CHỦ NGHĨA MÁC VÀ VẤN ĐỀ DÂN TỘC
Đăng tải : Lịch sử Liên Xô huyền thoại và Sự thật
Biên tập: ad Gấu
Giới thiệu: Chủ nghĩa Mác và vấn đề dân tộc, viết vào cuối năm 1912
và đầu năm 1913 ở Viên, đã đăng lần đầu tiên trong các số 3, 4 và 5, tạp chí
Giáo dục năm 1913, ký tên “K. Sta-lin”, dưới nhan đề: “Vấn đề dân tộc và chủ nghĩa xã hội dân chủ”. Năm 1914, bài của Sta-lin
xuất bản thành sách dưới nhan đề: Vấn đề
dân tộc và chủ nghĩa Mác, do Nhà xuất bản Pơ-ri-bôi (Pê-téc-bua) xuất bản.
Theo lệnh của tên Bộ trưởng bộ Nội vụ, tập sách ấy bị loại ra khỏi tất cả thư
viện công cộng và phòng đọc sách.
Năm 1920, tác phẩm ấy được Bộ Dân ủy dân tọc
tái bản trong “Tập lục các bài báo” về vấn đề dân tộc của Sta-lin (Nhà xuất bản
Quốc gia Tula). Năm 1934, tác phẩm ấy lại được in trong quyển J. Sta-lin, Chủ nghĩa Mác và vấn đề dân tộc
và thuộc địa, tập lục các bài báo và diễn văn.
Trong một bài báo nhan đề “Bàn về cương lĩnh dân tộc của Đảng Công nhân
xã hội-dân chủ Nga”, Lê-nin chỉ rõ những lý do đã đưa vấn đề dân tộc lên
hàng đầu trong thời kỳ ấy, Người đã viết: “Trong
các văn kiện lý luận mác-xít, tình trạng thực tế đó và những nguyên tắc về
cương lĩnh dân tộc của Đảng xã hội – dân chủ thời gian gần đây đã được đề cập
đến (trong đó trước hết phải kể bài của Sta-lin)”.
Tháng Hai (lịch mới) 1913, Lê-nin viết cho
Gooc-ki: “Ở đây chúng ta có một đồng chí
Giê-ooc-gi phi thường, sau khi đã lượm lặt tất cả tài liệu của Áo và của các
nước khác nữa, đồng chí ấy đã tự lãnh trách nhiệm viết một bài báo vĩ đại cho
tờ Giáo dục”. Sau khi nghe nói người ta có ý coi bài đó chỉ như một việc
đóng góp tầm thường vào cuộc thảo luận, Lê-nin đã cương quyết lên tiếng phản
đối: “Thật thế, chúng ta tuyệt đối chống
lại thái độ ấy. Đó là một bài đặc sắc. Bài ấy bàn đến một vấn đề thời sự nóng
hổi, và trên lập trường nguyên tắc, chúng ta sẽ không một mảy may nhượng bộ bọn
chó chết trong phái Bun đó” (Lưu trữ văn kiện của Viện Mác - Ăng-ghen –
Lê-nin).
Tháng Ba 1913, một thời gian ngắn sau khi
Sta-lin bị bắt, Lê-nin đã viết cho tòa soạn tờ Người xã hội-dân chủ: “… Chúng ta vừa bị những vụ bắt bớ rất đau
đớn. Cô-ba (nghĩa là bất trị) đã bị bắt rồi… Cô-ba đã để thì giờ viết một bài
báo vĩ đại về vấn đề dân tộc. Thật là hay ! Chúng ta phải vì chân lý mà chiến
đấu chống bọn ly khai chủ nghĩa và bọn cơ hội chủ nghĩa trong phái Bun và bọn
thủ tiêu”. (Lê-nin: Toàn tập, xuất bản lần thứ tư, tiếng Nga, tập 35, tr.
62-63)
Thời kỳ phản cách mạng ở Nga không những đã
đem lại “sấm sét”, mà còn làm cho người ta thất vọng đối với phong trào, thiếu
tin tưởng vào lực lượng chung. Trước kia, khi người ta tin vào “một tương lai
rực rỡ” và cùng nhau chiến đấu, không kể mình là dân tộc nào cả, thì: những vấn
đề “chung” phải được đặt ra trước và trên hết ! Nhưng khi đã ngờ vực lẫn nhau
thì người ta chia tay nhau để mỗi người trở về với nếp nhà dân tộc: đèn nhà ai
nhà ấy rạng ! “Vấn đề dân tộc” phải là trên và trước hết !
Cũng trong thời gian đó, một cuộc biến thiên
nghiêm trọng về kinh tế đã xảy ra trong nước. Năm 1905 không phải là năm vô ích
đối với nước nhà: những tàn dư của chế độ nông nô ở nông thôn lại được bồi thêm
một đòn nữa. Sau những năm đói kém, mùa màng liên tiếp phong đăng (tiến triển
tốt), rồi nhờ đó công nghiệp phát triển, tất cả những cái đó đã đẩy mạnh chủ
nghĩa tư bản tiến lên. Nông thôn phân hóa, các thành thị lớn lên, thương mại và
các đường sá giao thông phát triển, tất cả đều tiến lên một bước dài. Đặc biệt
là ở các miền ngoại vi Nga, bước tiến đó càng thấy rõ rệt. Nó không thể không
đẩy mạnh quá trình củng cố kinh tế của các dân tộc sống trên đất Nga. Những dân
tộc ấy đã phải chuyển mình.
“Chế độ
lập hiến”, thành lập thời đó, cũng có tác dụng làm thức tỉnh các dân tộc.
Các báo chí và văn học, nói chung đều được phát triển; việc xuất bản và các tổ
chức văn hóa đều có được chút ít tự do: nhà hát của các dân tộc được tăng thêm,
… , tất cả những điều đó, tất nhiên đã góp vào làm cho “tình cảm dân tộc” thêm
mạnh mẽ. Viện Đu-ma, với các cuộc vận động tuyển cử, với các nhóm chính trị
trong viện, đã đem lại những khả năng mới cho việc phục hồi tinh thần dân tộc,
đã mở đường rộng rãi và mới mẻ cho việc động viên các dân tộc.
Và làn sóng dân tộc chủ nghĩa hiếu chiến bên
trên, các cuộc đàn áp liên tiếp của “bọn cầm quyền” để trả thù các dân tộc
ngoại vi Nga về tội “yêu chuộng tự do” đã gây ra một làn sóng dân tộc chủ nghĩa
tư bản bên dưới, đôi lúc, biến thành chủ nghĩa sô–vanh thô lỗ. Chủ nghĩa xi-on
(zinoism – chủ nghĩa dân tộc cực đoan phục quốc Do Thái) lớn mạnh lên trong đám
người Do Thái, chủ nghĩa sô-vanh lan rộng ở Ba Lan, chủ nghĩa Đại hồi
(Panislamism – chủ yếu trong các sắc dân Thổ, Ta-ta đòi liên hiệp người theo
Hồi giáo thành một khối duy nhất) bành trướng trong đám người Ta-ta, chủ nghĩa
dan6n tộc mạnh lớn trong đám người Ac-mê-ni (Armenia), Giê-ooc-gi (Gruzia), U-rai-na
(Ukraina), xu hướng chung của bọn phi-li-stanh thiên về chủ nghĩa bài Do Thái,
tất cả những việc ấy, ai lại không biết.
Làn sóng dân tộc chủ nghĩa lan tràn, càng
mạnh thêm mãi, chực lôi cuốn quần chúng công nhân. Và phong trào giải phóng
càng thoái, thì chủ nghĩa dân tộc càng lộng lẫy nở hoa.
Tình trạng gay go ấy đã đề ra cho Đảng xã
hội-dân chủ một sứ mệnh cao cả là phải đánh tan chủ nghĩa dân tộc, tránh cho
quần chúng khỏi nạn “truyền nhiễm” chung. Vì Đảng xã hội-dân chủ và duy chỉ có
đảng ấy mới làm được việc đó bằng cách đem lợi khi đã từng được thử thách của
chủ nghĩa quốc tế, đem sự thống nhất và nhất trí đấu tranh giai cấp để đối chọi
lại chủ nghĩa dân tộc. Nên làn sóng dân tộc chủ nghĩa càng bành trướng thì Đảng
xã hội-dân chủ càng phải lớn tiếng bênh vực tình anh em và sự thống nhất của
những người vô sản thuộc tất cả các dân tộc ở Nga. Đặc biệt là người xã hội-dân
chủ ở ngoại vi tiếp xúc ngay với phong trào dân tộc thì càng phải tỏ ra cương
quyết phi thường mới được.
Thế mà, tất cả những người xã hội-dân chủ và,
trước hết, những người xã hội-dân chủ ngoại vi lại tỏ ra không muốn làm nhiệm
vụ ấy. Phái Bun (Tổng hội các công nhân Do Thái ở Ban-tích, Ba Lan và Nga)
trước kia chú trọng đến mục đích chung, thì nay lại đặt mục đích riêng, mục
đích thuần túy dân tộc chủ nghĩa, lên hàng đầu: phái ấy đi đến chỗ tuyên bố
“làm lễ ngày thứ Bảy” và “thừa nhận tiếng Yt-đít-sơ”[1]
(Yiddish) làm những khẩu hiệu đưa ra tranh cử. Theo sau phái Bun là một số
những người xã hội dân chủ Cáp-ca-dơ, trước kia, đã cùng những người xã hội dân
chủ Cáp-ca-dơ khác từ bỏ chủ trương “tự trị về văn hóa dân tộc” thì nay lại đem
quyền ấy ra làm một yêu sách trước mắt[2]. Ấy là
còn chưa nói đến hội nghị của phái thủ tiêu[3], là hội
nghị đã tán thành một cách kín đáo những thái độ lừng chừng thiên về chủ nghĩa
dân tộc[4].
Do đó, người ta thấy những quan niệm của Đảng
xã hội-dân chủ Nga về vấn đề dân tộc còn chưa được tất cả những người xã
hội-dân chủ nhận thức một cách rõ ràng.
Vì thế, tất nhiên là cần phải xét kỹ vấn đề
dân tộc về đủ mọi phương diện. Những người xã hội-dân chủ chân chính cần phải
có một sự cố gắng, liên tục và bền bỉ, để đánh tan đám sương mù dân tộc chủ
nghĩa, bất cứ từ đâu đến.
I.
DÂN TỘC
Dân tộc là gì ?
Dân tộc, trước hết, là một khối cộng đồng,
một khối người cộng đồng nhất định.
Khối cộng đồng đó không phải là cộng đồng
chủng tộc hay bộ lạc. Dân tộc Ý hiện đại là do người La mã, Giéc-manh,
E-tơ-ru-scơ, Hy Lạp, Ả Rập, … họp thành. Dân tộc Pháp là do người Gô-loa, La
mã, Bơ-rơ-tông, Giéc-manh, … họp thành. Dân tộc Anh, dân tộc Đức và những dân
tộc khác cũng thế, đều do những người thuộc chủng tộc khác và bộ lạc khác nhau
họp thành.
Như thế, dân tộc không phải là một khối cộng
đồng chủng tộc hay bộ lạc, mà là một khối người cộng đồng kết thành trong quá
trình lịch sử.
Một mặt khác, những quốc gia lớn của
Xy-rút-xơ hay A-léc-xan-đơ-rơ nhất định không thể gọi là dân tộc được, mặc dầu
những quốc gia ấy đều thành lập trong quá trình lịch sử và gồm những bộ lạc và
chủng tộc khác nhau. Đấy không phải là những dân tộc, mà là những khối gồm
những tập đoàn ngẫu nhiên mà thành và ít gắn bó với nhau, những khối người này
tan và hợp là tùy theo sự thắng hay bại của kẻ chinh phục này hay kẻ chinh phục
khác.
Như thế, dân tộc không phải là một khối ngẫu
nhiên mà có hay chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, mà là một khối người cộng
đồng ổn định.
Nhưng, không phải bất cứ khối cộng đồng ổn
định nào cũng họp thành dân tộc. Nước Áo và nước Nga đều là những cộng đồng ổn
định, nhưng không ai nói đó là dân tộc. Cộng đồng dân tộc khác với cộng đồng
quốc gia ở chỗ nào ? Ở nhiều điểm, mà một trong những điểm đó là không thể có
một cộng đồng dân tộc nào lại không có tiếng nói chung, còn quốc gia thì không
nhất thiết phải có tiếng nói chung. Dân tộc Tiệp ở Áo và dân tộc Ba Lan ở Nga
sẽ không được coi là dân tộc nếu mỗi dân tộc ấy không có tiếng nói riêng; trái
lại, nước Nga và Áo, tuy có nhiều tiếng nói, nhưng vẫn cứ là những quốc gia
thống nhất. Tất nhiên, tiếng nói đây tức là tiếng nói trong dân chúng, chứ
không phải tiếng nói chính thức trong các công sở.
Như thế, cộng đồng về tiếng nói là một trong
những đặc điểm của dân tộc.
Tất nhiên, như thế không phải là nói những
dân tộc khác nhau, thì bao giờ và ở đâu, cũng có những tiếng nói khác nhau, hay
tất cả những người cùng nói một thứ tiếng nhất thiết phải họp thành một dân
tộc. Mỗi dân tộc phải có tiếng nói chung, nhưng không nhất thiết những dân tộc
khác nhau phải có những tiếng nói khác nhau ! Không có dân tộc nào đồng thời
lại nói nhiều thứ tiếng, nhưng như thế không có nghĩa là không thể có hai dân
tộc cùng nói một thứ tiếng ! Người Anh và người Mỹ cùng nói một thứ tiếng, tuy nhiên,
họ không họp thành một dân tộc. Người Na Uy và người Đan Mạch, người Anh và
người Ai-rơ-lan, cũng thế.
Nhưng tại sao người Anh và người Mỹ, chẳng
hạn, lại không họp thành một dân tộc duy nhất, mặc dầu họ nói cùng một thứ
tiếng ?
Trước hết là vì họ không ở sát bên nhau, mà
lại ở trên những lãnh thổ khác nhau. Một dân tộc mà được cấu tạo, chỉ là do kết
quả của những mối quan hệ lâu dài và đều đặn, kết quả của một cuộc sống chung
của nhiều người, nhiều thế hệ này đến thế hệ khác. Sống chung lâu dài như thế
không thể có được, nếu không có lãnh thổ chung. Người Anh và người Mỹ trước
kia, cùng sống chung trên một lãnh thổ là nước Anh và họp thành một dân tộc duy
nhất. Về sau, một bộ phận người Anh, từ nước Anh, di cư sang một lãnh thổ mới,
ở Mỹ, và ở đấy, trên lãnh thổ mới này, trải qua thời gian, bộ phận di cư ấy đã
kết thành một dân tộc mới, dân tộc Mỹ. Lãnh thổ khác nhau đã đưa tới sự thành
lập những dân tộc khác nhau.
Như thế, cộng đồng lãnh thổ là một trong
những đặc điểm của dân tộc.
Nhưng, thế vẫn chưa hết. Chỉ có cộng đồng
lãnh thổ vẫn chưa thành dân tộc được. Muốn thành dân tộc, còn phải có mối liên
hệ kinh tế bên trong gắn liền những bộ phận khác nhau của dân tộc thành một
khối duy nhất. Giữa Anh và Mỹ, không có mối liên hệ như thế nên hai nước ấy họp
thành hai dân tộc khác nhau. Song, ngay những người Mỹ cũng không đáng được gọi
là dân tộc, nếu các địa phương của Mỹ không gắn chặt với nhau thành một mối
kinh tế duy nhất, nhờ có phân công giữa các địa phương ấy với nhau và có các
đường giao thông phát triển, …
Hãy lấy người Giê-ooc-gi làm thí dụ. Trước
cuộc cải cách, người Giê-ooc-gi sống chung trên một lãnh thổ và nói chung một
thứ tiếng. Tuy nhiên, nói cho đúng ra, thì họ không họp thành một dân tộc duy
nhất, vì chia ra thành từng địa phương tách rời nhau, họ không thể có một sinh
hoạt kinh tế chung, họ đánh nhau cả hàng thế kỷ và tàn hại lẫn nhau. Nếu một
vua Nga may mắn nào đôi khi nhất thời và ngẫu nhiên kết hợp được các tiểu bang
lại, thì giỏi lắm cũng chỉ thực hiện được trong phạm vi hành chính bề ngoài để
rồi lại tan rã mau chóng trước những sở thích luôn luôn thay đổi của các ông
hoàng và tước sự lãnh đạm của nông dân. Vả lại, cũng không thể nào khác như thế
được, vì tình trạng phân chia manh mún của nền kinh tế Giê-ooc-gi chỉ mới thành
dân tộc từ nửa thế kỷ XIX về sau, khi chế độ nông nô đã bị sụp đổ, sinh hoạt
kinh tế trong nước đã tiến bộ, đường giao thông đã phát triển và chủ nghĩa tư
bản đã phát sinh, khi tất cả tình trạng đó đã đưa đến phân công giữa các địa
phương của Giê-ooc-gi và phá tan hẳn tình trạng cô lập về kinh tế của các tiểu
bang để hợp nhất các tiểu bang ấy thành một khối duy nhất.
Đối với những dân tộc khác đã từng vượt qua
giai đoạn phong kiến và đã phát triển theo chủ nghĩa tư bản thì cũng giống thế
thôi.
Như thế, cộng đồng sinh hoạt kinh tế, cố
kết kinh tế là một trong những đặc điểm của dân tộc.
Nhưng, thế cũng vẫn chưa phải là hết. Thêm
vào những điểm nói trên, còn phải kể những đặc điểm về tâm lý của những người
hợp lại thành dân tộc. Các dân tộc được phân biệt đối với nhau không nghững về
điều kiện sinh hoạt, mà còn về tâm lý nữa, tâm lý đó biểu hiện trong những đặc
điểm của nền văn hóa dân tộc. Anh, Bắc Mỹ và Ai-rơ-lan, sở dĩ cùng nói một thứ
tiếng mà vẫn là ba dân tộc khác nhau là vì sự hình thành tâm lý đặc biệt trong
các dân tộc đó do những điều kiện sinh tồn khác gây ra, từ thế hệ này qua thế
thệ khác, đã đóng ở đấy một vai trò khá quan trọng.
Dĩ nhiên, sự tự hình thành tâm lý hay gọi một
cách khác là “đặc tính dân tộc”, đối với kẻ quan sát bên ngoài, thì hình như là
một cái gì không thể thấy được; nhưng khi nó đã biểu hiện ra trên đặc điểm của
nền văn hóa chung của dân tộc, thì ta có thể thấy được và không thể không biết
đến nó.
Chẳng cần phải nói rằng “tính chất dân tộc”
không phải là một cái gì vĩnh viễn, mà nó biến đổi cùng với những điều kiện
sinh hoạt, nhưng khi nó đã tồn tại trong một thời gian nhất định thì nó vẫn cứ
in dấu vết của nó trên bộ mặt của dân tộc.
Như thế, cộng đồng về hình thành tâm lý, biểu
hiện trong cộng đồng văn hóa, là một trong những đặc điểm của dân tộc.
Thế là chúng ta đã kể ra hết tất cả những đặc
điểm đặc trưng cho dân tộc.
Dân tộc là một khối người cộng
đồng ổn định, thành lập trong lịch sử, dựa trên cơ sở cộng đồng về tiếng nói,
về lãnh thổ, về sinh hoạt kinh tế và hình thành tâm lý, biểu hiện trong cộng
đồng văn hóa.
Như thế, lẽ tự nhiên dân tộc cũng giống như
các hiện tượng lịch sử, nó phải chịu quy luật tiến hóa chi phối, nó phải có
lịch sử của nó, tức là có khởi đầu và có kết thúc.
Cần phải nhấn mạnh rằng bất cứ một đặc điểm
nào nói trên mà tách riêng ra cũng không đủ để định nghĩa dân tộc. Hơn nữa, chỉ
thiếu một trong những đặc điểm ấy, cũng đủ làm cho dân tộc không còn là dân tộc
nữa.
Giả sử có những người cùng chung một “tính
chất dân tộc”, mà nếu họ sống tách rời nhau về kinh tế, nếu họ sống trên những
lãnh thổ khác nhau, nói những tiếng nói khác nhau, …, thì cũng không thể nói
rằng họ họp thành một dân tộc được. Chẳng hạn như những người Do Thái ở Nga, ở
Ga-li-xi, ở Mỹ, ở Giê-ooc-gi, ở miền núi Cáp-ca-dơ, theo ý chúng tôi, thì họ
không họp thành một dân tộc duy nhất.
Giả sử có những người cùng chung lãnh thổ và
sinh hoạt kinh tế, mà nếu họ không có chung một tiếng nói và một “đặc tính dân
tộc”, thì họ vẫn không họp thành một dân tộc được. Như những người Đức và những
người Let-tô-ni ở các xứ Ban-tích chẳng hạn.
Cuối cùng, những người Na Uy và Đan Mạch cùng
nói một thứ tiếng, nhưng vì họ thiếu những đặc điểm khác, thì cũng không họp
thành dân tộc được.
Chỉ có bao gồm được tất cả những
đặc điểm nói trên mới thành dân tộc.
Hình như có thể cho rằng “đặc tính dân tộc”
không phải là một trong những đặc điểm, mà là đặc điểm cốt yếu duy nhất của dân
tộc và tất cả những điểm khác, nói cho đúng ra, đều là những điều kiện cho sự
phát triển của dân tộc, chứ không phải là những đặc điểm của dân tộc. Quan điểm
đó, chẳng hạn, đã được nhà lý luận xã hội dân chủ trứ danh về vấn đề dân tộc ở
Áo, như Spơ-rin-ghe và nhất là Bau-e, tán thành.
Chúng ta hãy xem lý luận của họ về vấn đề dân
tộc thế nào.
Theo Spơ-rin-ghe, thì:
Dân tộc là một khối kết hợp những
người có tư tưởng và ngôn ngữ như nhau… là một cộng đồng văn hóa của những
người sống đồng thời với nhau, không liên hệ gì đến đất đai cả[5].
Như thế, dân tộc là “khối kết hợp” những
người có tư tưởng và ngôn ngữ như nhau, mặc dầu những người ấy tách rời nhau
như thế nào và sống bất cứ ở đâu chăng nữa.
Bau-e còn đi xa hơn nữa, ông hỏi:
Dân tộc là gì ? phải chăng cộng
đồng ngôn ngữ kết hợp người ta thành dân tộc ? Nhưng người Anh và người
Ai-rơ-lan… cùng nói một thứ tiếng, thế mà vẫn không họp thành một dân tộc duy
nhất được. Người Do Thái không có tiếng nói chung nào cả, thế mà vẫn họp thành
dân tộc được[6].
Vậy thì dân tộc là gì ?
“Dân tộc là một cộng đồng tương
đối cùng có chung một tính chất”[7].
Nhưng, tính chất - ở đây là tính chất dân tộc
– là gì ?
Tính chất dân tộc là
“Tổng số những đặc điểm phân biệt
những người dân tộc này với những người dân tộc khác, một sự hỗn hợp những đặc
tính về thể chất và tinh thần để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác”[8].
Tất nhiên, Bau-e biết rằng tính chất dân tộc
không phải tự trên trời rơi xuống, nên ông giải thích thêm:
““Tính chất của con người chỉ do
vận mệnh của họ định chứ không do cái gì khác cả” … “dân tộc chỉ là một cộng
đồng cùng chung một vận mệnh”, cộng đồng này lại được quy định bởi những “điều
kiện”, trong đó, con người sản xuất ra tư liệu sinh hoạt của mình và phân phối
sản phẩm do lao động của mình làm ra”[9].
Do đó, chúng ta đi đến cái định nghĩa “đầy
đủ” nhất về dân tộc, theo như lời Bau-e đã nói:
“Dân tộc là toàn thể những người
cùng chung một tính chất, trên cơ sở của vận mệnh chung”[10].
Như vậy có nghĩa là tính chất dân tộc chung
trên cơ sở của vận mệnh chung và tách ra ngoài mối liên hệ nhất định phải có
với lãnh thổ chung, ngôn ngữ chung và sinh hoạt kinh tế chung.
