ABC về vấn đề kinh tế xã hội chủ nghĩa P.2




PHẦN 2: ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT XÃ HỘI CHỦ NGHĨA.


11Lực lượng sản xuất.


Lực lượng sản xuất của xã hội xã hội chủ nghĩa là nền sản xuất lớn bằng máy móc trong mọi ngành kinh tế quốc dân, dựa trên cơ sở kỹ thuật cao và lao động của những người lao động đã <THOÁT KHỎI SỰ BÓC LỘT>.

Nền sản xuất lớn bằng máy móc dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là tài sản công cộng, nó phát triển có kế hoạch và dùng để nâng cao phúc lợi vật chất và trình độ văn hóa của toàn thể nhân dân lao động. Đó là sự khác nhau căn bản giữa sản xuất xã hội chủ nghĩa và sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Đặc điểm quan trọng nhất của nền sản xuất lớn bằng máy móc trong xã hội xã hội chủ nghĩa là <TRÌNH ĐỘ KỸ THUẬT CAO, TỐC ĐỘ NHANH VÀ KỸ THUẬT TIẾN BỘ KHÔNG NGỪNG>.

2.    Tiến bộ kỹ thuật.


Trong nền kinh tế quốc dân, sự tiến bộ về kỹ thuật có nghĩa là không ngừng phát triển khoa học và kỹ thuật, nâng cao trình độ văn hóa và kỹ thuật của nhân dân lao động, tổ chức sản xuất hoàn thiện nhất và trên cơ sở đó ra sức nâng cao năng suất lao động xã hội.

Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, trong các ngành sản xuất khác nhau, kỹ thuật được phát triển không ngừng và có kế hoạch trên cơ sở những thành tựu mới nhất của khoa học và những sáng kiến sáng tạo của toàn thể nhân dân lao động. Kỹ thuật tiến bộ là một phương tiện mạnh mẽ để tăng thêm của cải xã hội nhằm không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân.

Phương hướng chủ yếu của sự tiến bộ kỹ thuật dưới chế độ chủ nghĩa xã hội là: cải tiến công cụ sản xuất và các quá trình chế tạo, cơ khí hóa và tự động hóa các quá trình lao động, điện khí hóa nền kinh tế quốc dân, áp dụng rộng rãi hóa học vào sản xuất, sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình. Tất cả những phương hướng phát triển kỹ thuật ấy liên hệ chặt chẽ với nhau và quyết định lẫn nhau. Cơ khí hóa là tiền đề của tự động hóa. Cơ khí hóa và tự động hóa phát triển trên cơ sở điện khí hóa. Nhưng bản thân điện khí hóa không thể thực hiện được nếu không có cơ khí hóa và tự động hóa. Cũng như không có cơ khí hóa, tự động hóa và điện khí hóa thì hóa học cũng không thể thực hiện được.

Cơ sở của tiến bộ kỹ thuật là <CẢI TIẾN CÔNG CỤ SẢN XUẤT>, bao gồm việc phát minh và áp dụng vào sản xuất những máy móc có hiệu suất cao hơn và rẻ tiền hơn. Việc cải tiến công cụ sản xuất liên hệ chặt chẽ với việc <CẢI TIẾN KỸ THUẬT SẢN XUẤT>: phương pháp khai thác, chế biến và sử dụng nguyên vật liệu, áp dụng những loạt nguyên vật liệu mới, áp dụng tốc độ, áp lực, nhiệt độ cao và cao vượt bậc cùng nhiều biện pháp khác làm cho quá trình sản xuất nhanh hơn.

Hiện đại hóa thiết bị có ý nghĩa kinh tế lớn lao động quá trình phát triển kỹ thuật. <HIỆN ĐẠI HÓA> là quá trình đổi mới và cải tiến những thiết bị hiện có bằng cách thay đổi bộ phận máy, những phụ tùng đã cũ kỹ, … Hiệu suất kinh tế của việc hiện đại hóa biểu hiện ở chỗ: khi áp dụng nó có thể tăng được rất nhiều khối lượng sản xuất và cải tiến được các chỉ tiêu chất lượng của xí nghiệp trong một thời gian ngắn, <VỚI> chi phí tương đối ít.

Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, việc cơ khí hóa các quá trình lao động có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc cải tiến sản xuất. <CƠ KHÍ HÓA> các quá trình lao động có nghĩa là thay thế lao động chân tay bằng lao động cơ khí. Nó sẽ làm giảm nhẹ lao động, nâng cao năng suất lao động, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, việc cơ khí hóa toàn bộ được phát triển rất mạnh. Cơ khí hóa toàn bộ có nghĩa là cơ khí hóa tất cả các quá trình sản xuất có liên hệ với nhau, úa trình chính cũng như quá trình phụ. Cơ khí hóa toàn bộ nâng cao được năng suất lao động và chuẩn bị cơ sở cho tự động hóa sản xuất.

Giai đoạn cao nhất của cơ khí hóa đó là <TỰ ĐỘNG HÓA>, nghĩa là áp dụng máy móc tự động trên cơ sở tự điều khiển và hoàn toàn gạt bỏ lao động chân tay.

Tự động hóa nền sản xuất xã hội chủ nghĩa, sẽ làm giảm nhẹ lao động và tiết kiệm lao động, thúc đẩy cải tiến chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Áp dụng tự động hóa (nhất là tự động hóa toàn bộ mọi quá trình sản xuất) sẽ kéo dài thời kỳ phục vụ của thiết bị, tăng thêm sức bền của thiết bị, giảm bớt hao phí năng lượng, tăng thêm kỹ thuật sản xuất và giảm bớt số lượng công nhân viên phục vụ. Do đó, nâng cao rất nhiều năng suất lao động.

