CHUNG SỐNG HÒA BÌNH, HỢP TÁC HÒA BÌNH VÀ THI ĐUA HÒA BÌNH GIỮA CÁC CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ



CHUNG SỐNG HÒA BÌNH HỢP TÁC HÒA BÌNH VÀ THI ĐUA HÒA BÌNH 

GIỮA CÁC CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ

Về vấn đề Chung sống hòa bình

“Chung sống hòa bình” - không phải là thuyết do Khrushchev sáng tạo ra, mà Lenin là người đầu tiên đề cập đến.

Vấn đề Chung sống hòa bình và thi đua kinh tế giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản đã được Lenin – Stalin nêu ra về mặt lý luận. Vấn đề đó xuất phát từ chỗ cách mạng xã hội chủ nghĩa không thể thắng lợi cùng một lúc trong tất cả các nước trên thế giới. Cho nên, trong một thời gian tương đối, một nước hay một số nước xã hội chủ nghĩa sẽ phát triển trong vòng vây hoặc bên cạnh các nước tư bản chủ nghĩa. Sự tồn tại giữa hai hệ thống chính trị khác nhau, trong điều kiện nhà nước xã hội chủ nghĩa còn chưa đủ tiềm lực để thủ tiêu chủ nghĩa đế quốc trên phạm vi thế giới, tất nhiên sẽ dẫn đến sự chung sống hòa bình. Vấn đề thi đua kinh tế là vấn đề phụ - ngay cả không chung sống hòa bình thì thi đua kinh tế vẫn xảy ra - , vì lẽ tất yếu, muốn chứng minh chủ nghĩa xã hội là một phương thức sản xuất ưu việt hơn, cho nên không thể tránh khỏi việc lấy những tiêu chuẩn của phương Tây làm thước đo để vượt qua và đề ra những hình thức cổ vũ phát triển kinh tế, thi đua là một trong những hình thức cụ thể đó. Tất nhiên, vì là “sản phẩm” của thuyết “Chung sống hòa bình” thì ngay từ thời của Lenin, hạt giống của sự thi đua hòa bình đã được gieo mầm và nảy nở trong những kế hoạch vĩ đại kim khí hóa toàn nước Nga rộng lớn trong những năm 20-30 của thế kỷ XX. Thuật ngữ “Thi đua hòa bình” chỉ đơn giản là đến thời Khrushchev mới được đặt một cái tên chính thức.

1) Chính sách chung sống hòa bình của Lenin đơn thuần là chính sách cá biệt của Nhà nước xã hội chủ nghĩa đối với quốc gia theo hệ thống xã hội khác.

Chính sách đối ngoại chủ trương chung sống hòa bình của Lenin xuất phát từ về khả năng có thể chiến thắng của chủ nghĩa xã hội trong phạm vi một quốc gia. Khi nói về cuộc cách mạng ở Nga, Lenin đã chỉ ra rằng, có thể cách mạng xã hội chủ nghĩa không nổ ra trên phạm vi thế giới, mà ngay thời điểm đầu tiên, nó có thể diễn ra tại mắc xích yếu nhất trong chuỗi các nước tư bản đế quốc – đó là đế quốc Nga. Điều đó dẫn đến rằng, một nhà nước xã hội chủ nghĩa sẽ tồn tại trong lòng hệ thống các nước tư bản chủ nghĩa, mà nhà nước xã hội chủ nghĩa chưa có điều kiện để thúc đẩy chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới phát triển thì tất yếu phải tồn tại song song với hệ thống tư bản chủ nghĩa trong một thời gian lâu dài. Mà mối quan hệ giữa Liên Xô với các nước đế quốc chắc chắn phải là thù địch, tuy nhiên, để có thể chiến thắng trong tương lai thì trước mắt phải chung sống hòa bình để TRANH THỦ nền hòa bình đó mà xây dựng cơ sở và lực lượng.

2) Chính sách chung sống hòa bình của Lenin là một khía cạnh của chính sách đối ngoại của giai cấp vô sản khi đã nắm chính quyền.

Nghĩa là chỉ khi nào giai cấp vô sản đã nắm quyền lực Nhà nước trong tay mình, thì mới sinh ra chính sách đối ngoại quốc tế này, nhưng còn phải tùy theo những điều kiện cụ thể lịch sử mà Đảng đề ra chính sách hòa bình hay không.