Nhưng, như thế thì còn cái gì là dân tộc nữa
? Những người đã tách rời nhau về mặt kinh tế, đã sống trên những lãnh thổ khác
nhau và từ thế hệ này qua thế hệ khác, nói những tiếng khác nhau, thì có thể có
gì là cộng đồng dân tộc được chăng ?
Bau-e coi những người Do Thái như một dân
tộc, mặc dầu “họ không có tiếng nói chung
nào cả”[11];
những người Do Thái ở Giê-ooc-gi, Đa-ghe-stan, Nga, hay Mỹ chẳng hạn, hoàn toàn
tách rời nhau và sống trên những lãnh thổ khác nhau, nói những thứ tiếng khác
nhau, thì hỏi họ có gì là “chung vận mệnh” và có gì là cố kết về mặt dân tộc
được chăng ?
Tất nhiên những người Do Thái nói trên kia
sống một đời sống kinh tế và chính trị chung với người Giê-ooc-gi, Đa-ghe-stan,
Nga và Mỹ, trong một hoàn cảnh văn hóa chung với mỗi dân tộc ấy; điều đó không
thể không in dấu vết nào trên tính chất dân tộc của họ; và nếu họ có gì chung,
thì đó là tôn giáo, nguồn gốc chung của họ và một ít di tích nào đó của tính
chất dân tộc của họ. Tất cả những cái đó, không ai có thể chối cãi được. Nhưng,
làm thế nào lại có thể thực sự quả quyết được rằng những nghi lễ về tôn giáo
cứng đờ và những di tích tâm lý đang tiêu tan kia lại ảnh hưởng được đến “vận
mệnh” những người Do Thái nói trên, một cách mãnh liệt hơn là hoàn cảnh sinh
động xã hội, kinh tế và văn hóa bao bọc xung quanh họ ? Nhưng chỉ có xuất phát
từ giả thuyết đó, thì mới có thể coi những người Do Thái nói chung, là một dân
tộc duy nhất được.
Thế thì lấy gì mà phân biệt cái dân tộc của
Bau-e với cái “tinh thần dân tộc” thần bí và độc lập tự tại của phái duy linh ?
Bau-e vạch ra một ranh giới không thể vượt
qua được giữa “đặc điểm” của một dân tộc (tính chất dân tộc) với những “điều
kiện” sinh hoạt của dân tộc ấy bằng cách tách rời hai cái đó ra. Nhưng, tính
chất dân tộc là gì, nếu không phải là phản ánh của những điều kiện sinh hoạt,
nếu không phải là một khối những ấn tượng đúc kết lại nhận được từ hoàn cảnh
xung quanh ? Có thể nào lại chỉ nói đến một mình tính chất dân tộc, bằng cách
cô lập và tách rời nó khỏi hoàn cảnh đã đẻ ra nó chăng ?
Vả lại, nói cho ngay, cái gì đã làm cho người
ta phân biệt được dân tộc Anh với dân tộc Bắc Mỹ, vào cuối thế kỷ XVIII và đầu
thế kỷ XIX, khi nước Mỹ miền Bắc còn được gọi là “nước Anh mới” ?
Chắc chắn, không phải là tính cách dân tộc:
vì người Bắc Mỹ gốc ở Anh; ngoài tiếng Anh ra, họ còn mang sang Mỹ cái tính
chất dân tộc nữa, tính chất này dĩ nhiên họ không thể vứt bỏ mau đến thế được,
mặc dầu, dưới ảnh hưởng của những điều kiện mới, trong họ có lẽ đã bắt đầu một
tính chất đặc biệt nào đang nảy nở. Và tuy vậy, mặc dầu họ có chung tính chất
ít nhiều với người Anh, nhưng hồi ấy họ cũng đã họp thành một dân tộc phân biệt
hẳn với dân tộc Anh rồi ! Tất nhiên đứng về mặt dân tộc thì “nước Anh mới” lúc
ấy khác hẳn nước Anh, không phải vì tính chất dân tộc đặc biệt, hay ít vì tính
chất dân tộc hơn là vì hoàn cảnh riêng biệt, vì những điều kiện sinh hoạt.
Như thế, rõ ràng là, trong thực tế, không có
đặc điểm nào là duy nhất đặc trưng cho dân tộc được. Chỉ có tổng số những đặc
điểm mà thôi, trong đó, lúc so sánh các dân tộc với nhau, thì có khi đặc điểm
này (tính chất dân tộc), có khi đặc điểm khác (tiếng nói), có khi một đặc điểm
thứ ba (lãnh thổ, điều kiện kinh tế) nổi bật lên. Dân tộc là mối kết hợp tất cả
những đặc điểm gộp chung lại.
Quan điểm của Bau-e, vì đổ đồng dân tộc với
tính chất dân tộc làm một, nên đã tách rời dân tộc khỏi lãnh thổ và biến dân
tộc thành một thứ sức mạnh vô hình và độc lập tự tại. Như thế thì dân tộc không
còn là một dân tộc sống và hoạt động nữa, mà là một cái gì thần bí, khó hiểu và
vượt ngoài nhân thế. Vì, tôi xin nhắc lại, chẳng hạn, như dân tộc Do Thái nói
trên đó là thứ dân tộc gì mà lại gồm những người Do Thái ở Giê-ooc-gi,
Đa-ghe-stan, Nga, Mỹ và các nước khác, những người không hiểu được nhau (vì nói
những thứ tiếng khác nhau), sống trên những phần đất khác nhau, không bao giờ
thấy nhau, không bao giờ hành động chung với nhau, trong thời bình cũng như
trong thời chiến ? Không, Đảng xã hội-dân chủ không đặt ra cương lĩnh dân tộc
cho những “dân tộc” chỉ tồn tại trên mặt giấy như thế. Đảng xã hội-dân chủ chỉ
có thể chú trọng đến những dân tộc có thật, những dân tộc có hành động, có cử
động và do đó, bắt buộc các dân tộc khác phải biết đến mình.
Hiển nhiên Bau-e lẫn lộn dân tộc là một phạm
trù lịch sử với các bộ lạc là một phạm trù nhân chủng.
Vả lại, hình như chính Bau-e cũng cảm thấy
chỗ yếu của lập trường mình. Đầu quyển sách, Bau-e quả quyết rằng người Do Thái
là một dân tộc[12],
nhưng cuối sách Bau-e lại nói rằng “xã
hội tư bản chủ nghĩa, nói chung, không để cho họ giữ nguyên là một dân tộc”[13] và đồng
hóa họ với những dân tộc khác. Hình như lý do của điều đó là ở chỗ “người Do Thái không có khu vực cư trú rõ
ràng”[14]
còn những người Tiệp, chẳng hạn, vì họ có một khu vực như thế, nên theo Bau-e,
họ sẽ giữ nguyên được một dân tộc. Tóm lại, nguyên nhân là ở chỗ không có lãnh
thổ.
Khi lập luận như thế, Bau-e muốn chứng minh
rằng công nhân Do Thái không thể đòi quyền tự trị dân tộc được[15], nhưng
do đó, vô tình, ông đã tự đánh đổ lý luận của mình vẫn chủ trương không coi
cộng đồng lãnh thổ là một trong những đặc điểm của dân tộc.
Nhưng, Bau-e còn đi xa hơn nữa. Đầu quyển
sách Bau-e quả quyết rằng “người Do Thái
không có tiếng nói chung nào cả, nhưng không phải vì thế mà họ không họp thành
dân tộc”[16].
Nhưng vừa tới trang 130, thì Bau-e đã thay đổi ý kiến và cũng không kém phần
quả quyết nói: “Một điều không thể nghi
ngờ gì được là không thể có một dân tộc nào mà lại không có tiếng nói chung”[17].
Ở đây, Bau-e muốn chứng minh rằng “tiếng nói là công cụ quan trọng nhất cho sự
liên hệ giữa mọi người”[18], nhưng
đồng thời, vô tình ông cũng đã chứng minh điều ông không định chứng minh, ấy là
sự sai lầm của chính cái lý luận dân tộc của ông vốn phủ nhận sự quan trọng của
cộng đồng tiếng nói.
Thế là cái lý luận khâu bằng chỉ duy tâm ấy
cũng tự cải chính luôn.
II. PHONG TRÀO DÂN TỘC.
Dân tộc không phải chỉ là một phạm trù lịch
sử, mà là một phạm trù lịch sử của một thời kỳ nhất định, thời kỳ chủ nghĩa tư
bản đang lên. Quá trình thủ tiêu chủ nghĩa phong kiến và phát triển chủ nghĩa
tư bản đồng thời cũng là quá trình người ta kết hợp thành dân tộc. Ở Tây Âu,
chẳng hạn, chính là như thế đó. Người Anh, người Pháp, người Đức, người Ý, …,
kết hợp thành dân tộc, trong lúc chủ nghĩa tư bản đang tiến bước chiến thắng,
thủ tiêu tình trạng cát cứ phong kiến.
Nhưng, ở đây, sự hình thành các dân tộc đồng
thời cũng có nghĩa là các dân tộc đó biến thành những quốc gia dân tộc độc lập.
Những dân tộc Anh, Pháp và các dân tộc khác, đồng thời cũng là những quốc gia
Anh, … Ai-rơ-lan đứng ngoài quá trình ấy, không làm cho tình hình toàn cục thay
đổi tý nào cả.
Ở Đông Âu lại có điều hơi khác. Trong khi ở
phương Tây các dân tộc đã phát triển thành các quốc gia, thì ở phương Đông
thành lập nên những quốc gia bao gồm nhiều dân tộc. Đó là Áo, Hung, Nga. Ở Áo,
người Đức tỏ ra tiến bộ nhất về phương diện chính trị: nên họ đã gánh lấy nhiệm
vụ hợp nhất các dân tộc ở Áo thành quốc gia. Ở Hung, người Ma-gy-a là nòng cốt
các dân tộc Hung, đã tỏ ra có khả năng nhất để tự tổ chức thành quốc gia; và
chính họ là những người đã thống nhất nước Hung. Ở Nga, vai trò thống nhất các
dân tộc là do người Đại Nga đảm nhiệm, đứng đầu họ, có một bộ máy quan liêu quân
phiệt lớn mạnh của bọn quý tộc, có tổ chức và được thành lập trong quá trình
lịch sử.
Tình trạng ở phía Đông là như thế.
Lối đặc biệt ấy trong sự thành lập các quốc
gia, chỉ có thể diễn ra trong điều kiện chủ nghĩa phong kiến chưa bị thủ tiêu,
trong điều kiện chủ nghĩa tư bản phát triển còn yếu ớt, khi mà các dân tộc bị
dồn lại sau chưa có thì giờ củng cố về mặt kinh tế để kết thành dân tộc.
Nhưng, chủ nghĩa tư bản cũng bắt đầu phát
triển trong các quốc gia Đông Âu. Thương mại và đường giao thông phát triển.
Những thành thị lớn mọc lên. Các dân tộc được củng cố về kinh tế. Chủ nghĩa tư
bản đột nhập vào đời sống yên tĩnh của các dân tộc lạc hậu, lay chuyển họ và
bắt họ chuyển mình. Sự phát triển của báo chí và ca kịch, sự hoạt động của viện
Rết-sơ-rat (ở Áo) và của viện Đu-ma (ở Nga) đã làm tăng cường “tinh thần dân
tộc”. Tầng lớp trí thức sau khi xuất hiện đã thấm nhuần “ý niệm dân tộc”, cũng
hoạt động theo hướng đó …
Nhưng, những dân tộc bị đè ép, khi thức tỉnh
lại để sống đời sống độc lập, thì không còn kết thành những quốc gia dân tộc
độc lập nữa: trên bước đường đi tới, họ đã vấp phải sức phản kháng vô cùng mạnh
mẽ của những tầng lớp lãnh đạo trong các dân tộc thống trị từ lâu cầm đầu quốc
gia. Họ thức tỉnh muộn quá rồi ! …
Chính như thế đó mà người Tiệp, người Ba Lan,
… ở Áo, người Cơ-rô-át, …, ở Hung; người Let-tô-ni, Li-tu-a-ni, U-rai-na.
Giê-ooc-gi, Ac-mê-ni, …, ở Nga đã kết thành dân tộc. Điều trước kia là ngoại lệ
ở Tây Âu (trường hợp Ai-rơ-lan), nay đã trở thành thông lệ ở phương Đông.
Ở phương Tây, Ai-rơ-lan đã trả lời cho chế độ
ngoại lệ bằng một phong trào dân tộc. Ở phương Đông, những dân tộc đã thức tỉnh
cũng sẽ phải làm như thế.
Thế là những điều kiện thúc đẩy các dân tộc
trẻ tuổi ở Đông Âu ra đấu tranh đã xuất hiện.
Nói cho đúng ra, thì cuộc đấu tranh diễn ra
và bùng lên, không phải là giữa tất cả các dân tộc với nhau, mà là giữa các
giai cấp thống trị của dân tộc làm bá chủ và của các dân tộc bị đè nén. Cuộc
đấu tranh đó thường thường hoặc là do tầng lớp tiểu tư sản thành thị của dân
tộc bị áp bức tiến hành chống lại bọn đại tư sản của dân tộc làm bá chủ (người
Tiệp và người Đức); hoặc do giai cấp tư sản thôn quê của các dân tộc thống trị
(người U-rai-na ở Ba Lan); hoặc do toàn thể giai cấp tư sản “dân tộc” của những
dân tộc bị áp bức tiến hành chống lại bọn quý tộc cầm quyền trong dân tộc làm
bá chủ (Ba Lan, Li-tu-a-ni, U-rai-na ở Nga).
Giai cấp tư sản đóng vai trò chính.
Vấn đề cốt yếu đối với giai cấp tư sản trẻ
tuổi là thị trường. Tiêu thụ được hàng hóa và thắng được trong cuộc cạnh tranh
chống giai cấp tư sản của dân tộc khác, đó là mục đích của nó. Do đó, nguyện
vọng của nó là giữ vững cho mình một thị trường “riêng”, thị trường “dân tộc”.
Thị trường là trường học đầu tiên cho giai cấp tư sản học chủ nghĩa dân tộc.
Nhưng, thường thường mọi việc không phải chỉ
ở chỗ thị trường. Bọn quan liêu nửa phong kiến, nửa tư sản của dân tộc thống
trị, cũng can thiệp vào cuộc đấu tranh, bằng “quyền lực và nghiêm lệnh” của
chúng. Giai cấp tư sản của dân tộc làm bá chủ, dù lớn hay nhỏ cũng thế, đều có
khả năng đánh bại địch thủ của mình một cách “nhanh chóng nhất” và “quyết liệt
nhất”. Họ thống nhất các “lực lượng” lại và thi hành cả một loạt những biện
pháp hạn chế để chống lại giai cấp tư sản khác “khác giống”, những biện pháp
này biến thành đàn áp. Từ lĩnh vực kinh tế, cuộc đấu tranh chuyển sang lãnh vực
chính trị. Hạn chế quyền tự do đi lại, ngăn cản việc sử dụng tiếng nói, hạn chế
quyền tuyển cử, rút bớt số trường học, ngăn cấm tôn giáo, … , tất cả những biện
pháp ấy đổ dồn trên đầu kẻ “địch thủ”. Quả thật những biện pháp như thế không
những chỉ phụng sự quyền lợi của giai cấp tư sản của dân tộc làm bá chủ mà còn
phụng sự cả những mục đích riêng biệt, những mục đích đẳng cấp, có thể nói như
thế, của bọn quan liêu thống trị nữa. Nhưng, xét về phương diện kết quả, thì
điều đó tuyệt đối không có gì là khác lạ; dầu ở Áo – Hung hay ở Nga cũng thế,
trong trường hợp này, giai cấp tư sản và bọn quan liêu cũng bắt tay nhau.
Bị ép khắp mọi bề, lẽ tự nhiên, giai cấp tư
sản của dân tộc bị áp bức phải vùng dậy. Nó kêu gọi “nhân dân” và bắt đầu lớn
tiếng hô hào vì “Tổ Quốc”, coi quyền lợi riêng của nó là quyền lợi của toàn
dân. Nó chiêu tập một đạo quân trong đám “đồng bào” của nó để bảo vệ quyền lợi
của … “Tổ Quốc”. Và “nhân dân” không phải bao giờ cũng thờ ơ đối với lời kêu
gọi ấy đâu, họ tập hợp xung quanh lá cờ của giai cấp tư sản: sự đàn áp từ trên
dội xuống cũng đụng chạm đến họ và làm cho họ công phẫn.
Phong trào dân tộc bắt đầu như thế đó.
Phong trào dân tộc mạnh hay yếu là tùy ở mức
độ tham gia phong trào của những tầng lớp rộng rãi trong dân tộc, của vô sản và
nông dân.
Giai cấp vô sản có đứng dưới lá cờ của chủ
nghĩa dân tộc tư sản hay không, điều đó tùy ở mức độ phát triển của những mâu
thuẫn giai cấp, tuy ở sự giác ngộ và tổ chức của giai cấp vô sản. Giai cấp vô
sản giác ngộ có lá cờ riêng của mình, lá cờ đã từng được thử thách nên nó không
cần phải đứng dưới lá cờ của giai cấp tư sản.
Còn về phần nông dân, thì việc họ tham gia
vào phong trào dân tộc trước hết là tùy ở tính chất của sự đàn áp. Nếu sự đàn
áp đụng chạm đến quyền lợi về “đất đai”, như trường hợp ở Ai-rơ-lan, thì những
quần chúng nông dân đông đảo lập tức thì sẽ hợp dưới lá cờ của phong trào dân
tộc.
Mặt khác, sở dĩ ở Giê-ooc-gi, chẳng hạn,
không có chủ nghĩa dân tộc bài Nga ít nhiều nghiêm trọng là vì, trước hết, ở
đó, không có đại địa chủ Nga hay đại tư sản Nga có thể nuôi dưỡng một chủ nghĩa
dân tộc như thế trong đám quần chúng. Ở Giê-ooc-gi có chủ nghĩa dân tộc bài
Ac-mê-ni; nhưng như thế chính là vì ở đó còn có bọn đại tư sản Ac-mê-ni tấn
công giai cấp tư sản nhỏ Giê-ooc-gi chưa được củng cố, và xô đẩy giai cấp ấy
vào chủ nghĩa dân tộc bài Ac-mê-ni.
Phong trào dân tộc tùy theo những nhân tố ấy
mà hoặc trở thành có tính chất quần chúng và luôn luôn lan rộng (như ở
Ai-rơ-lan, Ga-li-xi) hoặc biến thành những vụ xung đột nhỏ liên tiếp rồi xoay
ra cãi cọ om sòm và “đấu tranh” giành những tên cửa hiệu (như ở một vài đô thị
nhỏ ở Bô-hem).
Lẽ tự nhiên, nội dung của phong
trào dân tộc không thể nơi nào cũng giống nhau: nó hoàn toàn tùy theo những yêu
sách khác nhau do phong trào đề ra. Ở Ai-rơ-lan, phong trào có tính cách ruộng
đất ở Bô-hêm thì có tính cách “ngôn ngữ”; ở chỗ này, người ta đòi quyền công
dân bình đẳng và tự do tín ngưỡng, ở chỗ kia, lại đòi có những công chức riêng
“của mình” hay nghị viện riêng của mình. Những yêu sách khác nhau thường để lộ
cho ta thấy những điểm đặc trưng cho dân tộc nói chung (như tiếng nói, lãnh
thổ, …). Điều đáng chú ý là không có nơi nào lại yêu sách về cái “tính chất dân
tộc” phổ biến theo kiểu Bau-e cả. Và điều đó cũng dễ hiểu: “tính chất dân tộc”,
tự nó, là một cái gì mà không thể nhận thấy được và đúng như lời Stơ-rát-xe
nhận xét “nó không thể có lợi ích gì về
mặt chính trị cả”[19].
Tóm lại, tất cả hình thức và tính
chất của phong trào dân tộc là thế.
Theo như trên, thì rõ ràng cuộc
đấu tranh dân tộc trong điều kiện chủ nghĩa tư bản đang lên là một cuộc đấu
tranh giữa giai cấp tư sản với nhau. Đôi lúc, giai cấp tư sản lôi kéo được vô
sản vào phong trào dân tộc thì lúc đó, về bề ngoài, cuộc đấu tranh dân tộc có
tính chất “chung của nhân dân”, nhưng chỉ về bề ngoài thôi. Trong bản chất,
cuộc đấu tranh đó bao giờ cũng là cuộc đấu tranh tư sản, có lợi và hợp với lòng
mong muốn nhất là đối với giai cấp tư sản.
Nhưng, nhất định không phải vì
thế mà giai cấp vô sản không nên đấu tranh chống chính áp bức của dân tộc.
Việc hạn chế sự tự do đi lại, sự
tước đoạt quyền tuyển cử, việc ngăn cản dùng tiếng nói, việc giảm bớt số trường
học và một số biện pháp đàn áp khác, tất cả cái đó công nhân phải chịu đựng
ngang với giai cấp tư sản, nếu không phải là nhiều hơn. Tình trạng đó đã kìm
hãm không cho những lực lượng tinh thần của giai cấp vô sản các dân tộc bị nô thuộc
được tự do phát triển. Khi mà người ta không cho phép công nhân Ta-ta hay Do
Thái dùng tiếng mẹ đẻ của họ trong các cuộc hội họp hoặc diễn thuyết, khi mà
người ta đóng cửa các trường học của họ lại thì không thể nào thực sự nói đến
việc phát triển đầy đủ những trí năng của họ được.
Nhưng, chính sách đàn áp dân tộc
còn nguy hiểm cho sự nghiệp của vô sản về một phương diện khác nữa. Nó làm cho
những tầng lớp rộng rãi của dân chúng bỏ qua những vấn đề xã hội, những vấn đề
đấu tranh giai cấp để quay về những vấn đề dân tộc, những vấn đề chung cho vô
sản và tư sản. Và điều đó tạo ra cơ sở thuận tiện cho việc tuyên truyền dối láo
về “sự hòa hợp quyền lợi” để làm lu mờ các quyền lợi của giai cấp vô sản, để nô
dịch công nhân về phương diện tinh thần. Do đó việc đoàn kết công nhân tất cả
các dân tộc vấp phải một trở ngại nghiêm trọng. Sở dĩ một phần lớn công nhân Ba
Lan đến nay vẫn bị bọn tư sản dân tộc chủ nghĩa nô dịch về tinh thần, vẫn còn
đứng ngoài phong trào công nhân quốc tế, đó chính là chính sách bài Ba Lan, từ
mấy thế kỉ nay của “kẻ cầm quyền” đã tạo cơ sở cho sự nô dịch ấy, đã làm trở
ngại việc giải phóng giai cấp công nhân khỏi ách nô dịch ấy.
Nhưng, chính sách đàn áp không
phải chỉ có thế là hết, từ “hệ thống” đàn áp, nó thường thường chuyển sang “hệ
thống” kích thích dân tộc này chống dân tộc kia, sang “hệ thống” thảm hại tàn
sát lẫn nhau. Dĩ nhiên, điều đó không phải lúc nào cũng xảy ra, nhưng ở chỗ nào
mà nó có thể xảy ra - mà các dân tộc ở đó lại không được hưởng các quyền tự do
tối thiểu – thì thường thường nó đi đến mức hết sức khủng khiếp, có thể dìm
công cuộc tập hợp công nhân trong máu và nước mắt. Xứ Cap-ca-dơ ở miền Nam Nga
cho ta thấy nhiều ví dụ về chuyện này. “Chia để trị”, đó là mục đích của chính
sách kích thích. Và chừng nào chính sách ấy còn hiệu quả, thì nó là mối nguy
hại lớn nhất cho vô sản, nó là một trong những trở ngại nghiêm trọng nhất đối
với công cuộc tập hợp công nhân tất cả các dân tộc trong nước. Nhưng, công nhân
rất thiết tha muốn đoàn kết chặt chẽ tất cả các bạn mình thành một đạo quân
quốc tế duy nhất, muốn tự giải phóng mau chóng và hoàn toàn khỏi ách nô dịch về
tinh thần của giai cấp tư sản, muốn phát triển tinh thần đầy đủ và tự do các
lực lượng tinh thần của anh em mình, thuộc bất cứ dân tộc nào.
