Về vấn đề "Chủ nghĩa xã hội trong phạm vi một nước"




Năm 1936, Stalin đã khẳng định rằng chủ nghĩa xã hội đã được thiết lập trên toàn bộ lãnh thổ bao la của nước Nga Xô viết. Và lẽ dĩ nhiên, đối với những người ít hoặc chưa nghiên cứu đến nơi đến chốn chủ nghĩa Lenin đều lầm tưởng rằng, quan điểm “Chủ nghĩa xã hội có thể thắng lợi trong phạm vi một nước” đấy là một sáng tạo của Stalin. 

Năm 1936, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, hình thức kinh tế xã hội chủ nghĩa đã mở rộng toàn bộ phạm vi một quốc gia và nó tạo ra những tiền đề cho việc tuyên bố Liên Xô đã tiến vào thời kỳ xã hội chủ nghĩa. Bước ngoặt lớn lao đó của đất nước gắn với tên tuổi của Stalin. 

Thực tế mà nói, niềm tin về thắng lợi trong phạm vi một nước của Stalin bắt nguồn từ Lenin, từ một luận điểm rất nổi tiếng mà Người nêu ra từ tháng Tám 1915: 

Sự phát triển không đồng đều về kinh tế và chính trị là một quy luật tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản. Do đó mà kết luận rằng chủ nghĩa xã hội có thể thắng lợi bước đầu trong một số ít nước tư bản chủ nghĩa hoặc thậm chí chỉ trong một nước tư bản chủ nghĩa tách riêng mà nói. Giai cấp vô sản chiến thắng của nước đó, sau khi đã tích thu tài sản của bọn tư bản và đã tổ chức NỀN SẢN XUẤT XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TRONG NƯỚC MÌNH, sẽ đứng lên chống lại cái phần thế giới tư bản chủ nghĩa còn lại, bằng cách lôi cuốn những giai cấp bị áp bức ở các nước khác theo mình, bằng cách thúc đẩy họ nổi dậy chống bọn tư bản, bằng cách sử dụng khi cần, ngay cả lực lượng quân sự, để chống lại các giai cấp bóc lột và Nhà nước của chúng” (1) (Tác phẩm Bàn về khẩu hiệu liên bang châu Âu của Lenin). 

Sẽ có người biện hộ rằng đó chỉ là lời nói của Lenin trước khi Đảng Bolshevik nắm chính quyền mà thôi, rằng tình hình sau Cách mạng tháng Mười hoàn toàn khác. Được ! Vậy chúng ta thử trích những lời Người dạy trong cuốn “Bàn về chế độ hợp tác” năm 1923 ra sao: 

Thật vậy, việc chính quyền Nhà nước chi phối hết thảy mọi tư liệu sản xuất chủ yếu, việc giai cấp vô sản nắm giữ chính quyền Nhà nước, việc giai cá6p vô sản liên minh với hành triệu và hàng triệu tiểu nông và tiểu nông, việc giai cấp vô sản nắm vững quyền lãnh đạo nông dân … - phải chăng những việc đó không phải là tất cả những thứ cần thiết để có thể xây dựng, với việc hợp tác hóa và chỉ riêng với việc hợp tác hóa mà trước đây chúng ta coi là có tính chất con buôn, và bây giờ đây, dưới Chính sách kinh tế mới, về một vài mặt nào đó, chúng ta vẫn có quyền coi như thế - PHẢI CHĂNG NHỮNG VIỆC ĐÓ KHÔNG PHẢI LÀ TẤT CẢ NHỮNG THỨ CẦN THIẾT ĐỂ XÂY DỰNG MỘT XÃ HỘI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TOÀN VẸN HAY SAO ? Đó chưa phải là xây dựng xong xã hội xã hội chủ nghĩa, nhưng đó là tất cả những cái cần thiết và đầy đủ để làm việc xây dựng đó” (2). (Tác phẩm Bàn về chế độ hợp tác của Lenin). 

Vấn đề “Chủ nghĩa xã hội có thể thắng lợi trong phạm vi một nước” đã được Stalin đề cập lần đầu tiên trong cuốn sách: Những vấn đề của chủ nghĩa Lenin vào năm 1924. Lập luận đó thực chất là lặp lại những lời nói của Lenin, mà thực ra trong đấy ông ta cũng trích lại lời Lenin. 