3) Chính sách chung sống hòa bình của Lenin là nhằm chống lại chính sách xâm lược và chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc.

Lenin nhắc nhở: “Chúng ta đấu tranh chống sự dối trá của các chính phủ, trên lời nói thì tất cả đều nói về hòa bình, về công lý, nhưng trong việc làm lại tiến hành chiến tranh xâm lược và cướp bóc” (Lenin toàn tập, tập 35, Nxb Tiến bộ, Moskva, 1978, tr.18).

4) Chính sách chung sống hòa bình của Lenin xuất phát từ mục tiêu đấu tranh giai cấp trên phạm vi toàn cầu.

Lenin từng nói: “Chúng ta không tồn tại một cách đơn độc, mà là trong hệ thống các quốc gia, sự tồn tại của Nhà nước Xô viết bên cạnh các nước tư bản đế quốc trong một thời gian dài là điều không tưởng. Hoặc là chúng ta chiến thắng hoặc chủ nghĩa đế quốc giành chiến thắng. Các cuộc xung đột giữa nước Cộng hòa Xô viết với chủ nghĩa đế quốc chắc chắn là không thể tránh khỏi. Điều này có nghĩa là giai cấp vô sản muốn đứng vững được, chỉ có thể bằng các tổ chức quân sự của chính mình” (Lenin toàn tập, tập 24, Nga văn, tr.122).

5) Chính sách chung sống hòa bình của Lenin là để thực hiện “sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản quốc tế”.

Nói cho rõ, tức là dành thời gian hòa bình để xây dựng lực lượng để khi có thời cơ sẽ xóa bỏ chủ nghĩa đế quốc ở ngoài phạm vi Liên Xô. Sau này Stalin đã giải thích kỹ hơn luận điểm này: “…. Trì hoãn chiến tranh, thõa hiệp với các nhà tư bản và thực hiện mọi biện pháp để duy trì quan hệ hòa bình. Chúng ta không quên những lời Lenin nói về cuộc chiến không thể tránh khỏi với thế giới tư bản, nhưng cuộc chiến ấy có thể được trì hoãn cho đến khi cuộc cách mạng vô sản ở châu Âu đã chín muồi, hoặc các cuộc cách mạng ở thuộc địa đã chín muồi, hoặc do cuộc xung đột giữa các nước đế quốc vì giành giật nhau thị trường thuộc địa. Do đó, duy trì quan hệ hòa bình với các nước tư bản là một nhiệm vụ bắt buộc đối với chúng ta” (Lenin và Stalin, sưu tầm, tập 3, Nga văn, tr.227). Điều này hoàn toàn có thể thấy rõ rệt trong chính sách đối ngoại của Liên Xô và tư duy đối ngoại hòa bình của Stalin trước Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, một sự thực là hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa đã ra đời, việc thủ tiêu các chế độ tư bản chủ nghĩa và đế quốc chủ nghĩa tại các quốc gia này cũng được thực hiện. Căn bản đó là sự vận dụng chính sách chung sống hòa bình của Lenin.

Về vấn đề Hợp tác và Thi đua hòa bình 
giữa các chế độ chính trị

Vấn đề hợp tác hòa bình và thi đua hòa bình đã có từ sớm biểu hiện qua việc hợp tác kinh tế giữa Liên Xô và các nước tư bản chủ nghĩa trong một số thời gian nhất định và trong cuộc đấu tarnh để chứng tỏ rằng hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa ưu việt hơn chế độ kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Sau đây tôi xin trích một số đoạn trong cuốn sách "Stalin- Người dẫn đường cho nhân loại tiến bộ" được đồng chí Malenkov đọc nhân dịp mừng thọ Stalin vào năm 1949. Trong đó Malenkov đã hệ thống lại quan niệm của đồng chí Stalin về chung sống hòa bình, hợp tác hòa bình và thi đua hòa bình giữa các chế độ chính trị với nhau. Cần biết rằng, Khrushchev lần đầu tiên nói đến Thi đua hòa bình là vào năm 1956, tức là Malenkov đã tổng hợp các quan điểm của Stalin cách thời điểm Khrushchev lần đầu tiên trình bày quan điểm của y là 7 năm. Do đó, không thể đi đến chỗ kết luận rằng: bất kỳ ai nói đến chung sống hòa bình, hợp tác hòa bình, thi đua hòa bình thì đều là theo Chủ nghĩa xét lại theo Khrushchev được.