Cho nên, công nhân đấu tranh và
sẽ tiếp tục đấu tranh chống tất cả các hình thức của chính sách áp bức dân tộc,
từ những hình thức tế nhị nhất cho đến những hình thức thô bạo nhất, cũng như
chống tất cả mọi hình thức của chính sách kích thích dân tộc này chống dân tộc
khác.
Cho nên, Đảng xã hội – dân chủ
trong tất cả các nước đều tuyên bố quyền dân tộc tự quyết.
Quyền tự quyết có nghĩa là: chỉ
có dân tộc mới có quyền tự mình quyết định vận mệnh của mình, không một ai có
quyền dùng võ lực xâm nhập vào đời sống của dân tộc, phá hoại trường học và
những cơ quan khác của dân tộc, hủy hoại những phong tục và lễ hội của dân tộc,
ngăn cản việc dùng tiếng nói dân tộc, tước bỏ các quyền của dân tộc.
Cố nhiên, điều đó không có nghĩa
là Đảng xã hội dân chủ sẽ ủng hộ tất cả những phong tục và chế định của một dân
tộc. Trong khi đấu tranh chống bạo lực áp chế dân tộc, Đảng xã hội dân chủ chỉ
bênh vực quyền dân tộc tự mình quyết định lấy vận mệnh của mình, nhưng đồng
thời, về mặt tư tưởng, vẫn chống lại phong tục và chế định có hại của dân tộc
đấy, để giúp cả tầng lớp cần lao của dân tộc ấy thoát khỏi các phong tục và chế
định ấy.
Quyền tự quyết có nghĩa là dân
tộc có thể tự tổ chức thế nào tùy ý. Dân tộc có quyền tổ chức đời sống của mình
theo nguyên tắc tự trị. Dân tộc có quyền hợp thành Liên bang với các dân tộc
khác. Dân tộc có quyền đứng tách riêng ra hoàn toàn. Dân tộc có chủ quyền hoàn
toàn và tất cả các dân tộc đều được bình quyền.
Cố nhiên, điều đó không có nghĩa
là Đảng xã hội dân chủ sẽ bênh vực bất cứ yêu sách nào của dân tộc. Dân tộc có
quyền quay trở lại cả trật tự xã hội cũ nữa, nhưng điều đó không hề có nghĩa là
Đảng xã hội dân chủ sẽ tán thành một quyết định như thế do cơ quan này hay cơ
quan khác của dân tộc nói trên đưa ra. Nghĩa vụ của Đảng xã hội dân chủ là đảng
bênh vực quyền lợi của giai cấp vô sản, và quyền của dân tộc trong đó bao gồm
đủ các giai cấp, đó là hai giai cấp khác hẳn nhau. Trong khi đấu tranh cho
quyền dân tộc tự quyết, Đảng xã hội dân chủ nhằm mục đích làm cho tê liệt chính
sách áp bức dân tộc, làm cho không thể có chính sách ấy được nữa và do đó, phá
tan cuộc đấu tranh giữa các dân tộc với nhau, làm cho cuộc đấu tranh ấy phải
tiêu mòn và bị thu hẹp đến mức tối thiểu.
Đó là điều chủ yếu phân biệt
chính sách của giai cấp vô sản giác ngộ với chính sách của giai cấp tư sản là
giai cấp đang tìm cách khơi sâu và mở rộng cuộc đấu tranh dân tộc, tìm cách kéo
dài cuộc vận động dân tộc và làm cho nó gay gắt thêm.
Đó là lý do tại sao những người
vô sản giác ngộ không thể đứng dưới lá cờ “dân tộc” của giai cấp tư sản được.
Đó là lý do tại sao chính sách
gọi là “tiến hóa dân tộc”, do Bau-e chủ trương, không thể trở thành chính sách
của giai cấp vô sản được. Cái ý định của Bau-e toan đồng nhất hóa chính sách
“tiến hóa dân tộc” với chính sách của “giai cấp công nhân hiện đại”[20] là ý
định nhằm khuôn cuộc đấu tranh giai cấp của công nhân vào trong cuộc đấu tranh
của các dân tộc.
Bản chất của phong trào dân tộc là bản chất
tư sản, thì lẽ tự nhiên vận mệnh của phong trào dân tộc cũng gắn liền với vận
mệnh của giai cấp tư sản. Phong trào dân tộc chỉ chấm dứt hẳn khi nào giai cấp
tư sản không còn nữa. Chỉ có dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, mới có thể thiết lập
được nên hòa bình toàn vẹn. Nhưng muốn giảm cuộc đấu tranh dân tộc đến mức tối
thiểu, đả phá nó tận gốc, làm cho nó hoàn toàn vô hại đối với giai cấp vô sản,
thì cũng có thể làm được ngay cả trong phạm vi chế độ tư bản chủ nghĩa. Chỉ lấy
Thụy-sĩ và Mỹ làm thí dụ cũng thấy rõ. Muốn thế, phải dân chủ hóa xứ sở và để
cho các dân tộc được tự do phát triển.
III.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Dân tộc có quyền tự do quyết định lấy vận
mệnh của mình, có quyền tự tổ chức theo ý muốn của mình, nhưng cố nhiên là
không được xâm lấn vào quyền của dân tộc khác. Điều đó không ai còn tranh cãi
gì được nữa.
Nhưng, nếu quyền lợi của đa số trong dân tộc
và trước hết là quyền lợi của giai cấp vô sản được chú trọng, thì dân tộc tính
ra phải được tổ chức như thế nào, Hiến pháp tương lai của dân tộc phải theo
hình thức nào ?
Dân tộc có quyền tổ chức theo lối tự trị. Dân
tộc cũng có cả quyền phân lập nữa. Nhưng, như thế hẳn không có nghĩa là bất cứ
điều kiện nào cũng bắt buộc phải thi hành quyền phân lập ở đâu và bao giờ cũng
có lợi cho dân tộc tức là cho đa số dân tộc, cho các tầng lớp cần lao. Những
người Ta-ta ở Nam Cáp-ca-dơ, đứng về phương diện dân tộc, thì họ có thể hội
họp, chẳng hạn trong Nghị viện của họ, rồi dưới ảnh hưởng của bọn địa chủ và
tăng lữ bản xứ, họ có thể lập lại trật tự cũ ở địa phương họ, họ có thể quyết
định tách rời khỏi quốc gia. Chiếu theo điều khoản quy định về quyền tự quyết,
thì họ hoàn toàn có quyền làm như thế. Nhưng, như thế liệu có hợp với quyền lợi
các tầng lớp cần lao trong dân tộc Ta-ta chăng ? Đảng xã hội dân chủ há có thể
thờ ơ đứng nhìn bọn địa chủ và tăng lữ địa phương kéo quần chúng theo chúng
trong việc giải quyết vấn đề dân tộc chăng ? Đảng xã hội dân chủ há không nên
can thiệp vào để hướng ý chí của dân tộc theo một chiều nhất định nào hay sao ?
Để giải quyết vấn đề, há Đảng không nên đề ra một kế hoạch cụ thể, có lợi nhất
cho quần chúng Ta-ta hay sao ?
Nhưng, cách giải quyết nào thích hợp nhất đối
với quyền lợi của quần chúng cần lao ? Tự trị, liên bang hay phân lập ?
Bao nhiêu những vấn đề đó, muốn giải quyết
thì phải dựa vào điều kiện lịch sử cụ thể của từng dân tộc nhất định.
Hơn thế nữa. Những điều kiện cũng biến đổi
như mọi sự vật khác, và một giải pháp xác đáng trong một lúc nào đó vẫn có thể
trở nên hoàn toàn không thích hợp trong một lúc khác.
Giữa thế kỷ XIX, Mác tán thành quyền phân lập
của Ba Lan thuộc Nga, như thế là đúng, vì lúc đó vấn đề là phải giải phóng một
nền văn hóa cao khỏi ảnh hưởng nguy hại của một nền văn hóa thấp hơn đang hãm
hại nó. Và vấn đề ấy lúc bấy giờ không những chỉ đặt ra trên lý thuyết theo lối
học viện, mà cả trong thực tế, trong đời sống nữa …
Cuối thế kỷ XIX thì những người mác-xít Ba
Lan phản đối sự phân lập của Ba Lan, và như thế cũng là đúng, vì trong suốt 50
năm vừa qua, những thay đổi sâu sắc đã xảy ra làm cho Nga và Ba Lan dịch lại
gần nhau về phương diện kinh tế và văn hóa. Vả lại, trong thời kỳ đó, vấn đề
phân lập vốn là một vấn đề thực tiễn đã trở thành đối tượng cho những cuộc bàn
cãi theo lối học viện, có lẽ chỉ có bọn trí thức xuất ngoại là ưa thích mà
thôi.
Như thế, cố nhiên, không phải là không còn có
những trường hợp trong và ngoài làm cho vấn đề phân lập của Ba Lan lại có thể
được đặt ra lần nữa.
Do đó, chỉ có thể giải quyết vấn đề dân tộc
khi nào gắn liền nó với những điều kiện lịch sử đặt trong quá trình phát triển.
Điều kiện kinh tế, chính trị và văn hóa của
một dân tộc nhất định, đó là cái chìa khóa duy nhất để quyết định xem dân tộc
này hay dân tộc khác tính ra phải tự tổ chức như thế nào, phải lấy hình thức
nào cho Hiến pháp tương lai của mình. Có thể rằng mỗi dân tộc phải có một giải
pháp riêng. Nếu có trường hợp nào phải đặt vấn đề một cách biện chứng, thì trường
hợp ấy chính là ở đây, trong vấn đề dân tộc.
Cho nên, chúng ta phải cương quyết phản đối
cái lối rất phổ biến, mà cũng rất giản đơn, để “giải quyết” vấn đề dân tộc, cái
lối do phái Bun trước kia đề xướng ra. Chúng tôi muốn nói ở đây cái phương pháp
dễ dãi nhằm dựa vào Đảng xã hội dân chủ Áo và Đảng xã hội dân chủ của những
người Sla-vơ miền Nam[21], là
những đảng mà người ta cho là đã giải quyết xong vấn đề dân tộc nên Đảng xã hội
dân chủ Nga chỉ còn việc mượn cách giải quyết ấy là xong. Như thế, tức là giả
định rằng tất cả những cái gì, chẳng hạn, đúng đối với Áo thì cũng đều đúng đối
với Nga. Người ta quên mất điều quan trọng nhất và quyết định nhất ở đây, là: điều kiện lịch sử cụ thể hiện có ở nước
Nga, nói chung, và trong sinh hoạt của mỗi dân tộc sống trong nước Nga, nói
riêng.
Hãy nghe lời tuyên bố của Cốt-xốp-ski, chẳng
hạn, một người thuộc phái Bun mà ai cũng biết:
“Trong
Đại hội phái Bun lần thứ IV, khi người ta thảo luận về mặt nguyên tắc của vấn
đề (tức là vấn đề dân tộc) thì giải pháp do một trong những đại biểu đề ra theo
tinh thần nghị quyết nghị quyết của Đảng xã hội dân chủ Sla-vơ miền Nam đã được
toàn thể tán thành”[22].
Kết quả là : “Toàn thể Đại hội thông qua …” quyền tự trị dân tộc.
Thế là hết ! Không phân tích thực tế nước
Nga, mà cũng không xét cả đến những điều kiện sinh hoạt của người Do Thái ở
Nga: trước hết, họ mượn cái giải pháp của Đảng dân chủ xã hội Sla-vơ miền Nam,
rồi họ “tán thành”, sau rốt họ “đồng thanh thông qua” ! Phái Bun đặt và “giải
quyết” vấn đề dân tộc ở Nga là như thế …
Nhưng, Áo và Nga có những điều kiện hoàn toàn
khác nhau. Điều đó chứng giải tại sao trong cuộc hội họp ở Bờ-run (1989)[23], khi
thông qua một cương lĩnh dân tộc theo tinh thần nghị quyết của Đảng xã hội dân
chủ Sla-vơ miền Nam (mặc dù có thêm vài điểm bổ sung nhưng vẫn không đáng kể),
Đảng xã hội dân chủ Áo đã đặt vấn đề một cách có thể nói là không Nga tý nào
cả, và, cố nhiên là cũng giải quyết vấn đề này theo một lối như thế.
Trước hết, nói về cách đặt vấn đề. Những nhà
lý luận Áo chủ trương tự trị dân tộc, những nhà bình luận cương lĩnh dân tộc ở
Bờ-run và nghị quyết của Đảng xã hội dân chủ Sla-vơ miền Nam, Spơ-rin-ghe và
Bau-e, đã đặt vấn đề như thế nào ?
Spơ-rin-ghe nói:
“Vấn đề
xem, nói chung, có thể có một quốc gia gồm nhiều dân tộc hay không và, nói
riêng, những dân tộc ở nước Áo có bắt buộc phải họp thành một tổ chức chính trị
duy nhất hay không, vấn đề đó, chúng tôi không trả lời ở đây và coi như đã được
giải quyết từ trước rồi. Đối với những kẻ nào không đồng ý rằng có thể có và
cần thiết phải làm như đã nói ở trên, thì sự phân tích của chúng tôi thì dĩ
nhiên là không có căn cứ. Luận đề của chúng tôi là: những dân tộc nói trên kia
bắt buộc phải sống chung, thì hình thức pháp lý nào sẽ giúp cho họ sống chung
một cách ổn thỏa nhất ?”[24].
Như thế điểm xuất phát ở đây là sự thống nhất
của quốc gia Áo.
Bau-e cũng đồng ý như thế:
“Chúng
tôi từ giả định cho rằng các dân tộc ở Áo phải giữ nguyên tình trạng hiện nay
là liên hiệp trong một quốc gia như hiện nay họ đang sống chung và chúng tôi
thử hỏi, trong khuôn khổ khối liên hiệp này, những quan hệ giữa các dân tộc với
nhau và giữa các dân tộc với quốc gia sẽ như thế nào?”[25].
Đây cũng thế nữa: sự thống nhất của nước Áo được
đặt lên trên hết.
Đảng xã hội dân chủ Nga có thể đặt vấn đề như
thế chăng? Không. Không thể làm như thế, là vì ngay từ ban đầu, Đảng đã đứng về
quan điểm dân tộc tự quyết, quan điểm cho rằng dân tộc có quyền phân lập.
Chính Gôn-bờ-lát thuộc phái Bun, cũng đã thừa
nhận, trong Đại hội II của Đảng xã hội dân chủ Nga, rằng Đảng xã hội dân chủ
không thể bỏ quan điểm tự quyết. Đây là lời của Gôn-bờ-lát hồi đó:
“Người
ta không thể bác bỏ gì về quyền dân tộc tự quyết được. Khi một dân tộc nào đó
đấu tranh cho độc lập của mình thì không ai có thể chống lại họ được. Nếu Ba
Lan không muốn cùng nước Nga “chính thức kết hôn”, thì chúng ta không được ngăn
cản nước ấy”.
Đúng. Nhưng, như thế thì điểm xuất phát của
những người xã hội dân chủ Áo và Nga đã không giống nhau, mà lại còn nghịch hẳn
nhau nữa. Đã thế thì có thể nào nói đến việc mượn cương lĩnh dân tộc của người
Áo được chăng ?
Chúng ta bàn tiếp. Người Áo tưởng thực hiện
được “quyền tự do cho các dân tộc” bằng những cải cách nhỏ nhặt, đi từng bước
từ từ chậm rãi. Khi chủ trương lấy tự trị dân tộc làm phương sách thực tiễn, họ
không hề tính đến một sự thay đổi triệt để nào cả, không tính đến một phong
trào giải phóng có tính chất dân chủ nào cả, những điều này họ còn không hề dự
kiến trước được. Còn những người mác-xít Nga thì không có lý gì để trông mong
vào những cải cách cả, họ gắn liền “vấn đề tự do của các dân tộc” với một cuộc
thay đổi triệt để, chắc chắn phải xảy ra, với cuộc vận động giải phóng có tính
chất dân chủ. Và điều đó căn bản sẽ làm cho thay đổi mọi việc có quan hệ đến
vận mệnh chắc chắn của các dân tộc ở Nga.
Bau-e nói:
“Cố
nhiên, khó mà tin được rằng quyền tự trị dân tộc là kết quả của một quyết định
lớn, của một hành động mạnh dạn, cương quyết. Nước Áo sẽ tiến lên quyền tự trị
dân tộc từng bước một, bằng một quá trình chậm chạp và khó nhọc, qua một cuộc
đấu tranh gay go, cuộc đấu tranh này sẽ làm cho việc lập pháp và hành chính bị
hãm vào một tình trạng tê liệt thường xuyên. Không, một chế độ chính trị mới sẽ
được lập lên, quyết không phải do một hành động lập pháp lớn nào, mà do vô số
đạo luật khác nhau, ban hành cho những địa phương, những xã khác nhau”[26].
Spơ-rin-ghe cũng quả quyết như thế, khi y
viết:
“Tôi
biết rất rõ rằng không phải trong một năm, cũng không phải trong hàng chục năm
nữa, mà lập lên được những chế định như thế (tức là những tổ chức tự trị dân
tộc – Stalin). Chỉ một việc cải tổ hành chính nước Phổ cũng đã mất một thời
gian dài rồi … Nước Phổ đã phải bỏ ra vài chục năm mới thiết lập xong những cơ
quan hành chính chủ yếu. Cho nên, đừng cho rằng tôi không biết nước Áo sẽ phải
trải qua một thời gian lâu dài đến như thế nào để làm những việc nói trên, và
nước Áo sẽ gặp những khó khăn đến như thế nào ?”[27].
Tất cả những điều đó rất là rõ. Nhưng, những
người mác-xít Nga có thể nào lại không gắn liền vấn đề dân tộc với “hành động
mạnh dạn và cương quyết” được chăng ? Họ có thể dựa vào những cải cách cục bộ,
dựa vào “một lò những đạo luật khác nhau” làm phương tiện để tranh thủ “quyền
tự do cho các dân tộc” được chăng ? Và nếu họ không thể và cũng không được làm
như thế, thì không phải rõ ràng là những phương pháp đấu tranh và những triển
vọng của người Áo và người Nga đều hoàn toàn khác nhau sao ? Trong tình trạng
đó thì làm sao lại có thể đóng khung vấn đề trong phạm vi tự trị dân tộc và dở
ngô dở khoai của người Áo được ? Trong hai điều chỉ có một: hoặc những người tán
thành đi mượn cương lĩnh không dựa vào “hành động mạnh dạn và cương quyết” ở
Nga hoặc là họ dựa vào đó nhưng lại “không biết rõ điều họ làm”.
Sau hết, nước Nga và nước Áo đều đứng trước
những nhiệm vụ trước mắt hoàn toàn khác nhau, do đó mà phương pháp giải quyết
vấn đề dân tộc cũng phải khác nhau. Nước Áo sống trong điều kiện chế độ đại
nghị; không có Nghị viện, thì ở đấy, trong điều kiện hiện tại, sẽ không thể có
sự phát triển nào được. Nhưng sinh hoạt nghị viện và việc lập pháp ở Áo thường
bị hoàn toàn đình trệ vì những xung đột kịch liệt giữa các đảng phái dân tộc.
Điều này cắt nghĩa tại sao cuộc khủng hoảng chính trị liên miên diễn ra từ lâu
nay ở Áo. Vì thế, vấn đề dân tộc ở đây là vấn đề mấu chốt của sinh hoạt chính
trị, là một vấn đề sống còn. Cho nên, không lấy gì làm lạ khi thấy các nhà
chính trị xã hội dân chủ Áo cố hết sức bằng cách này hay cách khác, để giải
quyết trước hết vấn đề xung đột giữa các dân tộc, cố nhiên là giải quyết trong
phạm vi chế độ đại nghị sẵn có, bằng những phương pháp đại nghị …
Ở Nga thì lại khác hẳn. Trước hết ở Nga “nhờ
trời mà không có Nghị viện”[28]. Sau
nữa – và đây là điều chính – mấu chốt sinh hoạt chính trị ở Nga, và do đó, cả
vận mệnh “giải phóng” các dân tộc ở Nga nữa, đều gắn liền với việc giải quyết
vấn đề ruộng đất, tức gắn liền với việc dân chủ hóa nước nhà. Đó là cái lý lẽ
chứng giải tại sao vấn đề dân tộc ở Nga không phải là một vấn đề biệt lập và có
tính chất quyết định, mà là một bộ phận của vấn đề tổng quát và quan trọng hơn
tức là vấn đề giải phóng nước nhà.
Spơ-rin-ghe viết:
“Nghị
viện Áo sở dĩ không có hiệu lực chỉ là vì mỗi cuộc cải cách đều gay ra trong
hội nội bộ các đảng dân tộc, những mâu thuẫn làm tổn hại đến đoàn kết giữa họ
với nhau. Cho nên những lãnh tụ của các đảng hết sức tránh tất cả mọi cải cách.
Nói chung, chỉ có thể nói đến tiến bộ của nước Áo là khi nào các dân tộc đều
hưởng địa vị pháp quyền bất khả xâm phạm; như thế họ mới không cần phải thường
xuyên duy trì trong Nghị viện những đội chiến đấu của dân tộc mình và có thể
quay sang giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội”[29].
Bau-e cũng có ý kiến như thế:
“Hòa
bình dân tộc là điều cần thiết trên hết cho quốc gia. Quốc gia không thể nào
lại để cho việc lập pháp phải đình đốn vì vấn đề vô cùng ngu ngốc là vấn đề
tiếng nói, vì một sự tranh giành cỏn con của những người nóng nẩy về một điểm
nào đó trên biên giới dân tộc, vì mỗi trường học mới”[30].
Tất cả những điều đó đều dễ hiểu. Nhưng, một
điều nữa cũng không kém dễ hiểu là, ở Nga, vấn đề dân tộc có một địa vị khác
hẳn. Không phải vấn đề dân tộc mà chính vấn đề ruộng đất mới là vấn đề quyết
định vận mệnh sự tiến bộ ở Nga. Vấn đề dân tộc ở đây là vấn đề phụ.
Như thế, cách đặt vấn đề cũng khác, những
triển vọng và phương pháp đấu tranh cũng khác, những nhiệm vụ trước mắt cũng
khác. Sự thể như thế, thì không phải rõ ràng là chỉ có bọn người giấy tờ “giải
quyết” vấn đề dân tộc ngoài không gian và thời gian, mới có thể rập khuôn theo
nước Áo và đi mượn cương lĩnh hay sao ?
Một lần nữa: phải lấy điều kiện lịch sử cụ thể
làm điểm xuất phát, phải coi phương pháp biện chứng là phương
pháp đặt vấn đề duy nhất đúng – cái chìa khóa để giải quyết vấn đề dân
tộc là ở đó.
IV. TỰ TRỊ DÂN TỘC
IV. TỰ TRỊ DÂN TỘC
Trên kia, chúng ta đã nói đến
phương diện hình thức của cương lĩnh dân tộc ở Áo, đến những nguyên
tắc phương pháp luận không cho phép người mác-xít Nga rập theo khuôn
của Đảng xã hội dân chủ Áo một cách giản đơn và lấy cương lĩnh của
Đảng ấy làm của mình.
Bây giờ, chúng ta hãy xét
đệ́n nội dung của chính bản cương lĩnh.
Vậy thì, cương lĩnh dân tộc
của Đảng xã hội dân chủ Áo như thế nào ?
Cương lĩnh ấy được diễn tả
trong mấy chữ này: tự trị dân tộc.
Trước hết điều đó có nghĩa
là quyền tự trị được ban bố, chẳng hạn cho người Tiệp và người Ba
Lan, nói chung, không phân biệt lãnh thổ, không phân biệt họ ở chỗ nào
trên nước Áo, chứ không phải cho Bô-hêm hay Ba Lan, mà phần lớn dân cư
là người Tiệp và người Ba Lan.