<TRÁI VỚI CHỦ NGHĨA TƯ BẢN> là nơi mà việc cơ khí hóa và tự động hóa sản xuất đã ném ra đường phố hàng triệu người thất nghiệp, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, cơ khí hóa và tự động hóa sản xuất <KHÔNG> dẫn đến và <KHÔNG THỂ> dẫn đến thất nghiệp. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, cơ khí hóa và tự động hóa toàn bộ các quá trình sản xuất phù hợp với quyền lợi sống còn của nhân dân lao động, làm giảm nhẹ và thay đổi về căn bản tính chất lao động của hàng triệu người, nâng cao năng suất lao động, tạo điều kiện để rút ngắn ngày làm việc và thủ tiêu sự khác nhau căn bản giữa lao động trí óc và lao động chân tay.

Cơ khí hóa và tự động hóa các quá trình sản xuất gắn liền chặt chẽ với việc điện khí hóa. < ĐIỆN KHÍ HÓA> có nghĩa là áp dụng điện lực vào mọi ngành kinh tế quốc dân, vào đời sống vật chất và văn hóa. Điện lực là cơ sở năng lượng của kỹ thuật hiện đại, của cơ khí hóa, tự động hóa. Nó là cơ sở của quá trình kỹ thuật tối tân, là cơ sở làm cho các quá trình sản xuất tăng nhanh hơn. Nhờ có điện lực, nên đã sản sinh ra những ngành sản xuất mới như: ngành điện luyện kim, ngành điện hóa học, và những phương pháp mới để chế biến về kim loại.

Yếu tố mạnh mẽ để cải tiến kỹ thuật nền kinh tế quốc dân là hóa học. <HÓA HỌC HÓA> có nghĩa là phát triển những phương pháp sản xuất bằng hóa học, và áp dụng nó vào mọi ngành kinh tế quốc dân. Phương pháp chế biến bằng hóa học sẽ đẩy nhanh các quá trình sản xuất và tận dụng hết nguyên liệu. Đồng thời, nó có thể tạo ra những loại nguyên vật liệu mới.

Đỉnh cao nhất của giai đoạn phát triển kỹ thuật hiện nay là sử dụng <NĂNG LƯỢNG BÊN TRONG NGUYÊN TỬ>. Ở Liên Xô đã bắt đầu xây dựng ngành công nghiệp nguyên tử nó có triển vọng rất lớn. Năm 1954, nhà máy điện nguyên tử đầu tiên trên thế giới bắt đầu hoạt động. Năm 1958, đã bắt đầu sử dụng bộ phận đầu tiên (với công suất là 100 nghìn KW) của nhà máy điện nguyên tử lớn nhất trên thế giới với công suất là 600 nghìn KW.

Đó là phương hướng chủ yếu của sự tiến bộ kỹ thuật, nó đang được thực hiện thắng lợi nhờ tinh thần lao động dũng cảm xủa nhân dân Liên Xô. Thành tích của nền khoa học và kỹ thuật Xô viết biểu hiện ở chỗ: Liên Xô là quốc gia đầu tiên trên thế giới xâ dựng xong nhà máy điện nguyên tử, phóng thành công các vệ tinh nhân tạo và tên lửa vũ trụ có thể lên mặt trăng, hoàn thành chiếc tàu phá băng nguyên tử mang tên lãnh tụ vĩ đại “V.I. Lenin”.

Nền sản xuất lớn bằng máy móc của xã hội xã hội chủ nghĩa có đặc điểm là trình độ xã hội hóa cao. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, việc xã hội hóa sản xuất biểu hiện dưới hình thức tích tụ hóa, chuyên môn hóa và hợp tác hóa.

<TÍCH TỤ SẢN XUẤT> có nghĩa là tập trung sản xuất, sức lao động và sản lượng vào trong những xí nghiệp ngày càng lớn. Nền sản xuất xã hội chủ nghĩa có trình độ tích tụ <CAO NHẤT THẾ GIỚI>. Một trong những hình thức biển hiện của tích tụ sản xuất là liên hợp hóa.

<LIÊN HỢP HÓA SẢN XUẤT> có nghĩa là tập trung vào trong một xí nghiệp lớn các ngành sản xuất khác nhau có liên hệ với nhau bởi một quá trình chế tạo. Thế có nghĩa là Nhà máy liên hợp luyện kim sẽ có bao gồm cả đầy đủ của cả một chu kỳ sản xuất luyện kim. Nhà máy liên hợp đó gồm có các phân xưởng luyện kim khổng lồ, các phân xưởng và xí nghiệp thuộc các ngành công nghiệp khai khoáng, sản xuất than cốc hóa học, sản xuất vật chịu lửa, … Nhà máy liên hợp là <MỘT KHỐI THỐNG NHẤT> hữu cơ về sản xuất và kỹ thuật. Một ví dụ khác, có thể là nhà máy liên hợp dầu hỏa hóa học, những nhà máy này đảm bảo việc chế biến hoàn toàn dầu hỏa theo phương pháp hóa học: sản xuất nhiên liệu động cơ và dầu máy, cao su tổng hợp và cồn, a-xít a-xê-tích, a-xê-tôn, chất dẻo và các ngành sản xuất hóa học hữu cơ khác. Liên hợp hóa sản xuất đã được áp dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp làm giấy, thực phẩm, dệt và các ngành công nghiệp khác tại Liên Xô trong đầu thập niên 50.

