Lạm bàn về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta
Lạm bàn về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta
Các con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội
Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, nói đúng hơn, đó là thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Một khoảng thời gian tương đối để chuyển nền sản xuất Tư bản chủ nghĩa lên Chủ nghĩa xã hội.
Các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác đã vạch ra cho chúng ta thấy có đến 3 con đường có thể đi lên Chủ nghĩa xã hội: trực tiếp, gián tiếp và nửa trực tiếp.
- Con đường trực tiếp: tức là khi nền sản xuất Tư bản chủ nghĩa đã đạt đến trình độ phát triển cao độ và tính chất xã hội hóa rộng rãi, xuất hiện điều kiện mà khi giai cấp công nhân giành lấy chính quyền có thể chuyển ngay lập tức từ nền sản xuất Tư bản chủ nghĩa sang Chủ nghĩa xã hội mà không cần một khoảng thời gian tương đối nào đó để phát triển thêm nền sản xuất Tư bản chủ nghĩa. Engels đã nhắc nhiều lần trong các tác phẩm của mình, và cụ thể nước mà thời các ông cho rằng thích hợp nhất là nước Anh, khi nó đã mang tính chất xã hội hóa cao độ trong toàn bộ nền kinh tế.
- Con đường gián tiếp: tức là khi nền sản xuất Tư bản chủ nghĩa phát triển một cách tương đối, chưa toàn diện, tính chất xã hội hóa không đồng đều. Sau khi giai cấp công nhân nắm lấy Nhà nước, trong một thời gian tương đối, sẽ phải duy trì, phát triển nền sản xuất Tư bản chủ nghĩa cho đến khi nó đạt đủ những điều kiện phù hợp để chuyển dần nền sản xuất đó sang Chủ nghĩa xã hội. Lịch sử vĩ đại của Liên Xô đã chứng minh rằng con đường đó của Lê-nin là đúng đắn. Sau Cách mạng tháng Mười, Nhà nước Xô viết đã quốc hữu hóa một bộ phận nền kinh tế quốc dân bao gồm những ngành công nghiệp nặng trọng yếu, duy trì ở một mức độ nào đó sự phát triển của Chủ nghĩa tư bản thông qua các hình thức: Chủ nghĩa tư bản Nhà nước, kinh tế tư bản tư nhân, sản xuất nhỏ. Từng bước, cùng với các kế hoạch đại kim khí nước Nga, từ 1918 cho đến 1934, Liên Xô loại dần các thành phần kinh tế Tư bản chủ nghĩa, thay bằng các nền sản xuất Xã hội chủ nghĩa dưới hai hình thức quốc doanh và tập thể. Từ đó kiến thiết chế độ Xã hội chủ nghĩa.
- Con đường nửa trực tiếp: tức là từ một nền sản xuất tiền hoặc đã là Tư bản chủ nghĩa đi lên Chủ nghĩa xã hội trong điều kiện bỏ qua luôn giai đoạn Tư bản chủ nghĩa, trực tiếp kiến tạo cơ sở vật chất xã hội chủ nghĩa. Đặc điểm của con đường này là phải có sự hỗ trợ to lớn từ các nước Xã hội chủ nghĩa đã tồn tại trước đó về mọi mặt, do đó có thể bỏ qua cả giai đoạn Tư bản chủ nghĩa để mà tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Trong lịch sử, kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, với sự ra đời của hệ thống các nước dân chủ nhân dân, chúng ta đã thấy việc áp dụng các mô thức đó thông qua việc hỗ trợ của Liên Xô đối với các nước dân chủ nhân dân do các Đảng mác-xít lãnh đạo. Trong con đường này có cả Việt Nam, cụ thể là từ 1956, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng ta đã xác định Miền Bắc đang bước vào con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện có các nước bạn bè anh em quốc tế giúp đỡ, và tại Đại hội III của Đảng ta 1960, chính thức công nhận điều đó trong Nghị quyết Đại hội.
Trên đây là 3 con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội mà chúng ta cần phải nắm rõ.
