VỊ TỔNG TƯ LỆNH TỐI CAO CỦA TỔ QUỐC
Ngày 22/6/1941, Đức bội ước tấn công Liên Xô.
Tình trạng chiến tranh đòi hỏi phải cải tạo tất cả hệ thống quyền lực tối cao của Liên Bang Xô viết để chiến đấu.
Trong vòng một tháng rưỡi sau khi Cuộc chiến tranh Vệ quốc bắt đầu, nói chính xác hơn là 48 ngày chiến tranh, Chủ tịch đoàn Xô viết tối cao Liên Xô, Hội đồng dân ủy Liên Xô và Ủy ban TW Đảng Cộng sản (B) toàn liên bang đã thành lập hệ thống các cơ quan tối cao trực thuộc Ban chỉ đạo chiến tranh về mặt chiến lược của Liên Xô chống phát xít Đức. Hệ thống này bao gồm : ủy ban quốc phòng Nhà nước, Bộ Tổng tư lệnh Tối cao và cương vị Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Liên Xô, Bộ dân ủy quốc phòng Liên Xô.
Cho đến nay, không hiểu tại sao các nhà sử học lại không làm rõ một điều: ai là người đề nghị thành lập ủy ban quốc phòng Nhà nước. Lúc thì người ta cho rằng là Molotov, lúc thì là Beria, lúc thì nói mập mờ là Khrushchev. Nhưng kỳ thực thì không một ủy viên nào của Bộ Chính trị UBTW Đảng đề nghị cả.
Ngày 29/6/1941 ban bố chỉ thị của Hội đồng dân ủy Liên Xô và ủy ban TW Đảng Cộng sản (B) toàn liên bang yêu cầu các tổ chức đảng, chính quyền, công đoàn, và đoàn thanh niên Cộng sản và những người lãnh đạo tổ chức này huy động tất cả sức lực của nhân dân cho cuộc đấu tranh chống phát xít Đức xâm lược.
Ngày 30/6/1941 Stalin cho mời các ủy viên Bộ Chính trị đang ở Moskva đến biệt thự của ông và công bố quyết định thành lập một cơ quan đặc biệt để lãnh đạo công việc quốc phòng của đất nước - ủy ban quốc phòng Nhà nước - và chỉ định những ủy viên đầu tiên. Về thực chất, đó là sự khôi phục Hội đồng quốc phòng Công Nông của Lenin thời kỳ Nội chiến và chống can thiệp của các nước đế quốc. Do đó, nó hoàn toàn kế thừa về mặt lịch sử và hợp hiến. Sau đó, đề nghị của Stalin đã được hợp thức hóa với tư cách là Quyết định của Chủ tịch đoàn Xô viết tối cao Liên Xô, Hội đồng dân ủy Liên Xô và ủy ban TW Đảng Cộng sản (B) toàn liên bang.
Ngày 30/6/1941, Stalin được bổ nhiệm làm Chủ tịch ủy ban Quốc phòng Nhà nước, từ ngày 19/7 ông làm Ủy viên Bộ dân ủy quốc phòng Liên Xô, từ ngày 8/8 là chủ tịch Bộ Tư lệnh tối cao, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Liên Xô.
"Vào thời kỳ hết sức khó khăn này - nguyên soái A.M. Vasilevski nhấn mạnh -, học tập kinh nghiệm vĩ đại của Lenin thời kỳ Nội chiến, việc tập trung ở một người những chức năng lãnh đạo về mặt đảng, nhà nước, kinh tế và quân sự là một quyết định đúng đắn nhất. Chúng ta chỉ có một khả năng: lập tức biến đất nước thành doanh trại quân sự, quy tụ hậu phương và tiền tuyến thành một thể thống nhất, huy động tất cả sức lực của chúng ta để thực hiện nhiệm vụ đánh bại bọn xâm lược phát xít Đức. Và khi Stalin với tư cách là Tổng bí thư, Chủ tịch Hội đồng dân ủy, Chủ tịch ủy ban quốc phòng Nhà nước, lại đảm nhiệm thêm cương vị Tổng tư lệnh tối cao, ủy viên Bộ dân ủy Quốc phòng, thì đã mở ra những khả năng thuận lợi hơn cho cuộc đấu tranh giành thắng lợi một cách có kết quả.
