Đội ngũ trí thức Nam kỳ trong tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám



1. Sự hình thành đội ngũ trí thức tân học Nam Kỳ đầu thế kỷ XX

- Trí thức tân học nguồn gốc từ hệ thống giáo dục thuộc địa.

Năm 1871, sau khi Pháp đánh chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây thì Lục tỉnh Nam Kỳ được đặt dưới sự cai trị của chế độ thuộc địa. Để phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa ở Nam kỳ, cho nên thực dân Pháp tiến hành đạo tạo đội ngũ trí thức mới thân Pháp thay cho đội ngũ trí thức nho học đang suy tàn.

Việc phổ thông hóa chữ Quốc ngữ và chữ Tây là nhu cầu cấp thiết của để phục vụ công cuộc bình định và khai thác thuộc địa của Pháp. Nhưng do buổi ban đầu còn thiếu đội ngũ trí thức phục vụ cho bộ máy cai trị Pháp cho nên vẫn duy trì hệ thống quan lại và sử dụng chữ Hán trong việc quản lý hành chính. Bên cạnh đó thực dân Pháp gấp rút tuyển dụng và tổ chức những trường học nhằm phổ cập chữ Quốc ngữ cho người bản địa.

Năm 1858, Pháp tuyển dụng Trương Vĩnh Ký – một trí thức ở Nam kỳ làm thông dịch Việt - Pháp. Năm 1860, ông làm thông ngôn cho Jauréguiberry. Ngày 8/5/1862 Pháp thành lập trường Thông ngôn đầu tiên ở Nam kỳ, Trương Vĩnh Ký được điều động về làm giáo viên tại trường này. Năm 1866, Trương Vĩnh Ký tham gia điều hành tờ Gia Định báo, ông cùng một số đồng nghiệp truyền bá chữ Quốc ngữ trong nhân dân, cổ động tân học.

Ngày 1/4/1871, trường Sư phạm Nam kỳ được thành lập, Trương Vĩnh Ký được bổ nhiệm làm giám đốc. Ngày 17/3/1879, Sở học chính Nam kỳ được thành lập, đặt chương trình đào tạo Pháp-Việt đầu tiên ở Nam kỳ. Ngày càng nhiều trí thức tân học được đào tạo trong hệ thống giáo dục thuộc địa của Pháp.

Năm 1891, Pháp mở Viện Vi trùng học ở Sài Gòn; Năm 1898 lập Viện nghiên cứu Nông nghiệp và kỹ nghệ Sài Gòn; Năm 1901 lập trường Mỹ nghệ và Viện nghiên cứu giống cây trồng ở Thủ Dầu Một; Năm 1903 thành lập trường Mỹ nghệ thực hành ở Biên Hòa; …

Sau cải cách giáo dục của Paul Beau năm 1905, nền giáo dục tân học ở Nam kỳ có bước phát triển, số lượng trí thức tân học ngày càng tăng. Số lượng trí thức tân học Nam kỳ tăng từ 48.131 (1913) người lên 72.709 người (1924). Số lượng tăng lên như thế dẫn đến quá trình tác động của đội ngũ trí thức vào đời sống xã hội.

- Trí thức tân học từ hệ thống giáo dục chính quốc.

Nguồn đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng tại chính quốc Pháp là nguồn gốc thứ hai của quá trình xuất hiện trí thức tân học Việt Nam thời kỳ đầu thế kỷ XX. Có thể nói, với việc tiếp xúc và học tập tại một trong các trung tâm văn hóa và văn minh của các nước phương Tây cho nên, chất lượng đào tạo của đội ngũ tri thức tân học này đạt ở trình độ cao nhất lúc bấy giờ.

Họ là con cái của những người giàu có, quan lại được bố mẹ chu cấp cho đi học hoặc những học sinh, sinh viên có năng lực được chính phủ Pháp cấp học bổng cho học. Ngoài tiếp cận xu hướng chính trị tư sản, trong quá trình học tập tại chính quốc, nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam có cơ hội tiếp xúc với chủ nghĩa cộng sản thông qua các phong trào xã hội của Đảng Cộng sản Pháp hay một số phong trào xã hội chủ nghĩa khác.

Giáo sư Trần Văn Giàu đã nhận định:

Nhà xuất bản E.S.I của Đảng Cộng sản Pháp đóng một vai trò đáng được nêu cao trong sự thức tỉnh của hàng trăm nghìn trí thức Việt Nam, cái thức tỉnh mà Mác và Ăng-ghen gọi là “sự giác ngộ về lý luận”.

