STALIN VÀ ĐẠI HỘI VI CỦA ĐẢNG BÔN-SÊ-VÍCH






Đại hội VI (26/7 - 3/8/1917) của Đảng bôn-sê-vích có tầm quan trọng bậc nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản Nga và lịch sử phong trào cách mạng Nga, từ đại hội này, người ta đã chuẩn bị những vấn đề chính trị cấp thiết cho Cuộc khởi nghĩa tháng Mười vĩ đại. Đại hội VI, là kết quả của quá trình công tác đấu tranh không mệt mỏi của Le-nin kể từ khi Người về nước hồi tháng Tư 1917, cũng từ Đại hội này, quan điểm về khởi nghĩa cách mạng của Le-nin chính thức được xác lập, và trở thành cơ sở chính trị cho toàn bộ công tác chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền của Đảng bôn-sê-vích.

Đại hội VI đóng một vai trò bậc nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Stalin. Nếu trước đây, Sta-lin cũng giống như các ủy viên Trung ương khác của Đảng, từ tại Đại hội này, lần đầu tiên, Sta-lin xuất hiện với vai trò và tư cách như một lãnh tụ tiềm năng của Đảng. Nếu như trước đây, mọi công tác của Ban bí thư Trung ương Đảng do đồng chí Svéc-lốp đảm nhiệm, thì tại Đại hội VI, công tác này do Sta-lin đảm nhiệm lâm thời, vốn dĩ là một đồng chí trước nay chưa từng đảm nhiệm công tác của Ban bí thư. Có thể nói, tại Đại hội VI, Sta-lin đã thay thế Le-nin chủ trì toàn bộ Đại hội như một Tổng bí thư đích thực của Đảng (Le-nin lúc này đang ẩn náu gần Phần Lan tránh bị truy lùng của Chính phủ Lâm Thời, cho nên không thể tham gia Đại hội).

Vấn đề quan trọng đầu tiên mà Đảng bàn tới đó là việc: có nên để Le-nin ra trước tòa án của Chính phủ tư sản lâm thời hay không? Ngay từ trước Đại hội, Sta-lin đã cực liệt phản đối vấn đề này, và cho rằng không thể làm thế được vì Chính phủ tư sản lâm thời sẽ ám sát Le-nin, rằng tình hình cách mạng hòa bình đã chấm dứt, tình hình bắt bớ, đàn áp và thủ tiêu cách mạng do Chính phủ Lâm thời tổ chức đã xảy ra, để Le-nin ra tòa án là đem nộp lãnh tụ của Đảng cho giai cấp tư sản.Oóc-giô-ni-kít-de đã bày tỏ ủng hộ quan điểm của Sta-lin tại Đại hội, đồng chí phát biểu:

" Đối với chúng, điều quan trọng là loại trừ đến mức tối đa những người lãnh đạo khỏi hàng ngũ của đảng cách mạng. Chúng ta không được nộp đồng chí Le-nin trong bất cứ trường hợp nào ". (Trích "Đại hội VI của Đảng CNXHDCNga, tháng Tám 1917", Moskva, 1934, tr.32).

Đồng chí Dẹc-din-xki đã tán thành báo cáo đó:

" Chúng ta phải nói rõ ràng và đích xác là đồng chí đã làm đúng khi khuyên Le-nin...đừng để cho chúng bắt. Chúng ta phải đáp rõ ràng chiến dịch kích động do báo chí tư sản mở ra hòng phá hoại hàng ngũ công nhân"  - (Trích "Đại hội VI của Đảng CNXHDCNga, tháng Tám 1917", Moskva, 1934, tr.32).

Một số ít đại biểu của Đảng đã ủng hộ việc Le-nin ra tòa án như Vô-lô-đa-xki, La-sê-vích, … cho rằng có thể biến vụ xử án Le-nin thành việc lên án Chính phủ, rằng, chỉ có lợi cho Đảng mà thôi. Nhưng rõ ràng, đa số trong Đảng lại nhận thức hoàn toàn khác, vụ đàn áp tháng Bảy 1917 vừa qua đã cho thấy rằng không thể cách mạng bằng con đường hòa bình nữa, và Chính phủ tư sản Lâm Thời không còn thể xử sự nhã nhặn nữa, nộp Le-nin cho Chính phủ tư sản Lâm thời tức là đẩy lãnh tụ cách mạng vào chỗ chết. Đại đa số ủy viên Trung ương đã tán thành quan điểm của Sta-lin và báo cáo của đồng chí Oóc-giô-ni-kít-de về việc Le-nin không thể ra tòa án giai cấp tư sản được.

