THƯ GỬI CÔNG NHÂN VÀ NÔNG DÂN U‐CRA‐I‐NA VỀ VIỆC CHIẾN THẮNG ĐÊ‐NI‐KIN, 28 Tháng Mười hai 1919


Các đồng chí! Bốn tháng trước đây, vào cuối tháng Tám 1919, tôi đã có dịp viết một bức thư gửi công nhân và nông dân về việc chiến thắng Côn‐tsắc.

Bây giờ tôi gửi đăng lại toàn bộ bức thư đó gửi công nhân và nông dân U‐cra‐i‐na về việc chiến thắng Đê‐ni‐kin.

Hồng quân đã chiếm được Ki‐ép, Pôn‐ta‐va, Khác‐cốp và đang tiến vào Rô‐xtốp một cách thắng lợi. Phong trào khởi nghĩa chống Đê‐ni‐kin đang dâng lên ở U‐cra‐i‐na. Cần phải tập hợp hết thảy lực lượng để đánh bại hẳn quân đội của Đê‐ni‐kin đã mưu toan khôi phục lại chính quyền của bọn địa chủ và bọn tư bản. Cần phải tiêu trừ Đê‐ni‐kin để tránh khỏi mọi khả năng gây ra một cuộc xâm lược mới.

Công nhân và nông dân U‐cra‐i‐na cần biết những bài học mà tất cả công nhân và nông dân Nga biết rõ qua kinh nghiệm việc Xi‐bi‐ri bị Côn‐tsắc chiếm đóng và việc Xi‐bi‐ri được Hồng quân giải phóng sau những tháng ngày đằng đẵng sống dưới ách thống trị của bọn địa chủ và của bọn tư bản.

Sự thống trị của Đê‐ni‐kin ở U‐cra‐i‐na cũng là một thử thách nặng nề, gian khổ như sự thống trị của Côn‐tsắc ở Xi‐bi‐ri. Không còn nghi ngờ gì nữa, bài học của cuộc thử thách nặng nề gian khổ đó sẽ làm cho công nhân và nông dân ở U‐cra‐ i‐na – cũng như công nhân và nông dân ở U‐ran và Xi‐bi‐ri – hiểu rõ hơn nữa nhiệm vụ của Chính quyền xô‐viết và bảo vệ chính quyền này kiên quyết hơn.

Chế độ địa chủ chiếm hữu ruộng đất đã bị hoàn toàn xóa bỏ ở Đại Nga. Cũng cần phải làm như thế ở U‐cra‐i‐na; và Chính quyền xô‐viết công nông ở U‐cra‐i‐na cần phải củng cố vững chắc công cuộc xóa bỏ hoàn toàn chế độ địa chủ chiếm hữu ruộng đất, giải phóng hoàn toàn công nông U‐cra‐i‐na khỏi mọi
sự áp bức của địa chủ và khỏi chính ngay bản thân bọn địa chủ

Nhưng ngoài nhiệm vụ này và một loạt những nhiệm vụ khác mà trước kia và hiện nay được đặt ra cho quần chúng lao động Đại Nga cũng như cho quần chúng lao động U‐cra‐i‐na, Chính quyền xô‐viết ở U‐cra‐i‐na còn có những nhiệm vụ riêng biệt. Hiện nay, một trong những nhiệm vụ đó đáng được đặc biệt chú ý. Ấy là vấn đề dân tộc, hay là vấn đề xét xem U‐cra‐i‐na sẽ là một nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa xô‐viết U‐cra‐i‐na riêng biệt và độc lập, đứng trong khối liên minh (liên bang) với Cộng hòa liên bang xã hội chủ nghĩa xô‐viết Nga, hay U‐cra‐i‐na sẽ sáp nhập với Nga thành một Cộng hòa xô‐viết thống nhất. Tất cả những người bôn‐sê‐vích, tất cả công nhân và nông dân giác ngộ cần phải suy nghĩ kỹ vấn đề này.