Đó, vì thế mà quyền tự trị
ấy gọi là tự trị dân tộc chứ không gọi là tự trị lãnh thổ.
Thứ hai, điều đó có nghĩa
là người Tiệp, người Ba Lan, người Đức, ... sống rải rác ở nhiều nơi
trên nước Áo, đều lấy tư cách cá nhân riêng biệt, mà tự tổ chức lại
thành dân tộc, và với tư cách dân tộc như thế, mà gia nhập quốc gia
Áo. Trong trường hợp đó, nước Áo không phải là một khối liên hiệp
những điạ phương tự trị, mà là một khối liên hiệp những dân tộc tự
trị thành lập không phân biệt lãnh thổ.
Thứ ba, điều đó có nghĩa là
những cơ quan dân tộc được thành lập cho người Ba Lan, người Tiệp, ...
nhằm mục đích đó, sẽ không được giải quyết những vấn đề “chính trị”,
mà chỉ được giải quyết những vấn đề “văn hóa” mà thôi. Những vấn
đề thật là chính trị đều tập trung cả vào Nghị viện chung cho toàn
nước Áo.
Vì thế, quyền tự trị ấy
còn được gọi là quyền tự trị về văn hóa, tự trị văn hóa –
dân tộc.
Và đây là nguyên văn cương
lĩnh đã được Đảng xã hội dân chủ Áo thông qua trong Đại hội Bờ-run
năm 1899[31].
Sau khi nhắc lại rằng “những
xích mích dân tộc ở Áo làm cản trở bước tiến về chính trị”, rằng
“giải quyết dứt khoát vấn đề dân tộc… trước hết, là một sự cần
thiết về “văn hóa”, rằng “chỉ giải quyết được là khi nào trong xã
hội đã thật sự có dân chủ, dựa trên chế độ đầu phiếu phổ thông,
trực tiếp và bình đẳng”, bản cương lĩnh nói tiếp:
“Chỉ có thể duy trì và
phát triển những đặc điểm dân tộc[32] của
tất cả dân tộc ở Áo là khi nào các dân tộc ấy được hưởng đầy đủ
các quyền bình đẳng và không bị áp bức tí nào cả. Cho nên trước
hết, phải gạt bỏ chế độ tập trung có tính chất quan liêu của Nhà
nước, cũng như những đặc quyền phong kiến ở các địa phương.
Với những điều kiện như thế, và chỉ với những
điều kiện đó mới có thể lập được ở Áo một nền trật tự dân tộc
để chấm dứt những xích mích dân tộc. Trật tự ấy phải đặt trên
những cơ sở sau đây:
1)
Nước Áo phải được cải tổ
lại thành một quốc gia tiêu biểu cho khối liên hiệp dân chủ của các
dân tộc.
2)
Để thay thế cho những vùng
đất đai hoàng tộc đã có trong sử, thì phải lập ra những tập đoàn
tự trị, phân định theo từng dân tộc, quyền lập pháp và quyền hành
chính trong mỗi đoàn thể ấy phải giao về các Nghị viện dân tộc, do đầu
phiếu phổ thông, trực tiếp và bình đẳng bầu lên.
3)
Tất cả những vùng tự trị
cùng thuộc vào một dân tộc, phải họp thành một liên hiệp dân tộc duy
nhất, liên hiệp này sẽ giải quyết tất cả mọi công việc của dân tộc
mình một cách hoàn toàn tự trị.
4) Các quyền của dân tộc thiểu số phải được đảm
bảo bằng một đạo luật đặc biệt do Nghị viện toàn Đế quốc ban bố”.
Cương lĩnh kết thúc bằng lời
hiệu triệu tất cả các dân tộc ở Áo đoàn kết lại[33].
Không khó khăn gì mà không
nhận thấy rằng cương lĩnh ấy còn đeo một vài dấu vết của “chủ
nghĩa lãnh thổ”, nhưng nói chung, thì nó đã nêu ra được quyền tự trị
dân tộc. Không phải vô cớ mà Spơ-rin-ghe, người đầu tiên cổ động cho
quyền tự trị dân tộc, lại đi hoan hô chủ trương kia một cách nhiệt
liệt[34],
Bau-e cũng biểu đồng tình với Spơ-rin-ghe và cho đó là một “thắng
lợi về mặt lý luận”[35] của
chủ trương dân tộc tự trị; duy có một điều, muốn được rõ ràng hơn, y
đề nghị thay điểm 4 bằng một công thức chính xác hơn, nêu rõ sự cần
thiết phải “tập hợp dân tộc thiểu số trong mỗi vùng tự trị thành
một tập đoàn có công pháp” để quản lý những công việc trường học
và những công việc khác có liên hệ đến văn hóa[36].
Đó là cương lĩnh dân tộc của
Đảng xã hội dân chủ Áo.
Chúng ta hãy xét xem cơ sở
khoa học của nó như thế nào.
Hãy xem Đảng xã hội dân chủ
Áo bênh vực quyền tự trị dân tộc về mặt văn hóa do đảng ấy chủ
trương như thế nào.
Chúng ta hãy đọc các nhà lý
luận của đảng ấy, như Spơ-rin-ghe và Bau-e, sẽ rõ.
Chủ trương tự trị dân tộc
xuất phát từ quan niệm cho rằng dân tộc là một khối liên hiệp những
cá nhân không phân biệt lãnh thổ nào cả.1 Theo lời
Spơ-rin-ghe, thì:
“Dân tộc không có liên hệ chủ yếu nào với lãnh thổ cả; đó là
khối liên hiệp tự trị gồm các cá nhân”[37].
Bau-e cũng nói đến dân tộc,
coi như một “khối cộng đồng những người” “không được hưởng chủ quyền
riêng biệt trong một vùng nhất định nào cả[38].
Nhưng, những cá nhân họp
thành dân tộc không phải bao giờ cũng kết thành một khối đông đặc;
thường thường là họ chia ra thành từng nhóm và, về mặt này, bám
chặt vào các tổ chức dân tộc khác. Chính chủ nghĩa tư bản đã xô
đẩy họ đi các vùng và các thành phố để kiếm kế sinh nhai. Nhưng, khi
họ len vào các vùng dân tộc khác, họp thành những nhóm thiểu số ở
đấy, thì dân tộc đa số địa phương ngăn cản không cho họ dùng tiếng mẹ
đẻ và mở trường ... Do đó mà sinh ra xung đột dân tộc. Do đó mà chủ
trương tự trị lãnh thổ không “áp dụng” được. Theo Spơ-rin-ghe và Bau-e,
thì muốn thoát khỏi tình trạng ấy, chỉ có một cách là tổ chức
những dân tộc thiểu số nào đó, sống rải rác trong nước, thành một
khối liên hiệp dân tộc chung duy nhất bao gồm tất cả các giai cấp.
Theo họ, thì chỉ có liên hiệp như thế mới bênh vực được quyền lợi
văn hóa của các dân tộc thiểu số, mới có thể chấm dứt được những
xích mích dân tộc.
Spơ-rin-ghe nói: “Do đó cần tổ chức các dân tộc, cho họ
những quyền lợi và đặt cho họ những nhiệm vụ...”[39]. Lẽ
tự nhiên “đặt ra pháp luật là một
việc dễ, nhưng biết pháp luật sẽ có hiệu quả như người ta mong muốn
không ? ”… “Nếu muốn đặt ra pháp
luật cho các dân tộc, thì trước hết phải tạo ra những dân tộc ấy đã”.
“Không tổ chức các dân tộc thì không
thể tạo ra quyền dân tộc và làm cho hết những xích mích dân tộc”[40].
Bau-e cũng nói theo một hướng
như thế, khi ông nêu việc “lập các
nhóm thiểu số thành những tập đoàn có công pháp dựa trên nguyên tắc
cá nhân”[41] ra làm
“yêu sách của giai cấp công nhân”.
Nhưng làm thế nào để tổ
chức các dân tộc ? Làm thế nào để quy định một cá nhân là thuộc dân
tộc này hay dân tộc khác ?
Spơ-rin-ghe nói:
“Thuộc dân tộc nào, thì việc đó đã có danh sách dân tộc cho
biết; mỗi người, ở trong vùng, đều phải khai rõ mình thuộc vào dân
tộc nào”[42].
Bau-e nói:
“Nguyên tắc cá nhân giả định rằng dân cư phải chia thành từng
dân tộc… dựa trên những lời tự do
khai của những công dân đến tuổi thành nhân, chính vì thế mà
phải lập ra danh sách từng dân tộc”[43].
Người Tiệp và người Ba Lan ...
cũng thế.
Theo lời Spơ-rin-ghe, thì:
“Hội đồng dân tộc là một Nghị viện văn hóa của dân tộc, có quyền
thiết lập những nguyên tắc và chuẩn y những phương śach cần thiết để
tiến hành công việc học chính của dân tộc, công việc văn học, nghệ
thuật và khoa học dân tộc để lập nên những viện hàn lâm, viện bảo
tàng, những nhà triển lãm, nhà hát, ...”[44].
Dân tộc sẽ tổ chức như vậy
và đó là cơ quan trung ương của nó.
Theo Bau-e thì khi lập ra
những cơ quan bao gồm tất cả các giai cấp như thế, Đảng xã hội dân
chủ Áo tìm cách
“… làm cho nền văn hóa dân tộc… thành sản nghiệp
của toàn thể nhân dân, và chỉ với phương tiện duy nhất có thể dùng
được đó, kết hợp mọi phần tử
của dân tộc thành một khối cộng đồng văn hóa – dân tộc”[45]. (do chúng tôi gạch dưới. J.
Sta-lin).
Người ta có thể cho rằng tất
cả những điều đó chỉ áp dụng được cho nước Áo thôi. Nhưng Bau-e không
đồng ý. Y quả quyết rằng chủ trương tự trị dân tộc cũng phải áp
dụng cho cả những quốc gia khác gồm nhiều dân tộc như nước Áo.
Theo Bau-e thì :
“Vô sản tất cả các dân tộc đưa yêu sách tự trị dân tộc ra để
đối chọi lại với chính sách dân tộc của những giai cấp hữu sản,
đối chọi lại với chính sách giành quyền lực của chúng trong quốc gia
đa dân tộc”[46].
Rồi, dần dần Bau-e đem quyền tự
trị dân tộc thay thế cho quyền dân tộc tự quyết, y nói tiếp:
“Thế là, quyền tự trị dân tộc, quyền dân tộc tự quyết, nhất định trở
thành cương lĩnh lập hiến của giai cấp công nhân thuộc tất cả mọi dân tộc trong
quốc gia dân tộc”[47].
Nhưng y còn đi xa hơn nữa. Y
tin chắc rằng những “khối liên hiệp dân tộc” gồm tất cả các giai
cấp, do y và Spơ-rin-ghe “tạo lập ra” sẽ dùng làm một thứ kiể̀u mẫu
cho xã hội xã hội chủ nghĩa sau này. Vì y biết rằng “chế độ xã hội chủ nghĩa… sẽ chia nhân
loại ra thành những xã hội phân định theo từng dân tộc[48]”;
rằng trong chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ có hiện tượng “tập hợp nhân loại thành những xã hội
dân tộc tự trị[49]”;
rằng như vậy thì xã hội xã hội chủ nghĩa nhất định sẽ bày ra một
cảnh tượng màu sắc hỗn tạp của những khối liên hiệp dân tộc gồm
những người và những tập đoàn lãnh thổ[50];
rằng do đó, “nguyên tắc xã hội chủ
nghĩa về dân tộc là sự tổng hợp tối cao của nguyên tắc dân tộc với
quyền tự trị dân tộc”[51].
Tôi tưởng chừng ấy cũng đủ
rồi…
Đó là cơ sở của chủ trương
tự trị dân tộc trong các tác phẩm của Bau-e và Spơ-rin-ghe.
Trước hết, điều hiển nhiên nhất
là việc lấy quyền tự trị dân tộc thay thế cho quyền dân tộc tự
quyết là một việc hoàn toàn vô nghĩa và không có lý do gì cả. Trong
hai điều này phải có một: hoặc giả Bau-e không hiểu quyền dân tộc tự
quyết là gì; hoặc giả có hiểu, nhưng không biết vì mục đích gì ông
lại cố ý thu hẹp quyền ấy lại. Vì chắc chắn rằng: a) quyền tự trị
dân tộc bao hàm sự thống nhất của quốc gia đa dân tộc, còn quyền dân
tộc tự quyết thì vượt ra ngoài khuôn khổ sự thống nhất ấy; b) quyền
tự quyết đem lại cho dân tộc hoàn toàn mọi quyền hạn, còn quyền dân
tộc tự trị chỉ đem lại cho họ những quyền hạn về “văn hóa” mà thôi.
Đó là điểm thứ nhất.
Điểm thứ hai, trong tương lai
rất có thể có cơ hội thuận lợi do tình thế trong và bên ngoài đưa
đến, mà một dân tộc nào đó sẽ quyế́t định rời bỏ quốc gia đa dân
tộc, như nước Áo, chẳng hạn; những người xã hội dân chủ Ru-then
(Ruthènes) đã chẳng tuyên bố trong Đại hội Đảng, họp ở Bờ-run, rằng
họ sẵn sàng thống nhất “hai bộ phận” của dân tộc họ lại thành một
khối duy nhất đó sao[52]
? Như thế thì quyền tự trị dân tộc, “tất nhiên của giai cấp
vô sản tất cả các dân tộc” sẽ trở thành cái gì?
Giải quyết vấn đề bằng cách
bắt ép một cách máy móc các dân tộc phải miễn cưỡng ở lại trong
quốc gia thống nhất là “giải pháp” gì thế?
Tiếp nữa. Chủ trương tự trị
dân tộc trái hẳn với tất cả bước đường phát triển của các dân tộc.
Nó đề ra khẩu hiệu tổ chức các dân tộc, nhưng nếu cuộc sống, nếu
sự phát triển kinh tế cứ tách ra thành từng nhóm và phân tán những
nhóm ấy vào những vùng khác nhau, thì có thể nào gắn liền các dân
tộc ấy lại với nhau một cách giả tạo được chăng ? Một điều không
thể nghi ngờ gì được là, đến giai đoạn cao của chủ nghĩa tư bản thì
quá trình phân tán các dân tộc bắt đầu: Cả hàng nhóm người rời
khỏi dân tộc để đi kiếm kế sinh nhai, rồi sau đó, thì định cư hẳn
trong những vùng khác trong nước; những người di cư đó mất những liên
hệ cũ, tạo lấy những liên hệ mới ở chỗ cư trú mới. rồi, từ thế
hệ này qua thế hệ khác, họ nhiễm lấy những phong tục và thói quen
mới, và cũng có thể nói một tiếng mới nữa.
Người ta tự hỏi: có thể nào
tập hợp được những nhóm rời rạc nhau như thế thành một khối liên
hiệp dân tộc duy nhất chăng ? Kiếm đâu ra những cái vòng thần kỳ để
có thể kết hợp những cái không thể kết hợp được ? Có thể nào
tưởng tượng được việc đem người Đức ở các xứ Ban-tích và người Đức
ở xứ Nam Cap-ca-dơ chẳng hạn, “kết hợp lại thành một dân tộc duy
nhất” chăng ? Nếu tất cả những việc đó đều là vô lý và không thể
thực hiện được, thì chủ trương tự trị dân tộc với ảo tưởng của
những người theo chủ nghĩa dân tộc thời xưa, những người định kéo
lùi bánh xe lịch sử lại, khác nhau ở chỗ nào ?
Nhưng, sự đoàn kết và thống
nhất của dân tộc sút kém đi, không phải chỉ vì những cuộc di cư, mà
còn vì cả cuộc đấu tranh giai cấp bên trong, ngày thêm trầm trọng
nữa. Trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa tư bản, còn có thể nói đến
“cộng đồng văn hóa” giữa vô sản và tư sản. Nhưng khi đại công nghiệp
đã phát triển, và đấu tranh giai cấp đã trở thành sâu sắc, thì khối
“cộng động” đó bắt đầu tan rã. Không thể thực sự nói đến “cộng
đồng văn hóa” trong một dân tộc, khi bọn chủ và thợ cùng một dân tộc
duy nhất mà không còn hiểu nhau được nữa. Có thể nào nói đến “cùng chung
vận mệnh” được trong khi giai cấp tư sản thì mong mỏi chiến tranh, còn
giai cấp vô sản lại tuyên bố “chống lại chiến tranh” ? Với những phần
tử đối lập nhau như thế, có thể nào tổ chức ra được một khối liên
hiệp dân tộc duy nhất gồm tất cả các giai cấp chăng ? Như thế, liệu
có thể nói đến “việc kết hợp tất
cả mọi phần tử trong một dân tộc thành một khối cộng đồng văn hóa
dân tộc”[53] chăng ?
Như vậy thì không phải rõ ràng rằng chủ trương tự trị dân tộc là
một chủ trương trái nghịch với toàn bộ bước đường đấu tranh giai cấp
hay sao ?
Nhưng, chúng ta cứ tạm cho
rằng khẩu hiệu: “Hãy tổ chức dân tộc” là một khẩu hiệu có thể
thực hiện được. Bọn nghị viên tư sản theo chủ nghĩa dân tộc, mà cố
sức “tổ chức” dân tộc hòng kiếm chác thêm nhiều phiếu bầu, thì
người ta còn có thể hiểu được. Nhưng chẳng biết từ bao giờ những
người xã hội dân chủ lại đâm đi lo “tổ chức” dân tộc, “lập ra” dân
tộc, “tạo ra” dân tộc như thế ?
Những người xã hội dân chủ
chủ trương tổ chức ra những khối liên hiệp dân tộc gồm tất cả các
giai cấp trong thời kỳ đấu tranh giai cấp đang trầm trọng đến cực độ,
là những người thế nào ? Cho đến nay, Đảng xã hội dân chủ Áo, cũng
như tất cả các đảng xã hội dân chủ khác, chỉ có một nhiệm vụ duy
nhất là tổ chức giai cấp vô sản. Nhưng, nhiệm vụ ấy, tất nhiên là
“cũ” mất rồi. Ngày nay, Spơ-rin-ghe và Bau-e đặt ra một nhiệm vụ
“mới”, thú vị hơn, ấy là: “tạo ra” dân tộc, “tổ chức” dân tộc.
Vả lại, đúng lô-gích ra thì
phải như thế này: kẻ nào đã thừa nhận quyền tự trị dân tộc thì
cũng phải thừa nhận nhiệm vụ “mới” ấy; nhưng thừa nhận nhiệm vụ đó
tức là rời bỏ lập trường giai cấp, là đi vào con đường dân tộc chủ
nghĩa.
Chủ trương tự trị dân tộc
của Spơ-rin-ghe và Bau-e là một loại chủ nghĩa dân tộc tế nhị.
Và hoàn toàn không phải là
tình cờ mà cương lĩnh dân tộc của những người xã hội dân chủ Áo
lại đặt ra nhiệm vụ phải săn sóc đến việc “duy trì và phát triển
những đặc thù dân tộc của các dân tộc”. Như vậy, các bạn thử
nghĩ xem: “duy trì” những “đặc thù dân tộc” của người Ta-ta Nam
Cap-ca-dơ như tục tự đánh đập mình trong các lễ “Sắc-xây – Vác-xây”
(Chakhséi – Vakhséi) ! “Phát triển” những “đặc thù dân tộc” của người
Giê-ooc-gi như “quyền phục thù” !…
Một điểm như điểm đó thật
là xứng đáng để được ghi trong một cương lĩnh tư sản dân tộc chủ
nghĩa thực thụ, và sở dĩ cương lĩnh của những người xã hội dân chủ
Áo có ghi điểm đó, chính là vì chủ trương tự trị dân tộc dung nạp
và không chống lại những điểm như thế.
Nhưng, nếu chủ trương tự trị
dân tộc không thích hợp với xã hội hiện thời được, thì nó lại càng
không thích hợp được với xã hội xã hội chủ nghĩa sau này.
Tất cả bước đường phát triển
của nhân loại hiện nay đã cải chính lời tiên tri của Bau-e về “sự phân chia nhân loại thành những xã
hội phân định theo từng dân tộc”[54].
Những bức tường ngăn các dân tộc không những không được củng cố mà
còn đang tan rã và sụp đổ.
Ngay từ 1840 – 1850, Mác đã
nói rằng “ranh giới giữa các dân
tộc và những đối kháng giữa nhân dân các nước cũng đang dần dần mất
đi rồi…”, rằng “giai cấp vô sản
nắm chính quyền sẽ càng làm cho những ranh giới và những đối kháng
ấy mất đi”[55]. Bước
phát triển sau đó của nhân loại, với sự tiến bộ khổng lồ của nền
sản xuất tư bản chủ nghĩa, với sự pha trộn các dân tộc và tập hợp
các cá nhân trên những lãnh thổ ngày càng rộng lớn hơn, đều xác
nhận ý kiến của Mác một cách rõ rệt.
Ý muốn của
Bau-e đem miêu tả xã hội xã hội chủ nghĩa như “một cảnh tượng mầu
sắc hỗn tạp của những khối liên hiệp dân tộc gồm những người và
những tập đoàn lãnh thổ”, là một ý định rụt rè muốn đem quan niệm
cải lương của Ba-cu-nin mà thay thế quan niệm mác-xít về chủ nghĩa
xã hội. Lịch sử chủ nghĩa xã hội chứng tỏ rằng tất cả mọi ý
định như thế đều chứa sẵn những yếu tố của một sự thất bại không
tránh khỏi.
Không nói gì
đến cái “nguyên tắc xã hội chủ nghĩa về dân tộc” mà Bau-e đã đem
khoe khoang và theo ý chúng tôi nó đem nguyên tắc tư sản về dân tộc để
thay thế cho nguyên tắc xã hội chủ nghĩa về đấu tranh giai cấp. Nếu
chủ trương tự trị dân tộc xuất phát từ một nguyên tắc đáng ngờ như
thế, thì cần phải nhận rằng chủ trương ấy chỉ có thể tai hại cho
phong trào công nhân mà thôi.
Thật ra, cái
chủ nghĩa dân tộc ấy không phải là trong sáng đến như thế đâu; vì nó
được che đậy một cách khôn khéo dưới những lời lẽ xã hội chủ
nghĩa, nhưng cũng vì thế, nó lại càng nguy hại cho giai cấp vô sản.
Người ta bao giờ cũng vẫn có thể đánh đổ được một chủ nghĩa dân
tộc công khai bộc lộ; không khó khăn gì mà không nhận ra nó. Đấu tranh
chống chủ nghĩa dân tộc giấu mặt và khó nhận ra được dưới mặt nạ
của nó, lại càng khó khăn gấp bội. Vì nó khoác cái áo giáp xã
hội chủ nghĩa, nên nó ít bị thương và càng dai dẳng. Hoạt động trong
giới công nhân, nó đầu độc bầu không khí, truyền bá những tư tưởng
nguy hại, làm cho công nhân các dân tộc ngờ vực lẫn nhau và xa lánh
nhau.
Nhưng, tai hại
do chủ trương tự trị dân tộc gây ra không phải chỉ có thế. Nó dọn
đường không những để cô lập các dân tộc, mà còn để chia xẻ phong
trào công nhân thống nhất nữa. Ý niệm tự trị dân tộc tạo ra những
tiền đề tâm lý để chia xẻ đảng công nhân thống nhất thành từng đảng
riêng biệt, tổ chức theo từng dân tộc. Sau Đảng thì đến những công
hội bị phân liệt, kết quả là gây ra một tình trạng cô lập hoàn toàn
đối với nhau. Thế là phong trào thống nhất của giai cấp tan rã thành
từng dòng suối dân tộc nhỏ riêng biệt.
Nước Áo, nơi
chôn rau cắt rốn của “chủ trương tự trị dân tộc”, đã cho ta những tỷ
dụ đáng buồn nhất về hiện tượng này. Đảng xã hội dân chủ Áo,
trước kia là một đảng thống nhất, đã bắt đầu phân liệt thành nhiều
đảng khác nhau từ năm 1897 (Đại hội Đảng ở Vin-be[56]).