- Trí thức tân học qua các con đường khác

Còn có các trường hợp trí thức tân học khác hình thành qua quá trình tự học, tự nghiên cứu, hay chịu tác động từ các phong trào cách mạng. Có thể kể qua hai trường hợp đáng lưu ý nhất đó là:

+ Tiếp cận tân học thông qua Cách mạng dân chủ tư sản Trung Quốc, Duy Tân Minh Trị Nhật Bản:

Con đường này tiêu biểu là phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, trong quá trình tiếp xúc tìm hiểu công cuộc Duy Tân Minh Trị của Nhật Bản, cụ cũng đã tiếp cận với quá trình hiện đại hóa đất nước theo kiểu phương Tây của Nhật Bản, quá trình du nhập chủ nghĩa tư bản vào nước Nhật,…

+ Tiếp cận tân học thông qua Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga

Bên cạnh con đường tiếp cận Cách mạng tháng Mười Nga qua Đảng Cộng sản Pháp, vẫn còn nhiều con đường khác như: một số trí thức sang học trực tiếp tại Liên Xô, một số trí thức tiếp xúc qua sách báo tuyên truyền, nghiên cứu tại Trung Quốc thông qua Quốc Dân Đảng thời “quốc phụ Trung Hoa” Tôn Dật Tiên với chính sách “liên Nga, liên cộng, ủng hộ công nông”; hay sự góp sức của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhờ các tài liệu học tập, các học giả tiến bộ Trung Quốc; Ngoài ra còn có tổ chức cộng sản của người Việt Nam được thành lập trên đất Trung Quốc như Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội do Nguyễn Ái Quốc lập ra.

Ngoài ra, cụ Phan Bội Châu dịch cuốn sách “Điều tra chân tướng của Nga-la-tư” từ một người Nhật hay đến gặp trực tiếp các giáo sư Xô viết (cố vấn) tại trường Hoàng Phố (Quảng châu) ở Trung Quốc, đã có cái nhìn mới mẻ về chủ nghĩa cộng sản và ngày càng thích thú. Cụ Phan Bội Châu đã đồng ý với Nguyễn Ái Quốc rằng sẽ sửa lại đảng cương của Việt Nam quốc dân đảng mà cụ đã viết.

2. Đội ngũ trí thức Nam kỳ trong tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám.

+ Bối cảnh:

Trong các phong trào đấu tranh yêu nước 1930-1935; 1936-1939, giới trí thức yêu nước đã hoạt động sôi nổi trên nhiều lĩnh vực, có ảnh hưởng sâu rộng trong dân chúng, thúc đẩy các phong trào hòa bình đòi dân sinh dân chủ ngày càng phát triển. Sự trưởng thành của trí thức Nam kỳ được thể hiện qua quá trình đấu tranh cách mạng. Những năm 1930-1935, trí thức tham gia vào các sự kiện bãi khóa, biểu tình, diễn thuyết, đưa yêu sách, ... Năm 1935, một số trí thức trúng cử Hội đồng quản hạt Nam kỳ, đưa ra ba dự án: ân xá chính trị phạm, cứu trợ người thất nghiệp, chống thuế thân, dùng diễn đàn bênh vực quyền lợi nhân dân. Những năm 1936-1939, một số tờ báo của trí thức ra đời tại Sài Gòn như tờ La Lutte, L’Avant Garde, Dân chúng,... tích cực phản ánh đời sống của nhân dân, ủng hộ các phong trào đấu tranh của nhân dân Nam kỳ.

Năm 1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ tại châu Âu. Chính quốc Pháp nhanh chóng bị phát xít Đức đánh bại. Tại Đông Dương, chính sách phản động của thực dân Pháp được thực thi ngày càng gay gắt. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (11/1940) nổ ra và bị thực dân Pháp đàn áp dữ dội, tổ chức Đảng và quần chúng ở Nam kỳ bị tổn thất nặng nề vì bị khủng bố. Hầu hết các lãnh đạo xứ ủy Nam kỳ và Thành ủy Sài Gòn cùng nhiều tỉnh ủy các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ bị địch bắt, giết hại; tổ chức Đảng địa phương bị tan vỡ, nhiều cơ sở hoạt động cách mạng bị lộ. Những tổn thất đó đặt ra thách thức cho xứ ủy Nam kỳ, cần phải có một phương hướng hoạt động mới, phục hồi các tổ chức Đảng, gây dựng lực lượng yêu nước để chuẩn bị sẵn sàng tiến hành cách mạng tổng khởi nghĩa.

- Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương tập hợp đội ngũ trí thức ở Nam kỳ

+ Thông qua các thành lập các mặt trận, đoàn thể chính trị xã hội.