Ban chấp hành trung ương các Xô‐viết toàn Nga của nước Cộng hòa liêng bang xã hội chủ nghĩa xô‐viết Nga và Đảng cộng sản bôn‐sê‐vích Nga đều đã thừa nhận nền độc lập của U‐cra‐i‐na. Cho nên điều hiển nhiên và đã được mọi người hoàn toàn thừa nhận là: chỉ có công nhân và nông dân U‐cra‐i‐na mới có thể – tại Đại hội các Xô‐viết toàn U‐cra‐i‐na – quyết định được và sẽ quyết định được vấn đề xét xem U‐cra‐i‐na có nên sáp nhập với Nga không, hay có nên để U‐cra‐i‐na đứng thành một nước cộng hòa tự chủ, độc lập, và, trong trường hợp này, thì ở giữa nước cộng hòa này và nước Nga nên kiến lập mối quan hệ liên bang cụ thể như thế nào.

Nếu muốn phục vụ lợi ích của những người lao động, muốn bảo đảm được kết quả của cuộc đấu tranh mà họ đang tiến hành để hoàn toàn giải phóng lao động khỏi ách tư bản, thì nên giải quyết vấn đề đó ra sao?

Trước hết, lợi ích của lao động đòi hỏi giữa những người lao động ở các nước, ở các dân tộc phải thật hoàn toàn tin cậy lẫn nhau và liên minh hết sức chặt chẽ với nhau. Những kẻ ủng hộ bọn địa chủ, tư bản và giai cấp tư sản, đang ra sức chia rẽ công nhân, làm tăng thêm những mối bất hòa và hằn thù giữa các dân tộc nhằm làm công nhân yếu đi, nhằm củng cố chính quyền tư bản.

Tư bản là một lực lượng quốc tế. Muốn thắng nó, cần phải có sự liên minh quốc tế, tình anh em quốc tế của công nhân

Chúng ta phản đối những mối hằn thù dân tộc, những mối bất hòa dân tộc, sự biệt lập dân tộc. Chúng ta là những người quốc tế chủ nghĩa. Chúng ta mong mỏi đạt tới chỗ công nhân và nông dân ở các nước trên hoàn cầu đoàn kết chặt chẽ và hợp nhất hoàn toàn thành một nước Cộng hòa xô‐viết thống nhất toàn thế giới.

Hai là, người lao động không được quên rằng chủ nghĩa tư bản đã phân chia các dân tộc thành một số ít dân tộc đi áp bức, theo chủ nghĩa nước lớn (đế quốc chủ nghĩa), có đầy đủ mọi quyền hành, có đặc quyền đặc lợi, và một tuyệt đại đa số các dân tộc bị áp bức, bị lệ thuộc hay nửa lệ thuộc, bất bình đẳng về quyền lợi. Cuộc chiến tranh hết sức tội lỗi và hết sức phản động 1914 ‐ 1918 đã làm tăng thêm sự phân liệt đó, và trên cơ sở đó làm cho lòng phẫn nộ và lòng căm thù thêm gay gắt. Qua hàng thế kỷ, những nước lệ thuộc và không được hưởng đầy đủ quyền lợi đã chồng chất căm thù và hiềm nghi đối với các dân tộc theo chủ nghĩa nước lớn và đi áp bức, – những dân tộc như U‐cra‐i‐na đã chồng chất căm thù và hiềm nghi đối với những dân tộc như Đại Nga.

Chúng ta muốn các dân tộc tự nguyện liên minh với nhau, – một sự liên minh không dung thứ một hành động bạo lực nào của nước này đối với nước khác, – một sự liên minh đặt cơ sở trên sự tin cậy hoàn toàn, sự giác ngộ về sự thống nhất anh em, sự thỏa thuận hoàn toàn tự nguyện. Một sự liên minh như thế không thể trong một lúc mà thực hiện ngay được; muốn đi tới chỗ đó, cần phải hết sức kiên nhẫn và thận trọng, để không làm hỏng việc, để không gây ra sự ngờ vực, để phá tan mối hiềm nghi mà hàng bao thế kỷ áp bức của bọn địa chủ và tư bản, hàng bao thế kỷ tồn tại của chế độ tư hữu và những hận thù gây ra bởi những sự chia đi phân lại tài sản tư hữu, đã để lại.