Mấy điểm cần hiểu đúng
Nhưng vấn đề đặt ra là nhận thức được 3 con đường trên thì chưa thể giải quyết một cách trọn vẹn lý luận về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Do đó, để có thể hiểu tường tận và chi tiết, chúng ta cần phải đi sâu phân tích và làm rõ vấn đề.
Có nhận định rằng, trước đây Đảng Cộng sản Việt Nam hiểu đơn giản về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội. Điều đó đúng không ?
Thực ra, không phải trước đây Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng Lao động Việt Nam) hiểu đơn giản về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội đâu. Mà là trong quá trình tiến lên Chủ nghĩa xã hội theo con đường nửa trực tiếp trong những năm 1950s-1980s thế kỷ trước, bằng việc bỏ qua hẳn sự phát triển của cả giai đoạn Chủ nghĩa tư bản (quá độ nửa trực tiếp), một số điểm lý luận đó không phải là do không hiểu, mà ngược lại, các nhà lãnh đạo của Đảng ta hoàn toàn hiểu rõ và lựa chọn con đường đó như một sự phù hợp tất yếu trong thời điểm lúc đó.
Từ Đại hội VI đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định lại con đường quá độ ở nước ta là con đường gián tiếp, do đó, nó khác biệt hoàn toàn về mặt tư duy đối với quan niệm về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội của Đảng ta tại các Hội nghị TW và Đại hội Đảng trước đây, nhất là kể từ sau ngày miền Bắc giải phóng. Cụ thể:
- Tại sao chúng ta lại đồng nhất giữa mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa xã hội và mục tiêu trước mắt ? Là vì chúng ta đã bỏ qua cả giai đoạn phát triển Tư bản chủ nghĩa, trực tiếp nhờ vào sự hỗ trợ của các nước anh em, để trực tiếp kiến thiết cơ sở kinh tế Xã hội chủ nghĩa. Do đó, trước hay sau ta đều là kinh tế xã hội chủ nghĩa (chỉ là khác về quy mô và trình độ tổ chức). Thì sự đồng nhất giữa mục tiêu cuối cùng và mục tiêu trước mắt là một điều tất yếu.
- Tại sao chúng ta lại nhấn mạnh một chiều quan hệ sản xuất ? Là vì chúng ta bỏ qua cả giai đoạn phát triển Tư bản chủ nghĩa, có thể nhờ vào các nước xã hội chủ nghĩa anh em để mà vừa kiến thiết quan hệ sản xuất mới vừa không ngừng nâng cao trình độ sản xuất. Đối với các nền sản xuất thông thường, việc quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là quy luật tất yếu và đúng đắn. Nhưng trong điều kiện có các nước xã hội chủ nghĩa giúp đỡ, lại có hoàn cảnh đặc biệt, thì phần nào đó quy luật sản xuất thông thường không thể đáp ứng nhu cầu của quá trình phát triển đó được. Ta lấy ví dụ nho nhỏ, sau khi miền Bắc được giải phóng, chỉ trong vòng 2 lần kế hoạch kinh tế 3 năm, đến năm 1960, ta hợp tác hóa hơn 90% nông dân vào các hợp tác xã. Tại sao có thể làm được trong khi hợp tác xã là một hình thức xã hội hóa cao độ hơn cả các ác-ten tư bản chủ nghĩa, trong khi trình độ sản xuất và nền văn hóa trong nông thôn của nhân dân ta thời điểm đó là tương đối nghèo nàn lạc hậu ? Đó há chả phải là quan hệ sản xuất đi trước và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất đi theo sau à ? Nhưng không có hợp tác xã thì ta lấy gì sản xuất ra hàng hóa phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ? Rõ ràng ở đây, mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế, song, sự phát triển của quan hệ sản xuất đi trước cũng có những ưu điểm nhất định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Tại sao chúng ta có thể hợp tác hóa trong điều kiện như thế ? Là vì chúng ta đã có các nước Xã hội chủ nghĩa anh em hỗ trợ, đảm bảo có thể triển khai phong trào hợp tác hóa như thế. Là vì hoàn cảnh của cuộc chiến tranh Ái quốc vĩ đại của nhân dân ta đã thôi thúc toàn thể đồng bào kiên quyết một lòng thi hành bất kỳ các chiến sách nào miễn là nó có lợi cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Là vì đồng bào ta hết lòng một dạ yêu quý Đảng, trung thành với Đảng, ủng hộ Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Là vì nền sản xuất tiểu nông ở nước ta đã minh chứng rằng nó không thể bì được với lối kinh tế hợp tác hóa, không thể bì được với lối sản xuất lớn Xã hội chủ nghĩa.
