PHƯƠNG PHÁP TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ KINH TẾ (MPE) – VŨ KHÍ KINH TẾ CỦA STALIN.


1. Mở

Năm 1939, một phương pháp mới để tăng hiệu quả kinh tế đã được phát triển ở Liên Xô. Phương pháp Kiểm soát và khuyến khích giảm giá thành sản phẩm - MPE được sử dụng trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế Liên Xô. MPE có hiệu quả cả lẫn trong nền kinh tế XHCN và TBCN. Nhưng đối với nền kinh tế XHCN, khi áp dụng trong điều kiện không có khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ thì hiệu quả này sẽ tăng vượt bậc. Năm 1955, Nhật Bản đã vay mượn phương pháp MPE, điều này đã góp phần giúp nền kinh tế Nhật tăng trưởng nhanh chóng, nhưng đồng thời cũng trong năm 1955, Liên Xô dưới thời Khrushchev từ bỏ phương pháp MPE. Phương pháp MPE đã mang lại cho nền kinh tế Liên Xô từ 1939 – 1955 tốc độ phát triển mạnh mẽ, nhưng từ 1955 trở đi, đặc biệt là sau Cải cách kinh tế 1957, nền kinh tế Liên Xô có dấu hiệu đi xuống. Và sau đó, lần đầu tiên sau Nội chiến Nga, Liên Xô đã biết khủng hoảng kinh tế là gì.

Theo A. Shabalov, vào mùa thu 1991, tại Học viện Lao động và xã hội Moskva, một chuyên đề kinh tế ca ngợi về “Điều kỳ diệu Nhật Bản” của một nhà kinh tế Mỹ gốc Nga đã được tổ chức, cũng tại đây tỷ phú Nhật Bản Hiroshi Teramachi đã tham dự và phát biểu trả lời một số nhà kinh tế Liên Xô:

“Ngài đã không nói về điều chính yếu. Về vai trò hàng đầu của các ngài (Liên Xô) đối với thế giới. Năm 1939, người Nga các ngài rất thông minh, còn người Nhật (phát xít) chúng tôi rất ngu ngốc. Vào năm 1949, thậm chí các ngài còn thông minh hơn, còn chúng tôi vẫn là kẻ ngốc. Năm 1955, chúng tôi tỉnh ngộ và các ngài (Liên Xô) lại hóa thành trẻ lên năm. Toàn bộ hệ thống kinh tế của chúng tôi gần như được sao chép từ nước các ngài, với sự khác biệt duy nhất là chúng tôi có CNTB, có các nhà sản xuất tư nhân và chúng tôi không bao giờ đạt được mức tăng trưởng hơn 15%, còn các ngài – với chế độ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất – đã đạt 30% trở lên. Tất cả các công ty chúng tôi đều có các khẩu hiệu của các ngài dưới thời Stalin” (цит. по А. Шабалов, «Одиннадцать ударов товарища Сталина», Ростов на-Дону, 1995 г.).

Đại đa số người Nga hiện nay luôn cho rằng nhân dân Liên Xô luôn luôn sống tồi tệ hơn so với các nước phương Tây. Nguyên nhân là phần lớn trong số họ phải sống trong những năm tháng khủng hoảng và trì trệ thời Khrushchev và Brezhnev. Còn những người già gần đất xa trời thì họ luôn nhớ về thời Stalin những năm 50, thời gian mà cuộc sống vật chất và đạo đức trên thực tế đã vượt qua cả Mỹ. Và rồi họ cho rằng Khrushchev đến và đã phá nát mọi thứ. Sau những năm 60, nhân dân Xô viết đã không còn có thể nhận ra chính Tổ quốc của họ. Chính tại mô hình mới này, tất cả những đặc điểm tiêu cực nhất đã xuất hiện trong mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa. Mô hình này hoàn toàn không giống mô hình cũ, và nó đã phải sụp đổ vào năm 1991 vì sức nặng của những vấn đề đã được tích lũy trong thời gian dài.

