Hồng quân với Liên Xô, những ưu điểm của Hồng quân - Hồ Chí Minh



HỒNG QUÂN VỚI LIÊN XÔ

NHỮNG ƯU ĐIỂM CỦA HỒNG QUÂN

Trải 15 năm kiến thiết, Hồng quân ngày nay đã thành một đội quân anh dũng nhất thế giới, một đội quân có tổ chức kiên cố, có huấn luyện thành thục, có đầy đủ vũ khí tối tân. Từ năm 1938 đến năm 1939, đội quân ấy đã đánh lại quân phát xít phương Đông là Nhật Bản ở Trương Cao Phong. Lại từ năm 1941 trở lại đây, quân đội ấy đã làm cho phát xít Đức đã từng xưng hùng xưng bá ở Âu châu phải hoảng vía, rồi đến bị chôn sống không hòng ngóc đầu lên được. Thu được những chiến công oanh liệt, vĩ đại ấy, cố nhiên là vì Hồng quân đã chiến đấu trong sự gian nan, tân khổ. Nhưng cũng chính vì có những ưu điểm sau đây:

1) Hồng quân Liên Xô biết phép chiến đấu: Tuy có những vũ khí tối tân, nhưng chỉ dựa vào vũ khí và binh lực thì không thắng nổi quân địch. Bằng chứng là Đức đã dùng được cả một kho tàng nguyên liệu, máy móc ở Âu châu, động viên được hàng vạn, hàng triệu binh sĩ, đã chinh phục được một phần lớn các nước lớn nhỏ ở Âu châu để làm tay sai cho mình, thế mà không thắng được Liên Xô. Vì Liên Xô đã biết khéo dùng tất cả cái hay của phép đánh trận và đã lợi dụng được hết lực lượng tinh thần của binh sĩ đã biết dùng vũ khí ấy. Trong lúc đánh trận, Hồng quân lại vừa đánh vừa kinh nghiệm để tạo ra những phép đánh mới. Những trận quyết chiến ở thành Xtalingrát (Stalingrad) và những trận chiến đấu quanh kinh thành Bá Linh là những chứng cớ rất hùng hồn.

2) Hồng quân Liên Xô đã được hưởng thụ một nền văn hoá và giáo dục tốt đẹp - Xtalin có nói với các chiến sĩ: "Bộ binh, pháo thủ, phi công và các nhân viên cầm máy xe tăng phải học cho thật tinh tường những kỹ thuật và phải tập cách dùng kỹ thuật cho thực khéo để có thể thành quân đội giỏi nhất thế giới". Ấy là khi ở hậu phương Hồng quân đã được hiểu biết quân sự tinh vi, khi ra trận Hồng quân lại được hưởng một đời sống văn hoá hoàn bị. Không nói chi đến việc cung cấp lương thực, quần áo, súng đạn được đầy đủ mà ngay đến sách báo, diễn giảng, chớp bóng, ca kịch, nghĩa là tất cả các thứ mua vui, Hồng quân được hưởng đầy đủ. Các công việc giáo dục đó đều nhằm mục đích nâng cao tinh thần của binh sĩ khiến cho họ có thể phát triển thiên tài của họ và lập được những chiến công oanh liệt.

Một đội quân đã được huấn luyện theo lối mới, lại có trình độ giác ngộ chính trị cao, tất nhiên làm trọn được nhiệm vụ của người chiến sĩ.

3) Quân dân nhất trí - Các tướng lĩnh và binh sĩ Hồng quân đều là những con em của những lớp thợ thuyền, dân cày và trí thức. Sau hồi cách mạng trở lại đây, nền tảng giai cấp trong xã hội Liên Xô đã biến đổi nên quân đội với nhân dân cũng như anh em một nhà. Trước hồi cách mạng, 87 phần trăm các tướng lĩnh trong quân đội của Nga hoàng đều là con cái của các nhà quý tộc, còn bao nhiêu đều là những phần tử tư sản. Sau hồi cách mạng, Liên Xô phải chú trọng bồi dưỡng cán bộ quân sự trong đám thợ thuyền, dân cày và trí thức. Các tướng lĩnh và binh sĩ ở Liên Xô bây giờ đều xuất thân ở lớp người ấy. Hơn nữa, các dân tộc trong Liên Xô đều bình đẳng. Riêng trong quân đội và giữa quân đội với nhân dân đều có tinh thần đoàn kết, nhất trí. Nhân dân ở Liên Xô chẳng những thích ra lính mà còn cho việc giúp đỡ quân đội là nhiệm vụ của mình nữa. Quân và dân hợp tác triệt để là một đặc điểm thứ nhất trong quân đội của Liên Xô. Liên Xô diện tích rộng 22.000.000 cây số vuông. Trong khoảng đất rộng mênh mông bát ngát như vậy, dân số có tới 190 triệu người, trong đó có 200 dân tộc lớn nhỏ cùng nhau đoàn kết thì làm gì chẳng đủ điều kiện nhân hoà, địa lợi, để thắng trận.

4) Quân đội Liên Xô có những vị chỉ huy tối cao sáng suốt và đủ tài đức. Quân đội Liên Xô đã hai lần cùng gặp một kẻ địch lợi hại là đế quốc Đức. Một lần là trận bao vây ở thành Tờsaritsin vào hồi năm 1918, một lần là trận quyết chiến ở thành Xtalingrát vào hồi năm 1942. Hai lần quyết chiến ấy rất có ảnh hưởng đến sự an nguy của Liên Xô. Lần trước, nhờ sự giúp sức của Xtalin mà thoát nạn. Lần sau, cũng nhờ sách lược của Xtalin mà thắng lợi, thành Tờsaritsin bây giờ đổi tên là Xtalingrát là để kỷ niệm công trạng của Xtalin. Trận quyết chiến ở Xtalingrát thật là tỏ rõ cái thiên tài về quân sự và nghệ thuật đánh trận của Xtalin. Sự thắng lợi của Liên Xô do trận ở Xtalingrát năm 1942 quyết định một phần lớn. Đó là một trang lịch sử vẻ vang của Liên Xô. Bây giờ toàn thể nhân dân Liên Xô đều ca tụng Xtalin là cứu tinh của Liên Xô.

Chúng ta đương tổ chức quân đội quốc gia, chúng ta phải rút kinh nghiệm quý báu trong lịch sử kiến thiết quân đội của Liên Xô.

Q.Th.

Báo Cứu quốc, số 230, ngày 3-5-1946.