- Tại sao chúng ta lại nhấn mạnh chế độ phân phối bình quân ? Là vì chúng ta không thể và không đủ khả năng sản xuất ra một khối lượng hàng hóa đủ để cung ứng cho nhu cầu của nhân dân trong thời điểm đặc biệt (giai đoạn 1955-1985), đặc biệt là hàng hóa tiêu dùng. Tính tất yếu để tránh việc mất cân bằng, là phải phân phối bình quân, chế độ tem phiếu. Tem phiếu không phải là đặc trưng của kinh tế Chủ nghĩa xã hội. Quan niệm đó là sai, nó là đặc trưng của một nền sản xuất còn kém và lạc hậu và gặp nhiều biến cố. Một xã hội như nước ta phải trãi qua 80 năm thuộc địa, hai cuộc kháng chiến, lại thêm hàng chục năm cấm vận, các nước bạn bè anh em lâm vào khủng hoảng và sụp đổ, .... lại không phát triển qua giai đoạn Tư bản chủ nghĩa. Tính tất yếu dẫn đến khủng hoảng triền miên và phá sản. Sự sụp đổ của mô hình Chủ nghĩa xã hội ở nước ta đầu những năm 80s của thế kỷ trước, không phải là sự sụp đổ của tổng thẩy mô hình Chủ nghĩa xã hội, trên thực tế, nó là sự sụp đổ của mô hình quá độ đi lên Chủ nghĩa xã hội theo lối nửa trực tiếp mà trong đó phụ thuộc rất lớn vào sự hỗ trợ của các nước anh em về các nguồn nguyên nhiên vật liệu, kỹ thuật, khoa học công nghệ. Sự suy yếu của hệ thống xã hội chủ nghĩa, sự chia rẽ trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, sự cắt giảm ngày càng nhiều các hỗ trợ về kinh tế, đã tác động kinh khủng đối với các kế hoạch phát triển kinh tế của nước ta (vốn chưa trãi qua sự phát triển của giai đoạn tư bản chủ nghĩa), thì làm sao có thể tránh khỏi việc sụp đổ được.
- Tại sao chúng ta lại không thừa nhận các thành phần kinh tế ? Là vì chúng ta không thể thừa nhận được khi chúng ta đang cố đi lên Chủ nghĩa xã hội bỏ qua cả giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản. Nhưng điều đó không đồng nghĩa là nước ta chưa từng công nhận đa thành phần kinh tế. Sự thực là từ Đại hội II (1951) cho đến trước Đại hội III (1960) chúng ta chấp nhận đa thành phần kinh tế, bởi vì lúc đó chúng ta đang phát triển chế độ dân chủ nhân dân, nhưng ngay khi ý thức về việc cần phải quá độ lên Chủ nghĩa xã hội với tốc độ nhanh, thì chúng ta tiến hành cải tạo các thành phần kinh tế khác (1957-1960) nhằm tạo ra các cơ sở vật chất căn bản để tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Do đó, đa thành phần kinh tế mới bị loại khỏi chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Đảng ta.
Và nhiều vấn đề khác nữa. Nhưng tựu chung lại, không phải vì Đảng ta nhận thức sai lệch con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội, mà vì trong điều kiện khi đó, giữa sự tồn tại của nước ta trong hệ thống phe xã hội chủ nghĩa thì con đường quá độ nửa trực tiếp lên Chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu mà chúng ta phải đi tới. Đó là chúng ta chưa kể đến việc, miền Bắc nhất định phải tiến nhanh tiến mạnh lên Chủ nghĩa xã hội để tạo thành cơ sở, hậu phương cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, cho nên để càng tiến nhanh tiến mạnh hơn nữa thì chúng ta cần phải hội nhập sâu vào cộng đồng các quốc gia xã hội chủ nghĩa.
