Chiến tranh chính nghĩa và Chiến tranh phi nghĩa


Trong bối cảnh một cuộc chiến tranh đế quốc mới, câu hỏi về bản chất của các cuộc chiến tranh trong thời kỳ hiện đại là vô cùng quan trọng. Tư rất sớm, Đảng Cộng sản Liên Xô dưới sự lãnh đạo của đồng chí Stalin đã cảnh báo: “Sự lệch lạc quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề bản chất của các cuộc chiến tranh trong thời kỳ hiện đại, sự hiểu lầm về sự khác biệt giữa các cuộc chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa, quan điểm sai lầm của một số người Bolshevik về "chủ nghĩa hòa bình” đã trở nên phổ biến. ”(Nghị định của Ủy ban Trung ương Đảng CPSU (b) ngày 14 tháng 11 năm 1938).

Giữa các cá nhân đồng chí có một sự mơ hồ, hoang mang về khái niệm "Tổ quốc". Họ lầm lẫn giữa khái niệm "Tổ quốc" dưới con mắt của giai cấp tư sản và "Tổ quốc" dưới con mắt vô sản, và thường thường, những người không hiểu gì về "Tổ quốc" thường đồng nhất những gì về nơi sinh, địa lý, chủ quyền, nơi ở, đơn giản hóa định nghĩa hoá nó và dẫn đến kết quả xem rằng giai cấp vô sản và tư sản là có chung một Tổ quốc: và do đó đi đến chỗ xem rằng giai cấp vô sản cũng phải tiến ra mặt trận giết quân thù là để bảo vệ "Tổ quốc" cho giai cấp tư sản. Đó là lý lẽ của bọn tư sản. Cách đây hơn 150 năm Mác đã chỉ ra giọng điệu dối trá đó của bọn chúng. Cách đây hơn 100 năm, một lần nữa Lênin lại vạch ra giọng điệu dối trá đó của bọn chúng. Và ngày nay, năm 2022, chúng ta lại một lần nữa nghe thấy những giọng điệu dối trá đó của bọn chúng - tất cả những kẻ đang bảo vệ cho lợi ích của giai cấp tư sản từ cả hai phía - bọn Mỹ nô và bọn Nga nô. Tất cả chúng đều ra rả về những câu nói ái quốc và xem rằng những người công nhân và nhân dân lao động phải ra mặt trận giết quân thù là vì "Tổ quốc".

Không !!!

Cách đây hơn 150 năm Mác đã nói “công nhân không có Tổ quốc" (lúc này chưa xuất hiện Liên Xô - nhà nước công nhân đầu tiên trên thế giới). Mác đã vạch trần ra bản chất thực sự của cái gọi là "Tổ quốc", rằng giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản trong cùng một nước không hề có cái chuyện cùng chung một Tổ quốc. Và do đó, lẽ dĩ nhiên những người vô sản không thể ủng hộ một cuộc chiến tranh "Vệ quốc" do giai cấp tư sản phát động, mà chính họ, nhân dân lao động phải tự tiến hành một cuộc chiến để bảo vệ Tổ quốc của chính họ, Tổ quốc của giai cấp vô sản không có bọn tư bản bóc lột. Đó là ý nghĩa vĩ đại của những lời của Mác. Để bảo vệ Tổ quốc của giai cấp vô sản, quần chúng vô sản Nga làm Cách mạng tháng Mười, lật đổ chính quyền tư sản, tổ chức Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới và tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Để bảo vệ Tổ quốc của giai cấp vô sản, quần chúng vô sản Việt Nam làm cách mạng Tháng Tám, lật đổ chính quyền phong kiến, tổ chức ra nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á và tiến hành cuộc chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc và giải phóng Tổ quốc mình khỏi ách xâm lược của thực dân.

"Tổ quốc" của giai cấp tư sản là "Tổ quốc" của bọn áp bức, bóc lột. Giai cấp tư sản là kẻ thù không đội trời chung của giai cấp công nhân và quần chúng lao động, giữa quần chúng vô sản với tư sản, không thể có chung một Tổ quốc duy nhất. Do đó, nhiệm vụ lịch sử của giai cấp vô sản là đi từ chỗ họ không có Tổ quốc, phải lật đổ chế độ tư bản, và tự xây nên Tổ quốc của riêng chính họ, Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động.

