HẾT LÒNG VÌ ILYICH (LENIN)




Tại Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, Khrushchev đã nhắc lại - cái mà Trotsky đã gọi từ 1934 - “Di chúc của Lenin” nhằm bôi nhọ Stalin và xem rằng đây là minh chứng cho bệnh sùng bái cá tính của ông ấy. Xung quanh cái gọi là “Di chúc của Lenin” có khá nhiều vấn đề, hôm nay tôi chỉ xin phép bàn đến cuộc xung đột giữa Krupskaya - vợ Lenin - và Stalin, đây cũng là một trong những hình ảnh Khrushchev dùng để minh chứng cho thái độ “độc đoán” của Stalin.

Cụ thể, Khrushchev đã cho công khai lại bức thư Krupskaya gửi cho Kamenev ngày 23-12-1922 như sau:

Lev Borisych, nhân chuyện bức thư ngắn mà Vladimir Ilyich đọc cho tôi ghi sau khi được các bác sĩ cho phép hôm qua, Stalin đã nói những câu hết sức thô bạo với tôi. Tôi không phải là người mới vào đảng. Trong suốt 30 năm, tôi chưa hề thấy có đồng chí nào nói một lời thô bạo với tôi, lợi ích của đảng và Ilyich tôi coi trọng không kém gì Stalin. Bây giờ, tôi cần phải hết sức tự kiềm chế. Tôi biết rõ hơn bất cứ bác sĩ nào về việc có thể nói những gì và không thể nói những gì với Ilyich, vì rằng tôi biết Ilyich quan tâm hay không quan tâm về điều gì, và dầu sao thì cũng biết rõ hơn là Stalin.... Tôi cũng là một con người sống, và thần kinh tôi căng thẳng đến tột độ. N.Krupskaya”. (Di chúc Lenin, Nxb APN, Moscow, 1988)

Sau đó Khrushchev đọc tới bức thư của Lenin vào ngày 5-3-1923 có nội dung Lenin phê phán Stalin:

Đồng chí Stalin kính mến! Đồng chí đã có thái độ thô bạo gọi điện thoại cho Nadezhda Konstantinovna (Krupskaya) để nhiếc mắng. Tuy nhà tôi đã chấp nhận đề nghị của đồng chí là quên không nhớ tới chuyện ấy nữa, Zinoviev và Kamenev cũng biết chuyện xảy ra do Nadezhda Konstantinovna kể lại. Tôi không có ý định dễ quên như thế về chuyện người ta có ý định chống lại tôi, chứ chưa nói rằng tôi coi những việc gì chống lại Nadezhda Konstantinovna cũng là chống tôi. Do đó tôi đề nghị đồng chí hãy cân nhắc xem đồng chí có định cải chính những lời mà đồng chí đã nói và xin lỗi hoặc đồng chí thấy tốt hơn là nên cắt đứt quan hệ giữa chúng ta. Lenin, 5/3/1923”. (Di chúc Lenin, Nxb APN, Moscow, 1988)

Hai bức thư đó làm phá tan không khí của Đại hội XX, lần đầu tiên người ta biết được rằng đã có những chuyện như thế xảy ra. Và sự thật đã từng tồn tại hai bức thư trên.

Tuy nhiên, đó không phải là tất cả những chuyện đã xảy ra.

Trước hết chúng ta cần phải nắm rõ những diễn biến chính bệnh tình của Lenin cái đã:

Lenin ốm từ cuối năm 1921 ở độ tuổi 51. Bệnh tiến triển chậm, dần dần bào mòn cơ thể khỏe mạnh của Người. Thời điểm đó, những dấu hiệu đầu tiên của bệnh xơ cứng động mạnh, nguyên nhân là động mạch cảnh trái đã bị đạn của Kaplan - sát thủ của bọn xã hội cách mạng cánh tả ám sát Lenin hồi tháng Tám 1918 - làm co lại và hình thành một cục nghẽn trong động mạch. Vladimir Ilyich đã dành rất nhiều thời gian sau đó vào công việc nên đã không chú ý đến bệnh tình ngày càng trở nặng của mình.

