NHỮNG KẺ PHẢN BỘI TRƯỚC GIỜ KHỞI NGHĨA
Cuối tháng Chín, đầu tháng Mười, công tác chuẩn bị khởi nghĩa gấp rút hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, rõ ràng là trong Đảng vẫn còn có những người chưa chịu khuất phục trước Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, họ vẫn cố gắng chống lại nó. Họ đã đi đến chỗ : phản bội lại sự nghiệp của cách mạng.
Để kiểm tra công việc chuẩn bị khởi nghĩa, Le-nin đã đề nghị triệu tập một phiên họp mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương, Ban chấp hành đảng bộ thủ đô Pê-tơ-rô-gát, đại diện các tổ chức quân sự, công đoàn, ủy ban nhà máy, ủy ban quận vào ngày 16 tháng Mười. Tại phiên họp, trước tiên, đồng chí Le-nin đã tóm tắt tình hình:
<<Vụ bạo động của Coóc-ni-cốp đã đẩy quần chúng theo ta kiên quyết hơn>>
Sau đó Le-nin đã đi đến chỗ tổng kết:
<<Tình hình thật rõ ràng: hoặc là nền chuyên chính của Coóc-ni-cốp, hoặc là nền chuyên chính của giai cấp vô sản và các tầng lớp nghèo trong nông dân>>
Trích: "Phiên họp của Ban chấp hành Trung ương Đảng CNXHDCNga 29 (16)-10-1917, Toàn tập, t.XXI, tr.331, tiếng Nga"
Le-nin đã nhấn mạnh:
<<...Giai cấp tư sản muốn nộp Pê-tơ-rô-gát. Chúng ta chỉ có thể cứu Pê-tơ-rô-gát bằng cách giữ lấy nó trong tay. Phải kết luận rằng cuộc khởi nghĩa vũ trang mà nghị quyết của Ban chấp hành trung ương nói đến, trở thành vấn đề trước mắt….
Sự phân tích về mặt chính trị cuộc đấu tranh giai cấp ở Nga và ở châu Âu đưa chúng ta đến kết luận là cần phải có một đường lối kiên quyết nhất và tích cực nhất, và đường lối đó chỉ có thể là đường lối khởi nghĩa vũ trang>>
Trích: "Phiên họp của Ban chấp hành Trung ương Đảng CNXHDCNga 29 (16)-10-1917, Toàn tập, t.XXI, tr.331, tiếng Nga"
Tại Hội nghị, đa số tán thành đường lối của Le-nin. Tuy nhiên, một số đồng chí đã không tán thành và bày tỏ sự phản đối, có một số thì im lặng bỏ phiếu trắng. Zinoviev đã đặt ra một câu hỏi có phần “sợ hãi”:
<<thành công của khởi nghĩa liệu có được đảm bảo không ?>>.
<<Vấn đề phải được giải quyết ngay từ hôm đầu, ở ngay Pê-tơ-rô-gát, nếu không tinh thần sẽ bắt đầu tan rã. Không thể trông cậy vào sự viện trợ của Phần Lan và Crôn-tát. Và ở Pê-tơ-rô-gát chúng ta không có một lực lượng mạnh. Hơn nữa, kẻ tù của chúng ta lại có một bộ tham mưu tổ chức lớn vô kể>>
Trích: Biên bản của Ban chấp hành Trung ương ĐCNXHDCNga, tháng Tám 1917- tháng Hai 1918, Moskva, Nxb Quốc gia, 1929, tr.114
Di-nô-vi-ép đã bày tỏ một thái độ thiếu kiên quyết và không có lòng tin vào khởi nghĩa cách mạng. Ka-mê-nhép bày tỏ thái độ ủng hộ Di-nô-vi-ép:
<<Đứng về mặt xã hội mà nói, cuộc khủng hoảng đã chín muồi, nhưng không có gì chứng tỏ là chúng ta phải giao chiến trước ngày 20 (ngày triệu tập Đại hội Xô viết). Vấn đề không phải được đặt ra như sau: bây giờ hoặc không bao giờ… Chúng ta không đủ mạnh để có thể chắc thành công khi khởi nghĩa nổ ra. Ở đây, có hai chiến thuật đối chọi nhau: chiến thuật âm mưu và chiến thuật bắt nguồn từ lòng tin vào những động lực cách mạng Nga>>
Trích: Biên bản của Ban chấp hành Trung ương ĐCNXHDCNga, tháng Tám 1917- tháng Hai 1918, Moskva, Nxb Quốc gia, 1929, tr.118
Sta-lin bênh vực Le-nin và phản biện lại luận điệu của của Di-nô-vi-ép và Ka-mê-nhép:
<<Người ta có thể nói là người ta có thể chờ đợi một cuộc tấn công, nhưng còn phải hiểu thế nào là một cuộc tấn công; giá lúa mì tăng lên, lính cô-dắc được phái vào vùng Sông Đôn,... đó đã là tấn công rồi. Chúng ta sẽ chờ đợi đến bao giờ, nếu không xảy ra tấn công về quân sự ? Khách quan mà nói, những điều do Di-nô-vi-ép và Ka-mê-nhép đề nghị cho phép bọn phản cách mạng tổ chức lại. Chúng ta sẽ lùi vô hạn độ - và chúng ta sẽ mất toàn bộ cuộc cách mạng. Tại sao chúng ta không dành cho mình khả năng lựa chọn ngày giờ và điều kiện, để ngăn cản lực lượng phản cách mạng tổ chức lại ?>>
Trích: Biên bản của Ban chấp hành Trung ương ĐCNXHDCNga, tháng Tám 1917- tháng Hai 1918, Moskva, Nxb Quốc gia, 1929, tr.119
Sta-lin đã vạch trúng tim đen của Di-nô-vi-ép và Ka-mê-nhép, buộc cả hai phải im lặng. Đồng chí tiếp tục nói rõ:
<<Hai đường lối được đề ra trước chúng ta: một đường lối hướng về thắng lợi của cách mạng… đường lối thứ hai không tin tưởng ở cách mạng và có ý tự hạn trong vai trò đối lập. Xô viết Pê-tơ-rô-gát đã từ chối không chuẩn y cho quân đội rút lui, đã bước vào con đường khởi nghĩa. Hải quân đã nổi dậy vì họ chống Kê-ren-xki>>
Trích: Stalin, Diễn văn tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương ngày 16 tháng Mười 1917, Trên con đường tháng Mười, những bài báo và diễn văn, Leningrad, Nxb Quốc gia, 1925, tr.211.
Các ủy viên Ban chấp hành Trung ương và các đồng chí ủy viên quân sự cách mạng đã phát biểu chống lại Di-nô-vi-ép và Ka-mê-nhép và chứng minh rằng các đội quân cách mạng đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc khởi nghĩa. Quan điểm của Di-nô-vi-ép và Ka-mê-nhép đã thất bại.
Svéc-lốp cho rằng, vấn đề ngay lúc này không còn là vấn đề khởi nghĩa hay không, mà là khởi nghĩa như thế nào. Đồng chí Svéc-lốp đã bênh vực Le-nin và nói:
<<Tương quan lực lượng có lợi cho chúng ta. Chúng ta chẳng phải bác bỏ nghị quyết mà phải bổ sung nó bằng cách nói rằng việc chuẩn bị về vật chất phải được thực hiện với nhiều nghị lực hơn>>
Trích: Biên bản của Ban chấp hành Trung ương ĐCNXHDCNga, tháng Tám 1917- tháng Hai 1918, Moskva, Nxb Quốc gia, 1929, tr.120
Ủng hộ lập trường của Le-nin, đồng chí Dẹc-din-xki cũng có một bài phát biểu, trong đó đồng chí lên án thái độ men-sê-vích của Di-nô-vi-ép và Ka-mê-nhép, Dẹc-din-xki mỉa mai cả hai:
<<Chiến thuật âm mưu, đó chính là chiến thuật muốn rằng phải chuẩn bị xong tất cả về vật chất để khởi nghĩa. Nhưng thực tế, khi chúng ta có được khởi nghĩa, tức là chúng ta cũng sẽ có lực lượng vật chất rồi>>
Trích: Biên bản của Ban chấp hành Trung ương ĐCNXHDCNga, tháng Tám 1917- tháng Hai 1918, Moskva, Nxb Quốc gia, 1929, tr.121
Trong một Thư gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng, Le-nin đã nhận xét như sau:
<<Di-nô-vi-ép đã đưa ra một cách ngớ ngẩn nghị quyết mà hội nghị đã bác bỏ: “Đừng khởi sự trước khi đem bàn với những người bôn-sê-vích sẽ tới đại hội các Xô viết ngày 20”. Thử nghĩ một chút: sau khi Trung ương đã quyết định bãi công mà đề nghị với một hội nghị các chiến sĩ ở cơ sở hoãn việc đó lại và đưa vấn đề đó ra đại hội, đưa vấn đề đó ra trước một tập thể mà Điều lệ Đảng không biết đến, một tập thể không có quyền hạn gì đối với Ban chấp hành Trung ương, không biết đến tình hình ở Pê-tơ-rô-gát>>