Nói Đảng ta trước đây quan niệm đơn giản là không đúng; nói rằng khắc phục một số quan niệm là không đủ. Nói đúng hơn, Đảng ta hiện nay đang khắc phục những quan điểm sai lệch, chưa hiểu đúng về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội trong điều kiện mới, điều kiện của sự quá độ gián tiếp, tức là chỉ bỏ qua chế độ Tư bản chủ nghĩa (hệ thống chính trị, thói hư tật xấu) nhưng vẫn duy trì những hình thức của kinh tế Tư bản chủ nghĩa, để nó trở thành cơ sở, là động lực của quá trình phát triển lực lượng sản xuất ở nước ta nhằm tiến lên đạt đến trình độ có thể xã hội hóa theo hướng xã hội chủ nghĩa được. Nói rõ hơn, là một số cán bộ Đảng viên, do không hiểu lý luận về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội, chưa thấy được cái sự khác biệt giữa con đường gián tiếp và con đường nửa trực tiếp, đôi khi vẫn giữ những quan niệm cũ của con đường nửa trực tiếp mà chưa thích nghi, thức ứng với con đường gián tiếp, dẫn đến sai lầm trong chính sách, chủ trương và công tác lãnh đạo.
Quá độ lên Chủ nghĩa xã hội bằng con đường gián tiếp
Vậy thì phát triển theo lối gián tiếp cụ thể là như thế nào ?
Kinh nghiệm của lịch sử Liên Xô đã cho ta thấy rằng, để phát triển lên chủ nghĩa xã hội qua con đường gián tiếp, chính quyền Xô viết đã thi hành một biện pháp kinh tế như sau:
a) Duy trì chế độ đa thành phần kinh tế: Chủ nghĩa Tư bản Nhà nước, kinh tế tư bản tư nhân, tiểu nông sản xuất nhỏ, cá thể, kinh tế Xã hội chủ nghĩa (Quốc doanh và hợp tác). Trong đó kinh tế Xã hội chủ nghĩa là then chốt.
b) Thành lập Ủy ban kế hoạch Nhà nước, kết hợp một cách đúng đắn giữa kế hoạch và tận dụng thị trường (cả tự do lẫn nội bộ) để không ngừng phát triển nền sản xuất xã hội, không ngừng phát triển lực lượng sản xuất trong nông thôn, thúc đẩy quá trình xã hội hóa.
c) Từng bước cải tạo kinh tế bằng nhiều biện pháp, từng bước mở rộng kinh tế Xã hội chủ nghĩa và thủ tiêu dần thành phần kinh tế Tư bản chủ nghĩa trong nền kinh tế, để kinh tế Xã hội chủ nghĩa trở thành lực lượng duy nhất (quốc hữu hóa, hợp tác hóa, công tư hợp doanh, mua lại cổ phần, ....)
Những biến đổi nào đã xảy ra trong đời sống ở Liên Xô trong suốt thời kỳ 1921 - 1936?
Năm 1924, đó là thời kỳ đầu của Chính sách kinh tế mới, lúc đó chính quyền Xô viết đã để chủ nghĩa tư bản hồi phục đến một chừng mực nào đó, đồng thời dốc toàn lực để ra sức phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa; lúc đó đã có sự thi đua giữa hai hệ thống kinh tế - kinh tế xã hội chủ nghĩa và kinh tế tư bản chủ nghĩa - trong nội bộ nền kinh tế Liên Xô. Nhiệm vụ mà chính quyền Xô viết phải làm là tổ chức nền kinh tế xã hội chủ nghĩa sao cho nó đạt những bước tiến lớn, tỏ ra hiệu quả hơn hẳn, vượt trội hơn so với kinh tế tư bản chủ nghĩa. Trong cuộc thi đua đó, từng bước phải củng cố vị trí của chủ nghĩa xã hội, từng bước thanh toán phần tử tư bản chủ nghĩa, làm cho kinh tế xã hội chủ nghĩa trở thành lực lượng thống trị nền kinh tế quốc dân.
