Một số thông tin sai lệch trong bài nghiên cứu của Nguyễn Hồng Dung trên Tạp chí lịch sử quân sự
Trong giới học thuật ở nước ta hiện nay xuất hiện một tình trạng "kỳ lạ", các tác giả thường quy chụp một cách thô thiển và áp đặt các tư tưởng của mình trong việc khái quát lại sự kiện lịch sử. Việc trình bày quan điểm, tư duy cá nhân là việc tốt, nhưng nó phải có cơ sở, có các tài liệu cụ thể. Còn ở đây, chúng ta thậm chí có thể thấy những sai sót đến ngớ ngẫn:
Sau đây là một đoạn trích trong bài viết:
<< Những ý kiến trên đây của nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc, đại biểu dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 5 tại Mátskơva, năm 1924, người đã lên tiếng phê bình nặng lời các Đảng cộng sản, công nhân đã không "quan tâm đến các thuộc địa", "không làm hoặc làm rất ít cho thuộc địa...", đều là trái với những luận điểm của Quốc tế cộng sản, đứng đầu là Stalin. >>
Tạm bỏ qua cái chuyện tác giả "quên" kiểm tra rằng người đứng đầu Quốc tế Cộng sản lúc bấy giờ là Zinoviev (chứ không phải Stalin), bỏ qua cái chuyện tác giả không biết rằng Stalin thậm chí còn không phải đại diện phái đoàn Liên Xô tại Quốc tế Cộng sản, tạm bỏ qua cái chuyện Stalin chỉ nằm trong tiểu ban về vấn đề Ba Lan. Chúng ta chỉ phân tích xem, tại Đại hội V, đồng chí Nguyễn Ái Quốc - vị lãnh tụ đáng kính của của Đảng ta đã nói "trái với những luận điểm của Quốc tế Cộng sản" theo lời tác giả Nguyễn Hồng Dung là như thế nào. Xin trích:
<< Vì vậy sẽ không phải là quá đáng nếu nói rằng chừng nào Đảng Pháp và Đảng Anh chúng ta chưa thi hành một chính sách thật tích cực trong vấn đề thuộc địa, thậm chí chưa đề cập đến quần chúng các nước thuộc địa, thì toàn bộ chương trình rộng lớn của hai đảng đó vẫn không có hiệu quả gì. Chương trình ấy sẽ không có hiệu quả gì vì nó trái với chủ nghĩa Lenin. Tôi xin nói rõ ý của tôi. Trong bài nói chuyện về Lenin và vấn đề dân tộc, đồng chí Stalin đã chỉ rằng bọn cải lương và các lãnh tụ Quốc tế thứ hai đã không dám đặt ngang hàng các dân tộc da trắng và các dân tộc thuộc các màu da khác, rằng Lenin đã bác bỏ sự bất bình đẳng đó và phá tan cái vật chướng ngại ngăn chia những người nô lệ văn minh với những người nô lệ không văn minh của chủ nghĩa đế quốc. Theo Lenin, cách mạng ở phương Tây muốn thắng lợi thì nó phải liên hệ chặt chẽ với phong trào giải phóng chống chủ nghĩa đế quốc ở các nước thuộc địa và các nước bị nô dịch và vấn đề dân tộc, như Lenin đã dạy chúng ta, chỉ là một bộ phận của vấn đề chung về cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản. Sau đó, đồng chí Stalin đã nói đến quan điểm phản cách mạng cho rằng không cần liên minh trực tiếp với phong trào giải phóng ở các nước thuộc địa, giai cấp vô sản châu Âu cũng có thể thắng lợi được. Nhưng nếu căn cứ vào hành động để xét về mặt lý luận thì tình trạng các đảng lớn của chúng ta, trừ Đảng Nga, không hoạt động gì cả khiến chúng ta có quyền cho rằng ngày nay các đảng đó vẫn còn giữ quan điểm mà đồng chí Stalin đã nói. >> - Phát biểu tại phiên họp 22 Đại hội V Quốc tế Cộng sản, trích từ Hồ Chí Minh toàn tập.
Trớ trêu thay, không giống như những gì tác giả Nguyễn Hồng Dung viết, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thậm chí còn tán thành chính sách dân tộc theo Chủ nghĩa Lenin đã được đồng chí Stalin trình bày, và tán thành lời nhận xét của đồng chí Stalin khi cho rằng một số đảng dường như đã lờ đi về vấn đề liên hợp giữa cách mạng vô sản chính quốc và cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa. Và đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh "trừ Đảng Nga" (lúc này do Stalin làm Tổng bí thư), còn các đảng lớn khác thì không hoạt động gì. Ấy vậy mà tác giả lại bảo rằng đó là trái với quan điểm của Stalin ? quan điểm của Quốc tế Cộng sản ? Tác giả dường như đã không hề đọc kỹ nội dung bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Ái Quốc mà có vẻ như tự suy diễn thì đúng hơn.