Cho nên trong khi không ngừng cố gắng tìm cách thực hiện sự thống nhất các dân tộc và thẳng tay đả phá tất cả những cái gì chia rẽ các dân tộc, chúng ta phải rất thận trọng, rất kiên nhẫn và phải có thái độ nhượng bộ đối với những tàn dư của lòng ngờ vực giữa các dân tộc. Chúng ta không được nhân nhượng, phải kiên quyết đối với tất cả những cái gì có liên quan đến lợi ích cơ bản của lao động trong cuộc đấu tranh để giải phóng lao động khỏi ách tư bản. Còn vấn đề xét xem nên quy định biên giới giữa các nước như thế nào thì hiện nay, tạm thời trong một thời gian, – vì chúng ta muốn hoàn toàn triệt bỏ biên giới các nước, – không phải là vấn đề cơ bản quan trọng, mà là một vấn đề thứ yếu. Về vấn đề này, người ta có thể và phải chờ đợi, vì sự hiềm nghi giữa các dân tộc thường hết sức dai dẳng trong đông đảo quần chúng nông dân và tiểu chủ; mọi biện pháp hấp tấp có thể làm cho nó mạnh thêm lên, nghĩa là biện pháp hấp tấp sẽ làm hại đến sự nghiệp thống nhất hoàn toàn và triệt để.

Kinh nghiệm của cuộc cách mạng công nông ở Nga, của cuộc Cách mạng tháng Mười ‐ tháng Mười một 1917, kinh nghiệm hai năm đấu tranh thắng lợi của cuộc cách mạng đó chống sự xâm lăng của bọn tư bản quốc tế và Nga đã chứng minh rõ như ban ngày rằng bọn tư bản đã tạm thời lợi dụng được lòng hiềm nghi dân tộc của nông dân và tiểu chủ Ba‐lan, Lát‐vi‐a, E‐xtơ‐li‐ an‐đi‐a, Phần‐lan đối với người Đại Nga, đã dựa vào sự hiềm nghi đó mà tạm thời gieo rắc được mối bất hòa giữa những dân tộc đó với chúng ta. Kinh nghiệm đã chỉ rõ rằng sự hiềm nghi đó chỉ mất đi và tiêu tan đi một cách rất chậm chạp; rằng người Đại Nga – vốn từ lâu là một dân tộc đi áp bức – càng thận trọng và kiên nhẫn bao nhiêu, thì sự hiềm nghi đó mất đi càng chắc chắn bấy nhiêu. Chính vì chúng ta thừa nhận nền độc lập của các nước Ba‐lan, Lát‐vi‐a, Lít‐va, E‐xtơ‐li‐an‐đi‐a, Phần‐lan, nên chúng ta đã thu phục được, tuy chậm nhưng liên tục, lòng tin của quần chúng lao động ở các nước nhỏ lân cận, những quần chúng lạc hậu nhất, bị bọn tư bản lường gạt và đè nén nhiều hơn cả. Chính là bằng con đường đó mà chúng ta kéo họ một cách chắc chắn hơn cả, ra khỏi ảnh hưởng của bọn tư bản dân tộc ʺcủa họʺ, đưa họ một cách chắc chắn hơn hết tới chỗ tin cậy hoàn toàn, tới một nước Cộng hòa xô‐viết quốc tế thống nhất trong tương lai.

Chừng nào mà U‐cra‐i‐na chưa được hoàn toàn giải phóng khỏi ách Đê‐ni‐kin và cho đến khi triệu tập được Đại hội các Xô‐viết toàn U‐cra‐i‐na, thì Ủy ban cách mạng toàn U‐cra‐i‐na là chính phủ của U cra‐i‐na. Trong Ủy ban cách mạng này, bên cạnh những người cộng sản bôn‐sê‐vích U‐cra‐i‐na, còn có những phần tử cộng sản thuộc phái ʺĐấu tranhʺ U‐cra‐i‐na cũng tham gia với tư cách là ủy viên chính phủ. Ngoài những điểm khác ra, phái ʺĐấu tranhʺ còn khác với phái bôn‐sê‐vích ở chỗ họ kiên trì đòi U‐cra‐i‐na phải được độc lập không điều kiện. Những người bôn‐sê‐vích không coi đó là nguyên nhân của sự bất đồng và sự phân liệt: họ không thấy ở điểm đó một trở ngại nào cho sự cộng tác đồng tâm nhất trí của giai cấp vô sản. Những người cộng sản chỉ cần đoàn kết nhất trí với nhau trong cuộc đấu tranh chống ách tư bản, để thiết lập nền chuyên chính vô sản, còn họ sẽ không phải vì vấn đề biên giới quốc gia và vấn đề xem xét giữa các quốc gia với nhau nên có mối quan hệ liên bang hay một hình thức quan hệ khác, mà đi đến chỗ chia rẽ nhau được. Trong những người bôn‐sê‐vích, có người tán thành nền độc lập hoàn toàn của U‐cra‐i‐na, có người tán thành mối quan hệ liên bang ít nhiều chặt chẽ, và có người tán thành sáp nhập hoàn toàn U‐cra‐i‐na vào nước Nga.