Sự tập trung ở I.V. Stalin những chức năng lãnh đạo về mặt Đảng, nhà nước và quân sự không có nghĩa là ông trong những năm chiến tranh một mình quyết định mọi vấn đề". (A.M. Vasilevski. Sự nghiệp cả cuộc đời, Moskva 1975).
Đôi khi người ta viết rằng: ủy ban quốc phòng Nhà nước (GKO) đó là Stalin. Và điều này là đúng, bởi vì ông biết cách giải quyết tức thời những công việc hàng ngày, biết phân tích cặn kẽ tình hình chiến sự đang thay đổi nhanh chóng, biết đánh giá đúng tình hình đó và đưa ra những biện pháp cụ thể, có tầm nhìn xa, có tính mục đích rõ ràng và sự dũng cảm của ông, ý chí và tài năng của ông đã in dấu sâu đậm lên hoạt động của ủy ban quốc phòng Nhà nước. Hơn nữa, các buổi họp của GKO được tiến hành trong phòng làm việc tại điện Kremli, tại ngôi biệt thự, hay trong boong-ke của Stalin. Ủy ban quốc phòng Nhà nước - trước hết là một cơ quan mang tính chất tập thể, gồm : phó chủ tịch Molotov, các ủy viên ủy ban như - Voroshilov, Malenkov, Beria sau này có thêm - Mikoyan, Voznesenski, Kaganovich và Bulganin . Những nhà lãnh đạo cao cấp của Liên Xô là sự thể hiện sức làm việc phi thường, trình độ nghiệp vụ sâu sắc và lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc trong cuộc đấu tranh chống bọn phát xít xâm lược.
Chủ tịch ủy ban quốc phòng Nhà nước Stalin giao cho mỗi ủy viên của ủy ban một số vấn đề nhất định có liên quan đến củng cố và trang bị những thứ cần thiết cho các lực lượng vũ trang, đến công việc liên tục ở hậu phương. Chẳng hạn Molotov phụ trách trang bị xe tăng cho Hồng quân và ngành công nghiệp xe tăng; Malenkov phụ trách đảm bảo kỹ thuật chiến đấu hiện đại cho không quân; Voznesenski phụ trách cung cấp vũ khí và đạn dược cho quân đội; Mikoyan tổ chức cung cấp thực phẩm cho quân đội; Beria thực hiện nghiên cứu trong việc chế tạo tên lửa và năng lượng nguyên tử; Kaganovich phụ trách điều chỉnh vận chuyển hàng hóa; Voroshilov phụ trách một số nhiệm vụ quan trọng. Chủ tịch ủy ban quốc phòng Nhà nước đòi hỏi việc thực hiện đúng đắn các nhiệm vụ được giao.
Các cán bộ đảng, chính quyền và quân sự, các nhà khoa học và chuyên gia nào cần cho việc nghiên cứu và thực hiện nhiệm vụ cấp bách của chiến tranh đều được mời đến dự các phiên họp của uy ban quốc phòng nhà nước. Nguyên soái Zhukov nhận xét :
"Tại các phiên họp của GKO rất hay nổ ra những tranh cãi căng thẳng, hơn nữa, những ý kiến được nêu lên một cách dứt khoát và rất gay gắt. Stalin thường đi đi lại lại bên chiếc bàn, chăm chú lắng nghe những người tranh luận. Bản thân ông rất kiệm lời và không ưa lối diễn giải dài dòng văn tự của những người khác . Ông thường ngắt lời những người đang nói bằng nhận xét : "Nói ngắn hơn!", "Rõ ràng hơn!". Ông mở đầu những phiên họp mà không cần đến lời nhập đề vòng vo, ông nói nhỏ nhẹ, tự nhiên, cô đọng, đi thẳng vào cốt lõi của vấn đề, trình bày những ý nghĩa một cách rõ ràng". (Zhukov, Nhớ lại và suy nghĩ, Moskva 1990).
