STALIN - CHỨC VỤ VÀ QUYỀN HẠN


 STALIN - CHỨC VỤ VÀ QUYỀN HẠN


Dưới sự cố vấn của các chuyên gia phương Tây, nước Nga dưới thời Yeltsin đã tuyên bố không chỉ kế thừa địa vị của nước Cộng hòa Xô viết xã hội chủ nghĩa Liên bang Nga, mà còn tuyên bố kế thừa địa vị của Liên bang các nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô). Điều đó đã đi đến chỗ nước Nga mới thừa nhận địa vị của Stalin, như người sáng lập Liên Xô vào năm 1922. Nói cách khác, điều đó đã buộc phải coi Stalin là người sáng lập kết cấu Nhà nước của nước Nga hiện đại.


Nhưng rõ ràng, nó đã mâu thuẫn với ý đồ “chôn vùi chủ nghĩa cộng sản” của Yeltsin và các đồng nghiệp phương Tây. Một tình trạng trớ trêu đã xảy ra, nước Nga vừa công nhận Stalin như người sáng lập Liên Xô, đồng thời vừa lên án và công kích Stalin như một biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản.


Truyền thông phương Tây hồi đó đã ủng hộ nhiệt tình cho hành động của Igor Stepanov, cựu trưởng phòng hợp tác pháp lý của Ủy ban điều tra Liên bang Nga. Ông ta là thành viên của tổ chức “Nước Nga tự do” của Mikhail Khodorkovsky, người đã cố gắng yêu cầu Ủy ban điều tra của Văn phòng công tố khởi kiện Stalin với tội danh “diệt chủng”. Cơ sở của họ là mệnh lệnh của NKVD Liên Xô số 00447 được ký ngày 30 tháng 7 năm 1937 được ký bởi Dân ủy Nội vụ Nikolai Yezhov và trích dẫn câu từ của Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga ngày 30 tháng 11 năm 1992, số 9-P có viết: “ Trong một thời gian dài, đất nước bị thống trị bởi chế độ chính trị bạo lực, của một nhóm thiểu số cộng sản cực đoan trong cái gọi là Bộ Chính trị của ban chấp hành Trung ương Đảng do Tổng bí thư Đảng đứng đầu”.


Dưới sự cố vấn của Phương Tây, họ quyết định tổ chức một phiên tòa công khai lên án Stalin - người sáng lập ra Liên Xô và là cơ sở Nhà nước Nga hiện đại. Vừa muốn kế thừa địa vị Liên Xô, vừa muốn công kích người khai quốc. Tất nhiên, phiên tòa này đã thất bại, và họ đã không đi đến chỗ buộc tội được Stalin.


1) Liên quan đến Nikolai Yezhov. Mặc dù Stalin là thành viên của Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao, tuy nhiên, cơ quan này không chỉ có mỗi một mình Stalin, mà gồm 21 người (sau đó là 31 người). Được tiến hành bởi biểu quyết - với mỗi cá nhân có quyền như nhau. Việc Nikolai Yezhov được bầu vào vị trí đó chí ít phải được đa số đồng ý, và sau đó có chữ ký xác nhận của Chủ tịch Xô viết tối cao Kalinin. Do đó, nó không nằm trong phạm vi “được” Stalin bổ nhiệm để mà quy kết trách nhiệm cho ông.


2) Stalin là thành viên Bộ Chính trị, là một trong những cá nhân được phép thông qua một số quyết định chính trị của đất nước. Nhưng Bộ Chính trị từ khi thành lập không phải là cơ quan độc tôn một người lãnh đạo, mà nó là một cơ quan tập thể từ 7-10 người. Mỗi người có một phiếu bầu ngang với Stalin.


3) Stalin là thành viên của Ban bí thư, tham gia vào công việc hàng ngày của Đảng. Cơ quan này tiến hành tổ chức nhân sự và phân phối công việc trong Đảng. Tuy nhiên, cho đến năm 1952, cơ quan này trực thuộc một cơ quan tập thể khác (chi phối) - Cục tổ chức của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản toàn liên minh. Nói một cách khác, Stalin là bí thư trong ban bí thư cùng nhiều vị bí thư khác, vốn là một tổ chức tập thể, và Ban bí thư lại trực thuộc một cơ quan tập thể khác đó là Cục tổ chức của Ban chấp hành Trung ương. Nghĩa là ông ấy không có quyền hạn một cách độc lập, mà phụ thuộc vào tính tập thể và bị giám sát bởi Ban chấp hành Trung ương (chứ không phải Ban bí thư giám sát Ban chấp hành Trung ương).


4) Từ tháng 5 năm 1941, Stalin giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng dân ủy Liên Xô, sau là Hội đồng bộ trưởng (tức Thủ tướng). Quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng Dân ủy cũng hạn chế, cơ quan này là thành phần trực thuộc của Xô viết tối cao Liên Xô, do Xô viết tối cao Liên Xô bầu ra. Đây là cơ quan hành chính của Nhà nước, thực hiện hành pháp, cơ quan chấp hành của Xô viết tối cao Liên Xô. Nghĩa là các quyết định được ký bởi Stalin được giám sát bởi Xô viết tối cao Liên Xô, cơ quan quyền lực chính trị bậc nhất và đại biểu cho toàn thể nhân dân Liên Xô.


Ở đây, phiên tòa đã không thể buộc tội Stalin vì:


a) Các chức vụ và quyền hạn của chức vụ của cá nhân Stalin trong Chính phủ không thể đưa đến chỗ bắt buộc Nikolai Yezhov ra bất kỳ mệnh lệnh nào. Việc bổ nhiệm Nikolai Yezhov là do Xô viết tối cao quyết định.


b) Các chức vụ và quyền hạn chức vụ của Stalin trong Đảng cũng không đi đến chỗ buộc được Nikolai Yezhov phải thực hiện bất kỳ yêu cầu cá nhân nào của Stalin. Và trên hết, Đảng chỉ định hướng các nhiệm vụ chính trị, chứ Đảng không ban hành mệnh lệnh buộc Bộ Nội vụ NKVD. Nói cách khác, Chính phủ phải căn cứ trên chỉ đạo của Xô viết tối cao Liên Xô, còn Bộ Nội vụ thì căn cứ trên chỉ đạo của Chính phủ. Do đó, Bộ Nội vụ không nhận nhiệm vụ trực tiếp từ Đảng.


c) Bởi vì cơ cấu của các tổ chức Đảng và Nhà nước là cơ cấu chính trị tập thể, cho nên cá nhân Stalin không có quyền quyết định, mà rõ ràng là tập thể quyết định thông qua bỏ phiếu. Do đó, thiếu cơ sở để cho thấy Stalin độc tài, tự ý quyết định.


d) Kể cả mệnh lệnh của Yezhov số 00447 được ký ngày 30 tháng 7 năm 1937 cũng không đủ cơ sở xem như là một một mệnh lệnh có tính chất “diệt chủng”.


Tất yếu dẫn đến việc thất bại của phiên tòa xét xử Stalin.