Xứ ủy Nam kỳ do đồng chí Trần Văn Giàu làm bí thư xứ ủy lãnh đạo đã chủ trương: “Phải tìm một số hình thức tổ chức và hoạt động công khai - không nhất thiết phải là hợp pháp - hợp với ý đồ của ta, mang tính chất động viên cao, trước hết là do thanh niên, động viên được hàng vạn, hàng chục vạn, hàng triệu người dân, đưa họ xuống đường theo khẩu hiệu của cách mạng giải phóng.

Đảng Dân chủ Việt Nam: Đầu năm 1944, tình thế chiến tranh đã thay đổi hoàn toàn, phe phát xít đang lâm vào thế đường cùng. Đảng ta nhanh chóng chủ trương thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam nhằm tập hợp giới trí thức, nhân sĩ yêu nước, trong mặt trận đại đoàn kết dân tộc tranh đấu giành độc lập cho đất nước. Theo sự chỉ đạo của đồng chí Lê Quang Đạo, bí thư Thành phố Hà Nội, nhiều trí thức đã xếp bút nghiên vào Nam bắt liên lạc với Xứ ủy Nam kỳ, tham gia vào công cuộc chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Có thể kể đến những cái tên như: Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Đặng Ngọc Tốt, Vương Văn Lễ, Nguyễn Việt Nam, Trần Bửu Kiếm, Lê Văn Nhàn, Trương Cao Phước, Tạ Bá Tòng,... đã tham gia vào và trở thành lực lượng nòng cốt của tổ chức Tân Dân chủ đoàn, đến tháng 7/1944, tổ chức này sát nhập vào Đảng Dân chủ Việt Nam.

Thanh niên tiền phong: Đầu năm 1945, chiến tranh thế giới thứ hai bước vào hồi kết. Nhận thấy sự thất bại của mình liên tiếp tại mặt trận Thái Bình Dương. Tháng 3/1945, Nhật tiến hành đảo chính Pháp, tung chiêu bài “Việt Nam độc lập”, dựng chính quyền Bảo Đại - Trần Trọng Kim, trên thực tế vẫn tiếp tục cai trị và quản lý Đông Dương, đặc biệt là ở Nam kỳ.

Lúc này Thống đốc Nam kỳ Minoda Fujio và Tổng lãnh sự Nhật Ida mời bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và kỹ sư Ngô Tấn Nhơn đứng ra tổ chức thanh niên ở Nam kỳ nhằm lôi kéo quần chúng ủng hộ Nhật. Phạm Ngọc Thạch là một trí thức có tiếng, đồng thời là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương bí mật, ông báo cho đồng chí Trần Văn Giàu và Hà Huy Giáp đề nghị này của Nhật.

Nhận thấy rằng Nam kỳ đang cần thiết phải có một tổ chức công khai có khả năng vận động hàng triệu quần chúng giác ngộ chính trị, sẵn sàng tham gia tổng khởi nghĩa khi có thời cơ, cho nên Trần Văn Giàu và Hà Huy Giáp sau khi cân nhắc đã đề xuất với Xứ ủy cho phép Phạm Ngọc Thạch đứng ra tổ chức một phong trào thanh niên và được Xứ ủy chấp thuận. Phong trào Thanh niên tiền phong ra đời từ đây, có ý nghĩa như giao trách nhiệm xung kích của mình cho đội ngũ trí thức trẻ, thanh niên đi đầu cho tuổi trẻ đầy nhiệt huyết. Xứ ủy cũng đã cử nhiều cán bộ của mình tham gia vào và tổ chức đoàn thể yêu nước này thành một lực lượng chiến đấu mạnh mẽ, có khả năng lôi cuốn quần chúng tham gia phong trào giải phóng dân tộc.

Người Nhật hoàn toàn không ngờ rằng đằng sau bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và Thanh niên tiền phong lại là Xứ ủy Nam kỳ, kế hoạch về tổ chức một phong trào thanh niên thể thao, văn hóa theo hướng “Đại Đông Á”, phục vụ cho lợi ích phát xít Nhật đã thất bại; thay vào đó lại là một tổ chức chính trị yêu nước, đòi độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.

+ Thông qua các hình thức đấu tranh chính trị.

Tuyên truyền cổ động tinh thần yêu nước: Năm 1941, trước sự thay đổi của cục diện chiến tranh thế giới, Đảng nhận định thời cơ cách mạng đang đến gần, hoạt động đấu tranh của trí thức Nam kỳ cũng đã có những sự chuyển biến phù hợp với tình hình mới. Chuyển từ đấu tranh cách mạng bạo động từ Khởi nghĩa Nam kỳ sang hình thức đấu tranh ôn hòa, bất bạo động.  