Một trong những đặc điểm nổi bật của nền sản xuất xã hội chủ nghĩa là mở rộng việc <CHUYÊN MÔN HÓA> một cách có kế hoạch giữa các xí nghiệp. <CHUYÊN MÔN HÓA> là quá trình xây dựng những xí nghiệp có thiết bị riêng, có quá trình chế tạo riêng, có cán bộ chuyên môn riêng, sản xuất ra nhũng thành phẩm nhất định hay những bộ phận của thành phẩm.

Chuyên môn hóa được xây dựng trên cơ sở phân công giữa các xí nghiệp. Trong các xí nghiệp chuyên môn hóa, có rất nhiều khả năng to lớn để áp dụng những thiết bị có năng suất cao, áp dụng tiêu chuẩn hóa và sản xuất theo lối dây chuyền và hàng loạt. Nhờ có chuyên môn hóa nên năng suất lao động tăng lên không ngừng.

Giữa các xí nghiệp chuyên môn hóa, phải có mối liên hệ sản xuất chặt chẽ. Mối liên hệ ấy được thực hiện bằng cách hợp tác hóa. <HỢP TÁC HÓA> là xây dựng một cách có kế hoạch những mối liên hệ sản xuất đều đặn giữa những xí nghiệp cùng nhau sản xuất ra một loại sản phẩm nhất định, nhưng lại là những xí nghiệp độc lập về kinh tế.

Người ta cần phân biệt việc hợp tác hóa trong một bộ phận khu vực và việc hợp tác hóa giữa các khu vực. Hợp tác hóa trong <NỘI BỘ> khu vực là những mối liên hệ sản xuất giữa các xí nghiệp trong phạm vi một khu vực kinh tế - hành chính, còn hợp tác hóa giữa các xí nghiệp thuộc <CÁC> khu vực là những mối liên hệ sản xuất giữa các xí nghiệp thuộc các khu vực kinh tế - hành chính khác nhau.

Những hình thức nói trên của việc xã hội hóa sản xuất xã hội chủ nghĩa <KHÔNG NHỮNG> là đặc điểm của công nghiệp, mà còn là đặc điểm của <TẤT CẢ NHỮNG NGÀNH KHÁC>, kể cả nông nghiệp. Hệ thống nông nghiệp bao gồm nhiều ngành, có liên quan chặt chẽ với việc chuyên môn hóa sản xuất.

Những xí nghiệp lớn xã hội chủ nghĩa xây dựng trên cơ sở kỹ thuật cao, là một mặt của lực lượng sản xuất. Mặt khác, phần chủ yếu của lực lượng sản xuất là sức lao động, là công nhân sản xuất cùng những thói quen lao động của họ.

3.    Nhân dân lao động – lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội.


Trong quá trình sản xuất của cải vật chất, con người cải tiến công cụ lao động, sáng chế ra máy móc, khai thác các tài nguyên thiên nhiên, đồng thời làm phong phú và hoàn thiện kinh nghiệm sản xuất, những kiến thức về kỹ thuật của mình. Không có con người thì bất cứ kỹ thuật nào cũng đều là kỹ thuật chết và chỉ có con người mới làm cho nó hoạt động được. Do đó, con người đóng vai trò quyết định trong việc phát triển sản xuất. Lenin đã nói: lực lượng sản xuất thứ nhất của toàn thể nhân loại là công nhân, nhân dân lao động. Nền sản xuất lớn bằng máy móc và sự tiến bộ của kỹ thuật trong mọi ngành kinh tế quốc dân đòi hỏi ngày càng phải có nhiều công nhân lành nghề, có trình độ học thức. Xã hội xã hội chủ nghĩa luôn luôn quan tâm nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân. Việc đào tạo có kế hoạch hàng loạt công nhân lành nghề được tiến hành bằng hệ thống trường kỹ thuật và dạy nghề của Nhà nước và của công xưởng. Hàng năm phát triển và đào tạo cán bộ công nhân lành nghề trong các xí nghiệp bằng cách mở các loại lớp học, tiến hành học tập cá nhân và tập thể.

Chủ nghĩa xã hội đảm bảo trình độ văn hóa và kỹ thuật cao nhất cho toàn thể nhân dân lao động. Điều đó thể hiện rõ trong việc thay đổi thành phần nghề nghiệp, trong việc nâng cao trình độ học thức của giai cấp công nhân và nông dân. Tổng số chuyên gia có trình độ chuyên môn trung – cao cấp trong nền kinh tế quốc dân Liên Xô (ko tính trong quân đội) giữa thập niên 50 có gần 7.500.000 người, mà năm 1913 dưới thời Nga hoàng chỉ có 190.000 người.

Sự phát triển của nền sản xuất lớn bằng máy móc trên cơ sở ưu tiên phát triển sản xuất tư liệu sản xuất, đã làm tăng số lượng giai cấp công nhân. Nếu như năm 1928, tổng số công nhân và viên chức ở Liên Xô là 10,8 triệu người, thì năm 1958 là 54,6 triệu người. Tỷ trọng công nhân làm việc trong các ngành công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải, tăng lên rất nhanh.

Chế độ xã hội chủ nghĩa đảm bảo sự phát triển chưa từng thấy tính tích cực sáng tạo của đông đảo quần chúng nhân dân. Điều đó biểu hiện ở phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa, phong trào sáng chế phát minh. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, mỗi một người lao động làm việc cho mình, cho xã hội của mình, đều quan tâm đến việc tăng năng suất lao động, việc phát triển nhanh chóng và không ngừng lực lượng sản xuất.

