Học thuyết của Trotsky - "Cách mạng thường trực"

Lev Trotsky (1879 - 1940), là đảng viên của Đảng công nhân xã hội dân chủ Nga từ giai đoạn đầu mới thành lập. Năm 1903, Đảng phân liệt thành hai phái: Bolshevik (đa số) và Menshevik (thiểu số). Trotsky đứng ở phái giữa, nhiều lúc đối lập với phái Bolshevik của Lê-nin. Tháng 6/1917, Trotsky mới gia nhập Đảng Bolshevik, đến năm 1927 thì bị khai trừ khỏi Đảng. Trong suốt 10 năm đó, Trotsky đã rất nhiều lần chống Lê-nin và Ban chấp hành Trung ương Đảng. Đặc biệt, năm 1927, Trotsky bị khai trừ khỏi Đảng vì vi phạm nghiêm trọng Điều lệ của Đảng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, có biểu hiện bè phái, chống Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương, chống lại nguyên tắc tổ chức Đảng cộng sản do chính Lê-nin lập ra. 

Như vậy, giữa chủ nghĩa Lê-nin và chủ nghĩa Trotsky hoàn toàn không có gì giống nhau, mà trái lại rất khác nhau. Do đó không có chuyện những người trotskyist lại đại diện cho chủ nghĩa Lê-nin được, mà ngược lại họ chống chủ nghĩa Lê-nin. Ai mà đọc các cuộc tranh luận giữa Lê-nin và Trotsky, thì không thể nào không nhận ra sự khác biệt quá rõ ràng giữa quan điểm của hai người. Và cho đến hiện nay, những người trotskyist hiện đại cũng không thể nào dung hòa được giữa học thuyết của Trotsky với chủ nghĩa Lê-nin mặc dù trong số họ - một bộ phận công khai chỉ trích những sai lầm của Trotsky. Chính vì thế, trong một số chừng mực họ không công khai chống chủ nghĩa Lê-nin, mà làm méo mó và xuyên tạc nó dưới chiêu bài chống Stalin - người bảo vệ chủ nghĩa Lê-nin kể từ sau khi Lê-nin mất.

Trotsky đã gọi học thuyết của mình là thuyết "Cách mạng thường trực".

Trong bài tựa viết năm 1922 cho cuốn sách "Năm 1905" của mình, Trotsky đã trình bày thuyết cách mạng thường trực của mình một cách có hệ thống gồm ba điểm cơ bản như sau:

Thứ nhất: Năm 1905, nước Nga đang bước vào cuộc cách mạng lần thứ nhất, thì Trotsky quan niệm rằng "cuộc cách mạng Nga hiện giờ tuy có những nhiệm vụ tư sản, nhưng chỉ có thể thực hiện những nhiệm vụ tư sản đó bằng cách đưa giai cấp công nhân lên nắm chính quyền". Chính vì thế trong cuộc cách mạng Nga 1905, Trotsky đưa ra khẩu hiệu: "Đánh đổ Nga hoàng, lập chính phủ công nhân" - tức là đề ra chuyên chính vô sản.

Nhưng Lê-nin không chủ trương như thế, Người chỉ rằng cuộc cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới đang diễn ra ở nước Nga mặc dù là do giai cấp công nhân lãnh đạo, song cách mạng muốn thành công thì phải thành lập chính phủ liên minh công - nông, tức là công - nông chuyên chính, nghĩa là chuyên chính dân chủ cách mạng của công nhân và nông dân. Cuộc cách mạng này sẽ tiến lên trở thành cách mạng xã hội chủ nghĩa, thì nó mới trở thành chuyên chính vô sản.

Do đó, khẩu hiệu "chính phủ công nhân" của Trotsky tức là đốt cháy giai đoạn, cực tả. Và những người trotskyist Việt Nam trong thập niên 30s cũng tán thành khẩu hiệu đó.

Thứ hai, Lê-nin coi trọng liên minh công - nông, cho rằng nông dân lao động là người bạn gần gũi với giai cấp công nhân trong cách mạng dân chủ tư sản và cả trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Lê-nin coi liên minh công - nông là nền tảng của chuyên chính vô sản.