Một đoạn khác
<< Việc áp đặt và ràng buộc Nguyễn Ái Quốc vào Quốc tế Cộng sản (QTCS), không cho phép, hạn chế việc giao lưu giữa Nguyễn Ái Quốc với các đối tượng khác, nên vào năm 1925, khi Nguyễn Ái Quốc trở về Châu Á, QTCS đã không cấp cho Nguyễn Ái Quốc giấy giới thiệu với ĐCS Trung Quốc, với Quốc dân Đảng của Tôn Dật Tiên, không cung cấp tài chính đi đường, sinh sống. >>
Tạm bỏ qua cái chuyện tác giả nêu sai về mặt thời gian, thực sự Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô vào năm 1924 chứ không phải 1925, thì tác giả còn phạm phải một số sai lầm khác như:
- Về việc Quốc tế Cộng sản đã không cấp cho Nguyễn Ái Quốc giấy giới thiệu với Đảng Cộng sản Trung Quốc, với Quốc Dân Đảng
Trong Thư gửi Quốc tế Cộng sản, 11/9/1924, đồng chí Nguyễn Ái Quốc có viết:
<< Sau Đại hội lần thứ V, Ban Phương Đông đã nói với tôi rằng: 1/ Ban sẽ giới thiệu tôi với Quốc dân Đảng để tôi làm việc ở đấy vì ngoài lộ phí, Ban không thể giúp tôi về tài chính. 2/ Tôi sẽ ở chỗ đó với tư cách cá nhân chứ không phải với tư cách là cán bộ của Quốc tế Cộng sản. 3/ Tôi sẽ không có những quan hệ với Đảng chúng tôi ở Trung Quốc.
Dù tất cả những điều kiện đó đối với tôi là khó, nhưng tôi vẫn chấp nhận nó để có thể đi được. Để cứu vãn các điều kiện 2 và 3, tôi yêu cầu Đảng tôi cho tôi một giấy uỷ nhiệm, và gửi cho Đảng Trung Quốc một bức thư yêu cầu giúp đỡ tôi trong công tác. Vậy là vấn đề đã được giải quyết.
Nhưng lúc này nội chiến đang nổ ra ở Trung Quốc, Quốc dân Đảng không trả lời bức thư của Ban Phương Đông. Và việc lên đường của tôi một lần nữa lại phải hoãn lại vô thời hạn. Như vậy, trước là vì Đảng tôi không trả lời. Nay là vì những người Trung Quốc đánh nhau. >>
Như vậy, không phải vì Quốc tế Cộng sản không giới thiệu Nguyễn Ái Quốc cho Quốc dân Đảng, mà vì Quốc dân Đảng không trả lời (Thời điểm này, Đảng Cộng sản Trung Quốc và những người cộng sản đang hợp tác với Quốc dân Đảng của cụ Tôn Dật Tiên, nhiều đảng viên Cộng sản cũng là đảng viên Quốc dân Đảng).
- Về chuyện tài chính đi đường, sinh sống (lộ phí)
Trong Thư gửi Quốc tế Cộng sản, 11/9/1924, đồng chí Nguyễn Ái Quốc cũng đã cho biết Ban Phương Đông có thể lo chuyện lộ phí, song không thể cung cấp tài chính sau đó, cụ thể là chi phí công tác ở nước ngoài. Điều này có thể khẳng định trong bức thư gửi đồng chí Tơ-ranh đề nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp giúp đỡ ngày 19/9/1924 như sau:
<< Đồng chí Tơranh thân mến,
Ban Phương Đông đã báo tin cho tôi rằng: Ban sẽ chi tiền đi đường cho tôi tới Quảng Châu, nhưng khi đến đó thì tôi phải tự xoay xở tìm lấy công việc. Hẳn là làm việc để kiếm sống không phải là điều khó, thậm chí ngay cả ở một đất nước mà tôi chỉ biết viết chứ không biết nói thứ tiếng ở đó. Tuy nhiên, trong trường hợp của tôi, điều đó cũng có những cái bất tiện:
1/ Tôi phải sống gần như bất hợp pháp ở Quảng Châu, nơi nhung nhúc những mật thám Pháp.