Trích: Lenin, "Thư gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng CNXHDCNga, Toàn tập, tXXI, tr.355, tiếng Nga"
Ở đây Di-nô-vi-ép đã phạm phải một số sai lầm chính trị không đáng có, đồng chí ấy lẫn lộn giữa khởi nghĩa toàn quốc và khởi nghĩa ở Pê-tơ-rô-gát, rõ ràng là phiên họp này là phiên họp mở rộng giữa Ban chấp hành Trung ương, Đảng bộ Pê-tơ-rô-gát, ủy ban quân sự, ủy ban công đoàn, ủy ban công nhân. Tức là ở đây, cuộc họp này đi đến chỗ thống nhất về thời điểm cuộc khởi nghĩa nổ ra, nghĩa là phải căn cứ và các đơn vị tại Pê-tơ-rô-gát. Nhưng Di-nô-vi-ép lại trông chờ vào các đại biểu bôn-sê-vích tại Đại hội Xô viết toàn quốc, điều đó làm đồng chí ấy trở nên lạc quẻ giữa phiên họp, nghĩa là người ta nói một đằng còn đồng chí ấy lại nói một nẻo khác. Đồng thời, vấn đề Di-nô-vi-ép nêu lên còn lại nhầm lẫn tai hại, rõ ràng Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương không thể căn cứ theo vấn đề mà đảng đoàn bôn-sê-vích tại Đại hội Xô viết được, Nghị quyết không thể căn cứ trên một vấn đề hẹp như thế được, mà ở đây Hội nghị Ban chấp hành Trung ương đang nói đến tình hình chung, vấn đề chung của toàn bộ cuộc cách mạng, rằng cuộc cách mạng đã đến thời điểm phải nổ ra, rằng mọi công tác chuẩn bị khởi nghĩa đã chuẩn bị xong, thì không có lý gì phải trông chờ vào đảng đoàn đại biểu bôn-sê-vích ở Đại hội Xô viết làm gì. Ở đây, Di-nô-vi-ép vì muốn chống lại việc khởi nghĩa nên đã đẩy bản thân mình vào mớ lập luận hỗn độn.
Hội nghị đã tiến hành bỏ phiếu thông qua chủ trương của Le-nin với 19 phiếu thuận, 2 phiếu chống (Ka-mê-nép và Di-nô-vi-ép), 4 phiếu trắng (trong đó có Trốt-xki).
Ka-mê-nép bất bình với việc bản thân là thiểu số đã quyết định xin ra khỏi Ban chấp hành Trung ương Đảng, đó là một thái độ hết sức thiếu dân chủ của đồng chí ấy.
Kết quả của cuộc bỏ phiếu đó đã dẫn đến việc Ka-mê-nép, Di-nô-vi-ép và Trốt-xki không có tên trong Trung tâm lãnh đạo quân sự của Đảng được bầu ngay sau đó. Khi Hội nghị Ban chấp hành Trung ương vừa kết thúc, các đồng chí tán thành chủ trương của Le-nin (tức 19 phiếu thuận) được mời sang một phòng khác, và tại đây, họ bầu lên một Trung tâm lãnh đạo quân sự của Đảng để thực hiện cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thủ đô Pê-tơ-rô-gát. Trung tâm này do đồng chí Sta-lin là người trực tiếp lãnh đạo (thay cho Le-nin lúc này tiếp tục rút vào hoạt động bí mật), thành phần gồm có Svéc-lốp, Dẹc-din-xki, U-rít-xki và Bu-nốp. Nhiệm vụ của cơ quan này là gì ? Là lãnh đạo tất cả các cơ quan thực tiễn của khởi nghĩa căn cứ theo chỉ thị của Trung ương Đảng (lúc bấy giờ là Bộ Chính trị - cơ quan Trung ương Đảng thay mặt lâm thời cho Ban chấp hành Trung ương Đảng nếu không thể tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Trung ương, ngày 10 tháng Mười thì Bộ chính trị đã được thành lập gồm: Le-nin, Di-nô-vi-ép, Ka-mê-nhép, Sta-lin, Trốt-xki, Bu-nốp, Xô-cô-nhi-cốp). Trung tâm này tham gia trực tiếp vào Ủy ban quân sự cách mạng Pê-tơ-rô-gát, và thay mặt Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Nói cách khác, Trung tâm và những thành viên của nó là những người TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CUỘC KHỞI NGHĨA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI Ở THỦ ĐÔ PÊ-TƠ-RÔ-GÁT thông qua Ủy ban quân sự cách mạng thủ đô Pê-tơ-rô-gát.
