LỊCH SỬ CỦA VẤN ĐỀ “XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI TRONG PHẠM VI MỘT QUỐC GIA”




====================


Phái đối lập trong Đảng Bolshevik do Trotsky cầm đầu thường ra rả: “Vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi một quốc gia” là sản phẩm của Stalin, là một thứ  lý luận sáng tạo nào đó của Stalin, và cho rằng nó hoàn toàn trái với học thuyết của Lenin. Điều đó rõ ràng là không đúng.


Không phải mãi tận năm 1925, như Trotsky nói tại Hội nghị Trung ương lần thứ XV (1925), thì Đảng mới nói đến “Vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi một quốc gia”, mà thực chất, ngay từ năm 1915 vấn đề này đã được đồng chí Lenin nêu ra và không ai khác, chính Trotsky là người từng phản đối quan điểm này của Lenin. Ấy thế mà sau đó Trotsky lại “quên béng” đi những lời mà ông ta phê phán Lenin hồi 1915.


a) Vào năm 1915, trên tờ báo Người dân chủ xã hội, cơ quan báo Trung ương của Đảng Bolshevik đã đăng tải một bài viết do Lenin là tác giả, có nhan đề “Bàn về khẩu hiệu Liên bang Châu Âu”. Trong đó Người viết:


<< Song, nếu coi khẩu hiệu Liên bang thế giới là một khẩu hiệu độc lập, thì khẩu hiệu đó không đúng, thứ nhất là vì khẩu hiệu đó sẽ lẫn lộn với chủ nghĩa xã hội; thứ hai, vì khẩu hiệu đó có thể đẻ ra một lối giải thích KHÔNG ĐÚNG CHO RẰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHÔNG THỂ THẮNG LỢI TRONG MỘT NƯỚC DUY NHẤT ĐƯỢC và giải thích không đúng về quan hệ giữa nước đó với nước khác.


Sự phát triển không đều về kinh tế và chính trị là quy luật tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản. Do đó, chúng ta thấy rằng chủ nghĩa xã hội có thể trước tiên thắng lợi trong một số ít nước tư bản chủ nghĩa hoặc ngay cả trong độc một nước tư bản chủ nghĩa nữa. Giai cấp vô sản chiến thắng của nước đó, SAU KHI ĐÃ TỊCH THU TÀI SẢN CỦA BỌN TƯ BẢN VÀ ĐÃ TỔ CHỨC NỀN SẢN XUẤT XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TRONG NƯỚC MÌNH sẽ đứng lên chống lại cái phần thế giới còn lại, tức là thế giới tư bản chủ nghĩa, bằng cách lôi cuốn những giai cấp bị áp bức ở các nước khác theo mình, bằng cách thúc đẩy họ nổi dậy chống bọn tư bản, bằng cách sử dụng khi cần, ngay cả những lực lượng quân sự, để chống lại các giai cấp bóc lột và Nhà nước của chúng>> (Lenin toàn tập, t.21, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1963, tr.339)


Và đây là những lời Trotsky phản đối Lenin, được đăng trên tờ báo “Lời nói của chúng ta” - một tờ báo Menshevik do Trotsky làm chủ bút ở Pari - cũng vào năm 1915:


<< “Tình trạng phát triển không đều về mặt kinh tế và chính trị là một quy luật tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản”. Do đó, tờ báo Người xã hội dân chủ đã kết luận rằng chủ nghĩa xã hội có khả năng thắng lợi ở trong một nước duy nhất, và bởi vậy không phải cứ có Liên bang châu Âu, mới có thể thực hiện được chuyên chính vô sản trong từng nước riêng biệt…>>


<< Trong cuộc đấu tranh của mình, không một nước nào nên “chờ đợi” các nước khác, đó thật là một điều sơ đẳng mà người ta nên và cần nhắc lại để cho tư tưởng chờ đợi tiêu cực trên quốc tế khỏi thay thế cho tư tưởng hoạt động đồng thời trên quốc tế. Không cần phải chờ đợi các nước khác, chúng ta bắt đầu và theo đuổi cuộc chiến tranh trên địa hạt quốc gia với tinh thần hoàn toàn chắc chắn rằng sáng kiến của chúng ta sẽ thúc đẩy cuộc đấu tranh trong các nước khác; và nếu sự thật lại sẽ không như thế, thì KHÔNG CÓ MỘT HY VỌNG NÀO ĐỂ TIN TƯỞNG ĐƯỢC - đó là điều mà kinh nghiệm lịch sử và suy luận lý luận đã chứng minh là đúng - rằng, chẳng hạn, nước Nga cách mạng sẽ có khả năng đương đầu được với châu Âu bảo thủ, hay nước Đức xã hội chủ nghĩa sẽ đứng đơn độc được ở giữa một thế giới tư bản chủ nghĩa. Đứng trên phạm vi dân tộc mà xem xét những triển vọng của một cuộc cách mạng xã hội, như thế là MẮC BỆNH DÂN TỘC HẸP HÒI, bệnh này là thực chất của chủ nghĩa xã hội ái quốc >> (Trotsky, 1917, tập III, phần thứ nhất, tiếng Nga, tr.89-90)