Trong cuộc Cải cách những năm 1955-1960 do Khrushchev thực hiện, những thay đổi mạnh mẽ đã xảy ra trong toàn bộ hệ thống từ chính trị, đến kinh tế, đến xã hội. Những thay đổi đó đã mở đầu cho sự suy giảm đáng kể về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, … trong vấn đề kinh tế khi đó, hàng hóa ngày càng ít và kém chất lượng, giá thì lại không ngừng tăng.

2. MPE – Chính sách giảm giá có hệ thống.

MPE là một trong những đặc trưng của nền kinh tế Stalin, một cơ chế rất hiệu quả - Kiểm soát và khuyến khích giảm giá thành sản phẩm. Nói theo các nhà kinh tế kế hoạch thì đó là một bộ phận của “kế hoạch hóa giảm giá thành sản phẩm”. MPE Stalin đã cung cấp cái gọi là “Giảm giá hàng năm” cho hàng hóa, vốn rất nổi tiếng thời đấy.

Vậy làm thế nào để thực hiện được?

Đầu mỗi năm, đối với các hàng hóa cơ bản, một mức giá cả đã được ấn đặt cho cả năm (kế hoạch hóa kinh tế 1 năm). Biểu hiện của mức giá cả đó gồm 2 thành phần: chi phí sản xuất và lợi nhuận. Giá cả sản phẩm luôn được ấn đặt cho cả một năm bất kể khi chi phí sản xuất có giảm. Chính vì thế, lợi nhuận sẽ tăng thêm, và tích lũy ngày càng tăng, tùy theo mức độ giảm chi phí sản xuất hoặc thời gian lợi nhuận gia tăng kéo dài. Đến cuối năm, sau khi tổng kết, bắt đầu một chu kỳ kinh tế kế hoạch mới, người ta sẽ giảm giá cả hàng hóa bằng cách tính: giá cả hàng hóa mới = chi phí sản xuất mới (đã giảm) + định mức lợi nhuận % (tính theo CPSX đã giảm hoặc tự đặt).

Cùng với việc giá cả hàng hóa giảm, đồng thời tiền lương (tiền lương thực tế + tiền lương tích lũy) gia tăng do ngân sách Nhà nước càng lớn (phần lớn lợi nhuận được nộp cho NN, NN phân phối lại biểu hiện dưới dạng tiền lương, bảo hiểm, đài thọ,…), thì sức mua của nhân dân đối với hàng hóa sẽ gia tăng, đời sống nhanh chóng cải thiện. Như vậy, mặc dù lợi nhuận thực tế được cắt giảm có chủ ý, song, tổng lợi nhuận năm sau luôn tăng hơn tổng lợi nhuận năm trước và tích lũy XHCN cũng tăng ngày càng tăng, sẽ không ngừng đảm bảo củng cố và phát triển nền kinh tế Xô viết.

- Lấy một ví dụ cho dễ hiểu:

Giả sử một xí nghiệp sản xuất ô-tô. Giả sử chi phí sản xuất một chiếc ô-tô này là 5.000 rub. Giả sử lợi nhuận được xác định ở định mức là 20% mỗi chiếc xe (tức lợi nhuận là 1.000 rub). Thì ta sẽ có giá cả của chiếc xe là: 6.000 rub (chi phí + lợi nhuận).

Bây giờ, để hoàn thành các kế hoạch giảm giá thành sản xuất, Giám đốc cùng các chuyên gia đã sáng tạo ra các cải tiến kỹ thuật làm giảm chi phí sản xuất xuống 2 lần (tức là chi phí còn 2.500 rub).

Do đó, lợi nhuận sẽ tăng khi chi phí sản xuất giảm. Nếu chi phí sản xuất giảm 2.500 rub, thì số tiền đó sẽ được cộng vào lợi nhuận. Lợi nhuận sẽ là 3.500 rub (1.000 rub ban đầu + 2.500 rub). Và vì giá cả sản phẩm được ấn định cho xuyên suốt một năm kế hoạch, do đó lợi nhuận đó sẽ tiếp tục duy trì kết thúc kế hoạch (càng nhiều tháng thì lợi nhuận tích lũy càng tăng) và lợi nhuận còn gia tăng theo số lượng chiếc xe đã bán ra.