Trích: << Tháng 9, năm 1946, ông U-ớc (Werth), thông tin viên báo "Thời sự chủ nhật" ở Mát-xcơ-va hỏi đồng chí Stalin:

- Ngài có tin rằng Liên Xô càng tiến tới chủ nghĩa cộng sản thì khả năng hợp tác hòa bình với các nước vẫn không giảm sút trong trường hợp việc đó liên quan đến Liên Xô không ? Có thể "thực hiện chủ nghĩa cộng sản trong một nước" không ?

Đồng chí Stalin trả lời:

- Tôi tin rằng khả năng hợp tác hòa bình không giảm sút đi (nghĩa là đã tồn tại), mà còn có thể tăng thêm nữa. Rất có thể thực hiện chủ nghĩa cộng sản riêng trong một nước nhất là đối với một xứ như Liên Xô.

Tháng Mười hai 1946, ông E-li-ô Ru-dơ-ven hỏi đồng chí Stalin:

- Ngài có cho rằng một chế độ dân chủ như của Mỹ có thể tồn tại hòa bình trên thế giới bên cạnh một hình thức Nhà nước cộng sản như Liên Xô hiện nay, mà không bên nào có ý định can thiệp vào nội chính của bên nào không ?

Đồng chí Stalin trả lời:

- Có, chắc chắn có. Không những có thể được, mà còn hợp lý và hoàn toàn thực hiện được. Trong những lúc gay go nhất của chiến tranh, sự khác nhau về hình thức chính phủ đã không ngăn cản hai nước chúng ta đoàn kết và chiến thắng kẻ thù chung. Trong thời bình, những dây diên lạc ấy càng dễ thực hiện hơn.

Tháng 5 năm 1948, đồng chí Stalin trả lời bức thư ngỏ của ông Uê-lết-xơ sau:

- ...chính phủ Liên Xô nhận thấy rằng tuy hai hệ thống kinh tế và tư tưởng có khác nhau, nhưng việc hai hệ thống cùng tồn tại và vấn đề giải quyết hòa bình những xích mích giữa Liên Xô và Mỹ chẳng những có thể thực hiện được mà còn rất cần cho hòa bình thế giới.

...

Đấy là những lời đồng chí Stalin bày tỏ nguyện vọng của những người Xô viết muốn lao động một cách hòa bình và sáng tạo, muốn xây dựng mối tình bang giao thân thiện giữa nhân dân các nước. Liên Xô nhận thấy rằng có thể thi đua hòa bình với chủ nghĩa tư bản. Do tiếng nói của đồng chí Stalin, nhân dân Liên Xô tuyên bố dứt khoát rằng Liên Xô chống mọi hành động phiêu lưu gây chiến, ủng hộ một nền hòa bình vững bền trên thế giới, mặc dầu người Xô viết đều tin tưởng tuyệt đối ở lực lượng bất diệt của mình....>> (Malenkov, Stalin - người dẫn đường cho nhân loại tiến bộ, Nxb Sự thật,Hà Nội, 1954, tr.8-12)

Khrushchev tiếp nối Lenin-Stalin hay là một con đường khác ?

 Quan điểm của Khrushchev về “Chung sống hòa bình”:

1) Khrushchev tin rằng “chung sống hòa bình” là nguyên tắc cao nhất để giải quyết các vấn đề thời đại.

Lập luận rằng: “cùng tồn tại hòa bình, đó là con đường tốt nhất và duy nhất có thể chấp nhận được để giải quyết các vấn đề quan trọng của xã hội” (A. Rumyantsev, Vũ khí tư tưởng của Chúng tôi, Tạp chí Các vấn đề về hòa bình và chủ nghĩa xã hội, 1962, số 1); rằng nguyên tắc chung sống hòa bình đã trở thành một “quy luật cơ bản của xã hội hiện đại” (Khrushchev, Bài phát biểu tại Hội đồng Liên Hợp Quốc, 23/9/1960).