Các bác sĩ khám cho Lenin vào tháng 3 năm 1922 còn chưa thể phát hiện được những tổn thương đặc biệt của hệ thần kinh hay các cơ quan bên trong. Các cơn đau đầu dữ dội, mất ngủ thường xuyên, dấu hiệu mệt mỏi đã buộc các bác sĩ phải chỉ định cho Lenin nghỉ ngơi. Do sự khuyên nhủ của người thân, bạn bè và các đồng chí trong Trung ương, Lenin đã đồng ý đến Gorki tịnh dưỡng.

Ngày 23 tháng Tư năm 1922, giáo sư Rozanov đã mổ lấy viên đạn ra khỏi cơ thể của Lenin, sau 4 năm viên đạn đó nằm trong cơ thể Người. Đầu tháng Năm 1922, Lenin đã xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm đầu tiên cho thấy não bị tổn thương nghiêm trọng. Bắt đầu sự suy yếu toàn thân, xuất hiện hiện tượng “cấm khẩu” và các chi bên phải yếu hẳn. Hiện tượng này kéo dài đến ba tuần.

Sang tháng Bảy, sau khi được tận tình chạy chữa, cơ thể của Lenin đã có dấu hiệu hồi phục. Tháng Mười thì đã có thể làm việc. Tháng Mười một thì Người đã đọc được các bài diễn văn lớn.

Tuy nhiên, căn bệnh đã dần quay trở lại.

Ngày 13 tháng Mười hai, Lenin xuất hiện hai cơn đau, nhưng Người không chịu nghỉ ngơi. Ngày 13-14-15, Người làm việc gấp, lo các công tác của chính quyền.

Vào thứ ngày 15 tháng Mười Hai 1922, Lenin đã viết một lá thư gửi Ban chấp hành Trung ương có nội dung: “Tôi đã làm xong việc, bàn giao công việc và có thể đi nghỉ một cách yên ả. Chỉ còn một điều làm tôi xao xuyến rất nhiều, đó là việc không thể phát biểu tại Đại hội các Xô viết. Thứ Ba tới, các bác sĩ sẽ đến khám cho tôi, chúng tôi sẽ thảo luận xem có còn một cơ hội nào dù nhỏ nhoi để tôi phát biểu hay không. Từ bỏ việc phát biểu tôi coi là sự bất tiện lớn đối với bản thân, nếu không muốn nói mạnh hơn. Đề cương diễn văn tôi đã viết ra vài ngày trước. Vì thế tôi đề nghị trong khi vẫn chuẩn bị cho một người khác đọc diễn văn thay tôi, từ nay cho đến thứ Tư hãy để ngỏ khả năng tôi trực tiếp đọc một bài diễn văn ngắn rút đi nhiều so với bình thường, chẳng hạn diễn văn dài 3 giờ 15 phút...” (Di chúc Lenin, Nxb APN, Moscow, 1988)

Cơ hội đó đã không đến, ngay ngày 16 tháng Mười hai, Lenin bị xuất huyết não lần thứ hai, tay phải và chân phải bị liệt, buộc phải nằm một chỗ trong một khoảng thời gian.

Ngày 18 tháng Mười hai 1922, Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng Bolsheviks họp đã ra một quyết định rất đặc biệt được đại đa số đảng viên thông qua nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe của lãnh tụ:

Trong trường hợp đồng chí Lenin hỏi về quyết định của Hội nghị trung ương về vấn đề ngoại thương, theo thõa thuận giữa Stalin với các bác sĩ, hãy thông báo về các văn bản nghị quyết đã được bổ sung và thành phần của ủy ban đã được thông qua”.

Không được phép cung cấp báo cáo của đồng chí Yaroslavsky khi chưa được sự cho phép của các bác sĩ và đồng chí Stalin”.

Đồng chí Stalin có trách nhiệm cá nhân trong việc kiểm soát Vladimir Ilyich với các mối quan hệ đồng nghiệp và thư tín” (Известия ЦК КПСС. 1989, № 12, с.191).

Ngày 21 tháng Mười hai 1922, Kamenev báo tin cho Stalin rằng Trotsky đã liên lạc với ông ấy, cho biết Lenin vừa mới gửi một lưu ý cho Trotsky về chuẩn bị một số vấn đề trong Đại hội sắp tới.

Stalin đã bày tỏ một thái độ rất giận dữ. Sức khỏe Lenin đã suy yếu từ ngày 16 tháng Mười Hai, đó là hệ quả của một thời gian không ngắn Người liên tục làm việc gắng sức mình. Buộc Trung ương phải ra một quyết định hết sức đặc biệt nhằm bảo vệ sức khỏe của lãnh tụ tại Hội nghị toàn thể Ban chấp hành hôm 18 tháng Mười hai. Vậy mà giờ đây những biện pháp ấy lại bị phá vỡ bởi thành viên của đảng.

Thực vậy, trách nhiệm của Stalin ko phải do một nhóm người, do Bộ Chính trị giao, mà là do Hội nghị Toàn thể của Ban chấp hành Trung ương, nghĩa là quyết định tối cao của toàn Đảng.

Đồng chí Krupskaya trên thực tế đã vi phạm nguyên tắc hoạt động của Đảng khi là người đã ghi bức thư này trong khi Lenin đọc cho viết. Do đó, ngay lập tức Stalin đã gọi điện và trách mắng Krupskaya với thái độ rất nóng nảy của mình.


Cần nói thêm rằng, một phần nào đó chính là thái độ của Lenin. Người đã cố gắng bằng mọi cách để có thể tiếp xúc các công việc của mình, ngay cả bằng cách thất thường nhất .... ra tối hậu thư cho cả bác sĩ: hoặc là để Người làm việc, hoặc là không chữa trị.

Ngày 21 tháng Mười hai Lenin còn đề nghị các cán bộ lãnh đạo phòng khoa học kỹ thuật Hội đồng kinh tế quốc dân tối cao phải ngay lập tức gửi cho Người hai máy thu âm mặc dù tình hình bệnh tình của Người chưa suy giảm.

Đêm 22, rạng sáng 23-12-1922, tình hình sức khỏe của Lenin suy giảm nghiêm trọng, tay phải và chân phải liệt hoàn toàn, không thể tự viết lấy được nữa.

Ngày 23-12-1922, Lenin mặc dù đã nằm liệt hẳng nhưng vẫn kiên quyết đọc “Thư gửi đại hội”. Trong Nhật ký của các thư ký trực ban, thư ký của Lenin viết: “Trong vòng 4 phút, Người đọc cho ghi. Người không khỏe. Các bác sĩ đến. Khi bắt đầu đọc, Người nói: “Tôi muốn đọc cho đồng chí ghi bức thư gửi đại hội, đồng chí viết đi!”. Người đọc nhanh, nhưng rõ ràng là đang ốm. Đọc xong, Người hỏi hôm nay là ngày mấy? Tại sao tôi lại tái nhợt thế này?...”.

Ngày 24-12-1922, Lenin đã buộc các thư ký và các đồng chí của mình phải lựa chọn, hoặc là cho Người đọc để tốc ký ghi lại, dù trong một khoảng thời gian ngắn để hoàn thành bức thư, hoặc là không chữa trị.

Stalin, Kamenev, Bukharin đã họp bàn với các bác sĩ và một quyết định đã được thông qua có phần nhượng bộ với Lenin:

1. Vladimir Ilyich được quyền đọc ghi lại hàng ngày từ 5-10ph, nhưng việc làm này không được mang tính chất trao đổi thư từ và Vladimir Ilyich không phải chờ đợi phần trả lời cho những gì đã được ghi chép lại. Không được phép gặp gỡ.

2. Bạn bè và người trong nhà cũng đều không được thông báo cho Vladimir Ilyich biết một điều gì trong sinh hoạt chính trị, để khỏi làm Người suy nghĩ và xúc động” (Di chúc Lenin, Nxb APN, Moscow, 1988)

Ngày 25 và 26 Lenin tiếp tục đọc, sau đó tình hình sức khỏe lại không tốt. Ngày 29 Lenin tiếp tục đọc, sau đó nghỉ đến 4-1-1923 mới có thể đọc tiếp và hoàn thành bức thư

Thế đấy, tình hình sức khỏe của Lenin đã buộc những người đứng đầu của Đảng rơi vào một tình thế vừa đắng đo như vậy. Và việc Krupskaya, mặc dù là do Lenin “gây khó”, nhưng một sự thật là bà đã vi phạm những quyết định nghiêm trọng của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Và việc “chiều” Lenin như thế đã làm sức khỏe của Người giảm sút trong những ngày cuối tháng Mười hai 1922 và đầu tháng Giêng 1923.

Tuy nhiên, lúc bấy giờ Lenin hoàn toàn không biết gì về cuộc xung đột giữa Stalin và Krupskaya hôm 21-12-1922. Ngay sau những ngày Lenin đổ bệnh nặng cuối tháng Mười hai 1922, đầu tháng Giêng 1923, cả Stalin và Krupskaya đã không nhắc lại đến chuyện này nữa và đồng ý bỏ qua. Tuy nhiên, đầu tháng Ba 1923, Lenin lại biết sự việc này, do đó Người đã viết một bức thư ngày 5-3-1923 để chỉ trích Stalin.

Lenin rất mong nhận được thư hồi đáp. Nhưng đáng tiếc, Người đã không thể đọc bởi căn bệnh tái phát sau khi những cảm xúc nóng giận ấy bùng phát, lại tiếp tục liệt nửa người. Và khi đó người ta đã cấm mang bất kỳ tài liệu chính trị nào đến cho Lenin. Bức thư Stalin gửi cho Lenin đã được giữ kín mãi cho đến sau này.

Cựu thư ký của Lenin - M.A. Volodicheva nhớ lại rằng, khi mình giục Stalin hồi đáp thư của Lenin vì Người đang rất nóng lòng chờ. Stalin đã quả quyết nói: “Đó không phải lời Lenin, đó là do căn bệnh của anh ấy. Tôi không phải là một bác sĩ, mà là một chính trị gia. Tôi là Stalin. Nếu vợ tôi là một đảng viên mà hành động không đúng, thì tôi cho rằng mình sẽ không can thiệp vào. Krupskaya là đảng viên của Đảng chúng ta. Nhưng nếu Vladimir Ilyich đã nói, thì tôi sẵn sàng xin lỗi vì đã thô lỗ với Krupskaya”. (Цит. по: А.Бек. К истории последних ленинских документов. Из архива писателя. // Московские новости. № 17, 23 апреля 1989 года, с. 8–9)

Mặc dù bức thư Lenin đã chưa kịp đọc, nhưng vẫn còn lưu giữ vì người ta nghĩ rồi Người cũng sẽ hồi phục và đọc nó, nhưng không thể.

Gửi Lenin. Từ Stalin. Bí mật
Đồng chí Lenin! 

Khoảng năm tháng trước, tôi có cuộc trò chuyện với đồng chí Nadezhda Konstantinovna - người mà tôi không chỉ coi là vợ của đồng chí, mà còn là đồng chí của tôi; tôi đã nói với cô ấy qua điện thoại như sau: “Các bác sĩ đã cấm cung cấp thông tin chính trị cho Ilyich, coi biện pháp ấy là cách quan trọng nhất để chữa trị cho anh ấy, trong khi đó, cô - Nadezhda Konstantinovna lại vi phạm biện pháp ấy: cuộc sống của Ilyich có thể kết thúc vì điều đó...

Tôi không nghĩ rằng trong những từ này, người ta lại có thể thấy được những điều gì thô lỗ hoặc không chấp nhận được đối với anh. Mục đích của tôi chỉ có một - sự phục hồi sức khỏe của anh một cách nhanh chóng nhất. Đó cũng là nhiệm vụ của tôi khi thực hiện nó (được Đảng giao cho). Tôi đã giải thích với N.K rằng đó là hiểu lầm

Tuy nhiên, đồng chí lại cho rằng để duy trì mối quan hệ của chúng ta thì tôi nên rút lại điều đó, tôi có thể làm thế nhưng tôi không biết rằng "lỗi" của tôi là gì và ở đâu. Ngày 7 tháng Ba 1923”.(Там же. С…193. В том же номере журнала опубликованы другие письма, имеющие отношение к затронутой теме)

Kaganovich trong một cuộc trò chuyện với Nhà văn Chuev, có nói đến vấn đề này:

“...Stalin từng nói với tôi về bức thư của Lenin: “Tôi có thể làm gì ? Trung ương đã chỉ thị cho tôi, các bác sĩ thì buộc tuân thủ tuyệt đối và rồi người ta đưa anh ấy những tờ báo, liệu tôi có thể vi phạm những chỉ thị của Trung ương ? Tôi không thể làm thế, và rồi người ta chỉa mũi dùi vào tôi”. Anh ấy (Stalin) nói với tôi rằng, anh ấy cảm thấy cay đắng vì điều đó ”- (*chú thích: sau khi Lenin tạ thế, phe đối lập vu họa cho Stalin cô lập Lenin, trong khi đó, chính toàn bộ Trung ương tán thành và giao nhiệm vụ ấy cho Stalin).

Cảm xúc mạnh đã khiến Lenin bị chấn động, ngày 9 tháng Ba 1923, Người bắt đầu xuất huyết não lần thứ ba. Tình trạng liệt và cấm khẩu dần phát triển. Các cơn đau khủng khiếp hành hạ Lenin. Người tưởng chừng như là không thể chịu nổi.


Ngày 21 tháng Ba 1923, Stalin đã có một bức thư bí mật gửi Bộ Chính trị:

Tối mật. Gửi Bộ Chính trị

Vào thứ Bảy, 17-3, đồng chí Ulyanova (Krupskaya) có nói với tôi về “yêu cầu của V. Ilyich đến Stalin” rằng tôi phải cung cấp cho anh ấy chất độc kali xyanua. Krupskaya đã nói với tôi rằng “Ilyich đang trãi qua những cơn đau đớn khủng khiếp”, rằng “không thể sống tiếp được nữa” và yêu cầu tôi “không được từ chối yêu cầu của Ilyich”. Krupskaya và Ilyich buộc tôi phải đồng ý (Ilyich hai lần gọi Krupskaya vào trong phòng của anh ấy trong lúc chúng tôi đang nói chuyện). Tôi đã nghĩ rằng cần phải nên từ chối, tôi nói rằng: Ilyich cần thiết phải bình tĩnh, và tôi sẽ luôn đáp ứng những yêu cầu của anh.

Tuy nhiên, thành thật mà nói tôi không đủ can đảm để thực hiện yêu cầu của Ilyich, không thể làm được, điều đó là rất cần thiết và nhân văn, tôi tin rằng Bộ Chính trị cũng sẽ đồng ý với tôi. Stalin”.

Cả Bộ Chính trị tán thành với quyết định của Stalin, không thể đáp ứng yêu cầu của Lenin được, dẫu rằng tất cả đang đau sót với những gì Lenin đang phải trãi qua.

Cần phải nói rằng, đây không phải lần đầu tiên Lenin đề cập đến việc mang cho Người chất độc, từ hồi tháng Năm 1922, Người đã có lần yêu cầu Stalin mang thuốc độc cho Người khi những cơn đau hành hạ liên tục, tuy nhiên Stalin đã nhiều lần vờ đồng ý để trấn an Người, nhưng không bao giờ mang thuốc đến, hết lòng động viên Lenin giữ gìn sức khỏe.

Nửa cuối tháng Bảy 1923, tình hình sức khỏe Lenin bắt đầu có chuyển biến tốt lên. Người có thể ngồi xe lăn đi dạo để thư giản trong khuôn viên, nhưng tuyệt đối ko được tiếp xúc tài liệu và công việc. Tháng Chín 1923, Người có thể đi vịn. Tháng Mười thì đã có thể chống gậy đi. Thậm chí là đi rừng chơi.

Sang đầu tháng Giêng 1924, bệnh tình của Người lại trở nặng. Ngày 22 tháng Một năm 1924, sau cơn đột quỵ Lenin đã từ trần.

Trên đây là những gì đã xảy ra đối với Lenin, và cũng cho thấy thái độ của Stalin hoàn toàn không giống cách mà Khrushchev mô tả trong Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô. Người Nga có một câu thành ngữ: “Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật” là thế. Khrushchev đã lợi dụng những ghi chép đó nhằm tối đa hóa lợi ích của mình trong Đại hội XX.

#Gấu