Khi bắt đầu vào năm sau (tức kế hoạch mới), chiếc xe sẽ có một giá mới, giá cả sản phẩm = chi phí sản xuất mới (đã giảm) + định mức lợi nhuận % (tính theo CPSX đã giảm). Tức là chi phí sản xuất mới là 2.500 rub. Còn định mức lợi nhuận 20% là 500 rub. Vậy, giá cả mới của một chiếc ô-tô là 3.000 rub. Vì ô-tô đang giảm giá 50% thành còn phân nửa so với cái giá 6.000 rub ban đầu, nhân dân sẽ mua ô-tô nhiều hơn, lợi nhuận sẽ gia tăng theo số lượng xe đã bán ra.

Tuy nhiên, một vấn đề người ta sẽ đặt ra là “lợi nhuận” năm sau sẽ giảm hơn “lợi nhuận” năm trước? Điều đó có đúng hay không?

Thực tế, điều đó hoàn toàn không đúng!

Đằng rằng lợi nhuận/ sản phẩm sẽ giảm (Trong trường hợp ví dụ nhà máy ô-tô bên trên sẽ là từ 1.000 rub/ sản phẩm – năm trước, giảm xuống còn 500 rub/ sản phẩm – năm sau). Nhưng tổng lợi nhuận không phải được tính ở việc gia tăng hay giảm lợi nhuận/ sản phẩm, mà là lợi nhuận sau cùng, tức lợi nhuận thu lại thực tế sau một quá trình kinh doanh. Nếu như năm sau doanh nghiệp bán sản phẩm nhiều gấp 2 – 3 lần năm trước, thì lợi nhuận vẫn gia tăng mặc dù lợi nhuận/ sản phẩm có giảm đi. Nhưng vì đôi lúc vì phải tính toán nhu cầu gia tăng tích lũy XHCN, tốc độ hạ giá cả sản phẩm sẽ chậm lại, không nhất thiết phải giảm bằng mức mới (CPSX mới + định mức lợi nhuận % (tính theo CPSX đã giảm). Định mức lợi nhuận % bên trên có thể tùy ý điều chỉnh sao cho phù hợp. Ví dụ, Trong trường hợp xí nghiệp ô-tô bên trên, thay vì lấy định mức là 20%, họ có thể gia tăng đến mức 100% để làm giảm tốc độ hạ giá cả sản phẩm, đồng thời gia tăng lợi nhuận để tích lũy XHCN. Cụ thể xí nghiệp thay vì hạ giá cả sản phẩm ô-tô vào năm tiếp theo còn 3.000 rub/ ô-tô (CPSX: 2.500 rub + 500 rub lợi nhuận: tức định mức lợi nhuận là 20%), thì doanh nghiệp ô tô hoàn toàn có thể bán 5.000 rub/ chiếc ô-tô (CPSX: 2.500 rub + 2.500 rub lợi nhuận: định mức lợi nhuận là 100%). Khi đó lợi nhuận sẽ đạt được là 2.500 rub/ô-tô (thay vì 500 rub/ ô-tô). Phần lợi nhuận này có thể, một phần dùng làm gia tăng tích lũy để tái sản xuất mở rộng của doanh nghiệp, phục vụ các nhu cầu nội bộ doanh nghiệp và một phần nộp vào ngân sách Nhà nước để tăng thêm thu nhập ngân sách của Nhà nước để củng cố nền tài chính (NN có thể dùng ngân sách đó vào các nhu cầu chung của XH).

Phương pháp này rất thích hợp đối với các môi trường kinh tế có ít cạnh tranh hoặc không cạnh tranh. Chính vì thế, mô hình này có thể được áp dụng bởi các tập đoàn tư bản độc quyền ở Nhật Bản (làm gia tăng tích lũy tư bản) hoặc trong nền kinh tế kế hoạch hóa XHCN (mặc dù bản chất hai hệ thống kinh tế - chính trị TBCN và XHCN khác nhau, khác cả nguyên tắc kinh doanh, buôn bán và phân phối sản phẩm).

