Vấn đề Rakosi
Vấn đề Rakosi
Tôi thiết nghĩ rằng, chúng ta không có gì phải che giấu những sai lầm mà Rakosi, một thời là nhà lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Hungary đã phạm phải.
Vậy thì đồng chí Rakosi đã phạm phải những sai lầm gì trước khi bị cách chức khỏi cương vị Tổng bí thư và phải sống lưu vong ở Liên Xô ?
1. Trong một khoảng thời gian dài, trên cương vị Tổng bí thư Đảng, Rakosi phạm một số sai lầm chính trị đặc biệt trong việc hạn chế sự lãnh đạo tập thể của Đảng. Đôi khi cuộc thảo luận trong Bộ Chính trị Hungary thường kết thúc với việc Rakosi chốt lời rằng "đây là ý kiến của Moskva", "đấy là góp ý của đồng chí Stalin", "người Nga đã xem xét". Nhưng trong thực tế, Rakosi không hề có liên lạc gì với Đảng Cộng sản Liên Xô, với cá nhân đồng chí Stalin. Lần tiếp xúc gần nhất là năm 1948, khi đó đồng chí Stalin đã lắng nghe các yêu cầu của ban lãnh đạo Hungary, góp ý và thông qua các biện pháp giúp đỡ mà Liên Xô sẽ dành cho Hungary. Từ đó đến năm 1953, tất cả đều giải quyết qua sự phối hợp liên chính phủ giữa Liên Xô và Hungary. Nói cách khác, Rakosi đã mượn bóng Stalin và Liên Xô để duy trì sự lãnh đạo cá nhân trong ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Hungary. Thậm chí, vì sự bất đồng trong ban lãnh đạo Hungary trong việc giải quyết phong trào tập thể hóa, Rakosi còn gây áp lực khai trừ Nagy Imre khỏi Bộ Chính trị. Lỗi lầm đó của Rakosi rõ ràng là không chấp nhận được.
2. Trong một thời gian dài, trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Rakosi cũng đã "can thiệp" sâu vào công tác của Bộ Nội vụ Hungary, thậm chí còn lãnh đạo luôn công tác của họ, ông ta xem xét và quyết định ai sẽ bị bắt. Khó có thể tin nổi là Hungary, đất nước có 9 triệu rưỡi dân, trong một thời gian ngắn lại có đến 1 triệu rưỡi người xét xử và nhận các mức bản án khác nhau (bắt nguồn từ sai lầm trong mục tiêu phát triển kinh tế của Hungary và chính sách thu hẹp các giai cấp trong nền kinh tế) ? Tính riêng trong năm 1952, chỉ với 9 tháng, có đến 540.000 bản án dành cho các trường hợp vi phạm khác nhau về quy định của nhà nước trong phong trào hợp tác hóa. Đó là sự thật. Mặc dù chúng ta nên hiểu rằng, những công tác của Bộ Nội vụ Hungary là cần thiết trong việc đảm bảo chuyển đổi bộ máy nhà nước Hungary từ chế độ dân chủ nhân dân lên chế độ xã hội chủ nghĩa là đúng. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta chấp nhận một sự can thiệp thô bạo và quan liêu như cách mà Rakosi đã thực hiện. Và rõ ràng ở đây, lỗi lầm của Rakosi là không chấp nhận được.
3. Trong thời kỳ Rakosi làm lãnh đạo, có thể thấy rằng Chính phủ Hungary đã có một số cuộc phiêu lưu trong việc phát triển kinh tế.
Về hợp tác hóa: có thể thấy rằng, mặc dù chưa phải là một nước được trang bị bằng nền công nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu tối thiểu để cải tạo nông nghiệp, nhưng Hungary, đã đẩy nhanh và thu hẹp thời gian của phong trào tập hợp tác hóa trong nông nghiệp. Điều đó đã làm phá sản chính sách kinh tế nông nghiệp của Hungary. Kinh tế tiểu nông còn đang phát triển và chiếm đa số, kinh tế tập thể thì nhỏ và chưa được hiện đại hóa, nền công nghiệp thì còn đang từng bước được củng cố và xây dựng mới. Tốc độ cao trong phong trào hợp tác hóa đã làm hạn chế một cách có hệ thống và toàn diện nền kinh tế Hungary, làm cho tình hình sản xuất của Hungary gặp khốn đốn, sự khan hụt hàng hóa nông nghiệp.