Đấy, chính trong bài báo đó của Trotsky, ông ta khẳng định rằng bài báo đó của Lenin là nói đến vấn đề “chủ nghĩa xã hội có khả năng thắng lợi ở trong một nước duy nhất”. Ấy vậy mà tại phiên họp Hội nghị Trung ương lần thứ XV (1925) Trotsky đã nói thế này:


<< Tại sao người ta lại đòi hỏi phải thừa nhận, về mặt lý luận, rằng công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội có thể tiến hành trong một nước duy nhất được ? Do đâu mà có triển vọng đó ? Tại sao, trước năm 1925, không có một ai nêu vấn đề đó ra ?>> (Biên bản Hội nghị TW XV, Đảng Cộng sản (B) Liên Xô, 1925)


Trotsky “quên béng” việc ông ta gọi Lenin là “mắc bệnh dân tộc hẹp hòi”, lại “quên béng” luôn chính bài báo do ông ta viết. Và cuối cùng là ông ta đi đến chỗ kết tội rằng đó là sản phẩm của Stalin ? Điều đó thật là hài hước.


b) Năm 1919, trong bài “Kinh tế và Chính trị trong thời kỳ chuyên chính vô sản”, đồng chí Lenin đã viết:


<< Dù bọn tư sản tất cả các nước và bè lũ tay sai công khai hay lén lút của chúng đã bịa đặt và vu khống như thế nào đi nữa, nhưng có một điều không thể chối cãi được là: đứng về quan điểm giải quyết vấn đề kinh tế cơ bản mà xét, thì ở nước ta, chế độ chuyên chính vô sản đã ĐẢM BẢO CHO CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN THẮNG CHỦ NGHĨA TƯ BẢN. Nếu giai cấp tư sản toàn thế giới đã lồng lộn điên cuồng chống chủ nghĩa Bolshevik, nếu chúng tổ chức những cuộc xâm lược quân sự, những âm mưu, … để chống lại những người Bolshevik, thì chính là vì chúng thừa hiểu rằng nhất định chúng ta sẽ THẮNG LỢI trong việc CẢI TẠO NỀN KINH TẾ XÃ HỘI, trừ phi chúng ta bị lực lượng quân sự đè bẹp. Song, chúng đã không đè bẹp nổi chúng ta bằng phương tiện đó >> (Lenin toàn tập, tiếng Nga, xb lần 4, t.30, tr.90).


c) Năm 1921, Trong cuốn sách “Bàn về thuế lương thực”, đồng chí Lenin đã nêu ra luận điểm về việc cần phải xây dựng “những cơ sở xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế của chúng tôi”.


d) Năm 1922, tại cuộc họp của Xô viết Moskva, Lenin đã nêu ra rằng:


<< Nước Nga của Chính sách kinh tế mới sẽ biến thành nước Nga xã hội chủ nghĩa>> (Lenin toàn tập, tiếng Nga, xb lần 4, t.33, tr.405) - Lenin hoàn toàn nói về nước Nga, cơ sở vật chất kinh tế của nước Nga trong tương lai.


Cũng trong năm 1922, trong phần “Lời bạt” của bài viết “Cương lĩnh hòa bình”, Trotsky đã nhận xét như thế này về việc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong một quốc gia:


<<Đối với một số độc giả, thì hình như kinh nghiệm gần năm năm của nước Cộng hòa xô viết của chúng ta đã chứng minh rằng lời khẳng định nói rằng cuộc cách mạng vô sản không thể nào kết thúc một cách thắng lợi trong phạm vi quốc gia được, tức là lời khẳng định đã được lặp đi lặp lại nhiều lần trong “Cương lĩnh hòa bình”, là một lời khẳng định không đúng. Nhưng kết luận như vậy là vô căn cứ. Nhà nước công nhân chống với toàn thế giới đã đứng vững được trong một nước duy nhất, mà lại là một nước lạc hậu, điều đó chứng tỏ sức mạnh vĩ đại của giai cấp vô sản là giai cấp, trong những nước khác tiền tiến hơn và văn minh hơn, sẽ thật sự có khả năng làm nổi những việc phi thường. Nhưng về phương diện Nhà nước, thì tuy chúng ta đứng vững về mặt chính trị và quân sự, nhưng không phải vì thế mà chúng ta đã đạt tới chỗ sáng lập ra được một xã hội xã hội chủ nghĩa, ngay cả gần đạt được tới chỗ đó, chúng ta cũng chưa đạt được. Cuộc đấu tranh để duy trì Nhà nước cách mạng của chúng ta, suốt trong thời kỳ đó, đã khiến cho những lực lượng sản xuất bị giảm sút một cách phi thường; thế mà chỉ có dựa vào sự tiến triển và sự phát đạt của những lực lượng sản xuất đó thì mới có thể xây dựng được chủ nghĩa xã hội. Những cuộc đàm phán mậu dịch với các Nhà nước tư sản, những tô nhượng, hội nghị Geneva,... là một bằng chứng quá rõ rệt rằng KHÔNG THỂ NÀO XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI MỘT CÁCH ĐƠN ĐỘC, TRONG PHẠM VI QUỐC GIA CỦA NHÀ NƯỚC ĐƯỢC...Sự phát triển chân chính của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở nước Nga chỉ có thể thực hiện được sau khi giai cấp vô sản trong những nước chủ yếu ở châu Âu đã giành được thắng lợi>>