4.     Quan hệ sản xuất.


Quan hệ sản xuất là quan hệ giữa người với người nảy sinh ra trong quá trình sản xuất, trao đổi và phân phối của cải vật chất. Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa về căn bản khác với quan hệ sản xuất của chủ nghĩa tư bản và của hình thái xã hội khác trên cơ sở chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất.

5.     Chế độ công hữu về tư liệu sản xuất – cơ sở của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.


Chế độ công hữu về tư liệu sản xuất là cơ sở của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Chế độ sở hữu về tư liệu sản xuất và vật phẩm tiêu dùng đã tồn tại và sẽ tồn tại mãi mãi. Chỉ có những kẻ vu khống chủ nghĩa Mác mới khẳng định những người cộng sản sẽ đi đến thủ tiêu mọi chế độ sở hữu. Thực ra trong các văn kiện có tính chất cương lĩnh đầu tiên của chủ nghĩa cộng sản khoa học, tức trong “Tuyên ngôn của ĐẢng Cộng sản, Mác và Ăng-ghen đã viết: “Đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà là xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản”. (Mác – Ăng-ghen tuyển tập, tập 1).

Chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất có những đặc điểm gì ? Chế độ công hữu về tư liệu sản xuất có nghĩa là tư liệu sản xuất thuộc về nhân dân lao động, nó không còn là tư bản, không còn là công cụ bóc lột.

Chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, quyết định tính chất của quan hệ giữa người ta với nhau trong quá trình sản xuất, trao đổi và phân phối. Đặc điểm của những mối quan hệ ấy là sự hợp tác đồng chí và sự tương trợ xã hội chủ nghĩa của những người đã thoát khỏi sự bóc lột, là sự phân phối sản phẩm phù hợp với lợi ích của nhân dân lao động theo nguyên tắc: LÀM THEO NĂNG LỰC, HƯỞNG THEO LAO ĐỘNG.

Thực tế, khi tư liệu sản xuất thuộc về nhân dân lao động, khi mỗi một thành viên của xã hội nói riêng và toàn thể xã hội nói chung cùng quan tâm đến việc nâng cao sản xuất, thì quan hệ giữa người với người trở thành quan hệ hữu nghị. Do mong muốn sản xuất thật nhiều sản phẩm tiêu dùng, cho nên người ta ra sức giúp đỡ nhau để thu được những thành tích lớn lao hơn nữa. Sự cùng chung quyền lợi giữa giai cấp công nhân, nông dân, giới trí thức và mọi thành viên trong xã hội xã hội chủ nghĩa đã thoát khỏi sự bóc lột, - là cơ sở của sự hợp tác theo tinh thần đồng chí và tương trợ xã hội chủ nghĩa. Những mối quan hệ ấy hình thành nên trong nội bộ xí nghiệp, giữa các xí nghiệp với nhau, giữa các xí nghiệp quốc doanh và nông trang tập thể, giữa giai cấp công nhân và nông dân, …

Quan hệ hợp tác tương trợ theo tinh thần đồng chí, tích cực sáng tạo chung của mọi người, đã mở ra những khả năng vô tận để phát triển lực lượng sản xuất.

Mâu thuẫn đối kháng giữa tính chất xã hội của sản xuất và hình thức chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa và kết quả sản xuất là mâu thuẫn vốn có của chủ nghĩa tư bản. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, mâu thuẫn ấy đã bị thủ tiêu. Ở đây việc chiếm hữu công cộng về sản phẩm lao động, phù hợp với tính chất xã hội của sản xuất. Do đó, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa đã mở ra một địa bàn rộng rãi để không ngừng phát triển lực lượng sản xuất với tốc độ cao. Trong 40 năm (1918-1957) tốc độ tăng trung bình hàng năm của sản lượng công nghiệp Liên Xô là 10,1%; Mỹ -3,2%; Anh – 1,9%; Pháp -3,2%. Nhưng trong suốt thời kỳ ấy, Liên Xô đã mất 20 năm vì chiến tranh (1918-1921: Nội chiến – 1941-1945: Chiến tranh vệ quốc) tàn phá đất nước và thời kỳ khôi phục kinh tế (1921-1925 và 1945-1950).

Lực lượng sản xuất càng phát triển thì quan hệ sản xuất xã hội xã hội chủ nghĩa càng được cải tiến và thay đổi dần dần. Nhưng bản thân quan hệ sản xuất không bị động đối với lực lượng sản xuất. Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, một khi đã được cải tiến thì mở ra một địa bàn rộng lớn cho lực lượng sản xuất phát triển.

6.     Hai hình thức sở hữu xã hội chủ nghĩa.


Chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa ra đời trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội.

Sau khi giành được chính quyền, một mặt, giai cấp công nhân gặp phải chế độ đại sở hữu tư bản chủ nghĩa dựa trên cơ sở bóc lột lao động của người khác. Chế độ đại sở hữu tư bản chủ nghĩa bị         <QUỐC HỮU HÓA> và chuyển sang tay Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Thế là sinh ra chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa Nhà nước. Mặt khác, giai cấp công nhân gặp phải chế độ tư hữu nhỏ của nông dân và những người thủ công dựa trên cơ sở lao động cá nhân. Những người trung và tiểu sản xuất hàng hóa <TỰ NGUYỆN LIÊN HỢP LẠI> trong các hợp tác xã sản xuất và tải sản của họ được xã hội hóa trên cơ sở hợp tác.  Thế là sinh ra chế độ sở hữu hợp tác xã – nông trang tập thể.