Trong cuốn "Ủy ban quốc phòng Nhà nước ra quyết định", đại tướng Ju.A. Gorkov viết rằng trong những năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, ủy ban quốc phòng nhà nước đã thông qua 9971 quyết định, chưa kể vô số bức điện, nghị quyết về các văn kiện, những chỉ thị miệng. Trong số đó, Stalin ký 2256 quyết định có liên quan đến lực lượng vũ trang. Và không chỉ đặt bút ký. Ông còn đích thân thảo một số quyết định, còn một số khác thì ông đọc cho viết, có những quyết định ông sửa lại một cách cơ bản, bổ sung và làm rõ thêm một vài điều gì. Nhiều văn kiện của Bộ Chính trị, ủy ban TW Đảng, Hội đồng dân ủy Liên Xô, Bộ dân ủy quốc phòng, gần 1000 mệnh lệnh và chỉ thị của Tổng hành dinh được ông ký duyệt. Và trên mỗi văn kiện đó thấy rõ nét chữ của Stalin, văn phong của ông: các ý kiến ngắn gọn về dung lượng nhưng có tầm rộng rãi về ý nghĩa. (Ju.A. Gorkov, ủy ban quốc phòng Nhà nước ra quyết định (1941-1945); các số liệu và tư liệu, Moskva 2002).
Ủy ban quốc phòng nhà nước thực hiện việc lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang ở tầm chiến lược thông qua Tổng hành dinh Bộ tư lệnh tối cao. Cơ quan cao nhất của việc lãnh đạo các lực lượng vũ trang Liên Xô ở tầm chiến lược được thành lập vào ngày thứ hai của cuộc chiến, ngày 23/6/1941. Thoạt tiên nó mang tên Tổng hành dinh Bộ Tổng tư lệnh. Đứng đầu là nguyên soái Timoshenko, ủy viên Bộ dân ủy quốc phòng. Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng I.V. Stalin tham gia với tư cách là ủy viên của Tổng hành dinh. Để nâng cao hiệu quả và uy tín, ngày 10/7/1941 Tổng hành dinh được chuyển thành Tổng hành dinh Bộ tư lệnh tối cao. Chủ tịch ủy ban quốc phòng Nhà nước I.V. Stalin vẫn là ủy viên của Tổng hành dinh.
Cuối cùng, ngày 8/8/1941, để lãnh đạo các lực lượng vũ trang Liên Xô một cách toàn diện về mặt chiến lược, Tổng hành dinh Bộ tư lệnh tối cao được đổi tên thành Tổng hành dinh Bộ tổng tư lệnh tối cao (SVGK), Stalin được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tổng hành dinh và Tổng hành dinh Bộ Tổng tư lệnh tối cao là G. Zhukov (từ tháng 8/1942 là phó Tổng tư lệnh tối cao), A. Vasilevski, A. Antonov, N. Bulganin, N. Kuznesov.
Thời gian biểu làm việc của Tổng hành dinh Bộ tư lệnh tối cao là suốt ngày đêm - nó được xác định trước hết bởi ngày làm việc của chính I.V. Stalin, ông lao động từ 16-18h một ngày đêm và đôi khi số giờ còn nhiều hơn thế. Để đưa ra một quyết định này hay một quyết định khác mang tính chất chiến dịch - chiến lược hay để bàn bạc những vấn đề quan trọng khác của cuộc đấu tranh vũ trang với kẻ thù, những cán bộ có trọng trách của các cơ quan quân sự và các cơ quan khác vốn có liên quan trực tiếp đến vấn đề được xem xét, được triệu tập đến Tổng hành dinh Bộ Tổng tư lệnh tối cao. Nguyên soái M. Vasilevski kể lại rằng nhất thiết phải có mặt các ủy viên Bộ chính trị UBTW đảng, những người lãnh đạo công nghiệp, những tư lệnh được triệu tập từ ngoài mặt trận. Tất cả những gì được vạch ra tại các phiên họp như vậy, trong bầu không khí bàn bạc cởi mở, lập tức được đưa vào các chỉ thị của Tổng hành dinh Bộ Tổng tư lệnh tối cao và được chuyển ngay ra mặt trận. Việc làm đó, như Vasilevski nhấn mạnh , có hiệu quả và hiệu lực.