2) Krushchev tin rằng chủ nghĩa đế quốc đã sẵn sàng cùng tồn tại hòa bình và không âm mưu phá hoại các nước xã hội chủ nghĩa.

Viện dẫn rằng nhiều chính khách phương Tây là những người ủng hộ hòa bình và thể hiện nhu cầu chung sống hòa bình. Khrushchev đã từng ca ngợi Eisenhower và Kenedy là những chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình. Nhưng thực tế, họ có tôn trọng hòa bình không? Hoàn toàn không, Tổng thống Kenedy đã đặt điều kiện cho Khrushchev muốn giữ hòa bình thì phải từ bỏ Đông Âu, Đông Đức, Cuba và không can thiệp vào các phong trào giải phóng dân tộc và cách mạng (Kenedy phát biểu tại Hội đồng Liên Hợp quốc 1963). Và kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai cho đến cho đến giữa thập niên 6x thế kỷ XX, chủ nghĩa đế quốc Mỹ vẫn không ngừng tấn công chủ nghĩa xã hội và các trào lưu giải phóng dân tộc.

3) Khrushchev tin rằng có thể hợp tác toàn diện với các nước đế quốc chủ nghĩa (trong điều kiện hình thành 2 hệ thống kinh tế trên phạm vi toàn cầu), đặc biệt là nước Mỹ.

Giữa Liên Xô và Mỹ “có thể tìm thấy một cơ sở cho một hành động chung vì lợi ích của toàn thể nhân loại” (Thư Khrushchev gửi J. Kenedy 30/6/1961). Khrushchev còn nói: “Chúng ta (hai nước Liên Xô và Mỹ) đều là những nước lớn mạnh nhất thế giới, nếu chúng ta liên hợp vì hòa bình thì không thể xảy ra chiến tranh được. Khi đó, nếu có kẻ điên cuồng nào muốn gây chiến tranh, chúng ta chỉ cần trỏ ngón tay ra dọa, cũng đủ buộc nó im lặng” (Hai đường lối trong vấn đề chiến tranh và hòa bình, Nxb ngoại văn, Bắc kinh).

4) Khrushchev tuyên bố chung sống hòa bình là “đường lối chung của chính sách đối ngoại của Liên Xô và tất cả các nước xã hội chủ nghĩa” (Khrushchev, Bài phát biểu tại Đại sứ quán Đông Đức ở Liên Xô, ngày 5/7/1961). – Tức là áp đặt đó là chuẩn chung cho các nước Xã hội chủ nghĩa.

5) Khrushchev tuyên bố chung sống hòa bình là “đường lối chung của Đảng Cộng sản Liên Xô và các Đảng marxist – leninist” (B.N. Ponomarev, Một số câu hỏi về phong trào cách mạng, Tạp chí Về các vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội, 1962, số 12) – Tức là áp đặt chung cho các Đảng cộng sản.

6) Khrushchev tin rằng chung sống hòa bình là điều kiện quyết định cho chiến thắng của cuộc đấu tranh cách mạng của các dân tộc trong phạm vi thế giới.

Khrushchev viện dẫn Cuba và Algeria, Hungary là các điển hình của cách mạng hòa bình đi lên chủ nghĩa xã hội, đấy là một sự xuyên tạc. Ví dụ trường hợp Hungary, Bela Kun từng viết: “Từ khi thành lập Đảng Cộng sản cho đến khi cướp chính quyền, sự xung đột vũ trang với bộ máy chính quyền tư sản vẫn diễn ra và ngày càng nhiều. Bắt đầu từ ngày 12 tháng 12 năm 1918, bộ đội bảo vệ Budapest cầm vũ khí xuống đường biểu tình để phản đối bộ trưởng lục quân của chính phủ lâm thời … hầu như không một ngày nào trên báo không đăng tin về cuộc xung đột đổ máu giữa binh sĩ cách mạng và công nhân với lực lượng vũ trang của chính phủ, nhất là với cảnh sát” (Bela Kun: Tạo sao cách mạng vô sản đã giành được thắng lợi ở Hungari).