Chỉ có cuộc cách mạng lật đổ quyền lực của những người bóc lột và thiết lập chế độ chuyên chính của giai cấp vô sản mới giải phóng nhân loại khỏi ách áp bức nô lệ tư bản chủ nghĩa. Chỉ trong điều kiện của chế độ Xô Viết, dưới chủ nghĩa xã hội, giai cấp công nhân và nhân dân lao động mới có được một Tổ quốc chân chính, trong đó họ là người làm chủ mọi của cải vật chất và tinh thần, làm chủ vận mệnh của chính mình. Chỉ trong những điều kiện của chế độ Xô viết, nhân dân lao động mới tìm thấy một Tổ quốc đích thực, một quê hương đích thực chứ không phải trong tưởng tượng. “Trong quá khứ, chúng ta đã không và không thể có Tổ quốc. Nhưng bây giờ chúng ta đã lật đổ chủ nghĩa tư bản, và chúng ta đã có quyền lực, chúng ta có Tổ quốc và chúng ta sẽ bảo vệ nền độc lập của mình" (I. Stalin."Những vấn đề của chủ nghĩa Lenin ", trang 445 )

Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại đã đem lại cho công nhân và nhân dân lao động Tổ quốc của chính mình, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ vinh dự của toàn thể giai cấp vô sản Liên Xô.

***

Những lời của Mác “Công nhân không có Tổ quốc”, được các nhà sáng lập chủ nghĩa cộng sản vĩ đại là Mác và Ăngghen đã nêu, không phải là một câu nói giáo điều, sáo rỗng, máy móc, để mà có thể bảo rằng hiện nay nó không còn áp dụng được nữa.

Trong báo cáo tại Đại hội Đảng lần thứ 18, đồng chí Stalin, đã nói về việc phát triển và làm phong phú thêm lý luận Mác - Lênin về nhà nước, đã đóng góp những giá trị to lớn mới, hình thành lý luận mới về nhà nước xã hội chủ nghĩa tồn tại trong vòng vây tư bản chủ nghĩa, đã nêu một tấm gương sáng về cách vận dụng và phát triển hơn nữa những nguyên lý chung của chủ nghĩa Mác trong điều kiện cụ thể mới.

Tuyên ngôn Cộng sản đề cập đến nhiệm vụ của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, đó là tiêu diệt "Tổ quốc" của giai cấp tư sản.

Dưới sự thống trị của giai cấp tư sản, thái độ của giai cấp vô sản đối với vấn đề bảo vệ Tổ quốc phụ thuộc vào vị trí của chính họ trong mối quan hệ với cuộc chiến tranh nhất định. Nếu không hiểu biết sâu sắc về bản chất thời đại, toàn bộ thực chất của cuộc chiến tranh, nguyên nhân, nội dung và mục tiêu của nó thì không thể xác lập được quan điểm đúng đắn về vấn đề bảo vệ Tổ quốc.

“Câu hỏi về Tổ quốc…”, Lênin nói, “không thể được nêu ra bằng cách bỏ qua tính chất lịch sử cụ thể của cuộc chiến hiện nay”.

Những người Bolshevik phản đối các cuộc chiến tranh xâm lược, đế quốc, trong đó các cụm từ về việc "bảo vệ" Tổ quốc của giai cấp tư sản, đó là một sự lừa dối đối với nhân dân.

Phát triển học thuyết Mác-Lênin về chiến tranh, Cuốn sách "Lịch sử tóm tắt của Đảng Cộng sản (b) Liên Xô" đã chỉ ra một cách rõ ràng và sâu sắc về chiến tranh, nó bao gồm hai loại:

“A) một cuộc chiến tranh giải phóng chính nghĩa, không chinh phục, với mục đích hoặc bảo vệ người dân khỏi sự tấn công từ bên ngoài và các nỗ lực nô dịch họ, hoặc giải phóng người dân khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa tư bản, hoặc cuối cùng là giải phóng các thuộc địa và các nước phụ thuộc khỏi ách thống trị của những kẻ đế quốc,

b) một cuộc chiến tranh phi nghĩa, có tính chất xâm lược với mục đích bắt giữ và nô dịch các nước, các dân tộc.

