HIỆP ĐỊNH HOÀ BÌNH MINSK - CÓ LỢI HAY HẠI CHO NGƯỜI DÂN DONBASS ?



Maidan 2014 đã đi đến chỗ thành lập một chính phủ tư sản phản động thân Mỹ tại Ukraine, kết quả là chính phủ này thi hành những chính sách áp bức dân tộc đối với cộng đồng người nói tiếng Nga tại miền Đông, Đông Nam Ukraine. Cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc để thực hiện quyền tự quyết dân tộc của người Nga tại các khu vực này rõ ràng là một cuộc đấu tranh chính nghĩa. Những người xã hội chủ nghĩa nên ủng hộ điều này.

Sự ra đời của 2 nước Cộng hòa Donetsk và Lugansk là một kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh giành độc lập ấy. Và sự thực là 2 nước Cộng hoà này đã độc lập khỏi Ukraine mà không cần sự công nhận của bất kỳ quốc gia nào. Kể cả khi 2 nước Cộng hoà này gắn chặt với nước Nga, thì cũng không thể bảo rằng nó là các thực thể chính trị do Nga dựng lên, vì sao ? Vì nó đáp ứng nhu cầu của phong trào độc lập dân tộc của cộng đồng người nói tiếng Nga tại đó, một phong trào dân tộc đương bị ách áp bức dân tộc của giai cấp tư sản Ukraine đè lên đầu.

Phong trào độc lập này đã phải chịu những tổn thất do những chính sách phản động thù địch của chính phủ Poroshenko và cho đến hiện nay là Zelensky. Kết quả của chính sách này là chính phủ Ukraine đã phát động những cuộc tấn công nhằm vào 2 nước Cộng hoà độc lập này, gây nên những cuộc chiến đẫm máu và gây tổn hại đến cho dân thường.

Chính vì phong trào độc lập và thực sự rằng 2 nước Cộng hoà Donetsk và Lugansk đã là những quốc gia độc lập thì tất yếu - những chính sách, biện pháp nhằm hạn chế quyền độc lập của họ - sẽ là những chính sách bán đứng lợi ích của cộng đồng nói tiếng Nga tại Donbass.

Phải, chính cái gọi là “Hiệp ước hoà bình Minsk” là một sự bán đứng đối với lợi ích của nhân dân Donbass.

Để giải quyết tình hình Donbass, nhóm liên lạc 3 bên - Nga, Ukraine và Tổ chức An ninh - hợp tác châu Âu (OSCE) được thành lập nhằm giải quyết vấn đề Donbass. Và kết quả cuối cùng là vào tháng 9/2014, tại thủ đô Belarus Hiệp ước Minsk được thông qua bởi các bên trong nhóm liên lạc 3 bên - có sự tham gia của lãnh đạo của 2 nước Cộng hoà Donetsk và Lugansk, những người chịu chi phối trong thực tế bởi chính phủ Nga.

Kết quả của Minsk I đã đi đến điều tồi tệ nhất, không quốc gia nào công nhận về tình trạng độc lập thực tế của Donbass, mà tiếp tục thừa nhận Donbass như một phần của Ukraine và sắp xếp để đi đến một cuộc bầu cử mới nhằm tái hoà nhập Donbass vào Ukraine trong điều kiện mới.

Điều 9 Hiệp ước hoà bình Minsk: “Đảm bảo cuộc bầu cử địa phương sớm phù hợp với tình hình Ukraine về: Trật tự tạm thời của các cơ quan tự quản địa phương tại Donetsk và Lugansk”.

Tất nhiên, tôi hoàn toàn biết rằng giá trị của Hoà ước này nó chẳng là gì nếu các bên liên tiếp vi phạm, nhưng nó đã đẩy đến một thực tế rất rõ ràng rằng, tất cả các lực lượng tại Minsk đều xem rằng Donbass không phải là một khu vực đã độc lập, mà nó vẫn là khu vực "đặc biệt" nằm trong Ukraine. Kết quả ở đây là Chính phủ tư sản Nga đã phản bội phong trào giành độc lập của người Nga khi xem rằng Donbass cũng nằm trong thành phần Ukraine, trong khi lực lượng quân sự Ukraine không có vẻ gì cho thấy rằng họ sẽ ngừng chính sách đàn áp này lại. Ở đây, chính sự thỏa hiệp và sự theo đuôi điện Kremlin của Alexander Zakharchenko và Igor Plotnitsky, mà vùng Donbass hoàn toàn vụt mất cơ hội được công nhận độc lập của chính mình.

Sau đó, Donbass tiếp tục bị lực lượng Ukraine tấn công, và lúc bấy giờ hiệp định Minsk I chỉ còn là mớ giấy lộn trên bàn đàm phán của nhóm liên lạc 3 bên. Các cuộc xung đột đã dẫn đến việc Minsk I sụp đổ hoàn toàn.