Lúc ban đầu, tình hình công nghiệp Liên Xô khá tồi tệ, cả trong công nghiệp nặng. Tuy lúc đó, nó đã được phục hồi phần nào, nhưng vẫn còn cách xa mức trước chiến tranh (ww1). Nền công nghiệp đó, có phần lạc hậu, trang bị kỹ thuật kém (tất nhiên là nó vẫn có những ngành phát triển, và đó là cơ sở cho việc tăng tốc độ cải tạo XHCN). Khu vực xã hội chủ nghĩa trong công nghiệp lúc đó chiếm đến 80%, còn lại là khu vực tư bản chủ nghĩa.
Tình hình nông nghiệp còn nặng nề hơn công nghiệp. Giai cấp bóc lột ở nông thôn vẫn còn đông đảo sau khi giai cấp địa chủ bị thanh toán, giai cấp phú nông, đã trở thành một lực lượng đáng kể. Tóm lại, tình trạng nông nghiệp là nền tiểu sản xuất chiếm số đông tuyệt đối, có nền khoa học kỹ thuật lạc hậu, non kém. Trong biển cả của các cá thể, tiểu chủ thì nông trường quốc doanh và nông trang tập thể xã hội chủ nghĩa như những hạt cát giữa hoang mạc. Các nông trang tập thể, nông trường lúc bấy giờ còn yếu, chưa chiếm địa vị quan trọng, giai cấp phú nông còn đang lớn mạnh. Do đó, chính sách của Đảng là hạn chế giai cấp phú nông.
Đó là sơ lược tình hình kinh tế - xã hội 1924.
Còn năm 1936 thì sao ? Nếu năm 1924 là thời kỳ đầu của Chính sách kinh tế mới, thì năm 1936 là lúc chấm dứt Chính sách kinh tế mới, thời kỳ thanh toán xong chủ nghĩa tư bản ra khỏi hệ thống kinh tế quốc dân.
Nền công nghiệp của Liên Xô khi đó đã trở thành nền công nghiệp khổng lồ, hiện đại. Nền công nghiệp đó dựa trên một nền kỹ thuật mới, hiện đại với công nghiệp nặng phát triển và trong đó công nghiệp chế tạo cơ khí đã đạt đến một trình độ cao. Đi cùng với công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa đó, công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh, chủ nghĩa tư bản đã hoàn toàn bị loại khỏi công nghiệp, chỉ còn lại các doanh nghiệp quốc doanh và hình thức sản xuất xã hội chủ nghĩa chiếm địa vị thống trị. Sản xuất công nghiệp Liên Xô năm 1936 gấp 7 lần so với trước chiến tranh (ww1).
Trong nông nghiệp, đáng lẽ là biển cả thống trị của nền sản xuất nhỏ, tiểu chủ, với nền kỹ thuật lạc hậu và sự thống trị của giai cấp phú nông, thì đã buộc phải thay bằng một nền sản xuất được cơ khí hóa và được trang bị bằng một nền kỹ thuật hiện đại: hệ thống rộng lớn của các nông trang tập thể và nông trường quốc doanh. Giai cấp phú nông đã bị thanh toán trong nông nghiệp và khu vực cá thể, tiểu sản xuất của nông dân. Hình thức kinh tế xã hội chủ nghĩa trong nông thôn đã trở thành lực lượng chủ yếu.
Về thương nghiệp, những năm 1926-1928, thương nghiệp quốc doanh từng bước bị quốc hữu hóa. Bọn con buôn và bọn đầu cơ đã hoàn toàn bị đuổi ra khỏi lĩnh vực đó, toàn bộ thương nghiệp nằm trong tay Nhà nước. Một nền thương nghiệp mới đã ra đời, thương nghiệp xã hội chủ nghĩa. Nó cũng là điều kiện cần để từng bước phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa, thay dần kinh tế tư bản chủ nghĩa bằng kinh tế ã hội chủ nghĩa.
Như thế có nghĩa là gì ?
Như thế có nghĩa là tình trạng người bóc lột người đã bị thủ tiêu, đã bị thanh toán. Những biến đổi đó trong nền kinh tế quốc dân Liên Xô làm cho xuất hiện một nền kinh tế mới, nền kinh tế xã hội chủ nghĩa hoàn chỉnh. Đó là sự khác biệt giữa điểm đầu và cuối của Chính sách kinh tế mới, từ 1921 đến 1936. Đúng như Lenin nhận định: nước Nga xã hội chủ nghĩa sẽ nảy sinh từ nước Nga Chính sách kinh tế mới.