2/ Nếu tôi nhận làm một công việc nào đó, thì toàn bộ thời giờ của tôi sẽ bị choán hết. Mà tôi thì phải được hoàn toàn tự do để làm việc theo ý muốn, tức là nghiên cứu hoàn cảnh, xem xét quần chúng và tổ chức cái gì đó.
Bởi vì Đảng chúng tôi và Ban Phương Đông không thể giúp tôi về tài chính, nên tôi đề nghị đồng chí trình bày trường hợp của tôi trước Ban chấp hành và xin cho quyết định.
Xin gửi đồng chí lời chào cộng sản anh em. >>
Còn về sự cụ thể chính xác số tiền mà Quốc tế Cộng sản cấp cho Nguyễn Ái Quốc đi đường thì ta có thể trích trong Thư gửi chủ tịch Đoàn Quốc tế Cộng sản ngày 18/12/1924 từ Quảng Châu Trung Quốc như sau:
<< Tôi đến Quảng Châu vào giữa tháng 12. Tôi đã gặp tại đây vài ba nhà cách mạng quốc gia An Nam, trong số này có một người đã xa rời xứ sở từ ba mươi năm nay). Trong thời gian đó ông ta đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống Pháp. Tất cả những cuộc nổi dậy ấy đều đã đưa tới cái chết của mấy tên sĩ quan và binh lính Pháp, sự chiếm đoạt mấy khẩu súng và... là việc người của chúng ta chạy thoát, do không được giúp đỡ và viện trợ. Mục đích duy nhất của ông này là trả thù cho nước, cho nhà đã bị bọn Pháp tàn sát. Ông không hiểu chính trị, và lại càng không hiểu việc tổ chức quần chúng. Trong các cuộc thảo luận, tôi đã giải thích cho ông hiểu sự cần thiết của tổ chức và sự vô ích của những hành động không cơ sở. Ông đã đồng ý. Và đây là những việc mà chúng tôi bắt đầu cùng nhau tiến hành:
a) Tôi đã vạch một kế hoạch tổ chức và xin gửi kèm bản sao theo đây.
b) Sau khi đã tán thành kế hoạch này, ông đã đưa cho tôi một bản danh sách 10 người An Nam đã cùng ông hoạt động bấy lâu.
c) Tôi đã chọn 5 người quê ở 5 tỉnh khác nhau. Chúng tôi sẽ cử một người An Nam đưa họ tới Quảng Châu. Tôi sẽ huấn luyện cho họ về phương pháp tổ chức. Chúng tôi sẽ gửi họ trở về Đông Dương hoạt động sau 3 tháng học tập; và chúng tôi sẽ lấy ra một đoàn khác.
Trong lúc này, đây là biện pháp duy nhất. Để chi vào các phí tổn, tôi đã lấy số còn lại trong món tiền đi đường của các đồng chí đã cho tôi (150 đồng) và về sau thì sao?
Tôi làm việc mỗi ngày vài giờ cho hãng Rôxta; nhưng tiền lương của tôi không cho phép tôi có thể một mình bao cho "các học viên" của tôi. Và khi các học viên đến Quảng Châu, rất có thể rồi sẽ phải đem tất cả hoặc gần tất cả thì giờ của tôi vào việc huấn luyện họ, lúc đó tình hình tài chính của tôi sẽ không có lối thoát. Bởi vậy, tôi đề nghị đồng chí chỉ thị cho các đại diện của đồng chí ở Quảng Châu cũng phải chăm lo đến Đông Dương. >>
Như vậy rất rõ ràng là Quốc tế Cộng sản đã cấp cho Nguyễn Ái Quốc 150 đồng (tôi cho là rúp) để đi từ Moskva đến Quảng Châu. Và rất rõ ràng là 150 đồng đó đủ cho các chi phí đi đường và sinh hoạt của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, nhưng lại không đủ cho việc "huấn luyện" các học viên, do đó Nguyễn Ái Quốc đã làm việc tại hãng Rôxta Liên Xô (mà thực chất là đầu mối của cơ quan tình báo Xô viết tại Trung Quốc) để có thể kinh phí tổ chức, đào tạo và huấn luyện học viên.
Rõ ràng ở đây, Nguyễn Ái Quốc đã được Quốc tế Cộng sản cung cấp tương đối tốt chứ không phải là không cung cấp gì như tác giả Nguyễn Hồng Dung viết.
Một bài nghiên cứu mà có nhiều điểm sai như thế rõ ràng là kém giá trị trong thực tế.