7) Khrushchev tin rằng chung sống hòa bình là “cách tốt nhất để giúp cho phong trào cách mạng quốc tế đạt được mục tiêu giai cấp cơ bản” (Thư ngỏ của UBTW Đảng CSLX gửi các tổ chức đảng, người cộng sản Liên Xô, ngày 14/7/1963), và điều đó dẫn đến khả năng quá độ hòa bình của các nước tư bản chủ nghĩa sẽ được tăng lên.

Những điểm trên có gì chung với chủ nghĩa Lenin?

- Khrushchev xem Chung sống hòa bình là nguyên tắc cao nhất. Còn Lenin xem là chính sách cá biệt.

- Khrushchev xem Chung sống hòa bình là đườnng lối chung của các đảng cộng sản và công nhân. Lenin xem chỉ là khía cạnh của chính sách đối ngoại của đảng vô sản sau khi đã nắm chính quyền.

- Khrushchev xem các nước đế quốc đã yêu chuộng hòa bình rồi, sẵn sàng chung sống hòa bình rồi. Lenin thì chỉ nhằm chống lại chính sách xâm lược và chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc (tức chủ nghĩa đế quốc sẽ không bao giờ thay đổi bản chất)

- Khrushchev xem Chung sống hòa bình là sự hợp tác giai cấp trên phạm vi toàn cầu. Lenin xem là sự đấu tranh giai cấp trên phạm vi toàn cầu.

- Khrushchev tin rằng trong thời đại vũ khí nguyên tử, chiến tranh sẽ chấm dứt cho nên có thể quan niệm Chung sống hòa bình theo một kiểu khác, ít tính đấu tranh giai cấp hơn. Lenin thì xem chính sách Chung sống hòa bình như là một công cụ để thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản.

Do đó, Khrushchev không tiếp nối Chủ nghĩa Lenin về vấn đề Chung sống hòa bình.

Đồng thời Khrushchev cũng không phải là người sáng tạo ra lý thuyết về hợp tác hòa bình và thi đua hòa bình giữa các chế độ chính trị, nó xuất phát từ những quan điểm hợp tác giữa Liên Xô và Mỹ trong thời kỳ cuối của Chiến tranh Vệ Quốc, và đầu thời khôi phục kinh tế ở Liên Xô - giữa các cựu đồng minh chống phát xít với nhau, trên tinh thần quan điểm của Stalin.

Khi nói đến vấn đề: Chung sống hòa bình, hợp tác hòa bình và thi đua hòa bình giữa các chế độ chính trị, chúng ta cần phải đi đến chỗ hiểu rõ, đủ và đúng NỘI HÀM của các vấn đề. Không phải bất kỳ ai đề cập đến Chung sống hòa bình, hợp tác hòa bình và thi đua hòa bình thì đều phải theo quan điểm của Khrushchev, mà cần phải phân tích rõ quan điểm và ý định của người đề cập.

Cũng như không thể bảo rằng đồng chí Lê Duẩn "Thi đua hòa bình" theo Khrushchev vì một phát biểu khen ngợi chính sách Chung sống hòa bình và thi đua hòa bình vào năm 1961 được.



"TĂNG CƯỜNG ĐOÀN KẾT NHẤT TRÍ, TIẾN TỚI NHỮNG THẮNG LỢI MỚI" của Tổng bí thư Lê Duẩn Về Hội nghị các Đảng cộng sản và công nhân ở Moskva, được đọc tại Hội nghị TW 3 khóa III ( 5-7/1/1961).

Nguồn: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 22, Nxb CTQG, 2002, tr.61-62.

Link: http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/.../VK%20Dang%20TT%20...

Mặc dù vẫn dùng các thuật ngữ thường dùng của Hội nghị Moskva 1957, 1960. Tuy nhiên nội dung (khoanh vàng) bên trên vẫn thể hiện sự khác biệt so với cách lý giải của Khrushchev (tôi đã giải thích trong loạt bài "Võ Nguyên Giáp và Thi đua hòa bình"). Những tư tưởng này vốn đã được Lê Duẩn sử dụng từ Đề Cương cách mạng miền Nam 1956.

Một số người hoàn toàn thiếu hiểu biết về vấn đề lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nhưng lại tự cho rằng mình thông minh, ngạo mạn để đi chỗ quy chụp ông A, ông B nào đó đi theo quan điểm của Khrushchev mặc dù bản thân lại chẳng biết quan điểm đó có thực sự giống Khrushchev hay không.