Nhưng Trung tâm này lãnh đạo như thế nào ?
Trước hết, cần nhìn nhận rõ ràng rằng Ủy ban quân sự cách mạng - một cơ quan Nhà nước đặc biệt được tổ chức ra nhằm trực tiếp tiến hành khởi nghĩa cách mạng. Ủy ban quân sự cách mạng đầu tiên được tổ chức tại thủ đô Pê-tơ-rô-gát, do Ban chấp hành Xô viết Pê-tơ-rô-gát tổ chức được thông qua bởi quy chế thành lập Ủy ban quân sự cách mạng tại một phiên họp kín ngày 12 tháng Mười. Thành phần của Ủy ban này tuy rộng, gồm có cả đảng viên xã hội cách mạng, tuy nhiên, nó chiếm giữ bởi đại đa số đảng viên bôn-sê-vích và do đó Ủy ban quân sự cách mạng Pê-tơ-rô-gát nằm hoàn toàn dưới sự kiểm soát của đảng bôn-sê-vích. Đảng bôn-sê-vích thông qua việc chiếm đa số bởi các đảng viên bôn-sê-vích của mình trong Ủy ban mà thông qua một vấn đề cụ thể, một công tác thực tiễn nào đó. Do đó, các đại biểu bôn-sê-vích trong Ủy ban phải chấp hành hoàn toàn chỉ thị của Trung ương Đảng, cụ thể là Ban chấp hành Trung ương (vấn đề khởi nghĩa ở Pê-tơ-rô-gát đã vượt phạm vi của đảng bộ Pê-tơ-rô-gát, nó thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng). Tuy nhiên, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ chính trị, không thể trực tiếp chỉ đạo và giám sát liên tục toàn bộ các hoạt động khởi nghĩa được:
1) Công tác khởi nghĩa vũ trang là công tác hoạt động thực tiễn, một loạt các hoạt động liên tục và căn cứ vào tình hình cụ thể của cách mạng do đó không thể triệu tập liên tục Ban chấp hành Trung ương hoặc Bộ Chính trị để mà chỉ đạo.
2) Tình hình đó buộc Đảng phải thành lập một cơ quan Đảng chuyên trách về mặt quân sự đảm nhiệm cho công tác quân sự của Ban chấp hành Trung ương, do đó Trung tâm quân sự cách mạng của Đảng được thành lập để thay thế Ban chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị lãnh đạo và kiểm soát đối liên tục đối với các hoạt động khởi nghĩa.
3) Vì cơ quan này thay mặt Ban chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo, cho nên các cấp ủy đảng, không chỉ trong Xô viết Pê-tơ-rô-gát, Ủy ban quân sự cách mạng Pê-tơ-rô-gát, mà toàn bộ các chi bộ, đảng bộ cơ sở trên khắp thủ đô Pê-tơ-rô-gát trong công nhân, trong nhà máy, trong từng khu phố, địa phương, hội nghề, ….đều phải đặt dưới sự lãnh đạo của cơ quan này. Do đó, nó tạo nên một sự thống nhất cho công tác khởi nghĩa (không phải chỉ trong quân đội, mà còn trong đảm bảo lương thực, hậu cần, đường sắt, tổ chức bãi công chính trị, động viên lực lượng, ….nhằm tạo điều kiện tối đa cho khởi nghĩa vũ trang).
4) Đồng thời, những chỉ huy của các đội Xích vệ Đỏ, các đội tự vệ, các chiến sĩ cách mạng ở thủ đô Pê-tơ-rô-gát đều là những người bôn-sê-vích, và họ đều là ủy viên trong Ủy ban quân sự cách mạng Pê-tơ-rô-gát và tuân theo quyết nghị của Ủy ban quân sự cách mạng Pê-tơ-rô-gát. Nói cách khác, một sự thống nhất trong công tác lãnh đạo của Trung tâm quân sự cách mạng của Đảng bôn-sê-vích đến Ủy ban quân sự cách mạng Pê-tơ-rô-gát và đến từng đơn vị vũ trang cách mạng Pê-tơ-rô-gát đã được thiết lập như thế. Chỉ thị của Trung tâm quân sự cách mạng của Đảng bôn-sê-vích đã trở thành cơ sở cho các quyết nghị của Ủy ban quân sự cách mạng Pê-tơ-rô-gát, và từ đó các đơn vị vũ trang cách mạng Pê-tơ-rô-gát chấp hành thực hiện.
