bungari cũng diễn ra như với các đồng chí Rumani và Tiệp Khắc. Họ nói rằng những người tình nguyện của họ muốn tham gia đàn áp cuộc phản cách mạng ở Hungary nhưng thật tệ là họ không có biên giới chung với Hungary. Chúng tôi nói với họ rằng điều này rõ ràng là không cần thiết.
......
Nam Tư
Cùng ngày, chúng tôi bay đến Pula và từ đó đến Brioni để gặp Tito, người đang cảm thấy không khỏe; anh ấy bị ốm. Họ đã mong đợi chúng tôi ở Nam Tư một ngày trước đó khi vẫn còn ở khu vực Brest để nói chuyện với các đồng cấp Ba Lan.
Người Nam Tư đã tổ chức cuộc gặp với chúng tôi một cách rất bí mật. Họ hẹn máy bay của chúng tôi đến Pula vào ban đêm. Malenkov đã rất buồn nôn trên máy bay, thậm chí tệ hơn trong khi di chuyển bằng ô tô, khi chúng tôi đang lái xe dọc theo các con hẻm để đến cảng, và sau đó trên chuyến bay đến đảo Brioni. Biển nổi giông tố.
......
Chúng tôi hỏi họ:
“Bạn nghĩ gì? Đây có phải là một phản cách mạng không? ”
“Đúng,” họ đồng ý, họ không tranh cãi.
Việc Nam Tư có biên giới với dù chỉ một nước tư bản là rất nguy hiểm và họ rõ ràng hiểu rõ điều này.
........
Kết quả của cuộc trò chuyện, chúng tôi và các nhà lãnh đạo Nam Tư đã đi đến kết luận rằng cần phải có hành động quyết định và nên sử dụng vũ trang.
Đó là cách các cuộc đàm phán ở Nam Tư đã diễn ra.
Vì vậy, rõ ràng là cần phải thực hiện các bước để dập tắt cuộc phản cách mạng ở Hungary. Câu hỏi bây giờ là làm điều này một cách nhanh chóng. Cần chuẩn bị chính trị để tập hợp những người Cộng sản Hungary lại với nhau, tổ chức công nhân Hungary và thành lập một chính phủ thực sự mang tính cách mạng và nhận được sự tin tưởng của công nhân và nông dân.
Khi chúng tôi thông báo với Tito rằng Ferenc Munnich và Kàdàr đã đến gặp chúng tôi, anh ấy nói:
“Nếu Munnich và Kàdàr chia rẽ với Nagy thì chính phủ của Imre Nagy đã kết thúc. Đây là một chính phủ phản động,” Tito nói, "Vì Imre Nagy cuối cùng đã bị các thế lực phản động thao túng."
Tất nhiên, không phải phái đoàn nào cũng ủng hộ Khrushchev, cụ thể là trường hợp Ba Lan. Khrushchev kể:
Sau khi đồng ý về nguyên tắc cuộc họp với các nhà lãnh đạo Ba Lan, chúng tôi trong Đoàn Chủ tịch Bộ chính trị đã chọn một phái đoàn gồm các Malenkov, Molotov và Khrushchev. Các đồng chí Ba Lan đã chọn một phái đoàn gồm Gomulka, Ochab và Cyrankiewicz. Chúng tôi đã tổ chức một cuộc họp như vậy. Lần này trò chuyện diễn ra khá cởi mở, hòa đồng và thân thiện. Tuy nhiên, trong cuộc hội đàm, Gomulka, nhà lãnh đạo Ba Lan, đã nói chuyện rất thận trọng. Tất nhiên, chúng tôi không tiết lộ kế hoạch của riêng mình, mà chỉ nói: Hãy đánh giá kỹ lưỡng xem các sự kiện đang diễn ra ở đâu tại Hungary, vì một cuộc phản cách mạng thực sự đang diễn ra ở đó. Các nhà lãnh đạo Ba Lan nói với chúng tôi rằng, theo quan điểm của họ, chúng tôi không nên can thiệp vào công việc của Hungary, vì nếu chúng tôi làm vậy, điều này sẽ tạo ra những khó khăn đáng kinh ngạc cho họ cả ở Ba Lan. Chúng tôi hỏi họ:
“Chà, nó sẽ như thế nào? Chúng ta sẽ làm gì, lặng lẽ nhìn vào trong khi phản động đang lộng hành ở Hungary treo cổ những người cộng sản? Chúng đang cố gắng hết sức để tiêu diệt Cộng hòa Nhân dân Hungary? "
"Nếu quân đội Liên Xô can thiệp", người Ba Lan nói, "thì giai cấp công nhân nước tôi sẽ không thông cảm cho chúng tôi."
"Khi người lao động hiểu mọi thứ, khi họ nhìn vào mọi thứ, lúc đó sẽ là quá muộn." Chúng tôi tuyên bố - Khruschev đáp, "Cuộc phản cách mạng ở Hungary đang khủng bố những người lao động."
Người Ba Lan đề nghị: “Công nhân [Hungary] cần được cung cấp vũ khí".
Về vấn đề này, chúng tôi trả lời rằng nếu công nhân Hungary được cung cấp vũ khí ngay bây giờ, thì bọn phản động sẽ cướp mất. Vì nếu bọn phản động chiến thắng, những vũ khí này sẽ được sử dụng để chống lại chính công nhân. Điều này không thể được thực hiện, chúng tôi đã nói. Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp nhân dân Hungary và công nhân Hungary đánh bại cuộc phản cách mạng ngay bây giờ.
