Về lập trường Cải lương chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Liên bang Nga đối với cuộc xâm lược Ukraine



Đấu tranh để giành thị trường và để cướp bóc những nước khác; ra sức chặn đứng phong trào cách mạng của giai cấp vô sản và của phái dân chủ ở trong nước; ra sức lừa bịp, chia rẽ và tàn sát những người vô sản ở tất cả các nước, xúi giục những người nô lệ làm thuê của nước này chống lại những người nô lệ làm thuê của nước khác, làm lợi cho giai cấp tư sản, – nội dung thực sự duy nhất của chiến tranh, ý nghĩa của chiến tranh là như thế.” - V.I.Le-nin, Nhiệm vụ của Cách mạng Xã hội-Dân chủ trong Chiến tranh Châu Âu.

Tất cả những điều trên, được nhấn mạnh bởi nhà lãnh đạo của Cách mạng Tháng Mười hơn một thế kỷ trước, là hoàn toàn đúng đối với cuộc chiến ở Ukraine. Nhiều bài báo cho đến nay đã nêu bật các khía cạnh của cuộc chiến giành thị trường, nguyên liệu thô và các tuyến đường vận chuyển hàng hóa.

Thật đáng tiếc, Đảng Cộng sản Liên bang Nga (CPRF), lại bày tỏ quan điểm theo lập trường cải lương mà chúng tôi kịch liệt phản đối.

Vài điều về Đảng Cộng sản Liên bang Nga

CPRF, được thành lập năm 1993, là một lực lượng quan trọng trong đời sống chính trị của nước Nga tư bản chủ nghĩa. Trong cuộc bầu cử quốc hội cuối cùng vào năm 2021, họ nhận được 18,9% số phiếu bầu và trở thành lực lượng chính trị thứ 2, với 57 nghị sĩ (trong số 450). Trong suốt 30 năm kể từ khi Liên Xô sụp đổ, CPRF cũng nhiều lần đưa người vào nắm giữ một số vị trí trong chính phủ, nhất là trong chính cái giai đoạn 1998–1999, dưới thời Thủ tướng Y. Primakov, khi mà nước Nga tư bản đang lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng. CPRF, mặc dù tham gia đáng kể trong nghị viện, nhưng họ không thật sự quan tâm vào việc tập hợp lại và tổ chức phong trào công đoàn và công nhân ở Nga

Lập trường của Đảng này từ trước khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga là phù hợp với lập trường của Đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền, một đảng tư sản và của Tổng thống V. Putin. Tức là một cuộc hợp tác giai cấp, phai nhạt nhiệm vụ đấu tranh giai cấp. 

Cùng với việc Chính phủ tư bản Nga tung những luận điệu để "hợp tức hoá" việc xâm lược Ukraine, thì chính CPRF cũng nhấn mạnh lại tất cả các lập luận chính thức của chính phủ Nga về sự cần thiết của việc đưa quân đội Nga tiến hành "hoạt động quân sự đặc biệt" ở Ukraine. Trên thực tế, CPRF đang ảo tưởng rằng với chính sách đối ngoại “chống phát xít” này sẽ là cơ hội để cho họ đấu tranh “chuyển dịch sang cánh tả” cùng với lời kêu gọi lần thứ mười một về việc cải tổ chính phủ.

“Cuộc đụng độ của các nền văn minh”

Một điều hết sức căn bản mà CPRF không hề đề cập, ngược lại, còn im lặng hoàn toàn về nguyên nhân thực sự của các cuộc chiến tranh đế quốc, đó là nó được tiến hành vì lợi ích của các công ty độc quyền và giai cấp tư sản chứ không phải xung đột dân tộc giữa Nga và Ukraine. Đó là cuộc chiến tranh giành nguyên liệu thô, sự giàu có khoáng sản, các tuyến đường vận chuyển hàng hóa, các trụ cột địa chính trị và thị phần lợi nhuận. CPRF không nhìn thấy sự cạnh tranh gay gắt đang diễn ra giữa các nhà nước tư sản ở nhiều nơi trên thế giới về các nguồn năng lượng, các tuyến đường vận tải và đường ống, đối với cổ phần của các công ty độc quyền trên thị trường năng lượng châu Âu.