Về công nghiệp hóa: cần phải nói rõ rằng, không phải bất cứ nước nào cũng có những điều kiện về sự giàu có khoáng sản như Liên Xô, do đó, chính sách công nghiệp cũng vì thế mà nên phụ thuộc vào những điều kiện thực tế nước mình. Hungary đã xây dựng những kế hoạch công nghiệp hóa rõ ràng là mang tính chất phiêu lưu. Ví dụ, họ muốn phát triển các ngành luyện kim, nhiên liệu do đó họ xây dựng các nhà máy, nhưng vấn đề là nó, không tương xứng với quy mô khai thác và sự hạn chế của tài nguyên nước mình. Kết quả là họ phải nhập khẩu thêm cả quặng sắt từ bên ngoài để đáp ứng công suất của nhà máy, còn quặng sắt trong nước thì chưa thể khai thác đáp ứng công suất. Sự đầu tư vào các ngành công nghiệp cũng không đúng, đôi khi là quá thiên về mặt này, bỏ mặt kia. Kết quả là làm cho cơ cấu phát triển công nghiệp phát triển theo khuynh hướng lệch lạc. Ví dụ, năm 1953, sản xuất công nghiệp Hungary răng 11,5%, rõ ràng đó là con số lớn. Bây giờ hãy phân tích kỹ, khu vực công nghiệp A (công nghiệp nặng) tăng 20%, còn khu vực B (công nghiệp nhẹ) tăng 7%. Kết quả là gì ? Kết quả là mất cân đối trong việc phân bổ phát triển giữa công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ. Kết quả là thiếu hụt đáng kể lượng hàng hóa công nghiệp phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, mà kết quả là phải nhập khẩu từ bên ngoài.
Trên đây là những tóm gọn những sai lầm của đồng chí Rakosi trong thời kỳ công tác lãnh đạo Đảng và Nhà nước Hungary.
Có vấn đề người ta cần phải đặt ra, liệu Khủng hoảng ở Hungary vào 1956 có phải hậu quả của những sai lầm của Rakosi không ?
Tôi cho rằng nó có chỗ đúng, nhưng đồng thời cũng có chỗ không đúng. Đồng chí Rakosi có sai lầm, nhưng Khủng hoảng Hungary 1956, yếu tố "Rakosi" không phải là yếu tố mang tính chất quyết định.
Tôi cần phải nói rằng, không phải mãi đến năm 1956, mà từ năm 1953, Rakosi trên thực tế đã bị hạn chế những quyền hạn chính trị của mình, mặc dù ông ta vẫn giữ cương vị Tổng bí thư. Đảng Cộng sản Hungary trên thực tế đã thực hiện những bước cải cách chính trị đúng đắn, đã chuyển từ sự lạm dụng cá nhân thành lãnh đạo tập thể.
Trong cuộc trao đổi giữa phái đoàn Hungary với Bộ Chính trị Liên Xô ngày 13/6/1953, Rakosi đã thừa nhận những khuyết điểm của mình và hứa sẽ khắc phục. Rakosi tự nhận thức:
" Những gì các đồng chí phê bình là đúng. Tính kiêu ngạo [của tôi], đó là một căn bệnh mà tự bản thân con người khó lòng nhận thức được, cũng giống như tự bản thân không thể nhận ra mùi cơ thể của chính mình vậy ". (Hungarian National Archives, Budapest, 276.f. 102/65. öe.)
Trên thực tế, từ năm 1953, Đảng Cộng sản Hungary đã quay trở về với phương thức lãnh đạo tập thể. Tất nhiên, ảnh hưởng của Rakosi vẫn chiếm địa vị không nhỏ trong ban lãnh đạo Hungary, vẫn còn ít nhiều người kiên nể hay sợ ông ta. Do đó, mặc dù quyền hạn của Rakosi đã bị hạn chế ít nhiều, nhưng ông ta vẫn tiếp tục giữ cương vị Tổng bí thư.
