Chủ nghĩa Mao và kinh tế Trung Quốc
CHỦ NGHĨA MAO VÀ KINH TẾ TRUNG QUỐC
Viết Chung
Nội san số 7-8 (ngày 6/3/1979)
Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc
Chủ nghĩa Mao về cơ bản là một khuynh hướng chính trị triết học. Trong lĩnh vực kinh tế học, bản thân Mao và tập đoàn theo Mao không để lại những ý tác phẩm, « luận điểm » gì có tầm cỡ lý luận. Họ không phải là những nhà kinh tế, không hình thành trong mình một hệ tư tưởng kinh tế độc lập, cũng không đi theo một cách nhất quán bất cứ hệ tư tưởng kinh tế nào, từ hệ tư tưởng kinh tế Mác – Lênin cho đến các lý luận kinh tế tư sản. Các « luận điểm » kinh tế của họ chẳng qua là sự cóp nhặt các lý luận kinh tế của nhiều trường phái khác nhau, chẳng qua là những « sáng tác » nhằm phục vụ, chứng minh cho những yêu cầu có tính thực dụng. Họ cải tạo và phát triển kinh tế không phải nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo đảm thỏa mãn tối đa nhu cầu vật chất và văn hóa của nhân dân lao động Trung quốc, mà chủ yếu là nhằm tạo cơ sở vật chất cho chính sách bành trướng, bá quyền đại Hán.
Với bản chất chính trị - triết học ngụy biện, duy tâm chủ quan, trong lĩnh vực kinh tế học, họ cũng không ngần ngại vặn vẹo lý luận cho phù hợp vải các chủ trương kinh tế của họ.
Toàn bộ « kho tàng » lý luận về chủ trương kinh tế của chủ nghĩa Mao thể hiện chủ yếu ở mấy tác phẩm lẻ tẻ sau đây:
«Về mười mối quan hệ lớn... »
« Về vấn đề giải quyết đúng đắn những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân »
« Về hợp tác hóa... »
« Về công xã nhân dân »
« Nhận xét cuốn giáo khoa chính trị kinh tế học của Liên xô »
I – NHỮNG SAI LẦM TRONG LĨNH VỰC KINH TẾ HỌC
1. Đảo lộn mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế; lấy ý chí chủ quan thay cho quy luật khách quan
Mọi người đều biết, kinh tế là một thực thể tồn tại và phát triển theo quy luật khách quan. Các hoạt động kinh tế trong chủ nghĩa xã hội, tuy đòi hỏi và cho phép có sự sáng tạo chủ quan rất lớn, nhưng không thể vượt khỏi những khuôn khổ nhất định mà quy luật khách quan đã đặt ra. Tài năng chủ quan của nhà nước xã hội chủ nghĩa chính là ở chỗ nắm được quy luật khách quan, hiểu đúng và vận dụng đúng các quy luật khách quan. Ở đây đòi hỏi sự nhất trí, phù hợp, ăn khớp hết sức nghiêm khắc giữa chủ quan và khách quan, Lênin nói: « Chủ nghĩa Mác khác với mọi lý thuyết xã hội chủ nghĩa khác ở chỗ nó thống nhất một cách xuất sắc tính khoa học chính xác tuyệt vời trong việc phân tích tình hình khách quan của sự vật và của quá trình tiến hóa khách quan với sự thừa nhận một cách dứt khoát nhất ý nghĩa của nhiệt tình cách mạng, tính sáng tạo cách mạng và sáng kiến cách mạng của quần chúng » (1). Tập đoàn mao-ít đã đi ngược nguyên lý sơ đẳng đó của chủ nghĩa Mác – Lênin.
Trước hết, họ lấy « chính trị làm thống soái », cho chính trị có vai trò quyết định đối với kinh tế; họ không quan niệm được rằng chính trị chẳng qua là sự « biểu hiện tập trung của kinh tế » (Lênin). Hơn nữa, chính trị– trong con mắt của họ… là những ý đồ, thủ đoạn chủ quan nhằm tranh giành quyền lực trong nước và trên thế giới. Vì vậy, ở trong nước họ, một khi nhóm mao-ít này thay thế nhóm mao-ít khác, thì các hoạt động kinh tế (từ lý luận cho đến thực tiễn) cũng thay đổi theo.
Tập đoàn mao-ít nêu ra khẩu hiệu « nắm khâu cách mạng, đẩy mạnh sản xuất », chứ không phải nắm khoa học kỹ thuật, nắm quy luật kinh tế, nhất là quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa xã hội đề đẩy mạnh sản xuất, mặc dầu sản xuất diễn ra trong hai mối quan hệ : quan hệ giữa người và người (quan hệ kinh tế) và quan hệ giữa người và thiên nhiên (khoa học kỹ thuật). Họ hiệu triệu « dốc hết lòng hăng hái, vươn lên hàng đầu, xây dựng chủ nghĩa xã hội nhiều, nhanh, tốt, rẻ », họ kêu gào « đại nhảy vọt » một cách độc đoán, tùy tiện, Họ lấy ý muốn, nguyện vọng riêng thay cho quy luật của kinh tế và khoa học kỹ thuật, biểu hiện tâm lý « cuồng nhiệt tiểu tư sản » trong xây dựng kinh tế. Sai lầm của họ là ở chỗ: coi nhẹ nhân tố khách quan, cường điệu quá đáng vai trò của nhân tố chủ quan, cho « cách mạng hóa » quan trọng hơn « cơ giới hóa », cải tạo quan hệ xã hội quan trọng hơn xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật say sưa với biện pháp hành chính, xem thường biện pháp kinh tế ; xây dựng quan hệ sản xuất mới mà không tính đến trình độ của lực lượng sản xuất, năng lực quản lý của cán bộ và trình độ giác ngộ của người lao động; đặt kế hoạch sản xuất không dựa trên khả năng thực tế, không tuân thủ các yêu cầu của khoa học kỹ thuật...
2. Quan niệm sai lầm về « thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội ».
Từ cực này nhảy sang cực khác là một đặc điểm trong phương pháp luận của chủ Mao. « Ba năm khổ chiến, sung sướng muôn đời » – tập đoàn mao-ít quan niệm giản đơn về thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, cho đó chỉ là một khoảnh khắc ngắn mà người ta có thể vượt qua dễ dàng để chuyển từ xã hội cũ sang xã hội mới. Nhưng khi mộng tưởng không thực hiện được, họ coi thời kỳ quá độ là một cái gì xa xôi, hàng trăm, hàng ngàn năm cũng chưa thực hiện được. Sở dĩ như vậy là do họ không hiểu nội dung cơ bản của thời kỳ quá độ, quy luật ra đời của xã hội mới, xã hội chủ nghĩa.
Mọi người đều biết : mâu thuẫn cơ bản của thời kỳ quá độ là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản. Đó là mâu thuẫn đối kháng, được giải quyết theo nguyên tắc « ai thắng ai ». Nhưng Mao Trạch Đông đã coi mâu thuẫn đó như là « mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân » Quan điểm mao-ít sai lầm này đã được nêu lên rất sớm trong « Bàn về dân chủ mới » (1-1940), « Bàn về chính phủ liên hiệp » (6-1945). Mao dự tính một sự liên minh lâu dài với giai cấp tư sản, kể cả sau khi cách mạng thành công, tiến hành kết hợp chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản theo quan điểm của Tôn Trung Sơn. Đã nhiều lần, tập đoàn mao-ít nhận định rằng: trong thời đại ngày nay, giai cấp tư sản vẫn còn cách mạng. Mao nói : « Chỉ một số người không hiểu rõ tại sao người cộng sản chẳng những không sợ chủ nghĩa tư bản mà trái lại trong điều kiện nhất định còn đề xướng việc phát triển nó. Chúng ta trả lời một cách đơn giản rằng : đem một sự phát triển nào đó của chủ nghĩa tư bản để thay thế cho sự áp bức của chủ nghĩa đế quốc nước ngoài và chủ nghĩa phong kiến trong nước chẳng những là một sự tiến bộ, mà còn là một quá trình không thể tránh khỏi » (2).
Mao viết: « Do bản chất của nó, nhà nước là một bộ máy nhằm đàn áp các lực lượng đối địch. Dù cho ở bên trong không còn có lực lượng phải đàn áp thì đối với các lực lượng đối địch ở bên ngoài, bản chất đàn áp của nhà nước không biến đổi. Khi ta nói đến hình thức của nhà nước, điều đó chẳng có gì khác hơn là một quân đội, những nhà tù, những cuộc bắt bớ, những cuộc tử hình, v,v. ». Ở đây, Mao đã lẫn lộn nhà nước xã hội chủ nghĩa mà bản chất chủ yếu là xây dựng, tổ chức với nhà nước tư bản chủ nghĩa mà bản chất là đàn áp, bạo lực. Nhà nước, đối với tập đoàn mao-ít, chỉ là công cụ thực hành chuyên chế, và một khi nhà nước không đáp ứng được yêu cầu cơ bản đó thì lập tức bị phế truất : họ thường xuyên gây đảo lộn trong bộ máy nhà nước dưới chiêu bài chống « những người cầm quyền đi con đường tư bản chủ nghĩa ». Họ chà đạp lên pháp chế, coi thường quyền lực của nhà nước, tức là của nhân dân; lấy Đảng thay nhà nước, lấy cá nhân thay cho Đảng và nhà nước. Với những hành động phản phúc của tập đoàn cầm quyền, nền chuyên chính vô sản ở Trung Quốc đã biến chất thành nền chuyên chế quan liêu độc tài của một tập đoàn người mang sẵn mộng bá quyền trong nước và trên thế giới; nhà nước xã hội chủ nghĩa thể hiện quyền làm chủ của quần chúng, biến thành công cụ của một số ít người nhằm thực hiện mưu đồ phản động.