Đến tháng 2/2015, với một cuộc họp thượng đỉnh có sự gặp gỡ của những nhà lãnh đạo cấp cao nhất của các quốc gia có liên quan đến xung đột tại Donbass đã họp tại Minsk. Có sự tham gia của : Putin, Poroshenko, Merkel, Hollande, Alexander Zakharchenko và Igor Plotnitsky, tại đây hiệp định hoà bình Minsk II ra đời.

Tuy nhiên, kết quả là Minsk II cũng không khá hơn Minsk I, thực chất là sự tiếp nối Minsk I, chẳng giải quyết quyền lợi cho nền độc lập của người Nga tại Donbass và trên thực tế cũng chẳng giúp gì hơn cho sự an toàn của dân Donbass trước các cuộc xâm lược của lính Ukraine.

Điều 4 Hiệp ước hoà bình Minsk II: “Ngày đầu tiên khi Hiệp định này bắt đầu, một cuộc đối thoại về cách thức tiến hành bầu cử địa phương phù hợp với Luật pháp Ukraine về: Trật tự tạm thời của các cơ quan tự quản địa phương tại Donetsk và Lugansk, và số phận của các địa phương này trong tương lai. Không quá 30 ngày kể từ khi hiệp định ký kết, một nghị quyết phải được Rada Ukraine thông qua, công nhận chế độ lãnh thổ đặc biệt: Về chế độ tự quản tạm thời ở các địa phương Donetsk và Lugansk, dựa trên cơ sở bản ghi nhớ được thiết lập từ hiệp định hoà bình Minsk được ký vào ngày 19 tháng 9 năm 2014”.

Điều 9 Hiệp ước hoà Minsk II: “Chính phủ Ukraine khôi phục quyền kiểm soát biên giới trong toàn bộ khu vực xảy ra xung đột, việc này bắt đầu ngay sau khi các cuộc bầu cử địa phương kết thúc khi đã có đầy đủ quy định chính trị vào cuối năm 2015, với điều kiện hoàn thành Điểm 11 - sau khi đã tham vấn và thống nhất với đại diện cụ thể của khu vực Donetsk và Lugansk trong khuôn khổ nhóm liên lạc ba bên”.

Điều 11 Hiệp ước hoà bình Minsk II: “Cải cách Hiến pháp ở Ukraine, với hiến pháp mới có hiệu lực vào cuối 2015, về việc phân quyền và phê duyệt vĩnh viễn về tình trạng đặc biệt của các khu vực Donetsk và Lugansk phù hợp với các biện pháp được nêu trong phần ghi chú đính kèm, vào cuối năm 2015”.

Như vậy, cuối cùng, các kết quả của hiệp ước hoà bình Minsk I và II là đi đến chỗ các bên tham gia từ chối công nhận nền độc lập thực tế của Donetsk và Lugansk, đặt khu vực này dưới phạm vi kiểm soát danh nghĩa của Ukraine [kể cả khi có cái gọi là khu tự trị đặc biệt] và tạo ra những điều kiện cho chính phủ tư sản phản động Ukraine tung các lực lượng ph.át x.ít tiến đánh vào vùng Donbass.

Cái gọi là hiệp ước hoà bình này trên thực tế là lại đi tước đoạt hoà bình thật sự của người dân Donbass và biến khu vực này thành khu vực lợi ích trong các cuộc đàm phán giữa các bên trong nhóm 3 bên Nga - Ukraine - OSCE.

Điều thật hài hước là ở đây, Donetsk và Lugansk đã thực sự độc lập rồi, nhưng chính nước Nga lại không thừa nhận điều đó và duy trì tiếp việc coi những người Nga ở Donbass là một phần của Ukraine, để rồi lại sau 8 năm lại công nhận những người Nga này độc lập khỏi Ukraine.

Chính thái độ lươn lẹo đó đã góp phần làm cho số người Nga tại Donbass thiệt mạng ngày càng nhiều. Nhưng cuối cùng bi kịch cũng chấm dứt. Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga mặc dù nó không chính nghĩa và chính phủ Nga tính toán nhiều hơn so với khẩu hiệu "phi ph.át.x.í.t hoá" , nhưng thực tế nó đã mang đến cho riêng người Donbass một cơ hội lịch sử, họ có thể khôi phục vùng lãnh thổ đã tuyên bố, và thực sự trở thành những nước cộng hoà độc lập một lần nữa, độc lập hoàn toàn khỏi Nga và Ukraine.

Cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc để thực hiện quyền tự quyết dân tộc của người Nga tại Donbass cần phải được giải quyết một cách triệt để.

Đó là lý do vì sao chúng tôi, những người xã hội chủ nghĩa kiên quyết ủng hộ các lực lượng Donbass [không phải quân đội Nga xâm lược] giải phóng các vùng lãnh thổ Donetsk và Lugansk và tiêu diệt bè lũ ph.á.t x.ít Azov tại Mariupol.