Chính vì những lẽ đó, chúng ta hoàn toàn có thể đi đến kết luận rằng, chính Trung tâm đó, gồm các đồng chí: Sta-lin, Svéc-lốp, Dẹc-din-xki, U-rít-xki và Bu-nốp, là những người trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Cách mạng tháng Mười, mà ở đây, đồng chí Sta-lin, người trao đổi chính với Le-nin, người phổ biến các chỉ đạo của Le-nin, là người lãnh đạo trực tiếp đối với các công tác của Trung tâm này. Điều đó đã lý giải vì sao, ngay trong đêm 24 tháng Mười, lãnh tụ Le-nin từ nơi ẩn náu bí mật, đã đến điện Smôn-nưi lại có thể lập tức chỉ huy toàn bộ cuộc khởi nghĩa. Rõ ràng, Người luôn nắm và lãnh đạo hoàn toàn công tác khởi nghĩa thông qua đại diện của mình tại Trung tâm cách mạng quân sự của đảng. Chính điều đó đã lý giải vì sao Le-nin lại có thể trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tháng Mười mặc dù Người không là thành viên của Xô viết Pê-tơ-rô-gát hay Ủy ban quân sự cách mạng Pê-tơ-rô-gát, mà ngược lại, các thành viên của Xô viết Pê-tơ-rô-gát hay Ủy ban quân sự cách mạng Pê-tơ-rô-gát phải chấp hành chỉ thị của Trung tâm cách mạng quân sự của đảng, kể cả Trốt-xki, lúc bấy giờ là Chủ tịch Xô viết Pê-tơ-rô-gát cũng phải bắt buộc tuân thủ và chấp hành chỉ thị của Trung tâm cách mạng quân sự của đảng.
Như vậy, phiên họp của Ban chấp hành Trung ương mở rộng ngày 16 tháng Mười đã đi đến chỗ đặt ra vấn đề giải quyết các công tác thực tiễn của việc tổ chức khởi nghĩa cách mạng. Nhưng Ka-mê-nhép và Di-nô-vi-ép đã không hài lòng với sự đa số của Ban chấp hành Trung ương mà đi đến chỗ phản bội lại Đảng. Ngày 17 tháng Mười, tờ báo Đời sống mới của men-sê-vích đã công bố bản tuyên bố của Ka-mê-nhép trong đó đã làm lộ bí mật về kế hoạch khởi nghĩa vũ trang của Đảng. Ka-mê-nhép viết:
<<Vấn đề khởi nghĩa được bàn cãi sôi nổi, đồng chí Di-nô-vi-ép và tôi đã gửi cho các tổ chức chủ yếu của Đảng chúng ta ở Pê-tơ-rô-gát, Mát-xcơ-va và Phần Lan, một bức thư trong đó chúng tôi cương quyết phản đối việc Đảng đứng ra khởi xướng bất cứ hành động vũ trang nào trong thời kỳ sắp tới...Không những Di-nô-vi-ép và tôi mà còn có cả những chiến sĩ có kinh nghiệm đều cho rằng căn cứ vào tương quan lực lượng xã hội hiện nay thì khởi xướng việc khởi nghĩa vũ trang trong lúc này, không kể gì đến đại hội các Xô viết và trước đại hội đó vài ngày, là điều không thể chấp nhận được và có hại cho giai cấp vô sản và cho cách mạng>>
Trích: Biên bản của Ban chấp hành Trung ương ĐCNXHDCNga, tháng Tám 1917- tháng Hai 1918, Moskva, Nxb Quốc gia, 1929, tr.136
Hành động đó của Ka-mê-nhép và Di-nô-vi-ép được xem là hành động phản bội Đảng, bài viết đó, Ka-mê-nhép đã làm lộ thông tin về việc Đảng bôn-sê-vích sẽ chuẩn bị tiến hành khởi nghĩa vũ trang, tức là làm lộ thông tin tuyệt mật của Đảng. Hậu quả của nó ngay lập tức đã xảy ra:
Ban chấp hành Đại hội Xô viết toàn Nga do men-sê-vích và xã hội cánh tả đang nắm đa số quyết định hoãn cho đến ngày 25 tháng Mười, trông chờ vào sự thắng lợi của các đại biểu của chúng ở các địa phương.