Do đó, trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản, chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa tồn tại dưới hai hình thức: 1. Dưới hình thức sở hữu Nhà nước, tức là sở hữu toàn dân do Nhà nước xã hội chủ nghĩa đại biểu, và 2. Dưới hình thức sở hữu hợp tác xã – nông trang tập thể, tức là sở hữu của các nông trang tập thể và của các tổ chức hợp tác xã. Sự tồn tại của hai hình thức sở hữu xã hội chủ nghĩa quyết định sự tồn tại của hai hình thức xí nghiệp xã hội chủ nghĩa có cùng một bản chất xã hội như nhau: xí nghiệp quốc doanh và xí nghiệp hợp tác xã – nông trang tập thể.

Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chiếm địa vị thống trị tuyệt đối trong mọi ngành kinh tế quốc dân. Như Liên Xô năm 1950, chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa chiếm 99,4% toàn bộ tư liệu sản xuất sử dụng trong nước. Sở hữu Nhà nước, toàn dân là hình thức sở hữu chủ đạo và chiếm ưu thế trong tất cả các nước xã hội chủ nghĩa.

Ở Liên Xô, sở hữu Nhà nước (toàn dân) gồm có ruộng đất, khoáng sản, sông ngòi, rừng, nhà máy, công xưởng, hầm mỏ, vận tải đường sắt, đường thủy và đường hàng không, ngân hàng, bưu điện, nông trường quốc doanh, trạm kỹ thuật – sửa chữa, trạm máy nông nghiệp, xí nghiệp thương nghiệp và thu mua quốc doanh, xí nghiệp công ích, nhà cửa ở thành thị và các khu công nhân cùng những sản phẩm sản xuất ra trong xí nghiệp quốc doanh.

Ở Liên Xô, tài sản toàn dân bao gồm hơn 200.000 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, toàn bộ hệ thống đường sắt (giữa thập niên 50 là 123.000 km), các xí nghiệp vận tải đường thủy và đường không, gần 6.000 nông trường quốc doanh và 4.345 trạm kỹ thuật – sửa chữa và trạm máy nông nghiệp, …

Ở Liên Xô, sở hữu hợp tác xã – nông trang tập thể là <TÀI SẢN> của 69.100 nông trang tập thể: máy móc nông nghiệp, máy kéo, máy liên hợp gặt đập, … ; các công trình kiến trúc để kinh doanh, súc vật lấy sản phẩm và súc vật làm việc đã công hữu hóa, các xí nghiệp phụ chế biến nông phẩm, các nhà máy điện của nông trang, mạng lưới cơ quan sinh hoạt - văn hóa cùng những sản phẩm sản xuất ra trong nông trang và trong các xí nghiệp hợp tác xã khác.

Hình thức sở hữu hợp tác xã không những chỉ tồn tại trong nông nghiệp. Nó còn tồn tại cả trong các xí nghiệp ác-ten thủ công, chủ yếu là phát triển sản xuất vật phẩm tiêu dùng hàng ngày bằng nguyên liệu địa phương.

Hợp tác xã tiêu dùng, chủ yếu của dân cư nông thôn, là những xí nghiệp hợp tác trong thương nghiệp Liên Xô. Hợp tác xã tiêu dùng tập hợp 34 triệu xã viên và có gần 270.000 xí nghiệp: cửa hàng, nhà ăn, phòng trà …

Đó là những hình thức chủ yếu của tổ chức hợp tác xã – nông trang tập thể ở Liên Xô. Những hình thức tổ chức hợp tác xã – nông trang tập thể ấy cũng đã được phát triển ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa khác.

Hình thức sở hữu hợp tác xã và hình thức sở hữu Nhà nước (toàn dân) là hai hình thức sở hữu xã hội chủ nghĩa cùng phục vụ một mục đích chung – xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa. Đứng về bản chất kinh tế và xã hội mà xét, thì cả hai hình thức ấy đều cùng một loại như nhau. Điểm giống nhau của nó là ở chỗ nào ?

Thứ nhất, các xí nghiệp quốc doanh và các đơn vị kinh tế tập thể đều dựa trên cơ sở những tư liệu xã hội hóa theo lối xã hội chủ nghĩa và trên cơ sở lao động tập thể; Thứ hai, đều xóa bỏ chế độ người bóc lột người; Thứ ba, đều kinh doanh theo kế hoạch, nhằm nâng cao phúc lợi của nhân dân lao động; Thứ tư, đều thực hiện nguyên tắc phân phối xã hội chủ nghĩa: phân phối theo lao động.

Hai hình thức sở hữu ấy, có những điểm giống nhau nhưng không có nghĩa là không có sự khác nhau nào. Sự khác nhau căn bản giữa sở hữu Nhà nước và sở hữu tập thể là ở trình độ xã hội hóa tư liệu sản xuất theo lối xã hội chủ nghĩa. Nếu như trong các xí nghiệp quốc doanh, mọi tư liệu sản xuất đều xã hội hóa trong phạm vi toàn xã hội (tài sản toàn dân), thì trong xí nghiệp hợp tác xã – nông trang tập thể, tư liệu sản xuất là tài sản của các tập thể riêng lẻ (nông trang tập thể, ác-ten thủ công). Sản phẩm của các xí nghiệp quốc doanh là của toàn dân. Sản phẩm của sản xuất nông trang tập thể là tài sản của nông trang đó.