Có thể nói, Khủng hoảng Hungary 1956, không phải đơn thuần là trách nhiệm của cá nhân Rakosi, mà là cả ở sự lãnh đạo tập thể của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Hungary. Trong quá trình phát triển tiếp theo của Hungary từ 1953 - 1956, đất nước đã chưa thực sự đạt lấy những bước tiến dài. Rakosi cũng chưa thể củng cố lại uy tín của mình trong quần chúng đảng viên và nhân dân.
Và rồi cơn bão tố của các cuộc cải cách chính trị xuất hiện.
Sự phục hồi của các nạn nhân bị đàn áp chính trị bắt đầu được thực hiện bởi Beria, sau đó là Khrushchev. Làn sóng "cải cách dân chủ" dần dần được Liên Xô thực hiện theo từng nấc thang, ban đầu là nhỏ giọt, sau đó là lớn chút, rồi kế đến là ồ ạt. Beria bắt đầu nó bằng việc phóng thích một số tù nhân nhất định, lúc đó ông ta đổ lỗi đó là sai lầm của bộ máy An ninh thời Stalin. Khrushchev tiếp tục công việc đó với sự phóng thích tù nhân chính trị với quy mô lớn hơn, lúc đó ông ta đổ lỗi rằng đó là sai lầm của Beria và bộ máy An ninh. Sau Đại hội XX, Khrushchev ồ ạt phóng thích các tù nhân chính trị, lúc bấy giờ ông ta đổ lỗi đó là sai lầm của Stalin, của Beria và bộ máy An ninh. Đi đôi với quá trình cải cách dân chủ ồ ạt đó, thì Beria, sau đó là Khrushchev, ban lãnh đạo Liên Xô cũng yêu cầu các Đảng anh em cùng phải tiến hành các cuộc cải cách dân chủ giống như mình vậy.
Đảng Hungary cũng nằm trong vòng xoáy của các cuộc cải cách dân chủ của các nhà lãnh đạo Liên Xô. Rakosi, sau đó là Nagy Imre cũng đã ban bố nhiều sắc lệnh phóng thích tù chính trị. Rakosi ban đầu cũng hài lòng với việc phóng thích đó, chí ít là nó giữ vững hình ảnh của ông ấy trong giới lãnh đạo. Nhưng thả càng nhiều, thì sự chỉ trích của tù nhân chính trị đối với Rakosi càng lớn. Phong trào cải cách dân chủ và phục hồi chính trị hình thành rõ rệt và ngày càng phát triển, nhất là sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, nó trở thành một cơn lốc ồ ạt đả phá vào hệ thống chính trị Hungary. Vị thế của Rakosi bị lung lay, vì ông ta luôn được mặc định là người đứng sau các cuộc đàn áp từ 1948 - 1953. Làn sóng cải cách dân chủ đó không chỉ tồn tại trên báo chí, mà còn tràn ra cả đường phố. Các cuộc bãi công, mít-tinh yêu cầu Rakosi phải từ chức đã xuất hiện. Áp lực nặng nề của quần chúng lên sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Hungary ngày càng lớn.
Nhưng, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Hungary lại do dự trong việc cách chức Rakosi, họ lưỡng lự, nửa muốn, nửa không. Phần thì họ cho rằng, việc cách chức Rakosi là một biện pháp thiết thực cho công cuộc cải cách dân chủ ở Hungary; phần thì họ cho rằng làm như thế có nghĩa là phủ định những thành quả mà Hungary đã đạt được trong 11 năm dưới sự lãnh đạo Rakosi. Thái độ của Ủy ban Trung ương Đảng rõ ràng là bị phân hóa thành hai khuynh hướng trên, và do đó thiếu tính quyết đoán. Nhưng cán cân đã nhanh chóng nghiên về những người ủng hộ cách chức Rakosi khi một ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô đã đến thủ đô Budapest của Hungary mang theo những "kế hoạch" cải cách mà các nhà lãnh đạo Liên Xô đã bàn bạc về vị trí của Rakosi. Ngày 13/7/1956, Mikoyan đã đáp máy bay đến Budapest mang theo những "chỉ thị" từ Bộ Chính trị Liên Xô, trong đó nhấn mạnh rằng những ý nghĩa to lớn của Đại hội XX (2/1956) của Đảng Cộng sản Liên Xô về những cải cách dân chủ. Mikoyan đã gợi ý cho ban lãnh đạo Hungary về sự cần thiết phải cách chức Rakosi, phải thỏa mãn vấn đề chủ yếu của phong trào dân chủ hiện nay - cách chức Rakosi, và sau đó là ổn định tình hình, bắt đầu khôi phục và phát triển kinh tế. Ngày 18/7/1956, một phiên họp đặc biệt của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Hungary đã đi đến kết luận (với đa số phiếu) tước bỏ toàn bộ các chức vụ của Rakosi trong Đảng và Nhà nước. Ngày 26/7/1956, với lý do "đi dưỡng bệnh", Rakosi đáp máy bay đến Liên Xô và sống lưu vong trong suốt 25 năm.
