TRẦN NGỌC DANH VÀ BA BỨC THƯ GỬI ĐẾN STALIN



 TRẦN NGỌC DANH VÀ BA BỨC THƯ GỬI ĐẾN STALIN


Trong bài viết “Hồ Chí Minh và quá trình thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên Xô (1945-1950) tôi có đề cập đến sự kiện Trần Ngọc Danh, nguyên là Tổng đại diện chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pari, đã gửi ba bức thư cho Stalin trong khoảng thời gian 1949 - 1950 với mục đích tố cáo Hồ Chí Minh, và Đảng Cộng sản Đông Dương “phản bội lại sự nghiệp cách mạng vô sản”. Đây là một trong những nguyên nhân làm trầm trọng thêm sự hoài nghi của Chính phủ Xô viết vào một nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên của châu Á. 


Thật là trớ trêu, khi cả 2 lần, không phải là do Quốc tế Cộng sản hay Liên Xô là những người mở đầu sự hoài nghi đối với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, mà thực tế chính là trong hàng ngũ của Đảng ta, một số cán bộ, đồng chí vì những tính chất giáo điều, tả khuynh đã trở thành những người khơi mào cho những nghi ngờ chính trị đối với lãnh tụ của cách mạng vô sản Việt Nam. Mở đầu cho vụ án thẩm tra Nguyễn Ái Quốc vào năm 1936 tại thủ đô Moskva, bắt nguồn từ bức thư của Ban lãnh đạo Hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương gửi Quốc tế Cộng sản vào ngày 20/4/1935 khi lên án Nguyễn Ái Quốc mang xu hướng dân tộc chủ nghĩa. Chính bà Vera Vasilyeva cùng với các thành viên khác của Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản là những người đứng ra bảo vệ danh dự, uy tín và sự nghiệp chính trị của Nguyễn Ái Quốc trong vụ án năm đó. Vụ thứ hai xảy ra vào cuối 1949 - đầu 1950, trong tình thế hiểm nghèo của Tổ quốc khi bị giặc Pháp quay trở lại xâm lược, Hồ Chí Minh lại đứng trước một thử thách mới, những bức thư có nội dung tố cáo mình được gửi từ một cán bộ nguyên là Tổng đại diện Chính phủ Việt Nam tại Pháp thông qua Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp Khắc gửi đến Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, và trực tiếp nhận là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô - đồng chí Stalin, người mà Hồ Chí Minh dự định tiếp xúc vào đầu năm 1950 để bàn về sự chi viện cho cách mạng Việt Nam. 


Một tình thế hết sức bất lợi đã hiện ra. Những nội dung trong các bức thư của Trần Ngọc Danh có nguy cơ tước đi sự công nhận và viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa cho cách mạng Việt Nam. Và chính vì thế, thái độ của Stalin, thái độ của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đối với cá nhân Hồ Chí Minh, đối với sách lược và chiến lược của Đảng Cộng sản Đông Dương, đều có thể ảnh hưởng sâu sắc đến tiền đồ của cách mạng Việt Nam, và của cả Đông Dương.


Đối với Liên Xô, Trần Ngọc Danh không phải là cái tên xa lạ. Trần Ngọc Danh, em trai của cố Tổng bí thư Trần Phú, từng là sinh viên tại trường Đại học Lao động cộng sản Phương Đông mang tên I.V. Stalin từ năm 1929 - 1931, ông còn là thành viên của Đoàn thanh niên cộng sản mang tên Lenin (Komsomol) trong thời gian học tập ở Liên Xô. Bí danh của ông là “Likveya”. Từ năm 1931, Trần Ngọc Danh đến Trung Quốc hoạt động, và nửa cuối năm 1932, ông trở về Việt Nam hoạt động, sau đó bị bắt tù khổ sai (1). Trần Ngọc Danh bị tù đày ở Côn Sơn mãi đến 1945 khi cách mạng tháng Tám thành công thì mới được tự do, lúc đó Trần Ngọc Danh là “bí thư” chi bộ của các tù chính trị ở Côn Sơn. Năm 1946, Trần Ngọc Danh tham gia phái đoàn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang Fontainebleau đàm phán với chính phủ Pháp về nền hòa bình ở Việt Nam. Sự thẳng thắn trong quan điểm ngoại giao và lập trường của ông đã được báo chí quốc tế ghi nhận trong cuộc trả lời phỏng vấn với Reuters khi cho biết: “Với tư cách là đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tôi phản đối việc người Pháp âm mưu chia cắt Nam Bộ khỏi lãnh thổ Việt Nam” (2).


Khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Trần Ngọc Danh nhiều lần bị Pháp bắt giam, nhưng sau đó nhanh chóng thả ra bởi sự can thiệp của Đảng Cộng sản Pháp, các cuộc mít-tinh của quần chúng tiến bộ và Việt kiều. Trong một cuộc họp báo diễn ra ngày 29/10/1948 ông nhấn mạnh rằng: “trách nhiệm của các sự kiện hồi tháng 11 và 12 năm 1946, và sau đó đều thuộc về chính phủ Pháp, những người đã quyết định tiến hành một cuộc xâm lược nhằm tái chiếm các thuộc địa cũ - một cuộc chiến tranh trái với tinh thần của Hiến pháp nước Pháp” (3). Ông cũng khẳng định rằng, bất kỳ một thỏa thuận nào giữa Pháp với bên thứ ba mà không thông qua Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều vô giá trị. Ông tuyên bố rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa “luôn sẵn sàng hợp tác với tất cả thành viên của khối Liên hiệp Pháp và các quốc gia dân chủ trong Liên Hợp Quốc” (3).


Ngày 15/11/1948, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ thị Trần Ngọc Danh nộp đơn xin gia nhập lên Liên Hợp Quốc và Ủy ban pháp chế Liên Hợp Quốc (4). Tuy nhiên, ngày 24/11/1948, Bộ Lãnh thổ hải ngoại của Pháp đã ra thông cáo “Chính phủ Pháp chỉ công nhận duy nhất Chính phủ do tướng Xuân và Bảo Đại” (5) và tuyên bố rằng chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà Trần Ngọc Danh đang đại diện tại Pari là không tồn tại và do đó khẳng định Trần Ngọc Danh “không thể thực hiện bất kỳ các hoạt động ngoại giao nào và thông điệp của ông ta là không đáng tin cậy” (5). Như vậy, Chính phủ Pháp đã mở rộng đường để tiến hành đàn áp các nhà hoạt động ngoại giao của Việt Nam tại Pháp bằng cách công nhận chính phủ bù nhìn ở Miền Nam, và xóa bỏ tính hợp pháp của đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp vốn đã có từ 1946.


Vào thời điểm đó, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy thái độ tiêu cực của Trần Ngọc Danh đối với Đảng và Chính phủ Việt Nam. Đầu năm 1948, chính phủ cách mạng của Tiệp Khắc lên nắm quyền, Tiệp Khắc đi theo con đường Xã hội chủ nghĩa. Đến gần cuối năm 1949, Trần Ngọc Danh đã bí mật rời Pari đến thủ đô Praha của Tiệp Khắc. Chuyến đi này của Trần Ngọc Danh đã không có mối liên hệ trực tiếp hay sự cho phép nào của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bộ Ngoại giao Liên Xô đã thông tin vấn đề này như sau: “Ngày 8/8/1949, Trần Ngọc Danh thay mặt Chính phủ tuyên bố báo chí về sự chấm dứt hoạt động của phái đoàn thường trực Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp đã bắt đầu từ ngày 1/8/1949” (6).


Tại Praha, Trần Ngọc Danh đã có những hành động tiêu cực của khi lên án Chính phủ của mình và gửi thông tin đó đến Moskva. Vào tháng 10 năm 1949, thông qua Ban bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, Trần Ngọc Danh đã chuyển thông điệp đầu tiên đến Moskva (7), trong đó ông đính kèm một số tài liệu văn kiện của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chính phủ Việt Nam. Trong các bức thư gửi vào tháng 10 năm 1949 của Trần Ngọc Danh, ông đã chỉ trích và cho rằng Hồ Chí Minh đã có những sai lầm (8):


1) Do mang nặng tính dân tộc chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Đông Dương đã xem nhẹ vai trò của Cách mạng tháng Mười 1917, xa rời chủ nghĩa Marx-Lenin và phủ nhận vai trò của Đảng Bolsheviks


2) Việc phủ định vai trò của Đảng Bolsheviks đó là khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa, Bukharinist trong Đảng Cộng sản Đông Dương.


3) Đảng đã đánh giá thấp lực lượng của mình và đánh giá quá cao lực lượng của địch (Pháp và tay sai).


4) Có tư tưởng xét lại đối với các lý thuyết về giai cấp, đấu tranh giai cấp và nền chuyên chính vô sản. Lợi ích quốc gia được đặt trên lợi ích giai cấp, chối bỏ lý luận về sự giải phóng của giai cấp công nhân cho chính bản thân mình và giải phóng cho dân tộc.


   Nội dung phần lớn bức thư chỉ trích chính sách của Đảng cộng sản Đông Dương đối với vấn đề nông dân. Phần cuối của bức thư rất đáng để chú ý, Trần Ngọc Danh đã phê phán một cách rất gay gắt với Đảng Cộng sản Đông Dương (9):


1) Trung ương đang cố gắng cô lập về mặt chính trị những người phản đối chính sách chung.


2) Trung ương dùng những lời lẽ trốn tránh khác nhau để cho thấy chính sách của Đảng là đúng đắn. Tuy nhiên, Trần Ngọc Danh cho rằng, đây là sai lầm dễ mắc phải trong tất cả các Đảng Cộng sản, mà ngay cả Đảng lớn cũng phạm phải.


3) Các đồng chí có vị trí và vai trò trong Đảng và Chính phủ đang cố “bám víu” chiếc ghế của họ.


4) Công nhân, sinh viên, trí thức, địa chủ được nuôi dưỡng trong bầu không khí chủ nghĩa dân tộc thuần túy, tiểu tư sản được ngụy trang bởi chủ nghĩa quốc tế vô sản.


5) Các đồng chí lão thành cách mạng trong Đảng những năm đầu cách mạng ít nhiều đã được trang bị về mặt lý luận, vẫn trung thành với nguyên tắc của Đảng. Khoảng 2% đảng viên có nguồn gốc xuất phát từ giai cấp công nhân và nông dân.


Tháng 12/1949, tại Moskva, người ta đang rầm rộ chuẩn bị Lễ mừng thọ cho Stalin, để gây chú ý, Trần Ngọc Danh đã tiếp tục gửi một bức thư nữa đến Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (10). Một bản sao đã được gửi đến Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (11).


Thư của Trần Ngọc Danh ban đầu được gửi đến Chủ tịch Ủy ban Chính sách đối ngoại V.G. Grigoryan, ngày 31/12/1949, tài liệu đã được gửi trực tiếp đến Stalin và các thành viên Bộ Chính trị, tài liệu không chỉ đơn thuần gồm tài liệu của Trần Ngọc Danh gửi, mà bao gồm cả các tài liệu từ Kho lưu trữ Quốc tế Cộng sản, tiểu tử, danh sách học viên tại Trường đại học lao động cộng sản Phương Đông và trường Quốc tế Lenin của các nhân vật có liên quan, bao gồm cả Trần Ngọc Danh và Hồ Chí Minh (12). Ngoài ra, Grigoryan còn đề nghị gửi các bản sao tài liệu này cho đại diện Đảng Cộng sản Trung Quốc, Vương Gia Tường và thông báo cho Mao Trạch Đông về vấn đề này (13).


Trần Ngọc Danh đã không nhận được hồi âm từ Moskva, có lẽ, điều đó đã quyết định việc ông gửi bức thư thứ ba. Bức thư này được gửi vào tháng 1 năm 1950, bức thư được gửi đến Tổng biên tập của Tạp chí “Vì một nền hòa bình lâu dài và vì nền dân chủ của nhân dân” Pavel Yudin – người đang là cố vấn cho Ủy ban kiểm soát của Liên Xô tại Đức. 


Nội dung bức thư thứ ba có tính nghiêm trọng nhất, trong đó Trần Ngọc Danh chỉ trí Hồ Chí Minh: “Vào thời điểm tự giải tán, Đảng Cộng sản Đông Dương đã bị các thành phần tiểu tư sản dân tộc lũng đoạn, vốn sau nhiều thời kỳ nằm im, luôn giữ tư tưởng ly khai, từ bỏ và thiếu lòng tin vào lực lượng cách mạng của giai cấp vô sản. Yếu tố gây bất ổn định nhất đó chính là cá nhân Hồ Chí Minh. Để hiểu về điều này, chỉ cần các đồng chí xem lại đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương đưa ra năm 1941, tức là đúng thời điểm ông Hồ bắt đầu tham gia trực tiếp vào vũ đài chính trị Đông Dương” (14). Trần Ngọc Danh còn cho rằng xu hướng dân tộc chủ nghĩa của Hồ Chí Minh thể hiện “một sự lệch lạc đi ngược với chủ nghĩa Marx, Lenin, Stalin, nên đã khiến ông ta trở thành người chống Đảng và thù địch với Liên Xô” (14). Trần Ngọc Danh còn cáo buộc Hồ Chí Minh ủng hộ các quan điểm của Tito và Nam Tư.


Trong bức thư thứ ba, Trần Ngọc Danh còn gửi kèm các tài liệu dùng để công kích Hồ Chí Minh, trong đó gồm các bài phỏng vấn Hồ Chí Minh với các nhà báo quốc tế nói về sự trung lập của nhà nước Việt Nam giống như Thụy Sĩ.


   Stalin đã đọc toàn bộ các bức thư mà Trần Ngọc Danh đã buộc tội Hồ Chí Minh và đồng thời đọc ghi chú của I. Kozlov – thành viên của Ủy ban Chính sách đối ngoại của Trung ương Đảng Bolsheviks, đã gửi kèm cùng bức thư cho Stalin, trong đó ông không tán thành những lời cáo buộc của Trần Ngọc Danh vì cho rằng nó thực sự phi thực tế (15). Kozlov đánh giá các ý kiến của Trần Ngọc Danh rằng “chỉ giới hạn trong các phát biểu chung chung về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cơ hội trong chính sách lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương mà bỏ qua việc xem xét các sách lược và chỉ đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương trong các vấn đề cụ thể” (16). Tuy nhiên, Kozlov cũng lưu ý rằng “một số tuyên bố của Hồ Chí Minh thực sự gây hoang mang và thậm chí là nghi ngờ” (17). Kozlov cũng kèm theo một lưu ý rất quan trọng “Có một số phát biểu của Hồ Chí Minh là không chính xác và nguy hại về mặt chính trị, tuy nhiên khả năng là sự xuyên tạc bởi báo chí tư sản”, “Do thiếu thông tin đáng tin cậy từ Việt Nam, cho nên khó có thể xác minh rằng độ tin cậy của các tuyên bố được cho rằng là của Hồ Chí Minh” (18).


Tất cả các tài liệu đó đã được Stalin và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô xem xét rất nghiêm túc, bên cạnh đó Stalin cũng trao đổi với Mao Trạch Đông. Một thực tế rõ ràng Trần Ngọc Danh đã sai lầm, sai lầm không chỉ trong việc đánh giá Hồ Chí Minh, mà sai lầm trong việc đánh giá Stalin. Rõ ràng, Trần Ngọc Danh không hề hiểu sự ra đời của các nước Dân chủ nhân dân ở Phương Đông đã làm Stalin chấp nhận một thực tế về hình thức mới của cách mạng vô sản, về chủ nghĩa dân chủ mới. Sẽ thật sai lầm khi Trần Ngọc Danh nhận thức sai lệch về những tiêu chuẩn của cách mạng vô sản châu Âu để áp dụng vào vấn đề Việt Nam. Rằng Đảng Cộng sản Đông Dương nói chung, Hồ Chí Minh nói riêng phải có các chiến lược và sách lược cụ thể đối với những điều kiện nội tại của phong trào cách mạng tại quốc gia mình, mà trong đó phong trào giải phóng dân tộc là vấn đề cốt lõi, là nhân tố quyết định không chỉ cho tiền đồ của dân tộc Việt Nam, mà cả tiền đồ của cách mạng vô sản Việt Nam. Quy chụp chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa cơ hội đối với Hồ Chí Minh trong điều kiện tình thế rất hiểm nghèo của cách mạng Việt Nam 1945-1946 là một nước cờ rất sai lầm của Trần Ngọc Danh.


Những tư liệu và lời góp ý mà Stalin nhận được từ các cán bộ ngoại giao Liên Xô, các tài liệu được Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi đến và nội dung trao đổi trong các cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo Đảng Xô – Trung, đã giúp cho Stalin có cái nhìn đầy đủ hơn về những hoạt động của Hồ Chí Minh. Do đó, ông đã không tán thành những lời tố cáo của Trần Ngọc Danh. Trong một bức thư ngày 6/1/1950 gửi cho Mao Trạch Đông, Stalin đã viết: “Tôi đã đọc những tài liệu về Việt Nam và đồng chí Hồ Chí Minh. Tôi tin rằng, đồng chí Hồ Chí Minh là một người cộng sản kiên trung, đang thực hiện tốt trọng trách của mình và rất xứng đáng được ủng hộ” (19).


Đầu tháng 2/1950, Hồ Chí Minh đã đến Moskva để hội đàm với Stalin. Cuộc tiếp đón đã được tổ chức với nghi thức cao nhất, điều đó đồng nghĩa Hồ Chí Minh được công nhận với một vị thế ngang hàng trong phe xã hội chủ nghĩa. Đồng thời điều đó làm chấm dứt các liên kết chính trị giữa Liên Xô và Trần Ngọc Danh.


Một chi tiết nữa, Suslov - Bí thư Trung ương Đảng - thay mặt Stalin, đã đề nghị Hồ Chí Minh giải đáp một số vấn đề về Trần Ngọc Danh và các bức thư Trần Ngọc Danh gửi đến Liên Xô. Hồ Chí Minh đã gửi đến Suslov một bức thư trong đó nhấn mạnh những sai lầm của Trần Ngọc Danh (20) như sau:

1. Tự ý giải tán Tổng đại diện Chính phủ Việt Nam tại Pháp mặc dù không có bất kỳ chỉ thị nào.


2. Tự ý rời Pháp đến Tiệp Khắc mà không thông báo thông tin cho Chính phủ hoặc Trung ương Đảng.


3. Không chấp hành chỉ thị về việc quay trở lại Việt Nam, nhiều lần.


4. Gây một số rắc rối cho Đảng Cộng sản Pháp.


5. Kết hôn với một người phụ nữ Việt du học Pháp và lấy quốc tịch Pháp (Thái Thị Liên), điểm chú ý là em họ của bà là một Bộ trưởng trong Chính phủ Bảo Đại.


Ủy ban Chính sách Đối ngoại của Đảng Cộng sản Liên Xô đã yêu cầu Ban Quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc phối hợp trong việc tìm hiểu thêm về Trần Ngọc Danh. Ngày 22/3/1950, Kozlov đã gửi một bức thư cho biết rằng, trưởng phòng Ban Quốc tế B. Geminder của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc cho biết Trần Ngọc Danh bí mật đến Praha là do sáng kiến của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp, Duclos đánh giá cao các hoạt động của Trần Ngọc Danh. Để có thể hiểu một cách rõ ràng, Trần Ngọc Danh đã được triệu tập đến Moskva. Ngày 14/6/1950 Trần Ngọc Danh đáp máy bay từ Praha đi Moskva. Khoảng thời gian từ đó đến 1951, khi ông về lại chiến khu Việt Bắc, hoàn toàn không có thông tin. Tuy nhiên, sự hiện diện của ông tại Chiến khu Việt Bắc vào năm 1951 và sự kiện Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam sang dự Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Liên Xô vào năm 1952, căn bản đã minh chứng cho quan điểm rằng Chính phủ Xô viết, và cá nhân Stalin hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Hồ Chí Minh nói riêng, chiến lược và sách lược của Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1945-1950 nói chung.


Ghi chú


  1. RGASPI, f. 495, op. 201, d.10, l. 25.

  2. RGASPI, f. 495, op. 201, d.10, l. 21.

  3. RGASPI, f. 495, op. 201, d.10, l. 8.

  4. АВП РФ, ф. 79, оп. 8, д. 1, п. 3, л. 26.

  5. АВП РФ, ф. 79, оп. 4, д. 4, п. 1, л. 25.

  6. RGASPI, f. 495, op. 201, d.10, l. 26

  7. Bản sao bức thư đề ngày 12/10/1949 được lưu trữ tại Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc.

  8. I.A. Konoreva, I.N. Selivanov, Lịch sử và tư liệu về quan hệ Việt – Xô, Nxb Đại học Liên bang Kursk, 2016, tr.188, tr.26.

  9. I.N. Selivanov, Stalin, Hồ Chí Minh và vụ án Trần Ngọc Danh: sự thật, giả thuyết và tư liệu, Đại học Liên bang Kursk, 2014, tr.134, tr.67-68, tr.248.

  10. Bản sao bức thư đề ngày 12/10/1949 được lưu trữ tại Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc.

  11. RGASPI, f. 575, op. 1, d.183, l. 13.

  12. RGASPI, f. 495, op. 201, d.10.

  13. RGASPI, f. 82, op. 2, d. 1157, l.1.

  14. Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản (B) Liên Xô, Moskva, 10/1/1950, hồ sơ số 425 (4384-4473). /// Christopher E. Goscha, Courting Diplomatic Disaster? The Difficult Integration of Vietnam into the Internationalist Communist Movement (1945-1950), Journal of Vietnam Studies, vol.1, nos 1-2 (2006), pp.59-103.

  15. RGASPI, f. 558, op. 11, d. 295, l. 1.

  16. RGASPI, f. 82, op. 2, d.1157, l.10

  17. RGASPI, f. 82, op. 2, d.1157, l. 14, 16

  18. Проблемы преподавания и изучения истории зарубежных стран (Курск), 2012, вып. 8, с. 32 – 48.

  19. АВП РФ, ф.45, оп.1, д.334, л.16.

  20. RGASPI, f. 82, d. 2, op. 1157, l. 85 - 86.