Như chúng ta đã biết, Trotsky - đối thủ chính trị của Stalin đã di đến chỗ phủ định rằng: Liên Xô chưa bao giờ xây dựng xong chế độ Xã hội chủ nghĩa. Đến hiện nay, ở Việt Nam, kể cả ngay trong hàng ngũ của đảng vẫn có người chưa tin là Liên Xô đã xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tôi xin trích lời Trotsky trong cuốn "Cuộc cách mạng bị phản bội", như sau: 

Marx gọi giai đoạn đầu của xã hội mới ấy là “giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản”, phân biệt với giai đoạn cao, trong đó sự bất bình đẳng vật chất biến mất cùng với cái bóng ma cuối cùng của sự thiếu thốn. Học thuyết của Nhà nước Xô viết hiện nay nói: “Lẽ tự nhiên, chúng ta chưa phải đã có chủ nghĩa cộng sản hoàn chỉnh, nhưng chúng ta đã thực hiện được chủ nghĩa xã hội, tức là giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản”. Và để làm chỗ dựa cho luận đề đó người ta nêu ra ưu thế tuyệt đối của các trust. Nhà nước trong công nghiệp, trong các nông trường tập thể, trong nông nghiệp, các xí nghiệp quốc hữu hóa và hợp tác hóa, trong thương nghiệp. Thoạt nhìn, có vẻ ăn khớp hoàn toàn với sơ đồ tiên nghiệm - và do đó mang tính giả định – của Marx. Nhưng cũng chính theo quan điểm marxist, vấn đề không chỉ ở các hình thức của sở hữu, độc lập với hiệu suất lao động. Bất luận truờng hợp nào, Marx hiểu “giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản” là của một xã hội mà sự phát triển kinh tế ngay từ đầu đã phải cao hơn sự phát triển kinh tế của chủ nghĩa tư bản tiên tiến. Về lý thuyết, cách đặt vấn đề như vậy là không thể chê được, bởi ở chủ nghĩa cộng sản, xét trên quy mô toàn thế giới, ngay từ giai đoạn mở đầu, ngay từ khởi điểm, phải ở một mực cao hơn so với xã hội tư bản. Vả lại, Marx vẫn trông chờ người Pháp mở đầu cách mạng xã hội chủ nghĩa, người Đức sẽ tiếp tục và người Anh hoàn thành. Còn người Nga thì đứng xa ở hậu cứ. Thực tế đã đảo ngược lại. Trong giai đoạn phát triển của Liên Xô hiện nay, nếu cứ muốn áp dụng máy móc quan điểm thế giới của Marx về lịch sử vào trường hợp đặc biệt của Liên xô thì sẽ rơi ngay vào những mâu thuẫn không gỡ ra được. 

Nước Nga không phải là mắt xích bền nhất mà là mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa tư bản. Liên xô hiện nay chưa vượt được trình độ của kinh tế thế giới, nó còn phải đuổi kịp các nước tư bản. Nếu cái xã hội dựa trên cơ sở xã hội hóa các lực lượng sản xuất của các nước tư bản tiên tiến nhất đối với Marx là “giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản”, định nghĩa ấy rõ ràng không vận dụng được cho trường hợp Liên xô, hiện vẫn còn rất nghèo so với các nước tư bản, xét về mặt kỹ thuật, tài sản và văn hóa. Vậy, định nghĩa chế độ Xô viết hiện nay, với tất cả những mâu thuẫn của nó, không phải là xã hội chủ nghĩa mà là quá độ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, hoặc chuẩn bị cho chủ nghĩa xã hội thì đúng hơn” (Xem tác phẩm Cuộc cách mạng bị phản bội của Trotsky). 

Như vậy, quan điểm của Trotsky có thể tóm tắt như sau: Liên Xô không phải là nước xã hội chủ nghĩa vì vẫn còn nghèo hơn so với các nước tư bản, xét về mặt kỹ thuật, tài sản và văn hóa kể cả khi nó đã xã hội hóa tư liệu sản xuất, cho nên vẫn còn nằm trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội chứ không phải là chế độ xã hội chủ nghĩa. 

Các đồng chí thân mến, Marx không dạy cho các “học trò” của mình bất kỳ một tiêu chuẩn nào lạ đời như vậy về chủ nghĩa xã hội. 