Việc Rakosi bị loại khỏi vũ đài chính trị là thắng lợi của "những người cải cách dân chủ".
Xét rộng hơn, nó còn là thắng lợi chính trị của Chủ nghĩa xét lại của Khrushchev.
Nó không chỉ dừng ở việc phủ định các tư tưởng của Stalin và những người từng "thề thốt" trung thành với ông. Mà trên thực tế, Chủ nghĩa xét lại Khrushchev đã thông qua các làn sóng cải cách dân chủ này để cấu trúc lại ban lãnh đạo của các Đảng anh em và thiết lập lại một trật tự mới trong mối quan hệ giữa các Đảng cộng sản và công nhân. Từ mối quan hệ "bình đẳng, hữu nghị" sang quan hệ "chi phối, nước lớn".
Chúng ta có thể so sánh lại một chút về tương quan và mối quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản, Hungary và Liên Xô, tại hai thời điểm khác nhau, mà cụ thể là dưới thời Stalin và Khrushchev.
Từ năm 1945 cho đến trước thời điểm 1953, nhiều lần phái đoàn Hungary đã đến Liên Xô và làm việc trực tiếp với Stalin. Tuy nhiên, đó là các phái đoàn Chính phủ và việc trao đổi là liên Chính phủ. Ở đây, cần phải thấy rằng, đã có một sự phân biệt rõ ràng giữa các chức năng của Đảng và Chính phủ. Chúng ta nên hiểu ở đây rằng, Đảng Cộng sản Liên Xô là một đảng lớn, đôi khi những quyết định, quan điểm của Đảng Cộng sản Liên Xô cũng có thể trở thành "kim chỉ nam" tư tưởng cho các đảng anh em khác noi theo. Thực sự đã có thông lệ như vậy. Nhưng, giữa liên chính phủ thì không thể như thế. Chính phủ Hungary không thể căn cứ trên các quan điểm, quyết định của Liên Xô mà noi theo được. Chính phủ Hungary chỉ có thể căn cứ trên lợi ích của đất nước và nhân dân Hungary. Do đó, các cuộc gặp gỡ giữa phái đoàn Liên Xô và Hungary là dựa trên cơ sở của sự cởi mở, chân thành và hữu nghị.
Chúng ta hãy cùng xem biên bản cuộc họp của giữa phái đoàn Chính phủ Hungary với Chính phủ Liên Xô vào ngày 10/4/1946 như thế nào nhé.
"Đồng chí Nagy nhấn mạnh rằng Hungary hoàn toàn tin tưởng Liên Xô và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Stalin, và ông, với tư cách là Thủ tướng Hungary sẽ báo cáo tóm tắt cho đồng chí Stalin về tình hình Hungary, trong ngày lễ kỷ niệm lần thứ nhất ngày giải phóng Hungary khỏi chế độ phát xít.