Vốn không hiểu nội dung kinh tế của giai cấp và đấu tranh giai cấp, tập đoàn mao-ít đã có những quan niệm hết sức sai lầm về giai cấp và đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Mãi mãi « dựa vào bần nông và trung nông lớp dưới » là mãi mãi dựa vào cá thể tiểu tư sản, dựa vào trình độ lạc hậu về khoa học kỹ thuật thì làm sao xây dựng được xã hội xã hội chủ nghĩa là một xã hội được tổ chức trên quy mô lớn, một xã hội có trình độ cao về sản xuất, về khoa học kỹ thuật, có những con người mới khác hẳn con người cũ của xã hội cũ. Thần tượng bần nông và trung nông lớp dưới chính là thần tượng của cái chủ nghĩa xã hội của tập đoàn mao-ít: chủ nghĩa xã hội nông dân.
Thời kỳ quá độ là thời kỳ biến đổi cách mạng không ngừng, sâu sắc về mọi mặt : kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, nhằm tiến tới một xã hội không có giai cấp và đấu tranh giai cấp. Vì giai cấp và đấu tranh giai cấp bao giờ cũng gắn liền với một cơ sở kinh tế nhất định cho nên, khi cơ sở kinh tế thay đổi thì giai cấp và đấu tranh giai cấp tất phải thay đổi theo. Chế độ bóc lột bị xóa bỏ, kinh tế cá thể được cải tạo thành kinh tế tập thể thì những giai cấp mới có lợi ích giống nhau hình thành, sự đối địch trong xã hội ngày càng giảm bớt, sự nhất trí trong xã hội ngày càng được tăng cường và củng cố. Thực tế sinh động đó quy định nội dung mới và hình thức mới của đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ. Không hiểu điều đó, tập đoàn mao-ít chỉ một mực giương cao cờ bần nông và trung nông lớp dưới, hiệu triệu tiến hành đấu tranh giai cấp quyết liệt cả vạn năm !
3. Quan niệm sai lầm về quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất.
Trong quan niệm mao-ít, khi nói về lực lượng sản xuất, thường chỉ nhấn mạnh yếu tố con người mà không thấy đầy đủ vai trò của các yếu tố vật chất, tức tư liệu sản xuất. Vả chăng, con người được nhấn mạnh ở đây lại là con người chung chung, chứ không phải, như quan niệm mác-xít, con người có những kỹ năng lao động nhất định, có những hiểu biết văn hóa khoa học - kỹ thuật nhất định phù hợp với yêu cầu của sản xuất trong từng giai đoạn lịch sử, con người gắn bó với những công cụ nhất định để đủ sức tác động vào đối tượng lao động. Nói cách khác, con người chung chung, không có những nội dung cụ thể nói trên, không phải là con người lao động, một yếu tố rất cơ bản của lực lượng sản xuất.
Trong quan niệm mao-ít, nội dung nhiều mặt của quan hệ sản xuất bị thu hẹp, quy kết thành chế độ sở hữu: Các vấn đề quản lý, phân phối không được nêu lên thành những vấn đề quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với thực chất của chế độ sở hữu, bởi vì – như mọi người đều biết – vấn đề không chỉ là tư liệu sản xuất thuộc về ai, mà vấn đề còn là ở chỗ: cuối cùng người lao động, sau quá trình sản xuất, được hưởng thụ gì và bao nhiêu, có xứng đáng hay không với lao động mà họ đã bỏ ra ? Có thể nói đó mới là thực chất của vấn đề !
Trong lĩnh vực quản lý, tập đoàn mao-ít khi thì đơn thuần lấy chính trị, tư tưởng thay cho khoa học về tổ chức quản lý, khi thì – như tập đoàn cầm quyền hiện nay - bất chấp nội dung xã hội giai cấp, thực hiện chủ nghĩa thực dụng tư sản: « bất kỳ mèo trắng hay mèo đen, miễn bắt được chuột thì là mèo tốt » (Đặng Tiểu Bình).
Tập đoàn mao-ít đã tách rời quan hệ sản xuất với lực lượng sản xuất. Mao thì cho rằng, việc cải tạo xã hội cũ thành xã hội xã hội chủ nghĩa chỉ phụ thuộc vào việc thay đổi quan hệ sản xuất; còn tập đoàn mao-ít cầm quyền hiện nay thì ngược lại cho rằng chỉ cần làm tốt « bốn hiện đại hóa » là có được xã hội xã hội chủ nghĩa hùng cường ; họ không đả động gì đến vấn đề cải tạo, hoàn thiện quan hệ sản xuất đi đối với hiện đại hóa kinh tế. Tách rời quan hệ sản xuất với lực lượng sản xuất là sai lầm phổ biến của Mao và tập đoàn theo Mao. Còn việc cường điệu mặt này hay mặt kia của phương thức sản xuất là biểu hiện của hai quan niệm khác nhau về « chủ nghĩa xã hội » trong nội bộ tập đoàn mao-ít. Một bên (Mao và phe lũ thực hành chủ nghĩa xã hội sô-vanh nông dân ; một bên Đặng và phe lũ thực hành chủ nghĩa xã hội sô-vanh tư sản).
Mao viết: « Công xã nhân dân là hình thức tốt nhất để thực hiện hai cuộc chuyển hóa: chuyền từ chủ nghĩa xã hội ngày nay qua hệ thống phổ biến sở hữu toàn dân, và chuyển từ hệ thống phổ biến sở hữu toàn dân qua chủ nghĩa cộng sản. Sau hai cuộc chuyển hóa ấy, công xã nhân dân sẽ là kết cấu cơ sở của xã hội cộng sản ». Như vậy, theo Mao, sở hữu toàn dân là một giai đoạn trung gian giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, chứ không phải sở hữu toàn dân gắn liền hữu cơ với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Ít ra, ở đây Mao có hai sai lầm: một là, tách rời sở hữu toàn dân với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản; hai là, quan niệm sai lầm về nội dung của hai giai đoạn của xã hội cộng sản cũng như quy luật chuyển biến từ giai đoạn thấp lên giai đoạn cao.
4. Quan niệm sai lầm về quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp.
Về quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp, tập đoàn mao-ít nêu lên hai luận điểm nổi tiếng: nông nghiệp là cơ sở của nền kinh tế quốc dân; phải đặt thứ tự ưu tiên: nông, khinh, trọng (tức nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng).
Ở đây, tập đoàn mao-ít đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng là không nhận thức rằng trong thời đại ngày nay, nền kinh tế xã hội chịu sự chi phối có tính quyết định của công nghiệp; coi nông nghiệp là cơ sở của nền kinh tế quốc dân có nghĩa là kéo lùi thời đại kinh tế trở lại 300 năm về trước. Đây không phải là điều ngẫu nhiên trong quan điểm mao-ít. Hàng loạt luận điểm: nông thôn bao vây thành thị, quân giải phóng là nông dân mặc áo lính, nông dân là quân chủ lực... trong cách mạng dân tộc dân chủ, dựa vào bần nông và trung nông lớp dưới, công xã hóa nông thôn và thành thị, nông nghiệp là cơ sở của nền kinh tế quốc dân... trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, đã nêu bật quan điểm nông dân trong đường lối chính trị của tập đoàn mao-ít trái ngược với lập trường, quan điểm vô sản. Nó chứng tỏ Mao và tập đoàn mao-ít không phải là người mác-xít, mà nhiều lắm chỉ là những nhà dân chủ tiến bộ trong cách mạng dân tộc giải phóng và trở thành kẻ phản bội, phản động sau khi giành được chính quyền tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Trong thời đại kinh tế ngày nay, công nghiệp và nông nghiệp luôn luôn gắn chặt với nhau thành một cơ cấu, giữa chúng có mối quan hệ ràng buộc hữu cơ tác động qua lại không ngừng, trong đó công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng giữ vai trò nền tảng, chủ đạo, quyết định năng suất, quy mô, tiến bộ kỹ thuật của tất cả các ngành kinh tế khác. Do đó, không thể xếp trật tự ưu tiên « nông, khinh, trọng » mà « trọng » (tức công nghiệp nặng) bao giờ cũng chiếm vị trí « ưu tiên phát triển » với những mức độ khác nhau tùy theo tình hình từng lúc... Đặt « nông » trước là ngược với quy luật của tái sản xuất mở rộng ; tách « nông » với « công » là không thấy rõ những điều mới của nền kinh tế trong thời đại ngày nay.
5. Quan niệm sai lầm về kế hoạch hóa và cân đối kinh tế.
Bất chấp quy luật phát triển khách quan và những khả năng thực tế Mao ra sức kêu gào « đại nhảy vọt » để đến năm 1987 Trung quốc có thể vượt Liên Xô và tiến gần Mỹ và sau 10 năm nữa có thể vượt Mỹ. Sự « nhảy vọt » mù quáng đó đã làm đảo lộn nền kinh tế Trung quốc, gây mất cân đối lớn giữa các ngành, phá hoại lực lượng sản xuất, lãng phí nghiêm trọng nhiều của cải vật chất. Nhằm bào chữa cho những sai lầm đó, với bản chất thực dụng, ngụy biện, Mao đề ra hàng loạt nguyên lý kỳ quái như: trong kinh tế xã hội chủ nghĩa, cân đối là tương đối và tạm thời, còn mất cân đối là tuyệt đối và thường xuyên; kinh tế xã hội chủ nghĩa phát triển theo « quy luật định kỳ », theo « hình thái làn sóng » Mao nói: « Nền kinh tế có kế hoạch của chúng ta vừa cân đối, vừa không cân đối. Cân đối là tạm thời, có điều kiện. Tạm thời xác lập được cân đối, sau đó sẽ phát sinh biến động. Nửa năm đầu cân đối, nửa năm sau không cân đối nữa, năm nay cân đối, sang năm lại không cân đối nữa. Hoàn toàn cân đối, không phá vỡ cân đối là không được... Nhìn vấn đề kinh tế của chúng ta một cách như vậy thì rút cục là tiến hay lùi ? Chúng ta nên nói với cán bộ, với đông đảo quần chúng có tiến, có lùi, chủ yếu vẫn là tiến, song không phải là tiến theo đường thẳng mà là tiến theo kiểu làn sóng. Tuy có xuống ngựa, song thời gian lên ngựa vẫn nhiều » (3).