Lịch sử của Chính sách kinh tế mới (NEP), lịch sử của công cuộc kiến thiết Chủ nghĩa xã hội đã minh chứng cho thấy rằng con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội thông qua hình thức gián tiếp đối với điều kiện nước Nga là đúng đắn.
Có vấn đề cần phải đặt ra: liệu con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong những năm Đổi mới có giống con đường mà nước Nga đã đi không ? Thuận lợi, khó khăn ở chỗ nào. Và tương lai nào cho con đường mà chúng ta đang đi ?
Thực ra mà nói, con đường mà hiện nay chúng ta đang đi, là con đường quá độ gián tiếp. Tuy nhiên, chúng ta cũng có điểm khác so với nước Nga, cụ thể là về tốc độ đi lên Chủ nghĩa xã hội và do đó phương pháp vận dụng con đường gián tiếp đó vào điều kiện cụ thể ở nước ta cũng hoàn toàn khác với nước Nga. Trước hết, xuất phát điểm của nước Nga là từng một nước đế quốc hùng mạnh, với nền công nghiệp tương đối tiên tiến so với thế giới (chúng ta thường nói công nghiệp nước Nga lạc hậu, thực ra là so sánh với các nước đế quốc cùng thời, còn đối với phạm vi thế giới lúc bấy giờ, có thể nói cũng thuộc hàng top vì là một trong 5 đại đế quốc), nguồn tài nguyên khoáng sản giàu có, giai cấp công nhân đã đạt đến trình độ phát triển cao về trình độ lẫn ý thức, kỷ luật... Cho nên tốc độ đi lên Chủ nghĩa xã hội có phần cao hơn, vì nền cơ bản đã có sẵn, có nhiều điểm thuận lợi hơn. Ngược lại, nước ta đi lên Chủ nghĩa xã hội trong điều kiện khó khăn hơn rất nhiều, một nước nhỏ, nghèo nàn lạc hậu, đại đa số là nông dân, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, giai cấp công nhân còn nhỏ và trình độ chưa cao, lại trãi qua liên tục hàng chục năm chiến tranh, bao vây cấm vận, sự tan rã của hệ thống Xã hội chủ nghĩa.... Cho nên tốc độ đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta tương đối chậm hơn nhiều, từng bước, không thể làm ồ ạt, không thể trang bị kim khí hóa quy mô như mô hình Liên Xô đã thực hiện được.
Tốc độ và quy mô cải tạo Xã hội chủ nghĩa ngày càng nhanh, sẽ cho phép thu hẹp thị trường tự do ngày càng nhanh, củng cố thị trường nội bộ Xã hội chủ nghĩa và chuyển dần sang nền sản xuất Chủ nghĩa xã hội. Nhưng đối với đặc thù nước ta thì việc thi hành tốc độ đó rõ ràng là không tưởng. Do đó, thị trường tự do trong một thời gian dài sẽ vẫn tồn tại, phát triển và chỉ có thể bị thu hẹp trong điều kiện nước ta có đủ khả năng cải tạo Xã hội chủ nghĩa. Nhưng cơ sở căn bản để có thể tiến hành cải tạo Xã hội chủ nghĩa là gì ? Đó là phải có một nền công nghiệp nặng tiên tiến, nhất là công nghiệp chế tạo máy, có khả năng trang bị và cải tạo đối với các thành phần kinh tế. Điều kiện đó thì hiện nay nước ta chưa thể đạt được, tình trạng công nghiệp ở nước ta hiện nay có thể nói là còn xa nếu muốn tiến nhanh lên Chủ nghĩa xã hội. Công nghệ của chúng ta vẫn còn tụt xa so với thế giới, và quan trọng nhất là chưa đủ để có thể cải tạo nền kinh tế của chúng ta sang kinh tế Xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra còn rất rất nhiều yếu tố khác như: nguồn tài nguyên, trình độ lao động, vốn, ..... Tất tần tật những yếu tố đó làm cho chúng ta cần phải đi đến chỗ xác định một phương hướng khác để đi lên Chủ nghĩa Xã hội.
