MỘT VÀI NÉT VỀ CÔNG CUỘC XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở NƯỚC TA - (THỜI KỲ 1965 - 1975)



MỘT VÀI NÉT VỀ CÔNG CUỘC XÂY DỰNG

CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở NƯỚC TA

(THỜI KỲ 1965 - 1975)

1965 - 1975 là thời kỳ cả nước có chiến tranh, cả nước trực tiếp chống Mỹ, cứu nước. Đảng ta phải dành nhiều công sức để lãnh đạo chiến tranh, nhưng để chống Mỹ, cứu nước thắng lợi không thể không quan tâm lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Cuộc chiến tranh phá hoại do đế quốc Mỹ gây ra ở miền Bắc diễn ra rất ác liệt; đế quốc Mỹ muốn đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá, trút hàng triệu tấn bom đạn xuống miền Bắc, nhất là các cơ sở giao thông vận tải, các cơ sở công nghiệp...

Khi đế quốc Mỹ trực tiếp đưa quân chiến đấu vào miền Nam và mở rộng chiến tranh bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (khoá III) họp vào tháng 3-1965 đã ra Nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ cấp bách, đề ra nhiệm vụ cấp bách của miền Bắc là: "phải kịp thời chuyển hướng tư tưởng và tổ chức, chuyển hướng xây dựng kinh tế và tăng cường lực lượng quốc phòng cho hợp với tình hình mới" (Tư liệu Viện Lịch sử Đảng, ký hiệu II3/1/61/1. tr.7-8). Tiếp theo Hội nghị Trung ương lần thứ 11 là 13 Hội nghị Trung ương khác, trong đó có 3 cuộc Hội nghị bàn về kinh tế: Hội nghị Trung ương lần thứ 19 họp tháng 1-1971 bàn về phương hướng, nhiệm vụ khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp; Hội nghị Trung ương lần thứ 20 họp tháng 4-1972 bàn về quản lý kinh tế - xã hội; Hội nghị Trung ương lần thứ 22 họp tháng 12-1973 bàn phương hướng, nhiệm vụ mục tiêu khôi phục và phát triển kinh tế năm 1974 - 1975 và tháng 9-1975 Hội nghị Trung ương lần thứ 24 bàn về nhiệm vụ cách mạng Việt Nam sau khi miền Nam được giải phóng, trong đó có một phần đề cập đến vấn đề kinh tế.

Qua sự chỉ đạo của Đảng trong 10 năm này, những thành tựu mà nhân dân đạt được đi tới chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam là chiến công rất vĩ đại. Ở đây chỉ xem xét sự chỉ đạo về kinh tế, đánh giá mặt được cũng như mặt chưa được để mà rút ra một số nhận xét.

Về nông nghiệp:

Trong 10 năm 1965 - 1975, sản xuất lương thực không tăng, có lúc giảm. Năm 1965, lương thực quy thóc đạt hơn 5,5 triệu tấn, nhưng 3 năm tiếp theo tụt xuống dưới 5 triệu tấn, năm 1975 tăng lên một ít so với năm 1965. Bình quân lương thực đầu người giảm nhiều, từ 304 kg năm 1965 xuống 242 kg năm 1975, diện tích cây công nghiệp giảm sút. Năm 1965 diện tích trồng bông là 17.212 ha, đay 13.450 ha, dâu tằm 7.197 ha thì năm 1975 con số tương ứng là 6.602 ha, 12.239 ha, 5.220 ha. Về chăn nuôi trâu, lợn tăng khá, nhưng số lượng bò giảm. Năm 1965 có 1.600.000 trâu, 810.000 bò, 4.790.000 lợn thì đến năm 1975 con số tương ứng là: 1.800.000 trâu, 669.000 bò, 6.746.000 lợn.

Cơ sở vật chất kỹ thuật trong nông nghiệp được tăng cường, 8.460 hợp tác xã được trang bị cơ khí nhỏ, hệ thống thuỷ nông bảo đảm tưới tiêu cho 90 vạn ha. Cán bộ khoa học - kỹ thuật nông nghiệp từ 553 cán bộ đại học năm 1965 lên 1.104 năm 1969. Có sự thay đổi cơ cấu sản xuất cây trồng, vụ đông xuân được mở rộng.

Trong chiến tranh, công cuộc tập thể hoá tiếp tục được mở rộng. Số hộ nông dân vào hợp tác xã năm 1965 là 88,8% thì năm 1975 là 95%. Năm 1965 có 71,7% số hộ tham gia hợp tác xã bậc cao thì năm 1975 con số đó là 96,4%; quy mô hợp tác xã cũng được mở rộng. Bộ Chính trị có nghị quyết về cuộc vận động phát huy dân chủ, tăng cường chế độ làm chủ của xã viên, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc.

Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp trong 10 năm này được duy trì như trên là thành tựu quan trọng, vì chiến tranh phá hoại diễn ra ác liệt, lực lượng lao động trẻ, khoẻ được động viên ra tiền tuyến, nhiều vùng phải bỏ hoang. Cần khẳng định thành tích ấy, trong đó có vai trò của hợp tác xã. Nhưng mặt khác phải thấy những nhược điểm của hợp tác xã ngày càng tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển sản xuất nông nghiệp ngày càng nhiều. Trong chiến tranh, không dễ dàng đổi mới một cách căn bản mô hình hợp tác xã, nhưng nếu đi sâu nghiên cứu biết được thực chất nhược điểm của mô hình hợp tác xã lúc đó, tiếp thu được những kinh nghiệm hay thì sẽ có các biện pháp đổi mới từng phần, hạn chế tác dụng tiêu cực. Thiếu sót là chưa đi sâu để thấy được đúng nhược điểm của hợp tác xã, chưa tìm ra được kinh nghiệm tốt từ đó thay đổi cơ chế quản lý, trong khi đó vẫn tiếp tục đẩy mạnh hợp tác xã bậc cao, mở rộng quy mô hợp tác xã..., cho nên các cuộc vận động để cải tiến quản lý hợp tác xã vẫn không đạt yêu cầu.

Về công nghiệp:

Do chiến tranh phá hoại của địch, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, có lúc điện chỉ bằng 25% sản lượng trước chiến tranh phá hoại; sản lượng than năm 1965 là 4,4 triệu tấn, đến năm 1968 chỉ còn 2,4 triệu. Năm 1965 nhà máy gang thép Thái Nguyên sản xuất gần 13 vạn tấn thì năm 1968 phải ngừng sản xuất. Cơ sở hạ tầng giao thông bị phá hoại 60%. Giá trị sản lượng công nghiệp một số năm bị giảm sút so với năm 1965, nhưng đến năm 1975 thì có tăng hơn năm 1965. Tốc độ phát triển bình quân của sản xuất công nghiệp trong thời kỳ 1966 - 1975 là 3,9%. Do có chuyển hướng xây dựng công nghiệp từ thời bình sang thời chiến nên đã hình thành được mạng lưới công nghiệp địa phương với 1.200 xí nghiệp quốc doanh vào năm 1969. Đã ngừng xây dựng các công trình quy mô lớn. Ngành giao thông vận tải tuy bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt nhưng vẫn bảo đảm giao thông thông suốt. Việc đào tạo cán bộ khoa học cho sự nghiệp công nghiệp tăng khá nhanh, Một thành tựu quan trọng nữa là trong 10 năm chiến tranh, giá trị tài sản cố định trong khu vực sản xuất trong đó có sản xuất công nghiệp tăng nhiều.

Về phân phối lưu thông

Thời kỳ này áp dụng cơ chế bao cấp nặng hơn, phân phối bình quân mở rộng hơn, không chỉ ở thành thị mà cả nông thôn. Giá cả về cơ bản vẫn duy trì cơ sở định giá của những năm 1955 - 1965. Giá cả do Nhà nước quy định càng cách xa giá trị thực của hàng hoá. Nhưng vì trong thời kỳ chiến tranh, lại có sự viện trợ về hàng hoá tiêu dùng, nên cơ chế giá bao cấp lúc đó chưa tác động mạnh đến các mặt của đời sống như những năm sau chiến tranh. Năm 1975, phần cung cấp của Nhà nước chiếm 64,8% số chi của gia đình công nhân viên chức. Tổng mức bán lẻ mỗi năm mỗi tăng. Năm 1965 là 2.099 triệu, trong đó thị trường có tổ chức 1.894 triệu, thị trường tự do 205 triệu; đến năm 1975, tổng mức bán lẻ tăng lên 4.382 triệu, trong đó thị trường có tổ chức 3.623 triệu, thị trường tự do 759 triệu. Sự tăng gấp đội của tổng mức bán lẻ có phần do tổng sản phẩm của miền Bắc từ 8.753 triệu năm 1965 lên 12.896 triệu đồng năm 1975, nhưng một phần quan trọng do có sự viện trợ về hàng hoá của nước ngoài. Xem xét thu chi ngân sách những năm này sẽ thấy rõ điều đó. Thu ngân sách năm 1965 là 100% thì phần thu trong nước 57,7%, viện trợ vay nợ 42,3%; năm 1975, thu trong nước 45,1%, viện trợ vay nợ 54,9%. Xem xét quan hệ giữa xuất và nhập hàng năm cũng hiểu được tình hình trên đây. Năm 1965 xuất 91 triệu rúp - đôla, nhập 237 triệu, năm 1975 xuất 129 triệu, nhập 789 triệu rúp - đôla.