Không cần chứng minh, mọi người cũng có thì thấy tính chất hoang đường của những tà thuyết đó. Cân đối là tạm thời, không cân đối là thường xuyên, đó là đặc điểm của kinh tế tư bản chủ nghĩa chứ không phải của kinh tế xã hội chủ nghĩa. Phát triển theo chu kỳ, theo kiểu làn sóng (phồn vinh, khủng hoảng...) đó cũng là đặc điểm của kinh tế tư bản chủ nghĩa, chứ không phải của kinh tế xã hội chủ nghĩa, vì sao có sự lẫn lộn đến mức ngày thơ này ? Như trên đã nói, thứ nhất, họ ngụy tạo ra « lý luận » đề bào chữa sai lầm (đây là một nét độc đáo của tập đoàn mao-ít trong các trường hợp). Thứ hai, họ không hiểu quy luật phát triển của kinh tế xã hội chủ nghĩa, không giải thích nổi quá trình vận động của một nền kinh tế từ cơ cấu rời rạc, què quặt thành cơ cấu ngày càng cân đối, hoàn chỉnh, kết hợp sự phát triển theo một kế hoạch thống nhất với sự mở rộng quyền sản xuất kinh doanh cho các cấp, với việc vận dụng rộng rãi các quan hệ thị trường hàng hóa.
6. Sai lầm trong lĩnh vực phân phối.
Như trên đã nói, sai lầm lớn nhất, có tính nguyên tắc của tập đoàn mao-ít là sử dụng nền kinh tế Trung quốc vào mục đích chủ yếu là tăng cường quốc phòng, thực hiện chủ nghĩa bành trướng bá quyền nước lớn, chứ không phải nhằm phân phối cho nhu cầu đời sống của người lao động. Do đó, tạo ra mâu thuẫn gay gắt giữa tích lũy và tiêu dùng, kìm hãm đời sống của nhân dân Trung quốc trong vòng đói kém triền miên. « Nước mạnh, dân nghèo », « mặc quần đùi đề có bom nguyên tử », đó là quan điểm và hành động tội lỗi của tập đoàn mao-ít.
Với quan điểm chính trị là thống soái, tư tưởng đi đầu, Mao và phe lũ coi thuờng lợi ích vật chất của người lao động trong xây dựng kinh tế. Theo Mao, « nhấn mạnh lợi ích vật chất, thật ra là chủ nghĩa cá nhân cận thị », « nếu tuyên truyền lợi ích vật chất thì không thể thắng nổi chủ nghĩa tư bản ». Như vậy thì xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa để làm gì ? Liệu người ta có thể chỉ sống bằng tư tưởng, tinh thần được chăng ? Quan điểm duy tâm ngụy biện đó đã đối lập việc xây dựng tư tưởng với việc nâng cao đời sống vật chất của người lao động.
Trong thời kỳ xây dựng công xã nhân dân, Mao thi hành chế độ cung cấp không mất tiền. Mao cho đó là một điểm mà Trung quốc vượt Liên xô trên con đường đi lên chủ nghĩa cộng sản, Mao huênh hoang rằng: « Tuân thủ chế độ cung cấp không mất tiền, thực hiện lối sống cộng sản chủ nghĩa, có nghĩa là đối lập đường lối mác-xít với đường lối tư sản », « bỏ chế độ lương là ưu việt. Thứ nhất là ăn uống được bảo đảm, không chết đói; thứ hai là sức khỏe được bảo đảm ». Quan điểm bình quân tiểu tư sản nông dân đó đã gây tâm lý ỷ lại, thái độ chây lười, phá hoại sản xuất, làm tiêu hao của cải vật chất một cách nhanh chóng: chỉ trong vòng nửa năm mà ăn hết các kho lương thực, ở một số nơi, người ta ăn hết cả thóc giống. Kết quả là, chỉ sau một thời gian ngắn, ăn uống không được bảo đảm, chứ không phải « được bảo đảm » hàng triệu người chết đói, chứ không phải « không chết đói ». Tình hình bi đát trong nhiều năm của xã hội Trung quốc là hậu quả nghiêm trọng của những quan điểm « sáng tạo » đó của người « cầm lái vĩ đại »,
Tập đoàn mao-ít phản đối nguyên tắc mác-xít – lê-nin-nít về sự nhất trí giữa lợi ích xã hội với lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân. Theo họ, trong chủ nghĩa xã hội, người lao động chỉ biết có một chữ « công » (« nhất tự công »); ai nghĩ đến cá nhân là sai lầm ; chỉ có lợi ích công cộng mới là động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Chính từ quan điểm đó mà Mao phản đối cả khẩu hiệu « một người vì mọi người, mọi người vì một người », vì cái tôi vẫn luôn luôn còn đấy. « Mọi người vì một người có nghĩa là mọi người làm việc cho tôi, một người vì mọi người thì tôi có thể giúp ích cho bao nhiêu người. Theo Mao, trong lợi ích công cộng đi có lợi ích của mỗi người rồi, vậy lợi ích cá nhân không cần đặt ra. Thật ra, đây không chỉ là một sai lầm về quan niệm nhà nguồn gốc sâu xa của vấn đề là ở chỗ nêu chiêu bài chống cá nhân để bóp nghẹt dân chủ, thực hiện chuyên chế quan liêu, quân phiệt, vơ vét, thâu tóm của cải phục vụ mục đích tăng cường quốc phòng, thực thành chủ nghĩa bành trướng.
Đề thực hiện triệt để nhất tự công , giải quyết mâu thuẫn giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, Mao đề ra phương pháp chỉnh huấn một năm hoặc hai năm một lần để quét cho sạch tư tưởng cá nhân.
7. Sai lầm trong quan hệ kinh tế đối ngoại.
Mở rộng quan hệ kinh tế với nước ngoài là điều cần thiết của mọi nước. Song, do bản chất xã hội khác nhau, các quan hệ kinh tế đó có nội dung và mục đích khác nhau.
Đối với tập đoàn mao-ít, kinh tế đối ngoại là một phương tiện phục vụ cho những mưu đồ phản động :
a) Viện trợ cho nước khác với mục đích áp đặt quan điểm, đường lối sai lầm của mình, biến các nước nhận viện trợ thành chư hầu của mình. Một khi không đạt mục đích đó, họ quay ngoắt 180 độ, bộc lộ bộ mặt xấu xa, phản phúc. Đó là thái độ đối với Việt nam, An-ba-ni vừa qua. Mặt khác, nếu kẻ nào ủng hộ ý đồ xấu xa của họ thì dù kẻ đó bản chất phản động đến đâu, họ cũng sẵn sàng viện trợ, xây dựng quan hệ « đồng chí » thân thiết. Họ đã lật ngược thái độ đối với Nam tư, hà hơi tiếp sức cho tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xa-ry, bọn phản động ở Ăng-gô-la, Da-ia bắt tay « hữu hảo » với Pi-nô-chế, V,V.
b) Họ sẵn sàng bán rẻ chủ quyền quốc gia (tiếp tục nhượng Hồng- công cho Anh, từ chối không nhận Ma-cao khi Bồ-đào-nha trao trả, hạ thấp khẩu hiệu « giải phóng » Đài loan...), chà đạp lợi ích của nhân dân cách mạng các nước, công khai bộc lộ bản chất phản động, uốn mình cầu xin bọn đế quốc để tranh thủ vốn và kỹ thuật phục vụ « bốn hiện đại hóa », tạo cơ sở vật chất cho chính sách bành trướng.
Rõ ràng là trong tay tập đoàn mao-ít, kinh tế đối ngoại là một công cụ chống cách mạng, chống chủ nghĩa xã hội, mang đầy đủ bản sắc tư sản phản động. Tính chất phản động của nó biểu hiện ra một cách rõ ràng, đến nỗi Bộ trưởng Thông tin của In-đô-nêxi-a cũng phải thốt lên rằng: « Sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách của Trung quốc đối với Mỹ đã cho thấy rằng Bắc kinh sẵn sàng hy sinh nguyên tắc của họ một khi cần thiết vì lợi ích quốc gia của họ » (Gia-các-ta ngày 14-3-1979). Phải hiểu, « lợi ích quốc gia » ở đây là chủ nghĩa dân tộc đại Hán bá quyền nước lớn.
II – MỘT VÀI NHẬN XÉT VỀ NỀN KINH TẾ CỦA TRUNG QUỐC
Nước Cộng hòa nhân dân Trung hoa thành lập đến nay đã ba mươi năm. Trong gần 1/3 thế kỷ đó, trên đất nước Trung Quốc không có chiến tranh. Với những điều kiện thuận lợi rất cơ bản như: thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ và sự thành lập chính quyền nhà nước do Đảng cộng sản lãnh đạo, đất nước rộng bao la với nguồn lao động dồi dào và tài nguyên thiên nhiên phong phú, lại có hoàn cảnh quốc tế thuận lợi sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, lẽ ra nhân dân Trung quốc đã có thể cải biến tình trạng đất nước « một nghèo hai trắng » thành một nước xã hội chủ nghĩa phát triển và đời sống của họ đã có thể được cải thiện một cách căn bản. Nhưng cho đến cuối những năm 70 này, nhìn chung Trung quốc vẫn là một nước kém phát triển, tự nhận mình là nước thuộc « thế giới thứ ba », đời sống nhân dân rất thấp kém. Hơn nữa, bản thân những cơ sở ban đầu của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa được xây dựng trong gần một chục năm đầu sau khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung hoa, đã có những biểu hiện biến chất và một số nhân tố tư bản chủ nghĩa đặc thù đang xuất hiện.
Vậy trong ba chục năm qua, tình hình kinh tế và xã hội của Trung quốc tiễn biết như thế nào dưới sự thống trị của bạn cầm quyền nao-ít ?