Đồng chí Stalin đã chỉ rõ về hai loại chiến tranh này, đưa ra chìa khóa cho lời giải của câu hỏi bảo vệ Tổ quốc. Nếu một cuộc chiến tranh được tiến hành bởi một giai cấp tiến bộ trong lịch sử, một giai cấp cách mạng, chống lại nô dịch dân tộc, chống lại chủ nghĩa tư bản, thì việc bảo vệ Tổ quốc trong một cuộc chiến như vậy là cần thiết và chính đáng. Nếu chiến tranh do giai cấp phản động tiến hành với mục đích nô dịch các dân tộc khác, nô dịch nhân dân lao động, nhằm mục đích cướp bóc và phân chia lại thế giới, phân chia lại thị trường tư bản, thì những cụm từ về "bảo vệ" Tổ quốc là không thể chấp nhận được và là sự phản bội chính dân tộc mình.

Những kẻ Trotskyist và những tên gián điệp, những điệp viên của tình báo tư sản cáo buộc rằng giai cấp công nhân phủ nhận quyền bảo vệ Tổ quốc trong mọi điều kiện. Cùng với những nhà lập pháp hòa bình giả dối rao giảng "hòa bình bằng mọi giá", họ giải trừ nền dân chủ và giúp đỡ các nhà tư bản trong chính sách ăn cướp và bạo lực của họ.

Dưới sự thống trị của giai cấp tư sản, người lao động không có Tổ quốc, nhưng giai cấp công nhân không thờ ơ với số phận của dân tộc mình, của nền văn hóa dân tộc mình. Nhân dân lao động trân trọng quá khứ và hiện tại của đất nước, nền độc lập, những giá trị vật chất và văn hóa do sức lao động, mồ hôi, xương máu của mình tạo nên. Vì vậy, trong các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, trong các cuộc chiến tranh cách mạng, công nhân sẽ đứng lên xây dựng Tổ quốc của chính mình.

Đối với một cuộc chiến tranh phi nghĩa, xâm lược, chống nhân dân, những người Bolshevik kiên quyết phản đối khẩu hiệu “Bảo vệ Tổ quốc”. Những cuộc chiến tranh phi nghĩa luôn tiếp diễn chính sách cướp bóc và bạo lực. Đây là những cuộc chiến chống nhân dân, và việc "bảo vệ" Tổ quốc trong những cuộc chiến này là sự phản bội trực tiếp dân tộc mình. Tất cả các cuộc chiến tranh xâm lược, mà lịch sử của chủ nghĩa tư bản chứng minh là rất phong phú, đều thuộc loại chiến tranh này. Các cuộc chiến tranh của các nước đế quốc để phân chia lại thị trường thế giới, các cuộc chiến tranh của giai cấp tư sản phản động nô dịch các dân tộc nước khác đều thuộc loại chiến tranh này. Bất kỳ cuộc chiến tranh nào chống lại cách mạng vô sản, chống lại Tổ quốc của chủ nghĩa xã hội đều là phi nghĩa, là phản cách mạng.