Sau khi đại hội Đảng họp ở Bờ-run (1899), thông qua chủ trương tự trị
dân tộc, thì sự phân liệt đã đi tới sâu sắc hơn nữa. Cuối cùng, thì
sự phân liệt đã đi tới chỗ là, đáng lẽ chỉ có một đảng quốc tế
thống nhất, thì hiện nay lại có tới sáu đảng dân tộc, trong số đó,
Đảng xã hội – dân chủ Tiệp thậm chí lại không muốn có liên lạc gì
với Đảng xã hội dân chủ Đức cả.
Nhưng, gắn
liền với các đảng lại có các công hội. Ở Áo, trong những công hội
cũng như trong các đảng, công việc chính cũng vẫn do những công nhân
xã hội dân chủ đảm nhiệm. Vì thế, người ta có thể lo ngại rằng sự
chia rẽ trong nội bộ Đảng sẽ dẫn tới sự chia rẽ trong các công hội,
và công hội rồi cũng sẽ phân liệt. Điều ấy quả đã xảy ra: công hội
cũng đã phân chia theo từng dân tộc. Hiện nay, không phải là hiếm gì
mà không thấy cái tình trạng phân liệt ấy đã đi đến mức là công nhân
Tiệp phá bãi công của công nhân Đức, hoặc tham gia những cuộc tuyển
cử ở các thị xã, mà đứng vào cùng một phe với bọn tư sản Tiệp để
chống lại công nhân Đức.
Như thế, người
ta thấy rõ chủ trương tự trị dân tộc không giải quyết được vấn đề
dân tộc. Trái lại, nó còn làm cho vấn đề này trở nên nghiêm trọng
và rắc rối thêm, bằng cách tạo ra cơ sở thuận tiện cho việc phá
hoại sự thống nhất của phong trào công nhân, cho việc chia công nhân ra
từng dân tộc, làm tăng thêm những vụ xô xát giữa công nhân với nhau.
Đó là kết quả
của chủ trương tự trị dân tộc.
V.
PHÁI BUN, CHỦ
NGHĨA DÂN TỘC VÀ CHỦ NGHĨA PHÂN LẬP CỦA PHÁI ẤY.
Trên kia, chúng tôi đã nói rằng Bau-e, tuy
công nhận quyền tự trị dân tộc là cần cho người Tiêp, người Ba Lan, ... , nhưng
ông lại phản đối quyền tự trị của người Do Thái. Để trả lời câu hỏi “giai cấp
công nhân có nên dòi quyền tự trị cho dân tộc Do Thái không ?” , Bau-e nói: “quyền tự trị dân tộc không thề là một yêu
sách của công nhân Do Thái” [57]. Theo
Bau-e, nguyên do là vì “xã hội tư bản chủ
nghĩa không cho phép họ (những người Do Thái. Sta-lin) tồn tại làm một dân tộc”
[58] .
Tóm
lại: dân tộc Do Thái không còn tồn tại nữa. Như thế thì còn đòi quyền tự trị
dân tộc cho ai? Những người Do Thái hiện đang bị đồng hóa.
Quan
điểm ấy về vận mệnh dân tộc Do Thái không có gì mới lạ. Mác đã nêu ra ngay từ
1840 – 1850[59]
chủ yếu nghĩ đến những người Do Thái ở Đức. Năm 1903, Cau–sky đã nhắc lại điều
ấy [60], khi
nói đến người Do Thái ở Áo, nhưng có khác là ông không phủ nhận hiện tại mà là
phủ nhận tương lai của dân tộc Do Thái.
Về
việc người Do Thái không thể tự bảo tồn làm một dân tộc được, Bau-e cho rằng vì
“người Do Thái không có miền cư trú rõ ràng
nhất định” [61].
Giải thích ấy, đúng về bản chất, nhưng không nói được hết tất cả sự thật. Sự
thật trước hết, là trong đám người Do Thái, không có được tầng lớp rộng rãi và
ổn định, dính liền với đất đai, nó cố kết dân tộc một cách tự nhiên, không
những làm trụ cột cho dân tộc, mà còn làm thị trường “dân tộc” nữa. Trong năm
hay sáu triệu người Do Thái ở Nga chỉ có 3 hay 4% là có liên hệ với nông nghiệp
bằng cách này hay cách khác. Còn lại 96% đều làm việc trong thương mại, công
nghiệp, các cơ quan thành thị, và phần nhiều sống ở các đô thị; hơn nữa, vì
sống tản mạn trong nước Nga nên họ không chiếm đa số ở tỉnh nào cả.
Như
thế, những người Do Thái sống xen vào thành những dân thiểu số trong vùng cứ
trú của các dân tộc khác, với tư cách là nhà nông nghiệp, nhà buôn, hay người
làm nghề tự do, họ phục vụ nhất định cho dân tộc “nước ngoài” và, lẽ tự nhiên,
họ thích ứng với các “dân tộc nước ngoài” về phương diện ngôn ngữ ... Tất cả
những điều đó, cùng với sự di chuyển của các dân tộc ngày càng nhiều — sự chuyển này chỉ riêng những hình thái phát triển
của chủ nghĩa tư bản mới có — đã đưa đến chỗ làm cho người Do Thái phải đồng
hóa. Việc hủy bỏ những “vùng cư trú bắt buộc” chỉ có thể xúc tiến việc
đồng hóa ấy.
Đó là
điều làm cho vấn đề tự trị dân tộc dối với người Do Thái ở Nga có một tính chất
hơi lạ kỳ; người ta đề nghị quyền tự trị cho một dân tộc, trong khi ấy, người
ta phủ nhận tương lai của dân tộc đó và còn phải chứng minh sự tồn tại của nó
nữa !
Thế
mà phái Bun lại đứng trên lập trường lạ lùng và bắp bênh đó để thông qua trong
Đại hội VI (1905) của phái ấy một “cương lĩnh dân tộc” theo tinh thần tự trị
của một dân tộc.
Có
hai trường hợp đã thúc đẩy phái Bun hành động như thế.
Trường hợp thứ nhất: phái Bun tồn tại thành một tổ chức của những người
công nhân xã hội dân chủ Do Thái, và chỉ Do Thái không thôi. Ngay từ trước
1879, những nhóm xã hội dân chủ chiến đấu trong đám công nhân Do Thái, đã tự
đặt ra mục đích lập lên một “tổ chức công nhân dành cho người Do Thái”[62]. Chính
trong năm 1897, họ đã lập ra tổ chức ấy bằng cách tập hợp nhau lại trong phái Bun.
Đó là vào thời kỳ mà Đảng xã hội dân chủ Nga chưa thực sự tồn tại thành một
khối thống nhất. Từ đó, phái Bun không ngừng phát triển và mở rộng, càng ngày
càng đứng nổi bật trên cái nền xám ảm đạm của bức tranh hằng ngày của Đảng xã
hội-dân chủ Nga… Nhưng rồi những năm 1900 – 1910 đã đến. Phong trào quần chúng của công nhân bắt đầu. Đảng
xã hội-dân chủ Nga phát triển, thu hút theo mình công nhân thộc phái “Bun”. Vì
không có cơ sở lãnh thổ, khuôn khổ dân tộc của phái Bun trở thành chật hẹp. Một
vấn đề đặt ra trước mắt phái Bun: hoặc là hòa mình vào làn sống quốc tế chung,
hoặc là bảo vệ sự tồn tại độc lập của mình là một tổ chức vượt ngoài lãnh thổ.
Trong hai giải pháp đó, phái Bun phải theo giải pháp dưới.
Thế
là nảy ra cái “lý luận” của phái Bun cho mình là “đại biểu duy nhất của vô sản Do
Thái”.
Những
biện hộ cho cái “lý luận” buồn cười ấy bằng một cách “giản đơn” nào chăng nữa
cũng là điều không thể được. Cần phải tìm ra một căn cứ về “nguyên tắc” nào đó,
một lý do về “nguyên tắc”. Chính thuyết tự trị dân tộc đã đem lại cơ sở ấy.
Phái Bun mượn cái thuyết này của Đảng xã hột dân chủ Áo và bám lấy nó. Dù không
có cương lĩnh này của người Áo, thì có lẽ phái Bun cũng đã đặt ra một cái như
thế để biện hộ “về mặt nguyên tắc” cho sự tồn tại độc lập của mình.
Thế
là, sau khi nêu lên thử một cách rụt rè năm 1901 (Đại hội IV), phái Bun đã dứt
khoát thông qua bản “cương lĩnh dân tộc” của mình năm 1905 (Đại hội VI).
Trường hợp thứ hai là địa vị đặt biệt của người Do Thái với tư cách là
dân tộc thiểu số riêng biệt ở những vùng mà đa số đông đảo gồm toàn những dân
tộc khác. Chúng ta đã nói rằng cái địa vị đó làm cho người Do Thái không thể
thành một dân tộc được. Nhưng, đó là một quá trình khách quan. Về mặt chủ quan,
nó gây ra một sức phản ứng trong tinh thần người Do Thái và đặt ra vấn đề đòi
đảm bảo các quyền dân tộc thiểu số, đòi đảm bảo cho khỏi bị đồng hóa.
Vì
tuyên truyền rằng “dân tộc” Do Thái có đủ sinh lực, phái Bun không thể nào
không tán thành quan điểm đòi “đảm bảo”. Một khi đã theo lập trường đó, phái Bun
không thể nào không thừa nhân quyền tự trị dân tộc. Thật thế, thứ tự trị duy
nhất mà phái Bun có thể bám lấy, chính là tự trị dân tộc tức là tự trị văn hóa-dân tộc: còn quyền tự trị về
chính trị và về lãnh thổ của người Do Thái, thì không thể nào lại có được, vì
người Do Thái không có lãnh thổ thống nhất nhất định.
Một
điểm đặc biệt là, ngay từ đầu, phái Bun đã nhấn mạnh rằng đặc điểm của quyền tự
trị dân tộc là đảm bảo quyền lợi cho dân tộc thiểu số, là đảm bảo sự “tự do
phát triển” của các dân tộc. Cũng không phải vì tình cờ mà Gôn-bờ-lát đại biểu
của phái Bun, trong Đại hội II của Đảng xã hội dân chủ Nga, đã định nghĩa quyền
tự trị dân tộc là những “tổ chức đảm bảo
cho họ (tức là các dân tộc — Sta-lin) được hoàn
toàn tự do phát triển về văn hóa” [63].
Những người tán thành ý kiến của phái Bun cũng đưa ra đề nghị như thế trước
đảng đoàn xã hội dân chủ ở viện Đu-ma IV…
Thế
là phái Bun đã đứng trên lập trường lạ lùng về quyền tự trị dân tộc của người Do
Thái.
Trên
đây, chúng ta đã phân tích chủ trương tự trị dân tộc, nói chung. Sự phân tích
ấy đã chứng tỏ rằng chủ trương tự trị dân tộc dẫn tới chủ nghĩa dân tộc. Dưới
đây, chúng ta sẽ thấy rằng phái Bun lại còn quan niệm quyền tự trị dân tộc về
một phương diện riêng, phương diện đảm
bảo các quyền cho dân tộc thiểu số. Điều đó lại càng cần thiết, vì vấn đề
các dân tộc thiểu số — chứ không phải chỉ riêng
vấn đề dân tộc thiểu số Do Thái — là một vấn đề thực sự quan trọng với Đảng xã
hội dân chủ.
Vậy thì: đó là vấn đề: “những tổ chức đảm
bảo” cho các dân tộc được “hoàn toàn tự do phát triển về văn hóa”.
Nhưng, những “tổ chức đảm bảo”, ... ấy là gì?
Trước
hết, là “hội đồng dân tộc” của Spơ-rin-ghe và Bau-e, một tổ chức na ná như Nghị
viện để giải quyết các vấn đề văn hóa.
Nhưng,
những tổ chức ấy có thể đảm bảo cho các dân tộc được “hoàn toàn tự do phát
triển về văn hóa” chăng?
Phái Bun
tin là có.
Nhưng
lịch sử lại chứng nhận ngược lại.
Ở Ba
Lan thuộc Nga, có lúc đã có một Nghị viện, một Nghị viện chính trị, dĩ nhiên là
nó cố tìm cách để đảm bảo tự do “phát triển về văn hóa” cho người Ba Lan. Không
những nó đã không thành công trong việc ấy, mà trái lại, chính nó còn bị tiêu diệt
trong cuộc đấu tranh bất đồng chống lại điều kiện chính trị chung của nước Nga.
Từ
lâu; Phần Lan đã có một Nghị viện, Nghị viện ấy cũng cố tìm cách bảo vệ dân tộc
Phần Lan chống lại những hành vi “xâm phạm”, nhưng nó có làm được gì nhiều về
phương diện này không, điều đó mọi người đều thấy. Dĩ nhiên, có thứ Nghị viện
này và thứ Nghị viện khác tổ chức theo lối dân chủ, không phải là cũng dễ dàng
như đánh bại Nghị viện quý tộc Ba Lan. Tuy nhiên, nhân tố quyết định không phải là chính cái Nghị viện ấy, mà là chế độ chung
của Nga; nếu hiện nay, ở Nga có một chế độ chính trị xã hội và cũng bạo ngược
theo lối Á-Đông như trước khi, trong thời kỳ Nghị viện Ba Lan bị thủ tiêu, thì
Nghị viện Phần Lan sẽ ở vào tình trạng còn nguy ngập hơn nhiều. Hơn nữa, chính sách
“xâm phạm” đối với Phần Lan vẫn tăng thêm, và không ai có thể nói rằng chính
sách ấy thất bại…
Nếu
những tổ chức cũ thành lập trong quá trình lịch sử, những Nghị viện chính trị,
mà còn bị như thế, thì những Nghị viện mới, những tổ chức gần đây và hơn nữa
lại yếu như những Nghị viện “văn hóa”, càng không thể đảm bảo tự do phát triển
cho các dân tộc.
Dĩ
nhiên, đây không phải là vấn đề những “tổ chức”, mà là vấn đề chế độ chung
trong nước. Nếu trong nước không có dân chủ hóa, thì cũng không thể có đảm bảo
cho các dân tộc “được hoàn toàn tự do phát triển về văn hóa”. Có thể quả quyết
một cách chắc chắn rằng một nước càng dân chủ bao nhiêu, thì càng ít xảy ra
những vụ “xâm phạm” đến “tự do dân tộc” bấy nhiêu và càng có những đảm bảo
nhiều hơn để chống lại những vụ “xâm phạm” bấy nhiêu.
Nước
Nga là một nước nửa Âu nửa Á; vì thế chính sách “xâm phạm” thường khoác ngoài
những hình thức hết sức bạo ngược, những hình thức tàn sát; không cần phải nói
rằng ở Nga những sự “đảm bảo” đều bị thu hẹp đến cực độ.
Nước Đức, đó là nước thuộc về Châu Âu rồi và có ít nhiều quyền tự do
chính trị; không lấy gì làm lạ rằng ở đó chính sách “xâm phạm” không bao giờ
diễn ra dưới hình thức những vụ tàn sát.
Ở Pháp, tất nhiên còn có nhiều “đảm bảo” hơn, vì nước Pháp dân chủ hơn
nước Đức.
Không nói đến Thụy-sĩ làm gì: vì nước này có chế độ dân chủ cao, tuy là
dân chủ tư sản, nên các dân tộc thiểu số cũng như đa số, đều sống một cách tự
do.
Thế thì phái Bun đã đi lầm đường khi quả quyết rằng những “tổ chức” tự
nó cũng đủ để đảm bảo cho các dân tộc phát triển đầy đủ về văn hoá.
Người ta có thể ra rằng phái Bun cũng coi việc dân chủ hoá ở Nga là điều
kiện tiên quyết để “lập ra các tổ chức” và đảm bảo quyền tự do. Nhưng điều đó
không đúng. Căn cứ theo biên bản Hội nghị VIII của phái Bun [64], thì
thấy rõ phái này tưởng có thể dựa trên cơ sở chế độ hiện tại ở Nga để lập ra
các “cơ quan” bằng cách “đổi mới” công xã Do Thái.
Trong cuộc hội nghị này, một lãnh tụ của phái Bun đã tuyên bố:
“Công xã có thể trở thành cái nhân
của quyền tự trị văn hoá-dân tộc tương lai. Quyền tự trị dân tộc về mặt văn hoá
đối với dân tộc, là một hình thức tự phục vụ, một hình thức để thỏa mãn nhu cầu
của dân tộc mình. Hình thức công xã cũng che giấu một nội dung như thế. Đó là những
cái khâu của một dây xích duy nhất, những giai đoạn của một tiến hoá duy nhất”
[65].
Chính là xuất phát từ quan điểm ấy, hội nghị đã tuyên bố cần phải đấu
tranh “để đổi mới công xã Do Thái và,
dùng con đường lập pháp biến nó thành một tổ chức không lệ thuộc vào giáo hội”
và tổ chức theo lối dân chủ (do chúng tôi gạch dưới, Sta-lin).
Rõ ràng là phái Bun cho rằng điều kiện và sự đảm bảo không phải là ở chỗ
dân chủ hóa nước Nga, mà là ở cái “tổ chức không lệ thuộc vào giáo hội” tương
lai của người Do Thái, do sự “đổi mới công xã Do Thái” hay, như người ta nói,
do con đường “lập pháp”, tức là thông qua nghị viện Đu-ma mà lập ra.
Nhưng chúng ta đã thấy rằng nếu trong toàn bộ quốc gia không có chế độ
dân chủ, há không cần phải có những tổ chức đặc biệt, những “tổ chức văn hóa để
đảm bảo”… chăng? Ở nước Thụy-sĩ dân chủ chẳng hạn, thì về mặt đó như thế nào? Ở
đây có những tổ chức văn hóa đặc biệt thuộc loại “hội đồng dân tộc” của
Spơ-rin-ghe không ? Người ta không hề nói đến điều đó. Vả lại, điều này cũng dễ
hiểu: chế độ dân chủ ở Thụy-sĩ làm cho tất cả mọi “tổ chức” văn hóa đặc biệt
gọi là “để đảm bảo” ... thành ra thừa.
Thế là trong hiện tại thì bất lực, trong tương lai thì thừa, ấy những tổ
chức của chế độ tự trị dân tộc về mặt văn hóa là như thế đó, chế độ tự trị dân
tộc là như thế đó.
Nhưng chủ trương ấy lại càng nguy hại hơn nữa, khi người ta đem gán ép
cho một “dân tộc” mà sự tồn tại và tương lai vẫn còn bị nghi ngờ. Như thế thì
phải chủ trương tự trị dân tộc buộc phải đi đến chỗ che chở và bảo tồn tất cả
mọi đặc thù của “dân tộc” dù có lợi, hay có hại cũng thế, chỉ cốt để “cứu vãn
dân tộc” khỏi bị đồng hóa, chí cốt để “bảo tồn” dân tộc.
Phái Bun nhất định phải đi vào con đường nguy hiểm ấy. Và thật ra, họ đã
đi vào đấy. Chúng ta muốn nói đến những nghị quyết mà ai cũng biết, của những
hội nghị gần đây của phái Bun về ngày “thứ bảy”, về tiếng “Yt-đít-sơ”, …
Đảng xã hội dân chủ đòi cho tất cả
mọi dân tộc được quyền dung tiếng mẹ đẻ, nhưng phái Bun vẫn chưa thỏa mãn,
và còn đòi phải bênh vực “một cách đặc biệt thiết tha”, “quyền nói tiếng Do
Thái”[66] (do
chúng tôi gạch dưới, Sta-lin); và trong cuộc tuyển cử vào Viện Đu-ma IV, chính
phái Bun đã “tuyển lựa những người nào
trong bọn họ (tức là trong bọn cử tri phúc tuyển) hứa hẹn bênh vực quyền nói
tiếng Do Thái” [67].
Không phải là đòi quyền chung dùng tiếng mẹ đẻ đâu, mà là đòi quyền đặc biệt dùng tiếng Do Thái, tiếng
Yt-đít-sơ đấy! Vậy, công nhân các dân tộc, hãy đấu tranh trước hết cho tiếng nói của mình: người Do Thái thì đấu tranh cho
tiếng Do Thái, người Giê-ooc-gi thì đấu tranh cho tiếng Giê-ooc-gi, ... Còn đấu
tranh cho quyền lợi chung tất cả các dân tộc là việc phụ. Thậm chí anh có thể
không dùng tiếng mẹ đẻ của họ, nhưng nếu anh công nhân nhận quyền dùng tiếng
Yt-đít-sơ, thì xin nhớ lấy rằng phái Bun sẽ bỏ phiếu cho anh đấy, phái Bun sẽ “tuyển
lựa” anh.
Nhưng, như thế nào thì phái Bun khác bọn dân tộc chủ nghĩa tư sản ở chỗ
nào?
Đảng xã hội dân chủ đấu tranh đòi mỗi tuần lể phải có một ngày nghỉ bắt
buộc, nhưng phái Bun vẫn không cho là thỏa mãn. Họ đòi phải “dùng con đường lập pháp “để” đảm bảo cho vô
sản Do Thái quyền làm lễ ngày thứ Bảy và đồng thời thủ tiêu việc bắt buộc làm
lễ vào ngày khác” [68].
Phải tin rằng phái Bun sẽ “tiến lên một bước” nữa và đòi quyền cử hành
tất cả những lễ cũ của người Do Thái. Và, nếu không may cho phái Bun mà những
người công nhân Do Thái đã bỏ được những định kiến xưa và không muốn làm những
lễ ấy nữa, thì phái Bun sẽ dung cách cổ động cho “quyền cổ động vào ngày thứ
Bảy” để nhắc cho họ nhớ ngày thứ Bảy, để nuôi dưỡng cho họ “tinh thần ngày thứ
Bảy”, có thể nói như vậy…
Do đó, chúng ta hiểu rõ được những bài “diễn thuyết nhiệt liệt” của các
diễn giả ở hội nghị VIII của phái Bun, đòi phải lập ra những “bệnh viện Do Thái”,
vì “người công nhân Do Thái sẽ không được khoan khoải khi họ ở chung với công
nhân Ba Lan, nhưng ở chung với các chủ hiệu Do Thái, họ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn”
[69] .
Giữ lại tất cả những cái gì có tính chất Do Thái, bảo tồn tất cả mọi đặc thù dân tộc của người Do
Thái, cho cả đến những đặc thù hiển nhiên là có hại cho giai cấp vô sản, tách
rời người Do Thái ra khỏi tất cả những cái gì không phải là Do Thái, lập ra cả
những bệnh viện riêng nữa, đây phái Bun đã sa ngã đến như thế đấy !
Đồng chí Pơ-lê-kha-nốp nói rất chí lý rằng phái Bun “đem chủ nghĩa xã
hội chủ nghĩa làm cho thích ứng với chủ nghĩa dân tộc”. Dĩ nhiên, Cốt-xốp-ski
và những người thuộc phái Bun, cùng một phường với y, có thể cho rằng
Pơ-lê-kha-nốp là “mị dân” [70] — giấy trắng muốn viết gì chẳng được — nhưng, ai là kẻ
hiểu biết sự hoạt động của phái Bun đều nhận thấy dễ dàng rằng những con người
can đảm ấy chỉ sợ nói đến sự thât về mình đó thôi, và ẩn núp dưới những lời vu
cáo thô thiển là “mị dân”…
Nhưng, một khi đã đứng trên lập trường ấy trong vấn đề dân tộc, thì cả
về mặt tổ chức nữa, lẽ dĩ nhiên, phái Bun phải đi vào con đường cô lập công
nhân Do Thái, con đường chia rẽ nội bộ Đảng xã hội dân chủ thành từng nhóm dân
tộc. Vì như thế là hợp lý đối với chủ trương tự trị dân tộc !
Thật thế, từ thuyết “đại diện duy nhất”, phái Bun chuyển sang thuyết “phân
định dân tộc” trong các công nhân. Phái Bun đòi Đảng xã hội dân tộc Nga phải “thực
hiện việc phân định dân tộc trong cơ cấu tổ chức của Đảng” [71]. Và từ “phân
định” nó “tiến thêm một bước” tới thuyết “cô lập”. Không phải không có lý do gì
mà, trong Hội nghị VIII của phái Bun, người ta đã nghe thấy những luận điệu như
là: “dân tộc tồn tại trong cảnh cô lập” [72].
Chủ nghĩa liên bang về mặt tổ chức che đậy những yếu tố tan rã và phân
lập. Phái Bun đang đi đến chủ nghia phân lập.
Thật ra, nó không có con đường nào khác. Chính ngay việc phái ấy tồn tại
là một tổ chức vượt ngoài lãnh thổ, đã đẩy nó vào con đường chủ nghĩa phân lập.
Phái Bun không có một lãnh thổ nhất định, nó hoạt đọng trên lãnh thổ của “người”,
trong khi đó, thì các đảng xã hội dân chủ Ba Lan, Lét-tô-ni và Nga có liên hệ
với nó, lại là những tập thể quốc tế có lãnh thổ. Do đó mà mỗi lần những tập
thể ấy bành trướng ra là một một lần phái Bun bị “thiệt thòi”, phải thu hẹp
trường hoạt động lại. Có hai trường hợp: hoặc giả toàn Đảng xã hội-dân chủ Nga
phải cải tổ trên cơ sở chủ nghĩa lien bang dân tộc, như thế thì phái Bun có thể
“nắm được” giai cấp vô sản Do Thái, hoặc giả nguyên tắc quốc tế về lãnh thổ của
những tập thể ấy được thịnh hành,như thế thì phái Bun sẽ cải tổ trên cơ sở của
chủ nghĩa quốc tế, cũng như Đảng xã hội-dân chủ Ba Lan và Lét-tô-ni đã làm.
Điều ấy giải thích cho chúng ta hiểu vì sao, ngay từ đầu, phải Bun đã
đòi “cải tổ Đảng xã hội dân chủ Nga trên
cơ sở liên bang” [73].
Năm 1906, phái Bun nhượng bộ trước làn sống thống nhất từ dưới nổi lên,
đã chọn một con đường trung gian là gia nhập Đảng xã hội-dân chủ Nga. Nhưng
phái Bun đã gia nhập như thế nào? Trong khi các Đảng xã hội-dân chủ Ba Lan và
Lét-tô-ni gia nhập Đảng xã hộp-dân chủ Nga để cộng tác với nhau một cách hòa
bình, thì phái Bun gia nhập để đấu tranh cho chủ trương liên bang. Đúng như lời
lãnh tụ phái Bun là Mê-đêm đã nói hồi đó:
“Chúng ta vào đó không phải để hòa
hợp, mà là để đấu tranh. Không có hòa hợp nào cả, và chỉ có bọn như Ma-ni-lốp [74]
mới có thể trông mong điều đó trong một tương lai gần đây. Phái Bun vào Đảng
phải được vũ trang từ đầu đến chân” [75].
Nếu cói đó là ác ý của Mê-đem thì là lầm. Đây không phải là ác ý của
Mê-đem mà là lập trường riêng biệt của phái Bun; theo lập trường này, phái ấy
không thể không đấu tranh chống Đảng xã hội dân chủ Nga, là đang dựa trên những
nguyên tắc chủ nghĩa quốc tế. Nhưng khi đấu tranh chống Đảng, thì lẽ tự nhiên
phái Bun phải làm thiệt hại đến sự thống nhất. Cuối cùng, phái Bun đi tới chỗ
chính thức đoạn tuyệt với Đảng xã hội dân chủ Nga: nó không tuân theo điều lệ
Đảng, và trong cuộc bầu cử vào Viện Đu-ma IV, nó đã liên kết với bọn dân tộc
chủ nghĩa Ba Lan để chống lại những người xã hội-dân chủ Ba Lan.
Có lẽ, phái Bun cho rằng đoạn tuyệt là đảm bảo hay nhất cho sự độc lập
của họ.
Thế là “nguyên tắc phân định” về mặt tổ chức đã dẫn tới chủ nghĩa phân
lập, dẫn tới sự đoạn tuyệt hoàn toàn.
Xưa kia, khi bút chiến về chủ nghĩa liên bang với tờ Tia lửa cũ [76], phái Bun
đã viết:
“Báo Tia lửa muốn thuyết phục
chúng ta rằng mối quan hệ liên bang của phái Bun với Đảng xã hội-dân chủ Nga
tất sẽ làm yếu những mối quan hệ giữa hai bên. Chúng ta không thể bác ý kiến ấy
bằng cách căn cứ vào thực tiễn nước Nga vì một lý do giản dị là Đảng xã hội dân
chủ Nga không tồn tại một tổ chức liên bang. Nhưng, chúng ta có thể căn cứ vào
kinh nghiệm hết sức hay ho của Đảng xã hội dân chủ Áo là đảng đã được cải tổ
theo nguyên tắc liên bang, do một nghị quyết của Đại hội Đảng năm 1897” [77].
Những điều đó viết vào năm 1902.
Nhưng hiện nay đã là năm 1913. Chúng ta đã có “thực tiễn” của nước Nga
và “kinh nghiệm của Đảng xã hội dân chủ Áo”.
Những cái đó chứng tỏ gì?
Chúng ta hãy bắt đầu bằng “kinh nghiệm hết sức hay ho của Đảng xã hội dân
chủ Áo”. Ngay từ trước 1896, nước Áo đã có một Đảng xã hội dân chủ thống nhất.
Năm đó, trong đại hội quốc tế họp ở Luân-đôn lần đầu tiên, người Tiệp đòi quyền
đại diện riêng và đạt được quyền đó. Năm 1897, trong Đại hội của Đảng họp ở
Viên (Vin-be), Đảng thống nhất đã chính thức bị thủ tiêu; một khối liên bang
gồm 6 “nhóm xã hội dân chủ” dân tộc được lập ra thay thế Đảng ấy. Sau đó, những
“nhóm” ấy biến thành những Đảng độc lập lần lần đoạn tuyệt quan hệ với nhau.
Theo chân họ, Đảng đoàn ở Nghị viện cũng phân liệt, nhứng “câu lạc bộ” dân tộc
được tổ chức lên. Rồi đến công hội cũng phân chia theo từng dân tộc. Phong trào
lan tràn đến cả các hợp tác xã: những người Tiệp, theo chủ trương phân lập kêu
gọi công nhân phân chia các hợp tác xã [78]. Đó là
chưa kể rằng cuộc vận động phân lập đã làm yếu tinh thần đoàn kết của công nhân
và thường đẩy họ vào con đường phá bãi công lẫn nhau.
Như vậy “kinh nghiệm hết sức hay ho của Đảng xã hội dân chủ Áo” đã chống lại phái Bun và ủng hộ báo Tia lửa cũ. Chủ trương liên bang trong
nội bộ của Đảng xã hội-dân chủ Áo đã dẫn tới chủ trương phân lập bỉ ổi nhất, và
làm tan rã sự thống nhất của phong trào công nhân.
Ở trên, chúng ta đã thấy rằng “thực tiễn Nga” cũng chứng minh điều đó.
Bọn chủ trương phân lập trong phái Bun, cũng như người Tiệp, đã đoạn tuyệt với
toàn bộ Đảng xã hội dân chủ Nga. Còn về công hội, thì những công hội của phái Bun,
ngay từ ban đầu, đã được tổ chức theo nguyên tắc dân tộc, nghĩa là đã ly khai
với công nhân các dân tộc khác rồi.
Cô lập hoàn toàn, đoạn tuyệt hoàn toàn —
đó là điều mà “thực tiễn Nga” về chủ nghĩa liên bang đã chứng tỏ.
Không lạ gì khi thấy rằng tình trạng ấy ảnh hưởng đến công nhân, làm
giảm tinh thần đoàn kết của họ và làm họ mất tinh thần, và chính hàng ngũ phái Bun
cũng mất tinh thần nữa. Chúng tôi muốn nói đến những vụ xung đột ngày càng
thường xẩy ra giữa công nhân Do Thái và công nhân Ba Lan vì vấn đề thất nghiệp.
Dưới đây là những lời đã vang dội trong cuộc Hội nghị IX của phái Bun:
“Chúng ta coi những người công
nhân Ba Lan đã hất cẳng chúng ta, như những kẻ đi tàn sát, những công nhân
vàng; chúng ta không ủng hộ những cuộc bãi công của họ, chúng ta phá những cuộc
bãi công ấy. Sau nữa, họ hất cẳng ta, ta cũng hất cẳng lại họ; để đáp lại việc
không dung nạp công nhân Do Thái trong các xưởng máy, chúng ta không để cho
công nhân Ba Lan làm việc trong xưởng thủ công…
Nếu chúng ta
không nắm lấy việc đó trong tay, thì công nhân sẽ đi theo kẻ khác”. [79] (Do
chúng tôi gạch dưới, Sta-lin).
Đấy người ta nói đến đoàn kết ở Hội nghị của phái Bun là như thế đấy.
Chủ trương “phân định” và “cô lập” đi xa đến thế là cùng. Phái Bun đã
đạt mục đích của họ: họ phân rẽ công nhân các dân tộc khác nhau ra, đến mức làm
cho họ đánh lẫn nhau, phá bãi công của nhau. Không thể nào làm khác thế được:
“nếu chúng ta không nắm lấy việc
đó trong tay, thì công nhân sẽ đi theo kẻ khác…”
Phong trào công nhân tan rã, hang ngũ Đảng xã hội dân chủ mất tinh thần,
đó là kết quả chủ nghĩa liên bang của phái Bun đã đạt đến.
Thế thì ý niệm tự trị dân tộc và bầu không khí mà ý niệm ấy tạo ra ở Nga
lại còn tỏ ra có hại hơn ở Áo.
VI. NGƯỜI CAP-CA-DƠ VÀ HỘI NGHỊ PHÁI
THỦ TIÊU
Trên kia, chúng tôi đã nói đến sự lưng chừng của một số
đảng viên xã hội dân chủ Cap-ca-dơ không biết chống lại sự “truyền nhiễm” của
chủ nghĩa dân tộc. Sự lưng chừng ấy biểu lộ ra ở chỗ là những đảng viên xã hội
dân chủ ấy đã đi theo - một cách khá lạ lùng - vết chân phái Bun và tuyên bố quyền tự trị dân tộc về
mặt văn hóa.
Quyền tự trị địa phương cho toàn xứ Cap-ca-dơ và quyền tự
trị dân tộc về mặt văn hóa cho các dân tộc Cap-ca-dơ, những đảng viên xã hội
dân chủ Cap-ca-dơ - nhân dân cũng cần nói là đã liên
kết với phái thủ tiêu ở Nga - đề ra yêu sách như thế đó.
Chúng ta hãy nghe lời ông N. [80] trứ
danh, lãnh tụ đã được thừa nhận của họ:
“Mọi người đều biết
rằng xứ Cap-ca-dơ khác hẳn những tỉnh miền trung, về thành phần chủng tộc của dân
cư cũng như về lãnh thổ và nông nghiệp. Việc khai thác và phát triển về mặt vật
chất của một miền như thế đòi hỏi phải có những người lao động gốc ở địa
phương, am hiểu những đặc thù địa phương, quen thuộc với văn hóa và khí hậu địa
phương. Tất cả những luật pháp nhằm mục đích khai thác đất đai địa phương cần
phải được ban bố ngay tại chỗ và do người địa phương thi hành. Cho nên ban bố
luật lệ về những vấn đề địa phương... là thuộc thẩm quyền của cơ quan hành
chính tự trị trung ương xứ Cap-ca-dơ. Do đó, chức vụ của cơ quan trung ương xứ
Cap-ca-dơ là ban bố những đạo luật nhằm mục đích khai thác đất đai địa phương
về mặt kinh tế, làm cho địa phương được phồn thịnh về mặt vật chất”[81].
Vậy là Cap-ca-dơ phải được quyền tự trị địa phương.
Nếu bỏ qua những lý do ít nhiều mâu thuẫn và không mạch
lạc mà N. đã đưa ra, thì phải nhận rằng kết luận của y là đúng. Tự trị địa
phương cho xứ Cap-ca-dơ trong phạm vi Hiến pháp chung của toàn quốc - điều này, N. không chối cãi đâu - thực ra là cần thiết, vì xứ Cap-ca-dơ có những thành
phần đặc thù về dân cư và về điều kiện sinh hoạt. Điều này Đảng xã hội dân chủ
Nga đã thừa nhận và tuyên bố tại Đại hội II của Đảng.
“quyền hành chính
tự trị địa phương cho những người miền ngoại vi nào có điều kiện sinh hoạt và
thành phần dân cư khác những miền chính cống của Nga”.
Khi đưa điểm này ra Đại hội II xét, Mác-tốp đã viện lý do
rằng:
“Địa thế rộng lớn
của nước Nga và kinh nghiệm về hành chính tập trung của chúng ta làm cho chúng
ta nhận thấy rằng những đơn vị quan trọng như Phần Lan, Ba Lan, Li-tu-a-ni và
Cap-ca-dơ mà có quyền hành chính tự trị địa phương là một điều cần thiết và có
lợi”.
Nhưng như thế thì phải hiểu quyền hành chính tự trị địa phương là quyền tự trị địa phương.
Nhưng N. còn đi xa hơn nữa. Theo y, thì quyền tự trị địa
phương của Cap-ca-dơ chỉ mới bao gồm “một mặt của vấn đề”.
“Cho đến nay, chúng
ta chỉ mới nói đến sự phát triển về vật chất của sinh hoạt địa phương. Nhưng,
nền kinh tế của một miền phát triển, không phải, chỉ do sự hoạt động kinh tế mà
còn do sự hoạt động tinh thần và văn hóa nữa... Một dân tộc mạnh về văn hóa thì
cũng mạnh cả về kinh tế... Nhưng, sự phát triển văn hóa của các dân tộc chỉ có
thể thực hiện được bằng tiếng nói của dân tộc... Cho nên tất cả những vấn đề
liên quan đến tiếng mẹ đẻ đều là nhưng vấn đề văn hóa dân tộc. Đó là những vấn
đề giáo dục, về thủ tục tư pháp, về Nhà thờ, về văn học, nghệ thuật, khoa học,
ca kịch, ... Nếu công cuộc phát triển vật chất của địa phương làm cho các dân
tộc thống nhất lại thì vấn đề văn hóa dân tộc lại phân chia họ ra, đặt mỗi dân
tộc vào một trường hoạt động riêng. Loại hoạt động thứ nhất có liên hệ đến một
lãnh thổ nhất định nào đó... Những vấn đề văn hóa dân tộc thì lại khác hẳn.
Những vấn đề ấy không gắn liền với một lãnh thổ nhất định, mà gắn liền với sự
tồn tại của một dân tộc nhất định. Những người Giê-ooc-gi, dầu ở đâu cũng thế,
đều quan tâm như nhau đến vận mệnh của tiếng nói Giê-ooc-gi. Nói rằng văn hóa
Giê-ooc-gi chỉ quan hệ đến những người Giê-ooc-gi sống ở Giê-ooc-gi là tỏ ra
hết sức dốt. Hãy lấy nhà thờ của người Ác-mê-ni làm thí dụ. Người Ác-mê-ni ở
khắp địa phương và mọi nước đều tham gia công việc quản lý của nhà thờ. Ở đậy,
lãnh thổ không đóng vai trò nào hết. Một thí dụ khác nữa: người Giê-ooc-gi ở
Ti-phơ-li-xơ cũng như người Giê-ooc-gi ở Ba-cu, Cu-tai, Pê-téc-bua, ... đều
quan tâm đến việc lập bảo tàng Giê-ooc-gi. Vậy thì việc quản lý và điểu khiển
tất cả mọi công việc về văn hóa dân tộc phải giao cho chính những dân tộc ấy
đảm nhiệm. Chúng ta tuyên bố quyền tự trị dân tộc về mặt văn hóa cho các dân
tộc Cap-ca-dơ”[82].
Tóm lại, vì văn hóa không phải là lãnh thổ, và lãnh thổ
không phải là văn hóa, nên quyền tự trị dân tộc về mặt văn hóa là cần thiết. Đó
là tất cả những điều mà N. có thể nói để bênh vực chủ trương đó.
Ở đây, chúng ta sẽ không đả động một lần nữa đến quyền tự
trị dân tộc về mặt văn hóa, nói chung: chúng ta đã nói về tính chất tiêu cực
của nó ở trên kia rồi. Chúng ta chỉ muốn nhấn mạnh rằng quyền tự trị dân tộc về
mặt văn hóa, nói chung, không có giá trị gì, mà đối với những điều kiện của xứ
Cap-ca-dơ thì nó càng là điều vô nghĩa và phi lý hơn nữa.
Và đây là lý do tại sao.
Quyền tự trị dân tộc về mặt văn hóa đòi hỏi phải có những
dân tộc đã phát triển ít hay nhiều, có một nền văn hóa và văn học tiến bộ.
Thiếu những điều kiện ấy, thì quyền tự trị này mất hết lý do tồn tại và trở
thành một điều phi lý. Vậy mà ở Cap-ca-dơ có cả một lô những dân tộc mà văn hóa
còn ở trình độ cổ sơ, nói một thứ tiếng riêng, nhưng không có văn học riêng,
hơn nữa, những dân tộc ấy lại đang ở trong tình trạng quá độ, có bộ phần thì
đang bị đồng hóa, có bộ phận thì tiếp tục phát triển. Làm thế nào để áp dụng
quyền tự trị dân tộc về mặt văn hóa cho họ. Đối với những dân tộc như thế thì
làm thế nào ? Làm thế nào để “tổ chức” họ thành những khối liên hiệp văn hóa -
dân tộc riêng biệt, việc mà chắc chắn chủ trương tự trị dân tộc về mặt văn hóa
đã bao hàm hẳn?
Đối với người Min-gơ-rê-li, Áp-kha-dơ, Át-gia, Svan,
Lét-ghi, ..., những người nói những thứ tiếng khác nhau, nhưng không có văn học
riêng, thì làm thế nào? Liệt họ vào dân tộc ào? Có thể “tổ chức” họ thành những
khối liên hiệp dân tộc chăng? “tổ chức” họ xung quanh những “vấn đề văn hóa”
nào?
Đối với dân Ốt-xét, mà một số ở Nam Cap-ca-dơ thì đang đi
tới chỗ bị người Giê-ooc-gi đồng hóa (nhưng còn lâu mới đồng hóa được họ), còn
một số nữa ở Cap-ca-dơ thì một bộ phận lại đang bị Nga đồng hóa, một bộ phận
nữa đang tiếp tục phát triển và tạo ra một nền văn học riêng, đối với họ phải
làm thế nào? Làm thế nào để “tổ chức” họ thành một khối dân tộc duy nhất ?
Người Át-gia nói tiếng Giê-ooc-gi nhưng lại theo văn hóa
Thổ và tin theo Hồi giáo, thì liệt họ vào khối dân tộc nào? Có phải, về mặt tôn giáo thì “tổ chức” họ riêng biệt
đối với người Giê-ooc-gi, và về những vấn
đề văn hóa khác thì tổ chức họ cùng chung với người Giê-ooc-gi chăng? Còn
người Cô-bu-lét-dơ, người In-gút-sơ, người In-ghi-lôi, thì sao ?
Chủ trương tự trị mà bỏ qua cả một lô dân tộc như thế là
chủ trương gì?
Không, đó không phải là một giải pháp cho vấn đề dân tộc,
mà là kết quả của một ý muốn ngông cuồng không đâu vào đâu.
Nhưng, chúng ta hãy cứ thừa nhận điều không thể thừa nhận
được đi, và cho rằng chủ trương tự trị dân tộc về mặt văn hóa của N. được thực
hiện, thì hỏi nó sẽ đưa đến đâu? Đến những kết quả nào? Hãy lấy người Ta-ta ở
Nam Cap-ca-dơ làm thí dụ: họ chỉ có một số rất ít biết đọc, biết viết, trường
học của họ thì do bọn tăng lữ uy quyền rất lớn điều khiển, văn hóa của họ thì
nhiễm đầy tinh thần tôn giáo... Không khó khăn gì mà không hiểu được rằng tổ
chức họ vào một khối liên hiệp văn hóa dân tộc tức là đặt họ dưới quyền bọn
tăng lữ, tức là giao phó họ vào tay bọn tăng lữ phản động; tức là tạo ra một
pháo đài mới cho kẻ thù ghê gớm nhất của quần chúng Ta-ta nô dịch họ về mặt
tinh thần.
Những người xã hội dân chủ mà đi đổ dầu vào lửa cho bọn
phản động là từ khi nào thế?
Có lẽ nào mà bọn thủ tiêu ở Cap-ca-dơ lại không tìm ra
được cái gì để “tuyên bố” hơn là sự cô lập người Ta-ta Nam Cap-ca-dơ trong một
khối liên hiệp văn hóa dân tộc cho bọn phản động hung ác nô dịch quần chúng hay
sao?
Không, đó không phải là một giải pháp cho vấn đề dân tộc.
Vấn đề dân tộc ở Cap-ca-dơ chỉ có thể giải quyết bằng
cách lôi cuốn các dân tộc và nhân dân hậu
tiến vào trào lưu chung của một nền văn hóa cao. Chỉ có giải pháp ấy mới là
một giải pháp tiến bộ mà Đảng xã hội dân chủ có thể thừa nhận được. Nếu quyền
tự trị địa phương của Cap-ca-dơ có thể thừa nhận được chính là vì quyền tự trị
đó lôi cuốn được những dân tộc hậu tiến vào con đường phát triển văn hóa chung,
giúp đỡ họ thoát khỏi cái vỏ dân tộc nhỏ bé, đẩy họ tiến tới và làm cho họ dễ
dàng hưởng được những điều hay của nền văn hóa cao. Còn quyền tự trị dân tộc về
mặt văn hóa thì lại tác động ngược hẳn lại, vì nó giam hãm các dân tộc trong
cái vỏ cũ kỹ của họ, nó giữ họ ở trình độ phát triển văn hóa thấp kém và không
cho họ bước lên trình độ văn hóa cao.
Do đó, quyền tự trị dân tộc làm tê liệt những mặt tích
cực của quyền tự trị địa phương, biến nó thành con số không.
Chính vì thế mà cái kiểu tự trị hỗn hợp, phối hợp quyền
tự trị dân tộc về mặt văn hóa với quyền tự trị địa phương do N. đề nghị cũng
không thích hợp nữa. Cách phối hợp trái tự nhiên ấy không cải tiến được gì cả,
mà còn làm cho tình trạng thêm trầm trọng, vì ngoài việc nó kìm hãm không cho
các dân tộc hậu tiến phát triển, nó còn biến quyền tự trị địa phương thành một
vũ đài xung đột giữa các dân tộc tổ chức thành liên hiệp dân tộc nữa.
Vì thế, chủ trương tự trị dân tộc về mặt văn hóa, nói
chung thì không có giá trị gì cả, nhưng ở Cap-ca-dơ lại biến thành một công
cuộc phản động phi lý.
Chủ trương tự trị dân tộc về mặt văn hóa của N. và những
người Cap-ca-dơ đồng tình với y là như thế đấy.
Phái thủ tiêu ở Cap-ca-dơ có “tiến thêm một bước” nữa
không, và sẽ có thay đổi phái Bun trong vấn đề tổ chức không, điều đó tương lai
sẽ trả lời. Lịch sử Đảng xã hội dân chủ dạy chúng ta rằng, cho đến nay, chủ
trương liên bang về mặt tổ chức bao giờ cũng đi trước chủ trương tự trị dân tộc
trong cương lĩnh. Ngay từ 1897, những người xã hội dân chủ Áo đã thực hành chủ
nghĩa liên bang về mặt tổ chức và chỉ hai năm sau (1899), họ đã theo chủ trương
tự trị dân tộc. Năm 1901, lần đầu tiên, phải Bun nói lên rõ ràng chủ nghĩa tự
trị dân tộc, nhưng họ đã thực hành chủ nghĩa đó về mặt tổ chức từ 1897.