1. Thời kỳ từ 1949 đến 1956.
Nhờ có đường lối đúng đắn chiếm ưu thế trong những năm đầu sau ngày lập nước, vì lúc đó chủ nghĩa Mao còn ở thế phòng ngự, chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa quốc tế vô sản còn đang thắng thế, Trung Quốc đã hoàn thành thắng lợi công cuộc khôi phục đất nước trong vòng ba năm (1949 – 1952). Sản lượng các sản phẩm công nông nghiệp chủ vếu đều vượt mức cao nhất trước ngày giải phóng: năm 1952 so với năm 1949, giá trị sản lượng công nghiệp và nông nghiệp tăng 77,5%; trên các mặt thu chi tài chính, ổn định giá cả, quản lý thị trường, Trung quốc đều đã giành được nhiều thắng lợi.
Ngay trong thời kỳ khôi phục kinh tế, Trung Quốc đã hoàn thành cải cách ruộng đất và bắt đầu công cuộc cải tạo nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của cải cách ruộng đất đã đưa lại cho 300 triệu nông dân lao động khoảng 45 triệu héc-ta ruộng đất, xóa sạch tô tức mà nông dân đã bao đời phải nộp cho địa chủ. Thành phần kinh tế quốc doanh phát triển mạnh và bước đầu phát huy vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.
Thắng lợi của công cuộc khôi phục và bước đầu cải tạo nền kinh tế quốc dân đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1953 1957).
Kế hoạch đầu tiên này đã đạt được thành tựu to lớn về hai mặt :
1) Phát triển lực lượng sản xuất, mà quan trọng nhất là đã đạt được cơ sở ban đầu cho sự nghiệp công nghiệp hóa, trong đó có gần hai trăm công trình quan trọng đó Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân Đông Âu giúp xây dựng. Nhịp độ tăng hàng năm của công nghiệp là 18%, của nông nghiệp là 4,5%. Sản lượng lương thực năm 1957 đạt 185 triệu tấn so với 154,4 triệu tấn năm 1952.
2) Hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, xác lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất dưới hai hình thức: toàn dân và tập thể. Năm 1957, kinh tế quốc doanh chiếm 32,2% trong tổng thu nhập quốc dân, kinh tế hợp tác xã chiếm 56,4%, công ty hợp doanh chiếm 7,6%, kinh tế cá thể chỉ còn 2,8%.
Chuyển biển sau kế hoạch 5 năm lần thứ I như sau:
Cuối kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, kinh tế xã hội chủ nghĩa đã chiếm địa vị thống trị trong nền kinh tế quốc dân.
Những thành tựu về khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế của Trung quốc trong 8 năm đầu sau ngày lập nước gắn liền với đường lối chung trong thời kỳ quá độ đã được hình thành trên những nét lớn từ mấy tháng trước ngày giải phóng, được xác lập tương đối có hệ thống vào năm 1952 và sau cùng được khẳng định vào năm 1956 tại Đại hội lần thứ VIII khóa thứ nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc. Văn kiện của Đại hội VIII (khóa 1) là một cương lĩnh mác xít – lê-nin-nít về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung quốc.
Vì sao trong thời kỳ này, cách mạng Trung quốc có được phương hướng đúng theo con đường của chủ nghĩa Mác – Lênin ? Ở đây, có thể nêu lên mấy nhân tố đề suy nghĩ:
Chủ nghĩa Mao còn ở thể phòng ngự, chưa đề ra được đường lối cho giai đoạn mới của cách mạng Trung quốc, giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nói cách khác, cách mạng Trung quốc về cơ bản, tạm thời không chịu sự thống trị của chủ nghĩa Mao.
Việc phổ biến kinh nghiệm của Liên Xô, về xây dựng chủ nghĩa xã hội, sự viện trợ nhiều mặt của Liên xô đối với Trung quốc (xây dựng hàng trăm nhà máy hiện đại, khôi phục giao thông vận tải...), sự hoạt động của hàng vạn chuyên gia Liên Xô trong nhiều ngành kinh tế, xã hội của Trung quốc, tất cả những cái đó đã có ảnh hưởng rất lớn theo chiều hướng đúng đối với công cuộc cải tạo và xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa ở Trung quốc.
Sau ngày giải phóng, cách mạng chuyền về thành thị, hàng loạt cán bộ hoạt động trong phong trào công nhân ở các đô thị, trước đây chưa có vai vế đáng kể trong các cấp lãnh đạo thì nay trở thành quan trọng, nắm giữ nhiều vị trí trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và nhà nước ở các cấp, nhất là ở các thành phố. Quan điểm của đội ngũ cán bộ này ít nhiều mang tính chất công nhân, ít chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa nông dân mao-ít.
2. Sự phá sản của “ba ngọn cờ hồng» (1957 - 1960).
Ngay từ trước Đại hội lần thứ VIII, Mao Trạch Đông đã không tán thành đường lối chung của Đại hội lần thứ VIII. Mao tìm cách áp đặt đường lối của mình, đường lối mà theo ông ta, sẽ đưa Trung quốc lên địa vị một cường quốc trong thời gian rất ngắn. Đường lối này đã thắng thể tại kỳ họp thứ hai của Đại hội lần thứ VIII của Đảng cộng sản Trung quốc họp năm 1958 ; đường lối này được trình bày trong Đại hội và sau đó được bổ sung nhiều lần: « Dốc hết lòng hăng hái, tranh thủ vươn lên hàng đầu, xây dựng chủ nghĩa xã hội nhiều, nhanh, tốt, rẻ », « tiến hành ba phong trào : đấu tranh giai cấp, đấu tranh sản xuất và thực nghiệm khoa học » ; « nắm khâu cách mạng, đẩy mạnh sản xuất », « tiếp tục cách mạng dưới nền chuyên chính vô sản », « không bao giờ được quên đấu tranh giai cấp », V.v.
Cùng với việc áp đặt đường lối của mình thay cho đường lối của Đại hội năm 1956, Mao và phe cánh đã phát động hai cái gọi là cao trào : « cao trào tiến vọt lớn » và « cao trào lập công xã nhân dân ».
Bất chấp các quy luật kinh tế, phái Mao núp dưới chiêu bài chống bảo thủ và hữu khuynh, đã sửa lại các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm lần thứ hai đã được Quốc vụ viện thông qua tháng 9 năm 1956, bằng cách nâng cao quá đáng các chỉ tiêu phát triển kinh tế: sản lượng công nghiệp tăng 6,5 lần, nông nghiệp 2,5 lần, thép 18 lần, điện 13 lần, xi măng 10 lần. Riêng về thép, từ dự kiến ban đầu là khoảng 10 - 12 triệu tấn cho năm 1962 đã được kích lên tới 80 - 100 triệu tấn.
Dưới sự thúc đẩy của cái gọi là « ba ngọn cờ hồng » (đường lối chung, tiến vọt lớn và công xã nhân dân) và dưới khẩu hiệu « khổ chiến ba năm sung sướng muôn đời », nền kinh tế Trung quốc rơi vào cảnh hỗn loạn chưa từng thấy. Một biểu hiện điển hình của sự hỗn loạn đó là cái gọi là phong trào « toàn dân làm gang thép », « toàn dân làm công nghiệp »: chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 1958 đã xây dựng lên 7,9 triệu « xí nghiệp » nhỏ và thô sơ, trong đó có 6 triệu cái là do nông dân làm. Khoảng 30 triệu lao động nông nghiệp chuyển sang làm gang thép, tiêu hao rất nhiều vật tư, tiền vốn, nhưng do chất lượng quá kém, sản phẩm không dùng được.
Cùng với « tiến vọt » là phong trào ồ ạt thành lập « công xã nhân dân ». Năm 1958, hơn 74 vạn hợp tác xã với số hộ trung bình khoảng 100, đã được vội vã sáp nhập lại thành 26 ngàn công xã nhân dân với số hộ trung bình gấp 30 lần trước đó, tức khoảng 3.000 hộ. Sang năm 1959, các công xã nhân dân đó lại được mở rộng hơn, với quy mô trung bình khoảng 5.000 hộ. Nhiều nơi đã thành lập công xã nhân dân trên quy mô toàn huyện. Trong quá trình thành lập công xã nhân dân, đất để lại và kinh tế phụ của gia đình bị xóa bỏ một cách thô bạo, thậm chí công hữu hóa cả nhà cửa, gia súc và gia cầm riêng của xã viên nhằm « cắt đuôi tư hữu ».
Người ta đã gán cho công xã nhân dân « một vai trò lịch sử hết sức lớn lao », đến nỗi cho đó là con đường cơ bản để đưa Trung quốc tiến nhanh lên chủ nghĩa cộng sản : người ta phê phán Liên Xô bị lạc hậu giai đoạn chủ nghĩa xã hội vì để hai hình thức sở hữu (toàn dân và tập thể) tồn tại quá lâu. Đề quán triệt luận điểm đó, người ta cổ vũ thi hành chế độ phân phối bình quân kiều nguyên thủy, thực hiện chế độ bao cấp ăn, ở, mặc, tang ma, hiếu hỉ,... cho những người sống trong công xã.
Việc thực hiện « ba ngọn cờ hồng » đã dẫn đến những hậu quả rất tai hại cho nền kinh tế Trung quốc. Các ngành kinh tế quốc dân bị mất cân đối và bị phá hoại nặng nề. Đời sống nhân dân sút kém nghiêm trọng. Song, những thông báo chính thức lúc đó đã cố tình gây ấn tượng rằng « ba ngọn cờ hồng » đã và đang đem lại những « thành tựu » rất lớn, rằng kinh tế Trung quốc trong những năm « đại nhảy vọt » phát triển với tốc độ cao chưa từng thấy (để làm việc đó, họ thống kê cả 3 triệu tấn thép và 4 triệu tấn gang do các « lò cạo bỏ túi » sản xuất năm 1958 mà chất lượng kém đến nỗi không thể dùng sản phẩm làm gì được, dù là để làm đinh).