Nếu không thể tiến nhanh như mô hình Liên Xô, thì ta buộc phải tiến chậm, từng bước.
Vậy thì để công nghiệp hóa ở nước ta trong thời đại ngày nay thì phải làm như thế nào ? Trước đây có hai con đường, con đường Chủ nghĩa Tư bản với việc duy trì chế độ bóc lột (Tư bản chủ nghĩa) và cướp bóc các thuộc địa; con đường thứ hai đó là Chủ nghĩa xã hội với việc tự luật cánh sinh bằng lối tiết kiệm vốn, không ngừng nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật và công nghệ. Nhưng, nước ta không thể đi lên bằng con đường phục hồi chế độ Tư bản chủ nghĩa; đồng thời cũng không đủ tiềm lực phát triển với tốc độ cao như Liên Xô để tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Thế thì phải làm như thế nào ?
Một bài toán khó khăn đã đặt ra trước mắt thế hệ chúng ta.
Đường lối công nghiệp hóa của chúng ta hiện nay dựa trên: nguồn lực trong nước và nguồn vốn nước ngoài. Nguồn lực trong nước thì bao gồm sự phát triển của các doanh nghiệp quốc doanh và các doanh nghiệp tư nhân tư bản chủ nghĩa. Nguồn vốn nước ngoài thì đến từ các doanh nghiệp Tư bản chủ nghĩa nước ngoài, ngoại thương và hợp tác khoa học kỹ thuật với các nước tư bản chủ nghĩa. Do đó, đặc thù của nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta sẽ là:
- Kết hợp và duy trì một thời gian tương đối dài thị trường tự do và từng bước kế hoạch một cách hợp lý nền kinh tế quốc dân, sao cho thành phần kinh tế quốc doanh và tập thể từng bước phát triển đến mộ trình độ có thể lấn át dần các thành phần kinh tế phi Xã hội chủ nghĩa.
Nếu ở Liên Xô, cũng duy trì sự kết hợp giữa thị trường tự do và kế hoạch kinh tế, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, thì ở nước ta hiện nay, việc duy trì sự kết hợp giữa thị trường tự do và kế hoạch kinh tế sẽ duy trì trong một thời gian dài, cho đến ngày mà chúng ta căn bản hoàn thiện nền công nghiệp theo hướng hiện đại, tiên tiến và có khả năng cải tạo Xã hội chủ nghĩa. Kế hoạch kinh tế sẽ đi từng bước, từ nhỏ đến lớn, từ một bộ phận đến tổng thể, cốt sao để phát triển các thành phần kinh tế quốc doanh và tập thể phát triển lấn át hòa toàn các thành phần kinh tế phi Xã hội chủ nghĩa, từng bước đưa địa vị kinh tế Xã hội chủ nghĩa đến chỗ trở thành lực lượng duy nhất của nền kinh tế quốc dân. Tôi tạm chia nó thành những giai đoạn sau:
a) phòng ngự: kế hoạch kinh tế tồn tại chủ yếu dưới hình thức hạch toán kinh doanh của các doanh nghiệp quốc doanh. Đặc thù là thời kỳ này, kinh tế quốc doanh thậm chí là lực lượng thiểu số trong nền kinh tế quốc dân, kinh tế tư bản tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài phát triển mạnh, chi phối đáng kể đời sống kinh tế - xã hội nước ta.
b) cầm cự: tiếp tục hạch toán, nhưng lúc này kinh tế quốc doanh được đầu tư tăng cường, kiểm chứng sự phát triển hiệu quả, từng bước phục hồi vị thế ngang bằng và thậm chí phải nhỉnh hơn so với các thành phần kinh tế phi Xã hội chủ nghĩa. Chủ yếu trong giai đoạn này sẽ là ai thắng ai, bằng cách cạnh tranh năng suất sản xuất giữa kinh tế Xã hội chủ nghĩa và kinh tế phi Xã hội chủ nghĩa.