Tại Đại hội VI, Sta-lin đã có hai báo cáo quan trọng nhất: Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương và Báo cáo tình hình chính trị. Trong Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương, đồng chí Sta-lin đã phân tích tình hình tháng Bảy và chiến thuật của Đảng trong giai đoạn vừa qua, tổng kết và đề ra những vấn đề sẽ quyết định sự tiến triển và chung cuộc của cách mạng Nga. Đồng chí Sta-lin phát biểu:

" Trước khi chuyển sang bản báo cáo về hoạt động chính trị của Ban chấp hành Trung ương trong hai tháng rưỡi vừa qua tôi cần nêu rõ một việc chủ yếu đã quyết định hoạt động của Ban chấp hành Trung ương. Tôi muốn nói đến sự phát triển của cách mạng. Sự phát triển này đề ra vấn đề can thiệp vào lĩnh vực các quan hệ kinh tế bằng cách kiểm soát nền sản xuất, trao lại ruộng đất cho nông dân, chuyển quyền hành từ giai cấp tư sản sang các Xô viết đại biểu công nhân và binh sĩ. Tất cả những cái đó quyết định tầm sâu sắc của cách mạng. Nó bắt đầu có tính chất một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa của công nhân " (Trích "Đại hội VI của Đảng CNXHDCNga, tháng Tám 1917", Moskva, 1934, tr.14-15).

Bản báo cáo thứ hai của Sta-lin nói về chiến thuật của Đảng trong giai đoạn mới. Sau những ngày tháng Bảy, tình hình chính trị chuyển biến rõ rệt. Tình hình hồi cách mạng tháng Hai đã thay đổi, giờ đây đã nghiên hẳn về Chính phủ tư sản Lâm thời, nguyên nhân là do các Xô viết có đại diện của phái Men-sê-vích và xã hội cách mạng chiếm đa số đã ngả hẳn về Chính phủ tư sản Lâm thời, làm cho tình hình hai chính quyền song song cùng tồn tại đã chấm dứt. Giờ đây, Chính phủ tư sản Lâm thời và bọn cải lương chủ nghĩa đang chỉa hết mũi dùi vào đảng bôn-sê-vích. Giờ đây, mọi khả năng phát triển hòa bình của cách mạng đã biến mất, giờ đây chỉ còn có khả năng khởi nghĩa giành chính quyền mới giúp cho giai cấp công nhân nắm lấy chính quyền.

Sta-lin đề nghị tạm rút khẩu hiệu “Chính quyền về tay các Xô viết”, đặt ra vấn đề trước nhất là phải bôn-sê-vích hóa các Xô viết đại biểu, nếu ngay lúc này khi Xô viết còn nằm dưới ảnh hưởng của phái men-sê-vích và xã hội cách mạng, thì việc giành chính quyền vào tay họ cũng chẳng thể làm họ khác Chính phủ tư sản lâm thời - vốn cũng là do đại biểu của men-sê-vích, xã hội cách mạng thỏa hiệp với một số đại biểu tư sản. Nói cách khác, tình hình lúc này là cả Chính phủ tư sản và Xô viết đều do bọn phản cách mạng nắm giữ, chỉ có bôn-sê-vích hóa Xô viết, rồi sau đó mới giương lại lá cờ “Chính quyền về tay các Xô viết” thì mới có thể làm cho cách mạng xã hội chủ nghĩa đi đến chỗ thắng lợi được.

Đồng chí Sta-lin nói:

" Nhưng chiến tranh kéo dài, tai họa kinh tế thêm trầm trọng, cách mạng tiếp tục, càng ngày càng có tính chất xã hội chủ nghĩa. Không gì ngăn cản nổi cách mạng thâm nhập vào lĩnh vực sản xuất nên vấn đề kiểm soát được đặt ra. Không gì ngăn cản nổi cách mạng thâm nhập vào lĩnh vực nông nghiệp nên vấn đề đặt ra là không những tịch thu ruộng đất, mà cả gia súc sống và chết… Một số đồng chí đã nói rằng ở nước ta, chủ nghĩa tư bản kém phát triển, cho nên đề ra vấn đề cách mạng xã hội chủ nghĩa là không tưởng. Nếu như không có chiến tranh, không có tàn phá, nếu như những nền tảng của nền kinh tế quốc dân không bị lung lay thì họ có lý. Nhưng các vấn đề liên quan đến sự can thiệp vào lĩnh vực kinh tế được đặt ra ở khắp các nước như những vấn đề khẩn thiết. Nó đã được đặt ra ở nước Đức và người ta đã không cần đến sự tham gia trực tiếp và tích cực của quần chúng. Ở nước Nga chúng ta thì lại khác. Ở ta, sự tàn phá ghê gớm hơn. Mặt khác, trong điều kiện chiến tranh, chưa đâu có được tự do (không thể đàn áp nổi) như ở ta. Lại còn tổ chức to lớn của công nhân: như ở Pê-tơ-gô-rát, công nhân luyện kim đã được tổ chức tới 66%. Cuối cùng thì chưa nơi nào giai cấp vô sản có những tổ chức lớn như những Xô viết đại biểu công nhân và binh sĩ. Tất cả những cái đó loại trừ khả năng quần chúng công nhân không can thiệp vào đời sống kinh tế. Đó là cơ sở thực sự của vấn đề cách mạng xã hội chủ nghĩa như đã được đặt ra ở nước Nga chúng ta " ( Trích "Đại hội VI của Đảng CNXHDCNga, tháng Tám 1917", Moskva, 1934, tr.108)

Sta-lin kết luận:

" Trước ngày 3 tháng Bảy, có thể chiến thắng một cách hòa bình, chuyển chính quyền cho các Xô viết một cách hòa bình. Nếu Đại hội các Xô viết đã quyết định nắm lấy chính quyền thì tôi cho rằng bọn Ca-đê (đảng tư sản) sẽ không dám công khai chống lại Xô viết, vì một hành động như thế sẽ bị thất bại ngay trong trứng. Nhưng bây giờ, khi bọn phản cách mạng đã được tổ chức và tăng cường, mà rằng nói rằng các Xô viết có thể giành chính quyền bằng con đường hòa bình thì là điều vô nghĩa. Giai đoạn hòa bình của cách mạng đã chấm dứt, giai đoạn không hòa bình đã tới, giai đoạn của những xung đột và những sự bùng nổ " (Trích "Đại hội VI của Đảng CNXHDCNga, tháng Tám 1917", Moskva, 1934, tr.111).

Đại hội VI quả là một “trường học lãnh tụ” dành cho Sta-lin khi đứng giữa các ủy viên xuất sắc của Đảng, những ủy viên từng dày dạn qua bao thử thách gian khó của cách mạng, từng bị truy sát, tù đày, tra tấn. Không phải trong Đại hội chỉ có một luồng ý kiến duy nhất, mà thậm chí là có nhiều. Đồng chí Sta-lin đã đánh bại toàn bộ các luồng ý kiến khác bằng một cuộc tranh luận công khai giữa Đại hội, bằng cách phân tích và biện luận. Với lối tư duy lô-gích, đầu óc nhạy bén và sâu sắc, Sta-lin đã đánh bại các quan điểm của các lãnh tụ khác của Đảng và vạch ra một con đường duy nhất đúng cho cách mạng lúc bấy giờ, đó là con đường khởi nghĩa cách mạng do lãnh tụ Le-nin đã đề xuất từ trước đó, bản lĩnh chính trị của Sta-lin là ở chỗ ông đã biện luận xuất sắc quan điểm Le-nin, từ chỗ là trong thời điểm Đại hội có rất nhiều luồng ý kiến đi đến chỗ kết thúc Đại hội đã có một Nghị quyết chung và thống nhất được đa số đại biểu của Trung ương tán thành. Nghị quyết Đại hội VI đã có một ý nghĩa chính trị cực kỳ to lớn, đó là thắng lợi của Chủ nghĩa Le-nin, đồng thời là quá trình Le-nin-nít hóa đảng bôn-sê-vích.

Đồng chí Nô-ghin đã đáp lại quan điểm của Sta-lin như sau:

" Giữa quyết nghị của đồng chí Sta-lin và những quyết nghị của Hội nghị tháng Tư có gì khác nhau ? Hồi ấy chúng ta cho rằng chúng ta chưa sẵn sàng để chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Thưa các đồng chí, liệu có thật là trong hai tháng nước chúng ta đã nhảy vọt mạnh đến nỗi đã sẵn sàng chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa được không ? " (Trích "Đại hội VI của Đảng CNXHDCNga, tháng Tám 1917", Moskva, 1934, tr.124).

