Bàn về những phần tử tư sản ở nước ta hiện nay


 

BÀN VỀ NHỮNG PHẦN TỬ TƯ SẢN Ở NƯỚC TA HIỆN NAY.

1. Sự hình thành của giai cấp tư sản Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Những phần tử tư sản Việt Nam đã xuất hiện cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, trước chiến tranh thế giới thứ nhất họ chỉ mới là những phần tử, một tầng lớp xã hội nhỏ bé, kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực thương nghiệp.

Tư sản Việt Nam thực sự trở thành một giai cấp đúng nghĩa, bước chân lên vũ đài chính trị, bắt đầu từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Những hoạt động mang đặc điểm giai cấp của tư sản Việt Nam có thể thấy rõ qua: tẩy chay tư sản Hoa kiều, chống độc quyền cảng Sài Gòn, .... Có các Đảng đại diện như Lập Hiến, nhóm Nam Phong, nhóm Trung Bắc Tân, ....

Chúng ta cần thấy rõ rằng: không phải có sự hiện diện của các nhà tư sản thì đồng nghĩa có giai cấp tư sản; sự hình thành giai cấp tư sản là quá trình phát triển đi từ sự xuất hiện của các phần tử nhỏ lẻ, đến chỗ hình thành một tầng lớp và sau đó mới đến giai cấp.

2. Đặc trưng của giai cấp tư sản Việt Nam đầu thế kỷ XX

- Chiếm tỷ lệ ít, vào khoảng 0,1% dân số.

- Phần lớn phong trào đấu tranh là nhằm thỏa mãn quyền bình đẳng trong kinh tế với tư sản ngoại quốc.

- Chủ yếu là các tổ chức tự phát (thiếu hệ thống tổ chức, điều lệ, cán bộ, ...)

- Mâu thuẫn xã hội chủ yếu là áp bức dân tộc, chứ không phải đối kháng giai cấp, và trên thực tế giai cấp tư sản Việt Nam trở nên bất lực trước thời đại và nhường sàn diễn cho giai cấp vô sản.

3. Giai cấp tư sản đã bị thủ tiêu về mặt xã hội trong công cuộc cải tạo Xã hội chủ nghĩa trước đây

Thực vậy, ở miền Bắc sau năm 1954, và miền Nam sau 1975, việc cải tạo đối với các nhà tư sản đã đi đến chỗ thủ tiêu giai cấp tư sản về mặt xã hội. Các hình thức của công cuộc cải tạo đó phong phú, từ nhẹ đến mạnh: công tư hợp doanh, quốc hữu hóa, trấn áp, ... tùy theo thái độ phản kháng của tư sản nhất định.

Kết quả là dưới công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở nước ta, giai cấp tư sản và các nhà tư sản bị xóa sổ toàn diện. Và phải đến khi Đổi mới, các nhà tư sản mới bắt đầu xuất hiện trở lại.

4. Sự tồn tại của các nhà tư sản hiện nay.

Đồng chí Stalin từng nói, bất kể lúc nào, khi mà sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất đi kèm với sự bóc lột, tất yếu nảy sinh ra các nhà tư sản. Dưới chế độ đa thành phần kinh tế với sự tồn tại của kinh tế tư nhân và các hình thức kinh doanh tư bản chủ nghĩa ở nước ta, đã đẻ ra những nhà tư sản Việt Nam hiện đại. Hiện nay thành phần kinh tế tư nhân đang đóng một vai trò quan trọng, là động lực phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN ở nước ta.

Có quan niệm cho rằng, không nên xác định các nhà kinh tế tư nhân ở nước ta là tư sản, với lý do là tránh sự rạn nứt trong khối đại đoàn kết dân tộc. Đó là lập luận phi mác-xít, thậm chí là phản động, là sự thủ tiêu các nguyên tắc định nghĩa về vị trí xã hội của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Không thể thay đổi bản chất của đối tượng xã hội, thì không thể thể thay đổi vị trí của đối tượng đó trong xã hội. Chừng nào mà các nhà tư sản ở nước ta vẫn còn sử dụng các công cụ bốc lột thì chừng đó họ không có gì khác hơn là những nhà tư sản. Đó là bản chất cố hữu của tư sản.