Đồng chí Stalin đáp lại rằng, Thủ tướng Hungary không cần phải báo cáo với ông, vì Chính phủ Liên Xô luôn coi rằng Hungary giờ đây là một quốc gia độc lập, do đó, những gì Thủ tướng trình bày ở đây là việc cung cấp thông tin cho Chính phủ Liên Xô. Và đồng chí Stalin đã cảm ơn Thủ tướng Nagy về việc cung cấp thông tin này". (APRF, f. 45, op. 1, d. 293, 1. 2-16)
Có thể thấy rõ rằng, Nagy Imre, trong một phút chốc đã nhầm lẫn vai trò vị trí của mình trong cuộc họp. Điều đó dễ hiểu, vì trước đó, gần như suốt nửa cuộc đời của mình, ông ta đã coi Stalin như một vị lãnh tụ của giai cấp vô sản quốc tế, của các Đảng cộng sản và công nhân. Và phút chốc, ông ta quên mất vị thế của mình là ngang hàng với Stalin, trên cương vị là Thủ tướng; mà xuống nước thành "người học trò trung thành của đồng chí Stalin" và do đó, thay vì dùng từ thông tin, ông ấy lại dùng "báo cáo". Và đồng chí Stalin đã vui vẻ "chỉnh sửa" giúp Nagy sai sót đó. Ở đây, một sự bình đẳng, hữu nghị và chân thành có thể nhìn thấy rõ qua các cử chỉ nhỏ nhặt đấy.
Trong suốt cuộc họp, Stalin đã hỏi phái đoàn Hungary rằng "nhu cầu" của Hungary là gì và trả lời là có thể đáp ứng hoặc không. Stalin không đặt ra và yêu cầu chính phủ Hungary "phải làm gì". Đó chính là thái độ của Stalin đối với các nước dân chủ nhân dân anh em.
Có người sẽ hỏi vậy thì Đảng Cộng sản Liên Xô liên lạc thế nào với Đảng Cộng sản Hungary ? Trên thực tế là các Đảng có thể liên lạc với nhau thông qua Ủy ban đối ngoại của mỗi Đảng. Nhưng trực tiếp, chính là thông qua Cục thông tin Quốc tế giữa các Đảng Cộng sản. Tại Cục Thông tin này, các Đảng Cộng sản sẽ trình bày báo cáo về các vấn đề mình quan tâm, những khó khăn, không chỉ với Đảng Cộng sản Liên Xô, mà còn cho các đảng anh em khác nữa. Và tất cả đều phải thông qua việc biểu quyết giữa các phái đoàn đại diện của các Đảng Cộng sản và công nhân anh em để ra Nghị quyết chung.
Ngược lại, sau cái chết của Stalin, từ tháng 3/1953 cho đến 11/1956, đã có 4 lần khác nhau Đảng Cộng sản Liên Xô tiếp xúc riêng lẻ với Đảng Cộng sản Hungary, mà tính chất của các cuộc tiếp xúc này đã chuyển hẳn từ "bình đẳng, hữu nghị" sang quan hệ "chi phối, nước lớn".
- Lần thứ nhất, từ ngày 13/6/1953 cho đến ngày 16/7/1953, một phái đoàn của Đảng Cộng sản Hungary đã có mặt tại Moskva để thảo luận với Bộ Chính trị Liên Xô về việc cải tổ lại Chính phủ Hungary và các chính sách phát triển tiếp theo của Hungary. Tại cuộc họp này, các nhà lãnh đạo Hungary đã chấp thuận các đề xuất cải tổ Đảng, Chính phủ, Nhà nước và các chính sách kinh tế theo hướng "gợi ý" của các nhà lãnh đạo Liên Xô.
- Lần thứ hai, là vào ngày 13/7/1956, Mikoyan, một ủy viên Bộ Chính trị Liên Xô đã bay đến thủ đô Budapest để đưa ra một "gợi ý" loại bỏ Rakosi và cải tổ lại ban lãnh đạo Hungary (lần thứ 2). Đưa Gero lên làm Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Cộng sản Hungary thay cho Rakosi. Việc một ủy viên Bộ Chính trị Liên Xô có thể đóng một vai trò to lớn trong việc thay thế nhà lãnh đạo tối cao của một Đảng anh em đã cho thấy cái vị thế như thế nào giữa Đảng Cộng sản Liên Xô với các nước Đông Âu (nhưng các nước châu Á thì khó hơn nhiều).
- Lần thứ ba, là vào ngày 27/10/1956. Trong một phiên họp của Bộ Chính trị Liên Xô ngày 23/10/1956, Khrushchev đã yêu cải tổ lại ban lãnh đạo Hungary với việc đưa Nagy Imre quay trở lại vũ đài chính trị (năm 1954 ông tiếp tục bị Rakosi gây áp lực cách chức khỏi cương vị Thủ tướng, đưa Hegedus lên thay). Ngày 24/10/1956, Mikoyan và Suslov đáp máy bay đi Hungary. Tại phiên họp toàn thể Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Hungary có sự tham gia "cố vấn" của Mikoyan và Suslov, ban lãnh đạo Hungary được cải tổ lần thứ 3, với việc Janos Kadar làm Tổng bí thư, còn Nagy Imre được bầu lại làm Thủ tướng.