Đại biểu đảng bộ Mát-xcơ-va, Ang-ga-xki phát biểu:

" Nhưng tôi không đồng ý với đồng chí Sta-lin nói rằng chúng ta phải nhảy qua cách mạng tư sản để tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Sta-lin nói: “Chúng ta có những điều kiện thuận lợi - ở nước Nga, tới 70% công nhân đã được tổ chức…? Nhưng như thế vẫn còn quá ít đối với cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta không có lực lượng hậu bị. Lực lượng hậu bị, đó là giai cấp nông dân cách mạng trong lúc này và chỉ cách mạng cho đến khi được ruộng đất. Bước nhảy vọt cần thực hiện mà đồng chí Sta-lin đề nghị, không phải là một chiến thuật mác-xít, mà là chiến thuật của sự tuyệt vọng, giờ đây không được biện minh cho cả " (Trích "Đại hội VI của Đảng CNXHDCNga, tháng Tám 1917", Moskva, 1934, tr.111-112)

Đồng chí Iu-rê-nép đã ủng hộ lập luận của Nô-ghin, đồng chí phát biểu:

" Nếu Đảng chúng ta chấp nhận quyết nghị của Sta-lin, chúng ta sẽ nhanh chóng đi tới chỗ tách giai cấp vô sản khỏi giai cấp nông dân và quảng đại quần chúng nhân dân. Điều người ta cổ súy ở đây, về thực chất, là chuyên chính vô sản " (Trích "Đại hội VI của Đảng CNXHDCNga, tháng Tám 1917", Moskva, 1934, tr.114)

Phản biện lại các lập luận phản đối, đồng chí Sta-lin đã chứng minh một cách rõ ràng rằng đề nghị tại Đại hội VI của đồng chí là tiếp tục con đường mà Luận cương tháng Tư nổi tiếng mà Lenin đã đưa ra, đồng chí phát biểu:

" Bây giờ, tôi xin nói vài lời với các đồng chí Ang-ga-xki và Nô-ghin về chủ nghĩa xã hội. Ngay ở hội nghị tháng Tư chúng ta đã nói là đã đến lúc tiến những bước đầu theo hướng chủ nghĩa xã hội " (Trích "Đại hội VI của Đảng CNXHDCNga, tháng Tám 1917", Moskva, 1934, tr.139)

Sta-lin đã lấy Nghị quyết của Hội nghị tháng Tư và trích vài dòng:

" Giai cấp vô sản Nga, hoạt động ở một trong những nước lạc hậu nhất châu Âu, giữa một quần chúng tiểu nông, không thể để cho mình mục đích là thực hiện ngay những sự cải tạo xã hội chủ nghĩa.

Nhưng, nếu từ đó mà kết luận rằng giai cấp công nhân cần phải ủng hộ giai cấp tư sản, hoặc giới hạn hoạt động của mình trong một khuôn khổ mà giai cấp tiểu tư sản có thể chấp nhận được, hoặc do đó mà từ bỏ vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản khi phải giải thích cho nhân dân về sự cần thiết của một phương sách thực tế đã chín muồi và nhằm đạt tới chủ nghĩa xã hội, thì sẽ phạm phải một sai lầm lớn nhất, và thực tế còn là hoàn toàn đứng về phe giai cấp tư sản " (Trích "Đại hội VI của Đảng CNXHDCNga, tháng Tám 1917", Moskva, 1934, tr.139)

Sta-lin tiếp tục chỉ rõ:

" Các đồng chí đã lạc hậu mất ba tháng. Và cái gì đã xảy ra trong ba tháng đó ? Giai cấp tiểu tư sản đã phân hóa, những tầng lớp dưới tách khỏi những tầng lớp trên, giai cấp vô sản tổ chức lại, thảm họa kinh tế lan rộng càng đòi hỏi cấp thiết phải ghi vào chương trình nghị sự vấn đề kiểm soát của công nhân (Pê-tơ-gô-rát, miền Đôn-bát). Mọi việc điều biện hộ cho những luận đề đã được thông qua hồi tháng Tư. Thế mà các đồng chí lại thụt lùi "  (Trích "Đại hội VI của Đảng CNXHDCNga, tháng Tám 1917", Moskva, 1934, tr.139-140).