Đại tá Pô-kô-nhi-cốp, tư lệnh quân khu Pê-tơ-rô-gát ngay lập tức tăng cường lực lượng phòng vệ thành phố, truy bắt các đảng viên bôn-sê-vích nếu kêu gọi khởi nghĩa vũ trang hay đến các doanh trại, đồn bốt cảnh vệ trong thành phố. Đồng thời cấm biểu tình, mít-tinh, và thẳng tay đàn áp bất cứ đội vũ trang nào.
Ngay ngày 18 tháng Mười, Cung điện mùa Đông - bản doanh của Chính phủ tư sản lâm thời được bảo vệ bằng xe bọc thép và các ụ súng liên thanh.
Tờ Công nhân nhật báo của men-sê-vích đã cho thấy Chính phủ tư sản lâm thời (do các đại diện men-sê-vích và xã hội cánh tả) đã chuẩn bị tích cực chống cuộc khởi nghĩa: <<Một loạt các biện pháp đã được áp dụng ngay từ bây giờ để ngăn chặn những sự quá khích nguy hiểm. Ngày hôm qua, hết thảy lính cảnh vệ đều được trang bị súng ngắn. 600 binh sĩ được lựa chọn kỹ, có tinh thần giác ngộ cao, trung thành với Chính phủ lâm thời đã được chuyển sang đội cảnh vệ>>
Trích: Về hành động của những người bôn-sê-vích. Những ngày báo động, Công nhân nhật báo, số 190, 19-10-1917.
Chúng nhân cơ hội đó tạo dư luận xấu và làm nhụt chí cách mạng. Các báo chí tư sản đồng loạt lên bài với hàm ý “Di-nô-vi-ép chống Le-nin”, chế giễu nội bộ Đảng bôn-sê-vích, cảnh cáo các đơn vị vũ trang không được phép ngả theo bôn-sê-vích.
Hành động đó của Ka-mê-nhép và Di-nô-vi-ép đã gây những tổn thất lớn cho Đảng và sự nghiệp cách mạng của quần chúng. Lúc này đây, công tác khởi nghĩa đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều so với trước đó. Hành động đó đã khiến đồng chí Le-nin hết sức căm phẫn và dùng những lời lẽ cục súc nhất để nói về nó.
Sáng ngày 18 tháng Mười, lúc này Le-nin vẫn chưa hay biết, đồng chí vừa mới viết xong một bức thư gửi cho Ban chấp hành Trung ương trong đó viết:
<<Những lý lẽ do các đồng chí đó đưa ra yếu ớt và biểu lộ ở các tác giả của chúng một sự bối rối, một sự lẫn lộn và một sự lìa bỏ rõ rệt những tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa bôn-sê-vích và chủ nghĩa quốc tế cách mạng đến nỗi là người ta khó mới cắt nghĩa được những do dự nhục nhã đó. Nhưng sự việc rành rành như thế đó; và vì một đảng cách mạng không có quyền dung túng những do dự trước một vấn đề quan trọng như vậy, và cả hai đồng chí đã bỏ mất mọi nguyên tắc có thể gây nên một sự rối loạn nhất định trong hàng ngũ chúng ta, nên cần phải phân tích lý lẽ của họ, tố cáo những do dự của họ, vạch rõ họ đã mất phẩm chất đến như thế nào!>>
Trích: Lenin, Thư gửi các đồng chí, Toàn tập, t.XXI, tr.334, tiếng Nga.
Ngay sau đó, thư ký đã mang đến Le-nin tờ báo nói về các hành động phản bội của Ka-mê-nhép và Di-nô-vi-ép. Người rất đau xót và giận dữ vì hành động phản bội đó. Le-nin đã viết:
<<Đến sát cái ngày nguy cấp 20 tháng Mười, mà “hai nhà bôn-sê-vích tên tuổi” công kích một nghị quyết không công bố của trung tâm lãnh đạo của Đảng, một nghị quyết thuộc về một vấn đề nóng bỏng, cốt yếu. Họ công kích trên báo chí ngoài Đảng và đúng là trên tờ báo sát cánh với giai cấp tư sản để chống lại đảng công nhân trên vấn đề đó!