Trong số các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chiến tranh chính nghĩa là các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Đứng đầu các phong trào dân tộc, như một quy luật, lúc đó là giai cấp tư sản, lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại các chế độ phong kiến. Nhưng chiến thắng của giai cấp tư sản, trong những điều kiện đó, có nghĩa là chiến thắng của một hệ thống xã hội mới - dân chủ tư sản. Thắng lợi này không giải phóng được giai cấp vô sản và nhân dân lao động, nhưng nó đã tạo cơ sở và điều kiện lịch sử cho cuộc giải phóng này của giai cấp vô sản sau này. Thắng lợi của giai cấp tư sản là thắng lợi của sự hình thành xã hội mới, tạo ra thời cơ to lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân. Nhưng bảo vệ Tổ quốc trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây không có nghĩa là bảo vệ giai cấp tư sản dân tộc và quyền áp bức dân tộc của họ. Giai cấp vô sản, tham gia cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc này, không tiến hành từ động cơ tư sản, mà xuất phát từ động cơ vô sản, xuất phát từ sự mong muốn giải phóng mình khỏi ách áp bức và nô dịch của chế độ phong kiến. Và do đó, giai cấp vô sản phải vươn lên đứng đầu phong trào dân tộc và ra sức lãnh đạo phong trào dân tộc này đi đến chiến thắng và từ đó xây nên Tổ quốc riêng của chính mình.

***

Chiến tranh đế quốc là một cuộc cuộc chiến tranh phi nghĩa và mang tính chất nô dịch. Chiến tranh thế giới lần thứ nhất là một điển hình. Hơn 30 quốc gia lớn nhỏ bị lôi kéo vào cuộc chiến này, 75 triệu người dân lao động lâm vào hoàn cảnh bi đát. Vì lợi ích của việc bóp nghẹt các dân tộc và thống trị thế giới, 30 triệu người đã bị giết hại. Với cái giá phải trả bằng máu của hàng triệu người này, các nước đế quốc đã giải quyết tranh chấp của chúng về việc phân chia lại thế giới.

Khẩu hiệu "bảo vệ" Tổ quốc trong chiến tranh như vậy là không phù hợp với lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Chúng đã che đậy hành vi ăn cướp của giai cấp tư sản dân tộc và sự phản bội đồng bào của chúng.

Trong một cuộc chiến như vậy, Lênin nói, không có bên tấn công hay bên phòng thủ. Đây là cuộc chiến giữa hai kẻ man rợ và “... câu hỏi ai trong hai kẻ man rợ này rút dao trước không quan trọng đối với chúng ta”.

Các đảng xã hội chủ nghĩa của Quốc tế thứ hai, cùng với các nhà khoa học tư sản, các nhà báo, đã cố gắng chứng minh cho nhân dân thấy sự cần thiết phải "bảo vệ" Tổ quốc, dân tộc và văn hóa trong cuộc chiến tranh đế quốc. Họ sa vào vị trí của chủ nghĩa sô vanh xã hội và bảo vệ giai cấp tư sản ăn cướp của đế quốc. Họ đã phản bội giai cấp công nhân và phản bội sự nghiệp của chủ nghĩa xã hội. Dưới ngọn cờ "bảo vệ" Tổ quốc, những người theo chủ nghĩa xã hội-sô-vanh đã bênh vực những âm mưu thâm độc của giai cấp tư sản đế quốc, gài bẫy công nhân các nước gây chiến với nhau.

Chỉ có Đảng Bolshevik là đảng duy nhất trung thành với lợi ích của giai cấp vô sản quốc tế.

Trên cơ sở phân tích sâu sắc về thời đại đế quốc và bản chất của các cuộc chiến tranh đế quốc, những người Bolshevik đã kêu gọi công nhân tích cực hành động cách mạng. Những người Bolshevik đưa ra khẩu hiệu “Biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến” và kêu gọi nhân dân lao động các nước quay vũ khí chống lại giai cấp tư sản của chính nước mình. Không phải để "bảo vệ" Tổ quốc tư sản, mà làm  thất bại chính phủ và giai cấp tư sản của họ trong cuộc chiến tranh ăn cướp này, biến nó thành một cuộc chiến thần thánh, chính nghĩa chống lại giai cấp tư sản - đó là điều mà những người Bolshevik đã chiến đấu.

Lênin đã đưa ra một phân tích xuất sắc về thời kỳ đế quốc chủ nghĩa trong các tác phẩm lý luận của mình. Trong cuốn "Chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản", Lênin đã chỉ ra rằng chủ nghĩa đế quốc đang hấp hối, rằng kỷ nguyên của chủ nghĩa đế quốc là đêm trước của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Lênin đã chỉ ra tính tất yếu của các cuộc chiến tranh đế quốc và xác định thái độ của giai cấp vô sản đối với các cuộc chiến tranh này.

Trong các tác phẩm “Khẩu hiệu của Hợp chủng quốc Châu Âu” và “Chương trình quân sự của cách mạng vô sản”, Lênin là người đầu tiên trong số những người mác-xít đã phát hiện ra quy luật phát triển không đồng đều của chủ nghĩa tư bản trong thời đại chủ nghĩa đế quốc và đưa ra một lý thuyết mới xuất sắc về cách mạng xã hội chủ nghĩa, lý thuyết về thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ban đầu ở một số nước hoặc thậm chí ở một nước, riêng lẻ nhất định, Lênin đã chỉ ra rằng sự thắng lợi đồng thời của chủ nghĩa xã hội ở tất cả các nước là không thể vì sự phát triển không đồng đều như nhau của chủ nghĩa tư bản.

Đây là lý thuyết mới về cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Lênin đã trang bị vũ khí cho giai cấp vô sản tất cả các nước trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện lịch sử mới, nâng lời dạy bất hủ của Mác và Ăngghen lên một tầm cao mới, Lênin là người đầu tiên trong số những người mác-xít đã phân tích một cách xuất sắc về các cuộc chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc mới và thái độ của giai cấp vô sản đối với chúng. Lênin đã trang bị cho giai cấp công nhân một sức mạnh chưa từng có bằng những vũ khí được rèn giũa trong cuộc đấu tranh gay gắt chống lại kẻ thù của chủ nghĩa Mác, những kẻ cơ hội và những kẻ sô vanh xã hội thuộc đủ mọi chủng loại.

Trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù của chủ nghĩa Mác, Stalin và các học trò khác của Lênin đã bảo vệ lý luận của Lênin về cách mạng xã hội chủ nghĩa; họ phát triển thêm lý thuyết này, trong mối quan hệ với điều kiện lịch sử mới của cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản.

Sự phân tích của Lênin về các cuộc chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc mới và thái độ của giai cấp vô sản đối với chúng xuất phát từ những điều kiện của kỷ nguyên mới. Trên cơ sở lý luận mới về cách mạng xã hội chủ nghĩa, Lênin là người đầu tiên trong số những người mác-xít sáng tạo ra học thuyết về chiến tranh trong thời đại chủ nghĩa đế quốc.

Phát triển và làm phong phú hơn những lời dạy của Mác và Ănghgen bằng cách nghiên cứu những mâu thuẫn của thời đại chủ nghĩa đế quốc, Lênin và Stalin đã đưa ra cách giải thích mới, đúng đắn và duy nhất của chủ nghĩa Mác về các cuộc chiến tranh đế quốc và thái độ của giai cấp công nhân đối với chúng .

Cuộc chiến tranh đế quốc lần thứ hai cũng mang tính chất phi nghĩa, cướp bóc.

Tình hình của cuộc chiến tranh mới này khác với cuộc chiến năm 1914-1918. Trên một phần sáu địa cầu tồn tại một nhà nước hùng mạnh của công nhân và nông dân, những người đã xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Bolshevik vinh quang. Xã hội xã hội chủ nghĩa này mới thực sự là Tổ quốc của giai cấp vô sản thế giới và là cơ sở đắc lực cho cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân lao động chống chủ nghĩa đế quốc. Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới là nghĩa vụ thiêng liêng của giai cấp vô sản quốc tế.

Cuộc chiến tranh đế quốc lần thứ hai đang diễn ra vào thời điểm mà chế độ độc tài đẫm máu của các nhóm đế quốc hung hãn nhất đã được thiết lập ở một số quốc gia. Bằng những phương pháp tàn bạo chưa từng có, cuộc chiến này tiếp tục chính sách của giai cấp tư sản, nhằm cướp bóc và cưỡng bức chia lại thế giới.

Việc bảo vệ Tổ quốc, Tổ quốc của giai cấp vô sản trong bất kỳ cuộc chiến tranh chính nghĩa này là cần thiết và chính đáng.

Chỉ có kẻ thù của chủ nghĩa Mác, các điệp viên tình báo nước ngoài theo chủ nghĩa Trotsky, mới có thể nghĩ rằng có thể xóa bỏ ranh giới sự khác biệt giữa các quốc gia nơi chế độ độc tài của giới lãnh đạo quân sự, tư bản phát xít và các quốc gia quan tâm đến việc duy trì hòa bình và dân chủ. Mặt trận dân tộc thống nhất, bảo vệ Tổ quốc khỏi ách nô dịch là nghĩa vụ thiêng liêng của giai cấp vô sản và nhân dân lao động các nước dân chủ.

Ngày nay, chúng ta đang đứng trước một nguy cơ chiến tranh đế quốc mới. Cuộc đụng độ mới đây giữa hai khối đế quốc Phương Tây và Nga tại Ukraine đang cảnh báo cho chúng ta về nguy cơ của một cuộc Tổng khủng hoảng toàn cầu tiếp theo của chủ nghĩa tư bản quốc tế. Giai cấp tư sản của cả hai phe đang ráo riết chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh phi nghĩa, mang tính chất xâm lược và nô dịch. Một bên, đế quốc Mỹ, lợi dụng những băng đảng, những tên tay sai phát xít phản động nhất thi hành chính sách khủng bố đối với các dân tộc ở miền Đông Ukraine để chống Nga, kết quả là sự ra đời và đấu tranh giành độc lập của các dân tộc Donbass đã trở thành một nhu cầu chính nghĩa. Mặc khác, một bên là đế quốc Nga, nhằm củng cố địa vị của bản thân mình trong thế giới tư bản, cũng như là trong cuộc đấu tranh để giành thị trường trong thế giới tư bản, đã tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược tại Ukraine hòng giành lấy những tài nguyên, điều kiện thuận lợi nhất có thể để củng cố hệ thống tư bản chủ nghĩa. Cả hai khối đó đều như nhau về bản chất. Nhưng không chỉ vậy, các nước trong khối liên minh với những cường quốc đứng đầu mỗi phe cũng tham gia tích cực vào cuộc chiến tranh phi nghĩa này, chúng tôi đang nói tới Hy Lạp, đang nói tới Ba Lan, đang nói tới các nước Baltic những kẻ ủng hộ NATO trong cuộc chiến tranh đế quốc của thế giới phương Tây; cũng như là chúng tôi đang nói đến những quốc gia khác đang ủng hộ Nga xâm lược Ukraine.

Đó là một cuộc chiến mà giai cấp tư sản phản động Nga phát động chiến tranh nhằm đạt lấy những lợi ích cụ thể về thị trường và tài nguyên - những gì có lợi nhất cho chủ nghĩa tư bản Nga - nhưng lại nguỵ tạo nó dưới những khẩu hiệu hết sức "toàn dân" như : "bảo vệ" Tổ quốc trước sự đe doạ an ninh quốc gia, tiêu diệt chủ nghĩa phát xít ở Ukraine, ....

Và lẽ dĩ nhiên rằng, vì giai cấp vô sản Nga không có Tổ quốc chung với giai cấp tư sản Nga đang ngự trị ở điện Kremlin, chúng ta có thể đi đến chỗ kết luận rằng giai cấp vô sản Nga không cần phải hy sinh cho việc "bảo vệ" Tổ quốc của giai cấp tư sản. Việc cần làm của giai cấp vô sản là đấu tranh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của riêng họ, Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tức là lật đổ giai cấp tư sản và tiến hành một cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc thực sự chống lại bất kỳ cuộc xâm lược và đe doạ nào của giai cấp tư bản quốc tế hòng muốn chiếm đóng và chia cắt nước Nga. Và do đó, sẽ là kỳ lạ hơn, cho cái đám nào đó người ngoại quốc nói tiếng Việt nhưng lại hô hào "Bảo vệ" Tổ quốc Nga của bọn tư sản Nga.  Do đó, tất cả những ai bảo vệ một trong hai phe tư bản đế quốc, đều là những bầy tôi trung thành của chính phủ đế quốc, mà ở đây chúng tôi gọi họ là Nga nô hoặc Mỹ nô.