3. Khrushchev xóa bỏ MPE như thế nào?

Nikita Khrushchev không xóa bỏ chính sách giảm giá cả hàng hóa, mà thực chất là thay đổi phương pháp trong tính toán kế hoạch hóa kinh tế quốc dân do tiến hành quá trình cải tạo quan hệ sản xuất XHCN lên một bậc cao hơn. Nhưng vì phương pháp mới có tính chất hoàn toàn khác biệt MPE, cho nên về cơ bản, nó đã thủ tiêu MPE trên thực tế, không thể áp dụng trong mô hình kinh tế kế hoạch hóa mới.

Nikita Khrushchev đã thay đổi trọng tâm của nền kinh tế quốc dân, từ chỗ “kế hoạch giảm giá thành sản phẩm” đã thay đổi thành “kế hoạch lợi nhuận”. Chính vì thế, vấn đề lợi nhuận của các xí nghiệp đều phải được lên kế hoạch chi tiết và lợi nhuận đã trở thành chỉ tiêu để thúc các xí nghiệp bằng mọi cách phải đạt được mức lợi nhuận đó. Tất nhiên, các chỉ tiêu năm sau thường gia tăng một cách đáng kể so với năm trước, do đó, công tác thực hiện chỉ tiêu đó càng phải đẩy mạnh hơn trước. Đó là một việc điên rồ, vì quá cứng nhắc các chỉ tiêu về lợi nhuận sẽ làm thủ tiêu các động lực phát triển của kinh tế kế hoạch. Việc kế hoạch lợi nhuận đã đẩy đến bộ máy kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân trở thành một bộ máy quan liêu; làm sơ cứng hóa toàn bộ nền sản xuất; làm cho các cách thức tính toán trong sản xuất trở nên máy móc, giáo điều và duy ý chí.
Một số vấn đề xuất hiện trong phương pháp kinh tế mới của Khrushchev:

-  Về sản lượng sản phẩm

Kế hoạch lợi nhuận là một phương pháp có độ chính xác cao, có tính vĩ mô, có tính hệ thống, cho nên trong quá trình lập kế hoạch lợi nhuận người ta đã tính toán “chính xác” toàn bộ các vấn đề chung quanh nó, bao gồm cả việc tính toán sản lượng sản phẩm cần thiết và tính toán cả nhu cầu tiêu thụ. Cho nên sẽ xuất hiện một số vấn đề trong các trường hợp sau đây:

a) Tính toán sản lượng sản phẩm thường thiếu chính xác. Tất nhiên, trường hợp này không phải bàn đến vì tính toán sản lượng sản phẩm để đạt mức dư thừa hoặc vừa đủ là một vấn đề BẤT KHẢ THI. Bởi vì không ai có thể ước lượng chính xác nhu cầu sử dụng ngày càng tăng lên của nhân dân, để đề ra một khối lượng sản phẩm tương ứng.

Nếu tính toán một mức quá cao sản lượng sản phẩm sẽ là không thực tế, vì điều đó sẽ gây nên một sự lãng phí khổng lồ nếu tính sai (hầu như là sai); Nếu tính toán sản lượng sản phẩm ở một mức quá thấp sẽ không thể đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Do đó, việc tính toán sản lượng sản phẩm chỉ mang tính tương đối, các con số hình thành trên các văn bản kế hoạch hóa chi tiết đơn thuần chỉ là “sự phù hợp” với ước đoán của các nhà tính toán, chứ không phải so với thực tế. Do đó, để kế hoạch lợi nhuận vốn dĩ mang đậm màu chủ quan duy ý chí hơn là tính toán khoa học.