Nhưng như vậy có phải là hèn nhát gấp nghìn lần, xấu xa gấp triệu lần không, so với tất cả những lời tuyên bố của Plê-kha-nốp, chẳng hạn, đã đăng trong khoảng giữa 1906 và 1907 trong báo chí ngoài Đảng, những lời tuyên bố đã bị Đảng lên án dữ dội đến thế thế! Ấy là lúc đó chỉ là vấn đề bầu cử, còn giờ đây lại là vấn đề khởi nghĩa để giành chính quyền!
Và đối với một vấn đề như vậy, sau khi Trung tâm lãnh đạo đã có quyết nghị, mà người ta đi phản đối quyết nghị không công bố đó, trước các tên Rô-đi-a-kô, các tên Kê-ren-xki, trên một tờ báo ngoài Đảng. Liệu người ta có thể tưởng tượng được một hành vi nào bội tín phản trắc hơn không?>>
Trích: Lenin, Thư gửi các đảng viên Đảng bôn-sê-vích, Tuyển tập, tII, tr.156, Moskva, 1947.
Le-nin đã đòi đuổi Ka-mê-nhép và Di-nô-vi-ép không chỉ khỏi Ban chấp hành Trung ương, mà còn đề nghị đuổi khỏi Đảng. Người viết:
<<Về vấn đề khởi nghĩa, trong lúc hiện nay chúng ta đã tới gần ngày 20 tháng Mười như thế này, tôi không thể đoán xa về thiệt hại gây nên bởi lời tuyên bố bội tín đó trong báo chí ngoài Đảng. Chắc chắn là, trong thực tế, nó đã gây ra một tổn thất rất lớn. Để cứu vãn tình hình, trước hết phải khôi phục sự thống nhất của mặt trận bôn-sê-vích bằng cách loại trừ bọn phản bội>>
Trích: Lenin toàn tập, tXXI,tr.351-352, tiếng Nga.
Trong những giờ phục khó khăn ấy, Người không lúc nào đánh mất niềm tin về cuộc khởi nghĩa sắp nổ ra sẽ thắng lợi. Người viết:
<<Thời cục khó khăn. Nhiệm vụ nặng nề. Phản bội nghiêm trọng. Và tuy vậy nhiệm vụ vẫn sẽ được hoàn thành, công nhân sẽ xiết chặt hàng ngũ, cuộc khởi nghĩa của nông dân và lòng tức giận đến cực độ của binh lính ngoài mặt trận sẽ đem lại những hậu quả của nó! Hãy xiết chặt hàng ngũ, giai cấp vô sản phải thắng !>>
Trích: Lenin, Thư gửi các đảng viên Đảng bôn-sê-vích, Tuyển tập, tII, tr.559, Moskva, 1947.
Sau đó, Le-nin tiếp tục viết một bức thư khác cho Ban chấp hành Trung ương vạch trần nỗi ô nhục phản bội của Ka-mê-nhép và Di-nô-vi-ép:
<<Lời tuyên bố của Ka-mê-nhép và Di-nô-vi-ép trong báo chí ngoài Đảng là một sự hèn nhát, đặc biệt còn vì lý do là Đảng không thể công khai bác bỏ lời dối trá vu khống của chúng…
Chúng ta không thể nói cho bọn tư bản biết sự thật là chúng ta đã quyết định bãi công và quyết định giấu không cho biết giờ được chọn để khởi sự bãi công.
Chúng ta không thể bác bỏ lời dối trá vu khống của Di-nô-vi-ép và Ka-mê-nhép mà không đem lại một sự thiệt hại còn lớn hơn cho sự nghiệp của chúng ta. Sự ô nhục cùng cực, sự phản bội thật sự của hai tên đó, là chúng đã nộp cho bọn tư bản kế hoạch của những người bãi công, bởi vì khi chúng ta lặng thinh trên báo chí thì ai nấy đều biết rằng sự việc đã đến đâu rồi>>
Trích: Lenin, Thư gửi Ban chấp hành trung ương ĐCNXHDCNga, Tuyển tập, tXXI, tr.354-355, tiếng Nga.