Hàng ngày, vào buổi trưa và buổi tối Chủ nhiệm Tổng hành dinh Bộ Tổng tư lệnh tối cao được báo cáo về tình hình ngoài mặt trận và những thay đổi cuộc diện chiến cuộc. Những người được ủy quyền của ủy ban quốc phòng nhà nước và đại diện của Tổng hành dinh Bộ Tổng tư lệnh tối cao ngoài mặt trận phúc trình trước Stalin. Một lần, khi chủ nhiệm Bộ Tổng tham mưu B. Shapozhnikov trong lúc báo cáo đã thú nhận rằng hiện nay ông chưa thể nói điều gì về tình hình ở hai mặt trận bởi lẽ vào thời gian quy định, các tham mưu trưởng chưa chuyển cho ông những tin tức, I.V. Stalin đã nghiêm khắc hỏi:
- Thế đồng chí đã trừng phạt họ chưa ? Không nên bỏ qua hành động không muốn cung cấp kịp thời cho chúng ta những thông tin cần thiết.
- Họ đã bị trừng phạt một cách nghiêm khắc. Mỗi một tư lệnh phương diện quân đã bị tôi cảnh cáo - Shapozhnikov đáp.
- Cảnh cáo à ? - Stalin ngạc nhiên - Đối với các vị tướng thì đây không phải là sự trừng phạt. Chỉ ở trong chi bộ mới cảnh cáo thôi.
Shapozhnikov nói rằng trước cách mạng có một tục lệ: sĩ quan nào bị Chủ nhiệm Bộ tổng tham mưu cảnh cáo thì buộc phải nộp đơn xin từ chức. Sau đó sự cố này không tái phạm nữa.
Trong những năm Chiến tranh Vệ quốc, Stalin phái ra ngoài mặt trận 60 vị đại diện của Tổng hành dinh Bộ Tổng tư lệnh tối cao với những nhiệm vụ theo dõi kỹ lưỡng tình hình ngoài mặt trận, phản ứng nhanh nhạy và kịp thời đối với sự thay đổi liên tục cục diện, bảo đảm việc giải quyết những nhiệm vụ chiến lược đề ra. A. Vasilevsky, G. Zhukov, Timoshenko, Voronov, G. Malenkov và các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự khác đã từng làm đại diện của Tổng hành dinh Bộ tổng tư lệnh tối cao suốt mấy tháng trời sống trong các đơn vị quân đội. Stalin không khoan nhượng nếu như vào thời gian quy định ông không nhận được báo cáo từ các người đại diện của Tổng hành dinh Bộ tổng tư lệnh tối cao. Và ông chỉ rõ rằng trong trường hợp nếu đại diện của Tổng hành dinh quên mất bổn phận của mình trước Tổng hành dinh thì anh ta sẽ bị cắt chức và triệu hồi từ mặt trận.
Cơ quan hoạt động tác chiến chủ yếu của Tổng hành dinh Bộ Tổng tư lệnh tối cao là Bộ Tổng tham mưu. Tổng hành dinh và Bộ Tổng tham mưu phối hợp với các nỗ lực của các phương diện quân với các binh đoàn và các binh chủng của các lực lượng vũ trang. Các tổng tham mưu trưởng của Hồng quân hàng ngày và thường là mấy lần trong một ngày đêm có mặt ở chỗ Stalin. Chẳng hạn B. Shaposhnikov vào nửa sau năm 1941 đến tháng 5/1942 đã ở chỗ Stalin 98 lần, G. Zhukov chỉ trong 1 tháng và 7 ngày đã gặp Stalin 16 lần, A. Vasilevsky trong thời kỳ hơn 30 tháng trên cương vị Tổng tham mưu trưởng - 199 lần, A. Antonov, người giữ chức Tổng tham mưu trưởng sau Vasilevsky, đã đến gặp Stalin 238 lần. Stalin cũng thường gặp gỡ các phó Tổng tham mưu trưởng, các cục trưởng, và đơn thuần là cán bộ của Bộ Tổng tham mưu.