b) Chính vì đã kế hoạch hóa một cách chi tiết toàn bộ quá trình sản xuất, có tính hệ thống. Cho nên khi sản lượng sản phẩm rơi vào tình trạng thiếu hụt, đồng thời nó sẽ làm đảo lộn các khâu kế hoạch hóa khác. Bởi vì để có thể sản xuất ra hàng hóa, cần phải có một chuỗi các khâu khác nhau cùng liên kết với nhau, một xí nghiệp sản xuất đã phải có liên kết với hàng chục, hàng trăm các nhà máy, xí nghiệp khác, từ: cung nguyên vật liệu, linh kiện, … Vì vậy, muốn tăng sản lượng, đồng nghĩa phải tăng đồng bộ tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất đó. Hiện tượng đó làm gia tăng sức ép khổng lồ lên toàn bộ nền sản xuất và không an toàn, một khâu không hoàn thành kế hoạch sẽ dẫn đến sự phá sản của một chuỗi các kế hoạch.

c) Trong điều kiện sự thiếu hụt đó đã được dự trù và sẽ được bổ sung bằng nguồn dự trữ. Ngay lập tức, các cơ quan kế hoạch hóa sẽ nắm bắt và thúc đẩy sản xuất sao cho bù đắp những khoảng thiếu hụt đó. Trong trường hợp này, sản lượng sản phẩm sẽ tăng lên và đạt mức yêu cầu, đồng thời kế hoạch lợi nhuận cũng đạt được yêu cầu. Nhưng lúc này, việc đảm bảo đúng chỉ tiêu lợi nhuận đã trở thành một nhiệm vụ của các xí nghiệp, nhà máy chứ không phải là mục tiêu để họ gia tăng sức sản xuất phục vụ nhân dân. Như vậy, công tác lãnh đạo sản xuất của các xí nghiệp, nhà máy sẽ trở nên sơ cứng, hoạt động một cách máy móc, quan liêu và chủ quan duy ý chí.

- Về chi phí sản xuất

Trong phương pháp MPE, vấn đề chủ yếu là là vấn đề giảm giá cả hàng hóa, điều đó sẽ đồng thời làm giảm chi phí sản xuất. Nhưng trong phương pháp Khrushchev, chi phí sản xuất đã được quy chuẩn nhằm xác định giá trị của lợi nhuận để có thể lên kế hoạch lợi nhuận. Lúc này, lợi nhuận (theo kế hoạch) sẽ gắn chặt với chi phí sản xuất, cho nên: Khi chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận tăng; ngược lại khi chi phí sản xuất giảm, lợi nhuận sẽ giảm.

Do đó, để có thể hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận mà không làm gia tăng giá cả hàng hóa (nguyên tắc KT XHCN) trong một kế hoạch kinh tế thì cách tốt nhất là không giảm chi phí sản xuất. Việc không giảm chi phí sản xuất phổ biến trong hầu hết các doanh nghiệp Xô viết lúc bấy giờ. Từ đó, làm xuất hiện thuật ngữ “hoang dã” trong kinh tế - Hiệu quả có điều kiện. Để không phải giảm các chi phí sản xuất, các giám đốc doanh nghiệp quốc doanh đã phải loại bỏ các cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, cắt giảm thưởng trong thi đua sản xuất, bỏ ngoài tai các đề xuất cải tiến sản xuất,… Động lực để sản xuất đã bị thủ tiêu.

Trong những năm khủng hoảng kinh tế đầu thập niên 60, nguyên tắc KT XHCN “không tăng giá cả hàng hóa” đôi lúc đã bị phá vỡ. Để có thể hoàn thành các “kế hoạch lợi nhuận” với định mức ngày càng tăng, trong khi nền sản xuất ngày càng kém đi, người ta đã bắt đầu tăng giá cả sản phẩm. Cố nhiên, việc gia tăng giá cả sản phẩm không phải vì cố tình gia tăng lợi nhuận mà vì chi phí sản xuất gia tăng trong khi nền sản xuất đang kém đi, mà lợi nhuận (theo kế hoạch) đang gắn chặt với chi phí sản xuất. Cho nên khi chi phí sản xuất tăng, cũng kéo theo lợi nhuận tăng. Điều đó làm giá cả sản phẩm tăng nhanh chóng dẫn đến khủng hoảng kinh tế càng thêm sâu sắc.

