Những biện hộ cũ rích của những loa rè tư sản thời kỳ tự động hoá!





Các nhà kinh tế học tư sản, không phải mới đây, từ khi bắt đầu của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, thời kỳ của sản xuất tự động hoá đã ra rả về việc Chủ nghĩa tư bản đang thay đổi, chia sẽ lợi ích cho công nhân nhiều hơn, rằng mâu thuẫn giữa tư sản và vô sản đã mờ nhạt đi, đã không còn gay gắt nữa. Liệu điều đó đúng không ?

Hoàn toàn không !!

1. Hiện nay không tồn tại dây chuyền sản xuất phi lao động

Có kẻ ngờ nghệch bảo rằng dây chuyền sản xuất phi lao động xuất hiện cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Thật là buồn cười, vì kẻ đấy quên rằng sản xuất hàng hoá là một chuỗi các hoạt động sản xuất, mà việc thay thế máy móc chỉ giới hạn ở một phần nào đó, không tồn tại "dây chuyền sản xuất phi lao động" nào cả.

=> Đố tìm nổi một ngành sản xuất nào mà hoàn toàn tự động hoá mà không có một bóng người lao động đấy.

2. Máy móc không tạo ra giá trị thặng dư

Ai cho rằng máy móc tạo ra giá trị thặng dư là nực cười, vì điều đó có nghĩa rằng người đó đang quan niệm rằng chủ tư bản đang "bóc lột" máy móc chứ không phải bóc lột người lao động. Thật là nực cười, những người bảo vệ cho giai cấp tư sản đang cho rằng máy móc đang "bán sức lao động" cho chủ tư bản, ngay cả khi máy móc không tồn tại sự sống. Điều đó có nghĩa là các nhà bảo vệ của giai cấp tư sản đang múa mép về "giá trị thặng dư".

=> Do đó, kết luận rằng "thặng dư được tạo ra từ máy móc chứ không phải người lao động" là một lời hết sức nguỵ biện.

3. Máy móc là tư liệu lao động, do đó nó không tạo ra giá trị mới

Những doanh nghiệp áp dụng máy móc hiện đại, đem lại năng suất lao động cao nên sẽ có giá trị hàng hóa cá biệt của doanh nghiệp thấp hơn giá trị hàng hóa của thị trường nên thu được nhiều lợi nhuận, điều này gây ra sự hiểu lầm là máy móc cũng tạo ra lợi nhuận, tạo ra giá trị thặng dư. Điều đó có nghĩa là các nhà tuyên truyền chủ nghĩa tư bản không phân biệt được vai trò của máy móc trong quá trình sản xuất. Máy móc cho dù có hiện đại như thế nào thì nó vẫn tham gia quá trình sản xuất với tư cách là tư liệu lao động, là phương tiện để tạo ra giá trị sử dụng. Máy móc bộ phận của tư bản bất biến và giá trị của nó được chuyển dịch sang sản phẩm mới theo con đường khấu hao chứ không làm thêm giá trị mới.

=> Như vậy, máy móc hiện đại đến đâu, đều không sinh ra "giá trị thặng dư" mà bản chất là nó khấu hao chuyển dần giá trị vào sản phẩm. Do đó, máy móc càng hiện đại, nó cũng không xoá bỏ được tính chất mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và tư sản, đó là bóc lột sức lao động.

4. Máy móc làm giản đơn công việc, nhưng nó không thay thế, và tương ứng với máy móc sẽ có lực lượng lao động hiện đại tương xứng

Máy móc dù tiên tiến, hiện đại đến đâu đi nữa thì nó vẫn do con người chế tạo, vận hành, điều khiển. Nếu tách khỏi lao động sống thì thì máy móc cũng không hoạt động được và không thể chuyển được giá trị của nó vào sản phẩm mới. Nhưng đồng thời chúng ta cũng thấy rằng để vận hành được máy móc, thì đồng thời phải có một đội ngũ lao động hiện đại, có hiểu biết và vận hành được những loại máy móc này.

=> Như vậy, khi máy móc trở nên hiện đại, thì đối tượng bóc lột ở đây thay đổi, từ người lao động trình độ thấp, thay bằng lao động trình độ cao, mặc dù những người lao động đó được hưởng lương cao hơn so với lao động trình độ thấp. Nhưng ở đây chúng ta nói về bóc lột, chứ không phải là so sánh lương.

=> Do đó bảo rằng chủ tư bản không bóc lột sức lao động, vì đã có máy móc hiện đại, là một sự nguỵ biện.