Thứ nhất, nói đến "chủ nghĩa xã hội" tức là phải nói đến chế độ sở hữu, nói đến phương thức sản xuất, nói đến trình độ là có, nhưng không phải trọng tâm. Trotsky biện minh như thế này “Trong giai đoạn phát triển của Liên Xô hiện nay, nếu cứ muốn áp dụng máy móc quan điểm thế giới của Marx về lịch sử vào trường hợp đặc biệt của Liên xô thì sẽ rơi ngay vào những mâu thuẫn không gỡ ra được”. 

Tất nhiên, thời đại của Marx đã khác xa tình hình lúc bấy giờ của Liên Xô, song, việc vận dụng Chủ nghĩa Marx không vì thế mà thay đổi thế giới quan. Vậy thay đổi cái gì ? Đó là thay đổi về chiến lược và chiến thuật của cách mạng. Ví dụ, chúng ta nói đến Chủ nghĩa Lenin. Chủ nghĩa Lenin được định nghĩa là sự áp dụng và sáng tạo chủ nghĩa Marx trong thời đại của chủ nghĩa đế quốc. Nhưng ta không thể coi Chủ nghĩa Lenin là một cái gì độc lập với Chủ nghĩa Marx và tách biệt nó khỏi Chủ nghĩa Marx. Mà thực chất, Chủ nghĩa Lenin, nói cho đúng hơn, là lý luận của chủ nghĩa Marx về chiến lược và sách lược của cách mạng vô sản nói chung, của chuyên chính vô sản nói riêng trong thời đại đế quốc chủ nghĩa. Do đó, Chủ nghĩa Lenin hoàn toàn không tách rời chủ nghĩa Marx về phương diện thế giới quan, mà nó chỉ thay đổi chiến lược và sách lược của cách mạng vô sản cho phù hợp với tình hình thực tiễn của phong trào cách mạng vô sản mà thôi. Ở đây, Trotsky với sự biện minh rằng Liên Xô là "trường hợp đặc biệt", nên đã "đòi hỏi" thay đổi cách nhìn nhận đi, thế giới quan của Marx không còn đúng trong trường hợp này nữa, thế thì khác gì là phủ định Chủ nghĩa Marx ? 

Thứ hai, các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Marx dạy rằng: 

Trong bức thư Engels gửi O.Benigk vào tháng Tám 1890, ông viết: 

Theo tôi, cái gọi là “xã hội xã hội chủ nghĩa” không phải là bất biến, mà nó giống như hết thảy mọi hệ thống xã hội khác, luôn hình thành trong trạng thái không ngừng thay đổi. Sự khác biệt của nó so với xã hội hiện nay là ở chỗ nền sản xuất được tổ chức trên cơ sở chế độ công hữu về tư liệu sản xuất” (Xem thư gửi O. Benigk của Engels). 

Dường như Engels đã không đặt ra vấn đề trình độ trong việc cắt nghĩa thuật ngữ “xã hội xã hội chủ nghĩa”. 

Trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng, V.I. Lenin đã viết như thế này: 

Chính chủ nghĩa cộng sản ấy, xã hội vừa mới thoát thai từ chủ nghĩa tư bản và, về mọi phương diện, vẫn còn mang dấu vết của xã hội cũ, Marx gọi là giai đoạn “đầu” hay giai đoạn thấp của xã hội cộng sản chủ nghĩa. Tư liệu sản xuất không còn là của riêng cá nhân nữa, mà thuộc về toàn xã hội. Mỗi thành viên trong xã hội, khi đã hoàn thành một phần nào đó của lao động xã hội - tất yếu, thì được xã hội cấp cho một giấy chứng nhận ấy, người đó sẽ được lĩnh trong các kho công cộng chứa vật phẩm tiêu dùng, một số lượng sản phẩm thích ứng. Vì vậy, sau khi đã khấu trừ số lượng lao động góp vào quỹ chung của xã hội, thì mỗi công nhân sẽ lĩnh được của xã hội một phần bằng phần mình đã cống hiến cho xã hội” (3) (Xem tác phẩm Nhà nước và cách mạng của Lenin). 

Rất rõ ràng rằng khi nói đến chủ nghĩa xã hội, Lenin nhấn mạnh nhiều đến chế độ sở hữu và chế độ phân phối của cải vật chất, hơn là một cái tiêu chuẩn kỳ lạ nào đó về trình độ. 