Trình độ xã hội hóa sản xuất khác nhau đẻ ra hình thức trả công khác nhau cho những người sản xuất và đẻ ra những hình thức tổ chức quản lý kinh tế khác nhau. Hiện nay, cơ quan quản lý chủ chốt tong công nghiệp và ngành kiến trúc ở Liên Xô là các Hội đồng kinh tế quốc dân của các khu vực kinh tế - hành chính. Nhà nước xã hội chủ nghĩa quản lý các xí nghiệp quốc doanh bằng cách thông qua những người được ủy quyền, tức giám đốc xí nghiệp mà các cơ quan Nhà nước có quyền bổ nhiệm và cách chức. Trong các xí nghiệp hợp tác xã – nông trang tập thể, mọi công việc đều do đại hội xã viên và ban quản trị do đại hội bầu ra, đứng đầu là chủ tịch, lãnh đạo.

Lực lượng sản xuất phát triển, sẽ mở rộng trình độ xã hội hóa sản xuất của nông trang tập thể, dần dần nâng hình thức sở hữu nông trang tập thể lên đến trình độ sở hữu toàn dân. Tức là, giai đoạn cộng sản chủ nghĩa, thì hình thức sở hữu hợp tác xã – nông trang tập thể và hình thức sở hữu toàn dân trong xí nghiệp sẽ hợp thành một hình thức sở hữu toàn dân duy nhất.

7.     Sở hữu cá nhân.


Chế độ công hữu dưới chế độ xã hội chủ nghĩa bao gồm tư liệu sản xuất và sản phẩm sản xuất ra. Một phần sản phẩm đó (vật phẩm tiêu dùng) được phân phối giữa những người sản xuất phù hợp với số lượng và chất lượng lao động của mỗi người, và trở thành sở hữu cá nhân của những người đó.

Sở hữu cá nhân dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là sở hữu của từng người trong xã hội về những sản phẩm lao động dùng để tiêu dùng cá nhân. Ở Liên Xô, sở hữu cá nhân gồm có các khoản thu nhập và tiền tiết kiệm do lao động mà có, một phần nhà ở, đồ dùng hàng ngày trong gia đình, vật phẩm tiêu dùng cá nhân.

Một hình thức <ĐẶC BIỆT> của sở hữu cá nhân trong xã hội chủ nghĩa là kinh tế cá nhân của mỗi hộ nông trang tập thể. Kinh tế cá nhân của mỗi hộ nông trang tập thể gồm có nhà ở, các công trình kinh doanh, súc vật và gia cầm ăn thịt, nông cụ nhỏ cần cho việc canh tác trên khoảnh đất cạnh nhà. Nó dựa trên cơ sở lao động cá nhân của nông trang viên và của những người trong gia đình nông trang viên, nó mang tính chất phụ trợ. Kinh tế công cộng của các nông trang tập thể càng thêm phát triển thì kinh tế phụ cá nhân của nông trang viên sẽ dần dần mất hết ý nghĩa.

Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, nguồn sở hữu cá nhân chủ yếu là lao động trong nền sản xuất xã hội. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, sự thống trị của chế độ công hữu về tư liệu sản xuất tạo cơ sở vững chắc để ngày càng thỏa mãn đầy đủ hơn nhu cầu cá nhân của nhân dân lao động và tăng tài sản cá nhân của họ. Điều đó được đảm bảo thực hiện, vì chúng ta thi hành triệt để nguyên tắc lợi ích vật chất cá nhân bằng cách trả công phù hợp với số lượng và chất lượng của lao động.

Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, không thể lợi dụng sở hữu cá nhân để làm tổn hại đến lợi ích của công dân nói riêng và Nhà nước nói chung.


8.     Các quy luật kinh tế.


Trên cơ sở chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, phát sinh ra các quy luật kinh tế như: quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa xã hội, quy luật phát triển có kế hoạch và cân đối của nền kinh tế quốc dân, quy luật phân phối theo lao động, … Những quy luật kinh tế ấy ngày càng phát triển và mở rộng phạm vi hoạt động. Các quy luật kinh tế của chủ nghĩa xã hội biểu hiện bản chất của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa và có tính chất khách quan. Nó ra đời và hoạt động ngoài ý chí và nguyện vọng của con người. Nhưng điều đó không có nghĩa là các quy luật kinh tế, cũng giống như các quy luật tự nhiên, tự nó hoạt động, không cần hành động của con người. Quy luật kinh tế là những quy luật của quan hệ sản xuất, không thể hoạt động, không thể hoạt động ở những chỗ không có con người và không có nền sản xuất xã hội của con người. Tính chất khách quan của các quy luật kinh tế của chủ nghĩa xã hội chỉ có nghĩa là trong hoạt động của mình, con người phải căn cứ vào các quy luật đó, không thể không tính đến sự hoạt động của các quy luật đó.

Không hiểu tính chất khách quan của các quy luật kinh tế của chủ nghĩa xã hội, không chú ý đến nó trong hoạt động kinh tế, thì sẽ gây ra những hậu quả xấu. Các quy luật kinh tế sẽ tự bộc lộ ra, nếu như con người vi phạm nó.

