VỀ CUỐN SÁCH STALIN HỨA VIẾT CHO NHỮNG NGƯỜI CỘNG SẢN VIỆT NAM
VỀ CUỐN SÁCH STALIN HỨA VIẾT CHO NHỮNG NGƯỜI CỘNG SẢN VIỆT NAM
Trong bức thư gửi Bí thư Đảng Cộng sản (B) Nga - Mikhail Suslov vào tháng 2 năm 1950, chủ tịch Hồ Chí Minh có viết: “Theo yêu cầu của chúng tôi, đồng chí Stalin hứa sẽ viết cho ba tập sách A,B,C về chủ nghĩa cộng sản. Tập 1: không quá 50 trang để dành cho lớp dự bị. Tập 2: không quá 100 trang để dành cho lớp trung bình. Tập 3 : không quá 150 trang dành cho lớp cấp cao. Các đồng chí Việt Nam sẽ bổ sung chúng bằng những ví dụ cụ thể và thực tế. Chúng tôi mong muốn nhận những tập sách này càng sớm càng tốt”. (1). Điều này tiếp tục được nhắc lại trong bức thư gửi Stalin vào tháng 14/10/1950, Hồ Chí Minh sau khi thông báo về chiến thắng của chiến dịch biên giới, đã tiếp tục nhấn mạnh rằng: “Tôi mong nhận được cuốn sách mà ngài đã hứa sẽ viết cho chúng tôi. Tôi sẽ tự tay dịch nó. Đó là món quà vô giá mà đồng chí đã dành tặng cho một Đảng non trẻ của chúng tôi” (2)
Trong bài viết trước, tôi đã chỉ rõ rằng Stalin trước khi gặp mặt Hồ Chí Minh vào năm 1950, đã tự tháo gỡ các mối nghi ngờ đối với với Hồ Chí Minh được thể hiện trong bức thư gửi Mao Trạch Đông ngày 6/1/1950, khi tin tưởng rằng Hồ Chí Minh là một người cộng sản kiên trung (3), rằng các cáo buộc của Trần Ngọc Danh đối với Hồ Chí Minh trong các bức thư gửi Stalin trước đó (đã được Stalin xem xét) là những cáo buộc thiếu thuyết phục. Sau lần hội đàm đấy, Liên Xô đã bắt đầu tỏ rõ thái độ ủng hộ Việt Nam, Đảng Cộng sản Đông Dương và trên hết là ủng hộ Hồ Chí Minh trong công cuộc đấu tranh nhằm giải phóng dân tộc khỏi ách thuộc địa của chủ nghĩa thực dân Pháp.
Trong cuộc Hội đàm 1950, bên cạnh trao đổi về các vấn đề chiến lược và chiến thuật của cách mạng Đông Dương, Hồ Chí Minh đã nêu lên sự cần thiết phải có một cuốn sách “giáo khoa” trong cuộc trò chuyện cá nhân với Stalin (1). Mặc dù Stalin đã đồng ý thực hiện. Và dường như sự kiện này chìm dần vào quên lãng, có người còn đặt ra giả thuyết rằng Stalin chắc đã “quên” mất lời hứa đấy rồi, hoặc là đã không xem trọng Hồ Chí Minh, … Tuy nhiên, rất may mắn, trong kho lưu trữ của Viện Lưu trữ lịch sử chính trị - xã hội quốc gia Nga vẫn còn lưu trữ các tài liệu có thể cho phép chúng ta hiểu đúng sự kiện này.
Thực sự thì ngay ở Liên Xô vào thời điểm năm 1950 cũng chưa có một cuốn sách giáo khoa hoàn chỉnh tóm lược về chủ nghĩa cộng sản. Cuốn sách Lịch sử Đảng Cộng sản (B) Liên Xô xuất bản 1938 do các ủy viên BCHTW Đảng Cộng sản Liên Xô biên soạn có lẽ là cuốn sách tóm lược chi tiết nhất lúc bấy giờ mặc dù nó không hoàn chỉnh. Chính sự thiếu sót đó, đã đặt ra một vấn đề rằng không chỉ riêng Việt Nam cần một cuốn sách giáo khoa như thế mà ngay cả chính Liên Xô cũng … cần thiết phải có các cuốn sách giáo khoa được biên soạn cụ thể, chi tiết và khoa học.