Tổng tư lệnh tối cao lực lượng vũ trang Liên Xô - I.V, Stalin trực tiếp làm việc với tất cả các tổng tư lệnh, các tư lệnh phương diện quân và các binh chủng của Hồng quân trong thời kỳ chiến tranh Vệ quốc.
Trong những năm chiến tranh đã thành lập tất cả thảy 35 phương diện quân và vùng phòng thủ Moskva, phương diện quân dự bị Moskva. Cụ thể là :
- Trong những tháng đầu tiên của chiến tranh: 5 phương diện quân, phương diện quân Karel, Tây Bắc, Tây, Tây Nam và phương diện quân Nam.
- Tiếp sau đó là mở rộng vùng chiến sự và chiến dịch khác, có lúc số lượng lên đến 15, chẳng hạn là trong trận Stalingrad: phương diện quân Stalingrad, Đông Nam, Tây Nam, Sông Đông, Voronezh và Thảo Nguyên.
- Ở giai đoạn kết thúc chiến tranh có sự tham gia của phương diện quân: Karel, Leningrad, vùng ven Baltic 1, Belorussia 3, Belorussia 2, Belorussia 1, Ukraina 1,Ukraina 2, Ukraina 3, Ukraina 4.
- Trong chiến tranh Xô - Nhật 1945, còn có : phương diện quân Ngoại Baikan, Viễn Đông 1 và Viễn Đông 2.
Tổng tư lệnh làm việc với tất cả các tư lệnh phương diện quân. Trong những năm chiến tranh Vệ quốc, có tất cả 45 tư lệnh phương diện quân, trong số đó có 11 nguyên soái Liên Xô và 34 vị tướng. Stalin cũng làm việc với các tư lệnh tập đoàn quân, đích thân biết rõ nhiều vị tướng, cho tới các tư lệnh quân đoạn và sư đoàn. Tổng tư lệnh làm việc với tất cả tư lệnh hạm đội Baltic, Bắc cực, Hắc hải, Thái Bình Dương, trong đó có 7 đô đốc.
Trong 4 năm chiến tranh Vệ quốc, Hồng quân đã thực hiện 51 chiến dịch mang tầm cỡ chiến lược, 250 chiến dịch cỡ phương diện quân và gần 1000 chiến dịch cỡ tập đoàn quân, trong đó gần 2/3 mang tính chất tiến công. Tất cả những chiến dịch ấy đều được tiến hành dưới sự lãnh đạo của Tổng hành dinh Bộ tư lệnh tối cao do Stalin đứng đầu. Với sự tham gia trực tiếp và sự kiểm tra nghiêm ngặt của ông, việc đảm bảo cho chiến dịch ấy về mặt tổ chức, động binh, vật chất kỹ thuật, kinh tế, chính trị - tư tưởng và ngoại giao được thực hiện một cách nghiêm túc. Những vấn đề chỉ đạo chiến sự được quyết định bởi Stalin "trong những cuộc tiếp xúc chính thức cũng như trong bữa ăn trưa" - Zhukov.
Ở đây Stalin trao đổi với các vị tư lệnh phương diện quân, tập đoàn quân với các Ủy viên Hội đồng quân sự, những nhà chế tạo vũ khí, các nhà lãnh đạo kinh tế quốc dân, các giám đốc nhà máy quốc phòng, các nhà khoa học. Stalin đích thân gặp gỡ với nhiều người hoặc thảo luận theo đường dây thông tin bảo mật mà máy móc đặt trong phòng làm việc ở điện Kremli và ngôi biệt thự gần kề.