Còn Trotsky thì lại cho rằng: "Chính là để bảo đảm cho cách mạng thành công, cho nên đội tiên phong vô sản ngay từ ngày đầu của nền thống trị của mình, chẳng những phải xông vào đánh phá tư hữu tài sản phong kiến mà cả tư hữu tài sản tư sản nữa. Làm như vậy, thì giai cấp vô sản chẳng những phải xung đột đối lập với các nhóm của giai cấp tư sản, các nhóm này lúc đầu có thể ủng hộ cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản, lại còn xung đột đối lập với quảng đại quần chúng nông dân mà sự giúp đỡ đã đưa giai cấp vô sản lên nắm chính quyền".

Lê-nin yêu cầu liên minh chặt chẽ công - nông trong tiến trình cách mạng, còn Trotsky thì đề cao chuyên chính vô sản cho nên cho rằng sẽ xung đột với giai cấp nông dân trong tiến trình cách mạng. Đó chính là sự khác biệt giữa chủ nghĩa Lê-nin và thuyết của Trotsky.

Những người trotskyist Việt Nam trong thập niên 30s lại tán thành quan điểm đó của Trotsky.

Thứ ba, chính vì cho rằng giai cấp công nhân khi nắm chính quyền sẽ xung đột với nông dân, cho nên Trotsky cho rằng: "Các mâu thuẫn trong tình thế chính phủ công nhân thành lập ở một nước lạc hậu, một nước mà nông dân là đại đa số, các mâu thuẫn đó muốn được giải quyết thì chỉ còn một cách duy nhất là giải quyết trên bình diện quốc tế với cuộc cách mạng thế giới của giai cấp vô sản".

Như vậy, Trotsky cho rằng chính quyền cách mạng Nga không thể nào đứng vững được bởi vì nông dân chống lại chính phủ công nhân, do đó chính quyền cách mạng ở Nga chỉ có thể đứng vững trong điều kiện cách mạng nổ ra trên hầu khắp các nước tư bản tiên tiến. Do đó khẩu hiệu của Trotsky là Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa châu Âu là thế.

Trái với Trotsky, Lê-nin cho rằng, bởi vì sự phát triển không đồng đều về kinh tế và chính trị là một quy luật tất yếu của chủ nghĩa tư bản, cho nên cách mạng thế giới lúc đầu chỉ có thể nổ ra trong một vài nước, thậm chí là một nước riêng lẻ. Cách mạng thành công trong nước đó, sẽ ra sức củng cố chính quyền và tổ chức nền sản xuất xã hội chủ nghĩa, biến nước mình thành căn cứ địa cách mạng thế giới, ra sức giúp đỡ các nước khác làm cách mạng. Chủ nghĩa xã hội trong một quốc gia và Quốc tế cộng sản là những tư tưởng cốt lõi của Chủ nghĩa Lê-nin.

Những người trotskyist Việt Nam lại tán thành khẩu hiệu đó của Trotsky và bắt chước đề ra cái gọi là Liên bang xã hội chủ nghĩa châu Á.

Trên đây, là ba nội dung chính mà học thuyết của Trotsky khác hoàn toàn với lý luận của Chủ nghĩa Lê-nin. Nhưng không phải sự khác biệt giữa Chủ nghĩa Lê-nin và lý thuyết cách mạng Trotsky chỉ khác biệt ở 3 điểm đấy, mà thực tế khác rất rất nhiều điều mà thông qua Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô hay các cuộc tranh luận giữa Lê-nin và Trotsky, thì chúng ta mới có thể thấy hết được.

1. Trong vấn đề xây dựng đảng cách mạng, Lê-nin chủ trương lập đảng theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có ý chí thống nhất, có kỷ luật nghiêm khác. Còn Trotsky và phái Menshevik thì chủ trương đảng cơ cấu nhóm, bè phái, không cần theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Cho nên Trotsky trước là phái giữa trong Đảng công nhân dân chủ xã hội Nga, thì sau trong Đảng Cộng sản là phái tả. Chính cái chủ trương này là nguyên nhân Trotsky bị khai trừ khỏi Đảng khi liên tục hình thành các phái đối lập trong Đảng và không thừa nhận Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc. Và cũng chính vì cái chủ trương này mà trotskyist quốc tế không thoát khỏi cơ cấu nhóm ở hầu hết các quốc gia nó có tồn tại, và chính vì thế nó không mạnh và nhanh chóng tan rã. Chúng ta nên nhớ rằng ở Pháp trong thập niên 30s có đến 5 nhóm trotskyist hoạt động riêng lẻ và chống lẫn nhau.