Phái thủ tiêu Cap-ca-dơ đã bắt đầu từ điểm cuối tức là từ
tự trị dân tộc. Nếu họ tiếp tục theo vết phái Bun, thì trước hết họ phải phá
hủy tất cả cơ cấu tổ chức hiện thời của họ, xây dựng lên từ cuối thế kỷ XIX
trên cơ sở chủ nghĩa quốc tế.
Nhưng nếu chấp nhận chủ trương tự trị dân tộc, một chủ
trương còn khó hiểu đối với công nhân, là một việc dễ, thì phá hủy cái cơ cấu
do tay công nhân thuộc tất cả các dân tộc ở Cap-ca-dơ xây dựng nên và ân cần
nâng niu đã hàng bao nhiêu năm, lại là một việc rất khó. Chỉ cần làm cái việc
điên cuồng theo kiểu Ê-rô-slơ-ra-tơ ấy cũng đủ cho công nhân sáng mắt ra và
hiểu rõ bản chất dân tộc chủ nghĩa của chủ trương tự trị dân tộc về mặt văn
hóa.
\
Nếu người Cap-ca-dơ giải quyết vấn đề dân tộc bằng những
phương pháp thường, bằng những cuộc tranh cãi ngoài miệng và thảo luận trên báo
chí, thì Hội nghị của phái thủ tiêu ở Nga lại tưởng tượng ra một phương sách
hoàn toàn đặc biệt. Phương sách dễ dàng và giản đơn.
Xin hãy nghe lời họ nói:
“Sau khi đã nghe
đoàn đại biểu Cap-ca-dơ cho biết... về sự cần thiết phải đề ra yêu sách tự trị
dân tộc về mặt văn hóa, thì Hội nghị không phát biểu gì về nội dung yêu sách
ấy, mà nhận thấy rằng cách giải thích như thế đối với điều khoản trong cương
lĩnh thừa nhận cho mỗi dân tộc được quyền tự quyết, không trái với ý nghĩa đích
xác của cương lĩnh”.
Thế là, truớc hết “không phát biểu gì về nội dung” vấn đề
“ấy”, rồi lại “nhận thấy”. Thật là phương pháp lạ kỳ...
Vậy cái Hội nghị lạ kỳ ấy “đã nhận thấy” gì?
Rằng cái “yêu sách” tự trị dân tộc về mặt văn hóa “không
trái với ý nghĩa đích xác” của cương lĩnh thừa nhận quyền dân tộc tự quyết.
Chúng ta hãy xét luận đề này xem sao.
Điểm về quyền tự quyết là bàn đến quyền của các dân tộc.
Theo điểm này, các dân tộc không những có quyền tự trị mà còn có quyền phân lập
nữa. Đây là nói về quyền tự quyết về chính
trị. Phái thủ tiêu định lừa bịp ai, khi họ tìm cách diễn giải sai quyền ấy
đi, quyền mà tất cả các Đảng xã hội dân chủ quốc tế từ lâu đã thừa nhận cho các
dân tộc tự quyết về mặt chính trị.
Hay phái thủ tiêu sẽ tìm cách quanh co ẩn núp sau luận
điệu ngụy biện này, các anh thấy chăng, quyền tự trị dân tộc về mặt văn hóa “không
trái với” các quyền của dân tộc chăng ? Nghĩa là nếu tất cả các dân tộc trong
một quốc gia nào đó thuận tổ chức trên cơ sở quyền tự trị dân tộc về mặt văn
hóa, thì những dân tộc ấy - tức là toàn thể các dân tộc ấy - có đầy đủ quyền làm việc đó, và không ai có thể cưỡng
bách họ phải theo một hình thức sinh hoạt chính trị nào khác. Đó mới thật là
cái mới và hay. Há không nên nói thêm rằng các dân tộc nói chung, đều có quyền
hủy bỏ Hiến pháp của mình, thay thế Hiến pháp ấy bằng một chế độ chuyên chế,
trở lại chế độ cũ, vì rằng dân tộc, và chỉ có dân tộc, mới có quyền tự mình
quyết định lấy vận mình. Chúng ta nhắc lại: như thế thì quyền tự trị dân tộc về
mặt văn hóa hay tinh thần phản động dân tộc, dầu thế nào chăng nữa, cũng “không
trái với” các quyền của dân tộc.
Có phải cái hội nghị đáng kính kia muốn nói như thế
chăng?
Không, không phải thế. Hội nghị ấy nói nhất quyết rằng
quyền tự trị dân tộc về mặt văn hóa “không phải với ý nghĩa đích xác” của cương
lĩnh, chứ không phải không trái với các quyền của dân tộc. Đây là nói cương
lĩnh, chứ không phải nói các quyền của dân tộc.
Điều đó dễ hiểu. Nếu một dân tộc nào đó đến xin ý kiến
Hội nghị của phái thủ tiêu, thì Hội nghị này ắt có thể nhận thấy ngay rằng dân
tộc có quyền tự trị về văn hóa. Nhưng, đây lại không phải là một dân tộc nào
xin ý kiến Hội nghị, mà là một “đoàn đại biểu” xã hội dân chủ Cap-ca-dơ gồm
những người xã hội dân chủ thật ra không tốt gì, nhưng dù sao cũng là người xã
hội dân chủ. Và họ không đặt vấn đề quyền dân tộc, mà lại hỏi xem quyền tự trị
dân tộc về mặt văn hóa có mâu thuẫn với nguyên
tắc của Đảng xã hội dân chủ không, có “trái” với “ý nghĩa đích xác” của cương
lĩnh Đảng xã hội dân chủ không.
Vậy thì quyền dân
tộc và “ý nghĩa đích xác” của cương lĩnh Đảng xã hội dân chủ không
phải là một.
Hiển nhiên, cũng có những yêu sách, tuy không trái với
quyền của dân tộc, nhưng vẫn có thể trái với “ý nghĩa đích xác” của cương lĩnh.
Lấy một thí dụ, Cương lĩnh của người xã hội dân chủ có
điểm nói về quyền tự do, tín ngưỡng. Theo điểm này, thì mọi nhóm người đều có quyền tin theo bất cứ một tôn
giáo nào: Da-tô giáo, Chính giáo, ... Đảng xã hội dân chủ sẽ đấu tranh chống
mọi sự đàn áp tôn giáo, chống những cuộc tàn sát tín đồ Chính giáo, Da-tô giáo
và Cải lương giáo. Như thế có phải nghĩa là Da-tô giáo và Cải lương giáo, ... “không
trái với ý nghĩa đích xác” của cương lĩnh chăng ? Không. Đảng xã hội dân chủ
luôn luôn phản đối những vụ tàn sát tín đồ Da-tô hay Cải lương; luôn luôn bênh
vực tự do tín ngưỡng của dân tộc đối với bất cứ tôn giáo nào; nhưng, đồng thời,
dựa vào quan niệm đúng đắn về quyền lợi của giai cấp vô sản, Đảng vẫn tuyên
truyền chống cả Da-tô giáo, lẫn Cải lương giáo, và Chính giáo, nhằm làm cho thế
giới quan xã hội chủ nghĩa thắng.
Và Đảng hành động như thế là vì Cải lương giáo, Da-tô
giáo, Chính giáo ,..., nhất định đều “trái với ý nghĩa đích xác” của cương lĩnh,
nghĩa là trái với quyền lợi đúng đắn của giai cấp vô sản.
Quyền dân tộc tự quyết cũng thế. Các dân tộc đều có quyền
tự tổ chức theo ý muốn của mình, có quyền duy trì bất của tổ chức nào của dân
tộc, không kể tổ chức ấy có lợi hay có hại, không ai có thể (không ai được
quyền!) dùng bạo lực can thiệp vào
đời sống dân tộc. Nhưng như thế vẫn không có nghĩa là Đảng xã hội dân chủ sẽ
không đấu tranh, không cổ động chống những tổ chức có hại của dân tộc. Trái
lại, Đảng xã hội-dân chủ có bổn phận phải cổ động như thế và gây ảnh hưởng vào
các ý chí của dân tộc, làm sao cho họ tự tổ chức theo hình thức thích hợp nhất
với quyền lợi của giai cấp vô sản. Chính vì thế mà khi chiến đấu cho quyền dân
tộc tự quyết, đồng thời Đảng cũng cổ động, chẳng hạn, chống cả sự phân lập của
người Ta-ta lẫn chủ trương tự trị dân tộc về mặt văn hóa của các dân tộc
Cap-ca-dơ; vì cả hai chủ trương này, tuy không trái với quyền của các dân tộc
ấy, nhưng lại trái với “ý nghĩa đích xác”
của cương lĩnh, nghĩa là trái với
quyền lợi của giai cấp vô sản Cap-ca-dơ.
Hiển nhiên, “quyền của dân tộc” và “ý nghĩa đích xác” của
cương lĩnh là hai cái hoàn toàn khác nhau. “Ý nghĩa đích xác” của cương lĩnh
thì biểu thị những quyền lợi của giai cấp vô sản, những quyền lợi đã được đề ra
một cách khoa học trong cương lĩnh của giai cấp vô sản, còn quyền của dân tộc
thì có thể biểu thị quyền lợi của bất cứ giai cấp nào, tư sản quý tộc, tăng lữ,
..., tùy theo lực lượng và ảnh hưởng của những giai cấp ấy. Đó là nhiệm vụ của người mác-xít; còn đây lại
là quyền của dân tộc gồm đủ mọi giai
cấp. Quyền của dân tộc và những nguyên tắc của Đảng xã hội dân chủ có thể phù
hợp nhau hoặc “trái ngược” nhau, chẳng hạn như kim tự tháp của Sê-ốp-xơ có thể
phù hợp hoặc trái ngược với cuộc Hội nghị bất hủ của phái thủ tiêu. Đó là những
điều hoàn toàn không thể đem so sánh với nhau được.
Nhưng do đó mà thấy rằng cuộc Hội nghị đáng kính kia đã
lẫn lộn một cách không thể nào tha thứ được hai điều tuyệt đối khác nhau. Do
đó, kết quả đã đưa đến không phải là một giải pháp cho vấn đề dân tộc, mà là
một điều phi lý cho rằng quyền của dân tộc và nguyên tắc của Đảng xã hội dân
chủ “không trái ngược nhau”; vì thế, mỗi yêu sách của các dân tộc đều có thể
dung hòa với quyền lợi của giai cấp vô sản; vì thế, không một yêu sách nào của
dân tộc đòi tự quyết lại “trái ngược với ý nghĩa đích xác” của cương lĩnh cả!
Họ đã quá ư lạm dụng lô-gích...
Chính Hội nghị của phái thủ tiêu đã dựa vào điều phi lý
ấy để đưa ra một quyết định từ nay trở thành bất hủ cho rằng yêu sách tự trị
dân tộc về mặt văn hóa “không trái với ý nghĩa đích xác” của cương lĩnh.
Nhưng Hội nghị của phái thủ tiêu không những chỉ làm trái
quy tắc của luận lý.
Trong khi chuẩn nhận chủ trương tự trị dân tộc về mặt văn
hóa, nó còn làm trái với bổn phận của nó đối với Đảng xã hội dân chủ Nga nữa.
Nó làm trái “ý nghĩa đích xác” của cương lĩnh một cách hết sức rõ rệt, vì ai
cũng biết rằng Đại hội II đã thông qua cương lĩnh và đã cương quyết gạt bỏ chủ
trương tự trị dân tộc về mặt văn hóa. Sau đây là lời bàn cãi trong Đại hội về
vấn đề đó:
“Gôn-bờ-lát (phái Bun): Tôi thấy cần phải lập ra những tổ chức đặc biệt có thể đảm bảo quyền tự
do phát triển về văn hóa của các dân tộc, và vì thế tôi đề nghị thêm vào điều
thứ 8 như sau: “và lập ra những tổ chức đảm bảo cho họ được hoàn toàn tự do để
phát triển về văn hóa”. (Ai cũng biết đó là công thức của phái Bun về quyền
tự trị văn hóa - dân tộc, J. Stalin).
Mác-tư-nốp chỉ ra rằng những tổ
chức chung phải thiết lập như thế nào để đảm bảo cả cho quyền lợi riêng nữa.
Không thể lập ra được một tổ chức đặc biệt nào đảm bảo tự do phát triển văn hóa
của dân tộc cả.
Ê-gô-rốp: Trong vấn đề dân tộc,
chúng ta chỉ có thể chấp nhận những điều nghị tiêu cực, nghĩa là chúng ta chống
lại tất cả mọi sự hạn chế đối với quyền của dân tộc. Nhưng, chúng ta, những người
xã hội dân chủ, chúng ta không cần xem xem dân tộc này hay dân tộc khác có phát
triển như một dân tộc không. Đó là việc của một quá trình tự phát.
Côn-txốp: Đại biểu phái Bun nổi
cáu lên mỗi khi đụng đến chủ nghĩa dân tộc của họ. Thế mà, điểm bổ sung do đại
biểu phái Bun đưa ra lại có một tính chất thuần túy dân tộc chủ nghĩa. Người ta
đòi chúng ta phải có những biện pháp có tính chất thuần túy tấn công để ủng hộ
ngay cả những dân tộc đang tiêu vong.
...
Do đó, “điểm bổ sung của Gôn-bờ-lát đã bị
đa số bác bỏ, duy có ba phiếu tán thành”.
Như thế, rõ ràng là hội nghị của phái thủ tiêu đã làm “trái
với ý nghĩa đích xác” của cương lĩnh. Nó đã vi phạm cương lĩnh.
Bây giờ, phái thủ tiêu cố tự bào chữa, bằng cách lấy Đại
hội Stốc-khôn[83]
ra làm bằng chứng, cho rằng đại hội đã chuẩn nhận chủ trương tự trị dân tộc về
mặt văn hóa. Về việc này, Cốt-xốp-ski viết:
“Như mọi người đều
biết, Đại hội Stốc-khôn đồng ý để cho phái Bun tự do duy trì cương lĩnh dân tộc
của họ (cho đến khi vấn đề dân tộc được giải quyết tại Đại hội toàn Đảng). Đại
hội này đã thừa nhận rằng chủ trương tự trị dân tộc về mặt văn hóa dù sao cũng
không trái với cương lĩnh của Đảng”[84].
Nhưng mọi sự toan tính của phái thủ tiêu đều vô hiệu. Đại
hội Stốc-khôn không hề bao giờ nghĩ đến việc chuẩn nhận cương lĩnh của phái Bun:
nó chỉ nhận tạm thời để ngỏ vấn đề. Cốt-xốp-ski táo bạo, nhưng y thiếu can đảm
không dám nói thật. Nhưng, sự thật, tự nó vẫn là sự thật. Đây này:
Ga-lin đề nghị điểm bổ sung như
sau: “vấn đề cương lĩnh dân tộc còn đề ngỏ, vì chưa được Đại hội xét đến” (50
phiếu tán thành, 32 phiếu chống).
Có tiếng hỏi: “Để ngỏ là thế nào?”.
Chủ tịch: “Nếu
chúng ta nói rằng vấn đề dân tộc còn để ngỏ, như thế có nghĩa là phái Bun có
thể giữ quyết định của mình về vấn đề này cho đến khi Đại hội sau họp”[85]. (Do
chúng tôi gạch dưới, J.Stalin).
Như các bạn đã thấy, Đại hội cũng “không xét” cả đến vấn
đề cương lĩnh dân tộc của phái Bun; nó chỉ “để ngỏ” vấn đề để phái Bun tự quyết
định lấy số phận của cương lĩnh mình cho đến kỳ Đại hội sau. Nói khác đi, thì
Đại hội Stốc-khôn đã bỏ qua vấn đề không nhận định gì về chủ trương tự trị dân
tộc về mặt văn hóa, bất cứ về phương diện nào.
Thế mà, Hội nghị của phái thủ tiêu lại cố sức đánh giá
vấn đề một cách rõ rệt nhất, tuyên bố rằng có thể chấp nhận chủ trương tự trị
dân tộc về mặt văn hóa và nhân danh cương lĩnh của Đảng mà chuẩn bị nhận chủ
trương ấy.
Chỗ khác nhau thật là rõ ràng.
Cho nên, Hội nghị phái thủ tiêu, mặc dầu đã dùng đủ mọi
mưu chước xảo quyệt, cũng vẫn không làm cho vấn đề dân tộc tiến thêm được bước
nào.
Dùng thủ đoạn ngoắc ngoéo trước mặt phái Bun và bọn dân
tộc thủ tiêu ở Cap-ca-dơ, đó là tất cả những điều mà Hội nghị đã tỏ rõ ra có
khả năng làm được.
VII. VẤN ĐỀ DÂN TỘC Ở NGA
Chúng ta chỉ còn việc vạch rõ giải
pháp tích cực cho vấn đề dân tộc.
Chúng ta xuất phát từ sự thật là vấn
đề chỉ có thể giải quyết được khi nào
nó được mật thiết gắn liền với tình hình nuớc Nga hiện nay.
Nước Nga đang trải qua thời
kỳ quá độ, thời kỳ mà sinh hoạt “bình thường”, theo chế độ “lập hiến”, chưa
lược thiết lập lên, thời kỳ mà khủng hoảng chính trị chưa được giải quyết.
Những ngày bão tố và “rắc rối” đang chờ đợi chúng ta. Do đó mà có cuộc vận động
hiện tại và tương lai, vận động nhằm mục đích hoàn toàn dân chủ hỏa.
Phải quan niệm vấn đề dân
tộc, trong mối liên hệ của nó với cuộc vận động ấy.
Vì thế, việc dân chủ hóa
hoàn toàn xứ sở là cơ sở và điều kiện để giải quyết vấn đề dân tộc.
Để giải quyết vấn đề, cần
phải kể đến không những tình hình trong nước mà cả tình hình ngoài nước nữa.
Nước Nga ở vào giữa châu Âu và châu Á, giữa nước Áo và nước Trung Hoa. Sự tiến
bộ của chủ nghĩa dân chủ ở châu Á là điều kiện không thể tránh khỏi.
Bước tiến của chủ nghĩa đế quốc ở châu Âu
không phải là kết quả của tình cờ. Tư bản ở châu Âu đã bắt đầu cảm thấy mình bị
bó hẹp, bèn nhảy xô sang các nước để kiếm thị trường mới, nhân công rẻ và
trường hoạt động mới. Nhưng, điều đó lại đưa đến những rắc rối ở bên ngoài và
dẫn đến chiến tranh. Không ai có thể nói rằng chiến tranh Ban-căng[86]
là bước cuối cùng, chứ không phải là bước đầu của sự rắc rối. Rất có thể xảy ra
một sự phối hợp giữa tình hình trong và ngoài, làm cho dân tộc này hay dân tộc
nọ ở Nga thấy cần phải đề ra và giải quyết vấn đề độc lập của mình. Và trong
những trường hợp ấy thì cố nhiên nhiệm vụ của người mác-xít không phải là đứng
ra ngăn cản.
Do đó, người mác-xít Nga sẽ không bỏ
qua quyền dân tộc tự quyết.
Thế thì quyền dân tộc tự quyết là một
điểm không thể thiếu trong việc giải quyết vấn đề dân tộc.
Chúng ta bàn tiếp. Đối với những dân
tộc, vì lẽ này hay lẽ khác, mà muốn ở lại trong khối thống nhất thì làm thế
nào?
Chúng ta đã thấy rằng chủ trương tự
trị dân tộc về mặt văn hóa không thể áp dụng được. Thứ nhất, đó là một chủ trương giả
tạo, không thể nào tồn tại được, vì nó đòi phải tập hợp một cách giả tạo, thành
một dân tộc duy nhất, những người mà cuộc đời, cuộc đời thực tế, đã chia ra và
tung đi khắp nơi trong nước. Thứ hai, nó đẩy người ta vào chủ nghĩa dân tộc, vì
nó dẫn đến chỗ “phân định” những cá nhân theo từng dân tộc, tổ chức “ra các dân
tộc”, “bảo tồn” và tạo ra “những đặc thù của dân tộc”, đó là điều hoàn toàn
không thích hợp tý nào với Đảng xã hội dân chủ. Không phải là ngẫu nhiên mà
phái phân lập chủ nghĩa Mô-ra-vi ở viện Rét-sơ-rát, sau khi xa lìa các nghị
viện xã hội dân chủ Đức, đã hợp nhất với những nghị viện tư sản Mô-ra-vi thành
một “khối”[87] duy
nhất, khối Mô-ra-vi như người ta thường gọi. Cũng không phải ngẫu nhiên mà bọn
phân lập chủ nghĩa ở Nga thuộc phái Bun đã bị sa lầy vào chủ nghĩa dân tộc, khi
họ ca ngợi “ngày thứ bảy” và tiếng “Ýt đít-sơ”. Ở viện Đu-ma, chưa có những
nghị viên thuộc phái Bun, nhưng trong khu vực hoạt động của phái Bun đã có công
xã Do Thái của bọn tăng lữ và phản động. Trong các “cơ quan chỉ đạo” của khối
này phái Bun đã tổ chức, trong khi chờ đợi, khối “đoàn kết” giữa công nhân và
tư sản Do Thái[88]. Như
thế thật là hợp lý đối với chủ trương tự trị dân tộc về mặt văn hóa.
Thế là chủ trương tự trị dân tộc không
giải quyết được vấn đề.
Vậy
thì phải giải quyết thế nào?
Chỉ có một giải pháp duy nhất đúng là quyền
tự trị địa phương, quyền tự trị cho những đơn vị đã kết tinh như Ba Lan,
Li-tu-a-ni, U-rai-na, Cap-ca-đơ, ...
Cái lợi của chủ tương tự trị địa
phương trước hết là ở chỗ: với chủ trương này, người ta sẽ có quan hệ đến một
dân cư nhất định, sống trên một lãnh thổ nhất định chứ không phải một cái gì
trừu tượng, vượt ngoai lãnh thổ. Sau nữa, chủ trương này không phân định những
cá nhân theo từng dân tộc, nó không củng cố ranh giới dân tộc; trái lại, nó phá
tan những ranh giới ấy đi và tập hợp dân cư lại để mở đường cho một cách phân
định khác, phân định theo từng giai cấp. Cuối cùng, chủ trương này lại cho địa
phương có thể sử dụng được một cách thuận lợi nhất những tài nguyên thiên nhiên
của mình và phát triển lực lượng sản xuất mà không cần chờ đợi quyết định của
cơ quan trung ương chung, - những chức năng này không phải là thuộc tính của
quyền tự trị dân tộc về mặt văn hóa.
Thế
là: tự trị địa phương là một yếu tố không thể thiếu trong việc giải quyết vấn
đề dân tộc.
Điều không thể nghi ngờ gì được là
không có một địa phương nào lại hoàn toàn thuần nhất về mặt dân tộc, vì trong
mỗi địa phương đều có những làn tộc thiểu số ở xen vào. Như ở Ba Lan thì có dân
tộc Do Thái, ở Li-tu-a-ni có dân tộc Let-to-ni, ở Cap-ca-dơ có dân tộc Nga, ở U-rai-na
có dân tộc Ba Lan, ... Như thế, người ta có thể lo ngại rằng các dân tộc thiểu
số sẽ bị dân tộc đa số áp bức. Song những mối lo ngại kia chỉ có căn cứ là khi
nào nước nhà vẫn còn giữ nguyên vẹn chế độ cũ. Hãy dân chủ hóa triệt để nước
nhà, thì những mối lo ngại kia sẽ khòng còn cơ sở nữa.
Người ta đề nghị liên hiệp các dân tộc
thiểu số ở rải rác lại thành một khối dân tộc duy nhất. Nhưng, “những dân tộc
thiểu số không cần một khối liên hiệp giả tạo” mà cần những quyền thiết thực cho
họ. Tại chỗ, ngay trong địa phương họ. Hội liên hiệp như thế mà không có một sự
dân chủ hóa đầy đủ, thì phỏng có ích lợi gì cho họ? Hoặc giả khi đẫ có dân chủ
hóa đầy đủ rồi, thì liên hiệp dân tộc như thế để làm gì?