Năm 1944, Tổng tư lệnh tối cao Stalin đề xuất một quan điểm mới về việc tiến hành cuộc chiến tranh chống quân đội phát xít Đức trên một địa bàn rộng lớn - từ Barensev đến Hắc Hải, dó là giáng một loạt gồm 10 đòn đột kích chiến lược làm cho đối phương mất khả năng cơ động và kháng cự. Mười đòn đột kích này của Hồng quân vĩnh viễn đi vào lịch sử như nắm đấm của Stalin giáng xuống kẻ thù.
Nhận xét về phạm vi hoạt động của Stalin , nguyên soái Zhukov viết:
" Trong việc lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang nói chung, Stalin được sự hỗ trợ của trí thông minh bẩm sinh của ông, trực giác phong phú, kinh nghiệm của việc chỉ đạo chính trị, năng khiếu chiến lược. Chiến lược gần gũi với lĩnh vực chính trị quen thuộc của ông, và những vấn đề chiến lược càng có mối liên hệ trực tiếp với những vấn đề chính trị thì ông càng cảm thấy tự tin ở chúng. Trí thông minh và tài năng của ông cho phép ông trong quá trình diễn biến của chiến cuộc nắm vững nghệ thuật tác chiến đến mức khi triệu tập các tư lệnh phương diện quân đến chỗ mình và trong khi đàm đạo với họ về những vấn đề có liên quan đến việc mở các chiến dịch, ông bộc lộ mình như người nắm vững công việc ấy không thua kém gì mà đôi khi còn thành thạo hơn những cán bộ cấp dưới của ông. Hơn nữa , trong một số trường hợp, ông đã tìm ra và gợi ý những cách giải quyết rất hay rất linh hoạt.
... Uy tín của ông hết sức là lớn và bởi vậy, việc bổ nhiệm Stalin làm Tổng tư lệnh tối cao được nhân dân và quân đội rất đồng tình... Rõ ràng ông là vị Tổng tư lệnh tối cao rất xứng đáng" - Zhukov - Nhớ lại và suy nghĩ.
Đô đốc hải quân, N. Kuznesov nhấn mạnh rằng tất cả các nguyên soái và tướng lĩnh đều tán đồng với cách đánh giá như vậy về Stalin. Vốn là nhà hoạt động quân sự lỗi lạc, họ thừa nhận uy tín của Stalin không chỉ vì ông là người đứng đầu chính phủ Liên Xô, là nhà lãnh đạo của Đảng Bolsheviks và trong thời chiến còn là Chủ tịch Hội đồng quốc phòng nhà nước, Chủ nhiệm Tổng hành dinh Bộ Tổng tư lệnh tối cao và Tổng tư lệnh tối cao, đứng đầu Bộ dân ủy quốc phòng, mà trước hết chủ yếu là vì họ đã nhìn thấy và đánh giá ở ông ý chí sắt thép và bản lĩnh kiên định, trí lực cao siêu và sự hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật quân sự và việc ông rất biết cách coi trọng tài cầm quân của họ, kinh nghiệm chiến đấu và vẻ đặc thù nhân cách của mỗi người.
Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô được Tổng thống Mỹ, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Hoa kỳ, F. Roosevelt đánh giá cao. Đáng chú ý là bức thư chúc mừng vào tháng 2 năm 1943 nhân dịp kết thúc trận đánh vĩ đại Stalingrad:
" Kính gửi ngài Iosif Stalin, Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết". Trong lời chúc mừng đó có đoạn viết " Với tư cách là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Hợp chủng quốc Hoa kỳ, tôi xin chúc mừng ngài với chiến thắng oanh liệt mà quân đội Ngài ở Stalingrad đã giành được dưới quyền chỉ huy tối cao của Ngài. Một trăm sáu mươi hai ngày đêm của cuộc chiến đấu mang tính chất sử thi để giành thành phố, cuộc chiến đấu vĩnh viễn vinh danh tên tuổi Ngài cũng như kết quả mang tính chất quyết định mà tất cả những người Mỹ ăn mừng ngày hôm nay, sẽ là một trong những chương tuyệt vời nhất trong cuộc chiến tranh này của các dân tộc đã liên kết lại chống quốc xã và những kẻ mô phỏng nó. Các sĩ quan chỉ huy và các chiến sĩ quân đội Ngài ở ngoài mặt trận, những người nam giới và phụ nữ hỗ trợ cho họ bằng cách lao động quên mình trong các nhà máy và trên đồng ruộng, đã chung lưng không chỉ làm rạng rỡ các chiến binh của đất nước mình mà còn để bằng tấm gương của mình khơi gợi ở tất cả dân tộc liên kết lại lòng quyết tâm mới mẻ đem hết toàn bộ nghị lực để dẫn tới chỗ thất bại hoàn toàn và sự đầu hàng vô điều kiện của kẻ thù chung" - Trao đổi thư từ giữa Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô với Tổng thống hoa kỳ và Thủ tướng Anh trong thời kỳ chiến tranh Vệ quốc 1941-1945, M. 1957, TII, tr.52-53.
Thủ tướng Anh - Churchill nhận xét Stalin rằng ông nắm vững những vấn đề chiến dịch "ngọn đuốc" của phe đồng minh: "Chỉ có một số ít người hiện đang còn sống là có thể trong dăm phút hiểu được những điều mà chúng ta kiên trì vắt óc ra mầy mò trong nhiều tháng trời. Ông ta đã đánh giá được tất cả những điều đó một cách nhanh như chớp" - Churchill, Cuộc chiến thế giới thứ hai, M1955, TIV, tr. 477-478. Trong thời gian hội nghị Teheran năm 1943, Churchill nói rằng Stalin rất xứng đáng với danh hiệu "Stalin vĩ đại".
Ngay đến kẻ thù của Liên Xô, Hitler tuy ghét chủ nghĩa Mác nhưng cũng phải thú nhận: "Và đối với Stalin tất nhiên cần phải có một sự kính trọng cần thiết. Trong dòng giống của mình, ông ta quả là một kiểu thiên tài...". Và "Xét theo phẩm chất chính trị và quân sự thì Stalin vượt lên cả trên Churchill và Roosevelt. Đây lầ một chính trị gia duy nhất mang tầm cỡ thế giới, xứng đáng được kính trọng. Nhiệm vụ của chúng ta là nghiền nát dân tộc Nga để những kẻ có tầm cỡ như Stain sẽ không xuất hiện nữa" - Những cuộc trò chuyện của Hitler trong bữa ăn - Smolensk, 1991, tr. 450-451.
Trong khi đánh giá hoạt động Stalin trên cương vị Tổng tư lệnh tối cao, trước hết cần phải thấy rằng ông không chỉ hiểu rõ lịch sử các cuộc chiến tranh và những công trình của các nhà lý luận quân sự nổi tiếng thế giới mà còn nắm vững quan điểm khoa học sâu sắc về bản chất chiến tranh nói chung và chiến tranh đế quốc chủ nghĩa nói riêng. Những am hiểu quy luật của chiến tranh, chủ yếu là chiến tranh thế giới thứ nhất và những quy luật phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội, đã cho phép ông nhận rõ về chính sách hoạt động của giai cấp cầm quyền ở đối thủ phát xít, hành động của các tướng lĩnh của chúng, những chiêu trò của các nhà tư tưởng của chúng... Quan điểm khoa học về những điều kiện để chiến thắng một kẻ thù như phát xít Đức đã tạo cho Stalin cơ hội hoạch định và áp dụng trên thực tế các biện pháp để giành chính thắng trong cuộc chiến tranh giải phóng 1941-1945 và tái kiến thiết Tổ quốc thời hậu chiến.
Vladimir Sukhodeev, báo Tổ quốc Xô viết, 2013.
#Gấu