***

Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại đã kéo nước Nga thoát khỏi ách nô lệ tư bản chủ nghĩa và nỗi kinh hoàng của các cuộc chiến tranh đế quốc. Giai cấp vô sản Nga, do Đảng Bolshevik vĩ đại lãnh đạo, là kết quả của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đã lật đổ chế độ nô lệ tư bản và chấm dứt các cuộc chiến tranh đế quốc.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa của giai cấp vô sản là phương tiện duy nhất để chấm dứt mọi cuộc chiến tranh. Nhưng thật sai lầm khi cho rằng cách mạng xã hội chủ nghĩa đã thắng lợi thì lập tức chấm dứt mọi cuộc chiến tranh, nhất là chiến tranh phản động chống chủ nghĩa xã hội. Các hành động khiêu khích quân sự, như chủ nghĩa Lênin dạy và theo kinh nghiệm về sự tồn tại của Liên Xô trong vòng vây tư bản chủ nghĩa, sự phá hoại và gián điệp của các nước đế quốc vẫn sẽ tiếp tục. Những hành động khiêu khích quân sự này bất cứ lúc nào cũng có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh xâm lược chống lại Liên Xô.

Cuộc chiến của giai cấp vô sản thắng lợi là cuộc chiến hợp pháp nhất trong tất cả những cuộc chiến tranh hợp pháp, chính nghĩa nhất trong tất cả những cuộc chiến tranh chính nghĩa. Loại chiến tranh này lần đầu tiên xuất trong lịch sử loài người kể từ khi nhà nước của nhân dân lao động đầu tiên trên thế giới xuất hiện.

Chiến tranh chính nghĩa của giai cấp công nhân tiếp tục chính sách giải phóng của giai cấp cách mạng nhất quán. Nó không nhằm vào việc thay thế và thiết lập một hình thức bóc lột này bằng một hình thức bóc lột khác, mặc dù tiến bộ hơn, mà nó chống lại mọi sự bóc lột và áp bức. Nếu các cuộc chiến tranh chính nghĩa trước đây bảo vệ độc lập dân tộc chống lại ách thống trị của ngoại bang và không giải phóng được nhân dân lao động khỏi áp bức giai cấp, thì các cuộc chiến tranh chính nghĩa của giai cấp công nhân đã thiết lập một hệ thống xã hội trong đó loại trừ khả năng con người bị bóc lột sức lao động. 

Nếu trước đây chỉ là những cuộc chiến tranh, với sự thay đổi tính chất xã hội trong nước này hay nước khác, biến thành chiến tranh phi nghĩa, ăn cướp, phản cách mạng, thì chiến tranh của giai cấp công nhân không phát triển và không thể phát triển thành chiến tranh phi nghĩa (chúng ta có thể thấy rằng, các cuộc can dự của Liên Xô vào Hungary, Afganistan đều xảy ra trong điều kiện Liên Xô thay đổi nội tại bên trong của nó, từ cơ sở hạ tầng đến kiến trúc thượng tầng).

Nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh chính nghĩa mới này đã bảo vệ thành quả của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, quê hương của họ, đất đai của họ đoạt lấy được từ chủ đất, nhà máy và công xưởng được đoạt lấy từ tay tư bản. Hồng quân đã bảo vệ nền độc lập của đất nước, giải phóng giai cấp vô sản khỏi xiềng xích nô lệ của chế độ tư bản chủ nghĩa. Theo một cách mới, đó là một cuộc chiến tranh ái quốc vì quê hương, vì Tổ quốc, không có kẻ bóc lột - địa chủ và tư bản - cũng như chống lại những kẻ bóc lột và áp bức.. Hồng quân đã chiến đấu vì tương lai tươi sáng của cả nhân loại. Bảo vệ cách mạng, bảo vệ Tổ quốc trong chiến tranh ấy thật thiêng liêng.