Vì những vấn đề đó mà đi đến chỗ phân liệt nhau là điều không thể dung thứ được. Đại hội các Xô‐viết toàn U‐cra‐i‐na sẽ giải quyết những vấn đề đó.

Nếu một người cộng sản Đại Nga cứ nằng nặc đòi hợp nhất hai nước U‐cra‐i‐na và Nga lại, thì dễ làm cho người U‐cra‐i‐na ngờ rằng người cộng sản đó bảo vệ chính sách như thế không phải là vì sự thống nhất của những người vô sản trong cuộc đấu tranh chống tư bản, mà là do những định kiến của chủ nghĩa dân tộc Đại Nga cũ, của chủ nghĩa đế quốc. Sự hiềm nghi như vậy là tất nhiên, và trong một chừng mực nhất định, là không tránh khỏi và là chính đáng, vì người Đại Nga, hàng thế kỷ sống dưới ách bọn địa chủ và bọn tư bản đã tiêm nhiễm những thiên kiến nhục nhã và xấu xa của chủ nghĩa sô‐vanh Đại Nga.

Như vậy, sự hiềm nghi lẫn nhau giữa những người cộng sản Đại Nga và những người cộng sản U‐cra‐i na đã nảy sinh ra một cách dễ dàng. Vậy đấu tranh chống sự hiềm nghi đó như thế nào? Làm thế nào để khắc phục được nó và tranh thủ được sự tin tưởng lẫn nhau?

Phương pháp tốt nhất là cùng nhau đồng tâm hiệp lực bảo vệ nền chuyên chính vô sản và Chính quyền xô‐viết trong cuộc đấu tranh chống bọn địa chủ và bọn tư bản ở tất cả các nước, chống những mưu toan của chúng định khôi phục lại quyền của chúng. Cuộc đấu tranh chung này sẽ chứng tỏ rõ rằng, trong thực tiễn, dù dùng cách nào để giải quyết vấn đề độc lập quốc gia hay biên giới quốc gia, thì công nhân Đại Nga và U‐cra‐i‐na cũng đều nhất thiết cần phải liên minh chặt chẽ về quân sự và kinh tế, vì nếu không thì bọn tư bản trong phe ʺĐồng minhʺ, nghĩa là trong phe liên minh của những nước tư bản chủ nghĩa giàu nhất – Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Ý – sẽ lần lượt đè bẹp và bóp chết chúng ta, kẻ trước người sau. Cái thí dụ về cuộc chiến đấu của chúng ta chống Côn‐tsắc và Đê‐ni‐kin – cả hai đều được bọn tư bản này trợ cấp tiền bạc và vũ khí – đã chỉ rõ mối nguy hại đó.

Ai làm tổn hại đến sự thống nhất và sự liên minh chặt chẽ nhất giữa công nhân và nông dân Đại Nga với công nhân và nông dân U‐cra‐i‐na thì kẻ đó là người giúp sức cho bọn Côn‐tsắc, bọn Đê‐ni‐kin, bọn tư bản ‐ kẻ cướp của tất cả các nước.

Vì thế chúng ta, những người cộng sản Đại Nga, chúng ta phải rất nghiêm trị bất kỳ biểu hiện cỏn con nào của chủ nghĩa dân tộc Đại Nga trong nội bộ hàng ngũ chúng ta, vì những biểu hiện đó, nói chung là phản bội chủ nghĩa cộng sản, mang lại điều tai hại hết sức to lớn, những biểu hiện đó chia rẽ chúng ta với các đồng chí U‐cra‐i‐na và như thế là làm lợi cho Đê‐ni‐kin và đồng lõa.