Thông qua lập trường của mình, CPRF đứng về phía các công ty độc quyền của Nga và Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh với phương Tây, những điều này đã cùng nhau biến người dân Ukraine thành một "miếng bánh ngọt xẻ năm xẻ bảy". Trong nhiều năm, Đảng này đã tán thành các phương pháp tiếp cận với việc xem các lực lượng dân tộc chủ nghĩa ở Nga được coi là “người yêu nước”. Trong cuốn sách “Toàn cầu hóa và số phận của nhân loại” (2002), Tổng bí thư CPRF, Zyuganov, đã chấp nhận quan điểm của nhà khoa học chính trị người Mỹ Samuel Phillips Huntington về “sự đụng độ của các nền văn minh”, theo đó xung đột không còn xảy ra giữa các quốc gia, nhưng giữa các lực lượng có truyền thống văn hóa khác nhau. Do đó, trong các động thái của NATO, EU và Hoa Kỳ nhằm bao vây Nga, ông ấy nhận thấy một "cuộc chiến toàn diện" chống lại Nga, đã được phát động bởi cái gọi là các quốc gia văn minh dân chủ, giàu có. Theo quan niệm này, chúng ta thấy có sự “giảm nhẹ” mâu thuẫn giai cấp - xã hội mà thay vào đó là xung đột giữa các dân tộc, hoặc trên cơ sở phân biệt "phương Tây giàu có" và "nước Nga lạc hậu", tức là không nhìn thấy mâu thuẫn trực tiếp đang xảy ra giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản trong một quốc gia riêng biệt, cụ thể chính là nước Nga. Trên thực tế, không tồn tại mâu thuẫn giữa dân tộc Nga và dân tộc Ukraine, chỉ tồn tại mẫu thuẫn giữa các tập đoàn của giai cấp tư sản quốc gia này với tập đoàn của giai cấp tư sản của quốc gia khác. Ở đây, mâu thuẫn chính yếu là mâu thuẫn giữa khối tư bản Phương Tây - Mỹ với khối tư bản Nga, giai cấp vô sản Nga không có bất kỳ mâu thuẫn nào với giai cấp vô sản Ukraine, 

Tài liệu theo chương trình của CPRF không thừa nhận tính chất đế quốc của nước Nga ngày nay, trong khi nó tuyên bố rằng "Liên bang Nga đang trở thành một đối tượng của một sự phân chia lại thế giới khác, và một phần phụ liệu thô cho các nước đế quốc" và lưu ý thêm rằng "Trong nửa sau của thế kỷ 20, khi tự làm giàu bằng cách khai thác tài nguyên của hành tinh, đầu cơ tài chính, chiến tranh và các phương pháp thực dân hóa tinh vi mới, một nhóm các nước tư bản phát triển, cái gọi là "tỷ đô vàng", đã bước vào một thời kỳ được gọi là 'xã hội tiêu dùng'. Thay vì là một chức năng tự nhiên của con người, tiêu dùng trở thành một mục tiêu thiêng liêng, với địa vị xã hội của mỗi cá nhân tùy thuộc vào mức độ nhiệt tình của người đó theo đuổi mục tiêu đó.... ”. Một cách tiếp cận sai lầm này, cái gọi là “tỷ đô vàng” chống lại cái gọi là "thế giới Nga", vốn là một trong những định hướng chính của chính sách đối ngoại hiện nay do nhà nước tư sản Nga áp dụng. Khái niệm này được sử dụng để nói nhiều đến thái độ chống Nga của thế giới phương Tây, nhưng cũng che giấu đi một sự thật khác rằng, Nga cũng sử dụng các triệu phú Nga và dân số nói tiếng Nga trong việc phát triển chủ nghĩa tư bản Nga ra ngoài biên giới nước Nga. 

Tất cả chúng ta có nghĩa vụ bảo vệ thế giới Nga (…) Thế giới Nga đã tập hợp trong một nghìn năm. Và nó đã được tập hợp không chỉ bởi người Nga mà còn cả người Ukraine và Belarus. Chúng tôi có một đức tin chung, những chiến thắng chung, một ngôn ngữ, một nền văn hóa chung”, Tổng bí thư CPRF nêu trong bài phát biểu của mình tại Quốc hội Nga trong cuộc tranh luận về việc công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk.

Trên cơ sở này, CPRF hỗ trợ đầy đủ cho chính sách đối ngoại của giai cấp thống trị Nga, cụ thể ở đây là giai cấp tư sản và các liên minh tư bản xuyên quốc gia mà nó hình thành trên các lãnh thổ của Liên Xô, cụ thể như Liên minh Kinh tế Á-Âu và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Đặc biệt là vào tháng 1, CPRF đã hỗ trợ việc triển khai lực lượng CSTO ở Kazakhstan để trấn áp cuộc nổi dậy của công nhân-nhân dân dưới sự lãnh đạo của các đảng xã hội chủ nghĩa Kazakhstan.

Tóm lại, Trong khi CPRF tuyên bố rằng nó hướng tới chủ nghĩa xã hội, đồng thời chương trình của mình, họ lại đang lên kế hoạch thực hiện thông qua biện pháp nghị viện, tạo thành một chương trình cải cách để quản lý hệ thống tư bản một cách hiệu quả và hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu của giai cấp tư sản Nga và nhà nước tư sản Nga, một thực tế cũng được phản ánh trong các vấn đề chính sách đối ngoại của chính họ.

Im lặng về trách nhiệm của chính phủ Nga đối với cuộc khủng hoảng

CPRF, chỉ nêu bật những trách nhiệm nặng nề và không thể chối cãi của các cường quốc đế quốc khác — Mỹ, NATO và EU, tức là “chủ nghĩa phát xít tự do” như cách gọi của các lực lượng này — nhưng lại không đề cập đến trách nhiệm của giai cấp tư sản Nga. Khi Liên Xô tan rã, hàng triệu người Nga và những người nói tiếng Nga bỗng chốc nhận ra mình đang sống bên ngoài biên giới của Liên bang Nga, bao gồm các khu vực Crimea và Donbas. Khi lực lượng phản cách mạng Nga giải tán Liên Xô, họ có đặt ra câu hỏi về quyền của những người đó không? Chắc rằng Yeltsin và ngay cả hiện nay là Putin và Medvedev cũng không trả lời được. Họ có đề cập đến việc người dân nào sau này sẽ thuộc về các khu vực quốc gia mà những người đó đã sinh sống? Dĩ nhiên là không! Những quần thể này bị giai cấp tư sản Nga mới thành lập lúc bấy giờ coi như những con tốt thí trong các kế hoạch địa chính trị của nó trên các lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ. Vậy tại sao bây giờ họ lại "bày tỏ sự quan tâm" đối với những con người mà chính họ ruồng bỏ cách đây 30 năm ?

Đồng thời, trong 30 năm qua, giai cấp tư sản Ukraine đã đầu độc một cách có phương pháp những người Ukraine chống chủ nghĩa cộng sản và tuyên truyền kiểu Goebbels về “tội ác diệt chủng” người dân Ukraine bởi những người Bolshevik, những người cộng sản hoặc người Nga. Năm 1998, Tổng thống L. Kuchma lúc bấy giờ đã ký Sắc lệnh đầu tiên cho việc tuyên truyền những lời giả dối này trong hệ thống giáo dục cho công dân. Năm 2006, trong nhiệm kỳ của Tổng thống V. Yushchenko, hoạt động "công nhận quốc tế" về cái gọi là tội diệt chủng bắt đầu, trong khi bên trong đất nước, lệnh cấm hình sự được áp dụng đối với bất kỳ ý kiến ​​bất đồng chính kiến ​​nào. Vào năm 2010, người được gọi là Tổng thống thân Nga V. Yanukovych đã giữ lại tất cả những điều trên, tuyên bố rằng đó là “tội ác của chế độ toàn trị Stalin”. Cả một thế hệ người Ukraine đã lớn lên dựa trên sự tuyên truyền giả dối này và các tổ chức phát xít đã dựa trên đó để tập hợp lại về mặt ý thức hệ và chính trị.

Ban lãnh đạo Nga hiện tại đã làm gì trong suốt ngần ấy năm để ngăn chặn sự phát triển không thể chấp nhận được này? Câu trả lời là họ chỉ quan tâm các hoạt động kinh doanh, tức lợi ích tư bản, trong khi chính V. Putin tự hào tuyên bố “Năm 2011, thương mại song phương đã vượt quá 50 tỷ đô la” giữa hai nước Ukraine-Nga. Vào thời điểm mà tuyên truyền kiểu Goebbels đang lan rộng ở Ukraine, thì Nga đã dành cho Ukraine, theo cách nói của V. Putin, là “hỗ trợ vật chất” một cách cật lực nhất. Chỉ trong giai đoạn 1991–2013, tức là giai đoạn các tư tưởng phát xít bén rễ trong chính đất nước Ukraine, ngân sách Ukraine đã nhận được khoản lợi khoảng 250 tỷ USD, nhờ các khoản vay ưu đãi của Nga và với giá chiết khấu cao về năng lượng của Nga. Nga thậm chí còn bao trả đầy đủ các nghĩa vụ nợ của Ukraine từ thời Liên Xô.

Do đó, trách nhiệm đối với sự hồi sinh của chủ nghĩa phát xít, tuyên truyền về Đức Quốc xã ở Ukraine là đơn phương? Không phải giai cấp tư sản Nga cũng phải chịu trách nhiệm về họ sao? 