c) phản công: thay hạch toán bằng kế hoạch hóa kinh tế (đi đôi với thời kỳ Cải tạo xã hội chủ nghĩa), loại bỏ thị trường tự do khỏi các khu vực lưu thông giữa các doanh nghiệp quốc doanh, tạo ra thị trường nội bộ Xã hội chủ nghĩa, từng bước kiểm soát thương nghiệp, tăng cường trao đổi hàng hóa giữa khu vực quốc doanh và tập thể, đi kèm với các chính sách thủ tiêu các thành phần kinh tế khác. Thời kỳ này sẽ bắt đầu khi chúng ta đã có nền công nghiệp đủ mạnh và có khả năng cải tạo Xã hội chủ nghĩa. Kết thúc của thời kỳ phản công, là khi kinh tế Xã hội chủ nghĩa trở thành kinh tế độc nhất trong toàn bộ nền kinh tế, và thời kỳ quá độ chấm dứt, thời kỳ Xã hội chủ nghĩa bắt đầu.
Ở Liên Xô, thời kỳ phòng ngự nó chỉ diễn ra từ 1921 đến 1923 (thời kỳ chấp nhận sự thụt lùi), thời kỳ cầm cự thì từ 1923 - 1928 (phục hồi kinh tế và chuẩn bị nền tảng của kế hoạch kinh tế 5 năm), và thời kỳ phản công là từ 1928 - 1936 (công nghiệp hóa Xã hội chủ nghĩa). Còn ở nước ta, thời kỳ phòng ngự là từ 1986 - 2021, và có lẽ còn thêm một khoảng thời gian dài nữa, mới có thể chuyển sang cầm cự, chí ít là khi nước ta trở thành một nước công nghiệp. Dự báo của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII dự trù rằng đến 2030 nước ta trở thành nước có nền công nghiệp hiện đại, và đến 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao.
Như vậy, con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay, có điểm giống, nhưng cũng có điểm khác với mô hình Liên Xô trước kia. Điểm giống là ta kết hợp giữa kinh tế thị trường với kế hoạch kinh tế. Điểm khác là, đối với Liên Xô tốc độ cải tạo nhanh cho nên không cần nhất thiết phải duy trì, mà có thể nhanh chóng xóa bỏ thị trường tự do; còn ở ta, tốc độ chậm hơn, chưa hội đủ những điều kiện cần để có thể đi lên Chủ nghĩa xã hội ngay được, cho nên trong một thời gian tương đối sẽ xem việc duy trì thị trường tự do là phương hướng chiến lược trong phát triển kinh tế, từng bước định hướng dần lên Chủ nghĩa xã hội.
Tất nhiên, cần lưu ý rằng, con đường "kết hợp giữa thị trường tự do với kế hoạch kinh tế" trong một thời gian lâu dài có thể đứng trước nhiều thử thách nguy hiểm:
a) phải sống chung giữa thế giới vòng vây của Chủ nghĩa tư bản.
b) chính sách kinh tế của các nước tư bản của nước ta như thế nào, cũng có tác động không nhỏ đến quá trình phát triển chung của đất nước.
c) nguy cơ chệch hướng chủ nghĩa xã hội xuất hiện, khi mà Chủ nghĩa tư bản trong nước phát triển mạnh đồng thời, ảnh hưởng của Chủ nghĩa tư bản nước ngoài xâm nhập len lỏi theo các con đường hợp tác và trong các sân chơi quốc tế
d) nguy cơ tự diễn biến trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo: trở cờ, tham nhũng, biến chất
e) nguy cơ phai nhạt lý tưởng Xã hội chủ nghĩa, trình độ nghiên cứu Mác - Lênin suy yếu, sự quan liêu hóa của bộ máy Nhà nước, sự giáo điều trong việc áp dụng các Nghị quyết của Đảng,...
g) nguy cơ diễn giải, hiểu sai lệch về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ngày càng lớn, cuối cùng là chẳng ai hiểu gì, kể cả cán bộ chủ chốt, từ Trung ương đến địa phương.
Trên đây là mấy điểm sơ lược về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
=====================
Ủng hộ ad bằng cách click vào các trang web quảng cáo hoặc đặt mua Sách và Đông trùng hạ thảo tại các trang web sau: