TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VÀ NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG MÁC – ĂNG-GHEN TRONG TÁC PHẨM ĐẾN QUỐC TẾ THỨ I (1864-1876)



TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VÀ NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG MÁC – ĂNG-GHEN TRONG TÁC PHẨM ĐẾN QUỐC TẾ THỨ I (1864-1876)


TÓM TẮT

Bài viết trình bày hoàn cảnh ra đời và những nội dung chủ yếu của tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Đồng thời bài viết cũng hướng tới việc làm rõ những ảnh hưởng của tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đến với Quốc tế thứ nhất thông qua các hoạt động và đấu tranh của Mác – Ăng-ghen.


I. Giới thiệu tác phẩm Tuyên ngôn Đảng Cộng sản

1.1 Bối cảnh ra đời và sơ lược tác giả

- Tiểu sử các tác giả

C.Mác (Karl Marx, 1818 – 1883: sinh ngày 5/5/1818 tại thành phố Tơ - ria (Trier), miền sông Ranh nước Phổ, trong gia đình luật sư Hen-rích Mác. Năm 1835 Mác vào học ngành luật học ở Đại học Bon, sau đó tiếp tục học ở Đại học Béc-lin và Đại học Je-na. Từ năm 1836 Mác bắt đầu nghiên cứu triết học và lịch sử triết học.

Lần đầu tiên Mác gặp Ăng-ghen vào cuối tháng 11 – 1842 khi Ăng-ghen trên đường sang Anh và ghé thăm ban biên tập Nhật báo tỉnh Ranh. Mùa hè năm 1844 hai ông trở thành bạn cùng chung lý tưởng và quan điểm trong tất cả mọi vấn đề lý luận và thực tiễn.

Vì theo lập trường cấp tiến của nhóm Hêghen trẻ, tờ Nhật báo tỉnh Ranh bị kiểm duyệt rất gắt gao và đến tháng 3 năm 1843, bị đóng cửa. Mác bị trục xuất khỏi nước Phổ và sang cư trú tại Paris từ năm 1843 – 1845.

Tháng 2/1845, Mác rời Pari đến Brussel nước Bỉ và ở đó thời gian từ năm 1845 – 1848. Năm 1848, Mác lại bị Chính phủ Bỉ trục xuất. Ông lại đến Paris, tháng 4 – 1848 Mác cùng với Ăngghen đến Kioln, tại đây Mác trở thành Tổng biên tập tờ Nhật báo tỉnh Ranh (Rheinische Zeitung), cơ quan của phái dân chủ. Năm 1849 Chính phủ Phổ đóng cửa tờ báo và trục xuất Mác. Quay trở lại Paris, nhưng lần này ông chỉ lưu lại ba tháng. Tháng 8 – 1849 từ Paris Mác sang Luân Đôn cư trú cho đến cuối đời và qua đời vào ngày 14 tháng 3 năm 1883 tại Luân-đôn.

Các tác phẩm để lại dấu ấn tư tưởng của Mác có thể kể đến như: Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-gen (1842), Bản thảo kinh tế - triết học (1844), Gia đình thần thánh (1845), Hệ tư tưởng Đức (1845-1846), Sự bần cùng của triết học (1847), Tuyên ngôn của Đảng cộng sản (1848), Góp phần phê phán môn chính trị kinh tế học (1859), Bộ Tư bản – tập 1 (1867), Cuộc nội chiến ở Pháp (1881).

Cuộc đời của Mác – với tư cách là một chiến sĩ cách mạng quốc tế - ông cống hiến toàn bộ cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh của giai cấp công nhân. Là lãnh tụ của Quốc tế thứ nhất, ông đã tổ chức và lãnh đạo Quốc tế này đi theo con đường đúng đắn, đã vũ trang học thuyết của mình cho giai cấp công nhân quốc tế.

Ph. Ăng-ghen (Friedrich Engels, 1820 – 1895) sinh ngày 28 tháng 11 năm 1820 ở Ba-men, Vương quốc Phổ. Năm 1837 theo yêu cầu của bố, Ăng-ghen phải thôi học trung học để làm việc kinh doanh. Cuối năm 1839 Ăng-ghen bắt tay vào nghiên cứu các tác phẩm triết học của Hê-ghen.

Từ năm 1844 Mác và Ăng-ghen cộng tác chặt chẽ với nhau và trở thành bạn thân. Tháng 2 năm 1845 cuốn sách “Gia đình và thần thánh” của Mác và Ăng-ghen ra đời đã phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa duy tâm và phương pháp của nó. Hai ông cùng hợp sức viết công trình nổi tiếng “Hệ tư tưởng Đức” (1845 – 1846), tiếp đó năm 1848, tại Đại hội II Liên đoàn những người Cộng sản đã ủy nhiệm Mác và Ăng-ghen cùng viết “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”.

Trong thời gian sống ở Pari, Ăng-ghen quan tâm nhiều đến hoạt động của Ban chấp hành Trung ương Liên đoàn những người Cộng sản và trở thành Ủy viên của Ban lãnh đạo, là một trong những người lãnh đạo câu lạc bộ công nhân Đức (3/1848) do Ban chấp hành Trung ương Liên đoàn những người Cộng sản lập ra.

Tháng 4 năm 1848, ông cùng với Mác trở về Đức tham gia cuộc cách mạng Đức. Tháng 10 năm 1848 ông đã đi Bỉ để tránh lệnh truy nã của chính quyền Phổ nhưng không được phép cứ trú chính trị, Ăng-ghen đã đến Pari sau đó sang Thụy Sĩ tham gia Đại hội các Liên đoàn công nhân Đức, ông được bầu vào Ủy ban Trung ương của tổ chức này.

Sau khi Mác qua đời (1883), Ăng-ghen là người lãnh đạo Tổ chức những người theo chủ nghĩa xã hội ở Châu Âu, chuẩn bị cho tập 2 và 3 của Bộ Tư bản mà Mác chưa kịp hoàn thành.

Ngày 14/7/1889 ở Pari, Quốc tế cộng sản II ra đời là liên minh quốc tế các đảng công nhân. Dưới sự lãnh đạo của Ăng-ghen, Quốc tế cộng sản II có nhiều đóng góp quan trọng vào việc phát triển phong trào công nhân thế giới. Năm 1895 khi Ăng-ghen mất những người theo chủ thuyết chống lại học thuyết Mác như K.Kautsky, E.Bernstein dần chiếm ưu thế trong Quốc tế II.

- Bối cảnh ra đời của tác phẩm

Trong bối cảnh thế giới đang tiến trình cuộc cách mạng công nghiệp cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, đã tạo ra nền sản xuất công nghiệp cơ khí và cùng với nó là sự ra đời của giai cấp vô sản công nghiệp. Sự phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đẫn đến sự phát triển mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản.

Vào những năm 1830 – 1840, các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân đã nổ ra ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển. Các cuộc đấu tranh này chứng tỏ mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn giai cấp đã đến mức gay gắt và đòi hỏi phải được giải quyết. Đây cũng chính là dấu hiệu để khẳng định rằng, chế độ tư bản đã lỗi thời trước sự tiến bộ của giai cấp công nhân – lực lượng đại diện cho tương lai. Mở đầu cho phong trào cách mạng của giai cấp vô sản là sự nổi dậy của công nhân dệt Lion ở Pháp nổ ra vào năm 1831. Cuộc nổi dậy này với khẩu hiệu “Sống có việc làm hay là chết trong chiến đấu!” được ghi trên lá cờ màu đen.

Năm 1838 – 1848, ở Anh phong trào Hiến Chương nổ ra trên phạm vi toàn quốc. Đây là phong trào cách mạng vô sản to lớn đầu tiên, thật sự có tính chất quần chúng và có hình thức chính trị.

Những cuộc đấu tranh cảu các phong trào công nhân ở Anh, Pháp, Đức diễn ra mạnh mẽ. Kết quả cuối cùng là các phong trào đấu tranh thất bại. Nguyên nhân thất bại, là trong phong trào chưa có một lý luận hay một tổ chức chính rị nào dẫn dắt họ.

Tháng 6/1847, Đại hội lần thứ nhất của Liên đoàn những người cộng sản được tổ chức ở Luân-đôn với sự tham dự của Ăngghen với mục đích cải tổ lại tổ chức và đổi tên thành Liên đoàn những người cộng sản. Tháng 11/1847, Đại hội lần thứ hai của Liên đoàn những người cộng sản được diễn ra có cả Mác và Ăng-ghen tham dự. Trong chương trình nghị sự của Đại hội lần này, các đại biểu đã tiến hành thảo luận với thời gian dài về Dự thảo Cương lĩnh trình lên Đại hội. Sau cùng Đại hội nhất trí cử Mác và Ăng-ghen biên soạn Cương lĩnh dưới hình thức bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.

Cuối tháng 1/1848, Mác hoàn thành việc biên soạn và gửi bản thảo sang Anh. Cuối tháng 2/1848, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được xuất bản lần thứ nhất ở Luân-đôn, sau đó được tái bản nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Sự ra đời của bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là nguồn gốc của sự phát triển của giai cấp công nhân. Đó là tiến trình phát triển mạnh mẽ, đúng thời điểm. Để có được bản Tuyên ngôn, giai cấp vô sản đã phải thất bại rất nhiều trong những cuộc chiến đối mặt với giai cấp tư sản. Đó là quá trình phát triển đúng quy luật, bản Tuyên ngôn ra đời do giai cấp vô sản thúc đẩy Mác và Ăngghen viết nên. Và đây được xem là bản Cương lĩnh đầu tiên chỉ đạo giai cấp vô sản thực hiện những cuộc cách mạng đúng với khả năng của họ.

1.2 Bố cục và tóm tắt nội dung tác phẩm

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được Các Mác và Ăng-ghen trình bày thành bốn chương, ngoài ra mỗi lần xuất bản các tác giả còn viết lời tựa để làm rõ hơn nội dung, tư tưởng cốt lõi của tác phẩm.

- Chương I. Tư sản và vô sản.

Trong chương này, các tác giả nói đến lịch sử xã hội của loài người, sự phát triển của các xã hội qua các thời đại; vị trí lịch sử của giai cấp tư sản; Sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản và sự ra đời trong tương lai của Đảng Cộng sản.

Mác và Ăng-ghen đã cho rằng lịch sử phát triển của xã hội loài người từ sau công xã nguyên thủy tan rã đến nay đó là lịch sử đấu tranh giai cấp, cuộc đấu tranh giai cấp giữa các giai cấp bị thống trị và các giai cấp thống trị. Các tác giả viết: “Người tự do và người nô lệ, quý tộc và bình dân, chúa đất và nông nô, thợ cả phường hội và thợ bạn, nói tóm lại, những kẻ áp bức và những người bị áp bức, luôn luôn đối kháng với nhau” (C.Mác và F. Ăng-ghen, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, tr.22).

Đến xã hội tư bản hiện đại cũng phân chia thành hai giai cấp thù địch nhau đó là tư sản và vô sản. Nội dung căn bản của cuộc vận động của phong trào giai cấp vô sản là cuộc vận động của lịch sử xã hội hiện đại, trong đó giai cấp vô sản sẽ đấu tranh quyết liệt để lật đổ ách thống trị của giai cấp tư sản. Sự diệt vong đó của giai cấp tư sản sẽ báo động sự diệt vong của chủ nghĩa tư bản mở đường cho sự thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản.

Mác và Ăng-ghen cũng khẳng định sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản là do chính địa vị kinh tế - xã hội của họ quyết định. Các ông viết: “Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp” (C.Mác và F. Ăng-ghen, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, tr.37).

Giai cấp vô sản là người lĩnh sứ mệnh đào huyệt chôn vùi chủ nghĩa tư bản và xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, không còn ách nô dịch và bóc lột của giai cấp thống trị. Các ông viết: “Những giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí đã giết mình; nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những công nhân hiện đại, những người vô sản.” (C.Mác và F. Ăng-ghen, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, tr.32)

Sự ra đời của Đảng cộng sản là tất yếu để bảo đảm cho giai cấp vô sản hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Cuộc đấu tranh có tính chất kỷ luật sẽ đoàn kết giai cấp vô sản dưới các hình thức tổ chức, hình thức cao độ của các tổ chức công nhân đó chính là Đảng của giai cấp công nhân. Do đó, sự tồn tại của Đảng đó là vì sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản. Các ông đã luận chứng: “Vì bọn tư sản ngày càng cạnh tranh với nhau hơn và vì khủng hoảng thương mại do sự cạnh tranh ấy sinh ra, cho nên tiền công càng trở nên bấp bênh; việc cải tiến máy móc không ngừng và ngày càng nhanh chóng hơn làm cho tình cảnh của công nhân ngày càng bấp bênh, những cuộc xung đột cá nhân giữa công nhân và tư sản ngày càng có tính chất những cuộc xung đột giữa hai giai cấp. Công nhân bắt đầu thành lập những Liên minh (Công đoàn) chống lại bọn tư sản để bảo vệ tiền công của mình. Thậm chí họ đi tới chỗ lập thành những đoàn thể thường trực để sẵn sàng đối phó, khi những cuộc xung đột bất ngờ xảy ra” (C.Mác và F. Ăng-ghen, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, tr.35) và “Sự tổ chức như vậy của người vô sản thành giai cấp và do đó thành chính đảng” (C.Mác và F. Ăng-ghen, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, tr.36).

Trong cuộc đấu tranh, Đảng cộng sản không chỉ tập hợp trong mình hàng ngũ của mình mỗi tầng lớp vô sản mà còn cả các tầng lớp trung gian. Khi đứng vào hàng ngũ của giai cấp vô sản, khi giác ngộ những tư tưởng xã hội chủ nghĩa, các tầng lớp trung gian, ngay cả bộ phận có nguồn gốc từ giai cấp thống trị cũng sẽ đoạt tuyệt với các quan điểm, tư tưởng của mình và đứng vào hàng ngũ của giai cấp vô sản, bảo vệ lợi ích và tương lai của phong trào. Các tác giả đã đúc kết một cách rất sâu sắc: “Cuối cùng, lúc mà đấu tranh giai cấp tiến gần đến giờ quyết định thì quá trình tan rã của giai cấp thống trị, của toàn xã hội cũ, mang một tính chất dữ dội và khốc liệt đến nỗi một bộ phận nhỏ của giai cấp thống trị tách ra khỏi giai cấp này và đi theo giai cấp của cách mạng, đi theo giai cấp đang nắm tương lai trong tay. Cũng như xa kia, một bộ phận của quý tộc chạy sang hàng ngũ giai cấp tư sản; ngày nay, một bộ phận của giai cấp tư sản cũng chạy sang hàng ngũ giai cấp vô sản, đó là bộ phận những nhà tư tưởng tư sản đã vươn lên nhận thức được, về mặt lý luận, toàn bộ quá trình vận động lịch sử” (C.Mác và F. Ăng-ghen, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, tr.37).

- Chương II. Những người vô sản và những người cộng sản.

Chương này, Mác và Ăng -ghen đã trình bày tính tiên phong của Đảng cộng sản, mối quan hệ của Đảng cộng sản và giai cấp, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học, một số nguyên lý chiến lược, sách lược của cách mạng.

Sự trưởng thành của giai cấp vô sản sẽ dẫn đến sự ra đời của Đảng cộng sản, nhưng Đảng cộng sản khác với giai cấp vô sản ở tính tiên phong. Có nghĩa là những lực lượng tinh hoa nhất của phong trào giai cấp vô sản, những đại biểu đại diện cho quyền lợi của giai cấp vô sản, giác ngộ nhất, hiểu biết nhất hợp lại thành chính Đảng. Các ông viết: “Họ tuyệt nhiên không có một lợi ích nào tách khỏi lợi ích của toàn thể giai cấp vô sản” (C.Mác và F. Ăng-ghen, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, tr.42).

Tính tiên phong của nó biểu hiện ở sự tiên phong về mặt lý luận. Các ông đã luận chứng: “về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ là họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản” (C.Mác và F. Ăng-ghen, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, tr.42-43). Tính tiên phong đó của Đảng đảm bảo Đảng lãnh đạo và tập hợp phong trào vô sản chung quanh mình và trở thành động lực to lớn cho cách mạng.

Đảng cộng sản không phải là một bộ phận riêng biệt với phong trào vô sản, lợi ích của họ gắn chặt với lợi ích của quần chúng giai cấp. Mục đích của Đảng là mục đích của giai cấp, Đảng đại biểu cho lợi ích của phong trào. Mác và Ăng-ghen viết: “Mục đích trước mắt của những người cộng sản cũng là mục đích trước mắt của tất cả các đảng vô sản khác: tổ chức những người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành lấy chính quyền” (C.Mác và F. Ăng-ghen, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, tr.43).

Kết quả của phong trào vô sản còn biểu hiện ở chỗ phong trào cách mạng không ngừng tăng lên, họ giác ngộ và hành động theo dưới sự lãnh đạo của Đảng tiên phong.

- Chương III. Văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.

Các trào lưu xã hội chủ nghĩa khác nhau xuất hiện là một tính tất yếu của lịch sử, nguyên nhân là sự đa dạng của xu hướng chính trị. Các tác giả cũng đã xác định thái độ cụ thể với từng trào lưu. Tuyên ngôn đã phê phán các trào lưu xã hội chủ nghĩa phản động của phong kiến và tiểu tư sản.

Tất cả các trào lưu xã hội chủ nghĩa phi vô sản đều là trở ngại cho việc thành lập chính Đảng của giai cấp công nhân. Tuyên ngôn phê phán những trào lưu xã hội chủ nghĩa đó là nhằm đảm bảo cho việc truyền bá học thuyết chủ nghĩa khoa học vào phong trào công nhân.

- Chương IV. Thái độ của những người cộng sản đối với đảng độc lập.

Chương này khẳng định quan điểm của Đảng cộng sản về các chiến lược và sách lược mềm dẻo của Đảng. Nguyên tắc có ý nghĩa chiến lược của người cộng sản là: Chiến đấu cho mục đích trước mắt, song họ vẫn giữ ngọn cờ là đại biểu cho tương lai của cả phong trào, đó là đấu tranh chống ách áp bức của giai cấp tư sản. Các ông viết: “Những người cộng sản chiến đấu cho những mục đích và những lợi ích trước mắt của giai cấp công nhân, nhưng đồng thời trong phong trào hiện tại, họ cũng bảo vệ và đại biểu cho tương lai của phong trào” (C.Mác và F. Ăng-ghen, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, tr.73).

Ở tất cả các nước, những người cộng sản ủng hộ mọi phong trào cách mạng, trong đó họ đặt vấn đề sở hữu và coi đó là vấn đề căn bản của mọi phong trào. Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng cộng sản có viết: “Trong tất cả phong trào ấy, họ đều đưa vấn đề chế độ sở hữu lên hàng đầu, coi đó là vấn đề cơ bản của phong trào, không kể là nó đã có thể phát triển đến trình độ nào” (C.Mác và F. Ăng-ghen, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, tr.73).

Trong khi liên hợp với các đảng phái để chống lại thế lực phản động đang thống trị, Đảng cộng sản xem việc phải giành độc lập, liên minh nhưng phải có đấu tranh, có thõa hiệp. Đảng phải giữ vững nguyên tắc và giữ vững lập trường của giai cấp công nhân, và mục đích cuối cùng là lật đổ tất cả trật tự hiện có. Mác và Ăng-ghen viết: “Nhưng không một phút nào Đảng cộng sản lại quên giáo dục cho công nhân một ý thức hết sức sáng rõ về sự đối kháng kịch liệt giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản” (C.Mác và F. Ăng-ghen, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, tr.74).

II. Ảnh hưởng của Tuyên ngôn ĐCS đối với Quốc tế thứ nhất

2.1 Tình hình phong trào công nhân quốc tế trước khi thành lập Quốc tế thứ nhất.

Phong trào công nhân Anh trước khi thành lập Quốc tế thứ nhất đã là một phong trào lớn mạnh. Song những người lãnh đạo các công liên Anh, đại diện cho giai cấp công nhân đã được tổ chức vào các công liên, lại không coi mục đích đấu tranh của mình là lật đổ chế độ tư bản. Họ sẵn sàng thõa mãn với những điều kiện cải thiện tình trạng xã hội của công nhân và mở rộng các quyền chính trị của họ trong khuôn khổ xã hội tư bản.

Phần lớn các tổ chức công nhân Pháp trước khi thành lập Quốc tế thứ nhất chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Pơ-ru-đông, một số lại gắn với Bơ-lăng-ki. Pơ-ru-đông thì phủ nhận việc cần thiết phải đấu tranh cho sự thống trị về chính trị của giai cấp công nhân, đồng thời cũng không đòi quyền lợi kinh tế cho các công đoàn. Pơ-ru-đông cho rằng giai cấp vô sản có thể giải thoát khỏi tình trạng nghèo khổ bằng cách biến mình thành những người sản xuất nhỏ. Còn Bơ-lăng-ki thì cho rằng chỉ cần có những người gan dạ và quyết tử cho cách mạng thì bất cứ lúc nào cũng có thể lật đổ chủ nghĩa tư bản được. Quan điểm bạo động phiêu lưu của họ rất tai hại, trước mắt là không nhận thức được đúng đắn thế và lực của chính phủ tư sản, sau đó là làm công nhân “lãng quên” nhiệm vụ đấu tranh cải thiện kinh tế, cuối cùng là họ đoạn tuyệt và làm quần chúng không đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Ở Ý, cuộc cách mạng công nghiệp mới bắt đầu, do đó giai cấp vô sản còn ít ỏi và trong buổi ban đầu gắn chặt với tầng lớp tiểu tư sản. Công nhân lúc đầu tập hợp lại trong các hội có mục đích tương trợ lẫn nhau và hoạt động khai trí. Mà các tổ chức này đang chịu ảnh hưởng bởi Giô-dép Mát-đi-ni, một nhà hoạt động cách mạng dân chủ tư sản. Giô-dép Mát-đi-ni muốn đấu tranh cho cho một nước ý thống nhất, nhưng lại bác bỏ cuộc đấu tranh giải cấp của vô sản.

Ở Đức, tuy có các tổ chức công nhân độc lập về chính trị là Hội Liên hiệp công nhân toàn nước Đức, nhưng các tổ chức này chịu ảnh hưởng bởi Lát-xan cho nên các tổ chức này không đấu tranh triệt để để bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân và hướng mình trở thành đảng của giai cấp công nhân Đức. Một bộ phận còn lại tập hợp vào Hội Liên hiệp công nhân Đức năm 1863, số khác thì chịu ảnh hưởng của giai cấp tư sản.

Như vậy, các bộ phận khác nhau của phong trào công nhân quốc tế hoàn toàn chưa phải là một khối thống nhất về hệ tư tưởng và tổ chức. Trình độ lý luận của các bộ phận ấy hoàn toàn không đồng đều. Nhiều công nhân kiên quyết đấu tranh, nhưng họ không được trang bị lý luận của chủ nghĩa cộng sản khoa học, mà nhiều khi còn chịu ảnh hưởng của giai cấp tư sản. Do đó, cuộc đấu tranh của Mác trong Quốc tế thứ nhất là cuộc đấu tranh nhằm phổ biến những tư tưởng cộng sản khoa học đã được Mác và Ăng-ghen đúc kết - trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản - vào phong trào công nhân quốc tế.

2.2 Những nội dung chủ yếu của Tuyên ngôn ĐCS là cơ sở cho cương lĩnh của Quốc tế thứ nhất.

Do các tổ chức giai cấp công nhân quốc tế còn chịu nhiều tư tưởng khác nhau, cần phải có thời gian tuyên truyền và giác ngộ chủ nghĩa cộng sản khoa học vào phong trào công nhân quốc tế, vì thế mà Mác đã tìm cách làm cho quàn chúng công nhân có thể tiếp thu các tư tưởng của Mác bằng cách tham gia các cuộc đấu tranh giai cấp và các cuộc trao đổi ý kiến trong phiên họp Đại hội của Quốc tế thứ nhất hoặc trên báo chí.

Việc đầu tiên khi sáng lập ra Quốc tế thứ nhất, Mác đã chủ ý xây dựng “một cương lĩnh mở cửa đối với những người theo chủ nghĩa công đoàn ở Anh, những người của phái Pơ-ru-đông ở Pháp, Bỉ, Ý và Tây Ban Nha, cũng như đối với bọn Lát-xan Đức” (C.Mác và F. Ăng-ghen, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, tr.74). Tại Chương IV của Tuyên ngôn Đảng cộng sản, Mác và Ăng-ghen đã giải thích sách lược của những người cộng sản cần phải có tính linh hoạt nhưng không phản bội lại phong trào vô sản: “Những người cộng sản chiến đấu cho những mục đích và những lợi ích trước mắt của giai cấp công nhân, nhưng đồng thời trong phong trào hiện tại, họ cũng bảo vệ và đại biểu cho tương lai của phong trào. Ở Pháp, những người cộng sản liên hợp với Đảng dân chủ - xã hội chủ nghĩa chống giai cấp tư sản bảo thủ và cấp tiến, đồng thời vẫn dành cho mình cái quyền phê phán những lời nói suông và những ảo tưởng do truyền thống cách mạng để lại.

Ở Thụy sĩ, họ ủng hộ phái cấp tiến, nhưng không phải không biết rằng đảng này gồm những phần tử mâu thuẫn nhau, một nửa là những người dân chủ xã hội chủ nghĩa theo kiểu Pháp, và một nửa là những người tư sản cấp tiến.

Ở Ba Lan, những người cộng sản ủng hộ chính đảng đã coi cách mạng ruộng đất là điều kiện để giải phóng dân tộc, nghĩa là chính đảng đã làm cuộc khởi nghĩa Cra-cốp năm 1846.

Ở Đức, Đảng cộng sản đấu tranh chung với giai cấp tư sản mỗi khi giai cấp này hành động cách mạng chống chế độ quân chủ chuyên chế, chống chế độ sở hữu ruộng đất phong kiến và giai cấp tiểu tư sản phản động. ” (C.Mác và F. Ăng-ghen, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, tr.74).

Từ ngày 21 đến 27 tháng Mười 1864, Mác đã thảo ra Điều lệ tạm thời của Quốc tế thứ nhất, trong đó Mác giải thích những nguyên tắc cơ bản và cơ cấu tổ chức của Hội Liên hiệp công nhân quốc tế. Mác mở đầu Điều lệ bằng một tuyên bố có tính chất cương lĩnh: “Giải phóng giai cấp công nhân phải là sự nghiệp của bản thân giai cấp công nhân; cuộc đấu tranh để giải phóng giai cấp công nhân không phải là một cuộc đấu tranh để giành những đặc quyền và độc quyền giai cấp, mà là để giành những quyền lợi và nghĩa vụ bình đẳng và xóa bỏ sự thống trị giai cấp" (C.Mác và F. Ăng-ghen, toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1994, t.16, tr.24).

Tình trạng người lao động bị bọn độc quyền tư liệu lao động, tức là những nguồn sống, chi phối về mặt kinh tế là cơ sở của sự nô dịch dưới tất cả mọi hình thức, là cơ sở của mọi cảnh cùng khổ trong xã hội, của tình trạng khuất phục về mặt tinh thần và lệ thuộc về mặt chính trị”.

Nguyên tắc có tính chất cương lĩnh đó tương đồng với những luận điểm sau đây của Mác và Ăng-ghen trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng cộng sản:

Nói về tình trạng những giai cấp vô sản bị áp bức và bóc lột, điều kiện sinh hoạt vật chất và xã hội có thể coi như là “nô lệ”, các tác giả viết trong Chương I về tư sản và vô sản như sau: “Những công nhân ấy, buộc phải tự bán mình để kiếm ăn từng bữa một, là một hàng hoá, tức là một món hàng đem bán như bất cứ một món hàng nào khác” (C.Mác và F. Ăng-ghen, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, tr.32). Các tác giả còn chỉ rõ: “Họ không những là nô lệ của giai cấp tư sản, của nhà nước tư sản, mà hàng ngày, hàng giờ, còn là nô lệ của máy móc, của người đốc công và trước hết là của chính nhà tư sản chủ công xưởng. Chế độ chuyên chế ấy càng công khai tuyên bố lợi nhuận là mục đích duy nhất của nó thì nó lại càng trở thành ti tiện, bỉ ổi, đáng căm ghét” (C.Mác và F. Ăng-ghen, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, tr.33).

Nói về việc xóa bỏ sự thống trị của giai cấp để giành lấy sự tự do và bình đẳng của giai cấp công nhân, Mác và Ăng-ghen viết trong Chương II những người cộng sản và vô sản: “Hãy xoá bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xoá bỏ. Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo” (C.Mác và F. Ăng-ghen, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, tr.51). Các tác giả đã đúc kết nội dung xuyên suốt của chương II bằng một lời khẳng định: “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” (C.Mác và F. Ăng-ghen, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, tr.55).

Trong bản Tuyên ngôn của Hội liên hiệp giai cấp công nhân, Mác đã làm sâu sắc thêm luận điểm trên bằng cách đưa vào lời khẳng định có tính chất mệnh lệnh: “Vì vậy việc giành chính quyền trở thành một nghĩa vụ vĩ đại của giai cấp công nhân” (C.Mác và F. Ăng-ghen, toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1994, t.16, tr.23).

Điều lệ tạm thời bắt buộc các hội viên của Hội Liên hiệp công nhân quốc tế phải hết sức cố gắng “thống nhất các đoàn thể công nhân đang rời rạc của nước họ thành những tổ chức có tính chất toàn quốc do các cơ quan trung ương toàn quốc đại biểu” (C.Mác và F. Ăng-ghen, tuyển tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1962, t.1, tr.617), nghĩa là họ phải hình thành nên các chính đảng của giai cấp công nhân ở mỗi đất nước của mình. Luận điểm này là một sự cụ thể hóa rõ rệt những tư tưởng của Mác và Ăng-ghen, trong tác phẩm Tuyên ngôn Đảng cộng sản, các tác giả đã phác họa những cơ sở căn bản của việc hình thành một chính đảng của giai cấp công nhân: “Sự tổ chức như vậy của người vô sản thành giai cấp và do đó thành chính đảng, luôn bị sự cạnh tranh của công nhân với nhau phá vỡ. Nhưng nó luôn được tái lập và luôn mạnh mẽ hơn, vững chắc hơn, hùng mạnh hơn” (C.Mác và F. Ăng-ghen, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, tr.36).

Tuyên ngôn và Điều lệ của Hội Liên hiệp giai cấp công nhân không chỉ là sự cụ thể hóa một số quan điểm của Mác - Ăng-ghen trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Qua Tuyên ngôn và Điều lệ, Mác còn phát triển thêm, làm sâu sắc thêm. Nếu như trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, Mác và Ăng-ghen mới trình bày các hình thức phát triển và quy mô của phong trào vô sản thì trong Tuyên ngôn và Điều lệ của Hội Liên hiệp công nhân, Mác nhắc nhiều đến nguyên nhân vì sao phong trào vô sản trước đó thất bại, và lý giải cách “khắc phục” những nguyên nhân ấy bằng việc lập ra một tổ chức có tính chất quốc tế của giai cấp công nhân. Đó cũng là cơ sở căn bản cho sự ra đời của Hội Liên hiệp công nhân hay là Quốc tế thứ nhất.

Mác viết trong Tuyên ngôn rằng: “Kinh nghiệm quá khứ chứng tỏ rằng thái độ coi thường sự liên minh anh em - sự liên minh phải có giữa công nhân các nước khác và phải thúc đẩy họ kề vai sát cánh trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng, - sẽ bị trừng phạt bằng cách bắt những cố gắng phân tán của họ phải chịu sự thất bại chung” (C.Mác và F. Ăng-ghen, toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1994, t.16, tr.23). Điều đó tiếp tục được Mác khẳng định trong việc soạn bản Điều lệ của Hội : “tất cả mọi cố gắng nhằm đạt tới mục tiêu vĩ đại đó, cho tới nay đều không đem lại kết quả vì thiếu sự đoàn kết giữa những người công nhân thuộc các ngành lao động khác nhau trong mỗi nước và vì không có sự liên minh anh em giữa giai cấp công nhân các nước” (C.Mác và F. Ăng-ghen, toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1994, t.16, tr.26-27).

Bản Tuyên ngôn kết thúc bằng lời kêu gọi chiến đấu: “Vô sản tất cả các nước. Liên hiệp lại!” (C. Mác và F. Ăng-ghen toàn tập, Nga văn, t.31, tr.613). Khẩu hiệu đó là sự tiếp nối tư tưởng của Đồng minh những người cộng sản và khẳng định những thành tựu to lớn của phong trào công nhân quốc tế.

Tuyên Ngôn và Điều lệ đã làm cho tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản càng nổi bậc và gia tăng giá trị.

Mác ý thức được sự chưa chín muồi về mặt tư tưởng của các tổ chức công nhân, do đó Mác phải chọn lựa một hình thức phù hợp cho phép Mác tuyên bố mục đích vĩ đại của phong trào công nhân là giải phóng giai cấp vô sản, thiết lập nền thống trị về chính trị của giai cấp vô sản là tiền đề để giải phóng giai cấp vô sản về mặt kinh tế.

Căn bản những nội dung của Tuyên ngôn và Điều lệ của Hội Liên hiệp giai cấp công nhân đã lấy những luận điểm mà Mác và Ăng-ghen viết trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, được Mác bổ sung, vận dụng và cụ thể hóa vào những vấn đề trong bản Tuyên ngôn và Điều lệ của Hội liên hiệp giai cấp công nhân.

2.3 Cuộc đấu tranh của Mác - Ăng-ghen chống các xu hướng chính trị cơ hội trong Quốc tế thứ nhất.

Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế thứ nhất họp tại Gơ-ne-vơ từ 3-8 tháng Chín 1866. Sáu mươi đại biểu đại diện cho 25 chi bộ ở Anh, Pháp, Thụy sĩ và Đức đã tham gia Đại hội. Mác không tham gia Đại hội được nhưng ông đã chuẩn bị “Chỉ thị về nhiều vấn đề cho các đại biểu của Ban chấp hành trung ương lâm thời” (Ba Quốc tế, Nxb Sự thật, Hà nội, 1958, tr.9), trong đó, chủ yếu Mác phê phán những người theo phái Pơ-ru-đông là những người làm tổn hại cho phong trào công nhân Pháp. Họ chống lại các cuộc đấu tranh chính trị của giai cấp vô sản, phản đối việc tổ chức cuộc bãi công và thực tế là những kẻ tuyên truyền cho “nền kinh tế tư sản tầm thường được lý tưởng hóa theo lối Pơ-ru-đông” (Ba Quốc tế, Nxb Sự thật, Hà nội, 1958, tr.10) như Mác đã viết trong bức thư Mác gửi cho Cu-ghen-man.

Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế thứ nhất đã thông qua các nghị quyết có ý nghĩa chính trị to lớn do Mác đề nghị; những nghị quyết này đòi bắt buộc hạn chế ngày lao động tám giờ đối với tất cả công nhân, đòi đặc biệt hạn chế lao động của trẻ em và những người trẻ tuổi kết hợp với việc yêu cầu họ được giáo dục phổ thông và nghề nghiệp, đòi bảo vệ lao đông của phụ nữ, đòi phế bỏ các thứ thuế gián tiếp. Đặc biệt là nghị quyết về các công đoàn; nghị quyết này không những chống lại những người theo phái Pơ-ru-đông vì họ đã cương quyết bác bỏ mọi tổ chức của giai cấp công nhân, và chống lại những người theo phái Lát-xan vì họ đã miệt thị tổ chức nghề nghiệp của giai cấp công nhân, mà nghị quyết này còn phản đối cả chủ nghĩa công đoàn hẹp hòi của những người Anh chỉ hạn chế sự hoạt động của mình trong việc đấu tranh cho những cuộc cải cách nhỏ, lẻ tẻ trong khuôn khổ chủ nghĩa tư bản.

Nghị quyết vạch rằng những công đoàn nghề nghiệp là hình thức tổ chức đầu tiên và rộng rãi của giai cấp công nhân và vì vậy, nhiệm vụ của nó là đấu tranh để giải phóng hoàn toàn giai cấp công nhân.

Đại hội đã thông qua bản Tuyên ngôn và Điều lệ của Đệ nhất Quốc tế do Mác soạn thảo, tán thành hoạt động của Ban chấp hành quốc tế trong hai năm hoạt động 1864-1866 và bầu lại thành phần Ban chấp hành như cũ.

Như vậy các nghị quyết của Đại hội Giơ-ne-vơ đã đánh dấu sự thắng lợi của các nguyên lý của chủ nghĩa Mác về cương lĩnh và tổ chức trong nội bộ Đệ nhất Quốc tế. Lập trường của Mác trong Quốc tế được củng cố. Sau Đại hội, những người theo phái Pơ-ru-đông đã hình thành một cánh tả, và dần dần họ phủ nhận Pơ-ru-đông để bước vào con đường đấu tranh cách mạng có tính quần chúng.

Đại hội lần thứ ba của Quốc tế thứ nhất họp ở Bơ-ruy-xen từ ngày 6-13 tháng Chín 1868. Gần 100 đại biểu dự Đại hội. Lúc này Đệ nhất quốc tế đang bị đàn áp về chính trị và chính trong hoàn cảnh đó Mác đã chuẩn bị tỉ mỉ các công việc của Đại hội, viết các bản báo cáo hàng năm của Ban chấp hành trung ương, và dự thảo các nghị án chủ yếu. Sự suy yếu của những người thuộc cánh hữu của phái Pơ-ru-đông - biểu hiện ở chỗ quần chúng ở Pháp ngày càng nghiên về cánh tả - đã phản ánh trong các nghị quyết của Đại hội. Nhiều đại biểu Pháp và Bỉ ủng hộ cuộc đấu tranh của đại biểu Ban chấp hành trung ương chống cánh hữu của phái Pơ-ru-đông.

Nhiều nghị quyết đã tiếp tục xác nhận những nghị quyết của Đại hội ở Giơ-ne-vơ, tiếp tục tán thành đấu tranh bãi công, thành lập các công đoàn và yêu sách ngày làm tám giờ. Nghị quyết về sở hữu tập thể ruộng đất là một trong những nghị quyết quan trọng nhất; nó được thông qua sau khi S. Pa-pơ trình bày bản báo cáo. Đại hội tuyên bố giao ruộng đất, hầm mỏ và các đường xe lửa cho xã hội. Nghị quyết ấy của Đại hội đánh dấu sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội vô sản với luồng tư tưởng tiểu tư sản trong Quốc tế thứ nhất.

Khi Đại hội Bờ-ruy-xen họp thì chủ nghĩa Mác đã đánh bại được những tư tưởng Lát-xan trong phong trào công nhân Đức. Ngày 5 tháng Chính 1868, Đại hội Nu-rem-be của các hội công nhân gồm có đại biểu 14.000 công nhân, đã tuyên bố đi theo cương lĩnh Đệ nhất quốc tế của Mác.

Từ sau các nghị quyết của Đại hội Bờ-ruy-xen những phần tử tiểu tư sản chỉ còn có thể chống chủ nghĩa Mác trong Đệ nhất quốc tế dưới các chiêu bài “phái tả”. Đó là học thuyết của Mi-khai Ba-cu-nin, trước hết ông ta đề xuất đặt Quốc tế thứ nhất dưới Liên đoàn vì hòa bình và tự do, thực chất là một tổ chức tư sản, đồng thời muốn đưa Liên minh quốc tế dân chủ xã hội do Ba-cu-nin sáng lập vào Quốc tế thứ nhất nhưng thất bại.

Đại hội lần thứ IV họp tại Ba-lơ từ 6-11 tháng Chính 1869, phái hữu của Pơ-ru-đông yêu cầu xét lại vấn đề sở hữu tập thể và ruộng đất đã được xác nhận tại Đại hội Bơ-ruy-xen.Vấn đề sở hữu, Quốc tế thứ nhất đã tán thành những nghị quyết mà cốt lõi đã thể hiện tinh thần của Mác và Ăng-ghen trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng cộng sản: “Đặc tính của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà là xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản” (C.Mác và F. Ăng-ghen, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, tr.43). Vì thế việc quyết định trao các tư liệu sản xuất chủ yếu vào tay xã hội là một cách cụ thể hóa các quan điểm xóa bỏ sở hữu tư sản mà các ông đã đề cập trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản.

Cuộc chiến tranh Pháp - Phổ 1870-1871 và xu hướng chiến tranh đế quốc dân cao ở Châu Âu đã dẫn đến việc Quốc tế thứ nhất bị đàn áp gắt gao, do đó hoạt động của Quốc tế thứ nhất trong thời kỳ này buộc phải chuyển vào hoạt động bất hợp pháp. Việc triệu tập Đại hội V vì thế mà bị hủy bỏ, chỉ có thể bí mật họp ở Luân-đôn từ 17-23 tháng Chín 1871. Mác và Ăng-ghen tích cực tham gia hội nghị này nhằm củng cố tổ chức Đệ nhất quốc tế và đấu tranh chống chủ nghĩa bè phái và chủ nghĩa vô chính phủ. Những vấn đề đấu tranh chính trị của giai cấp vô sản, về chuyên chính của giai cấp vô sản, về đảng là những vấn đề trung tâm của hội nghị Luân-đôn. Rút kinh nghiệm của phong trào công nhân và bài học của Công xã Pari, hội nghị thông qua một nghị quyết rất quan trọng về sự cần thiết phải thành lập mỗi nước một đảng chính trị độc lập của giai cấp vô sản. Nghị quyết này là một sự thắng lợi của chủ nghĩa Mác trong phong trào công nhân quốc tế. Từ đây những vấn đề về hoạt động và đấu tranh của Quốc tế thứ nhất căn bản tuân thủ đúng tinh thần của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.

Đại hội V của Quốc tế thứ nhất họp ở La-Hay, từ 2-7 tháng Chín 1872. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Mác của Ba-cu-nin đã thất bại hoàn toàn, những quan điểm của Mác ngày càng được ủng hộ trong đó bao gồm phái tả của Bơ-lăng-ki là những người đã gia nhập Quốc tế thứ nhất sau Công xã Pari. Đại hội cũng tiếp tục tán thành những nghị quyết của hội nghị Luân-đôn và bổ sung vào cương lĩnh của mình, phái Ba-cu-nin đã bị khai trừ khỏi Đệ nhất quốc tế.

Đại hội La-Hay 1872 đã đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn của chủ nghĩa Mác về mặt tư tưởng và về mặt tổ chức trong Quốc tế thứ nhất. Cương lĩnh của Quốc tế thứ nhất căn bản đã thực thi đúng tin thần của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Đệ nhất Quốc tế đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình, bởi vì những tư tưởng của chủ nghĩa Mác trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng cộng sản đã lan tới những công nhân tiên tiến của các nước tư bản chủ nghĩa quan trọng nhất. Do đó Hội nghị Phi-la-đen-phi 1876, chính thức tuyên bố giải tán Quốc tế thứ nhất.

Kết luận

Tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do Mác và Ăng-ghen viết là một tác phẩm mang tính thời đại. Văn kiện ấy đã vạch ra con đường cách mạng vô sản cho giai cấp công nhân quốc tế, đã trang bị cho giai cấp công nhân quốc tế những tư tưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học.

Song, trong thời gian đầu, những ảnh hưởng của Tuyên ngôn của Đảng cộng sản chưa được giai cấp công nhân quốc tế tiếp thu sâu sắc, trước nhất là vì các phong trào và ảnh hưởng bởi các xu hướng chính trị tiểu tư sản còn nặng nề trong lòng quần chúng công nhân các nước tư bản, thứ hai là vì trình độ và sự phát triển của giai cấp công nhân các nước tư bản không đồng bộ, thứ ba là vì sự kiểm soát nghiêm ngặt của các chính phủ tư sản làm cho tác phẩm này không được tiếp cận nhiều đến các tổ chức công nhân các nước.

Do đó, ảnh hưởng của Tuyên ngôn của Đảng cộng sản phải gắn liền với đời hoạt động cách mạng của Mác và Ăng-ghen trong Quốc tế thứ nhất, các ông đã kiên trì và đấu tranh không mệt mỏi để chủ nghĩa Mác thâm nhập vào phong trào công nhân quốc tế tại Quốc tế thứ nhất. Thắng lợi của Cương lĩnh của Hội liên hiệp giai cấp công nhân đó cũng là thắng lợi của việc truyền bá chủ nghĩa Mác vào phong trào công nhân.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. C. Mác và F. Ăng-ghen, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958

2. C. Mác – F. Ăng-ghen, Tuyển tập, t.1, Nga văn, 1949

3. C. Mác và F. Ăng-ghen, toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1994, t.16

4. C. Mác và F. Ăng-ghen, tuyển tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1962

5. C. Mác và F. Ăng-ghen toàn tập, Nga văn, t.31

6. Các Mác tiểu sử, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977

7. Ba Quốc tế, Nxb Sự thật, Hà nội, 1958