Cuộc chiến tranh của giai cấp vô sản thắng lợi chống chủ nghĩa đế quốc là một cuộc chiến tranh mới theo cách riêng của nó. Trong cuộc chiến này, giai cấp vô sản bảo vệ sự nghiệp của chủ nghĩa xã hội quốc tế. “Chúng ta vì bảo vệ Tổ quốc, nhưng cuộc chiến tranh ái quốc đó,” Lênin viết, “mà chúng ta đang hướng tới, là cuộc chiến vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì chủ nghĩa xã hội với tư cách là Tổ quốc, vì nước Cộng hòa Xô Viết, với tư cách là đội quân của thế giới xã hội chủ nghĩa”.

Chiến tranh chính nghĩa luôn là sự tiếp nối chính sách của các giai cấp tiến bộ, cách mạng, luôn gắn với lợi ích của nhân dân. Chiến tranh phi nghĩa, có tính chất thù địch là chiến tranh phản động, chống đối nhân dân.

Nội dung chính trị của cuộc chiến, tính chất của nó không được xác định bởi lãnh thổ mà bởi bản chất cuộc chiến đang diễn ra, cuộc chiến đó vì điều gì. Một cuộc chiến tranh phi nghĩa được tiến hành bởi những kẻ chống phá cách mạng, phản động chống lại nhân dân, chống lại lợi ích của chuyên chính vô sản. Chiến tranh của các dân tộc bị áp bức, chiến tranh của giai cấp tiến bộ trong lịch sử, chiến tranh cách mạng là chiến tranh chính nghĩa vì nó được bắt đầu bởi các giai cấp hoặc dân tộc bị áp bức.

Ví dụ, một cuộc chiến tranh chính nghĩa, tiến bộ trong lịch sử là cuộc chiến của những người dân Trung Quốc anh hùng, những người đang bảo vệ quê hương, đất nước, nền văn hóa của họ khỏi bọn ăn cướp Nhật Bản. Cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Liên Xô chống lại những kẻ xâm lược Đức quốc xã. Cuộc chiến tranh chính nghĩa giải phóng của nhân dân Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ thực dân của đế quốc Pháp. Đó đều là các cuộc chiến bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tư cách là Tổ quốc của giai cấp vô sản.

Trong cuộc thánh chiến chống lại kẻ thù của chủ nghĩa xã hội, Hồng quân, dựa vào những nỗ lực tổng hợp của nhân dân Xô Viết vĩ đại và giai cấp vô sản quốc tế, đã bảo vệ các dân tộc trên toàn thế giới khỏi nạn cướp bóc, nô dịch. Hồng quân đã tiến hành cuộc chiến này vì sự nghiệp của tất cả nhân loại tiên tiến, tiến bộ, chống lại những quái vật phản động, bóc lột và phản cách mạng.

Do đó, không thể lẫn lộn bản chất của các cuộc chiến tranh được, và từ đó không thể không nhìn thấy bản chất chiến tranh dưới góc nhìn của các giai cấp khác nhau được.

Lẽ tự nhiên, những người đấu tranh cho giai cấp vô sản sẽ nhìn bản chất chiến tranh theo góc độ vô sản, những người đấu tranh cho giai cấp tư sản sẽ nhìn nhận bản chất chiến tranh theo góc độ tư sản.

Thật là nực cười khi những kẻ sô vanh xã hội, ngoài miệng thì nói về chủ nghĩa xã hội, còn trong tâm thì ủng hộ giai cấp tư sản Nga tiến hành chiến tranh xâm lược và áp bức dân tộc. Lẽ dĩ nhiên, những phần tử sô vanh xã hội chỉ quan tâm đến chiến thắng quyết định của chính quyền tư sản Kremlin trong cuộc chiến này mà chả bao giờ đoái hoài đến những gánh nặng mà giai cấp vô sản Nga, Ukraine, Donbass và cả thế giới này gánh chịu từ hệ quả của cuộc chiến tranh đế quốc đó.

Rõ ràng, những tên theo đuôi của các ông chủ tư bản -  Nhà trắng hay Điện Kremlin - chẳng quan tâm gì đến xương máu của anh em công nhân và người lao động.