Việc xây dựng công nghiệp một cách ồ ạt đã không đem lại năng lực mới cho công nghiệp mà còn làm yếu mặt trận nông nghiệp, dẫn tới sự mất cân đối nghiêm trọng giữa hai ngành kinh tế quan trọng này cũng như giữa các ngành khác của nền kinh tế quốc dân. Xây dựng cơ bản tăng với quy mô quá lớn, vượt quá điều kiện hiện có về vốn, vật tư và sức người. 25 triệu công nhân viên tăng thêm trong mấy năm « nhảy vọt » không những đã làm cho vấn đề lao động ở nông thôn căng thẳng, mà còn là cho nhu cầu về nông sản hàng hóa tăng lên, dẫn đến mất cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng. Các nguồn nguyên liệu, tài chính của đất nước kiệt quệ, một loạt xí nghiệp phải đóng cửa. Sản xuất công nghiệp bị rối loạn và từ cuối năm 1960 bắt đầu tụt xuống, dốc nhanh chóng không sao chìm lại được.
Việc hợp tác hóa nông nghiệp bậc cao được dự kiến hoàn thành trong vòng 11 năm. Nhưng, chỉ mới cuối năm 1956 đã có đến 96,8% nông hộ tham gia hợp tác xã bậc cao. Tiếp đó, việc thành lập công xã nhân dân chỉ trong vài tháng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, thậm chí phá hoại những bộ phận nhất định của sản xuất. Nạn lười biếng lan tràn vì không làm cũng được ăn trong các bếp công cộng... ; chỉ trong mấy tháng, đã tiêu xài hết các kho lương thực, kể cả thóc dự trữ và thóc giống.
Cùng lúc đó, thiên tai ập đến đã làm tăng thêm tình trạng vốn đã trầm trọng. Sản lượng lương thực từ 193,5 triệu tấn năm 1958 giảm xuống còn 167,7 triệu năm 1959 và 159,5 triệu năm 1960. Trong nhiều năm, kể từ năm 1960, Trung quốc buộc phải nhập một khối lượng lớn lương thực, giá trị bằng 1/3 tổng số nhập khẩu. Các ngành sản xuất khác cũng bị phá hoại nặng nề. Ngoại thương bị giảm sút liên tục. Nhiều nhà quan sát nước ngoài nhận xét rằng do hậu quả của cuộc « đại nhảy vọt », nền kinh tế quốc dân Trung Quốc bị kéo lùi hàng chục năm. Đời sống nhân dân bị hạ thấp. Vải chỉ đủ để vá. Nạn đói xảy ra ở nhiều nơi và theo một nhà quan sát Mỹ, trong thời gian này, ở Trung quốc có hàng chục triệu người chết đói.
Những khó khăn về kinh tế đã dẫn đến những khủng hoảng về chính trị. Sự bất đồng vốn có trong nội bộ giới lãnh đạo Trung quốc thêm sâu sắc. Cán bộ và nhân dân bi quan, thiếu tin tưởng. Tưởng Giới Thạch hò hét tấn công đất liền. Bước nhảy vọt kết thúc trong không khí lo lắng, mỏi mệt và hết sức căng thẳng.
3 « Điều chỉnh và nâng cao» (1961-1965).
Những người tình táo hơn, thực dụng hơn nắm quyền lãnh đạo, đã gác lại đường lối kinh tế phiêu lưu, đốt cháy giai đoạn và duy y chí. Hội nghị Trung ương lần thứ 9 họp đầu năm 1961 đề ra nhiệm vụ mới cho nền kinh tế là « điều chỉnh, củng cố, bổ sung, nâng cao » mà thực chất là hàn gắn những đổ vỡ, khắc phục những mất cân đối lớn trong nền kinh tế.
Các ngành kinh tế được huy động « giúp đỡ nông nghiệp, tập trung sản xuất nguyên liệu, nhiên liệu, động lực, phân hóa học, máy móc, hàng tiêu dùng cho nông thôn ». Tính chất và nội dung của công xã nhân dân được sửa đổi một phần quan trọng. Người ta xác định lại tính chất sở hữu của công xã nhân dân là sở hữu tập thể ba cấp, lấy đội sản xuất (khoảng mấy chục hộ) làm đơn vị hạch toán cơ bản. Quy mô của công xã được thu hẹp lại, trung bình khoảng 1.600 hộ, lấy nông nghiệp làm phương hướng sản xuất chính.
Trong xây dựng kinh tế, yếu tố tinh thần không còn được coi là yếu tố duy nhất quyết định hết thảy, các đòn bẩy kinh tế được sử dụng lại để kích thích sản xuất. Đất để lại cho xã viên và chợ nông thôn được khôi phục, chủ nghĩa cộng sản bình quân nguyên thủy tạm thời bị đẩy lùi.
Trong hai năm đầu của thời kỳ « điều chỉnh », kinh tế tiếp tục suy sụp. Theo ước lượng của một số nhà kinh tế nước ngoài, tổng sản lượng công nghiệp năm 1962 giảm 39% so với năm 1960. Nhưng từ năm 1963, hết thời kỳ « điều chỉnh và củng cố », kinh tế đi vào bước « bổ sung và nâng cao » nên bắt đầu nhích lên và đạt một số thành tựu. Giá trị sản lượng công nghiệp năm 1965 vượt mức năm 1957. Trung Quốc bắt đầu nhập kỹ thuật của phương Tây. Một số ngành công nghiệp mới như chế tạo máy bay, đóng tàu, máy công cụ tinh vi... được xây dựng. Sản xuất nông nghiệp phục hồi dần và đến năm 1963, sản xuất lương thực đạt mức năm 1957 là 185 triệu tấn và đến năm 1965 lên tới 200 triệu tấn, Ngoại thương năm 1966 đã đạt mức năm 1959.
4. Phản kích của tập đoàn mao-ít: « Cách mạng văn hóa và sản » (1966 - 1976).
Nền kinh tế vừa mới hồi sức thì liền bị đánh một đòn mới nặng nề hơn. Đó là « cuộc đại cách mạng văn hóa vô sản » cũng do chính Mao Trạch Đông phát động để giành lại vị trí và ảnh hưởng chính trị đã xuống thấp do hậu quả của đường lối « ba ngọn cờ hồng ».
Cái gọi là cuộc « Cách mạng văn hóa » này đã làm mất đi nhiều thành tựu vừa thu được trong những năm « điều chỉnh, bổ sung.. ». Chính sách điều chỉnh và những người đề xướng nó bị lên án là cương lĩnh xét lại và bọn xét lại. Các chính sách và biện pháp của những năm « nhảy vọt » lại được lôi ra thực hiện một cách cuồng nhiệt hơn. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý và chuyên gia bị đấu tố, bắt bớ hàng loạt, vì bị kết tội là « đi theo con đường tư bản chủ nghĩa ». Các viện nghiên cứu khoa học bị đóng cửa, các phòng thí nghiệm bị bỏ đi. Công nhân phải tham gia biểu tình, mít tinh đấu tố liên tục. Cộng vào đó, sự phá phách của các « tiểu tướng hồng vệ binh » đã đẩy sản xuất lâm vào tình trạng vô chính phủ triền miên và bị suy sụp nặng. Năm 1967, tổng sản phẩm quốc dân giảm 5%, công nghiệp giảm 15 – 20% so với năm 1966 là năm mở đầu « cách mạng văn hóa ». Những người nắm quyền lãnh đạo trong thời kỳ « cách mạng văn hóa » đã phải dùng biện pháp cấp bách là đưa quân đội vào các nhà máy để khôi phục « trật tự », thực chất là thực hiện chế độ quân quản trong công nghiệp. Biện pháp quản lý quân sự này đã miễn cưỡng đưa mức sản xuất công nghiệp năm 1969 trở lại mức năm 1966.
Trong nông nghiệp, người ta lại mưu toan dùng lại những chính sách đã từng đưa nông thôn Trung quốc trở lại thời công xã nguyên thủy. Mượn cớ chống khuynh hướng « chia sạch, ăn sạch, dùng sạch », nhiều nơi đã bắt đầu mở rộng tích lũy công cộng một cách mù quáng, không chú ý tăng thu nhập cho xã viên; mượn cớ phê phán tư tưởng « công điểm trên hết » coi nhẹ « chính trị dẫn đầu », nhiều nơi không tính thù lao, công điểm cho công việc đồng áng, coi nghề phụ gia đình, nuôi lợn tư nhân là « tự phát đi theo con đường tư bản chủ nghĩa », .... Những việc trên đây lại một lần nữa tác động xấu tới sản xuất nông nghiệp.
Trong những năm này, việc ưu tiên phát triển ngành sản xuất quân sự đã thu hút nhiều nguồn tài chính và vật tư kỹ thuật khổng lồ, gây thêm tình trạng mất cân đối trong nền kinh tế. Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài nhận xét rằng, về nhiều chỉ tiêu kinh tế, Trung Quốc được xếp vào hàng các nước kém nhất thế giới, song về mặt chi phí quân sự, Trung Quốc lại đứng vào hàng đầu thế giới (tính theo tỷ lệ ngân sách). Đã nhiều năm, chi phí quân sự của Trung quốc thường xuyên chiếm khoảng 40% ngân sách quốc gia !
Chính sách quân sự hóa của giới lãnh đạo Bắc kinh gây ảnh hưởng xấu đến toàn bộ nền kinh tế Trung quốc. Khoảng 22% sản phẩm công nghiệp là thuộc công nghiệp quân sự; điều đó có nghĩa là 1/5 sản phẩm công nghiệp sản xuất hàng năm không phải dùng vào quá trình tái sản xuất, cũng không phải để cho nhân dân tiêu dùng mà để sử dụng cho mục đích bành trướng.
Vào những năm cuối của thời kỳ « cách mạng văn hóa lần thứ nhất », các cuộc đấu đá nội bộ như chiến dịch « phê Lâm, phê Khổng »... làm cho nền kinh tế Trung quốc bị khủng hoảng nghiêm trọng. Năm 1976, nền sản xuất trở lại đình đốn và tồi tệ nhất trong vòng 10 năm trước đó. Đặng Tiểu Bình thú nhận rằng trong những năm này « công nhân không thể làm việc, nông dân không thể cấy trồng..., học sinh không thể học tập, người làm công tác khoa học kỹ thuật không thể nghiên cứu chuyên môn, gây nên những tổn thất xiết bao nghiêm trọng ». (Bài nói trước Hội nghị khoa học ngày 18-3-1978). Còn Hoa Quốc Phong thì tiết lộ trong Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa V rằng: từ 1974 đến 1976, cả nước thiệt hại chừng 100 tỷ nhân dân tệ về giá trị tổng sản lượng công nghiệp, 28 triệu tấn thép, 40 tỷ thu nhập tài chính ; nền kinh tế đứng bên bờ vực thẳm của sự sụp đổ, Xã luận đầu năm 1978 của tờ Nhân dân nhật báo cũng nhận xét khái quát là « nền kinh tế quốc dân bị ngưng trệ trong một thời gian dài, thậm chí thụt lùi, luẩn quẩn, sa sút ».