Trong tác phẩm “Thường thức chính trị” của Hồ Chủ tịch, Người đúc kết những đặc điểm của chủ nghĩa xã hội như sau: 

Cǎn cứ theo tình hình thực tế ở Liên Xô, thì thấy đặc điểm của chủ nghĩa xã hội là: 1- Công cụ sản xuất và tư liệu sản xuất đều là của chung. ở nông thôn thì có nông trường chung. Ngoài nông trường, nông dân vẫn có ít của riêng như: nhà ở, lợn gà, vườn trồng rau, một con bò sữa, nghề phụ, v.v.. 2- Tư bản, địa chủ, phú nông không có nữa. Chỉ có công nhân và nông dân. Không ai bóc lột họ; cố nhiên họ cũng không bóc lột ai. Khoa học ngày càng phát triển, máy móc ngày càng nhiều, cho nên công nhân và nông dân ngày càng đỡ khó nhọc. 3- Nguyên tắc sinh hoạt là: “Ai không làm thì không được ǎn” và “làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít”. 4- Kinh tế có kế hoạch. Cả nước có một kế hoạch chung. Mỗi ngành theo kế hoạch chung đó mà đặt kế hoạch riêng: Sản xuất thứ gì và bao nhiêu. Mục đích là nâng cao đời sống của nhân dân và củng cố quốc phòng của Tổ quốc. Do kinh tế có kế hoạch, mà không có nạn khủng hoảng, không có nạn thất nghiệp; mà sức sản xuất thì phát triển mau chóng. 5- Không có sự đối lập giữa thành thị và thôn quê, giữa lao động chân tay và lao động trí óc. Vì thôn quê ngày càng vǎn minh, công nông ngày càng thông thái. Đặc điểm của chủ nghĩa xã hội tóm tắt là như vậy.” (4) (Xem tác phẩm Thường thức chính trị của Hồ Chí Minh). 

Như vậy, không một ai kế tục Chủ nghĩa Marx nào mà lại xem xét chủ nghĩa xã hội dựa trên …. trình độ như Trotsky cả. 

Ba là, bởi vì lập luận trên của Trotsky là phi marxist, thì nó sẽ kéo theo một loạt các quan điểm phi marxist khác. Ví dụ, chúng ta thử lấy lời nhận xét Trotsky khi nói rằng Liên Xô vẫn còn trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, không phải là chế độ xã hội chủ nghĩa. Vậy ta thử cùng đi phân tích. 

Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội về mặt thực chất là thời kỳ thi đua kinh tế giữa các thành phần kinh tế với nhau trong cùng một hệ thống kinh tế, mà ở đó Nhà nước Xã hội chủ nghĩa tạo mọi điều kiện phát triển cho thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa đến khi nó giành thắng lợi tuyệt đối trong nền kinh tế quốc dân đó. Như chúng ta biết, ngay khi Cách mạng tháng Mười thành công nước, Nga Xô viết đã quốc hữu hóa toàn bộ nền công nghiệp nặng, lần lượt sau đó là quốc hữu hóa toàn bộ ngành công nghiệp, thương nghiệp và ngoại thương; giai đoạn 1928 - 1933 căn bản đã thủ tiêu hoàn toàn giai cấp phú nông; năm 1930-1931 chấm dứt hoàn toàn kinh tế tư nhân, tư bản; năm 1934 - 1936 từng bước tập thể hóa nốt kinh tế cá thể, kinh tế hộ. Có thể nói, đến năm 1936 đã trên 99% nền kinh tế Liên Xô đã là kinh tế xã hội chủ nghĩa, chỉ có 0,1% là sản phẩm riêng của nông trang viên trong các nông trang tập thể. Năm 1936, Hiến pháp Xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô đã được ban hành dựa trên thực tế là trong hệ thống kinh tế Liên Xô đã không còn tồn tại cuộc đấu tranh giữa các thành phần kinh tế nữa, và kinh tế xã hội chủ nghĩa đã chiếm ưu thế tuyệt đối. Như vậy, nếu như năm 1936 Liên Xô vẫn còn trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội như lời Trotsky, thì có nghĩa là Liên Xô đã vi phạm luận điểm nổi tiếng của Chủ nghĩa Marx, mà chắc ai cũng biết, đó là: Tương ứng với một cơ sở hạ tầng nhất định, tất yếu sẽ sản sinh ra một kiến trúc thượng tầng phù hợp. Có nghĩa theo luận điểm của Trotsky thì Liên Xô đã cải tạo kiến trúc thượng tầng theo chế độ xã hội chủ nghĩa (thông qua bản Hiến pháp 1936), đi trước các cơ sở hạ tầng (các cơ sở kinh tế của thời kỳ quá độ). Như vậy, ta hoàn toàn có thể nhận thấy rằng, quan niệm của Trotsky đã đi đến một kết luận khác: Kiến trúc thượng tầng không nhất thiết phải phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng. Trong lý luận của Chủ nghĩa Marx, quan điểm đó:HOÀN TOÀN phi marxist. 