Tính chất sự hoạt động của các quy luật kinh tế của chủ nghĩa xã hội, về căn bản khác với tính chất biểu hiện của các quy luật kinh tế của chủ nghĩa tư bản. Sự khác nhau đó biểu hiện ở chỗ: nó không phải hoạt động một cách tự phát dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, mà xã hội có thể vận dụng nó một cách có ý thức và có tổ chức. Theo Ăng-ghen thì sự khác nhau giữa các quy luật kinh tế của chủ nghĩa tư bản và các quy luật kinh tế chủ nghĩa xã hội cũng giống như sự khác nhau giữa chớp lòe trong đám mây đen và điện lực tong tay con người.

Chế độ công hữu liên kết sự hoạt động của con người vào trong một nền kinh tế thống nhất với sự lãnh đạo thống nhất. Do đó xã hội không phải phát tiển một cách tự phát. Sinh ra khả năng và sự cần thiết phải vận dụng một cách có ý thức các quy luật kinh tế của chủ nghĩa xã hội trong phạm vi toàn xã hội. Ví dụ, nếu không có chế độ tập trung trong việc giải quyết những vấn đề chủ yếu thì không thể phát triển kinh tế một cách có kế hoạch được. Nếu không có một kế hoạch thống nhất của Nhà nước thì những kế hoạch riêng lẻ của các xí nghiệp cũng mất hết ý nghĩa, bởi vì sự hoạt động của mỗi xí nghiệp sẽ đi đến chỗ thích ứng với tính tự phát của thị trường luôn luôn thay đổi. Tính tự phát và chủ nghĩa xã hội không thể dung hòa với nhau được, cái nọ bài trừ cái kia.

Cần nhận thức một cách khoa học các quy luật kinh tế của chủ nghĩa xã hội, để vận dụng nó vào hoạt động thực tiễn của xã hội, để vạch ra và thực hiện chính sách kinh tế của Đảng của giai cấp công nhân nhằm xây dựng chủ nghĩa cộng sản.


9.     Quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa xã hội.


Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, trong điều kiện của chế độ công hữu và chính quyền thuộc về giai cấp công nhân, những mơ ước hàng bao đời của nhân dân lao động về việc cải thiện mức sống vật chất và văn hóa của mình, đã được thực hiện một cách thực sự. Nền sản xuất xã hội chủ nghĩa được tổ chức ra nhằm mục đích thõa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân lao động. Chỉ có nhằm vào lợi ích của quần chúng, nhằm vào việc nâng cao mức sống của họ, nhằm làm thỏa mãn đầy đủ nhu cầu ngày càng tăng của mọi người trong xã hội, thì mới có thể phát triển thắng lợi nền sản xuất xã hội chủ nghĩa. Thõa mãn nhu cầu của quần chúng nhân dân lao động, trở thành nhiệm vụ tự nhiên của nó.

Những người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học đã vạch rõ đặc điểm có tính chất nguyên tắc của nền sản xuất xã hội chủ nghĩa so với những phương thức sản xuất trước đó. Lenin đã chỉ ra rằng xã hội tư bản chủ nghĩa sẽ được thay thế bằng xã hội xã hội chủ nghĩa “… để đảm bảo phúc lợi và sự phát triển toàn diện của mọi người trong xã hội …”. Lenin đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có khả năng làm cho nền sản xuất xã hội và sự phân phối sản phẩm trên cơ sở khoa học, hoàn toàn phục tùng lợi ích và nhu cầu của con người, để làm cho đời sống của toàn thể nhân dân lao động được dễ chịu hơn, vui vẻ hơn và có hạnh phúc hơn.

Lenin đã nói rằng, nếu như trước kia toàn bộ tri tuệ của loài người, toàn bộ thiên tài của loài người chỉ sáng tạo ra để cung cấp cho một số người này hết thảy mọi của cải kỹ thuật và văn hóa, đồng thời tước đoạt của một số người khác những cái cần thiết nhất, tức là sự giáo dục và phát triển, thì trong chủ nghĩa xã hội, hết thảy mọi thành quả kỹ thuật, hết thảy mọi thành quả của văn hóa đều trở thành tài sản chung của toàn dân, và từ nay về sau, trí tuệ và thiên tài của con người sẽ không biến thành thủ đoạn bạo lực, thủ đoạn bóc lột.

Đặc điểm quan trọng đó củ nền sản xuất xã hội chủ nghĩa được biểu hiện một cách khoa học trong “quy luật cơ bản của chủ nghĩa xã hội”. Thực chất của nó là ở chỗ: mục đích trực tiếp của nền sản xuất xã hội chủ nghĩa là thỏa mãn đầy đủ nhất nhu cầu “NGÀY CÀNG TĂNG” của toàn xã hội bằng cách phát triển nhanh chóng và không ngừng nền sản xuất xã hội chủ nghĩa trên cơ sở kỹ thuật cao.

Trên thực tế, nghĩa là toàn bộ sự hoạt động của Đảng và Nhà nước xã hội chủ nghĩa nhằm phát triển kinh tế và văn hóa xã hội chủ nghĩa, đều phục tùng một mục đích nhân đạo căn bản là thỏa mãn ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất và văn hóa của xã hội. Quan tâm đến lợi ích của nhân dân, đó chính là điều mà Đảng và Chính phủ phải luôn luôn mong muốn và tuân theo.