Hơn một tháng sau khi Hồ Chí Minh về nước, Chủ tịch ủy ban đối ngoại của Đảng Cộng sản Liên Xô V.G. Grigoryan đã gửi thư cho Stalin vào ngày 17/4/1950 đề xuất việc thành lập một ủy ban đặc biệt để biên soạn các cuốn sách giáo khoa cho Việt Nam (4). Ngay sau đó, Stalin đã phân công Suslov - Bí thư Đảng Cộng sản (B) Nga - là người chịu trách nhiệm chính. Những chuyên gia hàng đầu đã được triệu tập nhanh chóng: V.A. Karpinsky - tiến sĩ khoa học kinh tế, một nhà mác-xít giáo dục nổi tiếng và V. Ya. Vasiliyeva, một người chuyên nghiên cứu Châu Á, thuộc Viện Kinh tế thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Liên Xô. Họ cũng chính là những cố vấn được triệu tập trong cuộc tiếp đón một nhà cách mạng Việt Nam đến Moskva gặp Stalin vào tháng 2/1950 (5).
Ngày 30 tháng 3 năm 1951, Karpinsky và Vasilyeva đã nhận được các chỉ đạo về việc biên soạn bản thảo cuốn sách giáo khoa, và vào tháng 6 cùng năm, họ đã gửi bản thảo đầu tiên đến Ủy ban Chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Liên Xô (6). Có thể nói trong 3 tháng họ đã hoàn thành sơ thảo một cuốn sách, thời gian đó là khá ngắn, có thể họ đã dựa trên các tài liệu nghiên cứu trước đó, vì Vasilyeva không ai khác chính là trưởng phòng Phương Đông Quốc tế Cộng sản, phụ trách trực tiếp các sinh viên Việt Nam theo học tại Đại học Lao động cộng sản Phương Đông I.V. Stalin và Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, là “thượng cấp” của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, bà Vasilyeva có một bề dày kinh nghiệm nghiên cứu phương Đông, và Đông Nam Á.
Ngày 3 tháng 8 năm 1951, Grigoryan đã thông báo với Suslov rằng cuốn sách do Karpinsky và Vasilyeva biên soạn theo chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương đã được “xem xét và nhận thấy rằng căn bản đáp ứng các yêu cầu căn bản về kiến thức chính trị”, sau đó đề nghị hãy chuyển đến Ban tuyên giáo của Ban chấp hành Trung ương. Suslov đã gửi chỉ thị: “Stepanov. Hãy tạo những điều kiện thuận lợi nhất để giúp đỡ” (7). Ngày 7 tháng 8, Grigoryan đã gửi một bức thư tương tự cho Molotov (8).
Bản thảo nộp tại Ban tuyên giáo có nhan đề “Thường thức chính trị”, được chỉnh sửa đến tháng 10 năm 1951, sau đó, tiếp tục chuyển cho các tác giả chỉnh sửa tiếp (9). Nguyên nhân, là gặp phải sự phản đối của một số ủy viên Trung ương, như Morozova, Kovalev và Kozlov, họ cho rằng các tác giả thổi phồng hơi quá những vấn đề của chủ nghĩa thực dân mà nhẹ đề cập vào các vấn đề có tính chất lý luận. Họ nhấn mạnh đến chỗ, sự thiếu rõ ràng trong việc phân biệt chế độ dân chủ nhân dân ở châu Âu (các nước Đông Âu) và chế độ dân chủ nhân dân các nước châu Á (Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam) (10). Trong một bức thư gửi Phó chủ tịch Ủy ban Chính sách đối ngoại B.N. Ponomarev thì Kozlov và Kovalev đã tiếp tục góp ý, rằng cần phải chỉ rõ rằng chế độ dân chủ nhân dân ở các nước phương Đông hiện nay chưa thể là hình thức chuyên chính vô sản (11). Thực ra mà nói, nguồn gốc của quan điểm này xuất phát từ việc Stalin công nhận Mao Trạch Đông và chủ nghĩa dân chủ mới của cách mạng Trung Quốc. Nếu từ năm 1935, tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, Stalin tán thành các quan điểm của Dimitrov về chế độ dân chủ nhân dân ở châu Âu, nhưng vẫn đề nghị phải là hình thức chuyên chính vô sản (vì tiềm lực và