Đồng chí Mô-lô-tốp đã bênh vực Sta-lin:

" Giai cấp tư sản phản cách mạng đã hủy bỏ mọi quyền tự do, đã chiến thắng rõ ràng, và vì thế mà sau cuộc khủng hoảng những ngày 3-5 tháng Bảy, việc trao lại chính quyền cho các Xô viết một cách hòa bình không thể có được nữa. Về điểm này, không có sự bất đồng giữa các đồng chí.

Bước ngoặt chính là ở chỗ tính chất hòa bình của cuộc cách mạng đã thay đổi. Chỉ có thể giành chính quyền bằng bạo lực. Chỉ có giai cấp vô sản và nông dân nghèo là muốn giành chính quyền, họ có thể làm và họ sẽ làm việc đó vì lợi ích của đa số mà họ là đại diện " (Trích "Đại hội VI của Đảng CNXHDCNga, tháng Tám 1917", Moskva, 1934, tr.132-133)

Tại Đại hội, Bu-kha-rin đã không tán thành quan điểm của Sta-lin, lập luận như sau:

" Giai đoạn thứ nhất, với sự tham gia của giai cấp nông dân muốn được ruộng đất, giai đoạn thứ hai, sau khi nông dân được thỏa mãn và tách ra, là giai đoạn cách mạng vô sản, khi giai cấp vô sản nước Nga sẽ chỉ còn được sự ủng hộ của những phần tử vô sản và giai cấp vô sản Tây Âu " (Trích "Đại hội VI của Đảng CNXHDCNga, tháng Tám 1917", Moskva, 1934, tr.134).

Luận điểm này của Bu-kha-rin đã lập lại các luận điểm của Ka-mê-nép tại Hội nghị tháng Tư và sau này giống hệt quan điểm của Trốt-xki về việc xung đột giữa vô sản và nông dân trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Bu-kha-rin đã đặt ra một lành ranh: hoặc là đi với nông dân, thì sẽ không có cách mạng xã hội chủ nghĩa; hoặc là giai cấp vô sản đi một mình, thì mới gọi là cách mạng xã hội chủ nghĩa (tức là từ bỏ liên minh công - nông của Le-nin).

Sta-lin đã phê phán quan điểm đó của Bu-kha-rin, cũng như là quan điểm của Ka-mê-nép và sau đó là của Trốt-xki:

" Đồng chí Bu-kha-rin nhìn triển vọng cách mạng như thế nào ? Lối phân tích của đồng chí sai ngay từ gốc. Theo đồng chí ấy thì trong chặng đường thứ nhất, chúng ta tiến tới cách mạng nông dân. Thế nhưng nó không thể không gặp, không trùng với cách mạng công nhân. Giai cấp công nhân, đội tiền phong của cách mạng, không thể đồng thời đấu tranh cho những yêu sách của chính mình. Cho nên tôi cho rằng đồng chí Bu-kha-rin chưa suy nghĩ kỹ về đề án của mình. Chặng đường thứ hai, theo đồng chí Bu-kha-rin, là cuộc cách mạng vô sản được Tây Âu ủng hộ, không có nông dân tham gia, vì họ đã được ruộng đất và tự coi đã toại nguyện. Nhưng cuộc cách mạng này chống lại ai ? Trong đề án vô giá trị của mình, đồng chí Bu-kha-rin không trả lời câu hỏi đó"  (Trích "Đại hội VI của Đảng CNXHDCNga, tháng Tám 1917", Moskva, 1934, tr.138-139)

Ở đây Bu-kha-rin đã đánh đồng và không nhận ra rằng nông dân đã bị phân hóa, rằng nông dân cũng có nhiều hạng. Những tầng lớp nông dân nghèo thì đi với vô sản, đặt dưới sự lãnh đạo của vô sản.