Cái gì quyết định việc hoàn toàn thắng lợi nhiệm vụ ấy ? Phương tiện chủ yếu để giải quyết nhiệm vụ đó là phát triển sản xuất nhanh chóng trên cơ sở kỹ thuật cao. Điều đó có nghĩa là, mỗi một người lao động trong xã hội xã hội chủ nghĩa, với tinh thần lao động quền mình, sẽ tạo ra khả năng nâng cao không ngừng phúc lợi của nhân dân (còn về động lực sẽ giải thích cụ thể trong P.3)

Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, mục đích của sản xuất không những để thỏa mãn nhu cầu của cá nhân, mà còn thỏa mãn nhu cầu của xã hội. Trong phạm vi xã hội chủ nghĩa, nếu con người cùng nhau phát triển sản xuất, thì chẳng những nhu cầu cá nhân, mà cả nhu cầu xã hội cũng được thỏa mãn. Nếu làm khác đi thì xã hội không thể tồn tại như một khối thống nhất. Nhu cầu chung (mở rộng sản xuất, quản lý hành chính, quốc phòng, nhu cầu văn hóa -xã hội, phụ cấp cho những người mất sức lao động) luôn luôn phải được đặt lên hàng đầu. Việc thỏa mãn mọi nhu cầu của cá nhân, quy đến cùng là do việc thỏa mãn nhu cầu của xã hội quyết định.

Mục đích phát triển của sản xuất vốn có của chủ nghĩa xã hội, đồng thời cũng là động lực phát triển của sản xuất. Những người lao động trong xã hội xã hội chủ nghĩa đều hiểu rằng chỉ có đảm bảo phát triển sản xuất một cách nhanh chóng và liên tục mới có thể không ngừng nâng cao mức sống của mình.

10. Vai trò kinh tế của nhà nước xã hội chủ nghĩa.


Sự phát triển của lực lượng sản xuất và việc cải tiến quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, không phải diễn ra một cách tự phát. Vai trò quyết định trong việc tổ chức sản xuất, phân phối và trao đổi sản phẩm trong mọi giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội đều thuộc về Nhà nước xã hội chủ nghĩa do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo.

Nhà nước xã hội chủ nghĩa sở dĩ đóng được vai trò tổ chức và động viên trong đời sống kinh tế của đất nước, là vì trong tay Nhà nước tập trung những tư liệu sản xuất chủ yếu, bộ máy thương nghiệp và tài chính, bộ máy quản lý tất cả các ngành kinh tế quốc dân, các cán bộ sản xuất, khoa học và kỹ thuật.

Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, Nhà nước xã hội chủ nghĩa đã thể hiện lợi ích của nhân dân, tức là những người tạo ra giá trị vật chất, những người với lao động sáng tạo của mình, đảm bảo cho xã hội tồn tại và phát triển. Toàn bộ sự hoạt động của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, Nhà nước chuyên chính của giai cấp công nhân đều được sự ủng hộ và sự tham gia tích cực của đông đảo quần chúng nhân dân lao động.

Căn cứ vào các quy luật kinh tế của chủ nghĩa xã hội, Nhà nước xã hội chủ nghĩa vạch ra các kế hoạch phát triển kinh tế và văn hóa, động viên toàn thể nhân dân lao động thực hiện các kế hoạch ấy. Nhà nước xã hội chủ nghĩa quy định quy mô, tốc độ, tỷ lệ phát triển mọi ngành kinh tế quốc dân; quy định khối lượng và kết cấu vốn đầu tư cơ bản. Nhà nước xã hội chủ nghĩa tổ chức các hoạt động tín dụng và tài chính, lập ra ngân sách Nhà nước và đảm bảo thực hiện ngân sách đó, phân phối thu nhập quốc dân, quy định tỷ lệ tích lũy và tiêu dùng. Nhà nước kiểm kê và kiểm soát nghiêm chỉnh mức lao động và mức tiêu dùng. Nhà nước xã hội chủ nghĩa định ra chính sách tiền lương, tổ chức việc lưu thông hàng hóa, quy định giá cả hàng hóa… Nhà nước đào tạo và phân phối cán bộ, giáo dục và bồi dưỡng cán bộ. Nhà nước tổ chức ra mọi mắt khâu của bộ máy quản lý hành chính.

Chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của xã hội đối với toàn bộ công cuộc phát triển kinh tế. Muốn thực hiện điều đó phải thông qua Nhà nước. Hơn nữa, chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa càng phát triển, thì sự lãnh đạo chung của Nhà nước đối với kinh tế càng trở nên quan trọng.

Nhà nước xã hội chủ nghĩa lãnh đạo kinh tế theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Chế độ tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản của việc quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, nguyên tắc này kết hợp với sự lãnh đạo kinh tế có kế hoạch tập trung với chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa được dựa trên cơ sở sáng kiến và tính tích cực của quần chúng lao động.

Việc tổ chức quản lý kinh tế trên cơ sở chế độ tập trung dân chủ đòi hỏi các cơ quan trung ương chỉ tập trung lãnh đạo một cách có kế hoạch những vấn đề cơ bản. Tập trung quản lý những vấn đề cơ bản ấy phải kết hợp sự phát triển tối đa sáng kiến của đại phương và tính độc lập sáng tạo của đông đảo quần chúng lao động. Lenin đã viết rằng, dưới chế độ tập trung dân chủ, “trong những vấn đề cơ bản, căn bản, chủ yếu, sự thống nhất không những không bị phá hoại, mà trái lại còn được đảm bảo bằng muôn vạn trạng trong những chi tiết, trong những đặc điểm địa phương, trong cách đề cập vấn đề, trong những phương pháp thực hiện việc kiểm tra”.

Ngoài chức năng tổ chức kinh tế và văn hóa giáo dục, Nhà nước xã hội chủ nghĩa còn hoàn thành những chức năng khác nữa. Nó tổ chức quốc phòng và bảo vệ chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa.

#Gấu