Nếu chúng ta nói vui rằng Châu Âu đang trả chiến phí cho Nga để đánh Ukraine khi mỗi ngày vẫn phải trả tiền cho năng lượng của Nga đang bơm sang châu Âu. Vậy cũng có thể nói rằng, chính Nga cũng dung dưỡng cho bọn phát xít Ukraine sau này trưởng thành và đấm ngược lại nước Nga.

Nói đúng hơn là Nga cũng chả quan tâm đến bọn phát xít cho đến khi chính họ muốn thấy.

Về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít

Hàng năm, nhà nước Nga đã đệ trình lên Liên Hợp Quốc dự thảo nghị quyết lên án việc “tôn vinh” chủ nghĩa Quốc xã và kêu gọi các biện pháp giảm thiểu hiện tượng quốc xã, đặc biệt là ở Baltic và Ukraine. Mỹ luôn bỏ phiếu chống lại nó và các nước EU đã bỏ phiếu trắng.

Đồng thời, bản thân trong chính nước Nga, trẻ em Nga bị đầu độc bởi chủ nghĩa chống cộng ở trường học, chẳng hạn như thông qua tiểu thuyết gia khét tiếng chống Liên Xô của Solzhenitsyn, người biện minh cho những kẻ người cộng tác với Đức Quốc xã, là một fan hâm mộ của Franco, và ủng hộ Pinochet. Các phương tiện truyền thông công cộng và tư nhân tràn ngập chủ nghĩa chống cộng, trong cả chính ngày Chiến thắng chống phát xít Đức không thể không nói đến công lao vĩ đại của Đảng Cộng sản, nhưng cũng bị lờ đi tuốt. Bản thân V.Putin đã công khai rằng ông nghiên cứu và giới thiệu cho giới trẻ các tác phẩm của Ivan Ilyin, một nhà tư tưởng chủ nghĩa phát xít Nga, một người ủng hộ Đức quốc xã. Tượng đài của những tên cộng tác với Đức quốc xã được dựng lên trong chính nước Nga. Thậm chí bia vinh danh Tổng thống Phần Lan, kẻ tham gia trực tiếp bao vây Leningrad 900 ngày đêm cũng được dựng lên ở tại chính St. Petersburg.

Một lần nữa người ta chứng minh rằng khi cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít tách rời khỏi nguồn gốc của chính nó, chủ nghĩa phát xít là con đẻ của chủ nghĩa đế quốc và cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa phát xít ở Ukraine chỉ là một sự đạo đức giả nhằm theo đuổi các mục tiêu khác, sự phân chia thị trường thế giới của giai cấp tư sản Nga.

Im lặng trước chủ nghĩa chống cộng của chính phủ

CPRF nhấn mạnh chủ nghĩa chống cộng của "chính quyền phát xít" Ukraine, vì nó là đặc điểm của nó, nhưng bỏ qua chủ nghĩa chống cộng của chính quyền Nga, từ chính cả Tổng thống V. Putin, trong tuyên bố ban đầu của ông trước chiến tranh. Hãy nhớ lại rằng V. Putin đã sử dụng tất cả những mô tả nghe buồn nôn mà EU và Mỹ sử dụng để gán cho Liên Xô, chẳng hạn như "chế độ độc tài Stalin", "chế độ toàn trị", "khủng bố đỏ", v.v.

Đặc điểm nổi bật là CPRF đã không phản ứng trước cuộc tấn công chống cộng không thể chấp nhận do Điện Kremlin phát động, vốn là cơ sở chung của chủ nghĩa chống cộng của tất cả các lực lượng đế quốc. Thậm chí còn không phản ứng rõ ràng lại những cáo buộc không thể chấp nhận được của Tổng thống Nga rằng Lenin và những người Bolshevik chịu trách nhiệm cho việc giải thể Liên Xô chứ không phải các lực lượng xã hội và chính trị của cuộc phản cách mạng mà Putin tham gia cùng với thị trưởng Leningrad lúc bấy giờ và chính Putin là cánh tay phải của B. Yeltsin, A. Sobchak, người cùng với M. Gorbachev, đã lãnh đạo cuộc tấn công chống cộng và chống Liên Xô và kéo sập Tổ quốc vĩ đại của chúng ta, Tổ quốc cách mạng của những người cộng sản.

Trên đây là mấy vấn đề về tính chất Cải lương của Đảng Cộng sản Liên bang Nga trước vấn đề chiến tranh đế quốc chủ nghĩa.