Bởi vậy chúng ta, những người cộng sản Đại Nga, chúng ta phải có thái độ nhân nhượng khi có những sự bất đồng với những người cộng sản bôn‐sê‐vích U‐cra‐i‐na và với những người thuộc phái ʺĐấu tranhʺ, nếu những sự bất đồng ấy là về vấn đề độc lập về mặt nhà nước của U‐cra‐i‐na, về những hình thức liên minh của U‐cra‐i‐na với nước Nga và, nói chung, là về vấn đề dân tộc. Nhưng dù chúng ta là người cộng sản Đại Nga, U‐cra‐i‐na hay bất cứ nước nào khác, thì tất cả chúng ta cũng đều phải tỏ ra không nhân nhượng, không điều hòa trên những vấn đề cơ bản – mà tất cả các dân tộc đều giống nhau – của cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản, của chuyên chính vô sản, vấn đề không cho phép thỏa hiệp với giai cấp tư sản, không cho phép phân tán các lực lượng bảo vệ chúng ta chống Đê‐ni‐kin.

Thắng Đê‐ni‐kin, tiêu diệt nó, không để cho một cuộc tấn công như thế tái diễn, – đó là lợi ích căn bản của công nhân và nông dân Đại Nga và U‐cra‐i‐na. Cuộc đấu tranh này lâu dài và gian khổ, vì bọn tư bản trên toàn thế giới đang ủng hộ Đê‐ni‐kin và sẽ ủng hộ đủ loại Đê‐ni‐kin khác.

Chúng ta, công nhân Đại Nga và U‐cra‐i‐na, chúng ta phải liên minh hết sức chặt chẽ trong cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ này, vì nếu đấu tranh lẻ loi, đơn độc thì chắc chắn là chúng ta sẽ không thể chiến thắng được. Dù cho biên giới của U‐cra‐i‐na và Đại Nga ra sao đi nữa, dù cho những hình thức quan hệ nước này với nước kia ra sao đi nữa, thì đấy không phải là những việc quan trọng lắm; về vấn đề này, ta có thể và phải nhân nhượng, có thể đem dùng thử một giải pháp, rồi giải pháp thứ hai, thứ ba, – sự nghiệp của công nhân và nông dân, sự nghiệp chiến thắng chủ nghĩa tư bản sẽ không vì thế mà thất bại đâu.

Nhưng nếu chúng ta không giữ vững được sự liên minh hết sức chặt chẽ giữa chúng ta, liên minh chống Đê‐ni‐kin, liên minh chống bọn tư bản và bọn cu‐lắc ở trong nước chúng ta và ở các nước khác, thì sự nghiệp của lao động chắc chắn sẽ thất bại trong nhiều năm trường, vì lúc đó bọn tư bản sẽ có thể đè bẹp và bóp chết nước U‐cra‐i‐na xô‐viết cũng như nước Nga xô‐viết.

Giai cấp tư sản tất cả các nước, cũng như tất cả các đảng tiểu tư sản, tất cả các đảng ʺthỏa hiệpʺ liên minh với giai cấp tư sản để chống lại công nhân, trước hết đã dốc sự cố gắng vào việc chia rẽ công nhân thuộc các dân tộc khác nhau, nhen lên sự hiềm nghi giữa họ với nhau, phá hoại sự liên minh quốc tế chặt chẽ, tình anh em quốc tế của công nhân. Nếu giai cấp tư sản đạt được điều đó, thì sự nghiệp của công nhân sẽ bị thất bại. Vậy mong rằng những người cộng sản Nga và U‐cra‐i‐na sẽ cùng nhau phấn đấu một cách kiên nhẫn, ngoan cường và dẻo dai để đánh bại được những âm mưu dân tộc chủ nghĩa của bất kỳ giai cấp tư sản nào, những thiên kiến dân tộc chủ nghĩa đủ mọi loại; mong rằng họ sẽ làm gương cho những người lao động trên toàn thế giới về sự liên minh thật sự vững chắc của công nhân và nông dân ở những nước khác nhau trong cuộc đấu tranh để thực hiện Chính quyền xô‐viết, để hủy bỏ ách thống trị của bọn địa chủ và của bọn tư bản, để thiết lập nền Cộng hòa liên bang xô‐viết toàn thế giới.


N. Lê‐nin
28‐12‐1919.
ʺSự thậtʺ, số 3 và ʺTin tức
của Ban chấp hành trung ương
các Xô‐viết toàn Ngaʺ, số 3,
ngày 4 tháng Giêng 1920