Chính trong luận điểm “Tương ứng với một cơ sở hạ tầng nhất định, tất yếu sẽ sản sinh ra một kiến trúc thượng tầng phù hợp” đã cho chúng ta thấy rất rõ, cơ sở hạ tầng sẽ quyết định kiến trúc thượng tầng, không có cơ sở hạ tầng tương ứng thì không thể sản sinh ra kiến trúc thượng tầng tương ứng. Tính chất phụ thuộc của kiến trúc thượng tầng vào cơ sở hạ tầng xuất phát từ tính tất yếu kinh tế đối với toàn bộ các lĩnh vực đời sống xã hội, nói rõ hơn, tính tất yếu của kinh tế phụ thuộc vào nhu cầu duy trì và phát triển các lực lượng sản xuất khách quan của xã hội; Mặt khác nữa, bản chất của lĩnh vực cơ sở hạ tầng là lĩnh vực của những quan hệ kinh tế - tức quan hệ vật chất của xã hội, còn bản chất của kiến trúc thượng tầng thuộc lĩnh vực ý thức xã hội, mà vật chất quyết định ý thức. Một số người nhầm lẫn về tính độc lập tương đối của kiến trúc thượng tầng, tuy nhiên tính độc lập tương đối chỉ khi và khi kiến trúc thượng tầng đã được sản sinh ra từ cơ sở hạ tầng tương ứng. Như vậy há chẳng phải, nếu ta coi lời Trotsky là đúng, thì đồng nghĩa ta đã đã tán thành một luận điểm phủ định chủ nghĩa Marx ? Rõ ràng, những người cộng sản, KHÔNG THỂ TÁN THÀNH quan điểm phi Chủ nghĩa Marx đó được. (Tất nhiên, không phải chỉ có mỗi luận điểm này) 

Bốn là, Trotsky nói nhiều về hiệu suất lao động, nói về trình độ, nói về văn hóa, … còn non kém của Liên Xô trong tác phẩm “Cuộc cách mạng bị phản bội”, nhưng Trotsky lại không nhắc gì đến tốc độ phát triển của hiệu suất lao động, tốc độ phát triển của trình độ khoa học kỹ thuật, tốc độ phát triển của văn hóa. Đó là sai lầm. Ví dụ, Liên Xô vào năm 1955 đã vượt Anh, Pháp, Đức về mặt kinh tế có thể coi là cường quốc thứ hai thế giới sau Mỹ. Nghĩa là chỉ trong vòng 30 năm kể từ 1925 (thời điểm chấm dứt khôi phục kinh tế) đến năm 1955, không thuộc địa, không cướp bóc, không còn bóc lột (1931 chấm dứt hoàn toàn chế độ bóc lột), thì Liên Xô đã tự tổ chức một nền kinh tế có tốc độ phát triển đến độ biến lịch sử phát triển của các siêu cường công nghiệp tư bản chủ nghĩa, vốn bằng các phương pháp cướp bóc bỉ ổi nhất, trong hàng trăm năm thành một “câu chuyện rẻ tiền”. Sự phát triển đó đã cho chúng ta thấy rằng, trong 30 năm đó Liên Xô đã đạt được một tốc độ phát triển “thần kỳ” trên toàn bộ các lĩnh vực. Chẳng hạn trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, thì trong một kỳ kinh tế kế hoạch 5 năm, Liên Xô phát triển gấp hơn 2 lần. Cụ thể là năm 1933 đạt 42 tỷ rub, thì năm 1938 là 100 tỷ rub. Hoặc chúng ta so sánh sự phát triển công nghiệp Liên Xô và các nước tư bản trong thời gian 1913 - 1938 (lấy 1913 làm mốc so) sẽ hình dung như sau: Pháp năm 1938 chỉ tăng 93,2% so với năm 1913; Đức năm 1938 so với năm 1913 là 131,6%; Anh năm 1938 so với 1913 là 113,3%; Mỹ năm 1938 so với 1913 là 120%. Như vậy có nghĩa là công nghiệp các nước tư bản hầu như chỉ tăng lên khoảng 20-30% hàng năm. Còn Liên Xô năm 1938 so với năm 1913 là 908,8%, tức là tăng hơn 9 lần. Tốc độ phát triển công nghiệp của Liên Xô tăng với tốc độ kinh khủng như vậy đấy. Tất nhiên, điều đó không thể chứng minh rằng Liên Xô năm 1938 hơn Mỹ, Anh, Pháp, .. không phải, nó chỉ cho thấy tốc độ phát triển thôi, nghĩa là cho chúng ta thấy khả năng giảm dần cách biệt (và sẽ vượt qua) của nền kinh tế Liên Xô đối với kinh tế các nước tư bản trong trong một tương lai gần. Vượt qua phần lớn các nước tư bản chủ nghĩa có bề dày lịch sử hàng trăm năm cướp bóc và bóc lột chỉ trong 30 năm, chẳng lẽ hiệu suất phát triển ấy chưa đủ minh chứng rằng: chế độ kinh tế Xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô ưu việt hơn các nước tư bản ? 