Hưởng ứng chủ trương của Đảng, nhiều trí thức tham gia vào Ban chấp hành Tổng hội sinh viên Đông Dương ở Sài Gòn như: Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Lê Khắc Thiền, Huỳnh Bá Nhung, Đặng Ngọc Tốt. Hoạt động chủ yếu là diễn thuyết, ca hát, khám chữa bệnh, dạy chữ Quốc ngữ,...

Thời điểm này, Huỳnh Tấn Phát đã mua lại tuần báo Thanh niên, có nội dung tiến bộ được sự ủng hộ của nhiều trí thức, văn nghệ sĩ có tiếng như Phạm Thiều, Lý Vĩnh Khuông, Xuân Diệu, Dương Tử Giang, Bằng Giang,...

Công tác binh vận: Xứ ủy muốn tập hợp lực lượng trí thức Nam kỳ qua công tác binh vận. Giữa tháng 7/1945, Trần Văn Giàu, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Nguyễn đã tổ chức gặp gỡ một số nhóm vũ trang thân Nhật và đã thuyết phục họ đứng vào hàng ngũ Việt Minh.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, đại diện Thanh niên tiền phong đến gặp Thống chế Terauchi, Tổng chỉ huy quân đội Nhật, trong đó ông ta chấp nhận thõa hiệp không can thiệp tổng khởi nghĩa và giúp đỡ một số vũ khí.

Công tác chuẩn bị khởi nghĩa: Xứ ủy Nam kỳ chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác chuẩn bị lực lượng, lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền bằng lực lượng xung kích Thanh niên tiền phong khi thời cơ tới. Các lớp học chính trị do Trần Văn Giàu phụ trách với sự giúp đỡ của Hà Huy Giáp đã tập hợp một số trí thức Nam kỳ nổi tiếng như: Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Việt Nam, Trương Công Cán, Vương Văn Lễ, ...

Bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng lực lượng trí thức tham gia công tác lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Bên cạnh đó, tính chất của khởi nghĩa giành chính quyền tại Nam kỳ có một đặc điểm hết sức thú vị, khác hoàn toàn với Bắc kỳ và Trung kỳ, đó là cuộc khởi nghĩa này không diễn ra các cuộc tiến công đánh chiếm ở Bắc kỳ như ở Bắc bộ Phủ, mà ngược lại nhanh chóng và không tốn xương máu. Sở dĩ có điều đó là vì lực lượng trí thức phục vụ trong các cơ quan hành chính ở Nam kỳ đã ngả về Xứ ủy Nam kỳ, thông qua quá trình phát triển của tổ chức Thanh niên tiền phong Xứ ủy đã phái những người cộng sản vào trong nội bộ các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp hoặc giác ngộ tự đội ngũ trí thức đó. Nên ngay khi lực lượng khởi nghĩa bắt đầu tiến hành giành chính quyền ở Sài Gòn-Gia Định vừa ban ra thì hầu hết các cơ quan, xí nghiệp, chính quyền đã được chiếm ngay lập tức.

GS. Trần Văn Giàu đã nhận xét: “Ở Sài Gòn không có cảnh tiến chiếm các công sở của chính quyền cũ như ngoài Bắc; ngược lại toàn bộ công tư sở ở Sài Gòn đã được lực lượng cách mạng hay thân cách mạng… chiếm ngay từ bên trong.

Vai trò của trí thức thời kỳ này đã tiến thêm một bước dài, từ chỗ chỉ tuyên truyền cổ động tinh thần yêu nước đến tham gia trực tiếp vào công cuộc chuẩn bị có tổ chức để tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

- Đội ngũ trí thức Nam kỳ trở thành lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh giành chính quyền ở Nam bộ.

Xứ ủy Nam kỳ là nơi tập trung đông đảo đội ngũ tri thức tiến bộ: 

Công lao to lớn trong những ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Sài Gòn-Gia Định là của Bí thư Xứ ủy Nam kỳ - Trần Văn Giàu. Thanh niên tiền phong là một sáng tạo có ý nghĩa chiến lược của Xứ ủy Nam kỳ gắn với sự quyết đoán chỉ đạo công tác tiến hành chuẩn bị khởi nghĩa của Bí thư Trần Văn Giàu, nhờ đó mà trong một thời gian ngắn Nam kỳ đã có một lực lượng chính trị hùng hậu và đóng vai trò quyết định đối với tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Sài Gòn-Gia Định. Có thể nói, sự nhạy bén về tư duy chính trị của Trần Văn Giàu, xuất phát từ chỗ ông có một vốn liếng đủ rộng về tri thức từ Pháp cho đến Liên Xô và kinh nghiệm của nhiều năm công tác hoạt động cách mạng của mình.