- Lần thứ tư, là vào ngày 4/11/1956. Lúc này, quân đội Xô viết do Zhukov lãnh đạo đã chiếm toàn bộ các trung tâm thành thị và tất cả các vị trí chiến lược quân sự khắp đất nước Hungary, giải tán hoàn toàn Chính phủ Hungary. Điểm này xin lưu ý, trong những ngày cuối tháng 10 và đầu tháng 11, việc Chính phủ Nagy Imre đàm phán với các phe phái nổi dậy và chuyển sang lập trường chống sự can thiệp của quân đội Xô viết vào Hungary, đồng thời với các cuộc khủng bố giết hại đảng viên diễn ra khắp nơi trên đất nước Hungary (bao gồm cả thủ đô Budapest) đã làm cơ cấu tổ chức Đảng Cộng sản Hungary tan rã, Ủy ban Trung ương phân liệt, một số nhà lãnh đạo Hungary đứng đầu là Janos Kadar đã bay đến Liên Xô họp với Bộ Chính trị Liên Xô vào ngày 2/11/1956 đã quyết định đưa các lực lượng quân đội Xô viết (lực lượng vượt biên) đánh chiếm hầu hết các vị trí quan trọng trên đất nước Hungary và thủ tiêu Chính phủ của Nagy Imre. Sau đó tái lập Chính phủ mới do Janos Kadar làm Thủ tướng. Đây là lần cải tổ thứ 4 của ban lãnh đạo Hungary.
Điều này thật kinh khủng, cả 4 lần gặp, ban lãnh đạo Hungary đều phải cải tổ. Họ chịu sự tác động và chi phối nặng nề bởi những nhà lãnh đạo Liên Xô, đứng đầu là Khrushchev.
Chúng ta có thể thấy rõ rằng, quan hệ giữa các Đảng anh em dưới thời Stalin và Khrushchev là hoàn toàn khác nhau. Chủ nghĩa xét lại Khrushchev đã đi đến chỗ tạo lập mối quan hệ bất bình đẳng và sô vanh nước lớn đối với các chế độ chính trị Đông Âu. Điều đó dẫn đến việc, các nước dân chủ nhân dân Đông Âu từ chỗ là các nước đồng minh anh em trên cơ sở bình đẳng và hữu nghị, biến thành các nước phụ thuộc; biến các nhà lãnh đạo các nước anh em (Đông Âu) thành những kẻ phụ thuộc hoặc các đồng phạm chính trị.
Bây giờ chúng ta quay trở lại với câu hỏi lúc nãy đã nêu về yếu tố "Rakosi".
Như đã thông tin, Rakosi bị loại khỏi vũ đài chính trị vào hồi tháng 7/1956. Mặc dầu nguồn cơn của cuộc khủng hoảng được hình thành do làn sóng cải cách dân chủ chống ông ấy. Tuy nhiên, xin hãy lưu ý về thời điểm cuộc khủng hoảng xảy ra. Cách mạng màu Hungary nổ ra vào cuối tháng 10, đầu tháng 11/1956. Nghĩa là sau khi nhu cầu loại bỏ Rakosi khỏi vũ đài chính trị đã được thỏa mãn, nhưng vì lý do khác cho nên phong trào này vẫn tiếp tục và biến thành Khủng hoảng sau đó 3 tháng. Như vậy, Rakosi không thể là nguyên nhân chính yếu dẫn đến cuộc Khủng hoảng Hungary năm 1956.
Thực tế, các sự kiến tiếp theo bắt đầu từ những nguyên nhân khác. Và Rakosi trên thực tế không còn liên quan đến nữa.
Như vậy, tại thời điểm tháng 7/1956, vấn đề "Rakosi" trên thực tế đã chấm dứt.
Vậy vấn đề gì đã xảy ra tiếp theo ?
Tôi sẽ giải đáp trong phần tiếp theo của Series này.
#Gấu
=================