5. Máy móc hiện đại giúp giải phóng sức lao động ?

Rõ ràng là không, vì máy móc không giúp người công nhân ngừng "bán sức lao động" của mình. Thậm chí, người công nhân, người lao động phải bán "sức lao động" của mình một cách rẻ mạt hơn, với lý do "mọi công việc đã có máy móc lo".

Chừng nào mà người công nhân, người lao động còn bán sức lao động của mình thành hàng hoá, chừng đó không có "giải phóng sức lao động". Các nhà tuyên truyền tư sản đã đánh lận con đen về "giải phóng sức lao động".

6. Mọi máy móc ở xí nghiệp này, đều phải được tạo ra từ quá trình lao động của một xí nghiệp công nghiệp khác

=> Do đó, nhà tư bản bỏ tiền ra đầu tư máy móc, cũng là gián tiếp giúp các nhà tư bản của các xí nghiệp công nghiệp chế tạo máy móc bóc lột người lao động ở chính xí nghiệp đó. Chủ nghĩa tư bản mang tính chất hệ thống là vì thế.

7. Sự phát triển của máy móc không dẫn đến .... "thừa mứa sản phẩm"

Mà thừa nguồn cung so với cầu, mới dẫn đến hiện tượng trên. Và do đó, chừng nào nguồn cầu vẫn cao hơn nguồn cung, thì chừng đó sản phẩm vẫn bán ra đều và thu thặng dư vẫn diễn ra đều. Mà nếu nguồn cung nhiều hơn cầu dẫn đến khủng hoảng thừa, thì các nhà tư bản lại tiến hành khủng bố người lao động: giảm lương, đuổi việc, .....

8. Khi máy móc phát triển, thì quan hệ giữa chủ sở hữu tư liệu sản xuất và người lao động .... vẫn không thay đổi

Vẫn là nhà tư bản là chủ tư liệu sản xuất và người công nhân vẫn là lao động làm thuê bán sức lao động. Không hiểu tác giả chém gió sự thay đổi quan hệ này là quan hệ gì ? Hoặc tác giả chỉ bịa ra mà không kịp suy nghĩ rằng nó biến đổi thành cái gì chăng.

9. Đấu tranh đòi công bằng giữa tư bản và người lao động trong việc tạo ra giá trị thặng dư ?

Đã tước đoạt thặng dư, ăn cướp sức lao động lại đòi hỏi rằng công bằng giữa một bên là ăn cướp sức lao động và một bên là phải bán sức lao động ? Công bằng cho cái gì, cho ai ? Thực ra là những lời bịp bợm để bảo vệ nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, nền sản xuất của những kẻ tước đoạt và bóc lột.

Đã cho rằng là bóc lột tinh vi hơn, nhưng lại ra rả về "tính công bằng". Nực cười. Tác giả cốt chỉ nguỵ biện mà không hiểu được những lời nguỵ biện đó nó logic chỗ nào.

10. Liệu ngày nay tư bản không còn cực đoan và ác ôn như 200 năm trước ?

Rõ ràng là không, một số lập luận cho rằng tư bản ít dã man hơn, là vì nó có phúc lợi, đãi ngộ, ...nhưng họ chỉ xét nó trong một phạm vi nhỏ hẹp của một xí nghiệp trong một không gian do chính họ tự ước lượng. Vậy còn chủ nghĩa tư bản ở châu Phi thì sao, chủ nghĩa tư bản xuất hiện ở Trung đông thì sao, .... Họ không phổ quát trong toàn bộ hệ thống tư bản chủ nghĩa, và kết quả là ở chỗ là họ chỉ lựa những gì màu hồng của chủ nghĩa tư bản để nói, còn cái đen tối thì họ lấy tay che mắt chính họ lại. Những gì mà chủ nghĩa tư bản dã man tồn tại 200 năm trước thì ngày nay vẫn thực hiện ở đâu đó trong phạm vi của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Đặc biệt là ngay tại những nơi khủng hoảng lớn nhất của chủ nghĩa tư bản, tính chất bóc lột và dã man của nó không ngừng được thực hiện công khai thực hiện.

Còn nói đến "đãi ngộ", "phúc lợi" ở các xứ tư bản văn minh, thì chắc chúng ta cũng không khó nhận ra rằng cái mà họ được hưởng, chẳng qua là việc chia lại chính giá trị thặng dư mà giai cấp tư sản bóc lột từ chính công sức lao động của họ.