5. « Bổn hiện đại hóa» , đình cao của sự phản động.
Sau khi Mao chết và « bè lũ 4 tên » bị gạt ra khỏi vũ đài chính trị, những kẻ thân cận nhất của « người cầm lái vĩ đại », trong ban lãnh đạo mới của Trung quốc vấp phải hàng loạt vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội do cuộc khủng hoảng triền miên hàng chục năm gây ra.
Lại một lần nữa, lợi dụng nguyện vọng, chính đáng của nhân dân Trung Quốc muốn thoát cảnh nghèo nàn lạc hậu, bọn chúng đưa ra kế hoạch « bốn hiện đại hóa » đầy tham vọng trong Đại hội lần thứ XI của Đảng cộng sản Trung Quốc (tháng 3-1977).
Công cuộc «bốn hiện đại hóa » mà bọn phản động Bắc kinh dấy lên là nhằm trong vòng 23 năm (từ nay cho đến cuối thế kỷ XX) làm cho Trung Quốc trở thành một cường quốc đứng đầu thế giới, có nông nghiệp hiện đại, công nghiệp hiện đại, quốc phòng hiện đại và khoa học, kỹ thuật hiện đại. Họ dự kiến đến khi ấy sẽ cơ giới hóa tất cả các ngành, điện khí hóa toàn bộ nông thôn và thành thị, tự động hóa các ngành công nghiệp chủ yếu. Về kết quả sản xuất, sản phẩm nông nghiệp cũng như sản phẩm công nghiệp, Trung Quốc sẽ không những đuổi kịp mà còn vượt trình độ tiên tiến thế giới, vượt các nước tư bản phát triển, chiếm địa vị hàng đầu thế giới.
Họ dự kiến trong 3 năm, từ 1978 đến 1980, sẽ cơ giới hóa về cơ bản đối với nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, chăn nuôi và nghề phụ, xây dựng thành công hệ thống công nghiệp và hệ thống kinh tế quốc dân độc lập và tương đối hoàn chỉnh. Sau 8 năm, từ 1978 đến 1985, họ sẽ xây dựng thành công 6 khu kinh tế lớn hiện đại: Tây nam, Tây bắc, Trung nam, Miền đông, Miền bắc và Đông bắc. Cũng trong 8 năm ấy, tổng thu nhập tài chính của nhà nước và số vốn đầu tư vào công cuộc xây dựng cơ bản sẽ tương đương thu nhập tài chính và đầu tư của cả thời gian 28 năm trước kia (1949-1977). Sau đó, với ba kế hoạch 5 năm nữa, theo lời Hoa Quốc Phong báo cáo trước Quốc hội ngày 26-2-1978, Trung quốc nhất định tiến lên hàng đầu thế giới.
Về quốc phòng, họ dự định trang bị vũ khí hiện đại cho 136 sư đoàn chủ lực hiện có, hiện đại hóa quân chủng hải quân, không quân, khắc phục tình trạng lạc hậu về máy bay và xe tăng hiện nay. Họ sẽ tăng cường sản xuất bom nguyên tử và bom khinh khí; sản xuất máy bay cường kích ném bom hạt nhân chiến thuật với cự ly xa, tên lửa vượt đại châu tầm xa, tàu ngầm nguyên tử tấn công gắn tên lửa...
Về khoa học, kỹ thuật, họ dự định đến năm 1985, đạt trình độ những năm 70 của thế giới. 15 năm sau đó sẽ đuổi kịp và vượt trình độ tiên tiến trong tất cả mọi lĩnh vực, mọi ngành. Đặng Tiểu Bình nói: đến khi ấy, Trung Quốc sẽ đứng đầu thế giới về trình độ khoa học, kỹ thuật.
Chi phí toàn bộ cho « bốn hiện đại hóa » là 750 tỷ đô-la, trong đó bố trí cho 8 năm đầu 350 tỷ.
Cuộc phấn đấu thần tốc đề cái gì cũng đứng đầu thế giới đã được Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XI của Đảng cộng sản Trung quốc cổ vũ và kích động rằng: phải sáng tạo nên kỳ tích của loài người, làm cho thế giới biết Trung quốc không những giỏi chiến thắng kẻ thù mà còn giỏi xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa. Còn Đặng Tiểu Bình nói rõ hơn trong lời kết thúc diễn văn bế mạc Đại hội: Toàn quốc đại trị, xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa, hiện đại hóa trong thế kỷ này để góp phần lớn lao vào sự nghiệp của nhân loại ! Nhân kỷ niệm ngày 1-8-1978, Từ Hướng Tiên đã nói toạc ra rằng: « Phải làm tốt việc chuẩn bị vật chất và tinh thần để đánh trận ! ».
Để góp phần thực hiện chương trình « hiện đại hóa », các cơ quan nghiên cứu khoa học được mở cửa lại. Tại Hội nghị khoa học toàn quốc, người ta tuyên bố « mở toang cửa đón nhận nhân tài và tuyên chọn một cách rộng rãi không cần hạn chế về tiêu chuẩn ». Các trường đại học được mở cửa lại; người ta tổ chức lại việc thi cử; việc học tập văn hóa được đặt lên hàng đầu, và việc tập quân sự, đi lao động và đọc « trước tác », được tổ chức sao cho nói nhiều đến việc tăng cường quản lý và kế hoạch hóa kinh tế, thực hành tập trung dân chủ, nâng cao kỷ luật lao động, sản xuất có lãi; người ta lại bàn về việc phải coi trọng các quy luật, phê phán tình trạng phân tán, tùy tiện, quan liêu, địa phương cục bộ, vô chính phủ, coi thường pháp luật; người ta cũng bàn đến việc soạn bộ luật kinh tế. Người ta nói đến nguyên tắc phân phối theo lao động, tiền thưởng năng suất, phúc lợi tập thể, điều mà những kẻ duy ý chí cực đoan trước đây lên án là « chủ nghĩa kinh tế xấu xa », « viên đạn bọc đường của giai cấp tư sản ». Sau 20 năm, công nhân viên chức không được tăng lương thì cuối năm 1977, người ta đã tăng lương cho một bộ phận; thông cáo kỳ họp toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung quốc khóa XI (thông qua ngày 22-12-1978) cho biết: có thể giá thu mua nông sản sẽ tăng 20% để khuyến khích nông dân sản xuất. Nhiều người trong giới trí thức, nhất là những nhà khoa học, được « giải oan », phục hồi và được tâng bốc.
Vậy thực chất của « bốn hiện đại hóa và là gì và triển vọng của nó ra sao ?
Thứ nhất, Trung Quốc là một nước có dân số chiếm 1/4 nhân loại đã trải qua gần 30 năm xây dựng hòa bình nhưng chỉ sản xuất được 3% sản lượng thế giới; một nước mà số dân đông gấp 3 lần Liên Xô, nhưng sản xuất lương thực chỉ bằng Liên xô, và ít hơn Liên xô 7 lần về thép, 10 lần về điện, 6 lần về xi-măng, 9 lần về đầu lửa, 19 lần về ô-tô, 1,3 lần về bông...; một nước mà thu nhập quốc dân tính theo đầu người thua Mỹ 30 lần, thua Nhật 10 lần, thua cả Mê-hi-cô 5 lần. Thổ-nhĩ-kỳ 2 lần, nhưng lại có tham vọng làm bá chủ thế giới. « Lực bất tòng tâm », cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có mâu thuẫn gay gắt với những mưu đồ phản động của giới cầm quyền Bắc kinh; tình trạng « một nghèo hai trắng » là trở ngại chủ yếu trên con đường bành trướng đại Hán; kinh tế trì trệ, đời sống thấp kém là thùng thuốc nổ uy hiếp địa vị cầm quyền của tập đoàn mao-ít.
Vì vậy, có thể nói : ra sức thực hiện « bốn hiện đại hóa », coi đó là nhiệm vụ hàng đầu là phản ánh thế suy yếu, bị động của tập đoàn mao-ít trước những thất bại thảm hại của các thủ đoạn, biện pháp vừa qua.
Thứ hai, tiến hành « bốn hiện đại hóa » không phải nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội chân chính ở Trung quốc, mà nhằm tạo cơ sở vật chất cho mưu đồ phản động : « làm tốt công tác chuẩn bị chiến tranh » (Dư Thu Lý). Trên thực tế, tập đoàn Bắc kinh đã dành khoảng 40% ngân sách cho Chi phí quốc phòng. Trong hai năm qua, họ đưa ra thị trường thế giới số lượng vàng lớn nhất trong lịch sử ngoại thương Trung quốc để mua phương tiện chiến tranh của Tây Đức, Pháp, Mỹ... Họ đã 22 lần thử bom nguyên tử (kể cả lần thử ngày 15-3-1978), tạo gánh nặng hết sức to lớn cho nền kinh tế và đời sống của nhân dân Trung quốc. Họ công khai loại bỏ những cái lố bịch kém hiệu lực trong chủ nghĩa Mao, vứt bỏ cái mặt nạ cách mạng bên ngoài, liên minh, thỏa hiệp với các thế lực đế quốc nhằm tranh thủ vốn và kỹ thuật cho « bốn hiện đại hóa ».
Vì vậy, có thể nói: tiến hành « bốn hiện đại hóa » là biểu hiện mức độ sâu sắc hơn, do đó nguy hiểm hơn trong bản chất phản động của tập đoàn cầm quyền Bắc kinh hiện nay.