2. Lê-nin luôn quan niệm rằng, khởi nghĩa cách mạng là sự nghiệp của đông đảo quần chúng cách mạng. Còn Trotsky thì ngược lại thì cho rằng chỉ cần một nhóm thiểu số chuyên nghiệp, được tổ chức cao và quyết tâm lớn thì có thể làm được cách mạng. Quan điểm này của Trotsky đã chết ngay cái lúc ông ta xin gia nhập Đảng Bolshevik hồi tháng 6/1917 khi các Xô viết ngã về phái Bolshevik sau cao trào tháng Sáu 1917, giữa lúc Đảng Bolshevik đang chiếm uy tín của đông đảo quần chúng cách mạng có thể tiến hành tổng khởi nghĩa cách mạng.

3. Trotsky cho rằng cách mạng không thể thành công và đứng vững trong một nước lạc hậu như nước Nga, càng không thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trong một nước. Trước hết, ông ta cho rằng các nước tư bản sẽ xúm lại diệt nước Nga; sau đó, khi đi tới chủ nghĩa xã hội nông dân sẽ xung đột với công nhân, và vì rằng nông dân chiếm tuyệt đại đa số, nước Nga lại là nước lạc hậu, thiếu thốn cho nên không thể xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chính vì thế Trotsky mới trông chờ vào khẩu hiệu cách mạng thế giới, trông chờ vào cách mạng ở các nước tư bản tiên tiến mà tạo điều kiện cho nước Nga có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lê-nin đã phê phán cái suy nghĩ đó, Người cho rằng chủ nghĩa xã hội có thể xây dựng thành công trong một nước mà không cần nhất thiết phải trông chờ vào cách mạng thế giới, và ngược lại có thể trở thành căn cứ địa cho cách mạng thế giới. Chính vì thế những người trotskyist và bao gồm cả Trotsky không bao giờ dám tin vào việc Liên Xô xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội vào thập niên 1930s, khi ban hành Hiến pháp Xã hội chủ nghĩa 1936. Họ không ngừng ra rả cái gọi là Nhà nước công nhân bị tha hóa, chế độ tư bản đỏ Liên Xô, chủ nghĩa độc tài Stalin; cái quan trọng là nền sản xuất, cơ cấu tổ chức, chế độ kinh tế, mô thức quản lý kinh tế, chế độ tiền lương và chế độ kinh tế kế hoạch hóa mới là những cái phản ánh lên chế độ xã hội thì những người trotskyist không bao giờ đề cập đến, họ không tin rằng Liên Xô có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội được, họ coi chế độ kinh tế Liên Xô là một mô tuýp "tư bản trá hình" của Chủ nghĩa tư bản Nhà nước. Do đó, không phải vì Stalin họ mới chống Liên Xô, mà thực tế bất kỳ ai theo chủ nghĩa Lê-nin tiếp tục công cuộc phát triển của Lê-nin đều là kẻ thù của họ, những người trotskyist không chỉ chống mỗi Stalin, mà họ còn chống nhiều người Bolshevik leninist khác như - Sverdlov, Kalinin, Dzerzhinsky, Kirov, Voroshilov, ... bất kỳ ai theo chủ nghĩa Lê-nin.

Trên đây là những tóm tắt sơ bộ về học thuyết của Trotsky, muốn tìm hiểu thêm, bạn đọc có thể tìm đọc chính tác phẩm của ông ta và đối chiếu nó với Lê-nin để tự mình kiểm chứng.

Từ năm 1929, Trotsky bị trục xuất khỏi Liên Xô. Giữa thập niên 1930s họ tập hợp lại và thành lập Đệ tứ quốc tế, tuy nhiên, cho đến nay các nhóm đệ tứ chưa thực hiện thành công bất kỳ cuộc cách mạng nào cả.

#Gấu