Về giáo dục, y tế, đào tạo

Về y tế, năm 1965 có 249 bệnh viện, bệnh xá, năm 1975 có 1087 bệnh viện, bệnh xá. Số bác sĩ năm 1965 có 1.525 người, năm 1975 có 5,684 người.

Số người đi học năm 1965 - 1966 là 4.968.800 người, năm 1975 - 1976 là 6.796.900 người. Trong đó, số sinh viên đại học năm 1965 - 1966 là 34.200 người, năm 1975 - 1976 là 61.100 người. Nếu coi chỉ số phát triển cán bộ đại học năm 1955 là 1 thì năm 1975 là 93,2 lần.

Nhận xét về mặt xây dựng kinh tế ở miền Bắc trong thời kỳ cả nước trực tiếp chống Mỹ, cứu nước chúng ta thấy:

Một là, trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, 10 năm đó sản xuất có lúc tăng, lúc giảm, nhưng nhìn chung, nhân dân ta vẫn giữ vững được sản xuất, tăng tài sản cố định, nâng cao dân trí, đào tạo cán bộ, những thành tựu về kinh tế đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc chống Mỹ, cứu nước. Viện trợ quốc tế về kinh tế rất lớn, nhưng sự tự lực tự cường của nhân dân ta vẫn là chính.

Hai là, trong thời kỳ này, sự chuyển hướng kinh tế, coi trọng nông nghiệp, chú ý phát triển kinh tế địa phương, sử dụng một phần quan trọng của viện trợ vào tích luỹ... là đúng đắn. Riêng về quan hệ sản xuất và cơ chế quản lý thì khu vực xã hội chủ nghĩa trong thời gian chiến tranh mỗi năm mỗi tăng, quy mô hợp tác xã càng lớn, phân phối bình quân, bao cấp càng mở rộng,... Xét về mặt kinh tế thì rõ ràng là tình hình đó có tác dụng tiêu cực đến sản xuất và việc khắc phục những nhược điểm của mô hình ấy về sau thêm khó khăn. Nhưng đặt việc xây dựng kinh tế trong 10 năm 1965-1975 với hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, phải động viên mọi lực lượng để chiến thắng kẻ thù thì lại không thể phủ định hoàn toàn mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội trong những năm chống Mỹ, cứu nước. Không có hợp tác xã, không có sự phân phối bình quân, bao cấp, không có Nhà nước chăm lo cuộc sống của cán bộ nhân viên thì cũng không thể huy động mấy triệu thanh niên nông thôn ra tiền tuyến đánh giặc, trong đó có nhiều thanh niên có học vấn được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Hàng triệu người đi chiến đấu, vì họ thấy giá trị của độc lập tự do, cuộc sống mới của bản thân và gia đình mình do chế độ đem lại, họ yên tâm ra đi vì có hợp tác xã và cơ quan chăm lo gia đình họ, cho nên khi xem xét mô hình phải thấy toàn diện và có quan điểm lịch sử.

Ba là, trong 10 năm chiến tranh, mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội theo lối cũ càng phát triển, nhưng trong thời kỳ này không phải không có những suy nghĩ, những chủ trương đi theo hướng muốn cải tiến một phần mô hình của Hội nghị Trung ương lần thứ 20 tháng 4-1972 bàn về quản lý kinh tế, đã thấy rõ sức cản của cơ chế quản lý hành chính cung cấp và chủ trương phải xoá bỏ cơ chế đó để thực hiện phương thức kinh doanh xã hội chủ nghĩa, cũng là một suy nghĩ mới so với trước, Tháng 9-1975, Hội nghị Trung ương lần thứ 24 đã họp bàn về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Hội nghị để cập nhiều vấn đề, trong đó có một số vấn đề đáng chú ý:

- Kết hợp chặt chẽ cải tạo và xây dựng trong cả quá trình cách mạng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong phạm vi toàn xã hội và ở từng đơn vị.

- Việc kết hợp cải tạo và xây dựng phải đưa lại hiệu quả thiết thực là lực lượng sản xuất không ngừng phát triển, năng suất lao động ngày càng tăng, sản phẩm hàng hoá ngày càng nhiều, đời sống xã hội ngày càng lành mạnh, tiến bộ.

Trong một thời gian nhất định, ở miền Nam còn nhiều thành phần kinh tế. Cần ra sức sử dụng mọi khả năng lao động, kỹ thuật, tiền vốn, kinh nghiệm quản lý để đẩy mạnh sản xuất.