Ban chấp hành Trung ương đã quyết định khai trừ Ka-mê-nhép ra khỏi Trung ương; cấm Ka-mê-nhép và Di-nô-vi-ép nhân dân đảng viên bôn-sê-vích mà ra bất kỳ lời tuyên bố nào nữa, nghĩa là ngay trước giờ khởi nghĩa, Ka-mê-nhép và Di-nô-vi-ép bị loại hoàn toàn khỏi mọi công tác khởi nghĩa vũ trang, khỏi cuộc cách mạng vĩ đại sắp nổ ra.
Tuy nhiên, những kẻ phản bội lại không chỉ có nhiêu đó, một sự việc khác lại xảy ra. Trốt-xki với tư cách là Chủ tịch Xô viết Pê-tơ-rô-gát đã “nhỡ mồm” làm lộ ngày khởi nghĩa khi cho biết sẽ không có khởi nghĩa trước phiên khai mạc Đại hội Xô viết, tức là báo trước rằng “ngày 25 tháng Mười chúng tôi sẽ khởi nghĩa đấy!”, có thể nói nó có ý nghĩa như vậy đấy. Hành động đó không khác gì một sự phản bội. Nhận được tin, ngay lập tức Chính phủ tư sản lâm thời quyết định dùng vũ lực vào ngày 24 hòng ra tay trước để chặn đứng cuộc khởi nghĩa. Chính vì thế, Le-nin và Trung ương Đảng quyết định khởi nghĩa sớm, ngay trong ngày 24 tháng Mười để giành lấy chính quyền.
Như vậy, trước giờ khởi nghĩa, Đảng bôn-sê-vích không chỉ bị phản bội một lần, mà tận hai lần, mà còn là ủy viên Bộ Chính trị: Ka-mê-nhép, Di-nô-vi-ép và Trốt-xki. Tuy nhiên, tính chất thì Ka-mê-nhép và Di-nô-vi-ép nghiêm trọng hơn, vì lúc đó công tác chuẩn bị khởi nghĩa đang tiến hành, còn lúc Trốt-xki “nhỡ mồm” thì công tác chuẩn bị khởi nghĩa đã hoàn thành xong, Le-nin đã chắc đến “chín mươi chín phần trăm” cho nên xét cho cùng, vụ Trốt-xki ít bị ảnh hưởng hơn mặc dù vẫn để lại những tổn thất không đáng có.
Nhưng qua các sự kiện này, chúng ta nhận ra rằng bản chất cơ hội và ti tiện của một số lãnh tụ bôn-sê-vích, một số ủy viên Bộ Chính trị, đã tồn tại ngay trước ngày khởi nghĩa giành chính quyền, trước Cách mạng tháng Mười. Ở đây, họ vì chủ nghĩa cá nhân, đã đẩy sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản, của đảng cách mạng vào bờ vực của nguy cơ bị đàn áp đẫm máu, có thể nói, đó là những hành động vô sỉ phản bội lại lợi ích của giai cấp công nhân. Và bản chất của con người thì không thay đổi (nếu như tâm hồn họ không thay đổi), những cái tên Trốt-xki, Di-nô-vi-ép, Ka-mê-nhép trong những năm sau đó tiếp tục là những kẻ chống Ban chấp hành Trung ương Đảng, chống Chủ nghĩa Le-nin.
Sau Cách mạng tháng Mười, họ đã trở thành những kẻ đối lập, kết bè kết phái, chống Le-nin trên một số vấn đề rất cụ thể: vấn đề hòa ước Bơ-rét Li-tốp, vấn đề mặt trận trong Nội chiến, vấn đề Công đoàn, vấn đề Liên bang Xô viết. Sau khi Le-nin qua đời, thì tiếp tục chống Trung ương trong các vấn đề phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, tập thể hóa. Đến năm 1927 thì toàn bộ phe đối lập bị khai trừ khỏi Đảng, Trốt-xki lưu vong, còn Di-nô-vi-ép và Ka-mê-nhép thì xin lỗi, thừa nhận khuyết điểm và xin gia nhập lại Đảng nhưng không được giao những vị trí trọng yếu. Đến năm 1934, sau khi đồng chí Ki-rốp bị ám sát, người ta lại vạch ra được thì ra Trốt-xki, Di-nô-vi-ép, Ka-mê-nhép vẫn tiếp tục xây dựng các lực lượng ngầm nhằm tiến hành cuộc chiến độc chiếm chính quyền, nhưng tất cả kế hoạch ấy đều thất bại, thế lực ngầm đó từng bước bị bóc tẩy và những kẻ chủ mưu lần lượt bị đưa ra trước tòa án cách mạng và bị phán xử tử.
#Gấu