Prê-bra-giê-xki, về sau là một trốt-kít, đã khẳng định rằng chủ nghĩa xã hội không thể thắng lợi ở một nước đơn nhất và phản đối Sta-lin, đồng chí ấy đề nghị:

"Tôi đề nghị thảo đoạn cuối quyết nghị một cách khác: để hướng quyền lực đó vào hòa bình và chủ nghĩa xã hội, với điều kiện là có một cuộc cách mạng vô sản ở phương Tây" (Trích "Đại hội VI của Đảng CNXHDCNga, tháng Tám 1917", Moskva, 1934, tr.233)

Sta-lin đã phê phán Prê-bra-giê-xki và quan điểm của Trốt-xki về chủ nghĩa xã hội không thể thắng trong một nước tại Đại hội VI như sau:

"Tôi không đồng ý để bản nghị quyết kết thúc như vậy. Khả năng chính nước Nga sẽ mở đường cho chủ nghĩa xã hội không phải là không có. Cho đến ngày nay, chưa nước nào được hưởng tự do như nước Nga, hoặc thử thực hiện quyền công nhân kiểm soát sản xuất. Ngoài ra, cơ sở cách mạng của chúng ta lại rộng hơn ở Tây Âu, nơi mà giai cấp vô sản hoàn toàn bị cô lập, đứng đối diện với giai cấp tư sản. Ở nước chúng ta, công nhân được các tầng lớp nông dân nghèo ủng hộ… Phải vứt bỏ ý kiến lỗi thời cho rằng chỉ có châu Âu mới có thể chỉ đường cho chúng ta. Có chủ nghĩa mác-xít giáo điều và chủ nghĩa mác-xít sáng tạo. Tôi đứng trên lập trường chủ nghĩa mác-xít sáng tạo" (Trích "Đại hội VI của Đảng CNXHDCNga, tháng Tám 1917", Moskva, 1934, tr.233-234)

Những lời phản biện của Sta-lin đã đập tan hoàn toàn các luận điệu của các lãnh tụ bôn-sê-vích đương vẫn còn dao động, đương còn đang bối rối vì tình hình phát triển rất mau lẹ của cách mạng Nga. Như vậy, tại Đại hội VI của Đảng, giữa các lãnh tụ và các Ủy viên Trung ương của Đảng, Sta-lin nổi bật lên như vai trò của một người dẫn dắt. Nghị quyết của Đại hội về tiến hành khởi nghĩa vũ trang, về tính chất cuộc cách mạng, về những nhiệm vụ cần kíp để tiến hành đấu tranh cách mạng và bảo vệ đầu não cách mạng - sinh mệnh của Le-nin, trên thực tế là sự tán đồng của đại đa số Ban chấp hành Trung ương đối với hai bản báo cáo của đồng chí Sta-lin và những người bạn chiến đấu khác như Oóc-giô-ni-kít-de, Mô-lô-tốp, Dẹc-din-xki, …

Trong lịch sử của Đảng cộng sản Liên Xô, lịch sử cách mạng Nga, lịch sử Cách mạng tháng Mười, Đại hội VI có một tầm vóc quan trọng đặc biệt. Nếu Hội nghị Trung ương tháng Tư đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại dưới sự lãnh đạo của Le-nin để chuyển hướng cuộc cách mạng tư sản đi vào con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa; thì tại Đại hội VI, dưới sự lãnh đạo của Sta-lin, Svéc-lốp, Mô-lô-tốp, Oóc-giô-ni-kít-de, …. Đảng hướng toàn bộ công tác của mình vào công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Tại Đại hội, trong các bài diễn văn và tranh luận, Sta-lin đã thể hiện tư tưởng của Le-nin trong từng vấn đề chiến lược và chiến thuật, từ đó ông tập hợp chung quanh mình những đồng chí Le-nin-nít kiên trung nhất và đưa Đảng đi theo con đường đúng đắn nhất.

Có thể nói đối với Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười, Sta-lin đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc chuẩn bị những cơ sở chính trị cho nó, một Đảng được vũ trang với tinh thần sẵn sàng giành lấy chính quyền!

P/s: Lúc này thì đồng chí Trốt-xki đang ở đâu ? Đến tháng 8/1917 thì đồng chí Trốt-xki mới tham gia vào Đảng bôn-sê-vích. Trước đó, Trốt-xki hoạt động trong phái giữa với tên gọi là nhóm “liên khu vực”, nhóm này gồm có một số bôn-sê-vích trước đã ra khỏi hàng ngũ và bất đồng với Le-nin, và một số khác là men-sê-vích. Trước tình hình chuyển biến của khủng hoảng tháng Bảy, nhóm này đã đề nghị với Le-nin được gia nhập đảng bôn-sê-vích và tại Đại hội VI, nhóm này mới được kết nạp vào Đảng, do đó, đồng chí Trốt-xki không đóng góp trong công tác của đảng bôn-sê-vích tại Đại hội VI.