Thứ ba, căn cứ vào tổng sản phẩm xã hội các nhà kinh tế học chia các cường quốc Trên thế giới hiện nay làm ba loại:
loại 1: trên 1000 tỷ đô-la như Mỹ và Liên xô.
loại 2: khoảng 500 - 800 tỷ đô-la như Nhật bản, Tây Đức.
loại 3: khoảng 300 – 400 tỷ đô-la như Pháp, Anh.
Với điểm xuất phát hiện nay là 200 tỷ đô-la tổng sản phẩm xã hội, muốn đạt mức cường quốc loại 1 vào cuối thế kỷ này, Trung quốc phải có mức tăng hàng năm về tăng sản phẩm xã hội trên 10%. Trong lịch sử, chưa có nước nào giữ được tốc độ cao như vậy trong suốt 22 năm liền. Muốn đạt sức cường quốc loại 2, Trung quốc phải có mức tăng trung bình hàng năm trên 6% và muốn đạt mức cường quốc loại 3, Trung quốc chỉ cần tăng 3 – 4% hàng năm.
Còn quá sớm để có thể khẳng định Trung quốc có thể đạt mức cường quốc loại nào vào năm 2000, nhưng cần chú ý rằng đến lúc đó, trình độ của các nước khác đã vượt xa mức hiện nay mà ta đang so sánh. Thật vậy, trong lịch sử đã và đang xảy ra sự phát triển không đều, nước đi sau có thể đuổi kịp và vượt các nước đi trước. Nhưng sự phát triển nhảy vọt đó chỉ diễn ra khi có một số điều kiện nhất định. Đề dự đoán về triển vọng « bốn hiện đại hóa » của Trung quốc, chúng ta hãy xét một số tình hình sau đây:
a) Trung quốc hiện có một số khả năng bảo đảm thực hiện « hiện đại hóa ». Đó là tiềm năng về tài nguyên và lao động. Thị trường rộng lớn của Trung quốc, các nguồn dầu lửa và các loại khoáng sản, nông sản của Trung Quốc là những miếng mồi có sức hấp dẫn đối với công nghiệp tư bản phương tây và Nhật bản đang trong cơn khủng hoảng về thị trường, nguyên liệu và năng lượng. Trung quốc hiện đã có một số cơ sở vật chất qua nhiều năm xây dựng, đã giải quyết được một số vấn đề công nghiệp và khoa học, kỹ thuật mà nổi bật là công nghiệp hạt nhân phục vụ quốc phòng. Một khi được huấn luyện bằng kỹ thuật, lại được kích động bằng tư tưởng sô-vanh đại Hán, bá chủ thế giới, được ưu đãi về vật chất thì một bộ phận lao động (chân tay và trí óc) có thể có những sáng tạo giống như những « nhà khoa học » đã phục vụ cho nước Đức quốc xã và chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Điều đáng chú ý là chính sách phản động chống chủ nghĩa xã hội, chống cách mạng, chống Liên xô, thái độ thỏa hiệp đầu hàng, cầu xin của tập đoàn mao-ít chắc chắn sẽ được các thế lực đế quốc, nhất là Mỹ, Nhật « trả công xứng đáng ».
Từ đó, có thể thấy "Trung quốc chắc chắn sẽ đạt được một số kết quả nào đó trong việc « hiện đại hóa » đất nước. Song, điều chắc chắn khá quan trọng hơn là nhân dân Trung quốc, chế độ xã hội ở Trung quốc phải trả một giá rất đắt cho những ở thành tựu » ấy !
b) Mặt khác, Trung Quốc đang gặp những trở ngại lớn trong việc thực hiện « bốn hiện đại hóa »:
Nội bộ tập đoàn lãnh đạo chưa yên, phe phái còn đó và sẽ còn kình địch nhau hoặc công khai hoặc ngấm ngầm. Chúng nhất trí với nhau trên mưu đồ bành trướng, làm cho Trung quốc sớm trở nên hùng cường. Nhưng giữa chúng có sự khác biệt rất lớn trên nhiều vấn đề thuộc về quan điểm, chủ trương, thuộc về chính sách và thái độ cụ thể. Ví dụ: Khi phái Đặng nên ra khẩu hiệu thực hiện « hiện đại hóa » bằng bất cứ biện pháp gì thì phái Hoa liền nêu lên « cách mạng hóa thống soái hiện đại hóa ». Đặng thì cho then chốt của « bốn hiện đại » là hiện đại hóa khoa học, kỹ thuật, còn Diệp thì cho rằng « nông nghiệp và quốc phòng là hai nắm tay, công nghiệp phải phục vụ hai nắm tay đó », vv.
Những biện pháp thay đổi có tính chất thực dụng không những vấp phải sự chống đối trong nội bộ tập đoàn lãnh đạo mà còn vấp phải sự chống đối ở mức độ khác nhau của các thế lực và các nhóm dân cư được « ưu đãi » trong cách mạng văn hóa. Số này gồm bần nông, trung nông lớp dưới, những kẻ hung hăng « tạo phản , mà nòng cốt là phần lớn trong số 17 triệu đảng viên được kết nạp trong cuộc « đại cách mạng » này. Người ta đã nghe nói đến « sự phẫn nộ đúng đắn của quần chúng », « những cuộc nợ máu cần phải trả »... Người ta đã thấy hàng loạt bài trên báo Nhân dân cố tình ấn nhét những biện pháp sửa đổi vào trong đầu óc người dân Trung quốc. Dù trấn áp, dù lừa mị, dù « kích thích vật chất », dù « giáo dục tư tưởng », nhưng vẫn chưa đạt đến đại ổn định.
Mâu thuẫn giữa tích lũy và tiêu dùng. Trong những năm trước đây, mức tích lũy của Trung quốc chiếm khoảng 1/4 tổng sản phẩm xã hội, khoảng 1/3 thu nhập quốc dân. Tỷ lệ đó là quá cao đối với một nước kinh tế lạc hậu, mức sống thấp, nguồn tích lũy chủ yếu dựa vào sức người. Những năm tới, chắc chắn nhà cầm quyền Trung quốc sẽ tiếp tục hy sinh quyền lợi của những người lao động cho tham vọng của mình. Song, sự bất mãn của người dân sẽ không cho phép giới cầm quyền kéo dài mãi mức sống thấp như trước đây mà buộc phải tăng quỹ tiêu dùng. Vì vậy, dù có nhấn mạnh khẩu hiệu « tự lực cánh sinh » thì Trung quốc cũng khó có thể dành cho tích lũy một tỷ lệ cao hơn những năm trước. Dầu mỏ là con bài quan trọng nhưng không phải là vô tận. Việc xuất khẩu dầu hiện còn bị thu hẹp không những vì lý do chất lượng thấp và khả năng vận chuyển có hạn mà còn do nhu cầu chất đốt ở trong nước ngày càng tăng cùng với nhịp điệu « hiện đại hóa ». Trung quốc đã đầy mạnh việc bán vàng và lấy ngoại tệ để thanh toán, song số vàng và ngoại tệ dự trữ của Trung quốc không nhiều, năm 1976 chỉ có hơn 1 tỷ đô-la, hiện nay khoảng 2,2 tỷ đến 2,3 tỷ đô-la (theo tin của báo A-sa-hi Sin-bun của Nhật). Đó là những giới hạn mà chương trình « bốn hiện đại hóa » khó vượt qua. Gần đây, do có nhiều khó khăn, Trung Quốc đã tuyên bố xóa bỏ hiệp định xây dựng gang thép với Nhật bản; Lý Tiên Niệm đã phải thốt ra những lời bị quan đòi giảm bớt tốc độ « hiện đại hóa ».
Mâu thuẫn giữa « hiện đại hóa » quốc phòng và ba « hiện đại hóa » khác. Những hành động của giới cầm quyền Bắc kinh ngày càng chứng tỏ rằng, trong kế hoạch « bốn hiện đại hóa », họ đặt trọng tâm vào - việc « hiện đại hóa quốc phòng ». Nguồn tích lũy vốn đã nghèo sẽ phải đi vào việc quân sự hóa đất nước. Các vật tư quan trọng sẽ phải dồn cho quốc phòng. Trung quốc có thể - hiện đại hóa quân đội đến mức nào đó, nhưng các mặt « hiện đại hóa » khác không khỏi bị hy sinh. Theo nhận xét của các nhà quân sự phương tây, tới đây Bắc kinh sẽ quan tâm phát triển những vũ khí chiến lược tấn công hiện đại chứ không phải chỉ những vũ khí ngăn đe. Sự phát triển đó, người ta tính toán rằng nếu dựa vào việc mua ở bên ngoài thì tới năm 1980, số nợ của Trung quốc sẽ bằng 40%, ngân sách trong nước. Phương tây cũng tuyên bố thắng thừng rằng « không tìm đâu ra người vui lòng cho Trung quốc vay những khoản lớn vào một mục đích như vậy ». Do đó, Trung quốc chủ yếu sẽ phải tự mình sản xuất lấy những công cụ giết người hiện đại ấy. Việc đó rất tốn kém, sẽ gây ra những thiệt hại lớn cho ba « hiện đại hóa » khác.
Lòng thèm khát của tập đoàn Bắc kinh đối với vốn, kỹ thuật của phương tây và Nhật bản sẽ vấp phải chính sách « thả nổi vừa phải » của các nước tư bản chủ nghĩa. Đi gõ cửa khắp các nước phương tây, các lái buôn Trung quốc đã được Nhật, Mỹ, Canada, Tây Đức, Anh,.. cho vay vốn để mua thiết bị kỹ thuật và vũ khí hiện đại. Tuy nhiên, bọn đế quốc không dại gì mà sẵn sàng « sẻ cửa sẻ nhà » cho Trung quốc để Trung quốc mạnh vượt lên chúng. Chúng chỉ giúp cho bọn phản động ở Bắc Kinh có đủ phương tiện để chống phá Liên Xô và phong trào cách mạng thế giới. Đúng như Đảng cộng sản Mỹ nói: đó chỉ là những mẫu bánh thừa trên bàn ăn của chủ nghĩa đế quốc !