Bên cạnh Trần Văn Giàu, trong Xứ ủy Nam kỳ còn phải kể tên Hà Huy Giáp – người chiến sĩ cộng sản nhiệt thành, một trong những nhà tổ chức của Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Biên Hòa. Xuất thân từ tầng lớp trí thức tân học, trãi qua các trường học thuộc hệ giáo dục thuộc địa của thực dân Pháp. Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, đồng chí còn đóng góp cho quá trình cổ động tân học bằng việc dạy và truyền bá chữ Quốc ngữ, dịch sách mác-xít và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Ngoài ra còn phải kể đến người lãnh đạo của Thanh niên tiền phong là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, một trí thức tài giỏi tốt nghiệp và từng làm bác sĩ tại Pháp. Trên hết, ông là một người yêu nước nồng nhiệt, được Xứ ủy Nam kỳ đặc biệt chú ý, ông tham gia vào các lớp học bồi dưỡng chính trị do Trần Văn Giàu phụ trách. Tháng 3/1945 ông chính thức tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương, và trở thành người trực tiếp lãnh đạo Thanh niên tiền phong làm lực lượng xung kích nòng cốt tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Sài Gòn-Gia Định ngay khi Xứ ủy Nam kỳ ra mệnh lệnh tiến hành tổng khởi nghĩa.

Là lực lượng nòng cốt tham gia khởi nghĩa giành chính quyền: Trong những ngày tham gia đấu tranh khởi nghĩa giành chính quyền ở Nam kỳ, đội ngũ trí thức Nam kỳ đã được tập hợp đông đảo trong Mặt trận Việt Minh, Thanh niên tiền phong, là những tổ chức tập hợp rộng rãi quần chúng trí thức Nam kỳ do những người trí thức Nam kỳ sáng lập, lãnh đạo và tổ chức nên. Có thể kể tên những người lãnh đạo là trí thức như: Chủ tịch quản trị Kha Vạn Cân, Tổng thư ký bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Thủ lĩnh thanh niên luật sư Thái Văn Lung, Thủ lĩnh thể thao bác sĩ Nguyễn Văn Thủ. Ngoài ra còn có các nhân sĩ trí thức như: kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng, Ngô Tấn Nhơn, dược sĩ Trần Kim, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, .... Chỉ trong vòng 3 tháng, Thanh niên tiền phong phát triên lên đến 1,2 triệu đoàn viên trong 21 tỉnh thành Nam kỳ, riêng Sài Gòn lên đến 200.000 người.

Ngày 22/8/1945, tổ chức Thanh niên tiền phong đã gia nhập hàng ngũ Việt Minh và trở thành lực lượng cách mạng hùng hậu, xung kích và giữ vai trò quyết định thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Nam kỳ dưới sự lãnh đạo củ Xứ ủy.

Là lực lượng chủ đạo trong chính quyền cách mạng: Khi khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Sài Gòn, chính quyền cách mạng đã ra mắt nhân dân vào chiều ngày 25/8/1945. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thay mặt Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ tuyên đọc danh sách những người lãnh đạo của Ủy ban với đa số là các bậc trí thức có tiếng như: Chủ tịch Trần Văn Giàu, Ủy viên Nội vụ Nguyễn Văn Tạo, Ủy viên Tài chính Nguyễn Phi Hoanh, Ủy trưởng Ngoại giao bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Ủy trưởng Lao động Hoàng Văn Đôn, Ủy trưởng quốc gia tự vệ quốc Dương Bạch Mai, Ủy trưởng Kinh tế Ngô Tấn Nhơn, Thanh tra chính trị Nguyễn Thanh Sơn, Ủy viên thanh niên và tuyên truyền Huỳnh Văn Tiểng.

Như vậy, có thể nói trong cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám tại Nam bộ và xây dựng chính quyền mới của nhân dân, trí thức thực sự là nòng cốt, đội ngũ xung kích, dẫn dắt nhân dân đập tan xiềng xích nô lệ để giành độc lập tự do cho dân tộc.

Kết: Nhiều trí thức Nam kỳ trong quá trình tiến hành chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám đã trở thành những người giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, bổ sung vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương - trở thành lớp đảng viên trung kiên, nòng cốt tham gia đắc lực vào sự nghiệp xây dựng Chính quyền nhân dân tại Nam Bộ và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp sau này.