Mặc dù năm 1936, Liên Xô vẫn còn chưa đạt một hiệu suất lao động, một trình độ kỹ thuật, một nền văn hóa, … ngang nước tư bản tiên tiến nhất là Mỹ, song chính tốc độ phát triển cao trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và hiệu quả kinh tế xã hội chủ nghĩa đạt được đã đảm bảo rằng Liên Xô có thể vượt qua cả Mỹ (nếu vận hành đúng). Như vậy, thắng lợi của kinh tế Liên Xô đạt được phải là thắng lợi của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, chứ không thể coi là thắng lợi của hệ thống kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được. 

Như vậy, chúng ta có thể rút ra một số vấn đề

- Quan niệm "Chủ nghĩa xã hội có thể thắng lợi trong phạm vi một quốc gia" là quan niệm của Lenin, một đặc điểm của Chủ nghĩa Lenin. 

- Qua lập luận của Trotsky, ta dễ thấy ông ta dường như rất yếu trong việc nghiên cứu Chủ nghĩa Marx và lập luận marxist. Thường thì quan điểm mang tính chủ quan, phiến diện, thường thấy nhất là lý giải Chủ nghĩa Marx theo một góc nhìn thậm chí là xuyên tạc cả lời Marx, Engels. 

- Trên cơ sở thế giới quan của Marx, rõ ràng không gì có thể phủ nhận rằng Liên Xô đã xây dựng xong nền kinh tế XHCN và chế độ XHCN. Còn việc toàn vẹn hay chưa, thì tôi đã lý giải về hai điều kiện mà Lenin đã nêu. 

- Trotsky mặc dù tự nhận là Bolshevikist, Leninist, tỏ ra trung thành với uy tín chính trị của Lenin trong tác phẩm "Cuộc các mạng bị phản bội" nhưng dường như Trotsky không có điểm gì chung với Lenin. Thậm chí là đối nghịch với Lenin trong hầu hết các vấn đề. 

- Cuối cùng, quan điểm trên đây của Trotsky không có gì khác hơn mà chính là tiếp tục quan điểm về "Cách mạng thường trực" đã bị Lenin đánh bại trước Cách mạng tháng Mười. Trotsky trong bài tựa viết năm 1922 cho cuốn sách "Năm 1905" của mình, đã không tin tưởng vào sự thắng lợi chủ nghĩa xã hội trong một quốc gia mà trông chờ vào cách mạng châu Âu nên đã viết thế này: 

Các mâu thuẫn trong tình thế chính phủ công nhân thành lập ở một nước lạc hậu, một nước mà nông dân là đại đa số, các mâu thuẫn đó muốn được giải quyết thì chỉ còn một cách duy nhất là giải quyết trên bình diện quốc tế với cuộc cách mạng thế giới của giai cấp vô sản” (Xem tác phẩm Năm 1905 của Trotsky). Từ đó Trotsky đã đi đến cái khẩu hiệu rất nổi tiếng của ông ta: Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Châu Âu. 

Rõ ràng, Trotsky đã không tin vào khả năng thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở nước Nga ngay cả khi Lenin vẫn còn sống, thì huống hồ gì là các học trò của Lenin. Từ đầu đó đã là sự phủ định đối với chủ nghĩa Lenin

#Gấu