Như vậy là đã đề cập đến việc duy trì nền kinh tế nhiều thành phần trong một thời gian nhất định.

Trong những năm 1965-1975, cùng với việc đi sâu, phát triển luận điểm về ba cuộc cách mạng, Đảng ta đã nêu lên quan niệm về bước đi ban đầu trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trong tác phẩm Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, đồng chí Lê Duẩn đã nêu ra luận điểm: "Muốn xây dựng nền sản xuất lớn cần phải có một khối lượng tư liệu sản xuất và lao động nhất định. Trước đây, để nhanh chóng tạo nên nguồn vốn to lớn đó trong thời kỳ tích luỹ ban đầu, chủ nghĩa tư bản đã dùng bạo lực tàn khốc tước đoạt nhân dân lao động trong nước và các nước thuộc địa, biến họ thành những người nô lệ làm thuê. Để xây dựng nền sản xuất lớn, chủ nghĩa xã hội đương nhiên không thể tích luỹ vốn bằng biện pháp tước đoạt và bóc lột mà chủ yếu phải bằng cách phát triển sản xuất và tăng năng suất lao động; không thể chỉ một chiều tích luỹ vốn mà còn phải chăm lo đời sống của các tầng lớp nhân dân, tiến hành ngay việc phân phối theo nguyên tắc xã hội chủ nghĩa.

Trong điều kiện nước ta, để giải quyết những nhiệm vụ kinh tế cơ bản đó trong bước đi ban đầu (tích luỹ vốn cho công nghiệp hoá và cải thiện đời sống nhân dân), chúng ta phải biết xây dựng một cơ cấu kinh tế hợp lý, tiến hành một sự phân công lao động mới...

Trong buổi đầu của thời kỳ quá độ, khi mà nền kinh tế quốc dân còn ở trong tình trạng sản xuất nhỏ, khi mà lao động nông nghiệp với năng suất rất thấp đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số lao động xã hội, thì bước đi đầu tiên có ý nghĩa then chốt...". (Lê Duẩn, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Sự thật, Hà Nội, 1970, tr.82-83)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, luận điểm về bước đi ban đầu không được đề cập.

Cũng trong những năm này, Đảng ta đã xác định rõ tính chất và nội dung của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa hai con đường ở miền Bắc nước ta. Đảng ta coi việc xoá bỏ thành phần tư bản chủ nghĩa và các hình thức bóc lột, ngăn chặn khuynh hướng phát triển tư bản chủ nghĩa, đập tan âm mưu ngóc đầu dậy của các lực lượng thù địch là cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp, là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của chuyên chính vô sản. Song, đấu tranh giai cấp không chỉ hạn chế ở nội dung đó. Vì ở nước ta, tiến lên chủ nghĩa xã hội từ nền sản xuất nhỏ, thì tất cả những việc làm trên cũng chưa đủ tạo ra những điều kiện cho sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Vấn đề là phải cải tạo sản xuất nhỏ thành sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa và xây dựng mới ngay từ đầu cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Muốn thế phải nắm vững chính quyền dân chủ nhân dân, làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản, tiến hành ba cuộc cách mạng, xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, con người mới. Do đó "đấu tranh giữa hai con đường tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta chỉ yếu là đấu tranh đưa sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa nắm vững chuyên chính vô sản để tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt, là nội dung cơ bản của đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta" (Lê Duẩn, tuyển tập, tập 1, 1955-1975, Sự thật, 1987, tr.486).

Trong điều kiện lúc ấy, việc xác định rõ tính chất và nội dung đấu tranh giai cấp như trên có ý nghĩa quan trọng giúp cho Đảng chỉ đạo cuộc đấu tranh giai cấp đúng hướng, ngăn ngừa khuynh hướng "tả" trong đấu tranh giai cấp tác động vào nước ta và là cơ sở để đấu tranh với những luận điểm vu khống của các lực lượng xuyên tạc cuộc đấu tranh giai cấp do Đảng ta lãnh đạo,

Hiện nay tình hình đã có những thay đổi quan trọng. Một số thế lực đang thực hiện diễn biến hoà bình, cơ chế thị trường đang tác động vào nhiều mặt của đời sống nước ta có cả mặt tích cực và tiêu cực thì việc xác định nội dung, hình thức đấu tranh giai cấp trong thời kỳ mới này, không thể không tính tới những đặc điểm trên, nhưng cũng không thể không xem xét nội dung đấu tranh giai cấp đã được xác định trước đây, để tiếp thu những yếu tố hợp lý.