Câu trả lời cho mức độ dã man của chủ nghĩa tư bản nằm ở vấn đề "tỷ suất giá trị thặng dư". Việc ăn cướp tỷ suất giá trị thặng dư càng lớn, thì tính dã man càng cao, đừng nhầm lẫn với "dã man" ở hành vi theo kiểu tàn bạo. Tất nhiên bạn bị cướp 10 đồng, nó dã man, hơn là cướp 3 đồng rồi. Ví dụ Mỹ can thiệp vào Syria và cướp các mỏ dầu, từ đó ăn cướp một cách trắng trợn không chỉ là nguồn tài nguyên của nhân dân Syria, còn bóc lột trực tiếp công nhân các giếng mỏ để tối đa hoá tỷ suất lợi nhuận, thì chả lẽ việc Mỹ bóc lột công nhân ở các mỏ dầu Syria không dã man hơn việc bóc lột công nhân Mỹ ở tại nước Mỹ ?

11. Phải chăng lý luận cộng sản của Mác là "Thông qua lao động để máy móc thay thế sức lao động. Khiến xã hội phát triển và con người không cần phải làm việc để sống" ?

Cũng chính tác giả cho rằng thời đại của các ông không có "dây chuyền sản xuất phi lao động" và đồng thời cũng chính tác giả cho rằng lý luận của các ông là "thay thế máy móc" cho "sức lao động" và khiến "con người không cần làm việc để sống". Quả thực là nực cười. Tác giả còn bịa ra học thuyết của Mác. Chúng ta kết tinh lại giá trị học thuyết của Mác đó là xoá bỏ chế độ người bóc lột người. Các ông Mác - Ăngghen không viết gì về một xã hội tương lai có máy móc hiện đại nào đó thay thế sức lao động của con người, mà các ông vạch trần ra bản chất của chủ nghĩa tư bản và từ đó vạch ra con đường đấu tranh để xoá bỏ chủ nghĩa tư bản, xoá bỏ chế độ người bóc lột người. Còn ở đây tác giả một mực bảo vệ quan điểm của giai cấp tư sản, biện minh cho "sự bình đẳng" trong mơ nào đó giữa chủ tư bản và người lao động, và rồi đi đến chỗ bịa ra luôn cả học thuyết Mác.

12. Tác giả cho rằng ở các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, người lao động cũng không được hưởng toàn bộ thặng dư mình làm ra mà còn phải đóng góp vào ngân sách và cải thiện sản xuất.

Tôi không bàn tới thời kỳ cải tổ Khrushchevist khi khôi phục lại các mầm móng của Chủ nghĩa tư bản. Tôi nói về dưới chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa thực sự. Thì nói về thặng dư dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là một điều hết sức nực cười. Hoặc người ta nghĩ rằng phần đóng góp cho ngân sách và cải thiện sản xuất là "thặng dư" mà Nhà nước bóc lột người lao động. Điều đó có nghĩa là tác giả chưa đọc gì về phân phối theo lao động của Mác - Ăngghen, thế mà vẫn bịa ra học thuyết Mác mới đại tài.

Trong tác phẩm Phê phán cương lĩnh Gôta, khi phê phán quan điểm của Látxan về cái gọi là “quy luật sắt của tiền công” - “thu nhập không bị cắt xén của lao động”, Mác đưa ra sơ đồ phân phối tổng sản phẩm xã hội: Thu nhập tập thể là tổng sản phẩm xã hội. Trong tổng sản phẩm đó, phải khấu trừ đi: Một là, phần phải thay thế những tư liệu sản xuất đã tiêu dùng; hai là, một phần phụ thêm để mở rộng sản xuất; ba là, một quỹ dự trữ hoặc quỹ bảo hiểm đề phòng những tai nạn, những sự rối loạn do các hiện tượng tự nhiên gây ra... Còn lại, phần kia của tổng sản phẩm thì dành làm vật phẩm tiêu dùng. Trước khi tiến hành phân phối cho cá nhân, phần này lại còn phải khấu trừ: Một là, những chi phí về quản lý chung không trực tiếp thuộc về sản xuất; hai là, những khoản dùng để cùng chung nhau thỏa mãn những nhu cầu, như trường học, cơ sở y tế...; ba là, quỹ cần thiết để nuôi những người không có khả năng lao động…, tóm lại là những cái thuộc về việc mà người ta gọi là cứu tế xã hội của nhà nước. 

Sơ đồ phân phối tổng sản phẩm xã hội đó của Mác chỉ ra rằng, quá trình phân phối được chia làm hai giai đoạn: Một là, phân chia tổng sản phẩm xã hội thành sáu khoản tất yếu phải khấu trừ và tư liệu tiêu dùng; hai là, phân phối tư liệu tiêu dùng còn lại cho những người lao động theo nguyên tắc phân phối theo lao động. Nói cách khác, m không phải là thặng dư, mà nó là phần khấu trừ trong tổng sản phẩm xã hội. 

Nhưng các nhà tuyên truyền tư sản của chúng ta lại gọi đó là "thặng dư" dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.