Tất nhiên, những lời phản đối này không phải dành cho Stalin, mà dành cho Lenin.


e) Năm 1923, Lenin đã viết trong cuốn sách “Bàn về chế độ hợp tác”


<<Thật vậy, việc chính quyền Nhà nước chi phối hết thảy mọi tư liệu sản xuất chủ yếu, việc giai cấp vô sản nắm giữ chính quyền Nhà nước, việc giai cá6p vô sản liên minh với hành triệu và hàng triệu tiểu nông và tiểu nông, việc giai cấp vô sản nắm vững quyền lãnh đạo nông dân … - phải chăng những việc đó không phải là tất cả những thứ cần thiết để có thể xây dựng, với việc hợp tác hóa và chỉ riêng với việc hợp tác hóa mà trước đây chúng ta coi là có tính chất con buôn, và bây giờ đây, dưới Chính sách kinh tế mới, về một vài mặt nào đó, chúng ta vẫn có quyền coi như thế - PHẢI CHĂNG NHỮNG VIỆC ĐÓ KHÔNG PHẢI LÀ TẤT CẢ NHỮNG THỨ CẦN THIẾT ĐỂ XÂY DỰNG MỘT XÃ HỘI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TOÀN VẸN HAY SAO ? Đó chưa phải là xây dựng xong xã hội xã hội chủ nghĩa, nhưng đó là tất cả những cái cần thiết và đầy đủ để làm việc xây dựng đó>> (Lenin toàn tập, tiếng Nga, xb lần thứ 4, t.33, tr.428).


Trên đây là một số bằng chứng cho thấy Stalin không phải người “sáng tạo” ra mệnh đề này, mà không ai khác, chính Lenin là người đầu tiên đề cập đến. Và quan điểm đó của Lenin hoàn toàn đối lập với quan điểm của Trotsky.


Kết luận:


=> “Vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi một quốc gia” là quan điểm của Chủ nghĩa Lenin. Nó hoàn toàn không phải là sáng tạo của Stalin. Do đó, không thể nói rằng Stalin sáng tạo ra thuyết này và đi ngược với học thuyết của Lenin giống như lời của các Trotskyist vu cáo.


=> Lenin đã nhiều lần khẳng định rằng có thể và sẽ xây dựng được Chủ nghĩa xã hội trong một phạm vi quốc gia. Và sự thật là trong quá trình phát triển của mình, Liên Xô đã xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội vào năm 1936, nhưng mới chỉ đạt việc thủ tiêu chủ nghĩa tư bản, chứ chưa thể chấm dứt sự can thiệp vũ trang. Mãi đến 1960s, khả năng đó mới mở ra, và lúc đó Chủ nghĩa xã hội mới thắng lợi hoàn chỉnh.


=> Trotsky và Trotskyist nhiều lần tự nhận rằng họ là các “học trò” của Lenin. Điều đó là không chính xác. Trotsky và Trotskyist luôn đối nghịch với quan điểm của Lenin, chống Chủ nghĩa Lenin. Mục tiêu của họ, không có gì hơn là xóa bỏ chủ nghĩa Lenin thay thế bằng các quan điểm Menshevik Trotskyism. Nếu đọc các tác phẩm của Trotsky và Lenin, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng, họ không có điểm chung. Vậy thì chẳng có cơ sở gì khẳng định TROTSKY SẼ BẢO VỆ CHỦ NGHĨA LENIN trước một Stalin “lệch lạc” cả. Mà ngược lại, Stalin bảo vệ học thuyết của Lenin trước Chủ nghĩa Trotsky.


=> Nhiều người ảo tưởng rằng Trotsky là nhân vật số 2, người kế thừa Lenin trong Đảng, chẳng qua Stalin dùng thủ đoạn nên mới thắng mà thôi. Đó hoàn toàn là điều nực cười. Họ ảo tưởng rằng Đảng Bolshevik do Lenin sáng lập và rèn luyện, một Đảng lấy Chủ nghĩa Lenin làm nền tảng lại có thể để một kẻ chống Lenin, theo quan điểm phủ định Chủ nghĩa Lenin, để trở thành nhân vật kế thừa Lenin trong Đảng ? Hoàn toàn không bao giờ có chuyện đó. Đảng Bolshevik đã trả lời bằng việc hơn 700.000 đảng viên ủng hộ đường lối Stalin, và chỉ có 4.000 đảng viên ủng hộ Trotsky. Nhân vật “số 2” trong Đảng, như đám Trotskyist tung hô, lại chưa chiếm nổi 1% phiếu trong một cuộc bỏ phiếu công khai của Đảng ??? Nhắc luôn, cuộc bỏ phiếu đó diễn ra khi Stalin là thiểu số trong Bộ Chính trị, và cuộc bỏ phiếu đó hoàn toàn công khai.


#Gấu