Thử hỏi cái gì làm cho dân tộc thiểu
số lo ngại hơn hết?
Dân tộc thiểu số bất bình, không phải
vì thiếu khối liên hiệp dân tộc, mà vì thiếu quyền dùng tiếng mẹ đẻ của họ. Hãy
để cho họ dùng tiếng mẹ đẻ của họ, thì sự bất bình tự nó sẽ tiêu tan.
Dân thiểu số bất bình, không phải vì
thiếu khối liên hiệp giả tạo, mà vì trong địa phương họ thiếu trường học dạy
bằng tiếng mẹ đẻ. Hãy để cho họ có các trường học như thế, thi mối bất bình sẽ
không còn cơ sở nào nữa.
Dân thiểu số bất bình, không phải vì
thiếu thốn khối liên hiệp dân tộc, mà vì thiếu tự do tín ngưỡng (tự do tôn
giáo), tự do đi lại, ... Hãy để cho họ những tự do ấy đi, thì họ sẽ hết bất
bình.
Vậy, bình đẳng dân tộc, dưới đủ mọi hình thức (ngôn ngữ, trường học, ...)
là yếu tố không thể thiếu được trong việc giải quyết vấn đề dân tộc. Phải có
một đạo luật cho toàn quốc, ban bố trên cơ sở của một cuộc dân chủ hóa đầy đủ
trong nước, cấm tất cả mọi thứ đặc quyền đân tộc, không trừ một cái nào, và cấm
mọi sự trở ngại hoặc hạn chế, bất kỳ là thế nào, đối với quyền của các dân tộc
thiểu số.
Có như thế, và chỉ có như thế, mới có
thể đảm bảo được quyền cho các dân tộc thiểu số một cách thật sự chứ không phải
mơ hồ.
Người ta có thể chối cãi hay không chối cãi
rằng giữa chủ nghĩa liên bang về mặt tổ chức với chủ trương tự trị dân tộc về
mặt văn hóa, có một chuỗi liên hệ hợp lý. Nhưng, không thể nào lại chối cãi
được rằng chủ trương sau tạo ra
một không khí thuận tiện cho chủ nghĩa liên bang phát triển vô hạn độ, đi đến
đoạn tuyệt hoàn toàn biến thành chủ nghĩa phân lập. Nếu người Tiệp ở Áo và phái
Bun ở Nga, sau khi đã bắt đầu bằng tự trị để rồi chuyển sang liên bang. Sau hết
đi tới chủ nghĩa phân lập, thi không khí dân tộc chủ nghĩa, cho chủ trương tự
trị dân tộc về văn hóa gây ra một cách tự nhiên, hẳn đã đóng một vai trò quan
trọng. Không phải ngẫu nhiên mà chủ
trương dân tộc tự trị và nguyên tắc liên bang về một tổ chức lại đi đôi với
nhau. Điều đó dễ hiểu. Chính cả hai chủ trương đều đòi hỏi phải có sự phân
định theo từng dân tộc. Cả hai đều cho rằng cần phải tổ chức theo từng dân tộc.
Chỗ giống nhau là điều không thể chối cãi được. Chỗ khác nhau duy nhất là một
đằng thì phân định dân cư, nói chung, một đằng thì phân định công nhân xã hội -
dân chủ.
Chúng ta biết rằng phân công nhân ra
theo từng dân lộc sẽ dẫn tới kết quả nào rồi. Đảng công nhân thống nhất tan rã,
công đoàn chia ra từng dân tộc, xung đột dân tộc trầm trọng thêm, phản bội đối
với các cuộc bãi công của công nhân các dân tộc khác, mất hẳn tinh thần trong
hàng ngũ Đảng xã hội - dân chủ, đó là những kết quả của chủ nghĩa liên bang về
mặt tổ chức. Lịch sử Đảng xã hội - dân chủ Áo và hoạt động của phái Bun ở Nga
đều chứng ninh điều đó một cách hùng hồn.
Phương sách duy nhất để chống lại tình
trạng ấy là phải tổ chức trên cơ sở quốc tế chủ nghĩa.
Tập hợp ngay tại chỗ những công nhân
thuộc tất cả các dân tộc ở Nga thành những tập thể thống nhất và cố kết, tập
hợp những tập thể ấy thành mối đảng thống nhất, đó là nhiệm vụ phải làm.
Dĩ nhiên, xây dựng Đảng như thế không
phải là loại bỏ, mà lại bao hàm cả việc thực hiện tự trị rộng rãi cho các địa phương trong lòng
một khối duy nhất, tức là Đảng.
Kinh
nghiệm xứ Cap-ca-dơ chỉ rõ tất cả sự lợi ích của một điển hình tổ chức như thế.
Sở dĩ người Cap-ca-dơ vượt qua được những cuộc xung đột dân tộc giữa công nhân
Ác-mê-ni và công nhân Ta-ta; sở dĩ họ đề phòng được cho dân cư khỏi nạn tàn sát
và bắn giết lẫn nhau ; sở dĩ ở Ba-cu, nơi dân tộc phức tạp hỗn loạn ấy, mà
không còn có thể xảy ra xung đột nữa; sở dĩ người ta lôi kéo được công nhân vào
con đường duy nhất của một cuộc vận động mãnh liệt, là vì cơ cấu quốc tế của
Đảng xã hội dân chủ Cap-ca-dơ đã đóng một vai trò không nhỏ.
Hình
thức tổ chức không những chỉ ảnh hưởng đến công tác thực tế. Nó còn in một dấu
vết không gì xóa bỏ được trên toàn bộ đời sống tinh thần của người công nhân.
Người công nhân sống đời sống của tổ chức mình, được phát triển về tinh thần và
được giáo dục trong tổ chức đó. Trong khi lui tới tổ chức và mỗi lần gặp gỡ
những đồng chí thuộc các dân tộc khác, cùng họ đấu tranh chung, dưới sự lãnh
đạo của tập thể chung, người công nhân sẽ được thấm nhuần sâu sắc cái ý niệm
là, trước hết, công nhân là phần tử của một gia đình giai cấp duy nhất, là phần
tử của một đạo quân xã hội chủ nghĩa duy nhất. Và điều này không thể không có
một tác dụng giáo dục lớn lao đối với
những từng lớp rộng rãi trong giai cấp công nhân.
Cho nên hình thức quốc tế trong việc
tổ chức là trường học rèn luyện tinh thần đồng chí, là cách cổ động hiệu nghiệm
nhất cho chủ nghĩa quốc tế.
Tổ chức theo từng dân tộc thi lại khác hẳn.
Được tổ chức trên cơ sở từng dân tộc, công nhân số giam mình trong cái vỏ dân
tộc, tự phân cách nhau bằng những hàng rào tổ chức. Ở đây, người ta không chú
trọng vào chỗ giống nhau của các công nhân, mà lại chú trọng vào chỗ phân biệt
giữa họ với nhau. Theo hình thức tổ chức ấy, công nhân trước hết là phần tử của
dân tộc mình: là Do Thái, là Ba Lan, ... Không có gì là lạ, nếu chủ nghĩa liên
bang dân tộc về mặt tổ chức đã nuôi dưỡng cho công nhân cái tinh thần cô độc về
dân tộc.
Vì
thế cho nên hình thức tổ chức theo tiêu chuẩn dân tộc là trường học rèn luyện
óc hẹp hòi và cổ hủ lân tộc.
Thế
là, chúng ta có hai hình thức tổ chức triệt để khác nhau: hình thức đoàn kết
quốc tế và hình thức “phân định” công nhân theo từng dân tộc.
Cho
đến nay, những toan tính nhằm dung hòa hai hình thức ấy đều không có kết quả.
Bản điều lệ dung hòa của Đảng xã hội - dân chủ Áo, thảo ra ở Vin-be, năm 1897,
vẫn không đi đến đâu cả. Đảng Áo đi phân chia và lôi cuốn công hội theo con
đường đó. Sự “dung hòa” ấy tỏ ra không những là một ảo tưởng mà còn nguy hại
nữa. Stơ rát-xe nói đúng, khi y quả quyết rằng “chủ nghĩa phân lập đã được
thắng lợi đầu tiên trong Đại hội của Đảng ở Vin-be[89]. Ở Nga
thôi cũng thế. Sự “dung hòa” với chủ nghĩa liên bang của phái Bun, ở Đại hội
Stốc-khôn, đã đi đến thất bại hoàn toàn. Phái Bun đã phá hoại sự thỏa hiệp ở
Stốc-khôn. Ngay sau cuộc Đại hội, phái Bun đã trở thành một chướng ngại trên
bước đường hợp nhất công nhân ở cơ sở thành một tổ chức duy nhất bao gồm công
nhân tất cả các dân tộc. Và phái Bun
vẫn cố chấp theo đuổi sách lược phân lập của mình, mặc dầu năm 1907 và 1908,
Đảng xã hội dân chủ Nga đã nhiều lần đòi phải thực hiện ngay sự thống nhất công
nhân tất cả các cản tộc ở cơ sở[90].
Phái Bun sau khi bắt đầu bằng chủ trương tự trị dân tộc về mặt tổ chức, đã thực tế nhảy sang chủ trương liên
bang để cuối cùng đi tới sự đoạn tuyệt hoàn toàn, đi tới chủ nghĩa phân lập. Và
khi đoạn tuyệt với đảng xã hội dân chủ Nga, nó đã đem lại hoang mang và rối
loạn trong Đảng. Chỉ cần nhắc lại vụ Gia-gi-en-lô[91]
cũng đủ rõ.
Vì
thế, phải bỏ con đường “dung hòa” đi, coi nó là không tưởng và có hại.
Trong
hai đường phải chọn lấy một: hoặc giả lấy chủ nghĩa liên bang của phái Bun, và
như thế, thì Đảng xã hội - dân chủ Nga phải cải tổ lại trên cơ sở “phân định”
công nhân theo từng dân tộc; hoặc giả lấy hình thức tổ chức theo tiêu chuẩn
quốc tế, và như thế, thì phái Bun phải cải tổ lại trên cơ sở tự trị lãnh vực,
theo gương của Đảng xã hội dân chủ Cap-ca-dơ, Let-to-ni và Ba Lan, mở đường cho
công cuộc thống nhất trực tiếp công nhân Do Thái với công nhân thuộc các dân
tộc khác ở Nga.
Không có đường lối trung gian: nguyên tắc
phải thắng chứ không “dung hòa”.
Vậy thì, nguyên tắc
đoàn kết quốc tế của công nhân là một yếu tố không thể thiếu trong việc giải
quyết vấn đề dân tộc.
Viên, tháng Giêng
1913
|
|
Đăng lần đầu tiên trong tạp chí Giáo dục[92] số
3-5, tháng Ba-tháng Năm 1913
|
[1] Xem: Báo cáo
về hội nghị IX của phái Bun.
[2] Xem: Thông
cáo hội nghị Tháng Tám của phái thủ tiêu.
[3] Hội nghị họp
ở Viên 1912, nhằm tổ chức một khối chống bôn-sê-vích. Tờ-rốt-xki (Trotsky) là
người tổ chức Hội nghị này.
[4] Xem: Thông
cáo hội nghị Tháng Tám.
[5] Xem: Vấn đề
dân tộc của Spơ-rin-ghe, Op-sét-stơ-ven-nai-a Pôn-da xuất bản, 1909, tr.43.
[6] Xem: Vấn đề
dân tộc và Đảng xã hội-dân chủ của Bau-e, Serp xuất bản, 1909, tr.1 và 2.
[11] Xem: Vấn đề
dân tộc và Đảng xã hội-dân chủ của Bau-e, Serp xuất bản, 1909, tr.2
[12] Xem: Vấn đề
dân tộc và Đảng xã hội-dân chủ.
[16] Xem: Vấn đề
dân tộc và Đảng xã hội-dân chủ của Bau-e, Serp xuất bản, 1909, tr.2
[19] J. Strasser,
Der Arbelter und die Nation, 1912, tr.33
[20] Bau-e” Vấn
đề dân tộc và Đảng xã hội dân chủ, tiếng Nga, tr.166.
[21] Đảng xã hội
dân chủ Sla-vơ miền Nam hoạt động ở Nam phần nước Áo.
[22] Xem Vấn đề
dân tộc của V. Cốt-xốp-ski, tiếng Nga, 1907, tr.16-17.
[23] Đại hội
Bờ-run của Đảng xã hội dân chủ Áo họp từ 12 đến 17 tháng Chín 1898. Bản nghị
quyết về vấn đề dân tộc được Stalin trình bày lại trong chương sau của cuốn
sách này.
[25] Xem Bau-e:
Vấn đề dân tộc và Đảng xã hội dân chủ, tiếng Nga, tr.399.
[26] Bau-e: Vấn
đề dân tộc, tiếng Nga, sdd, tr. 422.
[28] Đây là lời
của V. Cô-cốp-txép, bộ trưởng Bộ Tài chính của Nga hoàng nói trước viện Duma
ngày 24 tháng tư 1908.
[30] Bau-e : Vấn
đề dân tộc, tiếng Nga, sdd, tr.401.
[31] Các đại
biểu của Đảng xã hội – dân chủ của Sla-vơ miền Nam cũng biểu quyết
cương lĩnh đó. Xem: Cuộc thảo luận về vấn đề dân tộc ở Đại hội
Bờ-run, tiếng Nga, 1906, tr. 72.
[32] Trong bản
dịch ra tiếng Nga của ̉Ô. Pa - nin (Xem quyển sách của Bau-e do Pa-nin
dịch), đáng lẽ là “đặc điểm dân tộc” thì lại dịch là “cá tính dân
tộc”. Dịch như thế là sai; trong bản Đức không có tiếng “cá tính”,
mà chỉ nói “nationalen Eigenart” tức là đặc điểm dân tộc, hai
cái đó hoàn toàn không thể là một được
[33] Xem:
Verhandlungen des Gesamlparteitages, ở Bờ-run, 1899
[35] Bau-e: Vấn
đề dân tộc, tiếng Nga, sdd, tr.549.
[38] Bau-e: Vấn
đề dân tộc, tiếng Nga, sdd, tr.286
[41] Bau-e: Vấn
đề dân tộc, tiếng Nga, sdd, tr.552
[43] Bau-e: Vấn
đề dân tộc, tiếng Nga, sdd, tr.368
[45] Bau-e: Vấn
đề dân tộc, tiếng Nga, sdd, tr.553
[47] Bau-e: Vấn
đề dân tộc, tiếng Nga, sdd, tr.333
[52] Xem: Tranh
luận về vấn đề dân tộc tại Đại hội Đảng ở Bờ-run, tr.48
[53] Bau-e: Vấn
đề dân tộc, tiếng Nga, sdd, tr.553
[54] Xem đoạn đầu
chương này.
[55] Trích trong
Tuyên ngôn của Đảng cộng sản của Mác và Ăng-ghen, chương II, “Vô sản và cộng
sản”, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, tr.51.
[56] Đại hội họp
ở Viên, là Đại hội Vin-be (Wimberg) theo tên gọi của khách sạn Vin-be, nơi Đại
hội họp. Đại hội họp từ 6 đến 12 tháng Sáu 1897. Trước đó Đảng xã hội dân chủ
Áo vẫn thống nhất, đến cuộc họp này, thì bắt đầu phân liệt thành 6 nhóm dân tộc
(Đức, Tiệp, Ba Lan, Ru-then, Ý và Nam Sla-vơ) độc lập đối với nhau, chỉ liên hệ
với nhau khi có Đại hội và bằng một Ủy ban trung ương chung.
[57]. Bau-e : Vấn đề dân
tộc,tiếng Nga, tr. 381,396.
[59]. Xem Mác: Góp vào vấn đề
Do-thái, tiếng Nga, 1906. (N.D).
[60]. Xem: Cuộc chém giết ờ
Ki-si-nép và vấn đề Do-Thái của Cau-sky, 1906.
[61] Bau-e : Vấn để dân tộc,
tiếng Nga, tr. 388.
[63] Xem: Biên bản Đại hội II,
tr. 176
[64] Hội nghị VIII họp ở Lơ-vốp (Lvov)
tháng Chín 1910, chú trọng nhất là về công xã Do-thái và việc nghỉ ngày thứ
Bảy. Nhưng nghị quyết của Hội nghị chứng tỏ rằng trong phái Bun, chủ nghĩa dân
tộc càng lại thêm sâu sắc.
[65] Xem: Biên bản Hội nghị VIII của phái Bun, 1911, tr. 62.
[66] Xem: Biên bản Hội nghị VIII
của phái Bun, tr. 85.
[67]
Xem: Biên bản Hội nghị IX của phái Bun,
1912, tr. 42.
[68] Xem: Biên bản Hội nghị VIII
của phái Bun, tr. 83.
[70] Ngụ ý nói về bức thư nhan đề « Mị dân
không thể tha thứ được » của Cốt-xốp-ski đăng trong báo Binh minh của chúng ta (số 9—10, 1912), để chống lại bài của
Pơ-lê-kha-nốp nói trên.
Pơ-lê-kha-nốp, trong bài
báo « Lại một cuộc hội nghị chia rẽ nữa »,
đăng trong báo Vì Đảng ra ngày 2 (15)
tháng Mười 1912, đã kết án cuộc hội nghị « tháng
Tám » của bọn thủ tiêu (Trotsky + Mác-tốp menshevisk); đối với lập
trường của bọn theo phái Bun và bọn xã hội-dân chủ Cáp-ca-đơ thì Pơ-lê-kha-nốp
cho rằng đó là sự điều hòa chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa dân tộc. Cốt-xốp-ski
lãnh tụ Bun, chỉ trích Pơ-lê-kha-nốp trong một bức thư gửi cho tòa soạn tờ tạp
chí của phái thủ tiêu Bình minh của chúng
ta.
[71] Xem: Thông cáo về Đại hội
VII của phái Bun, tr. 7
[73] Xem: Góp vào vấn đề tự trị
dân tộc và cải tổ Đảng xã hội-dân chủ Nga trên cơ sở liên bang, 1902, do
phái Bund xuất bản.
[74] Một nhân vật trong cuốn Những
linh hồn đã chết của Gô-gôn, mơ mộng, viễn vong, không có ý chí gì cả.
[75] Xem: Báo Lời nói của chúng
ta số 3, 1906, tr. 24.
[76] Tia lửa, tờ báo mác-xít
bí mật đầu tiên cho cả nước Nga, do Lê-nin sang lập năm 1900. Số thứ nhất xuất
bản ngày 11 (24) tháng Chạp 1900 ở Lép-dích, những số sau xuất bản ở Muy-ních,
rồi từ tháng Tư 1902 đến mùa xuân 1903, xuất bản ở Luân-đôn, và sau đó ở
Giơ-nê-vơ. Nhiều nhóm và ủy ban của Đảng Cộng nhân xã hội-dân chủ Nga, có xu hướng
theo đường lối báo Tia lửa của
Lê-nin, thành lập trong nhiều thành phố ở Nga (Pê-téc-bua, Mát-xcơ-va, v.v). Ở
Nam Cáp-ca-đơ, những tư tưởng của báo Tia
lửa được tờ báo bất hợp pháp Đấu
tranh cơ quan của phái xã hội-dân chủ cách mạng Giê-ooc-gi bênh vực. (Nói
về tầm quan trọng và vai trò của tờ Tia
lửa xem Lịch sử giản yếu Đảng Cộng Sản (bôn-sê-vích) Liên-xô).
Gọi là Tia lửa cũ để phân biệt với tờ Tia lửa mới đã chuyển sang tay bọn
men-sê-vích.
[77] Xem: Góp vào vấn đề tự trị
dân tộc và cải tổ Đảng xã hội-dân chủ Nga trên cơ sở liên bang, 1902, do
Bun xuất bản, tr. 17.
[78] Xem trong cuốn Dokumente
des Separalismus, những câu rút trong sách Va-néc, tr. 29.
Các Va-néc, đảng viên xã
hội-dân chủ Tiệp đã bênh vực những lập trường rõ rệt xô-vanh và chia rẽ.
[79] Xem: Biên bản Hội nghị IX
của phái Bun, tr. 19.
[80] Bí danh của
Nô-ê Giooc-đa-ni-a lãnh tụ bọn men-sê-vich Giê-ooc-gi, quyết liệt chủ trương
can thiệp vũ trang chống Liên-xô.
[81] Xem tờ báo
Giê-ooc-gi Đời sống của chúng ta. 1912, số 12.
[82] Xem tờ báo
Giê-ooc-gi Đời sống của chúng ta. 1912, số 12.
[83] Đại hội IV
của Đảng công nhân xã hội - dân chủ Nga (Đại hội <<thống nhất>>),
họp từ 10 đến 25 tháng Tư (23 tháng Tư đến 8 tháng Năm) 1906 ở Stốc-khôn. (Về
Đại hội, xem Lịch sử giản yếu Đảng cộng sản (bôn-sê--vích) Liên Xô).
[84] Xem: Bình
minh của chúng ta, 1912, số 9 -10, tr. 120.
[85] Xem: Lời nói
của chúng ta, 1906, số 8, tr. 53.
[86]
Ám chỉ cuộc chiến tranh thứ
nhất ở Ban-căng bắt đầu từ tháng Mười năm 1912, giữa các nước Bungary, Xéc -
bi, Hy - lạp, và Mông-tê-nê-gô-rô một bên, và Thổ-nhĩ-kỳ một bên. Chiến tranh
ấy là kết quả của cuộc xung đột quyền lợi giữa các cường quốc đồng minh (Pháp,
Anh, Nga) và Liên minh tay ba (Đức, Áo, Hung) ở Ban-căng. Cuộc chiến tranh này,
cũng như cuộc chiến tranh thứ hai ở Ban-căng (1913) xảy ra giữa những nước
trước kia đồng minh với nhau rồi bất bình với nhau về việc phân chia chiến quả,
đã kết thúc làm cho nước Bungary Đại vong; cả hai cuộc chiến tranh đó chỉ đào
sâu thêm màu thuẫn giữa các chủ nghĩa đế quốc ở Ban-căng, những mâu thuẫn ấy
báo hiệu cho chiến tranh đế quốc chủ nghĩa thứ nhất trên thế giới
[87]
Trong nguyên bản là chữ kolo tức là nhóm, tập thể. Đó là tên gọi nhóm
liên hiệp những đại diện các đảng phái quốc gia Ba Lan ở viện Đu-ma Nga hoàng
và đến năm 1918 ở các Nghị viện Đức và Áo
[89] Xem: Der Arbeiter
und die Nation, 1912, tr. 48
[90]
Ám chỉ nghị quyết của Hội nghị IV của Đảng Công nhân xã hội - dân chủ Nga (từ
10 đến 25-10-1907) và của Hội nghị V của Đảng họp từ 3 đến 9 tháng Giêng 1909.
[91] El. Gia gi-en-lô, đảng viên Đảng xã hội Ba Lan
(P.P.S.) được khối Bun và Đảng xã hội Ba Lan cùng với bọn quốc gia tư sản bầu
vào Đu-ma Quốc gia IV với tư cách đại biểu Vác-xô-vi, chống những người xã hội
dân chủ Ba Lan. Nhờ số phiếu của bọn men-se-vich thủ tiêu, nhóm xã hội - dân
chủ Đu-ma đã kết nạp
Gia-gi-en-lô với đa số phiếu, mặc dầu có 6 đại biểu bôn-sê-vich chống đối lại.
[92] Giáo dục: tạp chí bôn-sê-vích hợp pháp, xuất
bản hàng tháng ở Pê-téc-bua từ tháng Chạp 1911. Tạp chí này do Lênin lãnh đạo,
bằng thư từ thường xuyên với ban biên tập ở Nga (M.A. Sê-vê-li-ép, M.S On-min-ski, A.I E-li-da-rô-va). Lúc ở Pê-téc-bua,
Sta-lin dự một phần trực tiếp công việc tạp chí, tờ tạp chí này liên quan chặt
chẽ với tờ Sự thật. Chính phủ ra lệnh đóng cửa tờ Giáo dục hồi tháng Sáu 1914,
trước ngày cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. (N.D)