5. Liệu tồn tại giai cấp tư sản hiện nay không ?

Sự tồn tại của những nhà tư sản và sự tồn tại với tư cách là một giai cấp là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Sự xuất hiện của các nhà tư sản, không đồng nghĩa với sự xuất hiện của một giai cấp tư sản. Thực tế, sự tồn tại và phát triển của các nhà tư sản trong các mối quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội sẽ quyết định nên sự xuất hiện của giai cấp tư sản. Những nhà tư sản ở nước ta trước chiến tranh thế giới thứ nhất chỉ là những phần tử nhỏ bé, sau chiến tranh thế giới thứ nhất thì mới bước lên vũ đài chính trị và hoạt động như một giai cấp. Như vậy, chính trong lịch sử chúng ta cũng đã thấy rõ ràng rằng, các nhà tư sản và giai cấp tư sản là hai vấn đề tách biệt.

Những nhà tư sản hiện nay ở nước ta tồn tại dưới tư cách là một tầng lớp, và chưa thể trở thành giai cấp được hay lực lượng chính trị độc lập, sở dĩ như thế là vì nó tồn tại một cách riêng lẽ (cố chăng chỉ là những liên kết về thương mại), thiếu sự tổ chức độc lập và chịu chi phối với Nhà nước của giai cấp vô sản (các hội doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân, ... đều chịu sự kiểm soát của Nhà nước) và cuối cùng là mối liên kết của họ với Chủ nghĩa tư bản quốc tế chỉ đơn thuần là trên phạm vi kinh tế. Nhưng liệu như thế có phải là không có các nhà tư sản mưu toan xóa bỏ chế độ Chủ nghĩa xã hội, hay cấu kết trực tiếp với giai cấp tư sản quốc tế không ? Không hẳn, ngược lại là có. Nhưng cố nhiên cũng chỉ là những cá nhân cá biệt riêng lẻ mà thôi, và họ không đại diện cho các một "tập đoàn người".

Nếu không có giai cấp tư sản thì chúng ta không cần phải đấu tranh giai cấp nữa phải không ? Điều đó không đúng. Giai cấp tư sản mất đi, nhưng không đồng nghĩa đối kháng giai cấp tư sản và vô sản không còn. Trước nhất, đối kháng giai cấp ở nước ta hiện nay tồn tại cả phạm vi trong nước và phạm vi quốc tế. Đối với trong nước, sự xuất hiện các nhà tư sản, cơ sở đẻ ra giai cấp tư sản vẫn tồn tại và các hình thức kinh tế bóc lột tư bản chủ nghĩa vẫn tồn tại, thì tất yếu rằng đối kháng giai cấp vẫn tồn tại. Đối kháng đó là nhằm đi đến thủ tiêu hoàn toàn nguồn gốc đẻ ra giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản (kể cả phải lâu dài). Sự tồn tại của Nhà nước của giai cấp lao động trong vòng vây của Chủ nghĩa tư bản thế giới tất yếu làm nảy sinh đối kháng giữa một bên là Nhà nước vô sản và một bên là vòng vây Chủ nghĩa tư bản. Chừng nào mà vòng vây Chủ nghĩa tư bản còn tồn tại và đe dọa phương hại đến sự tồn tại của Nhà nước vô sản thì tất yếu đối kháng giai cấp trên phạm vi quốc tế vẫn tồn tại, kể cả khi đất nước đó đã đạt đến Chủ nghĩa xã hội và tiếp tục phát triển Chủ nghĩa xã hội.

Nhưng liệu giai cấp tư sản có thể một lần nữa xuất hiện hay không ? Câu trả lời là có. Như đã nói, vì sự tồn tại và phát triển của các nhà tư sản trong các mối quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội sẽ quyết định nên sự xuất hiện của giai cấp tư sản. Do đó, nếu như các nhà tư sản ở nước ta, thành phần kinh tế tư nhân, tư bản chủ nghĩa ở nước ta phát triển đến một mức độ mà nó có thể chi phối các hoạt động chính trị (không phải là những cá nhân câu kết tham nhũng với quan chức), khi mà "một tập đoàn người" với tư cách là một phạm trù kinh tế - xã hội biểu hiện cho một phương thức sản xuất thống nhất lại với nhau và tiến hành một cuộc đấu tranh chính trị chung nhằm thiết lập một chế độ tư bản ở nước ta (kể cả khi công tác đó chỉ mới bắt đầu, và chưa thành công) thì tất yếu về sự ra đời của giai cấp tư sản sẽ xuất hiện. Và chính vì thế, đối kháng giai cấp tồn tại trong thời kỳ quá độ là để ngăn chặn sự xuất hiện trở lại của chính giai cấp tư sản đó.