Về đồng chí Kim Chính Ân (Kim Jong Un)

 


Về đồng chí Kim Chính Ân

(Kim Jong Un)

1. Chế độ Bắc Triều Tiên hiện nay là chế độ gia đình trị ?

Đây dường như là những lời lẽ vô cùng phổ biến trên khắp các mặt báo chí tư sản Phương Tây và cả báo chí Việt Nam. Dễ thấy rằng họ thường suy nghĩ một cách hết sức đơn giản khi cho rằng ba thế hệ họ Kim đều là các lãnh đạo tối cao của Triều Tiên. Tuy nhiên, đó là những lời lẽ tuyên truyên của những kẻ dường như chẳng quan tâm đến vấn đề Triều Tiên một cách nghiêm túc, nếu không phải là vì mục đích bôi nhọ.

a) Nếu chế độ "gia đình trị" họ Kim thực sự tồn tại, thì rõ ràng chế độ Cộng hòa dân chủ hiện nay ở Bắc Triều Tiên là mối nguy hại rất nghiêm trọng cho địa vị và vai trò của họ Kim. Vậy sao Kim không xóa bỏ nền Cộng hòa dân chủ đi, thay vào đó là chế độ chuyên chế phong kiến, vương quyền ? Sự tồn tại của thể chế Cộng hòa dân chủ làm hạn chế một cách đáng kể đối với quyền lực họ Kim nếu như đó thực sự là một nền độc tài gia đình trị.

b) Nếu chế độ "gia đình trị" họ Kim thực sự tồn tại, thì rõ ràng Đảng Lao động Triều Tiên và sự nắm quyền lực của Đảng thông qua hệ thống chính trị là một mối nguy hại rất nghiêm trọng cho địa vị và vai trò của họ Kim. Vì bất cứ lúc nào, thì họ Kim cũng có nguy cơ bị loại khỏi hệ thống chính trị bởi sự tồn tại của tính Đảng trong hệ thống chính trị đó. Ta lấy ví dụ trường hợp Beria chẳng hạn, ông ta bị loại ngay trong phiên họp Bộ Chính trị đặc biệt hồi tháng 6/1953 với đa số phiếu đấy thôi, hay Khrushchev cũng phải im lặng về vườn sau khi Bộ Chính trị loại vào năm 1964 đấy thôi. Sự tồn tại của hệ thống Đảng chính trị và Đảng lãnh đạo trong hệ thống chính trị đó rõ ràng là một hạn chế đáng kể đối với quyền lực họ Kim nếu như đó thực sự là một nền độc tài gia đình trị.

c) Kim Chính Ân trở thành lãnh đạo Đảng trong một tình thế hết sức "đặc biệt". Kim không phải là thành viên của Bộ Chính trị khi cha ông, Kim Chính Nhật, qua đời. Cũng không phải là thành viên của một ủy ban đặc biệt nào của Đảng. Địa vị của Kim Chính Ân trong Đảng và hệ thống chính trị khi đó không đủ khả năng đảm bảo quyền lực cho Kim Chính Ân. Khi Kim Chính Nhật qua đời vào 17/12/2011, thì Kim Chính Ân lúc này đang đảm nhiệm công tác Phó bí thư Quân ủy Trung ương, mang hàm Đại tướng, là thành viên của Ủy ban Trung ương Đảng. Nghe có vẻ to, nhưng xét theo hệ thống chính trị thì rõ ràng Kim Chính Ân lúc này chỉ là đảng viên bậc trung, chưa có đủ khả năng nắm bất cứ vai trò lãnh tụ nào. Vậy há chẳng phải, nếu chế độ độc tài nhà họ Kim thực sự tồn tại, thì đây quả không phải là lỗ hổng to đùng đấy sao ?

Thường thì báo chí tư sản phương Tây họ sẽ lờ đi điều này, vì điều đó sẽ làm cho cái gọi là truyền thuyết về "chế độ độc tài - gia đình trị họ Kim" của họ sẽ bị phá sản. Mô hình thích hợp nhất cho cái thuyết đó của báo chí tư sản phương Tây phải là mô hình của bọn Ả rập Saudi - một nước phong kiến vương quyền tàn bạo bậc nhất thế giới nhưng vẫn là nước "dân chủ" trong mắt phương Tây.

Nền Cộng hòa dân chủ của Bắc Triều Tiên là một sản phẩm không thể chối cãi của lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Triều Tiên. Và vì lẽ đó, dẫu nền Cộng hòa dân chủ có bị tác động tiêu cực/tích cực bởi hệ thống chính trị, song nó vẫn có một mức độ tính dân chủ nhất định. Mà chính tính dân chủ đó (dẫu nhiều hay ít) là công cụ gián trả vào bất kỳ chế độ độc tài nào và sẽ làm cho nó suy yếu sụp đổ hoặc phải thay đổi. Ta lấy ví dụ chế độ Ngô Đình Diệm, Park Chung Hee, .... nó sẽ phải sập hoặc buộc phải thay đổi nếu tồn tại dưới hình thức chế độ Cộng hòa dân chủ.

2. Kim Chính Ân, biểu tượng chính trị của Đảng Lao động Triều Tiên.

Nhiều người cho rằng Kim Chính Ân "cai trị" Bắc Triều Tiên, và chi phối hệ thống chính trị của nó, bao gồm cả Đảng Lao động Triều Tiên, do đó xem ông ta là lãnh tụ "cai trị" Triều Tiên. Nhưng khi quan niệm như vậy, họ sẽ không thể nào giải thích những vấn đề mà tôi đã nêu bên trên. Do đó, tôi lại có cách giải thích khác với họ: Kim Chính Ân, là biểu tượng chính trị của Đảng Lao động Triều Tiên.

Trên thực tế, việc Kim Chính Ân trở thành lãnh tụ của Triều Tiên, trên hết phải là do Đảng Lao động Triều Tiên "chấp thuận" hay nói rõ hơn, được sự tín nhiệm của đa số Ủy viên Ủy ban Trung ương Đảng. Họ là gồm những người được Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật lựa chọn và đào tạo trong một khoảng thời gian tương đối dài, có những người là đồng chí, là bạn bè, là anh em đối với Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật. Và chính vì thế họ lựa chọn và sẵn sàng lựa chọn Kim Chính Ân vào vị trí lãnh tụ để kế nhiệm ông cha.

a) Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa 6, Kim Chính Ân được bầu vào vị trí Bí thư thứ nhất Ủy ban Trung ương Đảng, được bầu vào Bộ Chính trị, vào ngày 11/4/2012, tức là gần bốn tháng sau khi Kim Chính Nhật qua đời. Và việc Kim Chính Ân được bầu phải được thông qua cơ quan tối cao của Đảng giữa hai kỳ Đại hội, tức là Hội nghị của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Do đó, không phải Kim Chính Ân bổ nhiệm các đảng viên của Ủy ban Trung ương, mà ngược lại Ủy ban Trung ương Đảng đã tín nhiệm và bầu Kim Chính Ân giữ chức vụ lãnh đạo cao nhất của Đảng.

b) Kim Chính Ân không phải được bầu vào vị trí Chủ tịch Đảng (như Kim Nhật Thành) ngay lập tức; cũng không phải là chức vụ Tổng bí thư như cha ông, Kim Chính Nhật (mãi đến Đại hội VIII vừa rồi mới giữ chức Tổng bí thư), mà buộc phải trãi qua một cương vị có tính chất "dự bị" là Bí thư thứ nhất Ủy ban Trung ương. Đây không phải là các chức danh hình thức thay thế lẫn nhau, mà mỗi chức danh đều gắn với một vị trí, vai trò cụ thể và được Ban chấp hành Trung ương Đảng phê chuẩn. Nếu thực sự tồn tại chế độ "gia đình trị" thì Kim Chính Ân đáng lẽ ra phải được bầu làm Chủ tịch Đảng ngay lập tức. Nhưng thực tế thì không hề, ông ta chỉ được bầu làm Bí thư thứ nhất, dù đứng đầu các bí thư Ban chấp hành Trung ương, nhưng trên thực tế là bị hạn chế một cách nhất định quyền hạn so với các chức danh Tổng bí thư hay Chủ tịch Đảng. Vì sao lại thế ? Vì Kim Chính Ân tại thời điểm 2012 chưa đủ năng lực để trở thành người định hướng và lãnh đạo thực tế cho toàn Đảng, mà ngược lại, phải có thời kỳ "dự bị" trước khi Đảng bổ nhiệm ông ta vào vai trò lãnh tụ tối cao của Đảng.

c) Kim Chính Ân không phải là con một, mà là con út, trước ông ta còn có Kim Chính Nam. Nếu gia đình họ Kim thực sự cai trị, thì chẳng có gì khó đoán là Kim Chính Nam sẽ trở thành lãnh tụ tiếp theo, chứ không phải Kim Chính Ân. (Tôi tạm khoan bàn vì sao Kim Chính Nam nhanh chóng bị loại khỏi hệ thống chính trị Triều Tiên, và sau này còn bị ám sát hồi 2017, tôi sẽ giải thích rõ ở mục bên dưới). Trên thực tế, tồn tại một thứ khác, kìm hãm sự tồn tại của chế độ "gia đình trị" và do đó, một thứ còn cao hơn cả quan hệ máu mủ gia đình, và do đó chế độ độc tài gia đình trị không thể tồn tại được ở Bắc Triều Tiên. Đảng lựa chọn lãnh tụ không phải thông qua máu mủ, vai vế gia đình trong họ Kim, mà họ phải căn cứ trên một nền tảng khác, rõ ràng mà vững chắc để củng cố chế độ Bắc Triều Tiên.

Nói tóm lại, không phải Kim Chính Ân chi phối và "cai trị" Bắc Triều Tiên như trong những lời quy chụp bằng sự tưởng tượng của báo chí tư sản, trong thực tế, Đảng Lao động Triều Tiên chính là người đã trao cho và đưa Kim Chính Ân vai trò và trách nhiệm trong việc trở thành người lãnh đạo tối cao của Bắc Triều Tiên. Kim Chính Ân phải phục tùng lý tưởng và sự nghiệp của chính Đảng chính trị đó, chính Đảng đã trao cho Kim Chính Ân những quyền hạn (quyền có giới hạn) để tiếp tục sự nghiệp cha ông trong việc củng cố và xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Triều Tiên.

3. Chủ nghĩa Juche, cơ sở hạt nhân chính trị, tư tưởng của Đảng Lao động Triều Tiên.

Chủ nghĩa/ Tư tưởng Juche hay nói rõ hơn là Tư tưởng Kim Nhật Thành, là hệ thống hóa lý luận của Kim Nhật Thành về việc bảo vệ, củng cố và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Triều Tiên, và đây chính là hạt nhân chính trị, tư tưởng của Đảng Lao động Triều Tiên. Việc trong họ Kim, những trở thành lãnh tụ tối cao đều phải gắn chặt với vấn đề này.

Ngọn cờ Chủ nghĩa Juche hay Tư tưởng Kim Nhật Thành gắn chặt hoàn toàn vào vai trò và vị trí của Kim Nhật Thành trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Triều Tiên và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Triều Tiên. Do đó, ở Bắc Triều Tiên, tư tưởng này nắm phần chi phối toàn bộ đời sống xã hội - chính trị của Triều Tiên. Và xem là chân lý không thể xê dịch được. Vì nó là hạt nhân, nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng Lao động Triều Tiên, do đó, để duy trì sự lãnh đạo của Đảng Lao động Triều Tiên, thì tất yếu Đảng phải liên tục duy trì nó trong đời sống chính trị, xã hội của Bắc Triều Tiên.

a) Tính biểu tượng: Vì Chủ nghĩa Juche là một hệ tư tưởng mang tính chất hóa cá nhân - vị trí, vai trò của Kim Nhật Thành - cho nên tất yếu nó phải cần một người mang tính biểu tượng, mà trên hết nó phải gắn liền với con cháu Kim Nhật Thành, tức những người kế thừa về mặt huyết thống, gần gũi về quan điểm và trung thành với chính hệ tư tưởng đó.

b) Tính kế thừa: Là thế hệ nối tiếp Tư tưởng Kim Nhật Thành, nhân vật biểu tượng sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy Chủ nghĩa Juche trong thời đại tiếp nối.

Đáp ứng những điều kiện này mà Kim Chính Ân, được lựa chọn làm biểu tượng không chỉ của Đảng Lao động Triều Tiên, mà trên hết là biểu tượng của Chủ nghĩa Juche - buộc phải trở thành người kế thừa và phát triển Chủ nghĩa Juche trong thời đại mới.

a) Tại sao lại phải là Kim Chính Ân mà không phải Kim Chính Nam ? Là vì Kim Chính Nam không phải là một người tán thành tuyệt đối hóa Chủ nghĩa Juche. Trong nhiều năm du học tại Thụy Sĩ cũng như là "du lịch" ở nước ngoài, ông ta chịu ảnh hưởng và tác động bởi văn hóa và đời sống phương Tây, cho nên quan điểm của ông ta là thiên về Cải cách kinh tế, thị trường hóa nền kinh tế Triều Tiên. Điều đó có thể thấy rõ trong bức thư mà Chính Nam viết gửi đến một tờ báo Nhật Bản:

< < Sau khi tôi trở về Triều Tiên sau nhiều năm du học tại Thụy Sĩ, tôi càng trở nên xa cách cha tôi hơn vì tôi coi trọng việc cải cách theo hướng thị trường > > (được đăng đầy trên báo chí Hàn Quốc, Nhật Bản vào ngày 17/1/2012)

Tư tưởng Cải cách theo lối thị trường của Kim Chính Nam rõ ràng là đối lập và khác biệt hoàn toàn với Chủ nghĩa Juche - tức là lý thuyết hóa về việc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Bắc Triều Tiên theo quan điểm của Kim Nhật Thành. Và do đó, không phải chính cha ông, Kim Chính Nhật từ bỏ việc xem Kim Chính Nam là lãnh tụ kế tiếp ở Triều Tiên (như báo chí tư sản đưa tin) mà trên thực tế là vì Ban chấp hành Trung ương Đảng không thể chấp nhận một người không theo Chủ nghĩa Juche làm lãnh tụ của toàn Đảng và toàn dân Bắc Triều Tiên được. Và do đó Kim Chính Nam nhanh chóng bị loại bỏ dần khỏi hệ thống chính trị.

Nếu "gia tộc Kim cai trị" thì việc gì phải quan tâm đến việc Kim Chính Nam có theo quan điểm Juche không chứ ? Nhưng rõ ràng là không thể, Kim Chính Nam đã chống lại việc đó, và dĩ nhiên, ông ta phải bị loại khỏi đời sống chính trị xã hội Triều Tiên và phải lưu vong. Còn việc ông ta bị ám sát, có lẽ là do Bắc Triều Tiên cho rằng ông ta là mối nguy hại cực kỳ khi ông ta nắm quá nhiều thông tin bên trong Triều Tiên vì là con trai lãnh tụ tối cao, và như thế, tình báo phương Tây dễ dàng khai thác thông tin từ ông ta và điều đó có thể làm cho chế độ Triều Tiên gặp nguy hiểm. Hiện tại, không khó để tìm thấy các bài báo chống Triều Tiên do Kim Chính Nam trả lời phỏng vấn.

b) Khác với người anh trai có tư tưởng Cải cách, thì Kim Chính Ân lại là người gắn bó với Chủ nghĩa Juche. Điều này chúng ta có thể thấy rõ trong Hiến pháp của Bắc Triều Tiên cho đến ngày nay, tức là dựa trên Hiến pháp Xã hội chủ nghĩa do Kim Nhật Thành sáng tạo nên, vẫn giữ nguyên căn bản Chủ nghĩa Juche kể cả lần sửa đổi gần nhất là 2019. Đồng thời, Kim Chính Ân kế thừa cả phần phát triển Juche của Kim Chính Nhật, nhất là về chế độ Shogun "ưu tiên quân đội", và hiện nay ông ta tiếp tục phát huy và sáng tạo Chủ nghĩa Juche trong thời đại mới.

Kim Chính Ân đáp ứng cả hai yêu cầu về tính chất biểu tượng và kế thừa, do đó, Đảng đã trao cho ông ta một vai trò quan trọng nhất trong đời sống chính trị - xã hội Triều Tiên : 

- Trở thành lãnh tụ của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân Triều Tiên.

Tất nhiên, ngay khi hiện nay, ông ta có là lãnh tụ đi nữa, thì ông ta vẫn tuân thủ và chấp hành vai trò của mình với tư cách là đảng viên, với tư cách là biểu tượng cách mạng của Đảng trong việc kế tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Triều Tiên chứ không phải là Chủ tịch Đảng rồi thì ông ta có quyền lực vô hạn. Việc tại Đại hội 8 vừa qua, Kim trở thành Tổng bí thư Đảng thay vì chức Chủ tịch Đảng hồi Đại hội 7 cũng đã cho thấy rõ điều đó.

Chính vì thế, chế độ độc tài "gia đình trị" trên thực tế không tồn tại, và đồng thời cũng không tồn tại chế độ độc tài "cá nhân" của Kim Chính Ân.

Chỉ có một thứ duy nhất: chế độ "độc tài" (chuyên chính) của giai cấp vô sản và người lao động Triều Tiên, mà đại diện của nó là Đảng Lao động Triều Tiên.

4. Từ biểu tượng đến người lãnh đạo.

Để phục tùng sự lãnh đạo của Đảng Lao động Triều Tiên, Kim Chính Ân phải trãi qua nhiều cương vị, vai trò khác nhau. Cá nhân tôi cho rằng, cuộc đời ông ta còn thiếu tự do hơn một tay viết blog như tôi, tôi có thể quyết định cuộc đời của mình, còn ông ta thì không. Ông ta không thể tránh khỏi cái số làm - lãnh tụ (tất nhiên một phần là do ông Kim Chính Nam nữa).

a) Lúc thiếu thời, Kim Chính Ân không giống những đứa trẻ khác, thay vì được vui chơi thỏa thích không lo nghĩ, ông phải học tập và tiếp thu những thứ còn quá sức tưởng tượng - cả một hệ tư tưởng chính trị. Và tất nhiên, điều đó là do chính cả Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật dạy dỗ. Tất cả vì một trong số các anh em của ông, có một người sẽ trở thành biểu tượng tiếp theo của Đảng.

b) Khi Kim Chính Ân khi được bầu vào Bộ Chính trị và giữ cương vị Bí thư thứ nhất, đó là giai đoạn đầu tiên cho chặng đường làm lãnh tụ của ông ta. Trước đây Chính Ân làm phó bí thư quân ủy Trung ương, hay sau đó là bí thư quân ủy Trung ương thì xét cho cùng cũng là thiên nhiều về lĩnh vực quân sự, chính trị - quân sự. Không thể ngay lập tức mà ông ta có thể trở thành lãnh tụ tối cao của Đảng và Nhà nước được, không thể trong một sớm một chiều mà ông ta có thể đảm đương hết toàn bộ công tác chính trị quan trọng của cả một Đảng được. Do đó, Kim Chính Ân phải được bầu vào cương vị Bí thư thứ nhất, hay nói cách khác là bí thư số một trong các bí thư, cũng là bí thư số một trong Ban bí thư, tức là nắm các công tác hằng ngày và giám sát hoạt động của Đảng trên mọi phương diện. Nói rằng, Đảng đang muốn "đào tạo" cho ông thành lãnh tụ thì cũng chẳng phải là sai.

Thời kỳ này chính là thời kỳ Kim Chính Ân học tập để trở thành người lãnh đạo thực tế của Đảng và đây cũng là "trường học lãnh tụ" của ông. Thời kỳ này gắn chặt với hai thứ: thứ nhất, tiếp tục chính sách, chủ trương của Kim Chính Nhật và Đại hội 6 của Đảng Lao động Triều Tiên đề ra; thứ hai, đó là đúc kết kinh nghiệm, học hỏi và tư duy để chuẩn bị cho công tác của Đại hội 7 (2016).

c) Việc bầu ra chức danh mới tại Đại hội 7 là cần thiết: 

Thứ nhất, Nó cho thấy Đảng có phát triển về mặt tư duy, điều mà trong nhiều năm trước đó có thể gọi là "trì trệ" về mặt tư tưởng.

Thứ hai, Đảng bước đầu phát triển và vận dụng tư duy mới vào đường lối. 

Thứ ba, Đảng tin tưởng và giao phó trách nhiệm vị trí "thuyền trưởng" cho một người có năng lực.

Thứ tư, Đảng cần thay đổi và bổ sung nguồn nhân lực mới để đáp ứng sự chuyển biến trong chính sách.

d) Với tất cả những kinh nghiệm trong công tác Đảng, được kiểm nghiệm trong quá trình hoàn hành chủ trương của Đại hội 6. Tại Đại hội 7, Kim Chính Ân chính thức được bầu làm Chủ tịch Đảng. Điều này có nghĩa là Đảng trao nhiều quyền hơn cho ông ấy, và Kim Chính Ân, lúc này, chính thức trở thành người dẫn dắt chính trị - tư tưởng của Đảng. Chúng ta nên lưu ý rằng, Kim Chính Nhật, chưa từng làm Chủ tịch Đảng, ông ta chỉ đảm nhiệm chức vụ Tổng bí thư. Còn Kim Chính Ân, tại Đại hội 7, đã được trực tiếp bầu làm Chủ tịch Đảng, nghĩa là quyền hạn rộng hơn cả cha mình. Nguyên nhân ?

Trước đây, có một thời gian Kim Nhật Thành từng đảm nhiệm chức Chủ tịch Đảng, sau đó, giữa thập niên 70, chức vụ này bị bãi bỏ và thay thế, Kim Nhật Thành tiếp tục đảm nhiệm với vai trò Tổng bí thư. Tương đương mỗi chức danh, mặc dù vẫn là lãnh đạo cao nhất của Đảng, tuy nhiên phạm vi công việc và quyền hạn của họ ít nhiều cũng khác nhau. Thường thì chức danh Chủ tịch Đảng xuất hiện trong thời kỳ mang tính chất định hướng, cho nên phạm vi quyền hạn của Chủ tịch Đảng rộng hơn là so với Tổng bí thư và bí thư thứ nhất; còn chức vụ bí thư thứ nhất trên thực tế thường là chức danh đóng vai trò phụ giúp việc cho Chủ tịch Đảng lo toan các công tác Đảng tại Ban bí thư, và thường xuyên báo cáo với Chủ tịch Đảng; tuy nhiên, trong trường hợp chỉ tồn tại mỗi chức danh Bí thư thứ nhất, thì chức danh đó lớn nhất trong Đảng. Sự xuất hiện của chức danh Tổng bí thư, xuất phát từ việc chính sách của Đảng đã ổn định và phát triển theo một khuynh hướng, lộ trình nhất định.

Việc Kim Chính Ân được bầu vào chức vụ Chủ tịch Đảng tại Đại hội 7 cho thấy mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử Đảng Lao động và lịch sử đất nước Triều Tiên. Sự phát triển và củng cố của chủ nghĩa Juche trong thời đại mới chính thức được đánh dấu từ đây. Điều đó cho thấy, Kim Chính Ân đang làm một việc lớn lao như ông mình, Kim Nhật Thành trong thời kỳ phát triển và củng cố Chủ nghĩa Juche từ đầu thập niên 50 đến thập niên 70 thế kỷ XX. Nói một cách rõ ràng, điều đó cho thấy Kim Chính Ân đang phát triển và củng cố Chủ nghĩa Juche trong thời đại mới, nửa đầu của thế kỷ XXI. Tại Đại hội 8, với việc Kim Chính Ân được bầu vào chức vụ Tổng bí thư, điều đó cũng có nghĩa là công cuộc phát triển về mặt lý luận và tư tưởng của Chủ nghĩa Juche hiện đại để đáp ứng nhu cầu hiện tại của cách mạng Triều Tiên đã kết thúc, Triều Tiên đang trong giai đoạn bắt đầu của thời kỳ thực hiện và triển khai kế hoạch đó (Đại hội 8).

Do đó, có thể thấy rõ rằng vai trò của 2 kỳ Đại hội 7 - 8 ở Triều Tiên, từ 2016-nay đã có ý nghĩa quan trọng như thế nào với cá nhân Kim Chính Ân, và cả trong đời sống chính trị - xã hội Triều Tiên. 

xxx

Những thành tựu của Triều Tiên trong những năm qua: hiện đại hóa quân sự; phát triển một cách chiến lược về vũ khí hạt nhân; phát triển kinh tế xã hội - đời sống; chuyển dịch trọng tâm kinh tế; giáo dục, y tế, nhà ở công cộng, dịch vụ giải trí, phúc lợi, ..... Nếu chúng ta nhìn lại những hình ảnh Triều Tiên trước năm 2011 thì không khó để nhận ra rằng xã hội Triều Tiên đang ngày càng được củng cố và phát triển.

Điều đó cho thấy Kim Chính Ân, đang hoàn thành tốt vai trò của mình với tư cách là lãnh tụ Triều Tiên, người đã được Trung Ương Đảng giao phó sự nghiệp Juche của thế hệ trước, và tin tưởng rằng ông sẽ dẫn dắt Triều Tiên đến một tương lai tốt đẹp hơn.