tương quan lực lượng giai cấp ở châu Âu không thể đòi hỏi phải chuyên chính dân chủ nhân dân, vì đó là hạ thấp các nhiệm vụ của cách mạng); thì năm 1949, chấp nhận các quan điểm về chế độ dân chủ nhân dân, nhưng dưới hình thức chuyên chính dân chủ mới (vì tiềm lực và tương quan lực lượng giai cấp ở châu Á vẫn còn tương đối bất lợi cho cách mạng xã hội chủ nghĩa, phong trào cách mạng mang hình thức cách mạng giải phóng dân tộc, nông dân chiếm phần đông dân cư, cho nên đặt nhiệm vụ chuyên chính vô sản là quá cao so với nhiệm vụ thực tế của cách mạng). Do đó, những lời góp ý của Kozlov và Kovalev là những góp ý đúng đắn, rất cần thiết, cần phải phân biệt rõ ràng giữa các cấp độ của chế độ dân chủ nhân dân. Chúng ta có thể hình dung: Liên Xô là chế độ Xô viết (chính phủ công nông) thực hiện chuyên chính vô sản kiến thiết chủ nghĩa xã hội; còn Đông Âu là chế độ dân chủ nhân dân (chính phủ nhân dân) thực hiện chuyên chính vô sản, điều đó có nghĩa là về hình thức có phần nhẹ hơn, song về nội dung thì thực hiện nhiệm vụ như của Liên Xô, đó là sự quá độ của nền dân chủ nhân dân ở trình độ cao lên nền chuyên chính vô sản; còn các nước châu Á thì là chế độ dân chủ nhân dân nhưng thực hiện nền chuyên chính dân chủ nhân dân, chứ không phải thực hiện chuyên chính vô sản, chung quy là do chưa giải quyết xong các nhiệm vụ của cách mạng dân chủ tư sản, đó là vấn đề phản đế (đánh đổ đế quốc, tư bản) và phản phong (đánh đổ địa chủ), chưa xây dựng được lực lượng để có thể tiến hành chuyên chính vô sản kiến thiết chủ nghĩa xã hội, như vậy, hình thức dân chủ mới ở châu Á, tuy là bước thấp hơn, song, là một hình thức quá độ mới, được đẻ ra nhằm giúp cho các nước có bước đường phát triển rất thấp, lạc hậu, nghèo nàn nhanh chóng đi vào con đường xây dựng Chủ nghĩa xã hội, giảm bớt thời gian phát triển tuần tự qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa.
Cuốn sách cũng chưa đặt ra những nhiệm vụ giải quyết một cách rõ ràng về vấn đề dân tộc thuộc địa và vạch trần chính sách hiếu chiến của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, nhưng quan trọng hơn hết là chưa nhấn mạnh đến ý nghĩa thực tiễn của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các xứ phụ thuộc (12). D. Popov và B. Pokrovsky đã góp ý rằng, cần phải chứng minh rằng “Trung Quốc, Việt Nam và các nước phương Đông rõ ràng đang theo đuổi một chiến lược đánh đổ ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc xâm lược và chế độ phong kiến thối nát. Sự thắng lợi của cách mạng Trung Quốc, và ý nghĩa thực tiễn, kinh nghiệm của nó đối với phong trào giải phóng dân tộc ở phương Đông” (13).
Về vấn đề đấu tranh cho hòa bình, các nhà phê bình cũng đã chỉ ra rằng, cuốn sách đã thiếu sót trong việc nhấn mạnh đến chính sách hòa bình của Liên Xô, cũng chưa chỉ rõ các chính sách nô dịch của Mỹ đối với các nước chư hầu, cũng như là chưa vạch trần chủ nghĩa xã hội kiểu Tito. Popov và Pokrovsky tiếp tục nhấn mạnh, “cần phải chỉ rõ rằng các đảng cộng sản anh em nhất thiết phải học tập kinh nghiệm của Đảng cộng sản Liên Xô trong cuộc đấu tranh và trong công tác của mình” (13). Ngoài ra, Nhà xuất bản ngoại văn cũng tham gia góp ý trong công tác biên soạn, họ cũng dự định xuất bản cuốn sách trên bằng tiếng Pháp, điều đó sẽ tiện hơn cho các đồng chí Đông Dương, khi khá nhiều đồng chí sành sõi tiếng Pháp.
Sau khi tiếp xúc, lắng nghe sự góp ý, Karpinsky và Vasilyeva đã bổ sung và hiệu chỉnh lại một số vấn đề trong cuốn sách. Đến tháng 1 năm 1952, một lần nữa bản thảo được đệ trình lên Ủy ban Chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, thời điểm đó, tác phẩm “Những vấn đề kinh tế Xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô” được in dưới nhan đề “Những nhận xét của đồng chí Stalin về các vấn đề kinh tế đối với các cuộc thảo luận hồi tháng 11 năm 1951” đã được xuất bản, nó trở thành những cơ sở cho việc hiểu chỉnh tiếp tục sau đó của bản thảo này. Và đến tháng 4 năm 1952, thì bản thảo mới được bàn giao cho Nhà xuất bản ngoại văn. Và vào ngày 7 tháng 5, một lần nữa bản thảo bị từ chối, nguyên nhân chủ yếu là vì các văn kiện của Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Liên Xô chưa được ấn hành, các nhà phê duyện xem rằng cần thiết phải tham khảo các văn kiện mới của Đảng trước khi có thể tiến hành xuất bản.
Tuy nhiên, cái chết của Stalin vào năm 1953 đã làm chậm trễ các quá trình giải quyết cuốn tài liệu này, các vấn đề đời sống chính trị Liên Xô đã bước vào một giai đoạn mới. Mãi đến tháng 7/1953, cuốn sách này mới được đề cập lại. Suslov đã nhận được những bức thư góp ý của Stepanov và Kozlov, khi cho rằng “bản thảo do các đồng chí Karpinsky và Vasilyeva chuẩn bị đã không đáp ứng được yêu cầu, cuốn sách đã dựa chủ yếu vào các tài liệu lịch sử của đất nước và Đảng Cộng sản Liên Xô mà không đề cập đến những đặc điểm chính trị ở Việt Nam, đồng thời bản thân các tác giả cũng không thể nắm chính xác được trình độ và khả năng hiểu biết của các đồng chí Việt Nam” (14). Một vấn đề nữa là Vasilyeva đang chuẩn bị một bài nghiên cứu về sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa sau Chiến tranh thế giới thứ hai được báo cáo vào năm 1954, cho nên trên thực tế, mỗi Karpinsky là tiếp tục sửa chữa, tuy nhiên Karpinsky đã thừa nhận rằng khó có thể hoàn thành đúng theo yêu cầu được đặt ra. Cuối cùng kết luận đã được đưa ra: “Cuốn sách hiện tại đang bị trì hoãn, tôi cho rằng hãy trở lại nó sau khi đồng chí Karpinsky trình bày một bản thảo mới” (14). Năm ngày sau, bản thảo đó đã được đưa vào kho lưu trữ. Và sau đó, không còn ai nhắc đến nó nữa vì đã không có một bản thảo mới nào.
Như vậy, thay vì ba cuốn sách giáo khoa, trên thực tế chỉ tồn tại một tập bản thảo với 196 trang, bao gồm: mở đầu, kết luận và tám chương.
Có thể nói, cho đến trước khi du nhập một khối lượng lớn sách giáo khoa của Liên Xô vào giai đoạn 1955-1960, thì trước đó ở Việt Nam không có một cuốn sách giáo khoa cơ bản nào. Đảng Lao động Việt Nam tiếp tục dùng cuốn Lịch sử tóm tắt Đảng Cộng sản (B) Liên Xô (1938) được in và dịch lại vào năm 1950 như một cuốn sách căn bản để học tập, ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã cố gắng diễn giải một cách tóm gọn và dễ hiểu các vấn đề chính trị thông qua tác phẩm “Thường thức Chính trị” gồm 50 bài viết nhỏ giải thích những vấn đề chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Chúng ta có thể coi đó là “cuốn sách giáo khoa” về chính trị (phiên bản Việt) đầu tiên ở Việt Nam.
#Gấu
Chú thích
RGASPI. F. 82. Op. 2. D. 1157. L. 82
RGASPI. F. 558. Op. 11. D. 295. L. 6
АВП РФ, ф.45, оп.1, д.334, л.16.
RGASPI. F. 82. Op. 2. D. 1157. L. 90
М.М. Ильинский . Вьетнамский синдром. Война разведок. М.: Яуза, 2005. с. 44—45
RGASPI. F. 17. Op. 132. D. 466. L. 2
RGASPI. F. 17. Op. 132. D. 466. L. 1
RGASPI. F. 82. Op. 2. D. 1157. L. 153
RGASPI. F. 17. Op. 132. D. 466. L. 11
RGASPI. F. 17. Op. 132. D. 466. L. 15-16
RGASPI. F. 17. Op. 132. D. 466. L. 12-13
RGASPI. F. 17. Op. 132. D. 466. L. 4
RGASPI. F. 17. Op. 132. D. 466. L. 9
RGASPI. F. 17. Op. 132. D. 466. L. 3