- Về gia tăng định mức lợi nhuận

Trong phương pháp MPE, định mức lợi nhuận có thể tùy thuộc vào nhu cầu tích lũy XHCN mà người ta quy định mức cao hay thấp. Ví dụ cũng trong trường hợp ô-tô như đã nêu bên trên, thay vì bán ô-tô với giá 3.000 rub, tức giảm lợi nhuận còn 500 rub (20% so với CPSX mới) thì người ta bán ô-tô với giá 5.000 rub để thu lợi nhuận 2.500 rub (100% so với CPSX mới) để gia tăng tích lũy XHCN. Nhưng trong phương pháp của Khrushchev, thường thì định mức lợi nhuận sẽ không tăng tùy ý, chủ yếu là tăng do chi phí sản xuất tăng đột biến (khủng hoảng kinh tế). Vì : (1) Hầu như là chi phí sản xuất thường không giảm để đảm bảo hoàn thành tiêu chuẩn lợi nhuận, cho nên định mức lợi nhuận cũng không thay đổi; (2) Tích lũy XHCN cũng đã được kế hoạch hóa cho nên định mức lợi nhuận cũng không cần thay đổi vì như thế sẽ làm thay đổi toàn bộ kế hoạch hóa tích lũy XHCN.

4. Chốt

Nền kinh tế Liên Xô trong suốt 1939-1955 đã hoạt động rất hiệu quả, đó là minh chứng hùng hồn cho sự đúng đắn của phương pháp MPE nói riêng, của “kế hoạch giảm giá thành sản phẩm” nói chung.

Việc hạ thấp giá thành sản phẩm (hay tổng chi phí trong quá trình sản xuất) có một ý nghĩa kinh tế to lớn. Giá thành hạ xuống tạo khả năng giảm giá cả. Nhờ giá cả ngày càng rẻ mà có thể nâng cao tiền lương thực tế của nhân dân, nâng cao sức mua của nhân dân, đồng thời có thể củng cố chế độ tiền tệ của nền kinh tế quốc dân bằng cách tăng cường ngân sách Nhà nước.

Giá thành hạ xuống ngày càng nhiều thì khả năng hạ giá cả nhiều hơn. Bởi vì, trong những kỳ kế hoạch mà giá thành hạ xuống nhiều, thì có thể quy định mức độ hạ giá cả ở kỳ sau lớn hơn. Nhưng nói thế không đồng nghĩa là tỷ lệ phần trăm % hoặc tốc độ của việc hạ giá thành sẽ quyết định một cách máy móc tỷ lệ phần trăm hoặc tốc độ của việc hạ giá cả. Nếu cần phải nâng cao tỷ trọng tích lũy trong kỳ kế hoạch thì tốc độ hạ giá cả phải chậm hơn tốc độ hạ giá thành (tức là định mức lợi nhuận % tăng lên), thậm chí trong một vài trường hợp không hạ giá cả để tăng không ngừng lợi nhuận tích lũy.

Nhờ hạ giá thành, một số tích lũy trong lĩnh vực sản xuất vật chất sẽ tăng lên. Một phần trong số tích lũy đó được giữ lại trong nội bộ sản xuất để mở rộng sản xuất và để cung cấp cho các nhu cầu khác. Do đó, việc hạ giá thành sản phẩm là điều kiện quan trọng để phát triển chế độ hạch toán kinh tế. Phần kia trong số tích lũy phải nộp vào ngân sách Nhà nước để tăng thêm thu nhập của ngân sách, củng cố nền tài chính. Giá thành hạ xuống càng nhiều thì thu nhập của ngân sách Nhà nước càng tăng lên càng nhiều, và Nhà nước càng có thể dùng nhiều vốn vào nhu cầu chung khác của xã hội.

Do đó, Kiểm soát và khuyến khích giảm giá thành sản phẩm – MPE, dưới thời Stalin đã có một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế quốc dân đi lên.