Chúng tôi thấy rằng chúng tôi sẽ không thể đạt được hoàn toàn nhất trí với các đồng chí Ba Lan về câu hỏi này. Đúng vậy, chúng tôi không mong đợi rằng chúng tôi sẽ đạt được thỏa thuận. Chúng tôi chỉ muốn xác định thái độ của họ. Họ đồng ý rằng chính phủ Imre Nagy đang đi trên con đường phản cách mạng, rằng một mối đe dọa nghiêm trọng đối với lợi ích của giai cấp công nhân Hungary đã được tạo ra, rằng công nhân Hungary cần được giúp đỡ và họ nên được viện trợ để tự trang bị. Hãy để họ tự đấu tranh giành lấy vũ khí, để cho cuộc đấu tranh giai cấp phát triển, và ý thức giai cấp của công nhân Hungary nảy sinh.
Nếu các cuộc bầu cử được tổ chức ở Hungary, người Ba Lan nói, Đảng Cộng sản Hungary sẽ thua. Họ sẽ nhận được không quá 5-10% phiếu bầu. Chúng tôi không phủ nhận điều này. Hơn nữa, chúng tôi đã nói, nếu phe phản động thắng, những người Cộng sản ở Hungary sẽ không nhận được 5% phiếu bầu. Đây là sự thật.
Đây là cách các cuộc hội đàm với các đồng chí Ba Lan đã diễn ra. Chúng tôi chia tay họ một cách ấm áp và trở về.
(Nguồn: Phát biểu Khrushchev trước Ủy ban TW ĐCSLX 4/11/1956)
Bằng cách lôi kéo như thế, Khrushchev đã biến nhiều phái đoàn lãnh đạo của các nước trở thành đồng mưu trong việc tiến hành cuộc xâm lược của Liên Xô vào Hungary.
Tại sao tôi gọi rằng việc Liên Xô tiến công vào Hungary ngày 24/10/1956 là "can thiệp" mà cuộc tiến công ngày 4/11/1956 lại là "xâm lược" ? - tất cả đều do BẢN CHẤT của các sự kiện.
1. Việc quân đội Liên Xô vào Hungary ngày 24/10/1956 là do ban lãnh đạo Hungary yêu cầu thực hiện một cách hợp pháp và tuân thủ đúng thỏa thuận giữa Liên Xô - Hungary.
2. Nhưng cuộc tiến công ngày 4/11/1956 thì lại khác, Chính phủ hợp pháp của Hungary không yêu cầu, đồng thời ngược lại còn yêu cầu quân đội Liên Xô rút quân, và hoàn toàn vi phạm hiệp ước thân thiện và liên minh Liên Xô - Hungary.
Những người cộng sản nên có thái độ đúng đắn như thế nào đối với sự kiện này ?
1. Chúng ta cần nên có thái độ lên án về chính sách và phương pháp đối ngoại của Liên Xô dưới thời Khrushchev, họ đã từ bỏ phương pháp marxist - lenininist, ngã hẳn vào con đường Sô-vanh nước lớn trong việc giải quyết mối quan hệ hữu nghị giữa Liên Xô với các nước anh em.
2. Ban lãnh đạo Liên Xô, cá nhân Khrushchev, qua các biên bản cuộc họp của Bộ Chính trị đã cho thấy đầu óc độc đoán. Họ tự xem rằng quan điểm mình là đúng đắn, phương pháp của mình là đúng. Kể cả phương pháp giải quyết vấn đề bằng một cuộc xâm lược vũ trang. Nếu chủ nghĩa sùng bái là cái gì đó đáng phải lên án, thì chủ nghĩa độc tài quân sự của Khrushchev còn đáng khinh bỉ gấp trăm lần.
3. Hành động xâm lược vào một quốc gia có chủ quyền bất kể chế độ chính trị vào 4/11/1956 là không có gì để biện minh, điều đó không thể chấp nhận với một quốc gia Xã hội chủ nghĩa.
Nhưng tại sao hành vi tiến quân của Liên Xô vào Ba Lan 1939, Phần Lan 1940, Baltic 1940 lại không phải xâm lược ? Cũng là vì tính chất của cuộc chiến tranh. Chẳng hạn, quân đội Xô viết tiến vào Ba Lan ngay sau khi Chính phủ Ba Lan đã sụp đổ và hiệu lực hòa ước Riga 1921 chấm dứt, các vùng lãnh thổ do Ba Lan chiếm đóng từ 1921 đã không còn hiệu lực nữa và nó thuộc phạm vi quản lý của Liên Xô. Hay như việc Chiến tranh Xô - Phần Lan khi nó trở thành cuộc chiến tranh trực tiếp giữa hai quốc gia, hệ quả của một quá trình sụp đổ quan hệ ngoại giao và sự chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh xuyên suốt từ 1938-1940. Hay Baltic 1940 thực chất là cuộc cách mạng vô sản của nhân dân Baltic lật đổ chính phủ tư sản, sau đó sát nhập vào Liên Xô. Việc định danh cho các sự kiện phải xuất phản từ bản chất của các sự kiện đó, chứ không phải là hình thức.
4. Khrushchev và ban lãnh đạo Liên Xô đã đi vào con đường của chủ nghĩa cơ hội, phi marxist - leninist trên nhiều phương diện: từ chính trị, kinh tế, đối ngoại, .... Là nguồn cơn của sự khôi phục mầm mống chủ nghĩa tư bản ở Liên Xô, là nguyên nhân sâu xa của việc Liên Xô sụp đổ.
5. Cần phải nhìn rõ đúng thực tế lịch sử, để rút ra những bài học kinh nghiệm xương máu, để tránh phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lại đi vào vết xe đổ của Chủ nghĩa xét lại hiện đại. Đồng thời, không ngừng củng cố đảng marxist - lenininst, vũ trang bằng học thuyết chân chính của giai cấp vô sản.