Xuất phát từ phân tích trên đây, có thể dự đoán rằng sắp tới nền kinh tế Trung quốc không thể phát triển « thuận buồm xuôi gió », rằng kế hoạch « bốn hiện đại hóa » không thể bảo đảm cho giới cầm quyền Bắc kinh đạt được tham vọng trở thành cường quốc loại nhất vào cuối thế kỷ này, không thể phục vụ đắc lực cho mưu đồ bành trướng, bá quyền.
6. Bản chất xã hội của nền kinh tế Trung quốc hiện nay
Ít có một nền kinh tế nào trên thế giới lại trải qua một quá trình « chìm nổi », đảo lộn toàn diện (từ lực lượng sản xuất cho đến quan hệ sản xuất) và sâu sắc (mức sản xuất bị thụt lùi hàng chục năm, quan hệ sản xuất bị biến chất), như nền kinh tế Trung quốc suốt ba chục năm qua cùng với những sự tranh giành quyền lực trong giới lãnh đạo, cùng với những thất bại trong các chủ trương, chính sách.
a) Một vài nhân tố tư bản chủ nghĩa trong nền kinh tế Trung quốc
Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa trước đây mới xóa bỏ được về cơ bản kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Trung quốc, nhưng tàn dư của nó còn tồn tại. Với tỷ suất lợi tức 5%, đến năm 1962, giai cấp tư sản đã lĩnh lại được số tiền nhiều hơn số vốn trước khi cải tạo. Ngoài lợi tức cố định, chúng còn được lĩnh một số thù lao cao gấp 3 lần tiền công của một công nhân viên chức có mức lao động tương đương. Về mặt chính trị, nó được coi là một thành phần của nhân dân, mâu thuẫn với giai cấp tư sản được coi là « mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ». Với tập đoàn mao-ít cầm quyền hiện nay, các nhà tư sản lại có dịp được phục hồi trên một số mặt. Gần đây, Trung ương Đảng cộng sản Trung quốc quyết định mấy biện pháp sau đây:
+ Trả lại cho các nhà tư sản dân tộc những tài khoản ở ngân hàng bị tịch thu trong cách mạng văn hóa.
+ Trả lại cho giai cấp tư sản dân tộc những tài sản có thể di chuyển được mà hồng vệ binh đã chiếm.
+ Khôi phục và truy hoàn mức chênh lệch về lương đã bị cách mạng văn hóa xóa bỏ.
+ Công nhận lại quyền của giai cấp tư sản dân tộc về nhà cửa, trả lại cho họ những nhà riêng bị tịch thu trước đây.
+ Bảo đảm cho các nhà tư sản dân tộc việc làm phù hợp với công tác và khả năng của họ.
+ Giai cấp tư sản được quyền tham gia thi đua xã hội chủ nghĩa, V.v.
+ Con cái của giai cấp tư sản được tham gia mọi mặt hoạt động chính trị như con cái của người lao động (kể cả quyền tham gia Đảng).
Bắc kinh dành cho bọn từ sản Hoa kiều một vị trí đặc biệt về chính trị và kinh tế: họ có đại biểu trong nhiều cơ quan tối cao của chính quyền nhà nước với danh nghĩa « đại biểu Hoa kiều hải ngoại ». Điều đáng chú ý là phần lớn những đại biểu đó đều là tư sản hoặc xuất thân từ gia đình tư sản. Họ được chuyển tiền về nước xây dựng lên hàng trăm xí nghiệp lớn và nhiều xí nghiệp vừa và nhỏ. Các xí nghiệp này, theo luật lệ của nhà nước Trung quốc, thuộc quyền sở hữu tư nhân của chủ đầu tư là nhà tư sản. Sự liên minh của Bắc Kinh với giai cấp tư sản Hoa kiều cho phép thu hút về nước những khoản tiền rất lớn, đồng thời làm nảy sinh một số nhân tố tư bản chủ nghĩa trong nền kinh tế Trung quốc.
b) Sự biến chất của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.
Cùng với sự duy trì và xuất hiện những nhân tố kinh tế tư bản chủ nghĩa trong xã hội Trung quốc là sự biến chất dần của những cơ sở xã hội chủ nghĩa được xây dựng trong những năm đầu sau ngày lập nước. Nguyên nhân chính của sự biến chất này là tính chất chống chủ nghĩa xã hội của chủ nghĩa Mao, là sự thay đổi theo chiều hướng phản động trong kiến trúc thượng tầng, trong chính sách đối nội và đối ngoại của giới cầm quyền Trung Quốc. Sự thay đổi bản chất của chính quyền nhà nước, đến lượt nó, làm chệch mục tiêu của sản xuất, làm thay đổi tính chất của tái sản xuất mở rộng xã hội chủ nghĩa, làm biến chất dần cơ sở kinh tế xã hội chủ nghĩa của Trung quốc.
Sở hữu nhà nước trong chủ nghĩa xã hội về thực chất là sở hữu toàn dân, tức là sở hữu chung của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Người lao động được quyền làm chủ tập thể đối với tư liệu sản xuất cũng như đối với sản phẩm làm ra trên cơ sở những tư liệu sản xuất ấy. Nhờ vậy, sở hữu nhà nước trong chủ nghĩa xã hội đối lập với sở hữu nhà nước trong chủ nghĩa tư bản, về thực chất là sở hữu chung của giai cấp tư bản độc quyền. Sở hữu nhà nước Trung quốc ngày nay đã mất đi các yếu tố về sở hữu toàn dân, trong thực tế đang diễn ra quá trình tách người sản xuất trực tiếp khỏi quyền sở hữu đối với tư liệu sản xuất, khỏi quyền sử dụng những sản phẩm làm ra dựa trên các tư liệu sản xuất đó. Các tư liệu sản xuất về thực chất trở thành tài sản riêng của nhà nước quan liêu chuyên chế phục vụ mục đích bá quyền bành trướng, đối lập với lợi ích của người lao động. Bản thân lao động không còn là lao động tự do, tự nguyện của người làm chủ, không còn hoàn toàn lao động cho mình, cho xã hội mình.
Sở hữu tập thể chỉ còn tồn tại về hình thức. Nó cũng bị nhà nước hóa và phải phục vụ nhu cầu chạy đua vũ trang. Lao động của nông dân trên các tư liệu sản xuất này cũng mang tính chất cưỡng bức. Kết quả lao động không phải nhằm phục vụ chủ yếu cho việc phát triển sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân. Sản phẩm làm ra bị thu mua với số lượng quá lớn và giá cả quá thấp.
Trong xã hội Trung Quốc đã từ lâu bộc lộ nhiều mâu thuẫn kinh tế - xã hội rất gay gắt: mâu thuẫn giữa mục đích chạy đua vũ trang của giới cầm quyền với lợi ích vật chất của quần chúng lao động, mâu thuẫn giữa chế độ chuyên chế quan liêu với đòi hỏi quyền làm chủ của nhân dân về chính trị, kinh tế, xã hội... Những mâu thuẫn đó đã phát triển thành những hành động bất mãn, đấu tranh: đình công, biểu tình, chống thu mua, viết báo tường... Bọn cầm quyền mao-ít, một mặt ra sức đàn áp, khống chế ; mặt khác ra sức lừa mị, kêu gào « làm việc không hề giờ giấc và cũng không tính đến đãi ngộ, phát triển tinh thần vị tha cách mạng vô sản ».
Từ những tình hình trên, chúng ta có thể bước đầu nhận xét rằng: nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc được hình thành qua quá trình cải tạo và xây dựng trong gần 10 năm sau ngày giải phóng, đã nhiều lần bị tập đoàn cầm quyền mao-ít phá hoại, lợi dụng theo mưu đồ phản động, ngày nay đang dần dần biến chất bởi những biện pháp hành chính của giới cầm quyền. Phần xã hội chủ nghĩa còn lại chủ yếu là hình thức sở hữu, là cơ chế quản lý và công cụ quản lý. Điều thay đổi có tính bản chất diễn ra chủ yếu trong mục đích của sản xuất, thể hiện ở việc phân phối sản phẩm.
Sở dĩ bọn cầm quyền chưa thể xóa sạch hết mọi thành tựu của chủ nghĩa xã hội, đó là vì:
a) Bản thân kinh tế có tính độc lập tương đối của nó. Sự thay đổi trong kiến trúc thượng tầng không thể dẫn tới sự thay đổi ngay tức khắc và cùng nhịp điệu trong hạ tầng cơ sở. Lý luận và thực tiễn lịch sử đã chứng minh điều đó : kinh tế tư bản chủ nghĩa ra đời trước khi có nhà nước tư sản, kinh tế xã hội chủ nghĩa chỉ ra đời sau khi có chuyên chính vô sản, V..
b) Nhân dân lao động Trung quốc, tuy bị lừa gạt nặng nề, nhưng không dễ gì chấp nhận việc bọn phản động công khai vứt bỏ con đường xã hội chủ nghĩa mà không có giữ lấy những thành tựu xã hội chủ nghĩa,
c) Bản thân bọn cầm quyền, tuy bản chất là phản cách mạng, nhưng bề ngoài chưa thể ra mặt chống chủ nghĩa xã hội trong nước, chúng còn lợi dụng tâm lý và nguyện vọng tiến lên chủ nghĩa xã hội của nhân dân Trung quốc, lợi dụng hình thức kinh tế xã hội chủ nghĩa – một công cụ có hiệu lực - nhằm phục vụ mưu đồ phản động của chúng.
Những mặt còn lại của kinh tế xã hội chủ nghĩa sẽ mất hẳn cùng với sự duy trì nền thống trị của tập đoàn phản động. Nhưng nếu lật đồ được bọn cầm quyền phản động hiện nay, thay đổi chính sách của nhà nước theo hướng cách mạng chân chính thì nền kinh tế Trung quốc dễ dàng quay trở lại đầy đủ quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội, bởi vì sự biến chất (thay đổi mục đích) của nền kinh tế Trung quốc hiện nay chủ yếu là do những biện pháp, chính sách có tính chất hành chính từ bên ngoài áp đặt vào nền kinh tế, chứ chưa phải do những diễn biến trong bản thân nội bộ nền kinh tế, do xảy ra những quá trình có tính chất thật sự kinh tế.